Hôm nay,  

Thân Mật, Trăng Mật Và... Vỡ Mật

22/07/200700:00:00(Xem: 374704)

Tác giả: Thanh Mai
Bài số 2048-1911-615vb7210707

Tác giả cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell,  Minnesota. Thanh Mai  đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Trong số này, bài “Ép Con Học Hành Quá Sức” là một trong 10 bài có số lượt người đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

Bích Giang là một cô gái có sức quyến rũ lạ lùng. Bảo cô ấy đẹp, tôi chắc là không vì mũi nàng tẹt, nhỏ xíu và cái miệng thì móm. Bảo cô ấy có duyên" Chắc thế, bởi vì đàn ông nhiều người gặp cô là chết mê chết mệt. Đôi mắt cô nàng lúc nào cũng long lanh, như mặt nước hồ thu mời mọc các lãng tử say tình; vành môi không tô son nhưng lúc nào cũng mộng đỏ như trái táo chín; và giọng nói vừa trong trẻo vừa nũng nịu...Chao ôi, từ xa xưa tôi đã đặt tên cho Bích Giang là Yêu nữ khi thấy bao nhiêu con tim đã điêu đứng vì nàng.
Người đã thế mà còn rất thông minh, lanh lợi, và...thủ đoạn. Nói là thủ đoạn thì hơi quá, nhưng nếu Bích Giang đã quyết định một chuyện gì thì bằng mọi cách cô nàng phải đạt cho dược. Không biết sao tôi cứ liên tưởng đến Bích Giang như nàng Scarlett trong "Cuốn theo chiều gió". 
Khi Bích Giang tốt nghiệp kỹ sư ngành hàng không loại giỏi và được nhận vào Boeing làm việc thì ngày ngày, trên bàn làm việc của nàng đều có một bó hồng nhung đỏ thắm. Bob, anh chàng bạn đồng nghiệp, tác giả của mấy bó hoa, lúc nào cũng đến hỏi han săn đón và mời nàng đi ăn trưa, ăn tối. Rồi anh chàng Kevin kỹ sư thực tập nhỏ hơn nàng cả chục tuổi cũng cà rà đến rủ nàng đi chơi tennis, cỡi ngựa. Nàng thực phải khôn khéo từ chối để không mất lòng một ai mà mấy con thiêu thân vẫn cứ bay quanh không rời, tự nguyện chết trong mắt mỹ nhân.
Một tháng sau từ khi Bích Giang vào làm việc, có buổi họp cùng với các xếp lớn. Goerge là chủ tọa buổi họp. Ông ta cỡ năm mươi nhưng tướng người rất săn chắc. Ông là phi công trưởng chuyên bay thử các phi cơ mới, và cũng là một triệu phú. Ông đã ly dị vợ hơn chục năm nay. Hai người con trai của ông đã lớn, cũng là kỹ sư ngành hàng không như cha. Vừa ngồi vào bàn họp, ông đã bị một gương mặt mới của người thiếu phụ châu Á cuốn hút và đến khi nàng tự giới thiệu mình bằng một giọng tiếng Anh chuẩn, ông biết là mình đã bị hớp hồn. Suốt buổi họp, đôi mắt ông không thể nào nhìn ra chỗ khác mà cứ như đã bị nam châm hút vào gắn chắc với gương mặt quyến rũ kia. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi kỳ lạ của ông xếp, để rồi sau đó, ai cũng biết lại thêm một con thiêu thân nặng ký bay vào hồ nước của người đẹp.
Bích Giang đón nhận sự theo đuổi của ông xếp lớn. Nàng đi ăn, đi chơi thể thao, đi khiêu vũ và ngay cả để ông giới thiệu hai đứa con trai như một cách khéo léo bày tỏ tâm ý của ông muốn tiến tới với nàng. Nhưng chẳng hiểu sao, lòng nàng thì cảm động nhưng con tim lại không rung động. Nàng không sao tìm được sự đồng cảm giữa hai con tim không cùng chung một dòng máu Việt. Trong lòng nàng lúc nào cũng thôi thúc muốn được nghe những lời thì thầm yêu nhau bằng tiếng mẹ đẻ mến yêu.
Rồi đến một ngày Goerge đã trao nàng nhẫn cầu hôn. Bích Giang đã từ chối và tỏ bày nỗi lòng của nàng cho ông hiểu. Ông kiên nhẫn bảo sẽ chờ đợi đến khi nàng đổi ý và tiếp tục giữ tình bạn như hiện nay, nhưng vì không muốn ông nuôi hy vọng nên sau đó nàng tìm cách lánh mặt không đi chơi với ông nữa.
Dù biết Bích Giang có ông xếp lớn đeo đuổi, mấy anh chàng Bob, Kevin và vài anh chàng kỹ sư Mỹ khác vẫn không bỏ cuộc mà vẫn kiên trì lấy lòng người đẹp. Chỉ có một người, mà lại là người Việt nữa chứ, lại coi nàng như không có ký lô nào cả. Anh chàng này là manager của nàng, tên Trần Hải. Hải đẹp trai, gương mặt thông minh và nghiêm nghị. Anh ta hình như còn độc thân vì nàng để ý thấy anh ta không đeo nhẫn cưới. Mỗi lần thấy nàng xuất hiện, anh ta khinh khỉnh quay mặt hoặc bỏ đi chỗ khác. Còn nếu có chuyện cần nói với nàng thì anh ta lại nói những câu khô khốc, cụt ngủn bằng tiếng Mỹ rồi bỏ đi một nước.
Bích Giang bực lắm, anh ta làm như nàng là kẻ thù không bằng. Hay anh ta khi nàng là một phụ nữ lẳng lơ chuyên quyền rũ đàn ông" Tháng đầu tiên, anh ta đối với nàng thế nào thì nàng đối lại thế ấy, cũng lạnh lùng, và khô khốc nói chuyện. Anh ta không nhìn nàng thì nàng cũng lơ lại. Nhưng lạ, mỗi khi đám thiêu thân bu quanh nàng thì nàng lại liếc nhanh đến anh ta nếu anh ấy đi ngang gần đó...để xem anh ta có để ý gì đến sự đắt giá của nàng không.
Hơn một tháng, mối quan hệ của hai người vẫn lạnh lùng, xa cách không tiến triển thêm gì mấy. Đến khi thấy nàng được ông xếp lớn mê đắm thì anh chàng Trần Hải này lại còn tỏ vẻ khinh khỉnh hơn. Anh ta có thù với nàng chăng" Hay anh ta là người đã có gia đình nhưng không đeo nhẫn cưới, và cũng có thể anh ta là người thích kẻ đồng phái" Bao câu hỏi lởn vởn trong óc nàng và nàng theo hỏi dò con nhỏ Kathy đã làm cả chục năm ở đây:
- Tên manager của mình sao thấy nghiêm trang quá! Hắn có gì buồn chăng"
Kathy nhún vai:
- Thế sao" Tao thấy hắn cũng bình thường mà. Sáng nay hắn còn chọc tao đổi kiểu tóc giống y đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.
- Hắn có gia đình chưa"
- Còn độc thân một trăm phần trăm. Chưa vợ và chưa người yêu. Mày để ý đến nó hả"
Con nhỏ Kathy cười và hỏi lớn làm Bích Giang giật mình nhìn quanh xem anh chàng có đứng đâu đó nghe được không và biết là nàng chú ý đến hắn. Nàng cũng nhún vai bất cần:
- Tao không thích loại người như hắn. Chẳng giống ai. Chừng đó mà chưa có người yêu chắc là bị hâm.
Con Kathy vẫn chọc lỳ:
- Để tao làm mai cho hai đứa mày nếu mày thích. Hâm nóng nó lên là mày mê à.
Liếc nhanh không thấy anh chàng "cụ non" đứng gần đó nên nàng cũng cười đáp lại:
- Mày đừng lo cho tao. Tao sẽ nấu sôi hắn và uống hắn như uống chocolate nóng.
- Hắn cũng là người Việt nam như mày đấy. Thấy hai đứa mày cũng xứng đôi vừa lứa lắm. Còn nếu mày muốn làm phu nhân triệu phú thì tao không có ý kiến.
"Con nhỏ Kathy muốn thăm dò chuyện của nàng và xếp lớn đây. Còn khuya mới thổ lộ chuyện của mình cho nó biết." Nàng nghĩ và cười mỉm một cách bí mật rồi nói:
- Chuyện đó cũng thú vị đấy. Cả hai tao đều muốn thử.
Ngày hôm sau, nàng đổi thái độ và chủ động chào hỏi "ông cụ non" với một nụ cười thật tươi và bằng tiếng Việt thật là dịu dàng:
- Chào anh Hải. Trông anh bữa nay tươi lắm đấy.
Nàng cười thầm trong bụng khi thấy anh chàng giật mình và ngỡ ngàng thấy rõ. Anh ta cũng lúng túng chào lại nàng bằng tiếng Việt:
- Chào cô Giang. Trông cô cũng tươi vậy.
Chiêu thứ nhất coi như đã đánh cho địch thủ một cú giao bóng thâm dò. Chắc anh chàng đang thắc mắc tại sao hôm nay mình lại chủ động chào hỏi và tự soi gương xem tươi chỗ nào. Nàng không tin là khi nàng ra tay mà lại không thể đánh đổ được một tên đàn ông mặc dù cho hắn gan lì cách mấy. Chỉ cần hắn không là loại người đồng tính luyến ái thì trước sau cũng gục trong tay nàng. Nàng rất tin vào bản thân và biết được sự quyến rũ của mình.
Những ngày sau đó, từ từ và nhẹ nhàng, một cách kín đáo, nàng tiếp cận mục tiêu một cách tình cờ có dụng ý và ra từng chiêu mê hoặc anh chàng. Chỉ sau vài tuần, cục diện thay đổi rõ rệt. Anh chàng cụ non đã rớt mất cái mặt nạ lạnh lùng, khinh khỉnh; thay vào đó là những nụ cười tươi và những quan tâm hơn mức bình thường một chút như tặng cho nàng những bài nhạc Việt nam mà nàng đã nhờ tìm. (Thật ra những bài nhạc đó nàng đã có nhưng nhờ chàng tìm chỉ là một cách thử lòng và tạo cơ hội cho anh chàng thôi), hoặc mời nàng đi nhà hàng Việt nam ăn những món ăn mà nàng cũng đã cố ý vô tình nói cho chàng biết.
Nếu ai đã từng coi "Cuốn theo chiều gió", sẽ thấy Rhett Butler vì sợ Scarlett biết được chàng yêu nàng mà quay chàng như con dế, anh ta đã tỏ thái độ coi thường và khinh ghét để đánh lừa tình cảm của nàng. Cuối câu chuyện khi Scarlett khám phá ra tình cảm của Rhett đối với nàng và cũng biết ra người nàng yêu chính là Rhett chứ không phải Ashley, hình như đã muộn vì tình yêu của Rhett dành cho nàng đã chết. Không ai biết được đoạn kết Scarlett có làm cho Rhett hồi sinh lại tình yêu dành cho nàng không.
Ngoài đời, Scarlett Bích Giang sau đó không lâu đã biết được Hải chính là một hóa thân của Rhett. Thì ra anh chàng cũng sợ sẽ bị nàng biết tẩy và tự coi mình hơn đám thiêu thân kia nên đã tỏ vẻ xa cách và coi thường nàng như thế. Còn phần mình nàng cũng sớm biết được người nàng chờ đợi và yêu chính là Hải, một người đàn ông Việt tài giỏi, chính chắn, và tuyệt nhất là chưa bao giờ vướng bận chuyện gia đình. Dĩ nhiên sau giai đoạn tình "Bí mật", "Thân mật" thì phải là "Trăng mật". Hai năm sau đám cưới thật linh đình diễn ra.
Sau khi kết hôn, Bích Giang thường hay khoe tôi về ông chồng hết ý của mình:
- Anh Hải nấu ăn giỏi lắm, món nào ảnh cũng biết nấu.
Bích Giang nấu ăn cũng khéo mà chàng của nó có vẻ còn khéo hơn vì tôi thường nghe cô nàng khoe anh Hải nấu món này món nọ cho vợ ăn hoài. Coi chừng không khéo mê ăn mà mập như cái lu thì nguy. Cũng may cô nàng chịu khó tập thể dục nên vẫn giữ được cái dáng cao dong dỏng như thời độc thân. Rồi Bích Giang còn khoe:
- Anh Hải tốt và rộng rãi lắm. Giang cho thằng Huy (em út của Bích Giang đang học chương trình Master) hai trăm đô nhân ngày sinh nhật. Ảnh bảo cho nó chẵn một ngàn cho nó xài thong thả một tí.
Chuyện thằng Huy được ông anh rể tặng cho một ngàn đô, sau này nó nói với chúng tôi:
- Anh Hải đưa em tiền mà em cảm thấy như ảnh tạt thau nước lạnh vô người.
Cứ tưởng nó tự ái khi nhận tiền nhưng không ngờ nó nói tiếp:
- Em đang ở trong sa mạc mà ảnh tạt cho em một thau nước lạnh mát ơi là mát. Em thương ảnh quá chừng.
Ngoài chuyện cho Huy tiền Bích Giang còn khoe:
- Anh Hải bảo Giang phải gởi tiền hàng tháng cho Ba của Giang tiêu mặc dù ông ấy đang hưởng tiền già của chính phủ.
Vân vân và vân vân...Không biết cô nàng này tu mấy kiếp mà kiếm ra một ông chồng tuyệt phẩm như thế. Việc ngoài đã giỏi mà việc nhà cũng đảm. Con người vừa tốt mà lại vừa đẹp trai nữa chứ. Bích Giang cũng giỏi và khôn khéo. Hai người thật xứng đôi vừa lứa.
Cưới nhau được ba năm thì Bích Giang sinh đôi hai cô bé thật thông minh và kháu khỉnh. Bích Giang nghỉ việc ở nhà săn sóc hai con. Ngày gia đình cô nàng qua Canada chơi, máy bay dừng ở phi trường Minneapolis hai tiếng, tôi tranh thủ chạy vào phi trường gặp mặt cả gia đình và xem mặt hai đứa cháu. Trời ơi, một gia đình bốn người mà hơn chục cái giỏ lỉnh ca lỉnh kỉnh. Cái thì móc trên vai, cái thì móc trên xe đẩy hai đứa nhỏ. Hai đứa nhóc kháu khỉnh xinh ơi là xinh, nhưng cha mẹ nó phờ phạc thảm thương hết sức. Bích Giang quyến rũ dáng ngọc quý phái ngày xưa không còn nữa. Trời ơi, mười phần nay chỉ còn năm!
Năm hai đứa nhỏ được năm tuổi, chúng tôi vài gia đình lấy phép bay qua nhà Bích Giang họp mặt gia đình. Anh Hải đã nấu sẵn phở gà đãi phái đoàn. Thằng nhóc của tôi ăn một lúc ba tô và khen luôn miệng:
- Phở chú Hải nấu ngon quá!
Công nhận ngon thiệt! Ảnh làm bài bảng lắm, bánh phở cuộn tròn bỏ vào vợt nhúng nước sôi y chang như tiệm phở bên Việt nam, thịt gà dai cắt lát mỏng dín thêm miếng da vàng giòn xực xực, hành ngò xanh um với củ hành lá mộng trắng, nước phở thì trong vắt, ngọt thanh...Nhìn tô phở vừa đẹp vừa ngon đang bốc khói thì làm sao không ăn đến hai ba tô lận.
Ăn phở xong là tráng miệng bằng chè nếp và khoai sọ. Món chè khoai này thấy ảnh đứng nấu cũng khá công phu, lửa mở riu riu đứng khuấy liên tục hơn tiếng đồng hồ. Ảnh bảo nấu loại chè này phải có kỹ thuật để nếp và khoai quyện vào nhau và nếp để lâu vẫn không bị vữa. Thấy chúng tôi khen chè ngon và đớp sạch bách, tối đó ảnh lại thức khuya nấu thêm một soong chè khác để sáng mai tụi tôi dậy ăn.
Trên bếp, ngoài chè và phở còn có bún cà ri để ai không thích phở thì ăn. Nghe Bích Giang bảo anh Hải đã chuẩn bị đồ ăn cho khách từ sáng sớm. Thật là cảm động cho tấm lòng của ông chủ.
Nghe Bích Giang tía lia khoe tài ông xã, tôi hỏi:
- Sao toàn nghe là anh Hải nấu vậy" Chứ phần Giang thì làm gì"
Cô nàng cười khoái chí:
- Anh Hải nấu ăn ngon mà nên để ảnh trổ tài. Còn Giang rửa trái cây, coi chừng tụi nhỏ và nói chuyện cho ảnh vui.


- Vậy chứ giờ Giang hết nấu rồi hở" Mấy bữa nghe khoe Giang làm cơm rượu và xôi vò ngon lắm mà"
- Món đó mai mốt Giang nấu cho mà ăn. Bây giờ mời quí vị qua bàn bên kia ăn trái cây nghe.
Rồi cô nàng miệng ngọt xớt nhờ chồng:
- Anh Hải ơi! Đem dùm em dĩa trái cây trong tủ lạnh ra đi.
- Anh Hải ơi! Lấy dùm em thêm mấy tờ giấy napkin đi.
- Anh Hải ơi! Lấy dùm em mấy ly nước đá đi..
- Anh Hải ơi!.....
Nghe Bích Giang vừa xì xụp ăn, vừa nói chuyện với chúng tôi, vừa sai chồng tới tấp làm chúng tôi ái ngại hết sức. Không biết những ngày khác có vậy không hay là vì có khách nên cô nàng giả bộ có thớ" Cô nàng chưa ăn xong nhưng anh Hải cũng đang ăn lỡ dở mà. Tụi tôi vội lên tiếng:
- Để anh Hải ăn cho yên. Tụi chị lấy được mà.
- Để ảnh làm cho. Tí nữa ảnh ăn tiếp có sao đâu. Anh chị đi máy bay mệt ngồi đó nghỉ ngơi đi.
Anh Hải chỉ cười cười đứng lên làm theo lời vợ. Chúng tôi cũng lăng xăng phụ ảnh và hỏi thăm cho ảnh đừng ái ngại và quê vì vợ hành.
Ăn xong Bích Giang dành rửa chén, bảo là anh Hải nấu thì phiên nàng rửa. Nhưng cô nàng rửa chén mà hở tí là kêu anh Hải và nhờ ảnh chuyện này chuyện nọ không tha. Một lúc sau anh Hải nửa giỡn nửa thiệt than:
- Hồi sáng giờ làm không ngơi tay...
Bích Giang nghe thế còn cười phá lên:
- Ha ha! Tội chưa!!!
Tụi tôi hết nước nói. Thấy hai đứa nhỏ cũng ba nó tắm rửa. Nhà cửa bếp núc, phòng vệ sinh sạch bóng không một vệt bụi hỏi ra cũng do một tay săn sóc của anh Hải. Vườn tược cây cối cũng...anh Hải trồng. Thiếu bó rau hay hộp muối cũng anh Hải chạy đi mua. Không biết trong hãng làm xếp ảnh có ngồi chơi không mà về nhà lại hăng hái đảm đương như thế.
Bích Giang thì cứ luôn miệng than:
- Giang ở nhà lo cho hai đứa nhỏ mệt phờ luôn. Suốt ngày đưa đi học chỗ này chỗ nọ, rồi dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho tụi nó.
Cô nàng nói vậy mà nói được trong khi trước đó mở tủ lạnh ra khoe mấy song đồ ăn như cá kho, thịt kho...anh Hải nấu để sẵn. Còn hai đứa nhỏ chơi bày ra là má nó quát luôn miệng bắt dọn dẹp. Mà hai đứa ngoan hết sức vậy đó, ngồi coi ti vi hoạt hình hoặc kéo nhau ra nhà xe lúc thúc chơi với nhau, đâu có phá phách gì.
Sống và tiếp xúc với anh Hải mới vài ngày nhưng chúng tôi ai cũng thương và mến anh hết sức. Ảnh giỏi nhưng không khoe khoang, làm phách   chúng tôi không bao giờ nghe ảnh nói về công việc và chức vụ cao của anh trong công ty. Ngoài ra ảnh còn rất điềm đạm, chững chạc, và nhiệt tình với chúng tôi dù là gia đình bà con của vợ. Ảnh đưa chúng tôi đi đây đó giới thiệu thành phố, thắng cảnh và tận tình giải thích những thắc mắc của chúng tôi. Đi nhà hàng ăn uống thì ảnh cũng dành trả tiền. Bích Giang còn nói:
- Anh Hải là con bò sữa của Giang đó. Mình cứ vắt đi đừng ngại.
Anh Hải cứ cười và tiếp tục dành làm khổ chủ. Đúng là một tuyệt phẩm còn sót lại trên thế gian này!!!
Vài ngày sau, anh Hải bị cảm. Chắc là đuối sức vì phải phục vụ khách. Ảnh từ công ty gọi về nhờ vợ sẵn đưa đón hai đứa nhỏ ghé qua tiệm thuốc mua sẵn cho ảnh đi làm về uống. Vậy mà cô nàng lại quên mất. Đến khi anh Hải về nhà hỏi thì Bích Giang mới nhớ ra:
- Em quên mất chớ. Thôi để mai em mua cho.
Mặt anh Hải buồn thiu. Chắc ảnh tủi thân thấy vợ không quan tâm gì đến mình. Tụi tôi nói nhỏ giục Bích Giang:
- Giang đi mua cho ảnh đi. Người ta bịnh muốn được quan tâm đó mà.
- Thôi mất công thay đồ lái xe đi mua có tí thuốc. Ảnh chịu đến ngày mai được mà. Cảm chút xíu có chết ai đâu. Ảnh nhõng nhẽo đó.
Ông xã tôi nói:
- Thôi để anh lái xe đi mua cho. Anh sẵn mặc đồ đi tiện hơn.
Vấn đề là ai mua không nói, nhưng thái độ hững hờ với chồng như vậy tôi chắc là anh Hải sẽ buồn lắm. Con người mà, ai cũng có những lúc yếu đuối và cần đến sự săn sóc, để ý và quan tâm của người xung quanh, nhất là giữa hai vợ chồng. Bây giờ ảnh bịnh nhờ vợ mua thuốc chỉ là một cách ảnh muốn vợ yêu thương lo lắng cho mình mà thôi, vậy mà Bích Giang lại hững hờ với ảnh như thế. Khi thuốc được mua về tôi nói với cô nàng:
- Hồi chiều thấy anh Hải mệt và buồn hiu. Giang lấy nước và thuốc lên phòng cho ảnh uống đi. An ủi săn sóc cho ảnh một tí tội nghiệp.
Cô nàng nghe lời mang thuốc và nước lên phòng cho ảnh. Không biết cô nàng tỉ tê dỗ dành thế nào mà đến tối thấy anh chàng xuống nhà mặt mày tươi tắn và có nét vui vui. Chúng tôi cũng vui theo.
Một bữa cả nhà ngồi ăn cơm với nhau. Tôi khen món dưa chua ngon. Anh Hải hỏi:
- Ủa, dưa em muối hở Giang" Sao anh không biết" (Dĩa dưa để hơi xa anh nên anh không thấy)
- Không. Chị Liên hàng xóm cho một hủ luôn.
Dĩa dưa trên bàn hết sạch nên tôi đứng lên và nói:
- Để Thanh lấy thêm cho anh ăn nghe.
Giang gắt:
- Chị Thanh ngồi xuống ăn cơm đi. Ảnh muốn ăn thì để ảnh đi lấy. Ngồi đó mà chờ người ta hầu à" Muốn ăn thì lăn vào bếp.
Cô nàng này sao không nghĩ gì đến tự ái và mặt mũi của chồng mình cả. Săn sóc phục vụ nhau một tí có hại gì đâu. Anh Hải đã lo và phục vụ cho mọi người chứ bộ ảnh làm biếng nằm ì ra chờ hầu à"
Cô nàng còn nói thêm:
- Hầu ảnh quen thói rồi bữa nào mấy anh chị về bắt Giang phải hầu à"
Bích Giang giờ thay đổi nhiều quá. Càng ngày càng hung dữ, ngang ngạnh không những với chồng mà còn với hai đứa nhỏ. Một bữa đi ăn nhà hàng, bé Jessica đau bụng đòi đi phòng vệ sinh. Thế mà Bích Giang không cho con bé dùng phòng vệ sinh của nhà hàng vì sợ dơ và bắt con bé phải nhịn chờ cả nhà ăn xong để về nhà. Nhìn con nhỏ mặt mày xanh dờn vì đau bụng, ai cũng thương hết sức, lo ăn vội vội để con bé được sớm về nhà giải quyết bầu tâm sự.
Chúng tôi ở chơi được vài ngày thì anh Hải phải đi Anh công tác một tuần. Tôi nhắc Bích Giang:
- Giang thu xếp hành lý cho ảnh chưa"
Tôi hỏi vậy vì thói quen mỗi lần gia đình tôi đi đâu đều một tay tôi lo sắp xếp hành lý từ A tới Z. Nhưng Bích Giang nói:
- Ồ, chuyện đó ảnh tự lo. Giang không bao giờ lo mấy chuyện đó đâu. Cả nhà đi đâu ảnh còn lo hành lý cho mấy mẹ con nữa là. Tí nữa ảnh sẽ ủi bộ đồ nào ảnh cần.
Mấy chị em gái xúm lại góp ý:
- Thấy ảnh dễ thương ghê đi. Giang phải lo và chìu ảnh một chút chứ để ảnh tự lo đủ thứ thấy tội quá.
Cô nàng chống chế:
- Tính ảnh kỹ lắm, làm dùm mà ảnh không vừa lòng mắc công cãi nhau.
- Cứ nghĩ như vậy không được! Lần đầu không vừa ý thì cải thiện lần sau. Tụi chị thấy chuyện gì Giang cũng sai và đì ảnh làm cả.
- Làm một chút mà,  ảnh đâu có than. Hồi đó Giang mang thai và sinh hai đứa nhỏ cực khổ hết sức thì việc khác ảnh lo là vừa. Đâu có thấm gì!
- Sao nói ảnh không than" Ảnh vừa mới nói là Giang đã cười vào mặt người ta rồi! Thấy người ta hiền ăn hiếp có ngày người ta bỏ cho mà khóc.
- Còn khuya mà ảnh hiền. Ảnh cao tay lắm đó, mấy người không biết đâu.
Không biết anh Hải cao tay ở chỗ nào mà gặp cao thủ Bích Giang thấy ảnh xếp re thật là tội. Thấy ảnh đi làm về là bắt tay vô dọn dẹp nhà cửa ngay. Tôi và cô em gái nghĩ hay anh này tính đàn bà" Và thích bị vợ đì" Trên công ty bây giờ ảnh là xếp lớn, vậy thì xếp có bị lính đì không đây" Công việc của ảnh ở công ty chắc nhiều áp lực lắm, vậy mà về nhà lại nghe vợ chí cha chí choét la con ồn ào, rồi nhà cửa bề bộn, lại bị vợ hành làm việc nhà nữa, không biết ảnh có cảm giác như thế nào" Có khi bị vợ hành từ từ từng chút một lâu ngày chày tháng rồi quen dần"
Nghe nói ảnh đi công tác ở Anh có quen một cô chủ nhà hàng Việt Nam chưa có chồng, tụi tôi bảo Bích Giang:
- Không chìu ảnh coi chừng qua Anh bị bắt cóc đó nghe.
- Đố ảnh dám. Giang dữ như thế này ảnh không dám léng phéng đâu.
Tụi tôi cùng ồ lên:
- Cũng biết mình dữ hở" Chính vì vợ hung dữ ăn hiếp nên mấy ông chồng hay tìm bạn hiền để tâm sự và an ủi đó.
- Ảnh không dám để mất Giang và hai con bé đâu!
- Vì tình yêu người ta dám đổi cả giang sơn huống hồ chỉ có con sư tử Hà đông và hai con mèo con. Giang lo cưng và giữ chồng đi là vừa.
- Giang biết giá trị của Giang! Mấy chị đừng lo.
Bích Giang đâu biết rằng giá trị của mình không còn bao nhiêu nữa. Nhan sắc thì còn có chút xíu. Sự quyến rũ, dịu dàng ngày nào cũng đi đâu mất. Đôi mắt long lanh ngày xưa như nước hồ thu thì nay làm hai đứa con muốn tè trong quần mỗi khi mẹ nó long lên sòng sọc. Đôi môi mộng đỏ buông những lời ngọt dịu ngày nào thì giờ quát tháo nhiều hơn là nói...Và dáng người cao gầy dong dỏng thì giờ lại như biến thành hai...Không biết những điều thay đổi này anh Hải có nhận ra không hay ảnh cũng quen dần rồi"
Chúng tôi cứ lo một ngày nào đó, ảnh thức tỉnh và nhìn thấy sự thay đổi đó. Hoặc là sức chịu đựng và nhẫn nhục của con người cũng có giới hạn, ảnh sẽ vùng lên và đạp đổ những áp bức quá lố hoặc sẽ dũ bỏ"
Tôi hỏi Giang:
- Giang có tính đi làm lại không"
- Đi làm tù túng bực lắm. Ở nhà trăm việc để lo. Tụi nhỏ còn nhỏ mà.
- Nghe nói công ty cũ của Giang đang cần kỹ sư, sao không nhờ anh Hải đưa vô lại" Ảnh là xếp mà, chắc dễ thôi. Tụi nhỏ đi học lớp một rồi, cũng đâu phải lo cho nó như ngày xưa.
- Ngoài giờ học ở trường còn phải đưa đón nó đi học thêm đủ thứ nữa. Với lại tụi Giang cũng đủ tiêu rồi, đâu cần kiếm thêm tiền.
Tôi nghĩ thầm trong bụng mặc dù anh Hải lương cao nhưng nếu một mình phải cáng đáng cho kinh tế gia đình thì cũng nhiều áp lực lắm. Ảnh không muốn đích thân bảo vợ đi làm nhưng nếu ảnh đem chuyện công ty cần người về nhà kể có thể là một cách nói khéo chăng. Nhưng chuyện kinh tế này không phải là vấn đề chính mà là Giang phải trở ra xã hội làm việc lại để tu tâm dưỡng tánh một chút. Tôi nói:
- Giang à, chị biết là Giang không phải là con người lụy vì tiền. Nhưng Giang đi làm chỉ là một cách tiếp xúc với xã hội để làm mình hoàn chỉnh hơn thôi. Ở nhà hoài tính tình mình dần thay đổi mà mình không biết đó.
Giang vẫn cương quyết:
- Để sau này hẵn hay. Hai đứa nhỏ vừa mới lớn lớn, Giang vừa khỏe ra một tí ngu gì phải tự đì cái thân.
Thôi tôi cũng không muốn khuyên Giang nữa. Chuyện gì phải xảy ra thì sẽ xảy ra thôi. Mình lo xa quá thật dư hơi.
     ***
Năm sau, Bích Giang gọi phôn cho tôi. Cô nàng chào hỏi xã giao xong than vãn:
- Giang bực mình hết sức vậy đó. Anh Hải đi công tác xa hoài hà, cứ bỏ mấy mẹ con ở nhà một mình.
- Vậy chứ ảnh đi đâu"
- Đi Anh nữa! Hồi trước hai tháng mới đi một lần. Giờ thì đi liên tục.
Tôi an ủi:
- Chắc giờ công ty đang lên nên ảnh phải đi thường xuyên hơn.
Tôi đâu dám nhắc cô nàng chuyện cô chủ nhà hàng Việt nam để đổ thêm dầu vào lửa lúc này, nhưng chắc Bích Giang có nghĩ đến mà vì tự ái không dám nói lên thôi.
Giang than qua hai đứa con:
- Còn hai đứa nhỏ càng ngày càng lì, mẹ nói mà tỉnh bơ không chịu nghe lời gì cả.
- Chị thấy tụi nhỏ ngoan lắm mà.
- Chị không biết đâu, tụi nó thay đổi rồi. Hôm bữa nhà trường còn khuyên Giang phải đưa tụi nó đi gặp chuyên viên cố vấn tâm lý nữa đó.
- Có phải là Giang cho tụi nó học thêm đủ thứ nên tụi nó mệt chăng" Coi chừng bị thần kinh thì khổ. Gì mà mới có mấy tuổi đã bắt học võ, vũ ba lê, piano, bơi, Spanish tùm lum. Làm sao tụi nó kham nỗi"
-Tụi nó thích học mà. Có phải là Giang ép đâu.
- Giang không ép nhưng cái kiểu của Giang thì tụi nó đâu dám kêu ca. Rồi Giang còn quát tháo tụi nó suốt ngày nên tụi nó sinh ra phản ứng tâm lý ù lì chống lại mẹ đó. Chị thấy không những hai đứa nhỏ mà ngay cả mẹ nó cũng phải gặp cố vấn tâm lý.
Giang bực mình chồng con, xổ ra cho tôi nghe suốt cả tiếng đồng hồ. Tôi nhủ thầm:
- Bích Giang ơi! Đừng hành chồng quá sức mà có ngày ông chồng dù hiền như Tam Tạng cũng phải bỏ đi tìm một nơi khác an bình hơn. Lúc đó có hối hận cách mấy thì đã muộn.
Nhiều khi cứ thu gọn sinh hoạt trong phạm vi gia đình, con người đổi tánh lần hồi không hay. Nếu ta cứ coi người thân mình như vật sở hữu, không nghĩ đến những cảm xúc hoặc tự ái của họ, thì lần hồi ta sẽ trở thành một con người đanh đá, tàn nhẫn, mất tế nhị chính với những người mà ta yêu thương nhất. Tôi thật buồn, điều tôi lo lâu nay hình như đã bắt đầu thành sự thật. Sự chịu đựng cũng có giới hạn, ly nước chắc là đã tràn. Anh Hải chắc đã chán cái không khí gia đình nên mới đi Anh liên tục thế kia. Có phải tình yêu đẹp ngày nào của đôi trai tài gái sắc sau giai đoạn Bí mật, Thân mật, Trăng mật rồi sẽ đến giai đoạn cuối cùng là VỠ MẬT chăng"

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến