Hôm nay,  

Đi Qua Sa Mạc

09/07/200700:00:00(Xem: 297508)

Người viết: Nguyễn Viết Tân
Bài số 2039-1902-606vb2090707

Tác giả Nguyễn Viết Tân  sinh năm 1950 tại Dầu Tiếng Bình Dương.  Quê quán: Rạch Giá, Kiên Giang. Trước 1975, phục vụ tại Phi Đoàn 253 Sói Thần, Đà Nẵng. Công việc của ông ở Mỹ là cùng với các bạn thầu landscaping cho freeway tại vùng Nam Cali, nhận job trải dài qua ba quận hạt Los Angeles, San Bernadino và Orange County. Năm 2001, với bút hiệu Tân Ngố, và bài “Bên Bờ Freeway” ông là tác giả đã nhận một trong 4 giải thưởng chính, Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai. Sau đây là loạt bài du ký mới của ông, với nhiều ghi nhận đặc biệt từ một chuyến đi xuyên bang nước Mỹ.

*

Cuộc đời như một giòng sông cứ êm đềm trôi chảy một cách rất bình thường khiến tôi đâm chán, bèn tung tin trên email rằng: "Mùa hè này, thằng Chộp, con trai anh chị Phương Toàn sắp cưới vợ, mà nó lại lấy một con nhỏ Mỹ Đen"!

Thế là trong nhóm bà con anh em bàn tán inh ỏi, nhất là đám đang định cư bên Úc, quyết tâm kéo nhau thật đông qua Mỹ ăn cưới, để xem "con nhỏ đen dòn" đó đẹp đến cỡ nào, mà một đứa đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu ... như thằng Chộp lại quyết tâm rinh về làm vợ.

Anh chị em tôi có ba người ở bên Úc, con cái cháu chắt rất đông, không biết nghe ai đồn thổi mà đều cho rằng cậu Bảy hồi này đang phất, giàu nứt đố đổ vách, vậy nên chỉ cần mua vé bay tới Cali, các mục ăn ở, di chuyển đến tiểu bang Kansas để ăn cưới thì cứ việc phú cho cậu, khỏi lo chi hết!

Đúng là thần khẩu hại xác phàm!

Nếu người của xứ Kangaroo qua đây chừng hai chục, gia đình anh chị Ba và cả nhà tôi cũng khoảng gần bốn mươi người, chắc phải thuê cái xe đò Hoàng mà đi chứ mua vé máy bay chịu sao thấu (")

Lại còn cái vụ ăn uống ngủ nghỉ dọc đường, cho dù ăn tiệm Mc Donald's và ngủ ở Motel 6 đi nữa, thì đi về chừng hơn 10 ngày cũng đủ làm tôi méo mặt.

Bà chị dâu đề nghị:

-Đi xe đi, như đi du lịch vậy, chứ đi máy bay có nhìn thấy gì đâu, thấy chỗ nào đẹp mình ghé dô coi, mệt thì mướn phòng nghỉ, mai chạy tiếp. Chú đừng lo cái vụ ăn, tôi sẽ mang theo đồ VN chứ tụi mình ăn đồ Mỹ không hạp đâu.

Sau cùng thì thiệp mời cũng tới.

 Tụi nhỏ bây giờ còn có website giới thiệu hình ảnh và chương trình đám cưới nữa, nên cái vụ xí gạt của tôi mới lòi ra - cô dâu là một cô đầm Mỹ Trắng, "chớ hổng phải Mỉ Đeng" - nên cả nhóm bên Úc tẽn tò rút dù hết, không có mống nào qua.
Thôi bây giờ còn ít thì ta mướn 2 xe van đi cho vui và an toàn hơn.

Ấy thế mà rồi lại cũng đầu voi đuôi chuột, tổng kết cuối cùng cho biết là chỉ còn có 10 người đi, nên một xe 15 chỗ ngồi cũng còn rộng chán.

Đã chuẩn bị cả tuần trước rồi, vậy mà chờ người này, đón người kia mãi cho đến 10g sáng thứ bảy, chúng tôi mới nhắm hướng đông tấn phát.

Đi ăn cưới có khác, mấy bà mấy cô mang quần áo để diện nhiều quá, nên đành phải gỡ băng ghế cuối cùng ra mới xếp hết valy, nhồi nhét lên tận trần, cứ như là xe đò bên VN.

Mới lú đầu lên xa lộ 91 thì kẹt xe!

Xe cứ nhúc nhích từng chút nên mãi hơn hai tiếng đồng hồ sau mà chưa tới Riverside, bọn con nít bắt đầu ọ oẹ đòi đi restroom, thế là phải tách ra khỏi freeway mà vô tiệm ăn Mỹ.

Hãy còn ở phần đất California mà sao coi hoang vắng quá, hai bên đường toàn là một loại cây còi cọc không cao quá đầu gối, cảnh trí coi buồn tênh, không có gì đáng để ngắm nên tôi nằm cò queo gối đầu lên đùi vợ đánh một giấc thẳng cẳng. Tuy ngủ nhưng khi đói bụng thì cũng thức giấc và đề nghị "Mình ghé vô Rest Area ăn cơm đi".

Gió sa mạc Arizona khô và nóng quạt vào mặt, tuy khu vực nghỉ chân có những cây to bóng mát, nhưng thời tiết chẳng dễ chịu chút nào.

Mới ăn hamburger có một bữa mà sao đã thấy nhớ cơm gì đâu, chúng tôi bày đồ ăn ra như khi đi picnic. Bà chị chu đáo ghê, đã có món gà bóp muối tiêu chanh, lại có món sườn kho sả, một bọc khô cá sặt nướng và cả hũ dưa cần ta trộn bắp cải muối xổi, mà nồi cơm tuy đã nguội nhưng vẫn còn dẻo và thơm như xôi mới nấu.

Ngon ơi là ngon.

Khoảng 5g chiều thì chúng tôi gần đến thành phố Phoenix, đã thấy những cây xương rồng cao lớn chọc lên bầu trời đua nhau với những khu nhà ngói đỏ mới cất. Cầu vượt, xa lộ mới làm nên êm ru láng bóng, cây kiểng trồng hai bên quá đẹp, sạch sẽ như những công viên. Đẹp nhất là những hàng điệp bông đỏ pha vàng, loại này ở quê tôi thường được trồng kế bên bàn thờ ông Thiên ở phía trước sân. Bông điệp đẹp quá mà sao ở miền Nam Cali tôi không thấy cây nào.

Tôi gọi phôn cho anh bạn, báo là vì kẹt xe nên chắc đến 6g chiều mới đến, anh nói cứ từ từ mà đi không nên lái nhanh, vì trời mùa này tối rất muộn, mình tha hồ ra sân sau ngắm cảnh.

Thành phố này rất khang trang, mấy năm qua phát triển rất nhanh, việc làm dễ kiếm, nhà cửa lại rẻ nên người Việt đổ về đây khá đông, ngoài ra còn những người bên Cali qua đây mua nhà rồi cho mướn nữa, họ hy vọng giá nhà đang từ 200 ngàn sẽ nhảy lên 400, bán đi bỏ túi 200 ngàn dễ như chơi.

Xe trang bị máy định vị, nên chúng tôi đến nhà ngay chóc.

Anh Minh đang tưới sân cỏ đằng trước nhà, có ý chờ.
Chúng tôi tay bắt mặt mừng vì đã khá lâu hai gia đình không gặp nhau. Vượt biên qua Thái, ở cùng trại Songkhla, qua Phi cùng chuyến, tới Mỹ cùng ngày, cùng lao đao trong nhiều năm ... bây giờ nhìn lại quãng đời đã trải qua, bốn đứa chúng tôi đều ngậm ngùi nhưng cũng vui mừng khi thấy con cái đều đã thành nhân.
Chị Dung và bốn đứa con ra tận cửa chào đón, hai đứa con gái nay đã là Dược Sĩ mà trông xinh tươi, bé bỏng như những thiếu nữ mười sáu mười bảy, đứa con trai thứ ba đã xong cử nhân, còn thằng út cũng xong Trung Học. Thấy chúng nó xếp hàng khoanh tay chào, tôi bỗng nhớ tới đám con mình, có huấn luyện, nhắc bảo đến đâu, chúng nó cũng chỉ nói "Hi" với khách rồi lủi vô phòng!

Hai cô cháu Trang Nhã với Tường Vi mời chúng tôi và cha mẹ vào bàn ăn, nhưng sau đó tụi nó rút lui vì đã dùng bữa rồi.

Chuyện vui như Tết.

 Chúng tôi nhắc nhớ chuyện ngày xưa, kể chuyện ruộng đồng yêu dấu ở vùng Cái Sắn Rạch Giá, chuyện vượt biên, chuyện đi câu tôm hùm, câu cá hồi mới tới Cali ....
Xong bữa thì chị tôi và các cháu ra ở Hotel, chỉ có gia đình tôi ngủ lại.
Cảnh sa mạc có khác, buổi chiều chim chóc ríu rít về tổ trong những bọng khoét vào thân cây xương rồng, những cây này đường kính lớn như cột đình và cao đến mấy chục thước, đứng sừng sững coi rất đẹp và hùng tráng.

Sáng hôm sau chúng tôi đi lễ Chúa Nhật, trong nhà thờ toàn là người già, anh Minh nói là vùng này người về hưu ở đông nhất nước Mỹ, vì thời tiết ấm nóng nên ít đau khớp xương và nhà rẻ, như căn nhà anh đang ở giá chỉ hơn 300 ngàn mà thôi.
Sáng đó chúng tôi còn ăn một bữa bánh cuốn rồi mới chia tay, anh chị Minh hứa hẹn sẽ đi xe đò về Little Sài Gòn chơi một ngày rất gần, vì bây giờ mỗi tuần có đến mấy chuyến từ Phoenix đi Bolsa, mà vé xe lại rẻ rề.

Chúng tôi ngược lên hướng Bắc để đi thăm Grand Cayon. Tôi thì đã đến nơi này mấy lần, nhưng trong nhóm cũng có nhiều người chưa từng, nên khi đến xa lộ 40 thì quẹo hướng tây về phía Los Angeles.

Vùng này bắt đầu là những rừng thông bạt ngàn, nhà cửa thưa thớt.

Khi mặt trời xuống thấp thì chúng tôi đã đến bên bờ vực. Nhìn giòng nước nhỏ xíu chảy ngoằn ngoèo ở tít tắp dưới kia, rồi ngắm ánh tà dương trải dài bên sườn đá, chúng tôi cảm thấy bé nhỏ trước vũ trụ bao la, hoá công tài tình đã tạo nên kỳ công quá hùng vĩ này.


Dòng sông Colorado qua bao nhiêu ngàn năm, đã khoét sâu vào lòng đất, để lộ ra những tầng nham thạch nhiều màu sắc, đất cát, sinh vật biển đã hoá đá như cá,
cua sò ốc hến cùng rong rêu ...

Đúng là Tạo hoá thật kỳ công!

Chúng tôi đã bật đèn xe và tiếp tục xuyên rừng chạy lên hướng bắc. Đường vắng quá nên khi tới một thành phố nhỏ tên là Tuba (tôi gọi là Tú Bà cho dễ nhớ), chúng tôi nghỉ lại ở Quality Inn. Phòng trọ không có gì đặc sắc mà họ tính những 129$ một đêm, khá mắc. Hôm sau chúng tôi ăn sáng trong một tiệm mà người phục vụ trai gái gì cũng toàn là dân Da Đỏ, rồi mới lên đường.

Không biết có người con gái Da Đỏ nào đã được bầu là Hoa Hậu chưa nhỉ (da đen thì có nhiều lần rồi), nhưng suốt mấy ngày nay, tôi chưa hề nhìn thấy một cô nường nào coi đường được một chút, nhân dáng họ phần đông đều thô và gương mặt thì hơi bì bì, nhất là sống mũi bị cong gồ lên nên trông xấu ỉn. Chả bù với mấy cô gái người Thiểu Số ở miền thượng du Việt Bắc, hay ở Cao nguyên Trung phần VN, nhiều cô trắng đẹp cứ như là gái lai.

Đứa cháu tôi nói đi đến đây mà không ghé Four Corners thì cả là một điều thiếu sót, thế là chúng tôi lại hăm hở lên đường.

Lòng hào hứng dần dần bị nguội đi khi thấy hai bên đường thỉnh thoảng mới có vài căn nhà người Da Đỏ, với nhà kho tròn như cái bồ lúa, cây cối èo uột không mọc lên nổi mà cho dù có vài cây đi nữa thì nó trông quá tiêu điều.

Tôi cũng không thấy họ trồng cấy cây trái gì có thể ăn được để sống, mà trâu bò thì thỉnh thoảng mới thấy vài con đang gặm cỏ cháy, những xe cũ để gần nhà thì có khi lên tới vài chục cái, chúng đã vàng ố vì rỉ sét nên trông cảnh vật càng hem hễ, thê lương.

Có những vùng ngày xưa đã một thời phồn thịnh vì dân tứ xứ đổ xô về đào vàng, bây giờ trở thành một ghost town  không một bóng người, cửa lớn, cửa sổ theo gió đong đưa, mở ra khép vào coi bộ buồn thiu.

Khi thấy bảng trên đường chỉ rằng đã đến biên giới bốn tiểu bang thì chúng tôi quẹo vào một con đường nhỏ xíu, tới cổng họ thâu 3$/1người.

Chuyện vùng Bốn Biên Giới này chắc có thể gọi theo kiểu phim bộ Hồng Kông bên hông Chợ lớn là “Tứ Biên Truyền Kỳ”.

Cửa xe mở ra thì gió nóng quạt vào mặt, ngọn đồi trọc lóc không một bóng cây. Những gian hàng tạm bợ làm bằng gỗ của thổ dân bán quần áo và đồ trang sức, vây quanh một khu vuông vức khoảng vài trăm mét, ở giữa là cột cờ. Quốc kỳ Mỹ đứng ở trung tâm và chung quanh là cờ của bốn tiểu bang. Nếu ta đứng ngay cái dấu thập kia, thì bàn chân mình đang đạp lên phần đất của 4 tiểu bang Utah, Colorado, New Mexico và Arizona.

Chỉ có thế thôi mà thiên hạ cũng xúm nhau chụp hình nên phải xếp hàng chờ phiên.
Đồ lưu niệm rất nhiều, làm theo kiểu thổ dân, có lông chim sặc sỡ nhưng tôi nghi rằng nó Made in China!

Lòng vòng thăm thú không tới 15 phút, cả bọn tiu nghỉu trèo lên xe dông thẳng.
Khi quay đầu xe, ngước nhìn những lá cờ tung bay phấp phới tôi mới sực nhớ ra một chuyện:

Hồi Thủ Tướng VN Phan Văn Khải tới Mỹ, Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain có tiếp ông ta tại văn phòng ở Tucson. Hình ảnh buổi tiếp tân mà báo chí Việt Mỹ đăng lên lại có cờ vàng sọc đỏ, ai cũng ngạc nhiên. Bây giờ có dịp tôi mới nhìn kỹ thấy lá cờ Arizona màu vàng, ở giữa là một mặt trời màu đỏ mà những tia sáng túa ra chung quanh cũng màu đỏ luôn, thế nên khi nhìn cây cờ cắm phía sau bua-rô, nó buông rũ xuống thì giống y hệt quốc kỳ VNCH.

Tôi rất thích ăn thịt bò, nên khi thấy ven đường lúc ghé trạm xăng có tiệm Steak House khá lớn liền nhào vô, ai ăn gì tuỳ ý nhưng tôi gọi một miếng 2 pounds, mà chỉ chiên tái thôi.

Thật là thất vọng khi nhìn thấy dĩa bí tết, nó đã được dần cho nhuyễn ra, mỏng lét mà chín mềm, ăn vào có cảm tưởng như đã có ai nhai rồi nhả ra vậy, thấy không ngon lành gì ráo. Tôi có thói quen chiên miếng thịt bò dầy như một cuốn tự điển, chiên cháy cạnh mà bên trong còn tươm nước màu hồng nhạt mới ngon, còn đằng này thì....!!!

Có điều được dịp ngó cô phục vụ tóc vàng xinh ghê.

Chúng tôi lại chạy về hướng nam để tới thành phố Albuquerque (đọc là An bờ cơ kì) thuộc tiểu bang New Mexico, như vậy là đã gần hai ngày chạy theo hình chữ U để về lại xa lộ 40.

Cách sắp xếp những xa lộ xuyên bang bên Mỹ cũng tương đối đơn giản, nếu là xa lộ Bắc - Nam thì thường là mang số lẻ, tính từ bờ biển Thái Bình Dương vào thì có xa lộ 5 rồi 15 đến 25 v v v ; còn xa lộ Đông - Tây tính từ biên giới phía Nam tiếp giáp với Mễ lên thì có 10, 20, 40 v v...

Sở dĩ phải quanh trở lại F 40 là vì muốn đi Kansas chúng tôi còn phải băng qua Texas, Oklahoma rồi mới tới nơi.

Trời nóng, máy lạnh mở tối đa mà mùi trái cây toả ra nồng nặc.

Số là bà chị tôi có người quen làm nghề buôn mít từ các nông trại của người Việt từ Mễ vào Cali, nên bả mua 4 trái thiệt bự mang đi làm quà cho bà con, tôi đã xả ra xếp vô thùng đá, nhưng hôm sau bả còn mua thêm 2 trái nữa mà nhét dưới gầm xe, bây giờ nó chín, chắc sắp nẫu ra rồi, mà còn đi chơi tà tà mấy ngày nữa thì biết "làm răng bi chừ"!

Chiều đó, sau khi kiếm được một khách sạn mới xây thật đẹp, phòng ốc rộng rãi, có hồ bơi mà giá chỉ có 99$, chúng tôi bỗng thèm phở quá sức, bèn đi tìm trên máy định vị. Cách khách sạn không xa có tiệm phở Linh, gọi phôn thì họ nói thường đóng cửa lúc 10g tối, nhưng nếu chúng tôi tới trễ thì họ cũng sẽ chờ.

Đến nơi thì trong tiệm cũng còn khá đông khách, nhóm chúng tôi tràn vào ồn ào như cái chợ vỡ. Quất xong mỗi đứa một tô tổ bà nái, chúng tôi ngồi thở vì no cành hông.

Dĩ nhiên phở ở đây đâu bằng Lít-tưn Saigon, nhưng mà cũng khá ngon vì nghe đâu ông chủ tiệm cũng xuất thân từ tiệm Phở 54 Cali, với lại chúng tôi đói quá rồi, đói thì ăn gì cũng ngon.

Vì trên xe vẫn còn đồ ăn VN mang theo, tôi hỏi rằng có thể mua một ít cơm trắng để đem đi không, chủ tiệm nói có nhưng phải đợi nấu một lát. Trong lúc chờ đợi, tôi vác vào một trái mít to như một con heo, trong tiệm tưởng là tôi nhờ xẻ ra, không ngờ tôi nói rằng mình đi chơi xa, mà bây giờ mít chín quá nên biếu lại bớt một trái. Họ mừng quá vì mít tươi ở đây hiếm lắm, kiếm đâu cho ra.

Sau đó họ không tính tiền cơm, giá mà lúc đó chưa tình tiền phở có lẽ họ free luôn cũng chưa biết chừng.

Đêm đó ai nấy đều ngủ ngon nên mặt trời soi lỗ mũi rồi mới rục rịch dậy. Khách sạn có phục vụ bữa ăn sáng free, nên chúng tôi làm một bụng (để gỡ tiền phòng) rồi mới ca bài ... Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, đây ngày tươi sáng ....
Tiểu bang New Mexico không trồng cấy gì được nhiều vì toàn là hoang mạc, nhưng cũng may là từ ngàn xưa, khi tầng lớp địa chất lồi lên, thì từng vỉa đá nằm sắp lớp như những tấm bánh tráng chồng lên nhau, bây giờ những công ty vật liệu xây dựng cứ nạy lên, xếp trên pallets rồi chở đi mọi nơi mà bán. Những sân lát stone trông rất đẹp chúng ta thường thấy là từ nơi đây mà ra.

Ngay vùng này còn có thành phố Santa Rosa, nếu ai để ý sẽ thấy cái bàn cầu trong nhà mình là của hãng Kohler, loại 0ne piece mang nhãn hiệu Santa Rosa là làm tại đây.

Đến trưa chúng tôi ghé vào một công viên trong rừng thông, có nhà và bàn ghế để ngồi ăn, có restroom đàng hoàng, có tiếng gió reo lẫn trong tiếng chim hót, cả bọn xúm nhau giở đồ ăn VN ra, xong bữa lại còn có mít, đu đủ và xoài tráng miệng nữa chứ.

Cuộc sống đẹp quá, chuyến đi này vui quá, còn đòi hỏi gì hơn (").

Kỳ tới: Tới Vùng Bình Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,570,283
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến