Hôm nay,  

Thăm Xứ Đạo Amish

27/01/200700:00:00(Xem: 150594)

Thăm Xứ Đạo Amish

 

Người viết: ĐỖ THỊ BÔNG

Bài số 1187-1799-5067v6260107

*

Tác giả Đỗ Thị Bông tức bà quả phụ Trương Tấn Bảo,  năm nay đã 81 tuổi. Bà sanh năm 1926 tại Cần Thơ, chồng chết năm Mậu Thân 1968, ở vậy nuôi đàn con, qua Mỹ cuối tháng Tư năm 1975.

Có 19 cháu nội ngoại, đầu năm Hợi sẽ có thêm một cháu cố nữa, tổng cộng là 20. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà kể chuyện lên núi cao thăm xứ của người Amish, nơi những người "tu" đạo sống theo thiên nhiên, vừa bị một kẻ cuồng sát xông vô trường học hạ sát 5 học sinh vô tội.

*

Tôi coi Ti Vi họ nói một tuần mà có ba vụ, giết ngừơi trong trường học, vụ chót có năm đứa trẻ chết. Tội nghiệp, những đứa trẻ nầy là trong trừơng riêng, con của những ngừơi "tu" tên là người Amish.

Tôi nhớ lại năm 1983, lúc đó, tôi, vợ chồng con gái út là Thuý, Hoàng và thằng cháu là Chung, đều ở chung nhà con gái thứ ba là Ngọc Xuân.

Năm đó, con trai của Thúy là thằng Hân mới bẩy tháng, cuối năm, tuyết trắng xóa.

Thúy rủ:

- Má đi chơi với tụi con không"

Tôi hỏi:

- Đi đâu"

Thúy nói:

- Anh Hoàng nói muốn đi thăm hai vợ chồng ngừơi bảo trợ anh.

- Ở đâu"

- Gần nhà chế Lài

Nghe nó nói gần nhà chị nó, mình cũng muốn đi thăm mấy mẹ con nó.

- ... còn thằng Hân gởi cho ai"

- Đem theo. Đi xe má làm như đi bộ. Hoàng về là đi liền nghe má. Má soạn sẵn quần áo, đem áo ấm theo.

- Con khỏi lo mấy chuyện đó. Con vô làm bánh mì đem theo. Còn thằng Hoàng nó làm suốt đêm không ngủ sao"

Hoàng, chồng Thúy, lúc đó làm việc ban đêm cho hãng dệt, về tới nhà đầu cổ trắng hết vì bụi vải bám vô, về tới là tắm, ăn rồi đi ngủ. Hôm nay thì nó nói không ngủ, làm bánh mì lên xe ăn.

Tôi vừa soạn đồ vừa nghĩ, ờ, bữa nay thằng Chung cũng nghỉ, rủ nó theo chơi. Tôi bàn:

- Thúy à, rủ thằng Chung theo chơi, đi như vầy nguy hiểm quá có nó cũng đỡ.

Thúy nói:

- Má muốn rủ thì rủ, để con vô làm đồ ăn, rồi còn soạn đồ, soạn đồ cho thằng Hân nữa.

Vậy là chúng tôi năm người kể luôn thằng nhỏ túm rúm ra xe.

Thiệt là một lũ điên, mùa đông mà đi chơi. Viết giấy để lại cho con gái với thằng con trai tui, bụng nghĩ chắc mấy đứa nó thế nào cũng nói bộ khùng sao mà đi giữa tuyết bão. Đi như vậy nguy hiểm quá, bánh xe lại không có giây xích.

Tôi hỏi Hoàng "rồi làm sao lỡ đường đóng băng""

Hoàng nói "xong hết Má, Thuý nói "Má đừng có lo gì hết". Nó đưa mỗi người một khúc bánh mì ăn sáng.

Thằng Chung lái , tôi ngồi trứớc với nó, lúc đó mỗi lần đi xe mà ngồi băng sau thế nào tôi cũng bị ói nên đi đâu các con tôi cũng để tôi ngồi phía trứơc. Thằng Hoàng ăn xong bánh mì, tôi xây ra sau thấy nó ngủ rồi. Làm cả đêm, thấy cũng tội nghiệp, cũng vì sự sống mà...

Nhìn ra ngoài toàn một màu trắng, tuyết trắng mà đẹp lạnh lùng. Tôi xây qua nhắc chừng "Chung lái xe cẩn thận nghe con. Con biết là mình đi chơi, không có gì gấp hết.

Chung lái một mạch, chỉ ghé hai lần đi tiểu. Nhìn phía sau ba đứa Hoàng, Thuý, Hân ngủ hết.

Tôi hỏi "Muốn nghỉ chút kêu thằng Hoàng lái hông con" Chung nói "Thôi má sáu để nó ngủ đi con đâu có mệt".

Chạy một lúc đói bụng, buổi trưa ăn hết bánh mì rồi. Đang chạy Chung nói "má đuờng nầy quẹo vô nhà chế Lài nè". (Lài là con gái lớn của tôi).

Tôi kêu Hoàng Thúy thức dậy, "ghé nhà chế Lài" hay là đi luôn, bây"".

Hoàng nói "Chuyến về ghé. Chung ngừng lại, để tôi lái cho. Mấy giờ rồi ông Chung"...  sáu giờ à, sao tối hù vậy nè"".

Chung nói "mùa đông mà cha. Như vậy là mười tiếng, chạy chậm, mùa hè đi giỏi tám tiếng hà. Kiếm chỗ ăn rồi sẽ đi tiếp, má đói bụng rồi".

Chạy vòng vòng không có chỗ ăn, ghé khách sạn nhỏ thôi, có bán đồ ăn Mỹ. Không biết kêu thứ gì. Thúy kêu đại mấy món nầy, ăn xong tính tiền gần 100 đô. Mỗi phần gà nướng nửa con loại gà nhỏ, bánh mì, xà lách. Lúc đó tôi đi làm, một tuần trừ thuế rồi lảnh ra còn có mấy chục, lương chưa tới 2 đồng một giờ.

Trong lúc Thúy đi kêu điện thoại ông bảo trợ, ngồi đây tôi cứ tính thầm, tiền ăn gần 100 đồng mắc quá, phải chi hồi nãy ghé nhà chế Lài mầy, ăn còn ngon hơn, tắm rửa sáng đi, không chịu nghe lời má, tuyết rơi nhiều quá thấy chưa" Hoàng nói ngủ lại đâu được, Thúy kêu điện thoại hồi sớm hẹn người ta 4 giờ, trể lắm là 5 giờ, bây giờ 7 giờ mấy rồi.

Chạy tới dưới chân núi thằng Hoàng không biết đường lên, lại kiếm điện thoại kêu nữa. Thúy nói điện thoại với ổng, ổng hỏi tới đâu rồi" Thúy trả lời với ổng, rồi Thúy kêu "anh chạy tới tới, chạy chậm chậm, khi nào thấy đèn thì ngừng lại, ổng xuống rước".

Bây giờ tôi nhớ rõ rồi, hổng phải đèn pin, mà là đèn bão như ở Việt nam mình thuở đó.

Đường vắng teo, không có một chiếc xe nào hết. Xe từ từ tới chỗ đó thì thấy có đèn ai cầm đưa lên đưa xuống như người ta cầm đèn làm hiệu cho xe lửa. Hai bên đường thấy 3, 4 người, tóc thì dài, mặc áo choàng lạnh, đầu đội kết, râu đầy mặt, hồn vía tôi lên mây, còn thằng Chung, tôi nghĩ nó còn run hơn tôi.

Tôi nói: "Hoàng khoan ngừng xe, nhìn coi có người quen không""

Hoàng nói "ổng đứng phía trái cầm đèn đó".

Bên mặt cũng có hai người cầm đèn đưa lên cho mình chạy theo. Chạy vòng quanh chớ không chạy thẳng, họ đi bộ. Lên tới trên cao (núi mà) có chỗ đậu xe, thấy có cỡ bốn năm chục chiếc xe, lại có cây xăng nữa. Nhà thì từ dưới lên trên, rất nhiều mà tôi không biết bao nhiêu.

Tuyết trắng đang rơi, nhà ổng trên cao, đường khó đi, lúc đó tôi hỏi Chung:

"Mấy giờ rồi con""

Chung nói "tám giờ".

Lạ thiệt, dưới núi thì tối, lên tới trên đó thì sáng trưng. Cây to, tuyết trắng, nhà toàn bằng cây xen lẫn nhau rất đẹp. Lên trên cao phải qua một cái suối, cầu ván bắt ngang. Xuống xe, hai ngừơi hai bên vịn tôi, hai người vịn mẹ con Thuý, đi qua cầu. Tự nhiên con mắt bắt phải ngó xuống nước. Ngộ thiệt, hai bên bờ tuyết đóng trắng hết mà suối thì có nước chảy, thấy có cá màu vàng bơi lội.

Thiệt tình! cảnh tiên chắc cũng đẹp cỡ nầy thôi!.

Nhà nào cũng mở cửa. Nhà nào cửa cũng treo đèn. Người thì mặc đồng phục, đàn bà  áo đầm dài màu lam, đội khăn sọc ca rô màu xanh, vuông, xếp góc nhọn, cột dưới cổ giống Việt nam mình hồi đó mặc áo dài đội khăn san cột dưới cổ, nhưng ở đây đội khăn bằng vải. Đàn ông mặc áo sơ mi trắng quần tây dài màu xanh lợt, con gái áo trắng trơn cổ dún, tay ngắn, tay cũng dún, dưới cũng mặc màu xanh đậm, vì mùa đông họ mặc thêm áo choàng cũng giống nhau, lịch sự quá.

Tôi lại sợ run thêm một lần nữa vì trước đó mấy tháng tôi có coi một phim trong Ti Vi, ăn mặt y chang như tôi đã kể ở trên, ban đêm mỗi người cầm một cây đèn cầy, đi vòng vòng quanh núi, có một số người tìm bắt những ngừơi trốn đặng giết, tôi coi nửa chừng tôi tắt Ti Vi. Bây giờ tới chỗ nầy, thấy mấy người nầy, ăn mặc giống trong phim, nên sợ.

Ông chủ ổng nói "tất cả dân trong làng đều ra đứng ngoài cửa để chào quí khách tới thăm".

Mình vừa qua khỏi, họ vô nhà đóng cửa tắt đèn.

Tới nhà ổng, vợ ổng, con ổng, hai đứa cũng còn nhỏ nhỏ, một trai một gái. Hai ông bà nói đợi chúng tôi từ 4 giờ chiều. Tôi nói với Thúy con nói gia đình mình cám ơn ông bà, vì má đói bụng nên ghé dưới phố ăn, sợ tới đây lỡ bữa làm phiền ông bà.

Bà vợ nói phòng tắm trước cửa, bả mở ra cho coi toàn là đồ mới chưa mở bao ra. Bả nói phòng tắm nhà vệ sinh nầy dành riêng cho qúi khách, không ai xài hết vì nhà nào cũng có phòng tắm riêng.

Bả nói đang dẹp ba phòng cho gia đình, tôi biểu Thúy nói với bả đừng đừng, một phòng đủ rồi, nói với bả mình có đem mền theo. Ổng bà nghe chỉ cần một phòng ngủ chung một phòng hai ông bà ngó nhau rồi hỏi Thúy tại sao ngủ vậy, tôi kêu Thúy nói tại má sợ không dám ngủ một mình một phòng. Trong phòng có sẵn một cái giường lớn, ông bà kêu người đem thêm hai cái giường nhỏ kê vô. Tôi để cái giường lớn cho vợ chồng Thúy với thằng Hân, tôi với thằng Chung xài hai cái nhỏ. Họ trải "ra" giường đàng hoàng, chúc ngủ ngon rồi đi ra.

Đêm đó tôi có ngủ được đâu, sợ muốn chết. Thằng Chung nó con trai mà nó còn sợ hơn tôi nhiều. Nhớ hồi nó chở tôi đi thi quốc tịch, nó thông dịch tôi thi, mới tới cửa phòng nó run lập cập như bịnh sốt rét.

Tôi nói "Chung. Má sáu thi chớ có phải con thi đâu mà con run dữ vậy làm sao má thi đậu""

Cũng may kỳ đó tôi thi đậu, phải tôi mà rớt là thế nào tôi cũng đã đổ thừa "tại con run làm má thi rớt", chắc chắn như vậy rồi.

Năm người bà cháu mẹ con gì đêm đó thức hết. Sáng ra tôi ngồi dậy sớm, kêu Thúy dậy đi với má, vô phòng vệ sinh, sáng rồi con, dậy đi. Nó chưa tỉnh táo, nói "trứơc mặt đó, má đi đi. Tôi nói "má sợ...." Nó ngồi dậy hai mẹ con đi.

Đồ đạc trong đó còn nguyên mới tinh. Tụi tôi đi có đem theo đủ thứ hết, mình xài của mình, đó là thói quen của tôi. Đi đâu cũng vậy, chỉ khi nào ở khách sạn là xài đồ của họ tại vì mình trả tiền cho mấy món đồ đó mà.

Xong xuôi rồi hai ông bà chủ mời ăn sáng. Bà đứng nấu, ông dọn bàn. Hai gia đình ngồi vô bàn tổng cộng chín người.Thức ăn sáng cũng như những gia đình người Mỹ, bánh mì nướng trứng gà chiên, phô mai, mứt, nước uống, sửa tươi, nước trái cây. Trước khi ăn họ cầu nguyện. Hai ông bà rất đẹp người. Ông râu quai nón, to cao, vợ ốm ốm cao cao mặc đồng phục, coi hay hết sức. Vậy mà đêm hôm qua tôi sợ không dám ngủ.

Cầu nguyện xong, ăn. Hai đứa nhỏ nhìn chúng tôi không chớp mắt. Hai đứa, sáu và tám tuổi.

Hai ông bà cười nói, Thuý dịch sang tiếng Việt:

"Ở đây không ai biết ngừơi Việt Nam ra sao. Mấy năm trước, năm người Việt ông bảo lãnh qua đây đều ở dưới chân núi vì không có đạo, không được ở trên nầy, chỉ vài người trên nầy xuống đó chở họ đi làm là biết ngừơi Việt ra sao thôi.. Đàn bà chưa ai biết hết, con nít cũng vậy cho nên nó nhìn.

Ăn sắp xong, tôi nhìn bả. Bả thấy tôi nhìn bả hỏi Thúy hình như má muốn hỏi bà chuyện gì phải không" Thúy xây qua hỏi tôi, tôi gật đầu nói phải, trước xin lỗi ông bà, tôi muốn biết đây là đâu"  Tôi thấy trước khi ăn ông bà cầu nguyện, có phải ông bà có tu không" Nếu có ông bà tu theo đạo gì" Đạo Phật hay đạo Chúa. Hồi tối đi lên núi, tuyết nhiều, đường không có xe hơi, đàn ông có râu nhiều quá nên tôi sợ, đêm hôm tôi không dám ngủ. Tại sao ở đây đàn ông tôi gặp sáng nay già trẻ gì cũng để râu quai nón tóc dài hết...

Thúy nói tiếng Anh rõ ràng rành mạch, hai ông bà vui lắm lắng tai nghe...

Thúy day lại hỏi má đạo Phật con hông biêt dịch làm sao, tôi vừa nói tiếng Việt, "đạo Phật" vừa nhìn hai ông bà, vừa chấp hai tay lại cúi đầu xuống nói đạo Phật là vầy nè, hai người cười nói họ hiểu, rồi hai ông bà thay phiên nhau trả lời những câu tôi hỏi.

"Ông bà là ngừơi tu, tất cả trên núi cũng là người tu cùng một đạo, không phải đạo Phật, không phải đạo Chúa, đạo riêng của chúng tôi là... (tôi quên tên đạo gì cho tới mới đây mới biết là đạo Amish) ông nói năm đó in là 1981, tháng mấy quên rồi, ông nghe trên báo nói, người tị nạn cộng sản chết nhiều lắm, chết vì giặc cộng sản, chết vì vượt biên, cướp giết, chìm thuyền, ông là người tu nên ông bảo lãnh năm người độc thân từ đảo qua đây. Tới đây ông có nhà dưới núi chứa người tị nạn vì luật ở đây chưa vô đạo chưa được lên núi. Ở được một hai tháng chắc mấy người buồn nên đi hết, trên đây chưa có ngừơi biết mặt.

Có người tới xin với ông, có người tự đi. Họ có nói xin ra để kiếm việc làm có tiền nuôi gia đình còn ở Việt Nam. Ở đây có vài người tu đem thức ăn xuống núi mỗi ngày, người nào chở họ đi làm thì biết mặt còn bao nhiêu người trên nầy thì không ai biết ai. 

Hôm qua điện thoại Hoàng nói muốn chở vợ con tới thăm, vợ chồng ông mừng lắm nên ông đợi từ bốn giờ. Ông trả lời tiếp, năm người ông bà bảo lãnh, chỉ có thằng Hoàng tới đây thăm ông bà, còn bốn người kia không trở lại.

Ông chủ làng mừng Hoàng, cám ơn Hoàng, cám ơn má tới thăm, là khách quí nên đêm hôm, ổng đưa tin mình tới, ổng đưa mình đi ngang nhà tất cả, để người trong làng mừng khách quí; còn ở đây mùa đông người nào cũng để tóc, để râu, mùa hè cắt tóc cạo râu. Bữa nay là ngày nhịn ăn tất cả, bữa ăn nầy là bữa ăn đặc biệt đãi quí khách. Những ngừơi tu sống ở đây đều làm việc không có tiền.

Tôi hỏi "làm việc không có tiền làm sao có thức ăn, mấy người đi làm, làm việc ở đâu, ở đây có bao nhiêu người, có phải ông bà là chủ không"" 

Ông nói trên đây hồi mới tới chỗ nầy, mua cái núi nầy lúc đó ít người lắm, bây giờ được 300 ngừơi. Ai cũng có việc làm. Món gì không làm được mới phải mua.

Sau bữa ăn ông hướng dẫn chúng tôi đi thăm làng và cho biết "Xe chúng tôi có 45 chiếc, có cây xăng, có trực thăng, có nhà giữ trẻ. Ba trăm người đều có chìa khoá xe, ai cần đi đâu thì đi, xe nào cũng được, tự đổ xăng không tốn tiền. Có chỗ đóng giày, chỗ hớt tóc, chỗ dệt vải, chỗ may đồ, chỗ cưa cây cưa ván, thứ tốt làm tủ giường, bàn ghế, thứ vụng làm đồ chơi con nít, xài không hết thì gởi dưới phố, họ bán dùm."

Tôi nhớ, chỗ trại cưa nầy, trên gác làm đồ chơi, ổng kêu tôi leo vô ngồi trong một cái thùng có dây kéo lên, còn mấy đứa thì đi cầu thang, không cao gì lắm đâu, bằng cầu thang như trong nhà mình vậy. Mấy món đồ chơi thô sơ đục đẻo bằng tay mà, hình con bò, con chó, xe ngựa kéo, xe con nít tập đi...

Ổng có cho thằng Hân một con ngựa cầm vừa bàn tay nhỏ xíu và tiếp:

"Ở đây cũng có bác sĩ, nhà thương, trường học. Trực thăng để đưa rước mấy ông bà lớn tới thăm.   Trường học, chỉ có tới tiểu học và trung học, đại học xuống phố mới có. Đi học được người đưa rước, đậu bác sĩ kỷ sư trở về đây làm việc. Ở đây cùng ăn uống tập thể. Ba trăm người, thứ bẩy mỗi tuần nhịn ăn một ngày, thức ăn đó đem giúp cho ba trăm người nghèo dưới phố. Mỗi tuần thứ bẩy ba trăm người chỉ uống nước, nghe đọc báo, tin tức, từ Nữu Ước. Không có ti vi, không máy hát. Con nít từ sáu tuổi tới người già ai cũng có chuyện để làm, mạnh làm việc nặng yếu làm việc nhẹ. Được quyền có vợ có chồng, thương nhau thì ông bà đứng chủ hôn cho làm đám cưới chỉ trong đạo thôi, không được lấy ngừơi ngoài. Tu không thờ cúng, chỉ cầu nguyện thôi".

Tôi thấy con nít cở 6, 7 tuổi đẩy giỏ quần áo dơ, có bốn bánh xe xuống chỗ giặt. Tôi nhìn vô giỏ quần áo, thấy quần áo có số của từng nhà.

Mấy bà già làm việc nhẹ, thêu thùa, đan, ngồi ngay cửa sổ. Nghe lời giới thiệu mấy bà ngước lên chào cười, rồi cúi xuống tiếp tục mũi kim lên xuống lên xuống. 

Tôi ngó ra cửa sổ thấy chim đâu mà ríu rít ríu rít, tụ lại mổ mổ đồ ăn gì đó".

Trời lạnh quá mà chim hổng thấy lạnh sao".

Ổng đưa chúng tôi đi coi, đầu tiên chỗ mấy người già ngồi đan, rồi chỗ giặt đồ,  ủi đồ bằng bàn ủi than, cũng một dãy, một dãy bàn dài, người xếp đồ, xong đẩy xe về mỗi nhà. Tới phòng nấu ăn, lò làm bánh mì toàn bằng than củi, soong nồi, ba bốn cô đang lau chùi sáng bóng. Phô mai, sữa, thứ gì cũng tự làm lấy.

Tới chỗ đóng giâỳ, chỗ cưa cây, cưa bằng tay chớ không xài máy. Ổng nói phần nào của cây cũng xài được hết không bỏ chút nào. Thứ gì cũng làm bằng tay. Loại tệ vụn vằn thì để làm củi nấu thức ăn còn mạt cưa trộn phân thú vật để ươm cây, không có thứ nào bỏ. Tiếc là mùa đông, tuyết nhiều nên ổng không đưa chúng tôi tới chỗ nuôi thú vật. Không biết họ có ăn thịt thú vật không, tôi quên hỏi, nhưng họ đãi chúng tôi có trứng gà, có xúc xích.

Họ đưa chúng tôi tới nhà họp. Họ giới thiệu chúng tôi, chào mừng chúng tôi. Ổng nói ở đây hai ông bà là chủ, còn chủ chánh ở Nữu Ước. Ổng nói khắp nước Mỹ đều có người của họ. Núi nầy tôi không biết là núi gì. Về sau mới biết dưới phố thuộc về Pennsylvania, gần chỗ con gái lớn tôi ở, Virginia.

Mỗi tuần ngày thứ bảy, ba trăm người tới nhà họp nghe đọc báo tin tức, nghe trong máy từ Nữu Ước tới rồi thì người uống trà người uống nước ngọt. Tôi thấy những người thanh niên, thiếu nữ, đẫy xe lại, ai uống thứ gì tự lại rót uống, tất  cả đều nhìn chúng tôi. Ngày nầy là ngày họ uống chớ không ăn.

Trước khi ra khỏi phòng tôi cứ dòm lên trần nhà. Trên trần có loại bóng đèn tròn tròn màu trắng ngộ hết sức. Thấy tôi ngó, ông hỏi phải tôi muốn biết về mấy bóng đèn đó không" Thúy dịch lại, ổng trả lời đó chỉ là bong bóng thổi phồng lên rồi xịt sơn trắng lên để trang hoàng cho đẹp mà thôi chớ không phải bóng đèn thiệt.

Ổng mời chúng tôi tới trường trung học. Ổng nói mấy đứa học trò muốn biết mặt người Việt Nam. Trước kia năm người ông bà bảo trợ chỉ có vài người biết thôi. Tôi có hỏi ổng chính phủ có bảo trợ không, ổng nói có.

Tới trường thấy học sinh, cũng vài chục đứa trai. Ổng chỉ cho tôi thấy bản đồ Việt Nam thật lớn làm tôi giựt mình, cảm động quá sức. Mấy đứa học sinh đứa nào cũng cầm tờ giấy với cây viết. Trong bọn chúng có đứa hỏi tôi ở Việt Nam mà ở đâu, thành phố nào, tôi nói ở Sài Gòn, nó không biết Sài Gòn ở đâu, tôi chỉ trong bản đồ. 

Ổng nói chúng nó muốn hỏi để học, hỏi nhiều lắm. Hỏi về cộng sản, tại sao nó giết người, nó ở đâu"

Tôi nói tôi ở miền Nam, cộng sản ở miền Bắc. Nước Việt Nam bị chia hai. Năm 1968 cộng sản xuống miền Nam giết nhiều người lắm, trong số đó có chồng tôi, rồi tới năm 1975 nó vô chiếm luôn miền Nam, ai chạy được thì cũng chạy hết. Kẻ đi ghe đi tàu, ngưòi chạy bộ, chết nhiều lắm.Tôi kể tôi có bốn đứa con đã qua Mỹ trước, còn lại năm mẹ con, may mắn chạy theo người ta vô phi trường Tân Sơn Nhứt được lính Mỹ đưa lên máy bay ngày 28 tháng 4  qua tới Mỹ ngày 30 vì còn phải ghé đảo Wake làm giấy tờ.

Nó hỏi, tới ở đây tôi có vui không" Tôi nói mừng lắm vì ở đây không có cộng sản rồi tôi nói xin phép tôi về sợ thằng Hân bịnh, tôi cũng yếu.

Tôi cám ơn ông bà và tất cả ba trăm người ở đây, cám ơn bữa ăn đặc biệt, ngày ai cũng nhịn, mà mình được ăn.

Ông đưa chúng tôi tới chỗ đậu xe. Ban ngày mới thấy rõ, đủ loại xe, 45 chiếc, một dọc cây xăng, người thì vắng vì lúc đó họ đang sinh hoạt ở trong nhà họp.

Quên nữa, tôi có hỏi bả như tôi muốn đi tu ở đây có được không" Bả nói ai tu cũng được nhưng phải suy nghĩ cho kỹ. Vô thì được nhưng ra không được.

Tôi hỏi xin bả cái khăn để làm kỷ niệm, bả nói không được, người nào trong đạo mới được đội cái khăn nầy. Bả cho tôi cặp áo gối, cái nầy là của bả. Lúc ở không, rảnh, bả thêu, cũng đẹp lắm.

Về tới nhà tôi rồi, hôm sau tôi kể cho các con tôi nghe, tôi xin nó 300 cái khăn  bàn lớn để tắm, gởi cho nhóm người đó. Con tôi lúc đó làm trong hãng may khăn nên nó gởi liền. Tôi còn nhớ tôi nhắc hai ba lần, nó nói "Con gởi rồi má, con gởi dư nữa mà..."

Tôi dặn nó gởi dư thêm vài cái vì tôi thấy có vài người đang mang bầu.

Mấy hôm sau họ nhận được thùng khăn, có gởi thơ cám ơn.

Năm 1984 gia đình tôi dọn về Cali. Từ đó tới giờ không có trở lại đó.

Mới bữa trước coi ti vi thấy tin năm đứa nhỏ đang ngồi trong lớp học bị người ta vô giết chết, tôi mới biết, đó là người làng Amish đó.

Năm tôi tới thăm thì trường tiểu học, trung học trên núi, sao bây giờ là dưới núi, chắc bây giờ đông người hơn"

Thật tội nghiệp. Những ngưòi nầy hiền lắm. Tôi chỉ đi có một lần, hai ngày một đêm, không bao giờ quên.

Con suối nước trong xanh, bắt cầu ngang suối. Cảnh thần tiên. Ai cũng có việc làm, không ai thất nghiệp. Nhỏ thì được đi học. Đau có bịnh viện, có bác sĩ. 

Mặc dầu họ làm việc không có tiền, nhưng có tiền làm gì" xài ở đâu"

Ăn tập thể, quần aó giày vớ có chỗ dệt, có chỗ may. Những ngưòi học xong trở về làm cho cộng đồng. Làm việc thiện thì phải nhịn ăn, một tháng bốn ngày. Tiếc là tôi không thấy chỗ đậu trực thăng với chỗ nuôi thú vật

Trước ngày năm em bé Amish bị bắn một tuần lễ, không hiểu tại sao, có linh tính gì lạ lùng, tôi tự nhiên nhớ lại chuyến đi đó, tôi kêu điện thoại lên Santa Ana kể cho em út của tôi nghe.  Em tôi năm nay 74, tôi cũng đã 82, nghe kể, em tôi nói nghe chế kể em cũng muốn đi tu.

Tuần sau thấy tin mấy em bị bắn giết, trời ơi, người hiền lành cảnh tu hành sao có người hung dữ" Sao mấy em bị nạn" Có phải số phần gì phải chịu vậy"

Nam Mô A Di Đà Phật. Cầu cho vong hồn mấy cháu chết oan sớm siêu thăng.

Người bắn chết mấy cháu cũng đã tự vận luôn bỏ lại vợ con. Dân làng Amish, những người cha người mẹ của mấy cháu xấu số đó đã ra tay giúp đỡ gia đình của kẻ sát nhân.

Thiệt là những người vị tha, thiệt là khoan dung, bác ái. Đúng là những người mà tôi đã có phước phần gặp gở hăm ba năm trước.

 Năm đó tôi 58 tuổi. Hai mươi ba năm rồi, đi một lần nhớ cả đời.

Cảnh tiên tôi không biết ra sao nhưng chắc cũng chỉ đẹp như ở làng Amish mà thôi. Một chỗ không nghe tiếng máy móc, không tiếng ồn ào, tiếng máy hát, ti vi, không nghe những lời xấu xa đua đòi cạnh tranh...

Mấy đêm tôi không ngủ được

Bây giờ cũng mùa thu, ở Cali gió lạnh nhưng không có tuyết.

Mà sao tôi nhớ cảnh tuyết trắng và xóm nhà có hai ông bà chủ và mấy trăm người Amish hiền lành trên núi Pensylvania hoài.

Cầu mong tết này ông bà chủ làng và dân làng đều mạnh khoẻ, vui ve.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,641,376
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 160 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và sau đây là bài viết mới nhất. Con số vượt biển chính xác là 1.300 dân kinh 5 vượt biển đến nơi. Sau đó bảo lãnh nhau hiện đã có 5 hay 6000 dân gốc kinh 5 ở Mỹ.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự.
Chào mừng tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ, mong ông tiếp tục viết và bổ túc mấy dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến