Hôm nay,  

Tháng Tư Ở DC: Thăm Nhà Bại Tướng

01/05/200700:00:00(Xem: 124012)

Người viết: Nguyễn Thanh Khiết

Bài số 1254-1865-571vb3010507

*

Tác giả là cư dân New Jersey, vừa cùng gia đình thăm viếng Washington D.C.. Ngoài chuyện thưởng hoa anh đào nở, ông và gia đình còn có dịp thăm nghĩa trang Arlington, đặc biệt là thăm mộ và ngôi nhà lịch sử của vị bại tướng miền Nam Robert Lee  trong chiến tranh Nam Bắc. Tựa đề được đặt lại theo nội dung bài viết.

*

Hàng năm cứ vào đầu xuân, hoa Anh đào lại bắt đầu nở rộ ở thủ đô Washington.  Đây là một thắng cảnh thu hút rất nhiều du khách.

Chỉ 4 giờ lái xe từ New Jersey đến Washington DC, chúng tôi thường hay đi xem hoa nở vào mỗi độ xuân về.  Ở xứ New Jersey lạnh lẽo này, không được cảnh nắng ấm như bên Cali thì cũng phải "tùy duyên" để tìm được niềm vui như mùa xuân đi ngắm hoa anh đào, mùa hè xuống Delaware thưởng thức "cua lột", mùa thu lên Vermont nhìn cảnh lá vàng vào thu và mùa đông thì đi trượt tuyết ở vùng đồi núi Pocono ở Pennsylvania.

Ngoài việc thưởng ngoạn hoa anh đào nở, đi xem các bảo tàng viện và thăm viếng các đài tưởng niệm tại thủ đô Washington, cũng là những điểm tham quan.  Đứa con gái út của chúng tôi nay cũng đã gần bảy tuổi và từ lớp một, giáo dục của Mỹ đã bắt đầu giới thiệu về các tư tưởng tự do, bình đẳng, không phân biệt kỳ thị nên cháu cũng đã biết đến tên mục sư Martin Luther King Jr với bài diễn văn lịch sử "I have a dream" đọc tại đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln, cho nên đưa cháu đến xem tận nơi những chỗ đã được học cũng là mục đích của chuyến đi. 

Do đã vài lần đi đến các điểm tham quan ở Washington DC, đứa con gái lớn của chúng tôi nay đã vào đại học, vốn rất thích lịch sử, yêu cầu đi đến vùng Virginia xem nhà di tích và đồn điền của Geogre Washington (vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ) và viếng Nghĩa trang quốc gia Arlington. 

Điều khá ngạc nhiên đầu tiên với tôi là  tuy xem nhiều đám tang trực tiếp truyền hình tại Nghĩa trang  Arlington nhưng tôi vẫn bất ngờ với Arlington ngoài thực tế, rộng lớn,  thiết kế hài hòa và có một vẻ đẹp khó diễn tả. 

Đứa con gái tôi theo bản đồ đi đến những ngôi mộ mà cháu thích, và xem ra gia đình có vẻ không chia sẻ lắm với các quan tâm nên cháu hỏi chúng tôi có muốn đi xem mộ ai không.  Với kiến thức nghèo nàn của tôi về lịch sử Mỹ, chỉ biết đến các tên tuổi thuộc những tổng thống gần đây hoặc những ai đã có liên quan đến chiến tranh Việt Nam, cho nên trong các đề nghị chỉ có vài tên chúng tôi có nghe đến. Chúng tôi chọn đến xem ngôi mộ của gia đình Tổng thống Kenedy và mộ của Phi hành đoàn tàu không gian Challenger...

Nhìn mộ của Kenedy & Jackqueline, một đôi uyên ương "trai tài gái sắc" nay chỉ còn là hai bia mộ, cũng thấy ngậm ngùi cho lẽ "vô thường" ngắn ngủi của cuộc đời cùng nằm bên cạnh với hai đứa con chết sớm của họ, một ngọn lửa vĩnh cửu lung linh. Mộ nằm dưới chân một ngọn đồi và lên đỉnh khoảng hơn một trăm tam cấp là một ngôi nhà, thấy nhiều du khách đi lên tôi cũng tò mò hỏi con gái tôi ngôi nhà gì ở trên đỉnh đồi, cháu nhìn vào bản đồ và reo lên: "Ô! Đó là nhà của Robert Lee.  Con phải đi xem! Con phải đi xem, Ba có đi không"" 

Thấy tôi hỏi "nhưng Robert Lee là ai vậy"" Cháu nhìn tôi hơi ngạc nhiên "Don t you know him"" (Ba không biết sao")  Tôi thành thật trả lời: "Ba không biết, Ba đâu có học lịch sử Hoa Kỳ".

Trong suốt hơn một trăm tam cấp bậc thang khéo léo thiết kế để lên đỉnh đồi đến ngôi nhà, cháu nó cho tôi biết Robert Lee, ông là một anh hùng và đủ thứ chuyện khác về cuộc nội chiến Nam Bắc của Mỹ, và tôi bắt đầu chú ý khi nghe đến một vài chi tiết trong cuộc đời của vị tướng này trong cuộc nội chiến, nó làm tôi liên tưởng đến cuộc chiến của hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Con tôi làm tôi chú ý hơn khi đưa ra nhận xét là trong số bao nhiêu người lãnh đạo của miền Nam bị thất trận, không có mấy người được nhớ, được lịch sử nhắc đến và được ngưỡng mộ như tướng Robert Lee. Tôi hơi bất ngờ khi biết Lee là một bại tướng miền Nam! 

Lên đến đỉnh đồi, tôi thấy một quang cảnh khá ngoạn mục.  Thủ đô Washington nằm xa xa bên dưới, nổi bật lên là ngọn tháp Bút Chì (Đài Kỷ niệm Washington), Đài Kỹ Niệm Tổng Thống Lincoln,  Điện Capitol,  phía bên phải là Lầu Năm góc, từ đỉnh đồi nhìn xuống là toàn cảnh các ngôi mộ, xen lẫn những cành hoa anh đào trắng, hồng  nở rộ.  Khung cảnh yên tĩnh, lắng đọng có một cái gì đó thanh thoát. Chúng tôi đứng trước căn nhà của Tướng Robert Lee. 

Trong khi chờ đợi để đi vào bên trong tham quan, chúng tôi xem một khu vườn thật đẹp, tìm thấy nhiều điều lý thú từ các ngôi mộ chung quanh từ thế chiến thứ nhất. Sau khi chú tâm xem tóm tắt về địa danh và con người,  tôi thật sự bắt đầu bị thu hút  khi đọc đến những dòng ca ngợi vắn tắt vì sao Robert Lee trở nên vĩ đại từ một vị tướng thất trận của miền Nam trong cuộc nội chiến, tôi tự nhiên bỗng liên tưởng ngay đến cuộc chiến Việt Nam.  Những thuyết minh về tiểu sử của tướng Robert Lee và căn nhà "Lee Mansion"  làm tôi thấy có gì đó giống như những gì tôi đã nhìn thấy trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua.

Robert Lee là một vị tướng của miền Nam, sau khi thất trận ông đã trải qua bao nỗi đau của một kẻ bại trận.  Những cay đắng, bất công mà kẻ thắng trận (miền Bắc) đã gây ra cho ông. 

Ngôi nhà lịch sử tôi đang đứng xem và phía dưới là toàn bộ nghĩa trang Arlington đã từng là tài sản của ông, đặc biệt là căn nhà này   Arlington house   là một căn nhà ông yêu mến nhất với bao kỹ niệm gắn bó, nhưng bị "luật pháp thuế" của miền Bắc tước đoạt,  không phải chỉ  Robert Lee,  mà có lẽ tất cả những người miền Nam đã tham gia trong cuộc chiến với vai trò của mình đều là đối tượng bị ngược đãi và đối xử bất công. 

Robert Lee là một tướng lãnh chỉ huy của quân đội miền Nam chống lại quân miền Bắc chiến thắng của Tổng Thống Lincoln.  Ông đã chỉ huy các trận đánh chiến lược trong cuộc nội chiến giữa hai phe Bắc - Nam của Hoa Kỳ.  Quân Nam thua trận, ông thành bại tướng, nhưng vẫn giữ nghĩa khí của một vị tướng từng là Tổng chỉ huy Quân đội miền Nam. Và rồi Quốc Hội Mỹ đã vẫn tuyên dương  ông: "Không có ai ở miền Nam có thể làm gương hơn được như Robert Lee  trong việc mang lại sự đoàn kết cho tổ quốc chúng ta."

Một viên tướng bại trận đã vượt lên những cay đắng để đem lại sự đoàn kết và phục hồi cho quốc gia sau đổ vỡ của chiến tranh huynh đệ tương tàn!

Với hiểu biết rất hạn chế về lịch sử Hoa Kỳ, tôi vẫn luôn thấy rằng nước Mỹ này thật vô cùng  may mắn khi đã có bao nhiêu lãnh tụ tài ba (nhất là các người sáng lập ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ), xuất sắc trong những tư tưởng và hành động cao quý để mang lại dân chúng của  đất nước này bao nhiêu lợi ích, phồn vinh,  và nay tôi lại biết thêm một vị tướng với suy nghĩ sáng suốt, vượt lên cái bình thường của một bại tướng để kêu gọi mọi người bỏ qua quá khứ,  cùng nhìn về tương lai cho một quốc gia hùng mạnh. 

Trạm dừng chân trước khi lái xe về New Jersey phải là trung tâm Eden, khu thương mại phồn thịnh của người Việt Nam tại Virginia và Washington DC, từ cổng vào tôi nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ của Miền Nam VNCH bay phất phới, trong trung tâm các con đường nhỏ mang tên các vị tướng của quân lực Miền Nam đã tử thủ và hy sinh trong những ngày cuối cùng của sự sụp đổ của miền Nam. 

Ngồi trong quán ăn Việt Nam, tôi tình cờ nghe được từ các người ngồi kế bên nhắc đến là cũng đã sắp đến 30/4 ngày Quốc hận và bàn tán đến các chương trình kỷ niệm có thể có.

  Tôi lấy lên vài tờ báo tiếng Việt đọc xem, lướt qua phần lớn đều đưa tin việc xử án Linh mục Nguyễn Văn Lý với tấm hình linh mục bị công an Việt Nam bịt miệng tại tòa, các hình ảnh của cuộc di tản 75 và một bài viết cuốn phim đã được nhiều người nhắc đến, tựa đề tiếng Việt là "Vượt Sóng", tựa đề tiếng Mỹ là "Journey From The Fall" kể lại cảnh khổ cực, đọa đày của bao nhiêu người miền Nam sau ngày thất trận.  Bài đọc với các ảnh trích từ cuộn phim như cảnh tù cải tạo, vượt biên làm tôi liên tưởng lại những tháng ngày đen tối nhất của gia đình tôi và của chính tôi.

Tôi vẫn không quên cảnh vượt núi bao ngày để đi thăm nuôi ba tôi khắp các trại cải tạo khét  tiếng như Na Sơn, Bầu Bàn, Tiên Lãnh  trong các vùng núi Trường Sơn, rừng thiêng nước độc ở Quảng Nam.  Như mới thấy hôm qua, hình ảnh tấm thân gầy còm của ba tôi quẳng gánh mấy thứ đồ ăn khô khuất sau núi mà tôi cố gắng nhìn theo và luôn sợ rằng đó là hình ảnh cuối cùng của cha tôi, và không biết còn bao giờ gặp lại.  Những giọt nước mắt lăn dài, tấm than tiều tụy của Má tôi vì quá cực khổ sau ngày "được giải phóng", nhìn đàn con từng đứa một trở nên thất học bởi cha là ngụy quyền - những ngày gian khổ, lặn lội thăm nuôi chồng, con ở "hai đầu" thăm chồng trong trại cải tạo Quảng Nam, và thăm con bị tù ở tận Kiên Giang, Rạch Giá.  Rồi căn nhà cả một đời công chức dành dụm của Ba Mẹ tôi bị tịch thu và đuổi đi vì do tài sản của Mỹ Ngụy (cho dù chúng tôi có đầy đủ chứng từ  cho thấy Ba tôi mua đất từ 1950, dành dụm cả 10 năm cho đến khi xây xong  căn nhà vào năm 1960, 5 năm trước khi Mỹ bắt đầu đến Đà Nẵng năm 1965!)

Tôi vẫn còn giữ trong ngăn kéo tôi nguyên bản án tịch thu nhà.  Vào 2 giờ khuya, Ủy Ban Phường  đến đọc lệnh thu nhà, đuổi ra khỏi nhà và buộc gia đình tôi phải đi kinh tế mới trong lúc em gái tôi đang sắp đến ngày sinh nở, từ Vĩnh Long đang về nhà mẹ.

Sau gần 10 năm qua khắp các trại cải tạo, ba tôi đã bị điếc khi được thả ra do tác dụng của các viên "ký ninh" để chống chỏi với sự hoành hành của bệnh sốt rét rừng.

Khi viết những dòng chữ này tôi vẫn còn nhớ những nỗi đau, mất mát của gia đình tôi sau ngày 30/4 1975. Phần tôi sau hơn 17 năm cũng trải qua nhiều tập của "con đường đau khổ", bất lực khi nhìn thấy gia đình và đàn em chịu đủ sự bất công.

Tôi càng thấm thía sự mất mát khi đến được đất Mỹ này với ý thức là thời thanh xuân, sung mãn về trí tuệ và thể lực của tôi đã vĩnh viễn bị cướp đi.  Hiện nay từng ngày tôi vẫn còn cảm thấy các hậu quả lâu dài của chính sách phân biệt đối xử đối với "con cái của ngụy quân ngụy quyền", có lẽ những gì lúc trai trẻ đè nén, chịu đựng, và vượt qua được thì nay đã đến lúc trỗi dậy khi qua ngưỡng tuổi  "tri thiên mệnh."  

Tôi chắc không thể nào quên nhưng đã cố học theo nhiều người trong đó có cả Ba tôi, để bỏ qua sân hận đối với những người đã gây đau đớn, mất mát  cho mình.

Tôi đã tìm thấy đâu đó lời dạy của Phật, và đã từ lâu tâm nguyện bỏ qua, cố cho tâm không còn vướng mắc để được thanh thản như bài thơ "Nhạn quá trường không" mỗi khi có gì đó gợi nhớ lại chuyện xưa, nhưng cuộc đấu tranh "sân si" vẫn còn âm thầm diễn ra trong vô thức. Chắc có lẽ vì thế mà tôi dễ dàng cộng hưởng được với câu chuyện của Tướng Lee, cảm thấy một sự đồng cảm, một lời khuyên.

Căn nhà của Tướng Lee, bậi tường miền Nam, đã được "trả về lại cho Cesar". Nhưng căn nhà đầy kỷ niệm ở Hội An của gia đình tôi đã bị tước đoạt, thì không biết ngày nào mới được hoàn trả. Tôi nhớ đến câu nói của Tướng Lee từ tờ hướng dẫn tham quan:  "I believe it is the duty of everyone to unite in the restormation of the country and the re-establish of peace and harmony" (Tôi tin rằng nhiệm vụ của mỗi người là đoàn kết trong việc hồi phục lại quốc gia và thiết lập lại sự hòa bình và hòa hợp).

 Tôi  mong ngày nào đó khi căn nhà của gia đình sẽ được  "châu về hiệp phố",  tôi sẽ  biến nó trở thành một thư viện cho thị xã, vốn chưa hề có, để đáp ứng một nhu cầu thiết yếu mà tôi hằng mong muốn làm được gì cho phố Hội, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Tướng Lee,   không chỉ bằng lời nói mà ông thực sự làm gương và khuyến khích bao người miền Nam "to raise above the bitterness of the war" (vượt lên khỏi những cay đắng của chiến tranh)   Một thông điệp mạnh mẽ không chỉ đúng cho các bại binh của mình vào năm 1895, mà còn cho tất cả các nạn nhân của mọi cuộc chiến. 

Chính vì vậy mà căn nhà Arlington ("Lee mansion") đã được chính phủ Mỹ quyết định bảo quản như là một di tích lịch sử để tưởng nhớ đến vị tướng này -  Tướng  Robert Lee  đã vượt lên khỏi những vướng mắc, ràng buộc, các đắng cay của một bại tướng miền Nam để đóng góp cho  sự đoàn kết cho tổ quốc và sự phồn vinh của dân tộc Hoa Kỳ, theo tôi sự can đảm  này còn cao hơn cả việc xông pha chiến trận sẵn sàng "da ngựa bọc xương",  việc làm đó thật đáng cho mỗi chúng ta suy nghĩ.

Nhìn lại cuộc chiến tàn khốc Việt Nam, chính sách sai lầm của người chiến thắng đã gây quá nhiều đau thương, tang tóc và hận thù cho mỗi người Việt Nam, nhưng đã qua hơn ba mươi năm rồi, sao những lời kêu gọi và việc làm giống như của Tướng Lee vẫn thấy quá yếu ớt.

Tôi mong rằng, một ngày nào đó những suy nghĩ theo quan điểm của Tướng Lee sẽ trở thành một trào lưu, lấn át đi những suy nghĩ hành động theo chiều hướng tiêu cực. Mong thay sự xuất hiện của những "Robert Lee Việt Nam"!

Tôi chợt nhớ lại câu nói của Na, con gái tôi: "You will be surprised of what you can learn from a cementery" (Ba sẽ ngạc nhiên về những gì mình có thể học được từ sự viếng thăm một nghĩa trang). 

Và tôi nghĩ thêm biết đâu cũng tôi sẽ tìm thấy các bài học khác khi viếng một nghĩa trang của các anh hùng Việt Nam...

Nguyễn Thanh Khiết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,297,866
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến