Hôm nay,  

Phi Trường Tân Sơn Nhất và Tôi

04/04/200700:00:00(Xem: 128702)

Người viết: Tấn Quân

Bài số 1233-1844-550vb3030407

*

Tác giả tên thật Nguyễn Tấn Quân,  44 tuổi, cư dân Oklahoma City, OK, hiện là General Ledger Accountant, làm việc tại The Board of Education of Oklahoma. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là những hồi ức về phi trường Tân Sơn Nhất trước và sau ngày 30 tháng Tư 1975.

*

Phi trường Tân Sơn Nhất không xa lạ lắm đối với người Việt Nam, nhất là những người có thân nhân đi nước ngoài hoặc những người Việt Nam sống ở nước ngoài khi ra đi hay trở về Việt Nam đều đã có dịp đi ngang qua đó, riêng đối với tôi thì phi trường TSN là cả một vùng trời kỷ niệm của tuổi thơ. Tôi sinh ra trong khu vực phi trường, lớn lên đi học, đi chơi với những bạn bè hàng xóm, những kỷ niệm của tuổi thơ tất cả đều gắn liền với những hoạt đông ngày đêm của phi trường, nhất là lúc chiến tranh Việt Nam leo thang, quân đội Mỹ có mặt khắp nơi và nhiều nhất là ở trong căn cứ TSN.

Nhà của chúng tôi nằm ngay bên cạnh căn cứ MACV còn được mệnh danh là Ngũ Giác Đài của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong những ngày tháng chiến tranh sôi động và nhiều biến chuyển cho đến tháng tư năm 1975, phi trường TSN đã thay đỗi theo từng nhịp độ của cuộc chiến, có những đợt chuyển quân ngày đêm với máy bay lên xuống ầm ĩ, có những lúc thật êm lắng khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973 sau khi hiệp định ngừng bắn Paris được ký kết, nhưng sau đó lại sôi động trở lại và có phần khốc liệt hơn với những đợt tấn công của quân Cộng Sản Bắc Việt vào Sàigòn mà phi trường TSN là một trong những mục tiêu quan trọng tronh những đợt tấn công đó. Tôi và gia đình đã sống chung và quen với hoạt động và những tiếng động cơ máy bay lên xuống ngày đêm mà không cảm thấy khó chịu hoặc bực bội, ngược lại đối với những người thân quen hoặc họ hàng ở nơi khác đến chơi đều lấy làm khó chịu và rất ngạc nhiên vì sao chúng tôi có thể ăn ngủ và sinh hoạt bình thường mà không cảm thấy khó chịu mỗi khi máy bay lên hoặc xuống.

Lớn lên tôi đi học trong khu vực phi trường với trường Tiểu Học Tân Sơn, sau đó được đổi thành trường Trung Tiểu Học Văn Hóa Quân Đội Tân Sơn cho đến ngày 30-4-75. Đây là ngôi trường mang nhiều kỷ niệm nhất cho tuổi ấu thơ và thời niên thiếu của chúng tôi. Từng lớp học, sân bóng, sân chơi với những dụng cụ tối tân đẹp đẽ được viện trợ trực tiếp từ Mỹ mà lúc đó chưa có một trường học nào ở Saigon có được. Bạn bè đi học của tôi lúc đó phần lớn đều là con em của gia đình sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ Không Quân, dĩ nhiên cũng có những gia đình khá giả sống trong căn cứ Không Quân TSN muốn con em đi học ở một trường tư thục tốt hơn thì họ cũng có thể đưa con em ra Saigon học những trường trung tiểu học nổi tiếng hoặc đắt tiền lúc bấy giờ. Mỗi ngày chúng tôi được đi học bằng xe đưa rước học sinh của trường, đó là những chiếc xe buýt quân đội của căn cứ Không Quân, tuy được dành riêng để đưa rước học sinh, nhưng đôi khi cũng dành cho những công việc dột xuất khác như đưa đón gia đình quân nhân hoặc các quân nhân trong những dịp lễ lạc đặc biệt hoặc trong những chiến dịch đột xuất trong những năm tháng chiến tranh triền miên, cho nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng có dịp được thay đổi từ chiếc xe buýt quen thuộc sang chiếc xe GMC hoặc xe chiếc Dogde vận tải nhẹ; với tuổi trẻ hồn nhiên như tất cả những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác, chúng tôi hoàn toàn thoải mái và đôi khi có phần hào hứng mỗi khi được thay đổi đột xuất những chiếc xe khác nhau, vì chúng tôi sẽ có cơ hội la hét hoặc đùa giỡn, nhất là vào những tháng mùa mưa có thể có những trận tắm mưa bất đắt dĩ trên những chiếc xe tải mui trần như vậy.

Những công viên, sân football, sân baseball, sân basket ball phục vụ cho quân đội Mỹ trong căn cứ TSN cũng được bọn trẻ sống trong căn cứ như chúng tôi tham gia một cách nhiệt tình và đôi khi cũng lạm dụng một cách hồn nhiên. Tôi cũng từng chứng kiến danh hài Bob Hope của Mỹ sang Việt Nam biểu diễn cho quân đội Mỹ đang phục vụ tại Việt Nam ở một sân football gần nhà của chúng tôi, dĩ nhiên lúc đó tôi còn nhỏ và cũng không hiểu gì về tiếng Anh nhưng vẫn hào hứng theo dõi không khí của buổi trình diễn hôm đó.

Một sự kiện tương đối lớn đối với quân đội Mỹ tại Việt Nam đó là lễ cuốn cờ Mỹ tại căn cứ MACV vào một buổi sáng đầu năm 1973 đánh dấu kết thúc hơn một thập niên tham chiến tại Việt Nam.  Buổi lễ tương đối êm ả và nghiêm trang, lúc đó tôi cũng vô tình đi ngang qua và chứng kiến được, nhưng lúc đó hoàn toàn không biết đó là lễ hạ cờ cuối cùng của quân đội Mỹ tại Tổng Hành Dinh MACV trong phi trường TSN, sau này đọc sách báo mô tả lại buổi lễ hôm ấy làm tôi mới nhớ lại.

Căn cứ MACV sau đó được đổi lại tên là cơ quan DAO, một cơ quan dân sự chuyên trách về vấn đề điều phối toàn bộ hoạt động quân sự và kinh tế của Mỹ tại Việt Nam sau hiệp định Paris, dĩ nhiên đó cũng chỉ là vỏ bọc bên ngoài vì thực sự vẫn còn một số nhân viên dân sự và nhân viên tình báo Mỹ ở lại tiếp tục cố vấn và phục vụ cho công cuộc trợ giúp quân đội VNCH trong lúc cuộc chiến đấu với quân đội Miền Bắc vẫn còn tiếp diễn.

Sau 30-4-75 gia đình tôi và một số gia đình sĩ quan Không Quân khác còn ở lại trong Phi Trường TSN thêm một thời gian, sau đó không bao lâu thì tất cả những căn nhà còn lại khác trong khu Cư Xá Sĩ Quan Kiến ốc Không Quân được trưng dụng nếu không muốn nói là bị tịch thu và tất cả mọi người hiện đang cư ngụ trong đó được lệnh phải rời khỏi nhà trong vòng một tuần lễ. Thời điểm đó ủy Ban Quân Quản Saigon Gia Định kiểm soát. Có những đơn vị bộ đội tiếp quản phi trường TSN đóng quân lẫn lộn trong căn cứ, cho nên khi lệnh trưng dụng được ban hành, trong lúc gia đình tôi chuẩn bị dọn dẹp và thu xếp đồ đạc để di chuyển ra Saigon, thì bị những người lính thuộc các đơn vị bộ đội đóng quân chung quanh bắt đầu gây khó khăn và tìm cách giữ lại những đồ đạc vật dụng, sau đó thì cương quyết buộc gia đình chúng tôi rời khỏi nhà với hai bàn tay trắng mà không cho mang bất cứ đồ đạc gì hết, thật là một hành động tham lam và cướp bóc trắng trợn. Cha Mẹ chúng tôi đã bất lực ra đi với hai bàn tay trắng trong cơn tuyệt vọng vì những tài sản được tạo dựng hơn nửa đời người phút chốc chỉ vì một cuộc đổi đời đành phải mất tất cả.

Sau đó chúng tôi dọn về sống chung với Bà Nội tôi trong một căn biệt thự ở Gia Định, không lâu thì Ba tôi được lệnh tập trung học tập cải tạo với thời hạn được Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam ban ra là một tháng, nhưng sau đó cái thông báo tập trung một tháng đã biến thành mười năm dài đằng đẳng trong các trại tù từ Nam ra Bắc sau đó đưa trở về Nam và cuối cùng được trả tự do vào năm 1985.

Gia đình gồm mẹ và sáu anh chị em chúng tôi sau một thời gian sống lây lất ở Sàigon, đã quyết định hồi hương về quê ngoại của chúng tôi tại Thị Xã Sadec thuộc Tỉnh Đồng Tháp, vì tin vào chủ trương và chính sách của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam khuyến khích mọi người nên hồi hương hoặc đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới thì sẽ được cứu xét giải quyết cho thân nhân đi học tập được sớm về đoàn tụ với gia đình. Những lời hứa cuội đó đã đưa đẩy không biết bao nhiêu vạn người dân Miền Nam đi từ đau khổ này đến đoạ đày khác, người bị tù đày, người bị đưa vào vùng khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn muối, sống một cuộc sống địa ngục trần gian.

Khoảng thời gian dài sau ngày 30-4-75 là những chuỗi ngày chúng tôi phải sống trong tủi nhục, trong sự nghi kỵ, khinh khi, phân biệt đối xử của chế độ, của xã hội, của chính quyền địa phương. Đi học, đi làm trong thời gian đó thật là khó khăn và chúng tôi phải cam chịu sống trong sự phân biệt có hệ thống, với sự ngược đãi của chính quyền, thậm chí cả sự phân biệt đối xử trong trường học.

Khoảng thời gian đó thật là khắc nghiệt và cay đắng tưởng chừng như chúng tôi khó có thể vượt qua được. Tuy nhiên bên cạnh vẫn còn có những người bà con, thân quen, với một tấm lòng nhân hậu đã cưu mang và giúp đỡ gia đình chúng tôi trải qua được những quãng đường dài gian khổ đầy nước mắt.

Mười năm trôi qua, người cha thân yêu của chúng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình với một thể xác tàn tạ và một tinh thần rã rời sau những năm tháng đói khát tù tội trôi nổi từ Nam ra Bắc qua các trại cải tạo. Cuối cùng chúng tôi cũng được định cư tại Mỹ theo chính sách nhân đạo đầy tình người của Chính Phủ Hoa Kỳ.

Những năm tháng cực khổ bắt đầu dành cho cuộc sống mới trên quê hương mới, tháng ngày trôi qua và chúng tôi đã trở thành công dân Hoa Kỳ trên giấy tờ, chúng tôi lập gia đình riêng, có những đứa con ra đời cho thế hệ tiếp theo trên đất nước Hoa Kỳ.

Mái tóc trên đầu đã bắt đầu ngả màu thời gian, nhưng nhìn lại những năm tháng trôi qua không bao giờ chúng tôi quên được những hình ảnh cũ từ quãng đời thơ ấu đến niên thiếu thật đẹp, thật êm đềm và thật nhiều kỷ niệm. Đó là khoảng thời gian chúng tôi sống và lớn lên trong Phi Trường Tân Sơn Nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,659
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo