Hôm nay,  

Hình Như Là Tình Yêu

07/11/200600:00:00(Xem: 194241)

HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU

Bài số 1121-1730-443-vb8051106

Tác giả Nguyễn Duy-An, cư dân Virginia, hiện là Senior Vice President, phụ trách Information Technology của National Geographic. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005, ông góp tới 12 bài viết và đã được trao tặng Giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2006. Trong danh sách “Top 10” Viết Về Nước Mỹ 2005 phổ biến trên Vietbao Online,  riêng Nguyễn Duy An đã chiếm tới 5 bài, với tổng số trên 20,000 lượt người đọc. Bài mới viết của ông là một truyện tình, mang cùng một tựa đề với tác phẩm của nhà văn  quá cố Hoàng Ngọc Tuấn, có từ trước 1975: “Hình Như Là Tình Yêu,” nhưng nội dung khác hẳn.

*

Tôi vừa tắm rửa xong, chưa kịp trang điểm đã nghe tiếng chuông gọi cửa. Mẹ hẹn 10 giờ sáng nay sẽ "đãi" tôi một tô phở Bắc chính hiệu mới khai trương ở khu thương xá Eden, vùng Falls Church, Virginia. Bây giờ mới hơn 8 giờ mẹ đã bấm chuông gọi cửa. Tôi biết chắc chắn là Mẹ, vì không ai "gọi cửa" nhà tôi vào sáng sớm Thứ Bảy. Mẹ có chìa khóa nhưng không bao giờ Mẹ tự ý mở cửa vì tôn trọng cuộc sống riêng tư của tôi. Tôi mới dọn "ra riêng" sau khi mua được cái "condo" 2 phòng ngủ, gần sở làm với số tiền dành dụm từ ngày ra trường. Lúc đầu Mẹ chỉ muốn tôi ở chung với Mẹ cho tới khi lập gia đình, nhưng nhờ "ông bố dượng" người Mỹ nói thêm vào nên Mẹ đã bằng lòng.

Chín năm trước, Mẹ đã nhận lời cầu hôn của David là bạn cũ của bố tôi ở đại học George Washington. Bố tôi mất đi trong một tai nạn xe hơi ngày tôi mới được 5 tuổi! David kiên trì theo đuổi và chờ đợi gần 10 năm trời nên Mẹ đã xiêu lòng "bước đi bước nữa" vì những cảm tình của tôi và cả ông bà nội ngoại dành cho David, một người Mỹ với "trí óc và con tim rất Việt Nam".

Sau khi vào nhà, vừa treo áo khoác, mẹ vừa khen:

- Con gái mẹ càng lớn càng xinh ra! Mẹ tới sớm để nghe con kể tiếp về "anh chàng" của con. Ối chà! Có tình yêu có khác...

Tôi đỏ mặt vì lời khen của Mẹ. Tối hôm qua lúc Mẹ gọi điện thoại hẹn hôm nay sẽ đi chơi riêng với tôi cả ngày, vì David đã tình nguyện ở nhà "babysit" cậu ấm Jonathan, để hai mẹ con dễ dàng "gỡ rối tơ lòng...", tôi đã "bật mí" với mẹ trên điện thoại về một người con trai Việt Nam tôi mới "để ý" từ mấy tuần nay. Tôi rụt rè đính chính:

- Mẹ... Con mới nói chuyện với anh ấy vài lần. Con nể phục anh ấy chứ chưa phải là "yêu".

Mẹ xuề xòa:

- Sao cũng được mà. Thuỷ nè..., con đã 24 tuổi rồi đó. Ngày bố con mất đi, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con bây giờ. Mẹ chỉ mong con tìm được người bạn đời...

Thấy mẹ rươm rướm nước mắt, tôi vừa lấy giấy "tissue" cho mẹ vừa nhỏ nhẹ:

- Mẹ đừng buồn nữa. Con tin chắc rằng bố rất vui khi biết mẹ và David hạnh phúc.

- Cám ơn con. Mẹ yêu thương và kính trọng David, nhưng mẹ vẫn không quên được bố con. David cũng hiểu và tôn trọng những "phút riêng tư" của mẹ... Thỉnh thoảng David còn kể lại những kỷ niệm thời còn là sinh viên và tình bạn với bố con, nhưng hôm nay mẹ con mình sẽ nói về "chàng của con..." Nào, kể cho mẹ nghe từ đầu.

- Con đã nói với mẹ trong điện thoại rồi, nói hoài kỳ quá hà.

- Mẹ muốn được nhìn miệng, nhìn mắt khi nghe con kể mới hiểu được "tình" con. Con chiều mẹ kể thêm lần nữa nhé, con gái cưng của mẹ.

Tôi hơi thẹn thùng vì câu nói của mẹ, nhưng trong lòng cũng rất vui, mặc dầu tôi chưa biết nhiều về chàng:

- Con gặp anh ấy vào một buổi tối tại sở làm, cách đây vài tháng. Anh ấy khoảng 30 tuổi, tên Sơn.

- Hai đứa làm chung sở hả" Sơn - Thuỷ, nghe hợp lắm, vậy mà giấu mẹ hoài.

- Không phải mẹ à. Anh Sơn mới qua Mỹ được gần bốn năm nay, vừa đi làm vừa học đại học. Anh Sơn đi quét dọn văn phòng trên sở con vào buổi tối! Anh ấy kẹt bên trại tỵ nạn bảy năm, hồi hương về Việt Nam, gần hai năm sau mới được qua Mỹ theo diện nhân đạo. Ngày anh ấy trở về Việt Nam, cha mẹ đều đã mất...

- Tội nghiệp quá!

- Hôm đó, con đang ngồi trong văn phòng thì anh Sơn vào và xin lỗi để "quét dọn văn phòng". Nhìn thấy bảng tên, con trả lời bằng tiếng Việt: "Anh Sơn cứ tự nhiên, em cũng đang chuẩn bị ra về". Có lẽ anh ấy ngạc nhiên nhiều lắm khi nghe con nói tiếng Việt nên cứ nhìn con chằm chằm. Con mắc cỡ ghê nơi mẹ à. Một lát sau anh ấy mới lên tiếng:

- Tôi không ngờ cô là người Việt vì cái tên Theresa Callahan. Tôi vẫn quét dọn văn phòng cho cô từ mấy tháng nay...

- Anh Sơn cứ gọi em là Thuỷ được rồi. Lâu nay chắc anh "hận" Thuỷ dữ lắm vì văn phòng Thuỷ lúc nào cũng bề bộn.

- Không có đâu cô Thuỷ à. Đây là phận sự của tôi mà. Thôi, để tôi qua phòng khác, bao giờ cô xong việc tôi trở lại.

- Anh Sơn cứ tiếp tục đi... Để Thuỷ phụ anh dọn dẹp cho nhanh.

- Ấy chết. Cô Thuỷ làm thế người ta quở tôi đó.

- Không sao đâu anh. Thuỷ dọn dẹp phòng mình thì đâu có ảnh hưởng gì tới công việc của anh. Hôm nay Thuỷ bù lại những hôm bê bối làm anh Sơn vất vả.

Tôi im lặng mơ màng về buổi tối đầu tiên ấy... Tôi cũng quen biết khá nhiều bạn trai Việt - Mỹ nhưng không hiểu sao tim tôi bị dao động thật nhiều vì ánh mắt, nụ cười, và nhất là giọng nói trầm trầm của Sơn. Tôi vừa giúp Sơn dọn dẹp văn phòng của chính tôi, vừa "điều tra" đời tư của chàng. Bằng một giọng nói nghèn nghẹn, Sơn đã tóm tắt tiểu sử của chàng cho tôi nghe:

"Số mệnh cuộc đời tôi không được thuận buồm xuôi gió như bạn bè, nhưng tôi cũng còn may mắn hơn rất nhiều người khác đang kẹt lại ở quê nhà cô Thuỷ à. Sau khi tôi thi rớt đại học, cha mẹ tôi đã gom góp tất cả vốn liếng dành dụm cả đời người, và còn phải vay mượn thêm của bà con họ hàng cũng như các anh chị để giúp tôi ra đi tìm tương lai... Nhưng tôi đã ra đi quá muộn màng! Tôi bị kẹt bên trại tỵ nạn Galang 7 năm dài trong tuyệt vọng, và cuối cùng phải ký giấy tình nguyện hồi hương. Cha mẹ tôi đã lần lượt qua đời trong thời gian tôi bị kẹt bên trại tỵ nạn nhưng các anh chị đã giấu không cho tôi biết. Ngày trở về quê hương, tang chế đã thực sự phủ kín đời tôi! Tuy nhiên, tôi tự nghĩ cha mẹ và các anh chị đã hy sinh chịu đựng vì tương lai của tôi nên từ từ tôi đã lấy lại bình tĩnh để bắt đầu lại từ con số không. May mắn cho tôi, chính phủ Hoa Kỳ đã cho tôi được tái định cư theo diện nhân đạo. Tôi đến Mỹ muộn màng, thân nhân họ hàng không có nên chỉ biết gồng mình chịu đựng và làm lại từ đầu. Những tháng ngày kẹt lại ở trại tỵ nạn, những biến cố tang thương của cuộc đời, và nhất là sự hy sinh của đại gia đình để lo cho tương lai của chính tôi là động lực thúc đẩy tôi phải vươn lên, không được chán nản thất vọng. Gần 4 năm ở Mỹ, nhờ bạn bè hướng dẫn và giúp đỡ, cũng như cho share phòng ở trọ, tôi đã có điều kiện trở lại với đèn sách để tạo dựng tương lai nơi xứ lạ quê người. Đêm từng đêm tôi đi lau chùi quét dọn để kiếm thêm ít tiền gởi về phụ giúp gia đình các anh chị tôi nuôi các cháu ăn học. Vào mùa hè tôi theo bạn bè đi làm vườn, cắt cỏ để kiếm thêm nên cuộc sống cũng tương đối ổn định. Tôi nhìn vào gương những người đi trước để rèn luyện ý chí mà vươn lên. Bao nhiêu người thành công trên đất nước này cũng đều phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng như chính tôi, có khác chăng là tôi ra đi một thân một mình nên cũng có những giờ phút cô đơn tuyệt vọng, nhưng tôi cũng có những người bạn rất tốt. Tôi chấp nhận gian nan khốn khó để rèn luyện bản thân, tự mình vươn lên để khỏi phụ lòng mong đợi của cha mẹ lúc còn sinh thời!"

Tôi chỉ thực sự trở về với hiện tại khi mẹ khẽ ôm tôi vào lòng và thấm nhẹ khóe mắt cho tôi... Nước mắt tôi lưng tròng khi nghĩ lại những "tâm tình" Sơn đã thố lộ cho tôi về quãng đời đầy gian nan vất vả của chàng. Tiếng mẹ thoang thoảng bên tai:

- Con gái mẹ đậm tình với "người ta" quá rồi!

Tôi nhõng nhẽo với mẹ:

- Mẹ ngạo con hoài à. Con...

- Mẹ hiểu. Con kể tiếp đi.

- Dạ... Từ đó, mỗi chiều con cố tình ngồi nán lại sau giờ làm việc để được gặp "người ta" ít phút. Con không quên được giọng nói, ánh mắt của anh ấy mẹ à. Con cảm thấy làm sao ấy, cứ "ra ngẩn vào ngơ" và đêm từng đêm con thao thức băn băn, suy nghĩ thật nhiều về những lời tâm sự của anh ấy. Mặc dầu bố đã mất nhưng lúc nào con cũng có mẹ là bóng mát cuộc đời; còn anh ấy, "tứ cố vô thân" nơi xứ lạ quê người, lại còn phải giúp đỡ gia đình các anh chị bên nhà. Con cảm phục anh Sơn nhiều lắm và muốn tìm cách giúp đỡ anh ấy phần nào nhưng con không biết phải làm sao! Chúng con chưa "đủ thân" để nói thẳng với anh ấy... Hai tuần rồi anh ấy tìm cách lẩn tránh, mặc dầu hôm nào con cũng cố ý ngồi nán lại ở văn phòng, nhưng anh ấy cố tình chờ tới lúc con phải về rồi mới đến làm ở khu vực văn phòng của con. Có lúc con gặp anh ấy ở hành lang, lúc nào anh ấy cũng khuyên con nên về sớm "kẻo mẹ mong", vì anh ấy vẫn nghĩ con đang ở chung với mẹ... Con đã kể sơ qua về cuộc tình của mẹ và David, và lý do tại sao con mang họ "Callahan". Nhưng đã mấy ngày rồi Sơn không đi làm! Con hỏi thăm một người Việt Nam lớn tuổi trong nhóm, bác ấy nói hình như Sơn đã đi làm chỗ khác! Mẹ... Con nên làm sao bây giờ"

- Mẹ... Mẹ cũng không biết! Mẹ nghĩ Sơn còn nhiều mặc cảm. Con nên để cho Sơn một thời gian...

- Nhưng anh ấy đã bỏ đi làm chỗ khác!

- Nếu đã là duyên nợ thì hai đứa sẽ lại gặp nhau... Nhưng con gái mẹ không được ủ rũ âu sầu kẻo mai kia gặp lại, "người ta" không nhận ra được thì khổ to!

- Mẹ... Mẹ lại ngạo con nữa rồi!

- Thôi. Hai mẹ con mình đi ăn sáng kẻo trễ, rồi mẹ "hiến kế" cho...

- Mẹ hứa nhé. Con biết mẹ rất "kinh nghiệm" trong tình trường.

- Ơ hay... Cái con bé này càng lớn càng hư ra!

- Con chỉ nói lên sự thật thôi mà! Chẳng thế mà David đã phải "chết lên chết xuống" gần 10 năm trời vì mẹ... Và bây giờ vẫn "mê" mẹ như...

- Thôi! Thôi! Con gái mẹ chỉ nói nhảm!

*

Hai mẹ con tới sớm nên tiệm phở còn vắng khách. Vừa ngồi vào bàn, tôi nghe một giọng nói trầm ấm thân quen vọng đến từ phía trong:

- Cám ơn bác, nhưng rồi ai lo rửa tô và quét dọn phía sau"

- Chị Hai đã đi kiếm vài người "Mễ", chắc cũng sắp về rồi. Bác cần cháu chạy bàn dùm bác. Bác thấy cháu cẩn thận, ăn nói lịch sự, và là người có trách nhiệm. Cháu lo tổng quát phía trước dùm bác chứ mấy đứa kia chỉ biết bưng phở và thu tiền "tip" thôi. Bác và chị Hai đã định nói với cháu chiều qua, nhưng công việc bề bộn quá, quên mất tiêu. Chị Hai đã sắm sẵn "đồng phục" từ hôm qua rồi, cháu vào thay rồi lo phía trước cho bác. Trước lạ sau quen, bác tin cháu.

- Cháu cám ơn bác và chị Hai đã tin tưởng cháu. Hy vọng cháu không làm bác thất vọng và bà con không "bỏ tiệm" vì bản mặt của cháu.

Một giọng phụ nữ khác:

- Sơn giúp chị hướng dẫn hai đứa "Mễ" này lo phía sau dùm chị rồi điều động mấy đứa kia lo chạy bàn. Đứa nào không nghe em cứ đuổi chứ để tình trạng luộm thuộm mất khách hết.

- Cám ơn chị Hai.

Tôi quay sang nói nhỏ bên tai mẹ:

- Anh Sơn trong đó mẹ à. Chắc anh ấy xin được việc ở đây nên nghỉ làm!

- Mẹ nghe giọng nói và nhìn nét mặt của con đã đủ biết; "Nghe lén" cũng đoán được "chàng" là ai!

- Mẹ cứ ngạo con hoài à" Con bắt đền mẹ đó!

- Thì mẹ đền con tô phở hôm nay đó... Hay để mẹ đền cho người bừng phở nhé"

Tôi chỉ thốt được tiếng "Mẹ..." rồi đỏ mặt vì thẹn thùng. Tôi chỉ ngước lên khi nghe giọng nói ai đó quen quen, tới bàn chào mẹ:

- Chị Hiền. Quý hóa quá. Em mới chạy ra ngoài lo tý việc. Không ngờ hôm nay có khách quý đến mở hàng.

- Thanh. Lâu quá không gặp. Thanh mở tiệm phở này à" Tưởng ai xa lạ... Thuỷ, con chào dì Thanh đi. Cái Thuỷ ngày xưa đó.

- Ối giời ơi! Bao giờ cho dì uống rượu đây" Xinh quá. Con trai dì còn bé quá chứ không thì...

Tôi vội vàng lên tiếng:

- Cháu chào dì Thanh. Cũng mười mấy năm rồi, cháu sắp "già" rồi dì ơi. Mẹ nói dì "move" xuống Houston.

- Mới về lại mấy tháng nay. Dưới đó bây giờ người Việt nhiều, tiệm phở mọc lên như nấm, cạnh tranh dữ lắm nên dì về lại trên đây thử thời vận. Chị Hiền và cháu ngồi chờ tý. Em vào lo sắp xếp công việc, lát nói chuyện nhé. Mới về lại lu bu lo giấy tờ mở tiệm nên em cũng chưa tới chào hai bác được. Nghe mấy đứa em nói chị và David hạnh phúc lắm, em mừng.

Mẹ lên tiếng:

- Thanh lo công việc đi. Hôm nay hai mẹ con "xé lẻ" nguyên ngày, lúc nào tiệm vắng khách mình trở lại nói chuyện.

- Ba giờ chiều chị. Để em bảo chúng nó "đãi" chị và cháu.

- Thanh cứ tự nhiên. Để mình vô chào bác.

Mẹ theo Dì Thanh vào bếp. Tôi thẫn thờ mơ mộng viển vông: "Tôi đã tìm lại được người ta!" Vừa trở lại bàn, mẹ đã mỉm cười nhìn tôi thỏ thẻ:

- Bây giờ con gái mẹ khỏi sợ không tìm ra "chàng" nữa nhé.

- Mẹ đã gặp anh Sơn trong bếp"

- Không. Mẹ chỉ nghe dì Thanh và bác Hiệp khen Sơn nhiều lắm.

- Hay mình đi tiệm khác ăn sáng được không mẹ"

- Dì Thanh la chết. Hơn nữa, chẳng phải con gái của mẹ đang đi tìm chàng đó sao"

- Kỳ quá hà! Mẹ làm con mắc cở ghê nơi.

Mẹ chưa trả lời, dì Thanh đã bưng ra mấy tô phở đang bốc khói thơm thật thơm:

- Mời chị và cháu Thuỷ ăn sáng với em. Ba em đang bận nên "xin kiếu".

Dì Thanh vừa ngồi xuống bàn, vừa liếc vào phía trong. Tôi nhác thấy bóng Sơn ẩn hiện sau tấm mành mành. Hình như chàng nhận ra tôi. Bốn mắt chạm nhau. Má tôi nóng bừng, thẹn thùng cúi mặt ngẩn ngơ. Sơn có vẻ gầy hơn... Dì Thanh gọi với vào trong:

- Sơn à. Chị nhờ em tý.

Sau một tiếng "dạ" nhỏ vọng ra. Tôi thẫn thờ ngẩn ngơ khi chàng đến gần bên:

- Chị cần chi ạ" Chào cô Thuỷ. Chào chị...

- Ủa. Hai người quen nhau hả" Đẹp đôi quá! Đây là chị Hiền, mẹ của Thuỷ. À, Sơn nên gọi là dì hay cô chứ ai lại quen con mà gọi mẹ là chị.

- Cháu chào dì Hiền ạ. Cháu cứ ngỡ dì là chị của cô Thuỷ vì...

- Sơn cứ tự nhiên. Dì có nghe Thuỷ nói về Sơn.

Tôi run rẩy lên tiếng:

- Mẹ...

Mẹ âu yếm nhìn tôi rồi quay sang dì Thanh:

- Em của Thanh hả" Mời Sơn ngồi ăn sáng luôn cho vui nhé. Còn sớm...

- Tuyệt vời! May chị Hiền nhắc chứ không em quên mất. Ý kiến hay. Sơn vào mang thêm tô phở rồi ra ngồi ăn sáng cho vui. Chẳng "bà con họ hàng" nhưng ba em còn quý Sơn hơn mấy thằng con lêu lổng của em nữa đó.

Tôi thấy chàng cũng "e lệ thẹn thùng" như con gái vì hai má đã bắt đầu "ửng hồng", lên tiếng "dạ" rồi nhẹ nhàng quay bước. Dì Thanh lên tiếng:

- Thuỷ quen Sơn hả" Được lắm. Vừa hiền vừa siêng năng cần mẫn. Ba dì "mê" nó như "điếu đổ". Mấy ngày chuẩn bị khai trương, Sơn đến xin làm và chỉ nhận rửa chén, quét nhà phía sau. Nó quán xuyến công việc của hai ba người "như pha" và lúc nào cũng vui vẻ nói cười. Thấy mấy đứa "bồi bàn" cứ eo xèo làm reo, ba dì quyết định đưa Sơn ra lo phía trước... Có cần dì làm mai không" Mà hai đứa đã quen nhau trước rồi nhỉ. Đúng là già rồi lẩm cẩm!

Dì Thanh nói một hơi làm tôi "thẹn chín người". Sơn không trở lại bàn một mình. Ông bác Hiệp cùng đi với chàng. Tôi vội vàng theo mẹ đứng lên chào ông bác. Ông xua tay bảo ngồi rồi lên tiếng:

- Thanh xích qua ngồi bên chị Hiền, nhường ghế bên cạnh người đẹp cho Sơn chứ ai lại làm "kỳ đà cản mũi" thế. Thuỷ không phản đối ông bác già này chứ" Còn Sơn thì bác đã hiểu bụng nó lâu rồi, nhưng không ngờ người nó trộm nhớ thầm thương lại là con cháu dễ thương ni... Xong. Ta ăn mừng nhé!

Cả Sơn và tôi đều "đỏ mặt tía tai" vì lời nói "thẳng như ruột ngựa" của ông bác Hiệp. Sơn run rẩy kéo ghế ngồi xuống cạnh tôi và ông bác. Mẹ chỉ âu yếm nhìn tôi tủm tỉm cười. Hai đứa tôi chỉ "nhâm nhi" cho ra vẻ chứ không đứa nào dám ăn. Sơn lấy lại bình tĩnh quay sang hỏi nhỏ:

- Lâu nay cô Thuỷ vẫn khỏe chứ" Tôi nghỉ làm chỗ đó cả tuần rồi nhưng không có dịp từ giã cô Thuỷ. Không ngờ hôm nay lại gặp ở đây!

- Dạ. Thuỷ vẫn khỏe. Còn anh Sơn"

Sơn chưa trả lời, ông bác Hiệp đã lớn tiếng:

- Thằng Sơn nó vẫn khỏe nhưng tim nó hình như đang "rướm máu". Nó uống nước thay cơm... bây giờ mới hiểu tại sao nó lại "mê nước" đến thế! Cái thằng Sơn nhút nhát như con gái. Hóa ra nó bỏ việc để trốn cặp mắt đa tình của con cháu ni.

Dì Thanh lên tiếng đỡ đòn cho tôi và chàng:

- Ba à... Ba để cho tụi nhỏ tự nhiên.

- Ồ. Xin lỗi. Xin lỗi. Cũng tại thằng Sơn sợ một mình không "kham" nổi nên năn nỉ ba ra đỡ đòn thì ba phải giúp nó chớ. Thôi, mấy đứa tự nhiên. Ba phải vào bếp.

Sơn vội vàng lên tiếng:

- Bác để cháu lo.

- Nói nhảm! Dịp may hiếm có lại tìm cớ trốn tránh là sao hả" Ngồi im đó với Thuỷ và hai "con mẹ" ni.

Nói rồi bác ấy bỏ vào bếp. Tiệm đã bắt đầu đông khách nên Sơn xin phép "đi lo phận sự". Dì Thanh trấn an:

- Em ngồi chơi để chị lo cho. Mai mốt "trả ơn" cái đầu heo được rồi.

Chàng lại "đỏ mặt tía tai!" Mẹ cũng tế nhị theo phụ dì Thanh. Hai đứa tôi ngồi im như "phỗng đá" một lúc lâu. Tôi "hiểu" chàng, nên lên tiếng trước:

- Anh Sơn nghỉ việc để trốn Thuỷ, phải không"

- Cô Thuỷ đừng buồn tôi nhé. Tôi... Tôi không dám.

- Anh Sơn đừng "tự ty mặc cảm" mãi thế. Thuỷ kính phục anh nhiều lắm, anh biết không"

- Tôi chỉ là một người tỵ nạn mới sang nên không dám nghĩ xa xôi cô Thuỷ à. Tôi phải vươn lên cho khỏi thua kém người ta.

- Thuỷ hiểu. Nhưng... Bây giờ Thuỷ mới hiểu tại sao anh Sơn chỉ xin dì Thanh làm công việc sau bếp. Anh Sơn trốn tránh mọi người vì mặc cảm.

- Cô Thuỷ hiểu lầm tôi rồi. Tôi chỉ tránh mặt một người mà thôi.

- Anh trốn Thuỷ"

- Tôi trốn lòng tôi thì đúng hơn. Tôi... Tôi không dám mơ mộng hão huyền.

- Anh Sơn nghỉ việc làm Thuỷ nôn nao. Thuỷ thú thật với anh Sơn như Thuỷ đã "thỏ thẻ" với mẹ là Thuỷ... Thuỷ nhớ "giọng nói" của anh Sơn. Thuỷ... Thuỷ đi tìm anh Sơn mà không gặp.

- Tôi xin lỗi cô Thuỷ. Đáng lẽ tôi nên chào cô Thuỷ trước khi nghỉ việc, nhưng tôi cứ "làm sao ấy" nên đành làm kẻ "vô tình".

- Anh Sơn đừng gọi Thuỷ bằng "cô" được không"

- Cô Thuỷ không sợ mẹ và dì Thanh hiểu lầm sao"

- Mẹ hiểu mà... Em đã tâm sự với mẹ! Mẹ còn ngạo là "Con gái mẹ đậm tình với  người ta  quá rồi!"

- Ấy chết! Cô... Em... Thuỷ làm thế "anh" biết ăn nói làm sao bây giờ" Anh không phủ nhận là anh rất quý mến Thuỷ, nhưng anh không dám.

- Anh Sơn... Cám ơn anh. Thuỷ đã hiểu được lòng anh. Rồi thời gian...

- Thuỷ! Thuỷ làm anh cảm động nhiều lắm, Thuỷ biết không" Nhưng anh mang nặng mặc cảm là "kẻ thấp hèn" đâu dám trèo cao! Anh đè nén lòng mình và tìm cách chạy trốn. Anh che mắt được bạn bè và cả chị Hai nữa, nhưng không qua mắt được bác Hiệp. Bác ấy nói "toạc móng heo" ra là bác ấy biết anh đang tương tư hay đang thất tình, và lúc nào cũng dò hỏi để tìm cách giúp đỡ anh như "một thằng cháu mồ côi".

Mẹ đã trở lại bàn nhỏ nhẹ:

- Bây giờ dì và Thuỷ đi dạo chợ nhé. Tiệm phở đã bắt đầu đông khách, Sơn phải phụ dì Thanh trông coi. Dì sẽ trở lại chiều nay khi vắng khách hơn. Hôm nào rảnh rỗi Sơn ghé nhà dì chơi cho biết.

- Dạ... Con cám ơn dì. Chào Thuỷ nhé.

Chàng nói rồi lặng lẽ quay đi. Tôi thẫn thờ theo mẹ bước ra xe. Tôi nghe tim mình đổi nhịp theo từng bước chân. Mẹ chỉ nhìn tôi mỉm cười. Tôi cười lại với mẹ nhưng e thẹn không biết nói gì. Hình như tình yêu đang đến trong tim. Tôi thầm thì trong hơi thở... Em lại nhớ anh rồi, Sơn ơi! "Làm sao định nghĩa được tình yêu""

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,541
Tác giả dự viết về nước Mỹ ngay từ năm 2000, năm đầu tiên của giải thưởng. Sang năm 2012, cô nhận giải bán kết với bài “Check Point”.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon.
Thế Vận Hội năm 1984 tại Los Angeles, theo kết toán của Ban Tổ Chức, đạt số lời 250 triệu mỹ kim. Đây là chuyện hiếm có trong lịch sử thế vận.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ:
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp:
Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County. Ông bắt đầu tham dự VVNM năm 2015
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Ba Lan là nơi hẹn của hơn hai triệu người. Để tới được nơi hẹn, phái đoàn giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã đi qua 4 nước Âu châu,
Thư tác giả gửi Việt Báo: “Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tên VN của tôi là Nguyễn văn Tới (trong nhà kêu 6 Cam). Hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây là bài viêt mới của cô.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến