Hôm nay,  

Trâu Già Gặm Cỏ Non

24/10/200600:00:00(Xem: 160636)

TRÂU GIÀ GẶM CỎ NON

Người viết: Nguyên Dân

Bài số 1132-1741-454-vb2231006

 

Tác giả Nguyên Dân là cư dân San Jose. Bài viết về nước Mỹ của ông kể về một người bạn cựu biệt kích hào hoa. Lời kể có ba phần trách, bốn phần thương, một phần giận và một phần thông cảm. Thêm phần... an ủi là mười phân đủ mười.

*

"Một trà, một rượu, một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta

Chừa được thứ nào, hay thứ đó

Có chăng chừa rượu với chừa trà".

Mấy câu thơ  này của cụ Trần Tế Xương,  anh bạn tôi rất lấy làm tâm đắc. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức, và hầu như vẫn là lẽ sống của đời anh.

Cuộc đời anh đã gắn liền với đàn bà, con gái. Đã vui sướng vì đàn bà, và cũng đã nhiều phen khốn khổ vì đàn bà. Cho đến bây giờ, tuổi đã trên 60, vậy mà anh vẫn chưa xa lánh được đàn bà.

Cũng do ở anh. Ở anh có một số diều kiện tốt. Anh có mã đẹp trai, ngày trước thì học giỏi, thích chơi đàn, và đàn hay. Có điều là giọng ca thì dở, nhưng mà nói chuyện lại rất có duyên. Lớn lên, anh tập tành viết văn, làm thơ, và thơ văn anh cũng có người ái mộ.

Mối tình đầu của anh là yêu đắm say một cô thôn nữ con một ông địa chủ giàu có trong làng. Nàng lớn hơn anh một tuổi; độ tuổi vừa quá trăng tròn (17 tuổi), tuổi khêu gợi và nẩy nở ở người con gái đang xuân. Anh mới tuổi 16, vừa bước vào ngưỡng cửa Trung học, một thư sinh học giỏi nhưng mà nghèo xác nghéo xơ. Nàng cũng yêu anh, và hai người đắm say tha thiết. Cha mẹ hai bên đều biết, và cả hai đều chẳng bằng lòng.

Một đàng thì giàu có, và có thế lực trong làng, không thể chấp nhận cho một chú học trò nhóc, nghèo rớt mồng tơi, bám víu con mình như "đĩa đeo chân hạc".

Một đàng vì tính tự trọng, cũng không muốn để con mình chạy theo việc làm vô vọng "mò trăng đáy nước" để rồi bỏ dở học hành.

Thế là mối tình đành tan vỡ. Tan vỡ trong khổ đau, trong bi thương và sầu hận.

Mang nỗi uất hận đầu đời, chàng cố học, học để trở nên vinh hiển, sang giàu, để người đời đừng xem thường khinh rẻ.

Nhưng mà sự đời "lực bất tòng tâm". Dù anh có chí, dù anh quyết tâm, nhưng mà...hoàn cảnh gia đình khốn đốn, khó khăn, việc học của anh cũng đành dang dở.

Với mảnh bằng Tú Tài, anh đâu làm được gì giữa lúc đất nước loạn ly chinh chiến. Thế là, theo dòng xoáy của cuộc đời, anh phải đành dấn thân vào binh lửa.

Bao nhiêu năm trong quân ngũ, anh đã nếm trải khá đủ mùi đời. Cuộc đời đã tập cho anh chịu đựng được bao nỗi khổ đau, và cũng đãi ngộ cho anh bao niềm hoan lạc. Anh lăn xả vào hưởng thụ vui chơi sau những ngày hiểm nguy nơi chiến trận. Anh đã sống bất cần đời, ngay cả chẳng cần gì là tương lai, sự nghiệp, vì nghĩ rằng đời lính là sống nay chết mai. Đơn vị của anh là Biệt Kích Lôi Hổ, việc vào sinh ra tử, việc chết chóc là trước mắt, thì tương lai và sự nghiệp có ý nghĩa gì. Hơn nữa, đời của anh đã bị ném vào vòng xoáy; vòng xoáy của chiến cuộc, vòng xoáy của xã hội thác loạn, của trác táng và sa đọa. Anh vẫn phải ngụp lặn trong vòng xoáy đó, khó mà tìm ra được nẻo bình yên.

Người ta có tiền của, có thế lực, con cái được gởi đi du học nước ngoài, được chạy chọt để đi vào ẩn núp nơi chốn an toàn. Còn số phận những người như các anh, không bạc tiền, không thế lực, lại sinh ra và lớn lên vào thời chiến, cổ máy chiến tranh mỗi ngày một tàn khốc thì làm sao các anh thoát khỏi được số phận hy sinh.

Rượu và đàn bà là lẽ sống của đời anh. Uống rượu để say, để quên đi bao khổ đau phiền muộn. Và đàn bà đã giúp anh quên đi bao lo âu, sợ sệt, bao nguy hiểm, nhọc nhằn. Có Em bên cạnh, anh quên Trời, quên Đất, quên hết sự đời, quên chuyện đã qua, và chẳng màng tới chuyện ngày mai. Anh thấy vui trong hiện tại, và ý nghĩa ở cuộc sống. Nếu không có ý nghĩa, nếu không có đê mê, nếu không có vui sướng thì sao A Dong và E Va lại phạm phải nơi vườn Cấm Địa Đàng. Đối với anh, đàn bà là nhất, đàn bà là tất cả ở Trần Gian.

Mối tình cao đẹp thuở ban đầu tan vỡ. Anh lại có thêm bao mối tình khác ở sau này. Những mối tình ngắn ngủi, tạm bợ, những mối tình vô thủy, vô chung. Tình yêu đối với nhau vì vật chất, bạc tiền, vì đam mê dục vong. Vậy mà vui, vậy mà sòng phẳng, mà say đắm thiết tha. Tình yêu không có sự dối trá, lọc lừa, không phân biệt hèn sang, không môn đăng hộ đối. Ăn nằm với một cô gái điếm, một ả ca ve, hay chung chạ với một nàng vũ nữ, đối với anh vẫn có niềm vui và hạnh phúc. Niềm vui có được bằng sự hài lòng, bằng cảm nhận yêu thích thiết tha, và thấy đời còn có ý nghĩa. Đó chính là hạnh phúc đối với anh. Hạnh phúc đánh đổi những thứ mà anh đã vay mượn bằng máu. Sau những cưộc hành quân nguy hiểm, sau những lần "trở về từ cõi chết", anh lao vào chốn ăn chơi cho phỉ tình, phỉ sức. Bao nhiêu tiền anh vung vải vào rượu và gái, để rồi hết tiền lại tiếp tục dấn thân vào chốn hiểm nguy. Tháng ngày cứ thế, và vẫn cứ phiêu lưu vô định cuộc đời anh.

Cuộc chiến tàn, anh vẫn được sống còn. Anh mừng cho sự còn được tồn tại của mình. Anh đã nghĩ rằng sẽ không còn nữa, cơn lốc xoáy vây hãm cuộc đời anh. Nhưng không phải thế. Cơn lốc chiến cuộc vừa tan đi, thì một phong ba khác lại nhào ập tới, mảnh liệt và tàn khốc hơn. Anh bị đưa vào Trại Tù Cải Tạo. Bấy giờ thì anh mất trắng; mất tự do, mất tình yêu, mất của cải (dù rằng của cải cũng chẳng có là bao), mất luôn giá trị của một con người.

Những ngày tháng trong tù, anh cần nhiều thứ. Nhưng mà các thứ anh cần đều chẳng có cho anh. Anh thật sự cần một người đàn bà, không phải người đàn bà chỉ để anh ôm ấp mà là một người vợ thủy chung, biết lo lắng, thương yêu, thăm nom chăm sóc cho chồng, hàng tháng đi thăm nuôi để hỗ trợ tiếp hơi cho chồng sự sống.

Anh cũng đã có vợ. Qua bao tháng ngày lang bạt, khi cảm thấy chán chường, anh cũng đã xây dựng cho mình một tổ ấm, dù chỉ là một tổ ấm tạm bợ. Vợ anh là một ca kỹ, một thứ tình yêu cháy bỏng, bốc đồng. Một cuộc hôn nhân "già nhân ngải mà non vợ chồng". Vợ anh chỉ đủ sức thăm nuôi anh tròn 3 tháng rưỡi, thời gian anh mới vào tù, rồi ra đi không có lời giã biệt.

Ở trong tù, gặm từng lát khoai mì, nhai từng hạt bo bo, anh đo đếm thời gian và suy ngẫm cuộc đời.

"Còn Trời, còn Đất, còn Non Nước,

Chẳng lẽ ta đây mãi thế này".

Anh quyết tâm tìm cách vượt ngục. Và may mắn, anh đã thành công. May mắn có thể là một phần, và một phần cũng nhờ khả năng anh là một Biệt Kích. Và kế tiếp là những chuyến vượt biên. Dù rằng đã gặp phải mấy phen thất bại, nhưng cuối cùng anh cũng đã đến được bờ bến của một Đất Nước Tự Do.

Hoa Kỳ là một đất nước của cơ hội. Nhưng anh không còn có cơ hội để vươn lên, để lập lại cuộc đời vì tuổi già sức yếu.

Đến Mỹ, anh được tự do, không còn cảnh tù đày, không còn cuộc sống cơ cực phải trốn tránh, phải chui nhủi như một con thú bị săn đuổi. Mỹ quốc đã chấp cho anh đôi cánh để tha hồ tung tăng bay nhảy, nhưng mà cũng đã hết rồi thời vùng vẫy - thời oanh liệt nay còn đâu.

Sức kém, tuổi cao, bây giờ trước hết là đi tìm cho mình một cuộc sống; cuộc sống có ý nghĩa. Cuộc sống do chính mình tạo dựng cho mình. Không xin xỏ, không nhờ vả, không thể nhận lấy từ sự ban phát và lòng thương hại. Anh cần phải có công ăn việc làm, để từ từ tạo dựng đời mới, tạo dựng tương lai.

Anh xin được một việc làm tại nhà hàng VN với công việc dọn dẹp bàn ghế và thức ăn - phụ bồi bàn. Không sao, việc nào cũng được, có đã là mừng, miễn là kiếm được tiền.

Anh siêng năng và cố gắng. Công sức anh lần hồi được bù đắp và đãi ngộ. Nhiều người thương mến anh. Anh được một đồng nghiệp quan tâm chiếu cố. Chiếu cố anh bằng tình cảm thân thiết và đi dần đến tình yêu. Một thiếu phụ lỡ thời, thừa tiền mà thiếu tình. Không phải bà ta kém nhan sắc, không phải bà ta không có người đeo đuổi, nhưng bà ta già chọn lựa, lựa chọn từ bao năm trời, từ VN qua đến Mỹ, và mãi cho đến bây giờ bà mới chọn được anh. Rõ là anh tốt số. Và cũng nhờ tốt mã. Một viên ngọc từ bấy lâu bị vùi dập dưới đáy bùn đen, bây giờ được vớt lên, đem chùi rửa và đang phát tiết ra một điều gì đó gọi là hấp dẫn; hấp dẫn đối với riêng bà. Cơ hội tốt, anh không nên bỏ lỡ, và vì thế mà tình yêu "đôi mái đầu hoa râm" phát sinh nồng cháy, mảnh liệt, không ngờ.

Từ một kẻ phụ bồi bàn, anh nghiễm nhiên trở thành người quản lý - quản lý một nhà hàng. Nhà hàng do bà làm chủ (qua sang nhượng), và anh là người đứng trông coi phụ giúp bà.

Cuộc đời anh đã tới hồi bay bổng. Nấc thang mây đang bước đến ở tầm cao. Không phải do anh, mà chính là do ở đàn bà. Đàn bà là nhất, là tất cả. Có phải vậy không"

Tình yêu anh đang bay bổng, hạnh phúc ngập tràn. Anh đang có tình lẫn tiền, và say sưa với niềm hoan lạc đó.

Đã đủ, nhưng vẫn chưa cho là đủ. Con người ta thường không bao giờ chịu chấp nhận những gì đang hiện hữu, mà luôn muốn tìm những gì mới lạ hơn. Và anh cũng không thoát khỏi nỗi ham muốn đó.

Làm một ông chủ, anh vẫn chưa hài lòng. Có một bà vợ, dù là có tiền nhiều, nhưng mà da nhăn, tóc bạc, thì cũng chán chê. Anh manh nha tìm tình yêu trẻ.

Có tiền, có giá, anh giao du với nhiều giới, nhất là đám trẻ, không giới hạn màu da, sắc tóc. Anh cung phụng họ, và họ thỏa mãn cho anh, để bà vợ già thắt thỏm lo âu, ghen tuông, buồn giận, và rồi đi đến thêm một mối tình nữa lại chia ly.

Anh đã nghĩ tưởng là đất nước Hoa Kỳ chắp cánh cho anh. Anh đã bay nhưng mà không tự lượng sức mình. Anh đã rơi và chới với. Chới với như trong một lần hành quân thực tập trước kia, khi lao mình ra khỏi cửa máy bay mà chiếc dù lưng không bọc gió, anh đã phải vận dụng mở chiếc dù bụng để rơi xuống đất được an toàn. Cuộc đời anh đã trải qua bao phen bảy nổi ba chìm, vậy mà vẫn chưa thắm thía thân phận.

Anh phải biết anh là ai, và vị thế của anh. Anh là một thứ chùm gởi, may mắn được bám vào một thân cây có tàng lá sum xuê rồi cứ ngỡ mình là... cổ thụ. Bè bạn thương xót, khuyên nhủ anh, và một số người tiếc rẻ.

Anh lại bất cần. Bám vào váy đàn bà là hèn, là nhục. Phải tự chứng tỏ mình là một nam nhi chi trí, phải hiên ngang và có khí phách. Phải chăng đây cũng chỉ là tiếng hí của một tuấn mã lúc chồn chân.

Thật sự anh vẫn không âu sầu, nản chí. Theo gương Tiền nhân Nguyễn Công Trứ, anh chấp nhận là một tên "lính thú" khi xin vào làm việc (sắp xếp hàng) tại một siêu thị. Anh vẫn thấy vui với công việc của mình...

Một lần anh về lại VN. Sau bao năm ly hương, anh trở lại quê nhà với tư thế là kẻ sang trọng qúi phái. Đồng đô la không phân biệt giai cấp. Ai cầm giữ nó, nghiễm nhiên trở thành là kẻ sáng giá tại đất nước quê nhà. Và anh là kẻ qui cố hương đã được bao người trọng nể. Anh hưởng thụ, ăn chơi thỏa thích, và mục tiêu của anh vẫn không thể thiếu "đàn bà." Anh săn đón những đối tượng còn son trẻ, tìm những bông hoa đẹp để an ủi cuộc đời xế bóng của anh.

Tuổi đôi mươi VN đâu có ngại ngần trước một Việt Kiều trên 60 tuổi. Các em bám vào anh như đĩa. Anh tha hồ mà tận hưởng tuổi hồi xuân.

Hết tiền, anh trở về Mỹ, tiếp tục mỗi ngày trên 8 tiếng đi cày.

Anh tập tành xử dụng kỹ thuật văn minh thời đại, lên máy vi tính để hàng đêm ngồi "chat", tỏ tình và hò hẹn với các nàng. Tình yêu nồng cháy, tình yêu thiết tha. Ở trên thế giới này, có bao nhiêu lời lẽ, ngôn ngữ tình thắm thiết đều được trân trọng trao gởi cho nhau (qua Chat).

Anh yêu đương, hò hẹn, để hằng năm mỗi lần về VN là có giai nhân đón đợi. Anh đến với họ bằng đam mê ham muốn, vì các em (đúng ra là các cháu) mơn mỡn, trẻ đẹp, và các nàng đến với anh bằng mơn trớn, hiến dâng. Vì anh có đô la, vì anh là một Việt Kiều hào phóng. Nếu Hoa Kỳ là vùng đất mầu mỡ cho mầm non vươn lên, thì VN bây giờ là cánh đồng cỏ tươi tốt mượt mà cho những con trâu già (như anh) về đấy để hả hê gặm nhắm.

Sau mỗi lần từ VN trở về, trong các buổi hợp mặt bạn bè, anh rất có nhiều chuyện kể. Anh kể như là giải trình hành quân sau một lần công tác. Anh kể từng chi tiết với bao thành tích của anh, cả chiến thắng lẫn chiến bại.

Quê hương VN bây giờ đầy dẫy những thứ "ôm". Bia ôm, cà phê ôm, mát xa đấm bóp ôm, tắm ôm v.v.. Hằng trăm ngàn cái ôm từ thành thị đến thôn quê, trên khắp cả mọi miền đất nước.

Có một lần anh vào quán "võng ôm". Võng ôm thì thật là "đã". Ngồi cùng em trên võng, lúc nào cũng kề cọ thịt da em, nõn nà, tươi mát. Đong đưa kẽo kẹt, anh hồi tưởng lại thuở tuổi nằm nôi. Có tiếng hát "ầu ơ" giữa buổi trưa hè anh ngủ vùi bên ngực mẹ.

Anh quên trời, quên đất, quên tuổi, quên tên. Một mái đầu đen, một mái đầu bạc, hai thế hệ hòa quyện vào nhau trong đôi cánh thiên thần. Anh đi vào cõi mộng. Mộng Vu Sơn "trên ngự đỉnh trời tròn"...Một bầy tiên nữ đưa anh đi vào thế giới khác. Một nơi toàn khói sương lung linh, mờ ảo, không sáng, không tối, không có sắc màu, chỉ phảng phất mùi hương từ thịt da của tiên nữ với thân thể lõa lồ, không che đậy. Anh đê mê, ngất ngây, tê dại. Giá như lúc này mà anh chết được, thì là hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng không. Chiếc võng đứt, và cả hai đều té lăn xuống đất. Anh đau đớn vô cùng và nằm bất động. Anh bị cụp sống lưng. Xe được gọi tới và chở anh đi bệnh viện cấp cứu...

Sự việc xảy ra, âu cũng chỉ là một tai nạn. Đời của anh đã bao phen tai nạn, thì đây là một "chuyện nhỏ" có đáng là bao. Nhưng mà anh cảm thấy buồn và hối tiếc; tiếc rẻ cho đời mình.

Thân trâu già đã bắt đầu ngã quỵ. Cụp sống lưng thì y khoa chỉnh hình Hoa Kỳ có thừa phương cách chữa trị. Tạm thời bằng chiếc gậy người già, Anh cũng có thể đi đây, đi đó để vui thú cuộc đời. Nhưng mà siêu vi khuẩn HIV thì y khoa còn đang bất lực. Bây giờ anh lại mang vào mình thứ ác nghiệt đó. Qua lần bị thương vào bệnh viện, xét nghiệm tổng quát đã xác định trong người anh có dương tính HIV. Tại sao anh lại bị" Và bị lúc nào" Anh cũng có am hiểu phần nào về y học, và anh đã rất thận trọng trong việc giao du thân mật ái tính.

Thượng Đế hỡi! Thượng Đế đã trừng phạt con rồi!...

Bây giờ tuổi 65. Có thể phải 10 năm nữa, HIV/AIDS mới thật sự bộc phát. Ít ra anh cũng còn 10 năm để vui hưởng cuộc đời, tha hồ để đi chu du khắp chốn, tha hồ về lại "đồng cỏ" VN - miễn là anh có sức, có tiền.

Theo ý nghĩ thoáng qua, anh có được sự an ủi cho mình. Và... Anh cảm thấy vẫn còn có niềm vui.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến