Hôm nay,  

Thư Gửi Mẹ Ngày Cuối Năm

05/02/200700:00:00(Xem: 137509)

THƯ GỬI MẸ NGÀY CUỐI NĂM

Người viết: An Trinh

Bài số 1193-1805-512 vb2050207

*

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của An Trinh là ba lá thư:, trong đó có Thư gửi "cu Nam" kể về tâm sự bà mẹ gốc Việt tại Mỹ khi nghe con trai báo tin sẽ kết hôn với cô bạn gái Mỹ trắng tóc vàng. Bài mới lần này là tâm sự của người viết gửi mẹ, về những băn khoăn trước hôn nhân của con.

*

Thưa Mẹ kính yêu

Trời Houston cả tuần nay buồn quá Mẹ ơi - Như con vẫn thường kể với Mẹ trong những lá thư trước là nơi đây nắng ấm quanh năm, dù mùa đông cũng không có tuyết rơi hay mưa xuống đóng thành đá làm đường xá trơn trượt rất nguy hiểm cho vấn đề giao thông. Nói cho đúng thì cũng có ít ngày ảm đảm lạnh lẽo vào cuối năm ta tức đầu năm dương lịch của họ nhưng con chưa từng thấy não nề như thế này bao giờ. Chắc tại lòng con đã hết cố gắng kiên cường nổi. Con không còn dấu diếm chịu đựng để Mẹ yên tâm được nữa. Con không chỉ kể Mẹ nghe những lúc con vui, con hy vọng, con yêu đời. Trong con những buổi sáng vàng tươi mầu nắng đã nhạt nhòa, đã mất hút đâu đâu mà chỉ còn lại nguyên một bầu trời xám ngơ xám ngắt, gió không tới và mây chẳng buồn trôi, những mái nhà im lìm lặng lẽ bên ngoài khung cửa âm thầm đến tê tái cả ruột gan, một vuông cửa sổ với tấm kính che nhoè nhoẹt nước mắt cùng không gian trắng xóa bất động nặng nề. Chỉ hình ảnh Mẹ in trên đó thật linh động với nỗi nhớ mênh mông cho con chìm đắm vào cái thuở ấu thời không bao giờ phai nhạt.

Con muôn đời vẫn chỉ là con bé út hay nhè, bé bỏng cần chui vào vòng tay ôm mềm mại ấm áp của Mẹ, đòi Mẹ nhìn thẳng vào mắt con, ép Mẹ nở nụ cười mỗi khi con thấy nét mặt Mẹ kém vui, rồi khi nhìn nụ cười gượng của Mẹ chưa đạt tiêu chuẩn như con mong muốn con bắt Mẹ cười đi cười lại. Con cậy Mẹ thương con nhất nhà, thương con vô bờ bến, con bắt nạt Mẹ, con làm tình làm tội Mẹ. Con trái ý Mẹ mà con vẫn cứ muốn Mẹ phải cười cho thật tươi để con yên tâm đỡ bị mặc cảm tội lỗi. Đến bây giờ, càng ngày càng hiểu được sự khó khăn khi phải quên mình đi, sống hoàn toàn vì những người mình yêu dấu, con càng thương, càng nhớ Mẹ quay quắt. Quay quắt vì ân hận, vì đã không hiểu Mẹ sâu xa tường tận từ những ngày còn được tựa đầu bên gối Mẹ nhõng nhẽo eo xèo.

Những buổi sáng tóc tai chưa chải gỡ đã được Mẹ dục giã điểm tâm cho bát bún còn nóng hổi hay tô phở còn bốc khói thơm ngon, chỉ mỗi một điều là đừng bỏ cả muỗng ớt to tướng vào kẻo cay quá sẽ bị mụn xấu gái con cũng không chịu nghe lời để Mẹ được bằng lòng. Con cù cưa bướng bỉnh:

- Xấu kệ con mà, không cay ăn mất ngon.

Nhưng lúc những hạt mụn túa ra trình diện, nở tung khắp mặt mũi, con lại rầu rĩ than van:

- Tại con là con út, khúc ruột cuối cặn của Mẹ nên xấu xí, không được mịn màng như các chị.

Con đã làm tổn thương Mẹ, con vô ý nông cạn quá mà con nào có hay. Mỗi lần Mẹ tỏ ra lo lắng cho con, con không chịu, con nói Mẹ "kỳ". Con đâu biết rằng con đã tàn nhẫn phủ nhận, đã tước quyền làm Mẹ của Mẹ, con tưởng như vậy là con thương Mẹ. Đến nay, những lúc trái tim con tan nát vì sợ hãi con cái của con gặp chuyện không may mà chúng chẳng chịu hiểu, cứ nói con "lạ", con mới thấy ngày xưa con đã làm Mẹ tủi thân, đã làm Mẹ sầu khổ đến thế nào. Những gì con cãi Mẹ, dần dà con đã phải nếm trải hết từ con cái của con. Có lúc sáng suốt, con hiểu chúng, con lướt ngay qua nỗi buồn dễ dàng. Nhưng nhiều khi thì không, con triền miên quay về quá khứ, con muốn tạ tội với Mẹ nhưng không được nữa rồi, Mẹ đã về nơi Vĩnh Cửu đời đời. Con chỉ có thể thầm thì xin Mẹ tha thứ và noi gương Mẹ đã sống.

Con nhớ như in hồi con còn bé, một lần theo Mẹ ra chợ, bên lối đi loang lổ lầy lội có ông hành khất bệnh phong cùi, tay chân bị cụt ngón, mặt mũi xần xùi đang trườn mình giơ chiếc mũ vải cũ kỹ rách bươm ra van xin người qua kẻ lại bố thí. Mẹ vì bận lựa hàng trong cửa tiệm nên đưa con đồng bạc lẻ bảo bỏ vào mũ cho ông, con đến nhưng đứng xa xa, gói tờ tiền giấy vào vài đồng tiền cắc dành để uống đậu đỏ bánh lọc hầu cho nặng nặng dễ trúng mục tiêu, rồi nhắm ném vào giữa mũ xong rùng mình quay đi, gặp ngay ánh mắt giận dữ của Mẹ. Mẹ chẳng bao giờ nhìn con với ánh mắt ấy nên con sợ hãi cúi đầu nghe Mẹ mắng:

- Con có biết làm như vậy là ác đức lắm không, chẳng thà con đi thẳng không nhìn đến chứ con cho mà với cung cách ghê tởm khinh thị còn làm ông ta đau đớn hơn gấp bội.

Mẹ lập tức đưa con đồng tiền khác, bảo đến gần bỏ thật nhẹ nhàng vào lòng mũ như là để xin lỗi cho sự bất nhã vừa rồi.

Năm con vừa xong lớp đệ lục, chị Ba sanh cháu Hưng ở Cần Thơ, đáng lẽ Mẹ đi thăm một mình nhưng vì trong thời gian còn nghỉ hè, Mẹ cho con theo. Lần đầu tiên được đi chơi xa con mừng vui hớn hở, nhất là được tháp tùng Mẹ, tha hồ mà ăn quà, bảo đảm đòi ăn gì Mẹ cũng cho. Ngay ở bến xe, Mẹ đã mua mấy cuốn tiểu thuyết của bà Tùng Long cho con nhâm nhi để đường đi bớt dài. Sau đó, bất cứ chỗ nào xe dừng lại, bà con cô bác nhào lên rao hàng là Mẹ gọi mua cho con hoặc những khúc mía, miếng soài dầm muối ớt hay cả một chuỗi nem chua. Thời gian qua thật nhanh và con thấy trời đất thật đẹp, thật bao la thoải mái, bụng dạ lúc nào cũng căng phồng phấn khởi.

Qua bắc Mỹ Thuận bình thường thôi không có gì đáng nói, nhưng khi đến bắc Cần Thơ, hai Mẹ con xuống xe theo đoàn người nhanh chân chạy lên phà, giữa trưa nắng chang chang, đang tự nhiên tóc con xổ tung làm sau gáy nóng đổ mồ hôi, thì ra chiếc kẹp tóc bị rơi từ lúc nào, tiếc chiếc kẹp đẹp mới mua, con vội vã quay lại tìm. May mắn thay, con thấy ngay chiếc kẹp nằm chỗ đó nhưng bên cạnh một gói giấy có tờ tiền lớn ló ra ngoài. Con nhặt đưa Mẹ coi, khi biết đó là gói tiền, hai Mẹ con quanh quẩn đứng đợi xem có người nào tỏ vẻ đang đi kiếm vật gì bị mất, để đưa lại cho họ. Chẳng ai có vẻ như vậy cả, sợ trễ chuyến phà qua bên kia sẽ bị lỡ chuyến xe, Mẹ cuống quít níu tay hỏi mấy người đi qua:

- Bác có làm rơi tiền không"

Họ nhìn Mẹ ngạc nhiên không hiểu. Có bà kia còn trợn mắt tưởng Mẹ bị mất tiền muốn đổ vạ nên Mẹ đành dúi gói tiền vào đáy túi xách. Nét mặt Mẹ bồn chồn lo lắng như phải mang trong mình đồ quốc cấm. Chiều hôm ấy tới nhà, đem túi tiền ra đếm, một món tiền khá lớn khiến Mẹ càng lo thêm. Mẹ đòi chị Ba dẫn Mẹ vào nhà cha xứ, kể chuyện và trao cho cha nguyên vẹn món tiền. Mẹ biết chị Ba hơi buồn vì tiếc nên ngày về còn bao nhiêu tiền trong túi Mẹ dốc hết đưa cho chị chỉ chừa lại tiền mua vé xe. Báo hại suốt một ngày dài, trên đường từ Cần Thơ về Sài Gòn, con phải nhịn cùng với Mẹ, không có cả bữa ăn trưa chứ đừng nói đến những miếng quà vặt khoái khẩu như lúc đi. Thấy con lẽo đẽo chân không muốn bước, mệt mỏi buồn thỉu buồn thiu, Mẹ hết xoa lưng lại cầm tay con vỗ về an ủi hoài. Hồi đó con giận Mẹ, thấy Mẹ "kỳ quá là kỳ". Mãi sau này, lắm khi con có gì trong tay cũng muốn "cho hết", quên đi cái chuyện phải phòng hờ, con mới hiểu Mẹ thấm thía và thương Mẹ, nhớ Mẹ không sao tả nổi.

Rồi khi con lớn hơn, đi học xa, ngày đó đâu có cell phone cho Mẹ gọi giống như con bây giờ, những khi nhớ đến hay lo lắng sốt ruột về lũ nhỏ. Vậy mà mỗi lần thăm nhà, con chẳng chịu luẩn quẩn bên Mẹ, con lại bỏ Mẹ đi chơi, về trể Mẹ bảo Mẹ buồn Mẹ mong con lại nói Mẹ... "kỳ". Tới tuổi cập kê con ỷ y mình đã trưởng thành, con càng bướng bỉnh làm Mẹ càng muộn phiền hơn nữa.

*

Ngồi đây nhớ lại những ngày ấy! Ôi con gái của Mẹ những ngày ấy... có khác gì con cái của con bây giờ đâu. Y hệt, y hệt Mẹ a. Kính yêu, biết ơn và luôn cố gắng hiếu thảo làm vui lòng hai đấng sanh thành nhưng con làm sao lấy người con không yêu dù người ấy "chẳng có điểm nào có thể chê được" như Ba Mẹ mong muốn cho con. Than thở với Mẹ tới đây, con hiểu ra và bỗng nhiên hết sạch mọi muộn phiền. Vâng, nỗi rầu rĩ bám lấy đeo đuổi con từ một tuần lễ nay, nguyên nhân chính là chuyện mấy cháu của Mẹ đã chẳng chịu nghe lời con trong vấn đề tìm bạn trăm năm. Con ao ước chúng làm quen với những cô thiếu nữ, những cậu thanh niên mà con đã biết cha mẹ gia đình anh em và cả bà con láng giềng của họ nữa để tìm hiểu, để nên vợ nên chồng, cho con yên tâm vì đoán rằng những cô cậu ấy sẽ là những người bạn đường tốt lành, thủy chung ("lấy chồng xem tông, lấy vợ xem giống" phải không Mẹ"). Trong khi các cháu lại đi yêu thương những cô, những cậu khác, con chưa rõ về gia thế tông chi họ hàng. Dẫu cho các cô các cậu đó cũng dễ thương dễ mến, nhưng con vẫn lo, vẫn hồi hộp và tiếc rẻ cho các cháu đã dại dột không chịu tìm đến những nơi con đã ngấm nghé chọn lựa.

Ngày xưa Mẹ cũng mắng con là dại dột, vậy mà đến nay con chẳng thấy con dại dột chút nào. Con có gia đình êm ấm bao năm, dù cũng nếm trải đủ mùi vui buồn, sướng khổ nhưng con được sống một cuộc đời con ước muốn. Con bằng lòng và trách nhiệm hoàn toàn với tất cả những gì con đã chọn lựa. Con cái của con chắc rồi cũng thế. Sao con không tin vào chúng như hồi đó con đã tin tưởng ở con.

Ngoài trời đã quang đãng và hình như đang bừng lên sức sống, gió hiu hiu thổi, vờn nhẹ những nhánh cây non rung rinh gần bên cửa sổ, những trái cam chín vàng nổi bật giữa mầu lá xanh, lủng lẳng treo trên cành, trông tròn trĩnh xinh tươi, ngay tầm mắt mà sao lúc này con mới nhìn thấy. Lòng người làm ngoại cảnh bị ảnh hưởng một cách không ngờ. Trong sáng hay đen tối là do chính tâm tư ý nghĩ của mình. Hình ảnh trưởng thành tự tin của con ngày trước hiển hiện rõ ràng trong cung cách sử sự của con cái con hôm nay. Ngày ấy con yêu kính Mẹ biết là dường nào, con tha thiết muốn Mẹ vui biết là bao nhưng vẫn có những điều con không thể nhắm mắt cúi đầu nghe lời Mẹ hoàn toàn. Để rồi con đã không được sung sướng thật sự khi nhìn thấy mẹ đã nghi ngợ hạnh phúc con đã cương quyết để có và niềm vui của con cũng đã không được trọn vẹn vì biết mẹ phân vân chẳng mãn nguyện cho con dù Mẹ là người hơn ai hết muốn con vui, con hạnh phúc.

Còn điều gì con mong mỏi ước ao hơn là được nhìn thấy con cái của con hạnh phúc vui vẻ. Và để chúng được trọn vẹn vui hưởng hạnh phúc ấy sao con không hoà mình vào, chung vui với hạnh phúc của chúng. Vậy con xin phép Mẹ ngừng ở đây và phôn ngay cho cháu ngoại của Mẹ để hân hoan tự đáy lòng, nói với cháu rằng:

- Mẹ rất mừng con đã gặp được người con tìm kiếm bao lâu nay. Mau mau đưa bạn về chơi. Mẹ sẽ đãi những món bạn con thích bằng cả trái tim của mẹ và mong được đón người con yêu dấu như đang đón chờ Một Mùa Xuân rực rỡ sẽ tới với gia đình mình trong những ngày cuối đông này

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,768,368
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến