Hôm nay,  

Vừa Đến Mỹ

27/08/200600:00:00(Xem: 120759)

Bài số 1085-1694-407-vb8270806

 

Green Frog là bút hiệu của một nữ tác giả gốc Việt, quê ở Bình Giả,  đã có nhiều bài viết được phổ biến trên một số website Việt ngữ. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ hai của cô.

*

Chuyện xảy ra vào năm một ngàn chín trăm hồi đó, lúc mà gia đình tôi vừa từ Bình Giả, một vùng đất đỏ, không có điện đóm gì cả đến mảnh đất Hoa Kỳ này. Đúng là  đổi đời. 

Tuy đã được học sơ về nước Mỹ và thói quen của người Mỹ một vài ngày ở Thái Lan nhưng tôi không khỏi kinh ngạc khi bước chân tới phi trường Los Angeles, nào là cửa tự động mở, nào là những dàn máy để kiểm tra hành lý của khách, Tivi để coi giờ nào máy bay đáp xuống và lên... tất cả đều mới mẻ đối với tôi, vì ở Việt Nam ngày đó phi trường còn nghèo nàn lắm.

Trong lúc ngồi chờ làm thủ tục nhập cảnh, mẹ con chúng tôi ngồi "chò hỏ" trò chuyện.  Với giọng Hà Tĩnh đặc sệt, mẹ tôi than thở:

- Sang Mỹ ni nói tự do mô nỏ biết tau chỉ thấy mất tự do mà thôi.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Sao mẹ nói thế" 

- Thì rõ ràng chứ còn chi nữa, ở Việt Nam tau ngứa chỗ mô là tau gãi, còn ở đây ra đường gãi cũng nói là bất lịch sự, tau ngứa mũi cũng không cho móc.

Mẹ tôi thở dài nói tiếp:

- Nói chuyện thì không được hỏi tuổi cũng như là tiền lương, gớm luật lệ chi mà lôi thôi rứa hầy!  Không hỏi tuổi thì mần răng biết để mà xưng hô.

Tôi không đám cãi vì tất cả những gì mẹ tôi nói đều là những điều chúng tôi vừa học được ở Thái Lan. 

Ngồi chờ làm giấy tờ cũng khá lâu nên mẹ con chúng tôi đều khát nước, trong lúc nói chuyện với mẹ, tôi để ý thấy có một ông người Mỹ đứng cúi xuống ở cái "Drinking Fountain" và nước chảy ra trông thật là đã.  Thấy thế, tôi bèn tới làm theo.  Nhưng..., lạ chưa! Chẳng thấy nước đâu, tôi đoán, "chắc phải đợi chút xíu." Năm phút trôi qua..., cũng không thấy nước đâu.  Tôi nghĩ thầm, "chẳng lẽ cái fountain này nó kỳ thị một người mũi tẹt da vàng như tôi"" 

Mãi tới sau này, khi học ở trường đại học tôi mới biết cách uống và thường hay uống kiểu này vì vừa tiện và không tốn tiền. Sinh viên chúng tôi thường gọi kiểu uống nước này là đi uống nước ở "quán bà Tư Khòm" vì phải khòm lưng và dẫm chân xuống cái cần ở dưới đất, hoặc là ấn tay vào cái thành ngang bụng, thì nước mới chảy ra...

Lúc chúng tôi đến Mỹ là tháng Năm, ở California trời tương đối mát nhưng chúng tôi thì run lẩy bẩy, vừa mặc áo dài tay lại vừa mặc thêm áo ấm; còn những người ở Mỹ lâu, họ mặc trông thật "mát mẻ".  Ngồi chờ một lúc, người bảo trợ tới đón chúng tôi về căn chung cư ba phòng bà đã thuê sẵn. Khi thấy bà ta xuất hiện với cái quần short và áo thun ngắn tay, mẹ tôi thì thầm:

- Già mà ăn mặc kỳ quá!  Gớm, mặc cả quần đùi nữa tề.

Tôi nói nhỏ:

- Thôi, mặc kệ người ta đi mẹ.

- Tau thấy ngứa mắt quá!

Mấy chục năm ở Bình Giả, một vùng quê mà tất cả phụ nữ đều phải ăn mặc kín đáo mới được gọi là đoan trang, kín đáo ở đây là không được mặc lòi tí thịt nào ở hai cánh tay hoặc hai đùi, vì thế đối với mẹ tôi những người bằng tuổi bà ta mà diện trong bộ cánh như thế đi ra đường thì thật rất khó coi.  Ngày còn nhỏ ở Việt Nam tôi thường nghe mẹ dạy rất kỹ về chuyện này, mẹ tiếp:

- Làm con gái phải ăn mặc kín đáo...

"Điệp khúc" về ăn mặc của mẹ, tôi nghe đã thuộc nằm lòng nên nheo mắt nhìn mẹ và tiếp lời:

- ... Ăn mặc hở hang không trách gì gây dịp tội cho thiên hạ, phải không mẹ"

Tôi hay háy mắt nhìn mẹ cười, mẹ mắng yêu:

- Tổ cha mi, dám chọc cả tau!

Mẹ con tôi ôm nhau cười vang cả một góc phòng. 

Vài hôm sau, bà bảo trợ chở chúng tôi đi chợ.  Ôi thôi là đã! Nào là Táo xanh, Táo đỏ đủ loại đủ cỡ, loại này lúc ở nhà chúng tôi phải chia nhau mỗi người chỉ được một trái đã là quí rồi, đằng này tôi có thể mua cả bao to, tôi lẩm bẩm một mình, "Chuyến này bà phải ăn một bụng táo cho đã thèm."   Chỉ trong chốc lát, chúng tôi đã khuân đầy hai xe đi chợ đủ các loại Táo và những thức ăn Việt Nam mà tôi tưởng chỉ có thể ăn một lần cuối trước khi lên đường.  Sau khi tính tiền người ta thối cho tôi một đống tiền lẻ, vì ở Việt Nam quen xài tiền ngàn tiền triệu nên khi thấy đống tiền lẻ này tôi có vẻ xem thường và cảm thấy cầm mất công, vì thế khi vừa ra tới cổng thấy một người đang khất thực, tôi vội ném ngay nắm tiền cắc vào cái thau của ông ta, không những thế tôi còn dốc hết tất cả những đồng hai mươi lăm cent còn lại trong giỏ.  Bà bảo trợ thấy vậy tưởng là tôi thương người lắm còn tấm tắc khen, nhưng bà ta nào có biết tôi đang giũ sạch những đồng tiền kêu leng keng trong túi khỏi phải mang theo phiền! 

Ngày kế, bà ta chở cả nhà chúng tôi đi khám sức khoẻ tổng quát và dặn ba mẹ tôi:

- Khi nào gia đình bác xong việc, nhớ gọi điện thoại con sẽ tới đón nhé.

Ba tôi vui vẻ đáp lại,

- Cám ơn bà nhiều, tôi sẽ gọi.

Rồi cả gia đình đi vào trong sắp hàng làm thủ tục. Khoảng nửa chiều thì mọi việc xong, mọi người đều ngồi chờ người bảo trợ tới đón như đã hẹn.  Riêng anh tôi là Bình muốn tỏ ra ngon lành và cũng vì chút tò mò muốn thử cho biết.  Hơn nữa anh Bình cứ ngỡ mọi thứ đơn giản và đường đi dễ như bên quê nhà, nhất là ở quê tôi, mọi ngõ nghách anh ấy đều quen thuộc và nắm gọn trong lòng bàn tay. Anh nói với tôi:

- Ê nhỏ, mình thử đi bộ đi.  Đi để ngắm những đường phố xung quanh cho biết, chứ ngồi ở đây chờ chán lắm.

Tôi nghe cũng xuôi tai nhưng vì là con gái nhút nhát nên hỏi lại,

- Anh có biết đường không mà rủ em đi đó"

Anh Bình nổi máu anh hùng lên nói rất dõng dạc:

- Biết chứ sao không... Um...m..., mà nếu không biết thì mình tìm.

- Vậy..., đi thì đi.

Thế là tôi làm liều đi theo, ba mẹ tôi và những người khác thì đợi bà bảo trợ sau khi tan sở tới đón.  Khi mọi người đã về nhà mà anh em tôi vẫn tăm hơi bặt tín, ba mẹ tôi hoảng hồn đòi đi tìm.  Phần hai anh em tôi cứ đi hoài, đi mãi mà vẫn không đến nhà, mọi thứ nhìn thấy đều lạ hoắc, anh Bình nói:

- Chết rồi nhỏ ơi, mình lạc đường rồi.

 Tôi sợ tái cả mặt, bí quá anh em tôi vẫy tay gọi xe xin "quá giang" nhưng không ai cho cả, bỗng cả hai ngước lên trên kia thấy có một con đường mà xe chạy rất đông, anh Bình bảo tôi:

- Mình đi lên đó đi nhỏ, xe trên đó nhiều chắc sẽ có cơ hội hơn.

Hai anh em tôi lội bộ lên đó, mong có ai thương tình dừng lại chở về nhà, nhưng mọi hy vọng đều tiêu tan vì ở đó mọi người đều lái xe rất nhanh, nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp nhận ra họ là đàn ông hay đàn bà.  Đứng một hồi lâu mà không một người nào dừng cả, chúng tôi bèn đi thêm một quãng thì thấy bảng "Exit" và thêm một bảng to khác ở xa hơn, chúng tôi chả hiểu trên đó viết gì, anh Bình ngây ngô hỏi tôi:

- Tại sao lại nói là "Exit" nhỉ"  Chữ này có nghiã là lối ra mà, ở đây là đường đi chớ có phải là cái gì đóng kín đâu mà gọi là lối ra"

Hồi đó mới sang làm sao chúng tôi biết đường đó gọi là Freeway, tức là đường xe chạy với tốc độ nhanh, không có đèn đỏ, không được ngừng giữa đường và chỉ được đi ra khi nào có exit... Cứ mãi lo ngó lơ ngơ tự nhiên tôi thấy một chiếc xe màu đen và trắng ngừng lại, trên xe còn có mấy cái đèn xanh đỏ trông ngộ lắm, trong xe có một người mặc bộ đồ đen ông ta nói gì tôi chả hiểu.  Chúng tôi vừa nói vừa dùng động từ "to khua" mà cũng chẳng ai hiểu ai.  Thông thường, tôi cũng biết sơ sơ vài chữ tiếng Anh nhưng vì sợ quá nên chữ nghiã nó trốn đâu mất tiêu.  Tôi run lên vì không biết ông ta là ai"  Muốn gì đây"  Vì nghe nói ở Mỹ hay bị bắt cóc lắm...

Mãi một hồi tôi mới biết ông ta là cảnh sát muốn giúp chúng tôi, nhưng khổ một nỗi là cả điạ chỉ nhà chúng tôi cũng không nhớ nên ông ta đành chở đại chúng tôi về một ty cảnh sát nào gần đó.  May thay Chúa Thánh Thần soi sáng, trên đường về tôi sực nhớ ra số phone của bà bảo trợ nên được ông ta đưa về.  Tôi thầm cám ơn Chúa và cám ơn ông cảnh sát, đúng là một phen hú hồn!

Dạo ấy, tôi là đứa con gái mới lớn có cái mặt cũng dễ coi nên sau vài tuần có mấy anh ngấp nghé muốn ra tay hào hiệp chở tôi đi xin việc.  Sau vài ngày quen biết với anh hàng xóm, tôi được ba mẹ cho phép nhận lời cho anh ta chở đi, vì còn biết nhà biết cửa không sợ nó lừa con gái mình.  Lần đâu tiên tôi được đơn thân ngồi vào chiếc xe của người khác, không phải là của anh tôi, người anh sang Mỹ trước, hay cũng không phải là xe của bà bảo trợ.  Anh ta chở tôi đi xin làm Waitstress ở nhà hàng - là tiếp đãi viên đấy mà, hay nói tóm lại là bưng đồ ăn thức uống cho người ta, nhưng họ đều không nhận vì sau khi họ nói chuyện với tôi, tôi chả nghe ra được tí gì.  Đối với tôi lúc đó họ nói líu lo như chim hót, còn mớ Anh văn tôi học ở quê nhà thì chỉ là:  "Th...i ...s......is......a .....pen.  H...ow.......a...r...e ...you ""  Chỉ học với tốc độ và giọng nói này làm sao tôi nghe kịp những chú Mỹ chính gốc líu lo... Tôi thất vọng não nề!!! vì đây không phải là lần đầu tiên tôi bị từ chối, tôi đã từng đi xin làm việc lau chùi cầu tiêu mà cũng không được vì đi xin việc đó mà tôi diện đồ láng quá.  Sợ tôi buồn nên anh bạn hàng xóm đề nghị:

- Em đói bụng chưa"  Mình đi ăn đi.  Em thích ăn Pizza không"

Thực tình lúc đó tôi chẳng biết Pizza là cái quái gì, nhưng vì sợ quê và cũng khá đói nên trả lời đại:

- Biết chớ..., dạ, đi ăn đi anh.

Khi ngồi trước cái Pizza, tôi chẳng biết phải bắt đầu ăn thế nào. Tại sao lại không có chén, đũa hay bất cứ một cái gì để gắp, chẳng lẽ ăn bốc sao"  Sau khi thấy anh ta bắt đầu, tôi mới vỡ lẽ, "Ồ! té ra là như vậy, ăn bằng chính đôi tay này!"  Tôi làm bộ như người đã ở đây lâu, cũng bắt chước ăn theo và vì bụng tôi nãy giờ đang cồn cào, nhưng hỡi ôi nó làm sao ấy..., vừa mùi cheese lại có vị hơi chua chua của cà chua, ăn chả ra làm sao cả!  Tôi khẽ buông một tiếng thở dài nhỏ, rồi lặng lẽ ăn lấy lệ phiá ngoài Pizza mà không dám đụng vào bên trong nữa.  Hôm đó tôi về nhà với cái bụng đói meo, nếu như bây giờ, tôi sẽ bắt anh ta chở lên Bolsa "đấn" một bụng no cho thoả thích... 

Những ngày mới đặt chân tới Mỹ, tôi chỉ ăn được đồ ăn Việt mà thôi nhưng giờ đây khi ngồi viết những hàng chữ này, tôi phải nuốt nước bọt vì nghĩ tới Pizza.  Yummy... Yummy... Đúng là mọi sự đều thay đổi với thời gian...

Sau vài tháng, tôi đã có bằng lái và một cái xe đủ để đưa tôi đi đây đi đó như mọi người.  Cái xe này khi về tay tôi đã mười lăm năm tuổi nhưng tôi phải mua bằng tất cả những đồng tiền do công lao động miệt mài, những ngày làm thêm giờ và còn phải mượn thêm chị tôi một số tiền là 1,500.00 đôla. 

Vì mới có bằng lái lại còn trẻ nên tôi chạy xe cũng "cừ" lắm, tôi hình như không bao giờ chạy đúng với speed limit ở trên đường. Bỗng một hôm, đang bon bon trên đường vừa lái vừa nghe nhạc, gật gù cái đầu, tôi hình như nghe có ai đó nói gì bằng loa văng vẳng trên cao và có đèn rọi từ chiếc trực thăng bay trên đầu thẳng với xe tôi nữa, sau đó vài xe cảnh sát chặn đầu xe tôi lại và họ làm giống như đang lùng bắt tội phạm, làm tôi hú hồn hú viá..., À! té ra nãy giờ có một "chú" cảnh sát mãi theo sau tôi và nhá đèn nhưng vì mới sống ở Mỹ tôi đâu biết làm như vậy là họ muốn dừng tôi lại để biếu tôi một cái ticket (tức là giấy phạt) nên tôi cứ vô tư mà chạy và cảnh sát thì cứ thế mà rượt, cho tới khi ông ta tưởng trong xe tôi có tội phạm hay buôn bán thuốc phiện nên mới gọi cả trực thăng để bao vây. 

Sau khi dừng được tôi, họ thấy đây chỉ là đứa con gái nhát cáy, đang run bần bật làm họ phải phì cười...  Một lần nữa tôi lại phải dùng động từ "to khua" với cảnh sát để giải thích tại sao tôi không ngừng xe.  Thông cảm vì là di dân mới tới Mỹ nên họ chỉ cho giấy phạt chạy quá tốc độ chứ không bắt vào tù.  Thế là mất toi 300.00 đôla để nộp phạt và còn phải đi học xoá ticket cả một ngày trời. 

Kể từ hôm đó, tôi lái xe cẩn thận hơn và luôn nhìn xem có cảnh sát xung quanh không. Cảnh sát đâu không thấy mà tôi thấy có hai anh chàng lái Motocycle cứ chạy ngang xe tôi.  Anh chàng ngồi đàng sau lại còn dơ tay làm một ám hiệu gì đó, làm tôi vừa lái vừa sợ vì nghe nói người ở Mỹ thường dùng ngón tay để biểu lộ sự bực tức khi lái xe, đặc biệt là ngón tay giữa ..., nhưng anh chàng này giơ tay lên mà lại cười, làm tôi càng bối rối không biết hắn ta muốn gì" 

Về nhà hỏi ông anh, người đã sang Mỹ trước tôi, anh cho biết hắn giơ như vậy không phải chửi mà là muốn tán tỉnh tôi, anh tôi giải thích:

-  Ngón út để thẳng có nghiã là "I" kế đó là ngón đeo nhẫn và ngón giữa gập xuống giống như trái tim tức là "love", ngón trỏ và ngón cái để thẳng có nghiã là "you" .

Các bạn thử làm như thế và dơ lên coi có giống như "I love you" không"

Thât là nhiều điều phải học khi hội nhập vào một xã hội mới, nào là phong tục tập quán, nào là tiếng nói, cả kiến thức và nghề nghiệp nữa. 

Nhìn lại những ngày tháng đó, tôi phải thầm cám ơn Chúa đã ban cho tôi nghị lực để vượt qua những ngày đầu vất vả, cám ơn nước Mỹ đã cưu mang và tạo điều kiện cho tôi tìm được một tương lai sáng lạn, cũng không quên cám ơn một số ân nhân đã giúp tôi về vật chất cũng như tinh thần để những bước đầu trong cuộc sống ở Mỹ của tôi bớt cô đơn tẻ nhạt.

 

Green Frog

 

* Vì bài viết dùng một số từ điạ phương nên xin có phần ghi chú:

Mần răng = Làm sao

Tự do mô nỏ biết = Tự do đâu chẳng biết

Nữa tề = Nữa kià

Mi, Tau = Mày, tao (trong bài viết dùng như một danh xưng rất thân mật dành cho người trên đối với người dưới.)

Lôi thôi rứa hầy = Lôi thôi vậy

Bên Mỹ ni = Bên Mỹ này

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,271,239
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến