Hôm nay,  

Những Tấm Thẻ Nợ

13/08/200600:00:00(Xem: 172730)

Người viết: Huyền Thoại

Bài số 1077-1686-399-vb7120806

*

Huyền Thoại là bút hiệu  của  một tác giả cư trú và làm việc tại San Jose, đã góp một số bài viết về nước Mỹ, như  “Ông Hàng Xóm Mỹ”, “Thuyền Trên Cạn”... Lần này là chuyện về những tấm thẻ “credit card” hấp dẫn. 

*

Khoảng bốn giờ chiều Sandy bấm điện thoại intercom, bảo cô muốn nói chuyện ngay với Bích.  Bích vội nhấn nút "save"  để giữ laị những gì vừa đánh vào computer rồi mau mắn tới văn phòng riêng của cô ta.  Nàng phân vân tự hỏi sao hôm nay cô trưởng phòng có vẻ tư lự, khác hẳn bản tính vui vẻ, hay bông đùa thường ngày. 

Vừa thấy Bích, cô bảo nàng ngồi xuống chiếc ghế trước bàn làm việc.  Bích nghĩ chắc họ sẽ nói chuyện hơi lâu, vì bình thường Bích chỉ cần  đứng để nghe Sandy giao việc hoặc căn dặn.  Chờ cho Bích ngồi vào ghế ngay ngắn, Sandy ngập ngừng lên tiếng  :

- Hôm nay tôi có một tin không vui.

Bích nhìn cô dò hỏi;

- Tôi rất tiếc.  Nhưng, chuyện gì vậy"

Sandy nói nhanh sau một tiếng thở dài :

- Tôi cũng rất tiếc, vì chuyện này có liên quan đến cô.  Chúng tôi phải  cho cô nghỉ việc

Không tin vào những gì mình vừa nghe, Bích mở to mắt, hỏi:

- Cho tôi nghỉ "  Nhưng... tại sao"

- Betty (tên Mỹ của Bích), không phải là cá nhân tôi muốn cho cô nghỉ.  Chỉ là việc tổ chức lại văn phòng.  Bà Kim và chúng tôi đã họp chiều hôm qua, và đi đến quyết định cắt giảm vài nhân viên không mấy cần thiết.

Bích thấy tim nhói đau và có cảm giác tê cóng khắp thăn thể.  Cố giữ cho giọng nói bình thường và kìm chế những giọt nước mắt đang chực trào trong khóe mắt, Bích hỏi:

- Bao giờ thì tôi nghỉ"

- Hôm nay là thứ tư, nhưng cô có thể nghỉ ngay ngày mai.  Văn phòng vẫn trả lương cho cô đến hết tuần này.

Không hiểu sao Bích lại hỏi thêm:

- Ngoài tôi ra còn ai bị cho nghỉ việc nữa không"

- Ngay bây giờ thì chỉ  mình cô, nhưng tháng tới sẽ còn thêm vài người nữa. 

Cầm chiếc phong bì trao cho Bích, cô ta tiếp:

- Đây là tiền lương nửa tháng này của cô, cộng thêm ba tuần đền bù cho ba năm làm việc của cô tại đây.  Văn phòng sẽ trả tiền bảo hiểm sức khỏe cho cô thêm một tháng nữa, sau đó cô có thể tự mua bảo hiểm trong chương trình Cobra theo luật định.  Đồng thời, cô có thể ra Sở Thất Nghiệp xin lãnh trợ cấp.  Bây giờ cô nên thu dọn đồ đạc cá nhân và đem chúng về nhà.

Cầm tầm ngân phiếu trong tay, Bích thẫn thờ trở ra bàn.  Sandy nói vói theo:

- Betty, tôi rất tiếc nhưng không làm khác hơn được.  Tôi thật không muốn là người phải đem tin này đến cho cô.

Bích không trả lời.  Giờ này  phần đông nhân viên đã đi về, chỉ còn mấy người ở căn phòng kế bên.  Nàng lẳng lặng thu dọn đồ đạc, thầm mừng vì không phải nói chuyện với ai trong lúc này.  Nàng chợt nhớ là bà Kim đã ra về cách đây hơn nửa giờ.  Có lẽ bà ta muốn tránh mặt trong lúc Sandy đưa ra quyết định cho nàng nghỉ việc.  Bà là chủ văn phòng bảo hiểm này.  Bà bảo hiểm đủ thứ, từ xe cộ tới nhân mạng, nhà cửa, v.v... Dưới quyền bà có khoảng gần hai chục nhân viên, vừa Việt Nam, Cambodian, Lào, vừa Mễ và Mỹ trắng, Mỹ đen.  Công việc làm ăn của bà đang trên đà phát triển, việc làm tới tấp, mà  bỗng dưng Bích bị cho nghỉ việc, vì "không mấy cần thiết". Ba tháng trước, lúc đánh giá năng lực nhân viên định kỳ, Sandy còn phê nàng là một nhân viên đắc lực và xuất sắc của văn phòng.  Vậy cớ gì bỗng dưng nàng trở thành không cần thiết nữa"  Phải chăng vì ít lâu nay nàng đã hết bà con, bạn bè thân thiết để giới thiệu đến mua bảo hiểm với văn phòng bà"  Hay đã có sự can thiệp của Amy, em gái của bà"

Bích quen Amy qua một cô bạn thân trong một lần đi dự tiệc sinh nhật.  Thấy Bích hay đi chung với Amy sau lần gặp gỡ đó, cô bạn cảnh cáo nàng là phải coi chừng vấn đề tiền bạc với Amy, vì Amy là người làm lương thì ít, mà lại thích xài toàn đồ sang, cho nên lúc nào cô cũng mắc nợ nhà băng như chúa chổm.  Có mười thẻ tín dụng, cô đã "max out" hết cả chục, và chỉ có thể trả minimum payment mỗi khi nhận bills hàng tháng. 

Cách đây một năm, Amy nhờ Bích "cà" credit card mua hộ cô ta một bộ đồ Chanel trị giá hai ngàn đô, và hứa sẽ trả cho Bích mỗi tháng ba trăm đồng trong vòng  bảy tháng.  Bích bất đắc dĩ chiều lòng Amy, vì chính Amy đã giới thiệu nàng khi bà Kim cần mướn một cô phụ tá cho Sandy.  Kết quả là phải hơn hai năm sau, Amy mới cà ạch cà đụi trả cho nàng được hơn nửa số tiền.  Còn thiếu mấy trăm, cô ta gán cho Bích một chiếc nhẫn ngọc mà cô đã chán, không thèm đeo nữa.  Bích cắn răng mua nhẫn trừ nợ. 

Cách đây vài tuần, Amy lại mượn Bích ba ngàn đồng để cô đi chơi với kép bên Cancun, nhân dịp sinh nhật của  chàng.  Đang cần tiền giúp mẹ nằm nhà thương bên Việt Nam, lại nhớ đến việc cho vay ê chề lần trước, Bích tìm cách từ chối khéo.  Và hôm nay thì Bích bị sa thải.  Cả một tương lai đen tối đang chờ Bích ngoài kia, ngay từ phút này. 

Bích thất thểu đi ra bãi đậu xe, đầu óc rối beng lên vì những con số đang nhảy múa trước mắt nàng. Phải chi Sandy cho nàng nghỉ cách đây vài tháng, lúc nàng chưa mua xe hơi đời mới, thì có lẽ Bích cũng bớt đi được một nỗi lo.  Bích tưởng công việc của nàng sẽ rất vững vàng qua ba năm tận tụy  và được Sandy quý mến. Mỗi tháng nàng lãnh được hơn hai ngàn, sau khi trừ thuế và khoản các khấu trừ bắt buộc khác.  Với số tiền này, Bích dành ra năm trăm đồng gởi về VN hằng tháng nuôi cha mẹ già và giúp các anh chị trả tiền ăn học cho con cái họ. 

Bích ở một mình, mướn một cái in-law studio của một gia đình Việt Nam, mỗi tháng trả cho chủ nhà sáu trăm đồng.  Số tiền còn lại, nếu tiện tặn thì Bích cũng đủ sống và dư chút đỉnh.  Nhưng cuộc đời không luôn chỉ như một mặt hồ lặng lẽ, và giản dị không phải là lối sống của mọi người. 

*

Bích sang Mỹ một mình năm nàng mười bốn tuổi, trong một chuyến vượt biên khá nhiều may mắn.  Cha mẹ gởi nàng đi theo gia đình một người bạn, nhưng lúc vào đảo, họ bảo nàng khai đi một mình cho dễ được bảo lãnh. 

Trời thương, Bích được một ông bà dược sĩ Mỹ trắng hiếm con nhận về nuôi nấng, coi như con ruột.  Học hết trung học, Bích không chịu lên đại học, dù nàng học rất giỏi và ông bà đỡ đầu sẵng sàng giúp nàng tài chánh.  Chỉ vì Bích muốn đi làm để có tiền gởi về giúp đỡ gia đình. Tuy sang Mỹ từ lúc còn nhỏ, nhưng lúc nào Bích cũng hướng về gia đình và không quên những vất vả mà cha mẹ nàng đã trải qua trong thời gian nàng còn ở nhà. Ký ức nghèo đói luôn luôn ám ảnh Bích, Bích chỉ mong sớm đi làm để có tiền gởi về giúp gia đình. Bích biết gia đình nàng đang mong mỏi sự giúp đỡ của nàng, mặc dù lúc nào ba nàng cũng viết thư sang khuyên nàng ráng học lên đại học.

Bích bảo ông bà đỡ đầu là nàng chỉ muốn nghỉ học vài năm để kiếm tiền giúp cha mẹ.  Bà Alice, mẹ đỡ đầu, có vẻ không mấy vui với quyết định của nàng, nhưng thông cảm mối ưu tư của Bích nên bà nói:

- Tôi sợ cháu sẽ mất dần sự hăng hái sau khi đã đi làm kiếm tiền, nhưng dù sao, tôi cũng hiểu tấm lòng của cháu đối với gia đình bên kia. Tôi mong cháu đừng nghỉ lâu quá.  Đừng quên là học vấn mới cho cháu nhiều cơ hội để đi lên.

Bích xin làm "bank teller" tại một ngân hàng gần nhà.  Bà Alice cho nàng mượn hai ngàn đồng làm down payment mua một chiếc xe second-hand sáu ngàn để có phương tiện di chuyển.  Bốn ngàn còn lại, hãng xe chịu tài trợ, cho nàng trả góp trong ba năm.  Một năm sau, Bích trả hết số tiền bà Alice ứng trước cho nàng.  Trả xong món nợ đó, Bích thấy lòng hân hoan, nhẹ nhõm và cảm thấy mình đang trở thành người lớn.  Cứ ba tháng một lần Bích xuống chợ Việt Nam gởi một ngàn rưởi về cho cha mẹ và các anh chị.  Nàng phụ với cha mẹ đỡ đầu mỗi tháng ba trăm, dù ông bà không bao giờ đòi hỏi.

Trong một buổi tiệc sinh nhật của một cô bạn học cũ, Bích gặp Amy.  Bích thích Amy vì cô vui tánh, có nhiều bạn bè và biết nhiều chỗ đi chơi.  Đặc biệt là Amy rất thích đi sắm đồ.  Quần áo của cô rất nhiều, nhưng không cuối tuần nào mà Amy không rủ Bích đi shopping.  Có vài lần Bích đến chơi, Amy mở tủ quần áo khoe với nàng.  Bích sững sờ khi thấy hai tủ quần áo của Amy chặt cứng,  đến nỗi cô phải mua thêm mấy cái thùng nhựa để mà đựng.  Giầy dép của cô thì ôi thôi khỏi chê.  Cô chỉ xài toàn những Gucci, Ferregamo, và Taryn Rose, đôi nào cũng ba bốn trăm.

Amy làm tiếp viên của một nhà hàng trong một khách sạn sang trọng.  Lương của cô khoảng trên một ngàn rưởi mỗi tháng, nhưng tiền tip có thể gấp đôi tiền lương.  Cô luôn ăn mặc đúng thời trang, có khi một bộ đồ cô chỉ mặc vài ba lần trong một năm, năm sau cô cho bạn bè hoặc bán garage sale.  Vài lần đi shopping với Amy, Bích thấy cô móc ra cả chục chiếc credit cards.  Đôi khi cards bị maxed out (hết tiền) cô phải xài hai ba cards một lúc để trả cho một món hàng. 

Shopping là căn bịnh hay lây, nên theo chân Amy mãi, Bích cũng bị ghiền  hồi nào không hay.  Hễ hôm nào Amy không rủ, cô cũng xách xe chạy lòng vòng, vào các tiệm bán đồ đại hạ giá như Ross, TJMax, Marshalls, và outlets của Ann Taylor, Talbot, Ralph Lauren, Nordstrom... Bích không dám sắm  hàng ở những cửa hiệu lớn như Amy, vì cô không có những món tiền tips béo bở.  Tuy nhiên, tại những cửa tiệm này, Bích cũng có thể kiếm được những món hàng của các designers nổi tiếng mà giá cả lại rất rẻ, chỉ bằng một phần năm giá nguyên thủy tại các cửa hàng lớn.  Tất nhiên là hàng đã thuộc mode cũ và đôi khi bị trầy trụa, nhem nhuốc do bị quăng ném và nhồi nhét  trong các giá treo chật cứng.  Hàng bán tại những tiệm này thường là hàng may hư, các mẫu mã bị các cửa hàng danh tiếng từ chối hoặc bán không chạy, hoặc là hàng bị khách hàng đem trả lại cho cửa hàng sau khi đã mặc vì nhìều lý do.   

Quen nhau được ít lâu,  Amy giới thiệu Bích vào làm cho văn phòng bảo hiểm của bà Kim chị của Amy.  Bích mừng rỡ khi được bà Kim thu nhận, vì tiền lương cao gần gấp đôi số tiền ngân hàng đang trả cho nàng.  Lại nữa, khi giới thiệu một khách mua bảo hiểm, Bích còn được tiền thưởng.

Sau lần từ chối cho Amy mượn tiền đi chơi kỳ này, Bích cứ lấn cấn, cho rằng đã có sự can thiệp của Amy trong việc bà Kim cho nàng nghỉ việc.

Về đến nhà, Bích nằm lăn trên giường, không buồn thay áo quần và bắt đầu tính toán cho những ngày sắp tới. Bích nhẩm tính, hai món phải chi tiêu trước mắt là tiền nhà và tiền xe, khoảng một ngàn hai trăm đồng mỗi tháng.  Sau đó là tiền đổ xăng, tiền ăn, tối thiểu cũng phải ba trăm.  Rồi tiền điện thoại.  Nguy nhất là số tiền nợ credit cards , khoảng hơn hai chục ngàn, trả minimum mỗi tháng bốn trăm.  Trên một năm nay, Bích không hề để dành được một đồng, nếu không nói là hụt xài, phải mượn vào tiền credit cards qua hình thức "balance transfers". 

Ai đã từng xài balance transfers thì đều biết đây là hình thức các nhà băng "dụ khị" khách hàng mượn tiền của họ với một số tiền lời rất thấp so với các ngân hàng khác, khi họ thấy là khách hàng này đang nợ một ngân hàng khác và được các cơ quan tín dụng ghi nhận là chi trả đều đặn.  Đằng sau số tiền lời thấp, họ còn tròng vào một số tiền "transaction fee   lệ phí chuyển trả - thường là 3% tổng số tiền muốn vay, hoặc một flat fee là năm mươi  hoặc bảy mươi lăm đồng.  Bích đã từng phải vay tiền nhà băng này trả cho tiền nhà băng kia khi hạn kỳ tiền lời "dụ khị" sắp đáo hạn.

Trong số tiền trên hai chục ngàn Bích vay, có khoảng năm ngàn nàng đã dùng để mua sắm nữ trang và một lần đi du lịch Âu châu với bạn bè. Số còn lại Bích  gửi về cho cha mẹ sửa nhà và giúp vốn cho anh cả mở một quán ăn nhỏ nuôi gia đình sáu đứa con.  Bích đánh bạo ký mượn khi ngân hàng gởi phiếu đến mời nàng mượn tiền với lãi xuất chỉ có 4.99% trong vòng một năm, vì nàng nghĩ rằng với số lương hiện tại, có làm tới tết công gô nàng cũng chẳng có nổi một món tiền lớn mà giúp cho gia đình trong một lúc.  Nàng nghĩ, gởi lẻ tẻ năm ba trăm cũng chỉ đủ cho họ xài loanh quanh chứ chẳng làm nên cơ đồ gì.  Bích hy vọng trong vòng vài ba năm nàng sẽ tiết kiệm tối đa và kiếm được việc lương cao hơn để trả cho xong mấy món nợ này.  Nhưng rồi nàng vẫn chưa kiếm được việc nào khác khá hơn với cái bằng trung học phổ thông của mình.  Trong khi đó, sự ham mê shopping càng ngày càng làm cho Bích lún sâu thêm vào con đường nợ nần.  Cứ mỗi lần mua được một món hàng của một designer nào đó với một giá rẻ mạt, Bích cảm thấy hãnh diện như kẻ chiến thắng, xài hàng  hiệu mà không phải trả giá cắt cổ. 

Khi hết hạn một năm, Bích lại phải làm một cái "balance transfer" với một nhà băng khác, số tiền mượn kỳ này chỉ thấp hơn kỳ mượn lần trước một chút.  Thì ra suốt một năm qua, phần lớn số tiền Bích trả là...tiền lời.  Bích biết thế, nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vì muốn duy trì cái hồ sơ vay nợ "perfect" của mình với ba cơ quan báo cáo tín dụng Credit reporting agencies.

Sáng thứ hai, Bích ra sở thất nghiệp để xin trợ cấp trong lúc chưa có việc làm.  Làm thủ tục xong, người ta cho biết nàng sẽ được lãnh mỗi tuần hai trăm rưởi, nhưng phải hai tuần sau ngày điền đơn mới có tiền.  Thời hạn trợ cấp tối đa là sáu tháng.

Biết được số tiền thất nghiệp...chết đói của mình, Bích như bị hồn phi phách tán.  Thế này thì chưa đủ trả tiền nhà tiền xe, đừng nói gì đến chuyện ăn uống nợ nần.  Bích lo quá muốn bịnh.  Cái xe mới vài tháng trước đây là niềm hãnh diên của Bích, thì giờ đây lại là cái gánh nặng mấy ngàn pounds trên ngực nàng làm nàng muốn ngộp thở.  Số lương nghỉ việc cuối cùng có thể cho nàng ngoi ngóp tháng này.  Nhưng còn những tháng kế tiếp sẽ ra sao nếu như nàng chưa xin được việc để đi làm trở lại" 

Bích không hối hận đã mượn tiền giúp gia đình, nhưng bây giờ lại thấy mình quá liều mạng, làm một chuyện phi lý khi đem đổi chiếc xe cũ mua chiếc xe mới này, dù chiếc xe cũ đó vẫn còn phục vụ nàng rất đắc lực.  Chẳng qua Bích không muốn bị bạn bè coi thường và không muốn lái một chiếc xe cũ trong khi diện những bộ đồ rất đẹp, rất sang.  Ai mà biết Bích đã phải lang thang la cà cả ngày lôi chúng ra trong cái đám hổ lốn ở các tiệm bán hàng clearance"

Về đến nhà, Bích vội vàng moi móc những bịch nylon nàng nhét trong tủ.  Nàng lôi ra bao nhiêu là áo quần còn nguyên tickets và cả đống đồ con nít mà Bích đã mua trong những hôm lang thang trong các shopping vào những kỳ on-sale.  Nhiều khi Bích chẳng những mua đồ cho mình, mà con mua để dành, định mai mốt về VN thăm nhà cho cha mẹ, anh em, và các cháu...Ở bên Mỹ, sướng một điều là các cửa tiệm cho khách đem hàng trả lại, miễn là còn biên nhận và hàng còn tickets treo toòng teng.  Có nơi chỉ cho trả lại hàng trong vòng một hay ba tháng.

Moi đồ ra xong, Bích bắt đầu mở mấy hộp đựng  hóa đơn để chuẩn bị đem đồ đi trả.  Trong lúc này, Bích không thể giữ chúng nữa.  Khi nào có thể về thăm nhà Bích sẽ tính, chứ giờ này nàng phải  vớt vát, được đồng nào hay đồng nấy.  Bích thề với lòng mình, sẽ không bao giờ đi shopping loạn cào cào và hết còn dám vung tay quá trán từ đây.  Ôi, một bài học đắt giá, một kinh nghiệm chua cay.

Hết quần áo, Bích tiếp tục tấn công cái tủ mỹ phẩm của mình.  Bích còn trẻ, da dẻ nào đã có vết nhăn, vậy mà mỗi lần Macy s hoặc Nordstrom có promotions tặng free gifts là Bích lại hối hả đi mua, nào là kem ban ngày, ban đêm, nước chùi rửa phấn son, kem sức cho mắt khỏi nhăn, phấn nước, phấn khô, phấn mắt, và nước hoa đủ loại...Chỉ cốt lấy mấy cái free gifts để mai mốt đem về cho chị cho em.  Bây gìờ túng thế, Bích gom hết vào một bịch, hối hả đem đi trả.

Lang thang từ mall nọ tới mall kia trong hai ngày liên tiếp, Bích thu về trong credit card của mình được khoảng sáu trăm đồng.  Chẳng thấm vào đâu, cứ như muối bỏ biển.  Nhưng mà có còn hơn không, Bích tự an ủi mình.  Nhìn quanh nhìn quẩn, chẳng có thể trả lại thêm món gì nữa, nàng cố lấy lại bình tĩnh, trù tính xem phải làm gì trong những ngày sắp tới.  Loay hoay mãi vẫn không thấy được một giải pháp nào ổn thỏa, Bích nghĩ đến ông bà sponsors.

Từ lúc làm việc cho văn phòng bà Kim, Bích dọn ra ở riêng, vì người Mỹ thường tập cho con cái bản tính tự lập.  Ngay người con ruột của ông bà cũng ra ở riêng dù còn đang học đại học. Anh ta được cha mẹ trả tiền học phí, nhưng vẫn đi làm part time để trả tiền mướn nhà và xài vặt, dù mỗi tháng cha mẹ cũng cho anh một số tiền bỏ túi.  Bích vẫn duy trì liên hệ khắng khít với gia đình người bảo trợ, vì nàng sang đây có một mình và được ông bà nuôi nấng nhiều năm.  Bích hy vọng bà Alice sẽ chỉ cho nàng cách giải quyết cấp thời, vì lúc này, đầu óc nàng cứ như một mớ bong bong, đen thui như bồ hóng.

Khi Bích tiết lộ cho bà Alice chuyện nàng bị thải viêc và số tiền nàng đang nợ nhà bank thì bà trợn mắt kinh ngạc.  Lúc nàng giải thích nguyên do, bà buồn bã lắc đầu:

- Betty, cháu cho trong khi mình không có.  Cháu đã làm một chuyện thiếu suy nghĩ.  Nhưng mà chuyện cũng đã qua rồi, let by gone be by gone (chuyện gì đã qua thì cho nó qua), bây giờ cháu muốn tôi giúp cháu ra sao"

Bích nghẹn ngào:

- Cháu biết cháu đã làm điều không đúng.  Bây giờ cháu bối rối lắm, cô có thể cho cháu ý kiến gì không"

Bà bảo Bích cho bà biết tất cả những gì nàng đang có trong tay.  Sau khi suy nghĩ một lúc, bà nói:

- Với những công việc cháu từng làm như nhà bank, thư ký văn phòng, cô nghĩ cháu sẽ không bị thất nghiệp lâu.  Điều đáng mừng là hiện nay cháu cũng còn được lãnh mỗi tháng một ngàn đồng.  Số tiền này cũng giúp cho cháu trả được tiền nợ credit cards và tiền tiêu vặt trong một thời gian. Còn các món khác...

Nhìn thẳng vào mắt Bích, bà nói một cách nghiêm trang:

- Cháu sẽ phải chịu hy sinh một ít việc.

Bích nhìn bà chăm chú:

- Cô nghĩ cháu phải làm gì"

- Bán chiếc xe mới, mua một chiếc xe cũ mà đi, thì cháu sẽ thoát được một món nợ lớn hàng tháng.

Đó cũng là điều Bích đang nghĩ đến.  Nàng hỏi:

- Cô giúp cháu bán xe được không"  Cháu biết là sẽ bị lỗ nhiều lắm. Đem xe ra khỏi hãng là đã thấy lỗ rồi, cô nhỉ"

- Bởi vậy tôi mới nói là cháu phải hy sinh. Có như vậy, cháu mới có hy vọng làm sạch cái đống nợ nần khổng lồ của mình được.  Nếu cháu đồng ý thì cô sẽ nói tiếp.

- Vâng, cháu xin nghe. 

Bà ngừng lại một chút để uống nước.  Bích hồi hộp chờ đợi.  Cuối cùng, bà thong thả nói:

- Cháu trả nhà, dọn về đây ở với chúng tôi cho đến lúc cháu phủi xong nợ nần.

Bích mừng rỡ ứa nước mắt.  Lúc nào ông bà bảo trợ cũng rộng lượng và hết lòng nâng đỡ nàng. Bích tự biết là nàng may mắn, được một gia đình khá giả đầy lòng nhân ái và đạo đức cưu mang.  Nàng nhìn ra ngoài, chợt thấy bầu trời tươi hơn và tâm hồn nàng bỗng nhẹ nhàng thơ thới.

Bích dọn về ở cùng ông bà bảo trợ.  Ba tháng sau nàng kiếm được việc làm trong một văn phòng luật sư.  Không phải trả tiền nhà, nàng phụ bà Alice chút đỉnh tiền chợ.  Trong lúc cố gắng trả sạch nợ, thỉnh thoảng Bích cũng gởi tiền về làm quà cho cha mẹ và cho các cháu may sắm vào các dịp tựu trường và tết nhất.  Phải hơn ba năm Bích mới thanh toán xong nợ nần, và trong thời gian này nàng không bao giờ bén mảng tới các shopping, dù cho có on-sale tới cỡ nào cũng mặc kệ.  Bích đã có một bài học nhớ đời.

Bà Alice khuyến khích Bích ghi tên vào college khi nàng báo tin nàng đã viết cái check trả món nợ cuối cùng.  Bích ngoan ngoãn nghe lời, và xin chủ cho nàng làm part time để có thời giờ học bài.  Hình như số Bích có quí nhân phù độ hay sao mà luôn được người dưng giúp đỡ, vì ông luật sư chủ là người đánh giá cao những ai cầu tiến nên ông bằng lòng ký cho Bích một số tiền phụ cấp trong thời gian nàng đi học.

*

Đó là chuyện mười năm về trước.  Bây giờ Bích đã ra trường, làm office manager cho ông luật sư.  Đìều vui nhất là Bích lập gia đình cùng con trai ông bà bảo trợ và đã cùng nhau sản xuất được hai tí nhau, trai gái đầy đủ.  Mới đây, vợ chồng Bích lãnh cha mẹ nàng sang du lịch Hoa Kỳ.  Do bị thải việc phải đối phó với những khó khăn năm xưa mà giờ đây Bích biết cách cai quản và xử dụng tiền bạc một cách rất khôn khéo.

Một hôm đi chợ gặp lại cô bạn cùng làm ở  văn phòng bà Kim ngày trước, cô cho Bích hay dạo đó người ta cho nàng nghỉ việc vì Amy cho hay nàng đưa người quen đến mua bảo hiểm tại các văn phòng khác.  À, thì ra thế.  Bích đoán chẳng sai. 

Cô bạn còn cho biết khoảng một năm sau khi Bích nghỉ vịêc, Amy ra tòa khai phá sản với số nợ đâu khoảng gần một trăm ngàn dollars mượn của hơn chục cái credit cards, sau khi thất vọng  các chàng người yêu cứ lần lượt ca bài "anh đi đường anh, em đường em, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" .  Có lẽ họ không muốn tự nhiên rinh một cái máy đốt tiền về làm của, nên ai cũng thấy câu "tẩu vi thượng sách" là lối thoát êm ái nhất.  Còn văn phòng bà Kim bị chính phủ bắt đóng cửa sau một đợt điều tra về gian lận bảo hiểm và bà bị phạt tù ít lâu do việc làm ăn lem nhem, gian dối với khách hàng. 

Bích thường nghe nói "trong cái rủi thường có cái may", và hình như Bích sinh ra dưới một ngôi sao may mắn, hoặc là "có tràng hoa quấn cổ" khi chui ra khỏi bụng mẹ, như mẹ nàng thường bảo. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,315,777
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.