Hôm nay,  

Tôi Giết Đại Úy Linh?

25/06/200600:00:00(Xem: 240668)

Người viết: QUÂN NGUYỄN

Bài số 1042-1651-364-vb8250606

*

Đây là bài viết thứ tư của tác giả Quân Nguyễn. Cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp  cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam đẳng huyền đai Tae Kwon Do, từng làm counlelor tại nhà tù tiểu bang ở Chino, hiện làm  state parole officer ở Santa Ana, và là cư dân Anaheim, CA. Mỗi bài viết của ông đều cho thấy những hồi ức dễ thương, chân thật, tử tế.

*

Thứ Sáu trước, tôi đang đi làm thì bà xã tôi gọi điện thoại, dặn tôi trước khi về thì ghé chợ ABC trên Bolsa mua cho bà ít bánh tráng để làm chả giò. Lúc đó khoảng bốn giờ chiều, nên tôi vội vã chạy vào chợ mua cho lẹ, để tránh cảnh kẹt xe freeway trên đường về nhà.

Đang lúc chờ tính tiền ở quầy, thì có một ông tóc bạc phơ đứng trước tôi chỗ tính tiền, quay lại nhìn tôi chầm chầm. Tôi nghĩ cha này không lịch sự gì hết, nhưng thôi kệ, ổng già rồi, nên tôi quay đi nhìn chỗ khác. Đột nhiên, ông hỏi tôi, "xin lỗi, có phải anh Quân đó không"" Tôi hơi ngạc nhiên một chút, và cố nhớ xem ông là ai mà biết mình, nhưng chẳng tài nào nhớ ra, nên đành trả lời, "dạ vâng, chú là ai"" người đàn ông có vẻ hơi ngượng, rồi cười lớn, "Ê Quân, mày không nhớ ra tao  sao, tao là T, con ông Năm T, cùng xóm với mày ở đường Lê Văn Duyệt đây!"

Trời đất, thằng T bạn học cũ hồi nhỏ ở cùng xóm mà tôi không nhận ra, lại còn tính xưng cháu với nó nữa chứ! Thấy nó mừng rỡ quá làm tôi cũng vui, mặc dù rằng tôi đang vội vã về nhà. Thế là sau vài câu thăm hỏi, "qua năm nào, làm nghề gì, mua nhà chưa", nó liền mời tôi ra tiệm cà phê Lily trên đường Bolsa để hàn huyên, tâm sự. Chẳng nỡ từ chối bạn cũ, lại cảm kích lời mời nhiệt tình, tôi đành gật đầu vậy!

Ngồi tâm sự, độ hai tiếng đồng hồ ở hàng hiên quán cà phê, tôi được biết nó qua đây từ năm 90, về Việt Nam cưới vợ năm 95, và đã có hai đứa con gái, lên 8 và lên 6. Vợ nó thì làm nail ở San Juan Capistrano, sáng chủ chở đi, chiều chở về. Còn nó thì làm thợ tiện cho hãng Mỹ, lương lậu cũng khá lắm, đã mua nhà ở Westminster. Nó hỏi tôi làm gì mà đeo súng. Tôi nói tôi làm Parole Officer. Nó chẳng biết đó là "job" gì, nhưng cứ nhất định bắt tôi hứa là sẽ dẫn nó đi bắn súng một bữa ở bãi bắn của sheriff ở Orange. Tôi đành gật đầu đại, rồi tính sau!

Trong buổi hàn huyên, nó hỏi tôi có về Việt Nam chơi chưa, chứ vợ chồng nó thì năm nào cũng về Việt Nam chơi ba tuần, vì toàn bộ gia đình vợ nó còn ở bển. Tôi liền chụp lấy cơ hội đó để hỏi thăm về những thằng bạn cũ, và những người lối xóm năm xưa. Chuyện trò đang vui vẻ, nó bỗng vô tình đề cập đến bà Tám Nam Vang, người hàng xóm đối diện với nhà nó ở Việt Nam năm xưa. Khi nghe đến đó, tôi chợt ngẩn người trong giây lát, rồi một cảm giác buồn bã vô hạn bỗng xâm chiếm hết tâm hồn tôi. Một mảnh đời trong dĩ vãng đột nhiên trở lại không báo trước! Nó không tha tôi, vẫn theo đuổi tôi hơn ba mươi năm, cho dù nay tôi đã năm mươi và biệt xứ…

Ngày ấy, tôi là đứa trẻ cô độc, năm lên sáu, nhìn thấy lũ trẻ hàng xóm mững rỡ chạy ra ôm chân bố nó mỗi khi nó đi làm về, để được bế lên, bố con ôm nhau vui vẻ. Một ngày, tôi chờ bố tôi đi đâu về, liền bắt chước chạy ra làm y hệt như vậy, nhưng bố tôi lại đứng yên, thòng hai tay, ra chiều ngạc nhiên, và chẳng phản ứng gì! Dù còn nhỏ tôi cũng biết tiu nghỉu, bẽn lẽn bỏ đi chỗ khác, lòng tự hỏi lòng hàng trăm lần sao mình không được giống như trẻ khác!

Vì còn nhỏ, nên tôi vẫn còn quyến luyến mẹ tôi mặc dù rằng tôi đã có thằng em ba tuổi. Một chiều, bố tôi bất chợt bước vào nhà và bắt gặp mẹ tôi đang ngồi ôm tôi. Tôi thấy bố tôi nhìn mẹ tôi lạ lùng, mẹ tôi có vẻ sợ hãi với cái nhìn đó, liền vội vã đứng dậy bỏ đi ngay. Tôi không biết tại sao, nhưng hiểu là mình cũng phải lánh đi chỗ khác luôn mới ổn!

Từ đó tôi sống thui thủi, và thường chơi loanh quanh trong nhà, trên gác, vì nếu ra đường chơi với chúng bạn như tạt lon, tạt hình, tạt bao thuốc lá xếp, bắn bi, đá banh, đánh bông vụ, đục nút phéng, chơi năm mười…thì sẽ bị lôi về nhà ăn đòn liệt giường! Ở trong nhà chẳng có gì chơi, nên tôi hay lủi thủi chơi một mình với vài thằng lính, hay mọi da đỏ bằng nhựa xanh đỏ mua ở trường. Chán rồi thì tôi nuôi mấy con cá trong chai lọ thủy tinh, mà cá thì cứ chết hoài! Tôi đổi sang chơi với kiến, bắt kiến vàng bỏ vô ổ kiến đen hay ngược lại cho nó cắn nhau, đập ruồi cho kiến ăn hay cặm cụi hàng giờ chơi một mình với con cuốn chiếu, bọ ngựa, dế mèn….

Lớn lên một chút, độ mười tuổi, tôi thấy ông cụ Bốn nhà đối diện có nuôi cặp chim cu mập mập xinh xắn, tôi liền xin cụ cái lồng chim còn dư, rồi vội vã đạp xe đạp ra chỗ cụ mua một con chim bỏ vô nuôi. Ngày ấy còn nhỏ, tôi thấy chim nào cũng là chim, nên người ta gạ bán con nào thì mình mua con ấy, chẳng biết để ý nó đẹp hay xấu. Vừa đem chim về nhà chưa kịp hết mừng là đã bị một trận đòn nên thân! Bố tôi chỉ đánh đòn, mà chẳng giải thích tại sao. Ít lâu sao tôi mới biết rằng tôi đã mua chim se sẻ về nuôi, và rằng bố tôi lại tin rằng chim sẻ là vật người ta mua để phóng sinh, thế mà tôi lại đem về nuôi, có khác gì đem xui xẻo về nhà!

Năm mười hai tuổi, nhân lúc ra chỗ cũ, tôi mua được một con rùa đen nhỏ bằng bàn tay đem về nuôi. May mà bố tôi chẳng quan tâm gì về nó cả. Từ đó, ngoài những lúc ở trường, tôi thường chơi một mình với nó hàng giờ trong nhà. Chơi chán thì lại để nó nằm dưới gầm bàn phòng khách, vì nó ít khi bò đi đâu xa hơn một thước. Nhờ nó, tôi tìm được niềm vui và cảm thấy bớt cô độc. Tôi thường bắt ruồi rồi để trước mặt nó cho nó đớp. Nhưng nó khôn lắm chẳng bao giờ chịu ăn ruồi chết, ruồi phải còn nhúc nhích thì nó mới ăn. Rồi thì khoảng hai năm sau, một ngày tôi cầm nó lên thì thấy đầu nó không thụt vô trong vỏ nữa, mà hai con mắt thì trũng sâu. Chẳng biết lý do gì mà nó chết rồi! Buồn quá, tôi lại ra chỗ cũ mua một con rùa đen khác, nhỏ hơn con trước một chút.

Độ một năm sau đó, một bữa trời mưa dầm dề luôn cả tuần, tôi kiếm nó để chơi mà chẳng thấy đâu. Tìm khắp nhà mà chẳng thấy, nó bỏ đi đâu mất rồi! Đang buồn bã, thì nghe nói cụ Bốn trước cửa nhà tôi bắt được con rùa trong nhà cụ. Hóa ra khi trời mưa lớn, con rùa của tôi bò ra cửa rồi bơi theo giòng nước chảy ngoài sân, lại chẳng bơi đi đâu mà lại chui ngay vào nhà cụ. Cụ Bốn cho tôi lại con rùa vì biết nó là của tôi. Tìm lại được nó một cách hy hữu, tôi mừng quá!

Năm lên mười lăm, một ngày tôi đang chơi với nó trước cửa nhà, thì một bà hàng xóm tên cô Út, đi ngang thấy vậy liền thốt lên một câu, "Sao nuôi rùa chi vậy, xui lắm!" lúc ấy tôi chẳng thèm để ý đến lời nói của bà ta, nhưng tính tôi hay nghĩ lại. Đã hai ba năm nay mẹ tôi cứ ốm đi ốm lại, hết bệnh này lại đến bệnh khác. Có khi chiều giao thừa xin bác sĩ cho về nhà ăn tết, thì nửa đêm lại chở vô cấp cứu! Tôi thương mẹ tôi lắm, và tin rằng cái đau ốm, xui xẻo của mẹ tôi chắc hẳn là do con rùa của tôi gây ra rồi. Nhưng vì quí con rùa nhỏ người bạn duy nhất của tôi, tôi chẳng nỡ bỏ nó đi liền.

Ngày ấy, gia đình tôi sống trong con xóm nhỏ ở đường Lê Văn Duyệt. Gần nhà tôi có người đàn bà lớn tuổi, không chồng, có cái sạp bán hàng xén trước cửa, và ngoài ra mỗi sáng bà bán thêm quà sáng như cà phê, cơm tấm, bún riêu…người ta gọi bà là bà Tám Nam Vang. Bà ấy có người cháu tên Linh. Bố anh là ông tòa, nhưng chẳng giống như những con ông cháu cha hồi ấy, anh chẳng mơ đi Tây, học bác sĩ, kỹ sư để vinh thân phì gia, như những kẻ "giá áo túi cơm" khác. Anh lại chọn con đường binh nghiệp và trở thành sĩ quan thiết giáp. Ngày ấy, tôi còn nhớ anh cao lêu nghêu, nước da ngăm ngăm, đeo hai hoa mai màu đen trên cổ áo kaki xanh lá cây lợt, áo bỏ ngoài quần với nhiều túi, quần cũng nhiều túi, giống như lính Mỹ thường mặc khi sang Việt Nam. Năm ấy, anh độ hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, tính tình hiền lành, trung hậu, vui vẻ nhưng ít nói, lại chưa có bạn gái, và chỉ nghĩ đến quê hương, đồng bào, đơn vị, và cái xe tăng của anh.

Thế rồi một chiều tháng mười năm 71, trời mưa dầm dề không dứt, anh đến chào bố tôi để lên đường, vì đơn vị của anh được lệnh di chuyển ra Quảng Trị.

Chiều hôm ấy trời mưa lớn, nước chảy lai láng thành giòng ngoài sân, trong xóm. Chẳng biết sao tôi lại quyết định đem thả con rùa của tôi theo giòng nước bữa đó! Anh đang ngồi chơi nói chuyện với bố tôi ở phòng khách, thì tôi cầm con rùa đi ra cửa. Tôi chẳng biết là anh đang để ý đến tôi, cho đến khi anh hỏi, "em đem con rùa đi đâu vậy"" tôi trả lời, "em đem đi thả". Anh liền nói với tôi, "thả chi vậy, cho nó cho anh đi, rồi khi ra trận anh có nó chơi cũng vui". Tôi đành đưa nó cho anh, vì chẳng biết làm gì khác hơn. Tôi thấy anh ngắm nghía con rùa một cách thích thú, rồi bỏ nó vô một trong những túi quần lính phùng phình của anh. Đó là lần chót tôi gặp anh. Âu cũng là số phần!

Tháng ba năm 72, anh lên đại úy tại mặt trận. Rồi hai tháng sau hung tin đưa về, xe tăng của anh bị trúng B-40 của việt cộng, cháy rụi, thép cháy, không mở được cửa xe! Vì Quảng Trị lọt vào tay Việt Cộng, các đơn vị công binh không sao kéo được xe tăng của anh về. Rồi thì phải chờ cả một hai tháng sau cho đến khi các đơn vị Dù, TQLC, với không quân và pháo binh yểm trợ, tái chiếm được Quảng Trị, người ta mới tìm ra xác chiếc xe tăng của anh. Ngày đưa tang anh, trong quan tài phủ cờ, chỉ có tấm thẻ bài tìm được trong xe tăng và một thân cây chuối tượng trưng cho thân xác anh mà thôi!

Như những người trai trẻ thời loạn ngày ấy, anh trong sáng, đầy nhiệt  huyết, tha thiết với lý tưởng quốc gia, yêu quê hương dân tộc, và chỉ nghĩ đến diệt thù bảo vệ xứ sở, mà chẳng thiết đến thân mình. Gần nhà tôi, đại úy B, BDQ, mỗi lần hút thuốc là lại dụi tàn vào cánh tay đầy sẹo chẳng biết đau là gì! Ông lấy cô T ở nhà thờ được sáu tháng thì từ trần ở tuổi ba mươi ba! Đại úy H, nhảy dù, người Huế, cứ mỗi lần về phép, thì người lính tài xế xe Jeep của ông  ngồi ngủ gà ngủ gật chờ ngoài xe cho ông tắm rửa ăn cơm…Vài tháng sau đó, không thấy người tài xế nữa, mà chỉ thấy vợ con ông đeo khăn tang, ông chỉ ba mươi mốt tuổi! Ngày ấy tôi chỉ mơ được như họ, đậu tú tài, ra sĩ quan BĐQ, đi lùng Việt Cộng khắp bốn vùng chiến thuật, và rồi chết trận vào khoảng…… ba mươi là đẹp rồi! Phải chăng đó là "con đường sáng" cho những người trai quốc gia trung chánh năm xưa, hiến dâng cho quê hương dân tộc tất cả mà quên mình!

Riêng anh, tôi không bao giờ tin là Việt cộng có thể giết được anh, một người trai hiên ngang, trong sạch, nhân hậu, đầy lý tưởng và nhiêt huyết. Anh chết đi chỉ vì xin con rùa quỉ quái của tôi để làm bầu bạn nơi chiến trường! Ngày xưa, tôi có nghe kể chuyện là bà thủ tướng một lần ra thăm Phú Quốc, trên đường bay trở về Sài Gòn, hỏi người lính hầu, "Thằng tỉnh trưởng cho tao cái gì, mà gói bự quá vậy"" Người lính hầu vội mở gói quà, trình lên bà lớn. Đó là một con đồi mồi thật lớn đã ướp thuốc cho khỏi hư, và rất đẹp. Bà thủ tướng xanh mặt như tàu lá, giận dữ hét lên, "Trời đất ơi! Thằng tỉnh trưởng cho tao con rùa, xui thấy mẹ. Ném ngay con rùa xuống biển cho tao."

Tôi chẳng muốn tin vô những chuyện ba láp, nhưng ngày xưa, còn nhỏ, vì thương mẹ, lại sợ xui xẻo nên muốn đem con rùa của tôi đi, mà vô tình nó lại lọt vào tay anh. Đó là lỗi của tôi, đã không giải thích cho anh nghe vì sao tôi muốn bỏ nó! Phải chăng tôi đã giết anh, một người con yêu quí năm xưa của quê hương dân tộc, và một người anh lớn của tôi.

Ba muơi bốn năm qua kể từ ngày anh ra đi, câu chuyện con rùa quái quỉ vẫn ám ảnh tôi không dứt. Có đôi lúc tôi nghĩ tôi không may bằng anh, vì anh chết đi quá sớm để chẳng bao giờ phải nhìn thấy quê hương dân tộc đang điêu tàn rên xiết dưới ách quân thù!

Anh chết đi, không một thân xác dưới tấm mộ bia, nhưng hình ảnh của anh, tên của anh sẽ sống mãi trong tim tôi tới ngày xuống mồ! Xin hãy tha thứ cho tôi, một đứa em chẳng bao giờ tốt của anh.

Trở lại câu chuyện về thằng bạn cũ gặp ở chợ ABC trên Bolsa. Nó đang thao thao kể chuyện Vietnam cho tôi nghe bỗng dưng thấy tôi ngồi thừ ra chẳng buồn hưởng ứng gì nữa, làm nó cụt hứng. Nó nghĩ chắc nói câu gì làm tôi phật lòng rồi, nên vội xin số điện thoại, phòng trường hợp tôi "xu" nó. Thấy chưa chắc ăn, nó liền năn nỉ tôi ghé chơi nhà nó cho biết nhà. tôi chưa biết nói sao thì nó đã nói, "Gần xịt à! Trên đường Hazard gần phở 79 đó!"

Lòng đang buồn rười rượi, nên  tôi chẳng còn thiết về nhà sớm nữa, rồi  hai đứa rời tiệm cà phê để về nhà nó.Vợ nó mới đi làm về, tay đang dắt vô hai đứa con gái gửi "babysit" hàng xóm sau giờ tan trường. Hóa ra nó lấy vợ người Tàu, coi thiệt thà lắm. Ngồi chơi ở phòng khách độ mười phút, thì nó rủ tôi nhậu, tôi phải nói dối là có chút việc phải đi tối nay, để xin hẹn bữa khác. Nó liền chụp lấy cơ  hội để khen bà xã nó làm đồ nhậu ngon lắm, và rằng nó có mồi "thịt rừng" ở Riverside, tuần nào cũng có hoặc heo rừng, hoặc đà điểu, trăn rắn, công trĩ, chồn mến, hoặc rùa.... tôi giật mình khi nghe nói đến "rùa". Lại rùa nữa! Chẳng hiểu sao, tôi lại buột miệng nói, "Ồ! Bữa nào có rùa thì kêu tao".

Thôi thì lỡ lời rồi, may ra rùa ở Mỹ không xui như ở Việt Nam!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,338,586
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.