Hôm nay,  

Cười Lên - Bạn Đang Được Chụp Hình!

04/12/200600:00:00(Xem: 225311)

Cười Lên - Bạn Đang Được Chụp Hình!

Người viết: TRẦN QUỐC SỸ

Bài số 1142-1751-463-vb7011206

Tác giả Trần Quốc Sỹ sanh năm 1952 tại Nam Định, Việt Nam. Di cư vào Nam năm 1954, từng phục vụ trong Không Quân Việt Nam. Định cư tại Nam California từ 1975. Nghề nghiệp: Kỹ sư cho Rainbow-Mykotronx Inc. Torrance. "Nghề tay trái" của ông là giảng viên traffic school tại National Traffic Safety Institute (NTSI). Tới với giải thưởng ngay từ năm thứ nhất, ông Sỹ là tác giả góp nhiều bài viết giá trị và đã nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2002. Bài mới nhất của ông là phần việc của ông giảng viên traffic school chu đáo và duyên dáng.

Lời tác giả

Thể theo lời yêu cầu của một số đông học viên,  tác giả xin mượn trang báo này để trình bày một cách chi tiết về hệ thống máy chụp hình, được dựng lên tại nhiều ngã tư với mục đích chụp những tài xế vi phạm luật đèn đỏ và gởi giấy phạt tới nhà người vi phạm.  Với bài viết này, tác giả cũng xin trả lời chung cho những câu hỏi thông thường mà tác giả được hỏi, và cũng để dùng làm tài liệu tham khảo đối với những đọc giả nào vẫn thường vi phạm luật nhưng may mắn chưa bị chụp hình, hầu đề cao cảnh giác vì tiền phạt cho tội vượt đèn đỏ không phải ít.

*

Mời các bạn nghe câu chuyện dưới đây.

Trời đã về khuya, anh Nam phóng xe nhanh trên con đường vắng từ sở về nhà sau tám tiếng làm việc mệt nhọc.  Anh vừa lái xe, vừa thả hồn theo tiếng nhạc du dương trong xe, liên tưởng đến chai bia lạnh và chương trình TV hấp dẫn, với những nàng kiều nữ xinh như mộng mà anh vẫn thưởng thức hằng đêm. 

Khi chiếc xe của anh còn cách xa ngã tư gần vài trăm feet thì cái đèn hiệu lưu trước mặt anh chợt đổi từ xanh sang vàng.  Trong đầu anh lúc đó, hệ thần kinh làm việc như điện xẹt, truyền dữ kiện từ mắt anh lên óc với một tốc độ kinh hồn.  Trong thời gian chỉ vài phần ngàn của một giây, não bộ của anh phải quyết định để ra lệnh cho bàn chân anh phải làm gì"  Nhấn ga hay đạp thắng"  Với anh Nam, chuyện này tương đối dễ vì não bộ của anh hầu như đã quá quen với việc chọn lựa này.  Nó ra lệnh cho chân anh nhấn mạnh trên bàn ga.  Chiếc xe nhẹ nhàng vụt lướt nhanh về phía trước.  Nhưng khi chiếc xe chỉ còn cách ngã từ chừng vài chục feet thì màu đèn đã đổi từ vàng sang đỏ.

Anh Nam vừa vi phạm luật lưu thông.

Nhưng anh chẳng mấy quan tâm vì anh vẫn thường hay làm chuyện này.  Vả lại, con đường vắng tanh, ngã tư chẳng có xe qua lại.  Anh nghĩ, cơ hội để anh bị ông bạn dân ưu ái tặng cho tấm giấy phạt rất nhỏ, nhỏ như là chuyện trúng số lotto.

Câu chuyện trên đây có nghe có vẻ quen thuộc với chúng ta vì sau khi đọc xong, hình như một chút xíu nào đó, chúng ta thấy được hình ảnh chính mình.  Cũng như anh Nam, chúng ta vẫn thường xuyên vi phạm luật lưu thông mà chẳng bị một hình phạt nào cả.

Nhưng định mạng khiến xui, cái ngã tư này không bình thường như những ngã tư khác.  Cái ngã tư này được trang bị với những cái máy chụp hình vô tri, vô giác nhưng lại rất tỉnh táo và nhanh nhẹn.  Chúng âm thầm làm việc, theo dõi và ghi lại hình ảnh những người tài xế chạy ẩu, phá luật.  Chúng luôn sẵn sàng làm công việc đã được giao phó một cách hiệu quả và chính xác.

Khi chiếc xe của anh Nam vừa đến gần ngã tư, một ánh chớp lóe sáng phía sau. Khi xe ra đến giữa ngã tư, những ánh sáng chói loà của những ngọn đèn flash từ ba góc đường, đua nhau chớp sáng như pháo bông trước mặt.  Chiếc xe của anh Nam dù có nhanh cách mấy cũng không thoát khỏi cặp mắt thần của những cái máy chụp hình được dựng ở góc đường. 

Hai tuần sau, anh Nam nhận được một phong thư từ toà án gởi tới.  Mở thư ra thì hỡi ơi, đó là một cái giấy phạt cho tội vi phạm luật đèn đỏ.  Đã lâu rồi anh Nam chưa bị phạt, tính ra cũng phải trên chục năm kể từ cái giấy phạt lần trước. Anh hoàn toàn không biết là tiền phạt bây giờ đã tăng gấp ba, bốn lần.  Vì thế, khi nhìn đến số tiền phải đóng phạt, anh mới tá hoả tam tinh.  Trời ơi, gần ba trăm rưởi tiền phạt cộng thêm năm chục tiền đi học để xoá ticket, vị chi gần bốn trăm bạc.  Thế là bay mất gần một tuần lương khổ cực.  Nhưng anh Nam chẳng còn chọn lựa nào hơn là bóp bụng, đau khổ ra toà đóng tiền phạt và ghi tên đi học lớp xoá ticket.

Với nhiều đọc giả, câu chuyện này còn xa lạ, nhưng đối với tác giả, chuyện những tài xế vượt đèn đỏ, bị chụp hình thì chẳng lạ gì.  Bởi vì, mỗi ngày thứ bảy, mỗi tối thứ tư, ít nhất cũng từ 25 cho đến 30 người, trong số gần 100 học viên tham dự lớp xoá ticket của tác giả, bị chụp hình vì tội vượt đèn đỏ.  Con số này tuy đã giảm nhiều so với năm 2004 và 2005, nhưng vẫn còn quá cao.

Sau đây là những câu hỏi thông thường mà tác giả thường được hỏi trong lớp:

- Giảm tai nạn lưu thông hay là một cách để thành phố kiếm tiền"

- Chuyện tranh cãi về máy chụp hình đèn đỏ đã được hai phe bênh, chống đem lên tranh luận sôi nổi trên các trang báo, các diễn đàn trên mạng internet từ gần chục năm nay.  Phía dân bị phạt thì cho rằng máy chụp hình dựng lên để kiếm tiền cho thành phố, còn bên toà án và cảnh sát thì lập luận rằng máy chụp hình được dựng lên với mục đích duy nhất là để giảm số tai nạn gây ra do những người tài xế vượt đèn đỏ.  Nhiều tài liệu của hai bên cũng được trưng ra để biện luận cho lý lẽ của mình.  Bên nào nghe cũng có lý.

Ai đúng, ai sai, chuyện này sẽ còn được tranh cãi dài dài. Nhưng một điều chắc chắn là người vi phạm đích thực đã vi phạm luật đèn đỏ và thành phố cũng kiếm thêm một số tiền không nhỏ do những chiếc máy chụp hình đem về.  Thật vậy, những chiếc máy chụp hình này làm việc rất chăm chỉ, chính xác, 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần, không nghỉ giải lao, không đi uống cà phê, không đi ăn donut, và nhất là không bao giờ chúng gọi vào sở cáo ốm cả.

- Máy chụp hình có từ khi nào"

- Tại Hoa Kỳ, máy chụp hình những người vi phạm luật đèn đỏ đã được toà và các thành phố áp dụng khoảng hơn mười năm.  Mười năm về trước, số máy chụp hình được dựng lên còn thưa thớt và ít ai biết đến.  Ngày nay, chúng ở khắp nơi, hầu như mọi tiểu bang trên đất Mỹ đều có sự hiện diện của chúng.  Không riêng gì Hoa Kỳ, chúng hiện diện ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bên Âu Châu, họ còn dùng máy chụp hình và radar để bắt những người chạy quá tốc lực. 

Tiểu bang California bắt đầu sử dụng máy chụp hình từ năm 1996.  San Diego có lẽ là thành phố đi tiên phong của tiểu bang dùng máy chụp hình để bắt những người tài xế vi phạm luật đèn đỏ. 

Toà án California không cho phép các thành phố sử dụng máy chụp hình và radar để bắt người chạy nhanh.

- Quận Cam thì sao" Thành phố nào có nhiều máy nhất"

- Tại quận Cam, thủ đô tinh thần của người Việt tị nạn, chiếc máy chụp hình đầu tiên được dựng lên vào tháng 7 năm 2000 tại ngã tư Westminster và Brookhurst, thuộc thành phố Garden Grove.  Sau hơn 6 năm, quận Cam đã mọc thêm gần năm chục cái nữa.  Con số này vẫn còn thay đổi, tăng giảm tuỳ theo mức độ vi phạm tại các ngã tư. 

Hai thành phố có nhiều máy chụp nhất là Santa Ana và Garden Grove.  Mỗi thành phố này hiện nay có trên 10 máy.  Những thành phố khác trong quận Cam, trung bình khoảng 5 máy.  Thành phố đông dân Việt Nam nhất mà vẫn chưa có cái nào là thành phố Westminster.

- Ai làm chủ máy chụp hình"  Ai sản xuất máy chụp hình"

- Máy chụp hình được dựng lên bởi thành phố dưới luật lệ của toà án California.  Hầu hết các máy chụp hình tại quận Cam được thầu và thiết kế bởi công ty Redflex Traffic Systems, có trụ sở chính ở Scottdale, Arizona, USA.  Redflex System là một bộ phận của một công ty Úc Đại Lợi, có tên là Redflex Holding Groups, trụ sở chính đặt tại South Melbourne, Victoria, Australia.  Redflex System hiện có hơn 600 máy chụp hình đặt tại 87 thành phố và trên 6 tiểu bang.

Ngoài Redflex System, còn có Affiliated Computer Systems (ACS), Nestor Traffic Systems, Transol, và Lockheed Martin IMS Corp.  Những công ty này cũng sản xuất và lắp ráp hệ thống máy chụp hình đèn đỏ và cung cấp cho các thành phố.  Thành phố San Diego sử dụng máy chụp hình của Lockheed Martin IMS.

Chi phí để dựng một máy chụp hình tại một ngã tư từ 50,000 đến 100,000 mỹ kim, cho mỗi chiều.  Trước năm 2004, công ty dựng máy chụp hình được chia phần trăm với thành phố cho mỗi ticket.

Vì một vụ kiện, năm 2004 toà án tối cao của California ban hành sắc luật AB 1022 nghiêm cấm các công ty không được chia phần trăm trên mỗi ticket mà chỉ được hưởng chi phí dựng máy một lần và tiền bảo trì hằng tháng.  Luật này cũng bắt các thành phố phải triệt để tuân theo thời gian tối thiểu được quy định cho đèn vàng. 

Làm sao để biết được ngã tư nào có gắn máy chụp hình"

Để nhận biết, bạn cần để ý là tại những ngã tư có gắn máy chụp hình, thành phố sẽ treo một tấm bảng, trên có dấu hiệu hình đẹn lưu thông và dưới là hàng chữ ‘Photo Enforced’ như hình dưới đây. Nhiều thành phố như Garden Grove chẳng hạn tại vài ngã tư, những bản này không được treo tại ngã tư như trong hình mà được đặt cách máy chụp hình vài trăm feet.

Máy chụp hình được đặt trong một hộp trắng, đi kèm với một hệ thống đèn flash, được dựng ở bốn góc ngã tư hay giữa lòng đường. Trong hộp trắng còn có cái video camcorder.

- Những dữ kiện nào được ghi trên giấy phạt"

Những chiếc máy chụp hình được gắn bên trong hộp trắng dựng tại các ngã tư, sẽ chụp người vi phạm bốn tấm ảnh. 

Tấm thứ nhất cho thấy đèn đã đỏ và người vi phạm vẫn "chưa ra khỏi ngã tư".  Xin được giải thích thêm là "chưa ra khỏi ngã tư" có nghĩa là hai bánh trước của xe chưa vượt qua mức giới hạn.  Mức giới hạn được tính từ vạch trắng đầu tiên của lối đi dành cho người đi bộ.  Nếu ngã tư không có lối đi cho người đi bộ, mức giới hạn được tính từ mép đường. 

Tấm ảnh thứ nhì cho thấy người vi phạm tiếp tục đi ra giữa giao lộ trong khi đèn vẫn còn đỏ. 

Tấm ảnh thứ ba chụp người tài xế.  Trong trường hợp bên cạnh người tài xế có người hành khách thì dung nhan của người hành khác sẽ được xóa trắng. 

Tấm thứ tư chụp bảng số sau của xe (bảng số trước cũng được chụp trong trường hợp bảng sau bị nhoà hay không đủ dữ kiện).

Trên mỗi tấm ảnh, ngoài những hình ảnh, còn có những dữ kiện như ngày, giờ người tài xế vi phạm, đèn đã đỏ bao nhiêu lâu, và tốc lực xe lúc vi phạm.

Trên giấy phạt, ngoài bốn tấm ảnh, người vi phạm còn tìm thấy những dữ kiện như: ngày, giờ vi phạm, địa điểm vi phạm, chữ ký của người cảnh sát, chữ ký của nhân viên điều hành, giá tiền phạt, những hướng dẫn cách để đóng tiền phạt hoặc những điều phải làm nếu người nhận giấy phạt không phải là người tài xế.

Tóm lại, một giấy phạt được coi như hợp lệ phải gồm đủ bốn dữ kiện sau:

1.  Hình cho thấy đèn hiệu của người vi phạm phải màu đỏ (máy chụp hình chỉ hoạt động khi đèn hiệu màu đỏ mà thôi) cùng thời gian đèn đã đổi sang đỏ được bao lâu.

2.  Hình cho thấy xe của người vi phạm phải chưa ra khỏi ngã tư (hai bánh trước chưa vượt qua mức giới hạn) cùng tốc lực của xe lúc vi phạm.

3.  Hình cho thấy xe của người vi phạm phải ra khỏi ngã tư sau đó khoảng hai giây đồng hồ cùng thời gian từ khi chụp tấm thứ nhất đến khi chụp tấm thứ hai.

4.  Hình cho thấy bảng số xe của người vi phạm.

- Máy chụp hình hoạt động như thế nào"

Máy chụp hình đèn đỏ hoạt động dựa trên căn bản tốc lực của người lái xe khi gần đến ngã tư.  Người vượt đèn đỏ sẽ nhấn ga, tốc lực sẽ nhanh, trong khi người không vượt đèn đỏ sẽ đạp thắng, tốc lực sẽ chậm.

Khoảng vài chục feet trước mức giới hạn, công ty thiết lập máy chụp hình đèn đỏ chôn ngầm dưới lớp nhựa đường những sợi dây điện, tiếng Anh gọi là strip wires hay road sensors (trong lớp của tác giả, một học viên gọi hệ thống sensors này là "con nhậy cảm").  Road sensor hay "con nhậy cảm" được nối với hệ thống computer đặt tại góc ngã tư. 

Khi xe của người vi phạm cán qua những sợi dây điện này, hệ thống sensors hay "con nhậy cảm" sẽ đo và tính tốc lực của chiếc xe.  Nếu tốc lực xe thấp hơn tốc lực định sẵn (khoảng 20-25 mph), các máy chụp hình sẽ đứng yên.  Nếu tốc lực xe cao hơn tốc lực định sẵn,  hệ thống sensors sẽ gởi tín hiệu đến computer.  Computer khi nhận tín hiệu, sẽ ra lệnh cho cái máy chụp hình sau lưng người tài xế chụp tấm thứ nhất đồng thời cũng ra lệnh cho cái camcorder nằm trong hộp trắng bắt đầu quay phim người vi phạm.  Đoạn phim này dài 12 giây.

Xin xem hình vẽ kèm theo.

Sau khi chụp tấm ảnh thứ nhất của chiếc xe của người vi phạm, khoảng 1 giây rưỡi sau, computer sẽ ra lệnh cho các máy chụp hình ở những góc đường chụp thêm ba tấm nữa.  Những tấm ảnh này chụp người vi phạm vượt đến giữa ngã tư trong khi đèn vẫn đỏ, cùng chân dung của người vi phạm và bảng số xe của người vi phạm.

Sau khi nhân viên của công ty đặt máy duyệt qua những dữ kiện trên giấy phạt và chứng thực đã đầy đủ những yếu tố, giấy phạt sẽ được chuyển qua cho toà án để gởi tới nhà người chủ xe đứng tên trên thẻ đăng bộ theo địa chỉ lưu trong DMV.

- Quẹo phải khi đèn đỏ thì sao"

Luật California cho phép người tài xế được quẹo phải khi đèn đỏ với điều kiện là phải quẹo đúng luật.  Nhưng tiếc thay, hầu hết những tài xế quẹo phải trên đèn đỏ đều quẹo sai luật.  Vì thế, thành phố đặt những máy chụp hình tại ngã tư, không chỉ chụp các tài xế vượt đèn đỏ khi đi thẳng, mà còn chụp các tài xế vi phạm luật quẹo phải khi đèn đỏ.  Điển hình nhất, ngã tư First (Bolsa nối dài) và Euclid, là ngã tư đã chụp nhiều tài xế quẹo phải khi đèn đỏ không đúng luật nhất tại quận Cam.

- Quẹo phải thế nào là đúng luật" 

- Xin thưa, luật California cho phép người tài xế được quẹo phải khi đèn đỏ với điều kiện người tài xế phải dừng hoàn toàn, quan sát ngã tư, và khi an toàn mới được quẹo.  Dừng hoàn toàn có nghĩa là người tài xế phải dừng trước mức giới hạn đủ hai giây trở lên, sau đó người tài xế được phép bò lên, quan sát ngã tư, và khi an toàn được phép quẹo.

Dựa trên luật này, hệ thống sensors hay "con nhậy cảm" sẽ đo và tính tốc lực của chiếc xe.  Nếu tốc lực xe thấp hơn tốc lực định sẵn (khoảng 5 mph), các máy chụp hình sẽ đứng yên và sẽ không có chuyện gì xảy ra.  Nếu tốc lực xe cao hơn tốc lực định sẵn,  hệ thống sensors sẽ gởi tín hiệu đến computer.

Sau khi nhận tín hiệu, Computer sẽ ra lệnh cho cái mái chụp hình sau lưng người tài xế chụp tấm thứ nhất đồng thời cũng ra lệnh cho cái camcorder bắt đầu quay phim người vi phạm.  Đoạn phim này dài 12 giây.

Sau khi chụp tấm ảnh thứ nhất của chiếc xe của người vi phạm, khoảng 1 giây rưỡi sau, computer sẽ ra lệnh cho các máy chụp hình ở những góc đường chụp thêm ba tấm nữa.  Những tấm ảnh này cho thấy người vi phạm quẹo phải ra khỏi góc đường, chân dung của người vi phạm và bảng số xe của người vi phạm.

Tấm ảnh thứ hai cho thấy trong 1 giây rưỡi, người vi phạm đã di chuyển ra khỏi ngã tư.  Một cách nôm na, người vi phạm đã không dừng đủ hai giây như luật định, trước khi quẹo phải trên đèn đỏ.

Nếu tôi là chủ xe nhưng tôi không lái xe hôm đó, tôi phải làm gì"

Luật lệ lưu thông chỉ phạt người tài xế, không phạt chiếc xe.  Đối với cảnh sát, nếu bạn vi phạm luật, cảnh sát sẽ phạt bạn, không cần biết bạn lái xe của ai.  Nhưng đối với máy chụp hình, điều này không thể làm được, vì thế, toà sẽ gởi ticket tới cho người giữ chủ quyền của chiếc xe căn cứ theo hồ sơ lưu tại DMV.

Nếu bạn là chủ xe nhưng không phải là người vi phạm, toà án cho phép bạn được chuyển giấy phạt qua cho người tài xế vi phạm.  Kèm theo giấy phạt gởi đến cho bạn là một bản chứng thực bạn không phải là người vi phạm, tiếng Anh gọi là Affidavit of Non-Liability.  Để thoát khỏi giấy phạt, bạn phải điền tên, bằng lái xe, ngày sinh tháng đẻ, và địa chỉ của người tài xế vào bản chứng thực này, cùng chữ ký của bạn và chữ ký của người tài xế (không bắt buộc) và gởi về toà án.   Khi nhận được bản chứng thực với đầy đủ dữ kiện, toà án sẽ hủy giấy phạt cho bạn và gởi giấy phạt cho người tài xế.  Nên nhớ, bạn phải làm việc này trước khi người tài xế được quyền đóng phạt và ghi tên học lớp xoá ticket.

- Tôi có thể ra toà tranh tụng không"  Cơ hội tôi thắng, thua như thế nào"

- Luật cho phép bạn ra toà tranh tụng với giấy phạt của bạn.  Bạn chưa là người có tội cho đến khi tòa tuyên bố bạn có tội.  Như đã trình bày ở trên, những cái máy chụp hình tài xế vi phạm luật đèn đỏ rất chính xác và hiệu quả.  Vả lại, người cảnh sát và nhân viên của công ty dựng máy đã duyệt qua giấy phạt và chứng nhận bạn vi phạm.  Vì thế, cơ hội bạn thắng được giấy phạt này cũng nhỏ như trúng số lotto.

Trước khi phí thời giờ ra toà, bạn hãy vào www.phototicket.com, bạn sẽ được thấy tận mắt chính mình đã vượt đèn đỏ.

- Thuốc xịt tàng hình có hiệu nghiệm để chống máy chụp hình không"

Trên những trang quảng cáo, bạn đọc được những mẫu quảng cáo cho một loại thuốc xịt, có tên gọi là "thuốc xịt tàng hình".  Mẫu quảng cáo cho bạn biết là nếu bạn xịt thuốc vào bảng số thì xe bạn sẽ tàng hình, vì thuốc làm cho máy chụp hình không thể chụp bảng số xe của bạn.  Mẫu quảng cáo còn cho bạn thấy nhiều tấm hình chụp, bảng số bị nhoà, không đọc được.  Giá bán cho mỗi chai thuốc xịt khoảng 27 đô la.

- Liệu thuốc xịt này có hiệu nghiệm không" Có chống được máy chụp hình không" 

- Xin thưa, thật tình tác giả không biết. 

Hoa Kỳ là xứ tự do, ai cũng có thể nói bất cứ điều gì, nhất là trên phương diện quảng cáo.  Ai trong chúng ta không từng đọc những mẫu quảng cáo của những loại thần dược, bảo đảm chữa được tất cả những chứng bệnh nan y, kể cả ung thư, hay những loại thuốc giảm cân, tan mỡ, chỉ cần thoa vào bụng, vào da, từ đêm đến sáng bụng sẽ nhỏ lại hai, ba inches"

Bạn tin những lời quảng cáo đó không"  Nếu bạn tin, xin mời bạn cứ thử.

Riêng đối với tác giả, cách chống lại máy chụp hình hay những ngài cảnh sát rất dễ dàng và miễn phí.  Bạn chỉ cần áp dụng hai phương châm này: thứ nhất "Đèn vàng đạp thắng", và thứ hai "Đèn đỏ dừng 2 giây trước khi quẹo".  Áp dụng hai phương châm này, bạn sẽ không còn lo ngại gì nữa.  Khỏi tốn 27 đô mà chắc ăn như bắp.

Nên nhớ, khi thấy đèn vàng, 90% thời gian bạn nên đạp thắng, 10% thời gian bạn có thể nhấn ga.  Nếu đèn đổi từ xanh sang vàng, và xe bạn đang ở trong vòng 50 feet (một căn nhà) trước khi đến mức giới hạn, bạn có thể nhấn ga.  Nếu bạn còn xa hơn 50 feet, điều tốt nhất là bạn nên đạp thắng.

- Vượt đèn đỏ có nguy hiểm không"

- Xin thưa, rất nguy hiểm.  Đúng vậy, vượt đèn đỏ rất nguy hiểm vì ngoài chuyện bị phạt, người tài xế còn có thể gây tai nạn.  Thống kê cho thấy, các tai nạn tử thương thường xảy ra tại ngã tư, và nguyên do chính là người tài xế đã vượt đèn đỏ như những bức hình dưới đây cho thấy.

Lời cuối

Vượt đèn đỏ có thể tiết kiệm cho bạn vài phút.  Nhưng nếu bạn nghĩ xa hơn một chút, bạn thấy mình chẳng làm gì được với vài phút đó.  Nhưng đặt trường hợp  bạn bị cảnh sát "vồ" (động từ này tác giả học được từ một học viên), hoặc bị máy chụp hình "chớp", bạn sẽ mất vài trăm đô, cộng thêm 8 tiếng ngồi trong lớp xoá ticket. 

Tệ hơn nữa, nếu lỡ tai nạn xảy ra, bạn hoặc những người nào đó không quen biết có thể nằm nhà thương hay "dọn về nhà mới" cả cuộc đời.  Chẳng đáng đâu bạn ạ.

Xin chúc bạn một ngày thật vui và lái xe thật an toàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,297,866
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến