Hôm nay,  

Vượt Sóng, Và Gậm Nhấm Nhớ Thương

28/10/200600:00:00(Xem: 146467)

VƯỢT SÓNG, VÀ GẬM NHẤM NHỚ THƯƠNG

Cảnh trong phim Vượt Sóng: Một nhà ba thế hệ trôi dạt sau khi con tàu mỏng manh bị hải tặc tấn công. Diễn viên: Kiều Chinh, Diễm Liên và bé Nguyễn Thái Nguyên.

 

Người viết: Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Bài số 1136-1745-458-vb6271006

 

Sapy Nguyễn Văn Hưởng, cư dân San Diego,  là tác giả các bài viết “Hoa Ve Chai”, “Giọt Nước Mắt”, giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài viết mới  của ông  là những hồi tưởng và nhận thức sâu sắc  nhân dịp ông  xem phim Vượt Sóng. Đây là cuốn phim do Trần Hàm đạo diễn,  vừa được chiếu khai mạc tuần lễ Đại Hội Điện Ảnh  Á Châu tại San Diego và dành được giải thưởng lớn của ban giám khảo dành cho phim hay nhất.

*

Tôi là người đã trải qua hai lần đi lánh nạn cộng sản. Lần đầu theo bố mẹ trốn từ Bắc vào Nam. Đến khi cả nước bị nhuộm đỏ, tôi lại trốn tù, đưa bố mẹ cùng vợ, con, các em, cháu xuống chiếc tàu mong manh, liều chết "vượt sóng" thêm một lần nữa.

Những ngày đầu lập lại cuộc sống mới trên mảnh đất Mỹ Tho, bố mẹ tôi hay nhắc đi nhắc lại chuyện làng quê nơi đất Bắc. Nghe chuyện cũ, tôi thường say sưa, hồi hộp dõi theo từng nỗi hiểm nguy, gian nan trong suốt cuộc hành trình. Đầu óc ngây thơ, non nớt của tôi lúc đó vẫn thắc mắc. Chẳng hiểu vì sao bố mẹ tôi phải bỏ ông bà, anh em, họ hàng, mồ mả tổ tiên để bồng bế con cái ra đi. Khi đến được nơi mình muốn rồi, lại cứ ngồi gậm nhấm, nhớ thương những gì mình vừa rời xa"

Ngày ấy, trong tâm trí tôi, một đứa bé mới lên bảy tuổi đầu, lẽo đẽo rảo bước theo sau đôi quang gánh mẹ, vẫn còn đem theo được vài hình ảnh mờ nhạt như: cái mái đình làng phủ kín rêu phong, ngôi chùa ẩn hiện dưới tàng cây rợp bóng mát, cái miếu nhỏ bên cạnh gốc đa, những ngôi nhà ngói hai gian ba trái, những mái tranh, vách đất nghèo nàn tối tăm, cùng biết bao con người cần cù, lam lũ, ngày ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất...Hơn hai mươi năm sống ở Miền Nam, lần hồi tôi mới hiểu được nỗi lòng của bố mẹ tôi và gần một triệu người Miền Bắc phải lìa quê cha đất tổ.

Sau này, tôi xem được cuốn phim "Chúng Tôi Muốn Sống" của đạo diễn Vĩnh Noãn. Qua tài diễn xuất như thật của các diễn viên, tôi mới hình dung, nó giống hệt lời bố mẹ tôi kể, giúp tôi có được cái nhìn trung thực về quê hương đất Bắc hồi đó. Xem cuốn phim này, tôi như thấy cảnh ông bà tôi bị điệu ra trước "tòa án nhân dân". Ông tôi may mắn chưa bị chôn sống như nhân vật trong phim, nhưng cũng phải sống khổ ải trong lao tù. Mãi đến sau khi họ "sửa sai" ông tôi mới được tha về làng quê. Ông sống thêm vài năm, rồi chết đi trong tủi nhục, nghèo đói, tiếc nuối, nhớ nhung...

Từ ngày sang đến đất nước Hoa Kỳ, tôi lại thay thế vai trò bố mẹ tôi ngày trước, kể cho con cháu tôi nghe quãng đời quá khứ, về quê hương thân yêu của mình bỏ lại. Cái quá khứ in trong lòng tôi, nó đau thương, tàn khốc, man rợ, độc ác hơn hẳn hơn hẳn thời kỳ đất nước còn chia đôi. Việc kể lại chuyện xưa cho con cháu, tôi xem là một bổn phận, bởi sự thật đã bị che đậy, làm sai lạc đi nhiều. Hơn nữa, con cháu tôi, đến đây lúc còn bồng ẵm trên tay, hoặc sinh ra và lớn lên trên đất nước tự do này. Nên những câu chuyện ngày xưa, chẳng có chút liên quan gì đến đời sống hiện tại chúng nó. Chuyện tôi kể, đôi khi còn ngược lại với những điều chúng nghe và đọc được qua truyền thông báo chí, sách vở. Đôi lần tôi bàn luận có phần gay gắt với con cháu về quá khứ của đất nước, dân tộc. Nhận ra một số cái nhìn sai hẳn sự thật của con cháu mình, khiến tôi có cảm giác, cuộc chiến cũ như vẫn còn tiếp diễn ngay trong gia đình tôi. Trong vài lần về thăm quê, có dịp chứng kiến tận mắt, tôi thấy sự hiểu biết của giới trẻ trong nước, về những việc xảy ra sau cuộc chiến, còn tệ hại hơn nhiều so với tin tức đã được loan truyền. 

*

Từ mấy tháng nay, tôi lu bu hết chuyện này đến chuyện nọ, khiến đầu óc chẳng còn nghĩ gì đến việc chung quanh. Mãi đến lúc nhận được e-mail của một người bạn thân, tôi mới hay, "Tuần Lễ Điện Ảnh Châu Á" lần thứ Bảy, sắp được tổ chức ngay tại thành phố San Diego, nơi tôi đang sống, và có đến ba cuốn phim Việt Nam được trình chiếu trong tuần lễ này. Bạn tôi rủ vợ chồng tôi đi xem phim "Vượt Sóng" (tôi thích cái tên này hơn tên tiếng Anh "Journey From The Fall") của đạo diễn Trần Hàm, được trình chiếu trong ngày đầu khai mạc.

Gần cận ngày đi, tôi hết sức ngạc nhiên, khi nhận được cú điện thoại gọi đến khá bất ngờ của Uyên, đứa cháu gái tuổi mới ngoài đôi mươi. Uyên hỏi tôi:

- Bác Hai có hay, tối thứ Năm này, ở Mission Valley có chiếu phim Việt Nam không" Hai bác và ông bà ngoại có muốn đi coi không, để con mua vé"

Tôi trả lời cháu ngay:

- Bác Hai cám ơn con, con gọi mời ông bà ngoại đi, hai bác đã có bạn mời đi rồi.

Tôi cảm động về tình cảm của cháu đối với tôi thì ít, mà mừng vì cháu biết quan tâm đến mấy chuyện dính líu đến quê cha đất tổ, một nơi mà cháu chỉ nghe thôi, bởi cháu sinh ra và lớn lên ở nơi đất tạm dung này.

Đến lúc đứng trước cửa rạp, tôi mới nhớ là đã có lần đến đây xem phim "Ngày Giỗ" cũng của đạo diễn trẻ Trần Hàm rồi. Quang cảnh hôm nay nhộn nhịp không khác gì những buổi chiếu ra mắt phim hồi còn ở thủ đô Sàigòn thủa nào. Khán giả trẻ đông hơn già, người Việt Nam hòa cùng đủ các sắc dân châu Á, đặc biệt có khá đông người Mỹ đến tham dự. Vé đã bán hết từ mấy ngày trước, nên có người đành phải phải nuối tiếc ra về. Rạp đông nghẹt, bốn chúng tôi chẳng thể nào ngồi chung nhau được. Phải khó khăn lắm vợ chồng tôi mới tìm được hai chỗ ngồi cạnh nhau.

Tôi không quen biết nhiều người trong giới điện ảnh, chỉ nhận ra tài tử Kiều Chinh và đạo diễn Trần Hàm, khi hai người được long trọng giới thiệu trước công chúng. Còn chỉ toàn vỗ tay theo, mỗi khi ban tổ chức xướng tên người này người nọ. Mãi đến khi phim "Vượt Sóng" được trình chiếu, hình ảnh trìu mến, dễ thương, toát ra cái tình, cái nghĩa của người phụ nữ Việt Nam: "Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, tử tử tòng tôn" (lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con, con chết theo cháu), mới khiến tôi bồi hồi, và từ từ kéo tâm hồn tôi quay về dĩ vãng. Qua tài diễn tài tình của nữ tài tử gạo cội Kiều Chinh, đã làm nổi bật nét chất phác của một người mẹ, người bà điển hình Việt Nam. Với hàm răng nhuộm đen vừa nhai trầu, vừa kể chuyện đời xưa cho cháu nội nghe. Còn đứa cháu, mới lên mười, ngồi say sưa lắng tai nghe bà nội kể. Cái hình ảnh êm đềm ấy tưởng như đã bị mai một, lại hiển hiện trước mắt tôi.

Đến lúc cảnh Miền Nam hấp hối, vào buổi sáng ngày định mệnh 30 tháng 4 vụt sáng lên. Tôi thấy như tôi đang ẩn mình đâu đó, nhục nhã, tủi hờn vì bất lực không làm được gì trước vận nước ngả nghiêng. Tuy cảnh trong phim chỉ nói lên được phần nào sự hãi hùng, nỗi kinh hoàng của mọi người lúc đó. Nét diễn đạt trên từng gương mặt, theo mỗi bước đi không hồn, hỗn loạn trong một thành phố sắp bị bức tử... của mỗi diễn viên khi quay xa, lúc quay gần, đã lột tả được tâm trạng của nhiều tầng lớp người phải hứng chịu cái ngày tang thương ấy. Hình ảnh đó không chỉ ở riêng thủ đô Sàigòn mà còn cả Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Bạc Liêu... Góc cạnh thu hình đầy chất thật ấy, đã làm mờ đi cảnh người dân chào đón đoàn quân Bắc Việt mệnh danh giải phóng, mà người cầm quyền trong nước cố tình thổi phồng, để nhồi nhét vào đầu óc những người trẻ Việt Nam sinh ra sau cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Hình ảnh trong phim đang khiến ký ức tôi quay cuồng, thì chợt thấy như lời một bản nhạc xưa của nhạc sĩ Nhật Ngân văng vẳng bên tai: "Nếu tôi có được phép thần thông, tôi sẽ đưa anh đi thăm Sàigòn, năm năm về trước, để cho anh thấy rằng, anh giải phóng tôi, hay tôi giải phóng anh"" Tôi không có được phép thần thông, nhưng qua phim "Vượt Sóng", tôi đã có thể đồng hành với con cháu tôi quay về quá khứ, để giải thích cho chúng hiểu ai giải phóng ai. Tôi thầm cám ơn những người đã dựng thành cuốn phim này, đã thay tôi diễn đạt những điều tôi không làm được.

Tôi thường xem mình là một người may mắn, được sống còn sau cuộc chiến dai dẳng, tang thương, tàn khốc nhất trong lịch sử. Để rồi nát ruột, tan lòng đứng nhìn Miền Nam thân yêu bị bức tử, rồi bị lưu đày qua các trại "học tập cải tạo", phải trốn tù, vượt biên, ngỡ ngàng dựng lại cuộc sống trên vùng đất mới. Cuộc đời tôi diễn biến đúng theo tình tự trong phim "Vượt Sóng". Tôi nhận ra như phim "Chúng Tôi Muốn Sống" thứ hai đã chào đời.

Ngày xưa, dù dân mình còn nghèo, nhưng vẫn còn cả một nửa đất nước, được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa yểm trợ mạnh mẽ phía sau, để những người làm phim hoàn tất "Chúng Tôi Muốn Sống". Ngày nay, cuộc sống mỗi người Việt hải ngoại đều thăng tiến vượt bực hơn so với ngày còn ở trong nước. Nhân tài trong ngành điện ảnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng để thực hiện một cuốn phim diễn đạt trung thực về những gì xảy ra sau cuộc chiến, thì lại quá khó khăn, ít ỏi. Với riêng tôi, "Vượt Sóng" đã làm được điều đó.

Sự thâm độc tàn ác, dã man lên đến tột đỉnh sau ngày người cộng sản thống trị Miền Bắc chính là cuộc "Cải Cách Ruộng Đất". Rồi hơn hai mươi năm sau, nó biến thành trại "Học Tập Cải Tạo". "Vượt Sóng" đã nói lên nỗi niềm đắng cay tủi hờn trong và sau ngày người lính Việt Nam Cộng Hòa bị buộc phải "buông súng", sự khổ ải của người dân thất trận Miền Nam. Tôi như thấy lại mình đang hụp lặn đào mương, móc đất giữa trời nắng chang chang, hay dưới cơn mưa lạnh đến run người, nơi miền đất Cà Mau đầy muỗi mòng đỉa vắt. "Vượt Sóng" lột trần sự mỉa mai những ngôn từ hoa mỹ: "xóa bỏ hận thù", "đoàn kết dân tộc", "giải phóng quê hương"...

Ngồi bên cạnh, nhà tôi cũng bồi hồi xúc động. Có lẽ bà đang nhập vào vai diễn người vợ, người mẹ của Diễm Liên, bị mất sạch nhà cửa, công ăn việc làm, mất luôn người chồng trong lao tù cải tạo...Nhà tôi cũng nhớ đến giây phút thăm chồng ngắn ngủi, phải nén đau thương trong dạ, để nở nụ cười héo hắt trên môi. Rồi cuối cùng, phải liều chết ôm đứa con trai đầu lòng, mới vừa mười ba tháng tuổi, nằm vật vã dưới khoang thuyền, ỏi mửa theo những cơn cuồng nộ của đại dương...Phần tôi, hình ảnh "Đấu Tố" Địa Chủ, "Cải Tạo" Quân Dân Cán Chính Miền Nam. Hai cảnh có thật trên đời, một cũ, một mới, nhưng cùng một chính sách, chủ trương, khi ẩn khi hiện trong lòng tôi.

Đoạn kết của câu chuyện "Chúng Tôi Muốn Sống" là tìm đường vượt tuyến vào Nam. Hậu quả của ách thống trị sau biến cố 30-4 đã khiến người dân Việt phải "Vượt Sóng". Năm 54, 55, khi thuyền ra đến khơi, là gần như đã thấy bến tự do. Những năm sau 75, ra khơi là chấp nhận sự chết, hiểm nguy sóng gió, đối đầu với đồn công an biên phòng cộng sản, họ dã man tàn ác không kém gì hải tặc trên biển Đông... Lòng tôi xốn xang khi nhìn con tàu nhỏ bé lướt ra khơi. Con thuyền trong phim, tuy không hoàn toàn giống con tàu đưa tôi vượt biển ngày nào. Nhưng tôi có thể mượn con tàu mong manh này, để chỉ cho con cháu tôi thấy cái hầm cá mà mẹ nó nép mình ôm lấy tấm thân bé bỏng của nó vào lòng ngày nào. Bảo cho chúng biết, nỗi hoảng sợ, lo âu trên từng gương mặt diễn viên, đó cũng chính là gương mặt của ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì của chúng trong chuyến ra khơi. Chuyến đi của tôi không có đèn nhang để lạy Chúa lạy Phật, vái trời vái đất, vái ông bà tổ tiên, vái hồn thiêng sông núi... Nhưng tất cả mọi người đều lâm râm khấn nguyện. Ai ai cũng đều bám víu lấy các đấng linh thiêng mình tin tưởng. Bất giác tôi so sánh con tàu vượt biển cũng mong manh hơn nhiều lần "chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son", mà Khái Hưng tả chiếc thuyền của vợ chồng bác phó nề Thức, trôi trên sóng nước sông Nhị Hà. 

Chuyến ra khơi của gia đình tôi, may mắn không gặp công an biên phòng, hải tặc Thái Lan. Nhưng mắt tôi đã thấy, tai tôi đã nghe những người sống sót kể lại chuyện bao người đã bỏ mạng, bao còn tàu đã chìm vào lòng đại dương. Tôi hiểu, dù đạo diễn, diễn viên có tài ba đến mấy đi chăng nữa, cũng không thể nào phơi lên màn ảnh cảnh hải tặc lột trần đứa con gái trước mắt mẹ cha, cảnh hiếp vợ trước mặt chồng, cảnh "sáng dậy em điểm tâm bằng đôi con mắt, đêm về em ngậm ngùi gậm khúc xương tay" (lời một bản nhạc của Việt Dũng)...

"Vượt Sóng" còn gợi cho tôi về cảnh tình khi đến được bến bờ tự do, đó mới chỉ vượt qua được một giai đoạn cực kỳ hiểm nguy đến tính mạng mà thôi. Còn việc phấn đấu để sống còn trên vùng đất xa lạ từ văn hóa, ngôn ngữ đến mọi sự giao tiếp thường ngày...vẫn đầy cam go trước mặt. Những nỗi khó khăn ấy đã qua đi hơn ba mươi năm, đối với người rời bỏ nước ngay sau khi quê hương im tiếng súng. Đã hơn chục năm trời đối với những gia đình cựu tù nhân cải tạo. Cũng có người còn đang đối đầu, vì mới vừa rời khỏi nước đi định cư. Dù cũ, dù mới, mỗi người đều có hàng trăm hàng ngàn chuyện để nhớ, để kể về những ngày đầu tái lập lại cuộc sống mới.

Khởi đi từ những giờ ngồi uốn lưỡi ê a trong các lớp học tiếng Anh, đến các công việc dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát, bỏ báo, cắt cỏ... Giờ đây, mấy ai còn lưu giữ trong lòng hình ảnh nơi một góc garage, chỗ đặt mấy chiếc máy may gia công cho mẹ ngồi may, cho cha vắt sổ và con cái quây quần ngồi cắt chỉ... Cái nhà để xe đã từng là tòa soạn của mấy tờ báo tiếng Việt, mấy tiệm ăn, hiệu phở đầu tiên. Nó còn là chỗ ngồi cuốn chả giò, gói chả lụa, nấu nồi xôi hay muối hũ cà...Với tôi, cái garage chứa xe ngày trước, chính là cái nôi của khu Little Saigon ở miền Tây, thương xá Eden nơi miền Đông và biết bao phố Việt khác trên khắp thế giới.

Đương nhiên bước khởi đầu nào cũng phải vượt khó khăn. "Vượt Sóng" đã được sinh ra và sắp góp mặt với đời. Chắc rồi sẽ phải đón nhận sự chống đối, khen chê. Tất cả chỉ là chuyện thường tình. "Vượt Sóng" sẽ như một viên đá ném xuống, làm cho mặt hồ phẳng lặng gợn sóng. "Vượt Sóng" sẽ nhập vào trùng trùng ngọn sóng tranh đấu cho tự do dân chủ Việt Nam hiện đang dâng cao hơn...

Tôi rời khỏi rạp mà lòng còn bồi hồi. Tôi nghe được tiếng còn, tiếng mất, bao lời khen chê. Tôi nghe lời trách nhẹ của một khán giả đồng hương: "Khơi lại chuyện quá khứ chi cho gây thêm thù hận chia rẽ"" Tôi lắc đầu một mình. Với riêng tôi thì khác. Thù hận chia rẽ hay không, là do xã hội và con người tạo nên thôi. Nhưng quá khứ cần phải nhìn lại, nhìn thật khách quan và thật đúng đắn. Có vậy, mới vơi đi tâm sự hiện tại, để nuôi hy vọng thế hệ sau rút kinh nghiệm, tránh tái phạm trong tương lai. Cám ơn những người đã làm nên phim "Vượt Sóng". Cho dù chỉ là một cuốn phim thương mại, nhưng đã diễn đạt được khá trung thực về quê hương và dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn đã qua.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến