Hôm nay,  

Bão Tuyết Ở New York

25/10/200600:00:00(Xem: 147955)

Bão Tuyết ở New York


Người viết: Hồ Nguyễn
Bài số 1133-1742-455-vb2241006

Tác giả Hồ Nguyễn, 48 tuổi, tự ghi tiểu sử: ở Việt Nam làm ruộng, sang Mỹ bán Phở ở Buffalọ NY. Hai bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể chuyện một số đồng hương tại Mỹ, rồi kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Bài mới lần này của ông  tuy mới nhận nhưng ưu tiên phổ biến, vì là chuyện  vừa xẩy ra cần cập nhật ngay: Bão tuyết New York vừa gây họa ở Buffalo.
 
*

Hôm nay mới giữa tháng Mười
Mà sao tuyết đã vội rơi đầy đường
Hàng cây lá rũ thảm thương
Đông-Tây-Nam-Bắc bốn phương một màu
Màu bàng bạc của thương đau
Của  trời hiu quạnh cho sầu lòng ai...
 
Khi tivi cho biết sẽ có tuyết rơi vào ngày 12/10/06 mọi người vẫn cứ bình chân như vại, vì ở thành phố Buffalo này tuyết rơi cỡ năm bảy inch là chuyện thường. Thiên hạ chỉ xì xào bàn tán chút chút rằng năm nay coi bộ tuyết rơi hơi sớm, rồi đoán già đoán non là nếu có tuyết sớm thì khi mùa Đông tuyết sẽ ít đi.
 Con bé thứ tư trong nhà tôi mới tròn 16 tuổi tuần trước, cháu đã lấy hẹn thi bằng lái đúng vào buổi chiều tuyết bắt đầu rơi. Người phụ trách hôm nay tỏ vẻ dễ dãi, chỉ kêu chạy loanh quanh chừng dăm phút, thử parking song song, U Turn rồi chấm cho đậu.
Con bé mừng quá nói rằng:
-Nhờ trời cho tuyết rơi ngay hôm nay nên con mới đậu..
Việt Nam ta có câu: Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng; Ngày tháng 10 chưa cười đã tối. Vùng này còn tệ hơn thế nữa, mới 5g chiều mà trời đã tối om, đèn đóm trong nhà hàng lập loè chớp tắt mấy lần rồi tắt ngóm.
Chuyện nhỏ!
Chắc chỉ năm mười phút hay cùng lắm là nửa giờ lại có điện ngay đấy mà. Tuy vậy vì tính cẩn thận nên tôi chạy đi mua một ít đèn cầy, để nếu có gì thì mình đốt lên, đặt ở mỗi bàn một cây nến thì lại càng có vẻ rồ-men-tích.
Ở trong bếp thì đã có đèn măng xông sáng choang. Bình gas thì nhờ mỗi mùa hè chúng tôi thường tham gia bán chợ phiên (Fair) nên trong kho lúc nào cũng có mấy bình còn đầy.
Bảy giờ tối thì con tôi từ nhà gọi ra tiệm báo cáo ở nhà cũng bị cúp điện rồi. Tiếp theo là chuông reo liên tục, rồi khách ăn lũ lượt kéo vào vì hầu hết họ không thể nấu ăn tại nhà được nữa, đành đi ăn tiệm.
Ngoài đường tối om, cả đèn giao thông ở các ngã tư cũng bị tắt ngúm, cả thành phố như trở thành phố chết. Chuyện bắt đầu nghiêm trọng rồi, vì đó đây vẳng lên tiếng còi hụ của xe cứu thương và xe cảnh sát.
Tôi quyết định đóng cửa sớm dù khách còn đông đặc, để người làm và chính mình còn phải về nhà coi xem sao.
Mặt đường tuyết mới dầy chừng vài inch nên xe cộ vẫn còn lưu thông được, ánh đèn chớp tắt của xe towing và tiếng còi hụ càng lúc càng nhiều.
Vì đã sống lâu nơi miền tuyết giá, (thành phố này là nơi có nhiều tuyết nhất nước Mỹ) chúng tôi thường chạy xe all wheel drive, và vào mùa đông thì lúc nào cũng lo thủ bình xăng đầy, trên xe có đèn pin, cây cào tuyết, xẻng xúc tuyết. Vợ tôi còn cẩn thận để trên mỗi xe một cái mền, để lỡ xe có nằm đường thì cũng không sợ bị chết rét.
Trước khi về nhà, tôi chạy xuống nhà kho lấy một bình propane và cái lò sưởi để xài tối nay, tuy không có ánh sáng nhưng nhờ màu trắng của tuyết ánh lên, nên trời cũng không đến nỗi tối cho lắm.
Ngoài đường đó đây đã thấy những xe mắc lầy, bánh xe quay tít mà không nhúc nhích tới lui gì được, trường hợp này chỉ còn có nước nhờ xe Cảnh Sát tới ủi vào lề rồi cuốc bộ mà về.
Một số nhà bắt đầu ra xúc tuyết có vẻ vui nhộn, vì bầy con nít đùa giỡn đắp những người tuyết, hay vo lại thành snowball mà ném nhau.
Thành phố này có luật buộc cư dân phải giữ drive way cho sạch tuyết, nếu cứ để dồn đống lên là bị phạt mỗi lần 50 đô la.
 Sau khi sắp đặt lò sưởi, chúng tôi đành đốt đèn cầy lên mà ăn cơm. Ngày xưa khi còn ở quê nhà, chúng tôi vẫn sử dụng đèn dầu trong mọi sinh hoạt ban đêm, nhiều khi học bài hay đọc sách cả mấy tiếng đồng hồ dưới ánh đèn tù mù như hạt đậu mà chẳng thấy phiền phức gì hết, nhưng bây giờ thì khác, nhìn cây đèn cầy leo lét tôi nản quá, chẳng muốn giở sổ sách ra ghi chép tính toán gì cả.
Buổi sáng thức dậy thì .. trời đất ơi, tuyết đã cao lên trên đầu gối, cành cây to nhỏ của hàng cây đằng trước đã gẫy rớt xuống đầy sân, có cành lớn cả người ôm, gẫy đè lên giây điện làm giây đứt nằm ngoằn ngèo đầy mặt đất coi dễ sợ quá. Giờ đây TV không sử dụng được, muốn có thông tin chắc tôi phải lội bộ đi mua báo, bước ra đường thì xe cộ nối đuôi nhau nằm la liệt, có những chiếc nổ máy quá lâu nên hết xăng, chủ nhân đành mở cửa cuốc bộ về nhà. Bây giờ sáng rồi nên thiên hạ đang giúp nhau đào tuyết rồi đẩy xe vô lề để giải toả đường phố.
Các cửa tiệm đều đóng cửa nên tôi đi bộ cả dặm mới thấy một thùng báo, bỏ vô 50 cent mà cũng còn may vì đây là tờ cuối cùng.
Theo tin tức, thông thường tuyết rơi vào cuối tháng 11, lúc ấy thì lá cây đã rụng hết chỉ trơ cành khô, bây giờ mới tháng 10 nên lá xanh còn dầy đặc trên cành, bão đem tới quá nhiều tuyết đóng đầy trên lá cành, nó nặng quá nên cành cây không chịu nổi mà gẫy.
Buffalo là thành phố cũ, có nhiều cây cổ thụ vừa cao vừa to, những cành lớn từ trên cao lao xuống không những làm đứt giây điện, mà nó còn làm cho dẹp xe, xập luôn cả nhà nữa.     
 Hiện giờ đã có hơn 100 ngàn người bị mất điện, quá nhiều nhà cửa và xe cộ bị hư hại nên ông Thị Trưởng tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chính quyền yêu cầu người dân không nên ra khỏi nhà nếu không có gì cần kíp, trường học và công xưởng đóng cửa cho đến khi có lệnh mới.
Việc đầu tiên cần bây giờ là dọn dẹp đường chính và freeway để xe cấp cứu có thể chạy được. Ông Thị Trưởng cũng yêu cầu chính quyền Liên bang, Tiểu bang và các thành phố lân cận giúp đỡ.
Nước xa không cứu được lửa gần ...
Chính quyền họ lo những việc đại sự, còn chúng tôi phải tự lo cứu lấy mình. Trước mắt là làm sao cho các thực phẩm trong tủ lạnh khỏi bị hư, thịt thà cá mú mà nó đã bị xả đá là phải bán ngay trong ngày, để đến hôm sau là có nước tống vô thùng rác! Bây giờ không có điện thì tôi dùng hầm tuyết để thay tủ lạnh.


Chúng tôi gọi xe cào tuyết đến, họ ủi vào thành một đống cao như một đống rơm ở quê nhà rồi nén lại cho thật chặt, sau đó dùng xẻng đào thành một cái hầm như hầm tăng-xê tránh đạn ngày xưa, lót ván trên dưới và xung quanh để tránh rủi ro tuyết bị sụt lở, rồi xếp đồ cần phải đông lạnh vào. Tuyết mới rơi nên còn lạnh dữ lắm.
Hôm nay không mở cửa hàng được mà khách gọi phôn liên tục đặt đồ ăn. Trời ơi ngày bình thường mà được như vầy thì mừng húm, chỉ vì hôm nay không có điện, họ không nấu ăn được ở nhà nhất là các em sinh viên ở trường đại học gần bên, họ không có phương tiện và xa gia đình nên cứ hối thúc mở cửa cho mau.
 Muốn mở thì phải có máy phát điện riêng, tôi gọi nhiều cửa hàng để mua thì họ không trả lời hoặc đường dây bị bận, đành phải chạy xe ra Home Depot gần đó. Bên trong tối thui mà ngoài cửa người ta xếp hàng quá dài, thì ra không có điện nên họ chỉ phục vụ từng người một. Tôi chờ đợi gần 7 tiếng đồng hồ mới tới phiên thì cái máy phát điện 15,000 watt tôi cần không còn nữa, đành phải trả tiền trước rồi chừng nào có máy thì họ gọi tới lấy.
Như đã nói ở trên, nhà hàng chúng tôi hàng năm hay đi bán chợ phiên ở nhiều nơi, vào dịp lễ lạc hay mỗi mùa hè, nên những dụng cụ dùng ngoài trời như lều bạt, lò nướng, lò chiên xào đều có đầy đủ cả. Nhiên liệu thì đã có gas propane rồi, bây giờ túng thì phải tính thôi, tôi quyết định làm lều để bán ngoài sân, đêm nay sửa soạn, sáng mai nhất định sẽ bắt đầu.
 Khi về đến quán thì than ôi, nguyên một cành cây lớn rớt trên nóc làm xé cả mái nhà, một cành cụt chọc thẳng xuống trần làm cho nước tuyết đang tan cứ chảy róc rách xuống nền như nước của một hòn non bộ. Tôi đành tự an ủi:
-Thôi thì cả thiên hạ ở Bufalo này chứ đâu phải mình ta. Hãy để đó, tính sau.
Tưởng đơn giản mà chúng tôi loay hoay xếp đặt đến quá nửa đêm mới xong. Sáng nay thứ bảy nên chúng tôi phải dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị, có những thứ như nồi nước phở phải nấu ít nhất là 4 tiếng mới có thể bán được.   
Hôm nay trời ấm hơn, buổi sáng đã hửng nắng. Khách hàng nghe tin kéo đến đông nghìn nghịt vì có lẽ ở khu này chỉ có tiệm chúng tôi mở cửa được. Có nhiều vị khách đây là lần đầu đến tiệm này.
Nhìn số lượng khách tôi nghĩ đến chuyện "Tái ông thất mã", không khéo phen này giàu quật lên, lại kiếm thêm được một số khách rất lớn mà không cần tốn tiền quảng cáo. Cả chủ lẫn nhân viên đều mệt bở hơi tai nhưng rất vui mừng.
Đến khoảng 3g chiều thì trời âm u, gió càng lúc càng lớn, mây kéo đầy trời. Tôi đoán sẽ có mưa lớn nên lấy bạt che phủ cái "Núi tuyết chứa đồ" lại. Y như rằng, mưa đổ xuống càng lúc càng nặng hột, rồi mưa như trút xuống lều, chúng tôi đành cáo lỗi với khách hàng rồi đóng cửa vì không thể thổi nấu gì được nữa.  
 Chưa dọn dẹp xong thì con bé gọi:
-Ba ơi, basement nhà mình bị ngập hết rồi.
Vợ chồng tôi nhìn nhau, mặt nhăn như khỉ ăn gừng, sao mà xui thế không biết.
Trên đường về tôi gọi cầu cứu ông bạn làm nghề plumbing, ông ta giải thích càng làm tôi thêm chán nản:
- Các cành nhỏ và lá cây chảy xuống hệ thống cống thành phố quá nhiều, nó bít lối thoát nên cơn mưa lớn này nước tiêu không kịp, nước dội ngược lại nên hầu hết basement nhà nào cũng bị ngập, chứ không riêng gì nhà ông!
Bước xuống cầu thang tầng hầm tôi thấy hỡi ơi ... Y như một cái ao thả cá, nước ngập sâu hơn 4 ft. Máy giặt máy sấy, bình nước nóng biến mất dưới làn nước đục ngầu; lò sưởi gas ngập hết bộ phận đốt, mấy cái tủ lạnh nổi lều phều dạt vào một góc phòng y như tàu đánh cá trôi vào cửa Đại ở Hội An trong cơn bão số Sáu vừa rồi.
Hai con cá kiểng Kim long, Ngân Long nuôi mấy năm nay cưng như con nít, mỗi con gần cả ký lô bây giờ không biết đi tới phương nào rồi.
Rồi còn những bao gạo, thùng mì, đồ hộp và bao nhiêu thứ linh tinh lang tang nữa, cái chìm cái nổi, càng nhìn càng ngao ngán.
So sánh cảnh này với các căn bịnh trong cơ thể thì phải gọi là "Thượng thổ hạ tả" mới xứng.
Sáng hôm sau được Home Depot gọi ra lấy máy điện, tôi đề máy xe chỉ nghe khẹt khẹt rồi tịt ngắc, hỏi ra mới hay là con bé út ngủ trong nhà bị cúp điện chán quá, bèn vào xe bật máy lên xem phim cả đêm nên hết cả điện trong bình ắc qui.
Khi hỏi đến thì nó mếu máo nói sợ để máy cả đêm thì hao xăng quá, mà nó cũng không ngờ bị hao điện bình đến thế.
Cái xe lại quay đầu vào phía trong, nằm kẹt giữa hai căn nhà, ngoài đường tuyết và nước mưa ngập lênh láng. Thế là bỏ bố rồi.
Hôm nay ngày thứ Sáu, 20 tháng Mười năm 2006 cả thành phố đã có điện 80% nên tôi có thể ngồi viết bài này. Vài ngày nữa là điện nước sẽ trở lại bình thường. Để làm được điều này, một đội ngũ hơn 1200 người vừa Kỹ sư vừa Technician từ các thành phố lân cận đến tiếp sức với nhân viên của Bufalo làm việc ngày đêm hầu mang lại sinh hoạt bình thường cho thành phố này.
Chúng tôi rất khâm phục cách làm việc năng nổ của nhân viên thành phố, họ có khả năng chuyên môn cao mà làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm, trong nhiều trường hợp phải trèo lên thật cao để cắt những cành cây mà thang và cần cẩu không lách vô được coi thật nguy hiểm.
Theo báo cáo sơ khởi của thành phố, cơn bão tuyết bất thường này đã gây thiệt hại hằng trăm triệu cho những công trình công cộng và người dân ở đây. Cơ quan Cứu Trợ Khẩn Cấp Liên Bang FEMA đã gửi một phái đoàn gồm 4 đội xuống ước lượng thiệt hại, hầu có chương trình giúp đỡ mọi người. Dĩ nhiên để được hưởng những quyền lợi này, cũng phải tuỳ hoàn cảnh của đối tượng, rồi thủ thục pháp lý giấy tờ chứ không phải đơn giản. Ít ra người dân, nghĩa là những người từng đóng thuế cũng được an ủi khi chính quyền quan tâm và lo lắng khi gặp hoạn nạn như vầy.
Cá nhân tôi tuy cũng bị thiệt hại không nhỏ, nhưng so sánh với những anh em ở New Orleans năm ngoái; với những nạn nhân sóng thần năm kia; hay hoàn cảnh người dân Afghanistan, Iraq đang phải đối diện với chiến tranh chết chóc hàng ngày, thì thấy mình cũng còn may mắn hơn nhiều.
 Xin cám ơn Thượng đế đã ban cho tôi nghị lực, sức khoẻ để vuợt qua những cam go này.

Buffalo tháng Mười 2006

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,101,420
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY đăng 2 kỳ.Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY được ghi “Hè 2019, kỷ niệm 30 năm tìm được “cái xương sườn cụt của tôi”. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ sáu của bà kể về mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2019 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, Bà tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài viết thứ 7 của bà được viết trong ngày lễ Phật Đản.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Lần đầu góp bài dự Viết Về Nước Mỹ, ông đã liên tiếp nhận các Giải Biệt VVNM 2017; giải Danh Dự VVNM 2018. Sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada từ năm 1981. Mong bà tiếp tục viết.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bai mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết. (Ấn bản chủ nhật có sự sai sót. Xin đăng lại phần đúng và trân trọng cáo lỗi.)
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19. Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19.
Nhạc sĩ Cung Tiến