Hôm nay,  

Thư Cho Con

02/10/200600:00:00(Xem: 138649)

Bài số 1086-1695-408-vb2280806       

Tác giả là một bà mẹ lần đầu dự viết về nước Mỹ. Bài được chuyển bằng e-mail, không phải một, mà là một loạt nhiều bài viết về quan hệ mẹ con và gia đình. Sau đây là bài thứ nhất.      
Con thương,

Dù chiều nay, hai mẹ con mình đã nói chuyện thật nhiều qua phôn, nhưng mẹ vẫn muốn nói thật nhiều thêm nữa.  Nếu mỗi buổi tối con không phải học bài và mẹ cũng không có những công việc cần thiết phải làm thì chắc mẹ cứ ôm ghì lấy cái phôn cả ngày cả đêm để được nghe giọng con líu lo, lời con than thở cũng như những tiếng cười trong trẻo, tiếng nũng nịu dễ thương của con, để được đỏ hoe mắt theo con mỗi khi con buồn vì bài con bị ít điểm dù đã cố gắng hay suýt soa khi con hồ hỡi vì bài con được tới số điểm 98 hoặc 100.  Nói chung, thì bao giờ mẹ cũng hãnh diện về con.

Con gái yêu dấu của mẹ!

Lúc nào mà mẹ chẳng nghĩ tới con, tới anh con.  Chỉ trừ lúc mẹ ngủ, mà tuổi mẹ bây giờ thì ngủ đâu có là mấy.  Thậm chí hai con còn hiện diện trong cả giấc mơ của mẹ.  Nhất là con - hình ảnh một thời con gái của mẹ.  Con giống mẹ rất nhiều điểm.  Cũng may là con đã không hoàn toàn giống mẹ, quá ủy mị, quá yếu ớt và lúc nào cũng ưu tư lo lắng, sống nhiều bằng tình cảm; mẹ biết như vậy không tốt nhưng mẹ không thể đổi khác được.  Cám ơn Thượng Đế đã cho một phần những tính của bố trong con.  Như biết cương quyết, biết quên những gì cần phải quên để dứt khoát làm lại hay tiến thẳng tới tương lai.

À, con mới hỏi mẹ là sao răng con xấu quá, vàng khè, dù con vẫn săn sóc, giữ gìn vệ sinh cẩn thận.  Mẹ chưa có dịp nói cặn kẽ lý do với con.   Khi loạt răng sữa đã theo nhau rụng hết để mọc lên những chiếc răng vĩnh viễn non nớt thì mẹ phải bế con đi vượt biên liên tiếp.

Ông ngoại bị Việt cộng đánh “tư sản mại bản” và thêm hai lần đổi tiền làm gia sản phân tán, mất mát, nhà cửa bị tịch thu làm trụ sở phường, làm nơi bán gạo...  Phải đi ở nhờ nhà bác Ba – nhưng cũng cố thu góp, nhặt nhạnh những mảnh vàng còn chôn dấu cuối cùng để đóng tiền cho mẹ con mình tìm đường đi đoàn tụ với bố và anh con.  Ngay những chuỗi ngọc cũng như vòng tay của bà ngoại cũng đưa cho mẹ để đổi thành “cây” đóng cho người tổ chức.

Hai mẹ con mình đã đi hụt bao nhiêu lần con nhỉ"  Nhiều lắm, chắc chắn là hơn 13 lần vì khi mẹ đếm tới con số 13 thì mẹ không buồn đếm nữa.  Cộng thêm với 2 lần bị tù, bác Cả phải đem vàng tới để chuộc mẹ con mình về, sau một tháng nằm ngủ dưới nền xi măng và ăn cơm gạo mọt.

Có lần, ông ngoại phải bật lên khóc khi thấy mẹ lại lếch thếch bế con mệt mỏi xuất hiện trước ngưỡng cửa.  Chắc là 2 mẹ con mình trông thê thảm lắm.  Mình có sẵn đôi mắt to, nay nó lại to hơn, sâu hơn, mờ mịt tăm tối hơn.  Nên ông ngoại đã buột miệng:

-  “Trời ơi, sao con tôi lại héo hon quá thế này"  Đưa Tí Nữ đây rồi đi tắm rửa...”

Mẹ không nhìn thấy mẹ nhưng mẹ thấy con, người mềm nhũn, èo uột.  Da con nít vậy mà cũng xạm lại  khô bẩn!  Vào trong phòng tắm, nước mắt mẹ cùng với nước lã, dội mãi dội mãi cũng không vơi đi được nỗi muộn phiền, cay đắng, thất vọng.

Còn con, một lần trở về – bị tiêu chảy đến hơn tuần lễ.  Nhìn con đã gần 2 tuổi, bước đi xiêu vẹo không vững, bao nhiêu nghị lực của mẹ tiêu tan.  Mẹ cầu xin cho được chết đi, may ra hồn mẹ có linh thiêng sẽ giúp con hữu hiệu hơn là với thân xác rã rời của mẹ.

Từ lúc bố và anh Nam đi rồi, có mấy khi mình được ở nhà với ông ngoại.  Về được ít bữa lại có người đến mách cho một mối khác.  Hay nếu không có ai thì mẹ hay ông ngoại cũng đi dò hỏi tìm tòi để có đường đi nữa.

Rồi những chuyến xe lam, sớm nhất trong ngày từ 4g sáng lại đưa mẹ con mình ra bến xe đò – sau một đêm không ngủ vì hoang mang, hồi hộp và sợ hãi nếu lỡ bị lừa, vừa mất tiền vừa ngồi tù – để đi Vũng Tầu hay đi khắp miền lục tỉnh.  Có khi phải bơ vơ, trải giấy báo nằm ngay ở bến xe chỗ bán vé đến 2, 3 ngày mới có người đến đưa mình vào mấy nhà “ém” của đám dân ruộng vườn hoặc dân đánh cá; hiền lương chất phát cũng có mà tàn nhẫn lọc lừa cũng có.

Giường chiếu thì hầu hết là không sạch sẽ.  Có mùng thì bí và hôi không thể thở, rệp thay muỗi cắn mẹ con mình.  Mẹ một tay gãi cho mẹ, một tay xoa cho con để con có thể yên giấc ngủ không bị giật mình hay trăn trở vì ngứa ngáy.  Mà như vậy cũng còn đỡ.  Có những nhà họ để mẹ con mình nằm dưới đất vì họ chỉ có 2 chiếc giường cho cả gia đình hơn chục người.  Với một manh chiếu nhỏ sờn mép, không màn mùng chăn gối, mẹ đã dùng chiếc quạt nan cũng đã rách gần nửa để phảy cho con suốt đêm.  Cố không để những nan quạt rách có thể đụng tới con, mẹ đã phải quì để tầm quạt được cao hơn.  Còn tay kia cứ phải giữ cho chân con khỏi bị đụng vào cái viền chiếu rách cong lên, sắc cạnh.

Nhớ đến anh con, xa tắp tít, không biết bao giờ mới được gặp lại hay chẳng bao giờ được gặp nữa.  Nghĩ đến thân phận mẹ con mình, nhất là con, đang tuổi bé thơ cần lớn mà cứ phải ăn uống thất thường, dày sương dạn gió, rồi sẽ ra sao…!"  Có phải mẹ đang hành hạ con không"  Có thật là mẹ tìm tương lai cho con không hay là mẹ đang giết dần con trong hiện tại"! 

Nước mắt mẹ rơi lộp bộp trong đêm hoang vắng. tịch mịch vì mẹ đang bận cả 2 tay bảo vệ con giữa đàn muỗi đói, không còn tay nào để gạt đi những giòng lệ như thác lũ tức tưởi chan hoà.  (Người còn đói thì làm sao muỗi no được!)

Ấy là chưa kể những đêm, người ta để mẹ con mình ngồi đợi giữa bãi tha ma, những gò mả, những đống mộ nhấp nhô...  Đáng lẽ mẹ phải sợ đến độ bất tỉnh, nhưng sao trong lúc đó, đầu óc căng thẳng đợi chờ, chỉ làm tim gan mẹ chai cứng, mắt mẹ trâng tráo nhìn những cây thập giá đổ nghiêng ngả và những bát hương dở dang tàn lụn.  Mẹ còn ôm con, cố nép sát giữa hai gò đống để trốn tránh bọn công an rình rập.  Cuống họng mẹ khô đắng trước những  ngọn gió buốt lạnh, hoang vu rít qua cành cây, nhánh lá.  Sương xuống ướt đẫm chỗ hai mẹ con mình, đất cỏ bôi bẩn bết vào chân tay, quần áo lấm láp.  Tiếng khóc của con khàn, da dẻ con chỗ đỏ chỗ đen!

Còn một lần phải nằm đợi trong rừng gần 2 tuần lễ, không tắm rửa, uống nước đọng.

Tất cả cứ như thế mà con bị ghẻ.  Ghẻ đầy người, ghẻ cồng kềnh.  Những ngón tay, ngón chân của con chi chit những mụn ghẻ to bằng hạt bắp, tròn trắng đục, hết lớp này đến lớp khác, vỡ lại mọc, vỡ lại mọc.  Làm con không thể nắm tay và đi đứng bình thường được.  Thời gian nằm “ém” ở Rạch Giá, bà con mách cho mẹ một loại lá nấu lên tắm cho con.  Sáng ra, hai mẹ con mình dắt nhau đi hái lá.  Có khi mẹ phải cõng con vì đường đất sau đêm mưa trơn trợt hay có con rắn đang nằm vắt ngang cản lối đi.  Về nhà, mẹ dùng rơm nấu một nồi nước to đen xì; lễ mễ bê ra giữa sân – vì chỉ có  ở chỗ này mới khô ráo và đỡ dơ bẩn.  Trước khi tắm, mẹ dùng kim băng khêu những mụn mủ...

Giờ nhớ lại, mẹ còn thắt ruột!  Ôi đau đớn cho con biết dường nào.  Con cứ thét lên theo vết kim châm của mẹ và mẹ cứ bặm môi giữ chặt tay chân con, không cho con giằng lại.  Và nước mắt 2 mẹ con mình thi nhau trào ra, trào ra tưởng như bất tận.  Mẹ chẳng còn nhìn  thấy mụn nào còn, mụn nào hết.  Ngày ngày cứ thế, mẹ con mình giằng co nhau để kỳ cọ những vết ghẻ cho con cả tiếng đồng hồ giữa cái sân đầy cây cỏ dại, đầy nắng gió.  Và lạ làm sao, dạo ấy nắng gió không làm cho mẹ con mình đau ốm cảm cúm.

Có lẽ nhờ những viên thuốc trụ sinh đủ loại, kể cả những loại nặng nhất như Lyncosine.  Mẹ vừa cho con uống, vừa rắc vào mụn, và những viên trụ sinh dù mới mua nhưng có lẽ hầu hết quá hạn phải dùng hơi nhiều đã tàn phá hàm răng của con.

Chẳng phải bây giờ, con thắc mắc, mẹ mới nhớ đến lý do này.  Không ngày nào, khi nhìn thấy con cười nói, để lộ những chiếc răng yếu ớt mà mẹ không bị nỗi khổ đau, ân hận dày vò.  Mẹ luôn luôn mang mặc cảm, mẹ làm con xấu đi.  Con gái cần nhất nụ cười để vui với người, để làm đẹp cho đời, cho mình mà con bị kém may mắn, bị mất đi 50% cái cơ hội này.  Mẹ muốn đền bù cho con bằng mọi cách.  Cho nên con thấy đó, có bao giờ con đòi gì mà mẹ trả lời “không” với con đâu.  Mẹ còn khuyến khích con muốn nhiều hơn nữa, dù mẹ rất lo lắng, mẹ sợ rằng chiều chuộng con quá, con sẽ hư hỏng dễ dàng.  Và nếu con hư, thì lỗi của mẹ càng lớn gấp bội, mẹ sẽ phải đền bù con bằng cách nào bây giờ!"

Cũng may là Đấng Tối Cao còn rất thương mẹ.  Con gái của mẹ không những ngoan ngoãn, khả ái, dịu dàng mà còn học giỏi.  Con biết không, con thông minh học giỏi cũng là một phép lạ của Thượng Đế.  Hồi con còn nhỏ, mẹ cứ lo trí khôn con bị chậm, bị kém đi, vì mẹ đã cho con uống quá nhiều thuốc an thần.  Bao nhiêu lần vượt biên, trên những chiếc thuyền chở ra tầu lớn đậu chờ ngoài khơi.  Trong đêm tối, với số người chồng chất nhau như nêm cối dưới khoang thuyền, vô cùng ngột ngạt chật chội, mẹ đã phải nhỏ vào miệng con những giọt Fenergant, cho con mê man trong giấc ngủ để cuộc hành trình không bị tiếng khóc của con nít làm bại lộ.  Có lần vì bị vài người đồng hành dồn ép, xúi dục, mẹ đã cho con uống quá liều lượng đến độ con lên kinh phong, tay chân co giật, mắt nhìn trợn ngược toàn lòng trắng.  Lần đó, mẹ lặng người đi, chỉ biết cầu xin Chúa cứu con, và mẹ hứa xin chừa, sẽ không bao giờ dám đưa con đi vượt biên nữa.

Chúa đã cứu con nhưng mẹ lại không giữ lời hứa.  Mẹ vẫn cứ bế con đi tìm đường vì mẹ nghĩ Chúa thông cảm cho mẹ.  Chúa hiểu rằng, vì nếu phải sống dưới chế độ ngục tù cộng sản thì chẳng thà mẹ con mình chết đi thì hơn.

Vậy con ơi, mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác.  Đồng bào bà con anh em còn kẹt lại trong một nhà tù vĩ đại đang án ngữ nơi quê cha đất tổ của mình.  Hàm răng của con dù không được đẹp, con cứ bình thản vui vẻ cười lên, khoe ra.  Vì mỗi lần con cười, nét mặt của con rạng rỡ  trong sáng lắm, trông thấy hết tâm hồn thánh thiện hiền hòa mà Chúa đã đặc biệt ban cho con.  Và tính tình của con, chắc chắn cũng là nhờ ơn Chúa cách riêng, mới biết chịu khó, thương người, thích làm việc thiện nguyện.  Vậy con cứ  vững tâm, tự tin trong từng ngày với mọi công việc con làm. Mẹ rất hãnh diện về con, con gái yêu dấu của mẹ a.

Thương con.

Mẹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ hai của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây, bài viết thứ ba là chuyện về mùa xuân và hoa đào.
Tác giả là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế năm 1972, đã dạy văn tại Huế 18 năm. Đến Mỹ 1990, đi học và trở lại nghề nhà giáo. Hiện dạy tại 2 trường California State University, Sacramento - Cosumnes River College, và Sacramento, California. Bà cũng từng là hôi trưởng, điều hành Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Sacramento, từ 1995-1997. Tác giả đã nhận Giải Danh Dự Viết về nước Mỹ 2009, với bài viết Levina, chuyện một thiếu nữ có mẹ Việt và bố là chiến binh Mỹ gốc Phi Châu bị giết tại Tân Sơn Nhất cuối tháng Tư 1975.
Tác Giả lần đầu tham dự VVNM từ tháng 7/2018. Tại Saigon trước 1975, Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa, có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến