Hôm nay,  

Hoa Thịnh Đốn Mưa Bão Cúp Điện

16/07/200600:00:00(Xem: 236013)

Người viết: ANNE KHÁNH VÂN

Bài số 1059-1668-381-vb8160706

*

Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, đã góp một số bài viết đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện vừa làm việc vừa học thêm về Management Information System. Bài viết mới nhất của cô lần này ghi lại cảnh thủ đô nước Mỹ chìm ngập trong bóng tối và suy nghĩ của tác giả về con người, thiên tai, tình yêu, hạnh phúc.

*

Những tuần qua, khung cảnh vùng tôi ở cứ như cảnh tượng "Mưa Ngâu Tháng Bảy" bên nhà. Mặt trời ló dạng thì mọi thứ còn sáng lên được một chút, nhưng đến khoảng 2, 3 giờ chiều thì trời đất bắt đầu âm u. "Ông Trời buồn" nên cứ giông tố, nước đổ không ngưng. Sấm chớp cứ dọc ngang trời làm hôm ấy đang ủi áo quần, tôi đã phải nhổ điện bàn ủi vì sợ nó sẽ bị chạm điện và nổ như một người hàng xóm đã từng bị trước kia. Tivi, máy hát, máy PC, mọi thứ tôi cũng đều tắt chỉ để lại một vài ngọn đèn. Thấy gió cứ càng mạnh, sấm sét cứ càng lúc càng ầm ì thật lớn và thật dài, nhà mình ở lại "hơi cao" nên tôi đã bắt đầu "quíu". Linh tính sẽ bị cúp điện nhưng chưa kịp thắp đèn cầy thì điện đã cúp thật. Lúc ấy cũng đã 10 giờ tối, may là cơm nước đã xong xuôi nên sau một hồi lòng vòng tới lui trong bóng đêm, tôi đã quyết định đi ngủ sớm để đỡ phải sốt ruột ngồi đợi điện có lại.

Vào giường ngủ, tôi cứ đinh ninh trong đêm sẽ có điện, nhưng đến mãi sáng hôm sau, khi đồng hồ báo thức đã reo lên bảo tôi dậy đi làm, điện cũng vẫn chưa có. Sáng ấy không tắm được vì không có nước nóng; còn dùng nước "không nóng" thì lại quá lạnh dù đã sang Hè. Phải đốt đèn cầy để đánh răng, rửa mặt... Những thứ điểm tâm nóng ưa thích của mọi ngày được thay thế bằng những thứ không cần phải hâm. Bước ra khỏi apartment, thang máy không hoạt động, chỉ có hành lang và lối đi cầu thang là có đèn (điện từ máy phát điện xơ-cua). Thế là tôi đã phải "tập thể dục" buổi sáng nhiều hơn thường ngày: Chạy bộ thêm 16 tầng lầu.

Làm việc trong Washington DC thì ít ai lái xe đi làm vì vào những giờ cao điểm lái xe vào đấy sẽ như vào "mê hồn trận". Như phần đông mọi người, tôi cũng đi xe bus và metro đến chỗ làm. May quá, xe bus còn chạy bằng xăng, nếu không chắc nó cũng nằm lì một chỗ. Đến sở làm, điện vẫn còn, nhân viên vẫn có mặt đông đủ. Có lẽ vì nhờ văn phòng của chúng tôi nằm gần "Nhà" của Tổng Thống Bush, chứ khu tôi ở, cách xa hơn 15 phút, thì chẳng có điện từ suốt đêm qua.

Chiều ấy tôi được về sớm (lúc 2 giờ) vì đường metro ra vào DC bị nhiều xáo trộn do có vài chỗ bị nước lụt và mất điện. Quả thật đã có nhiều xáo trộn nên tôi đã mất hơn 1 giờ mới về đến nhà thay vì thông thường chỉ mất khoảng từ 20 đến 30 phút. Về đến nơi, vẫn chưa có điện! Tôi lại phải "tập thể dục" 16 tầng lầu, nhưng lần này thì mệt hơn vì phải bước lên; vì vậy mà cứ "leo" được 4 tầng lầu thì tôi lại ngừng lại một chút để... thở. "Ham" ở cao cho sang và ngắm cảnh cho sướng, bây giờ mới thấy ..."thấm".

Lớp học tối ấy của tôi có một bài thi nhưng trường cũng đã đóng cửa vì mất điện. Tôi và chúng bạn rủ nhau đi ăn ngoài nhưng phải lái xe đi tìm những nhà hàng có điện chứ không ăn được tiệm quen ở gần trường vì nó cũng trong tình trạng... "mờ ão".

Trở về nhà, đang rầu rĩ chưa biết làm gì thì điện đã sáng lên lúc 8 giờ tối; có nghĩa các bác thợ điện đã phải mất 22 giờ đồng hồ mới sửa lại được trạm điện bị cháy. Tuy thế là lâu lắm đấy nhưng vẫn đáng mừng và thật cảm ơn các bác thợ điện vì chắc họ đã phải làm việc dưới mưa suốt cả ngày. Sự việc này chưa bao giờ xảy ra nên mọi người có thể hiểu được mức độ trầm trọng của những thiệt hại do giông bão, sấm sét gây ra.

*

Ngày hôm sau, trời vẫn mưa nhưng điện không bị cúp. Tình cờ có vài đứa bạn bên Cali gọi sang thăm, tôi đã kể cho chúng nghe "sự việc khó tin" này. Nghe xong chúng đã trêu tôi: - Đã bảo qua bên này ở đi cho vui mà cứ lưu luyến mãi cái vùng quê đó. Chỉ có nhà quê mới bị vậy chứ Cali - thủ đô của người Việt, làm gì có chuyện cúp điện, càng không có chuyện cúp điện lâu đến thế.

Mấy đứa bạn bên Việt Nam của tôi thì còn "làm phách" hơn; chúng chọc quê: - Ôi trời, Mỹ mà lạc hậu thế sao" Thôi về Việt Nam ở đi! Việt Nam bây giờ hết cúp điện rồi và cái gì cũng có!

Nghe xong, tôi cũng trêu lại bọn họ:

- Các người cứ giỏi mà làm tàng đi! Miền bắc Cali cách đây không lâu cũng mưa dầm, đất lở, đường sập; Việt Nam thì thiên tai lũ lụt triền miên... "Chuyện nhà" mình không chịu lo, cứ lo đi chọc quê người khác. Đừng ham... cười người hôm trước, hôm sau người cười cho bây giờ!

Nhân dịp đó, tôi đã nhớ lại những trận thiên tai khó quên trong thời gian qua.

Cơn sóng thần Tsunami xảy ra hôm 26 tháng 12 năm 2004, quét sạch các vùng bờ biển của Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... làm thiệt mạng tổng số 283,106 người nhưng có thể hơn, khoảng 500,000 người đã trở thành những kẻ vô gia cư.

Và có thể nói "nhẹ hơn" là những trận bão lụt Katrina - Rita xảy ra vào tháng 8 năm 2005 ở vùng trung nam nước Mỹ. Gần hết cả thành phố New Orleans của tiểu bang Louisiana đã bị nhận chìm trong biển nước. Hàng chục ngàn người phải leo dần lên nóc nhà chờ được cứu và hàng trăm ngàn người đã phải tản mát đi khắp nơi.  

Tiếp theo sau đó là trận động đất ở Pakistan vào tháng 10, 2005, giết chết 80.361người.

Miền Trung Việt Nam  mới tháng 5 vừa qua thì lại bị trận bão Chanchu. Hàng trăm người đã thiệt mạng và mất tích và cả trăm ngàn người đã phải di tản để lánh nạn. Thiên tai lại gây thêm tan tóc cho những người dân miền Trung bất hạnh.

Khi xảy ra những trận thiên tai, lũ lụt như thế mới thấy con người vẫn luôn thật nhỏ bé dù mức độ văn minh hiện đại của họ có đã đi xa đến đâu. Khi Trời Đất "nổi giận" thì quả thật kinh hoàng.

Thấy người ta, dù giàu sang bao nhiêu, dù bề thế bao nhiêu, tự dưng sáng mở mắt dậy mọi thứ tiêu tan chẳng còn gì; còn mình nhà cửa vẫn còn, công việc vẫn nguyên, mạng sống chưa có gì đe dọa... mới "hú hồn" thấy mình quả còn may mắn. Nhờ thế tôi lại thêm yêu đời, thêm hăng say trong công việc và chỉ hài lòng với những gì hiện đang có... bởi ngày mai không biết chuyện gì sẽ xảy ra; nếu hoang phí thời giờ, bạc tiền để xa hoa, đua đòi, để làm những điều vô nghĩa thì sẽ có lúc phải hối tiếc!

*

Đã hai ngày sau hôm cúp điện, nhưng trời vẫn mưa hoài, mưa mãi không chịu ngưng. Tôi ngán quá, muốn trách ông trời nhưng lại sợ ông mà giận thêm rồi mưa dai dẳng nữa thì chắc... chết! Bởi, dù sao thì khu tôi ở cũng còn đỡ, chỉ bị cúp điện; có nhiều vùng, ngoài bị cúp điện, nước còn ngập đến ngang bụng, nhiều nhà cửa bị hư hại vì cây bị bứng gốc đổ vào nhà.

Ngày hôm sau nữa trời giông nặng hơn và lại sấm sét thật nhiều. Điện lại bị cúp khi tôi vừa về đến nhà lúc 5 giờ 30. Muốn gọi điện thoại đặt tiệm bán Pizza gần nhà mang đến cho một chiếc bánh nhưng cũng không gọi được vì điện thoại nhà không hoạt động, điện thoại tay thì lại mất sóng. Nhưng nếu tôi mà gọi được thì anh chàng nào đó phải xui xẻo lắm mới bị giao bánh cho nhà tôi. Tôi chắc hẳn sẽ phải bồi dưỡng công giao bánh cho anh ta gấp ba, gấp bốn lần vì anh đã phải chạy bộ những 16 tầng lầu để giao bánh cho tôi tận cửa. Và khi vào nhà mở bánh ra thì bánh sẽ vừa nguội và biết đâu cũng chẳng "còn nguyên" vì không chỉ người mua đói bụng mà người giao bánh bụng cũng... đói(!). Nhưng đó chỉ là chuyện của... giả tưởng, bởi chưa chắc gì tiệm Pizza đã có điện để nướng bánh. Thực tế tôi đã phải nấu nhanh một lon súp gà để "giải quyết" cái bao tử đang cồn cào. Cũng may là bếp núc ở nhà là bếp gas, chứ nếu là bếp điện thì không biết làm sao mà nấu.

Nói chung, cả thời gian cúp điện tôi đã chẳng làm được gì nhiều vì nhỏ lớn thứ gì cũng cần phải có điện mới hoạt động. Tôi chợt nhớ đến chiếc máy laptop còn cục pin chưa dùng. Mở máy ra, ngồi gõ lọc cọc được khoảng hai giờ thì cục pin xạc cũng cạn điện. Bấy giờ khi phải thật sự ngồi nhìn trời đất, tôi mới bỗng thấy mình thật tách rời với thế giới, xa cách với tất cả mọi người.

Tôi đi xuống tầng tiếp tân để hỏi thăm tình hình khi nào sẽ có điện lại. Ngac nhiên thay, mọi người ai cũng thật thân mật với nhau. Họ cười nói, chuyện trò thật vui; kể cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện chứ không phải chỉ những câu chào hỏi vội vã để phải "chạy" ngay sau đó - như tôi vẫn hàng ngày nhìn thấy. Những thanh niên nam nữ trẻ cũng tụ lại trò chuyện nhưng họ có vẻ quay quắt, bực tức, bất bình cứ như là "một ngày không gặp được người yêu là chịu không nổi" và "người yêu" của họ chính là chiếc máy PC. Họ cần lên mạng để xem tin tức, để đi mua hàng, để rảo giá, để nghe nhạc, để Chat với bạn bè, hoặc để trao đổi thư tín với người yêu hay những người thân quen. Những việc làm đó đã trở thành những thói quen hàng ngày và chúng không thể thiếu.

Ôi! biết được thế rồi tôi mới lấy làm "yên bụng" vì mình cũng chưa đến nỗi nào "bất bình thường" khi cảm thấy như bị tách rời với thế giới. Vậy mà đã có một dạo, tôi nhớ lại, biết bao nhiêu bà mẹ đã phải trông hàng tháng trời mới nhận được tin tức của những đứa con ở xa từ một bác đưa thư. Thật thương cho các bà mẹ của cái thuở chưa có điện thoại đường dài và chưa dùng được e-mail ấy.

*

Tối hôm nay thì khu nhà tôi mọi thứ đã hoạt động lại bình thường; nhờ vậy mà tôi mới có thể ngồi đây viết lại những điều mình suy nghĩ trong đêm tối của hai hôm cúp điện tuần trước. Lần cúp điện thứ nhì ấy đã kéo dài những 25 giờ đồng hồ. 25 giờ phải chờ đợi mới thấy nó lâu làm sao. "Tệ thật!" tôi cũng đã có lúc không còn kiên nhẫn chờ những người sửa điện được thêm nữa và đã thốt lên như thế.

Nhưng cũng chính nhờ "phải" ngồi đợi có điện lại chứ không thể làm gì khác được mà tôi đã có dịp tưởng tượng và đặt câu hỏi: Mọi người sẽ ra sao nếu điện vĩnh viễn không bao giờ có lại"

Vì quá lệ thuộc vào những phương tiện công cụ hiện đại, con người dường như đã mất bớt sự siêng năng và lòng kiên nhẫn, kể cả mối thân tình, những quan hệ cơ bản giữa con người với con người. Thứ gì cũng muốn "phải ngay tức khắc" và chỉ nói cho nhau nghe những điều thật cần thiết vì ai cũng "bận rộn" với cái "thế giới" riêng của mình. Nói một cách khác, dường như con người đang từng bước biến thành những người máy như các vật dụng xung quanh họ.

Nếu giả dụ một ngày nào đó có một "viễn thạch khổng lồ" (asteroid) rơi vào quả đất và con người phải trở về với "thời đại Nguyên Thủy", tôi sẽ ra sao, các bạn sẽ ra sao, con người chúng ta sẽ ra sao nhỉ" Không nhiều thì ít chắc mọi người sẽ "nổi điên" lên chăng" Hay mọi người sẽ bớt tranh đua nhau, bớt làm phiền lòng nhau, bớt đem những khổ đau đến cho nhau" Thay vào những nhu cầu về vật chất, mọi người sẽ biết thương yêu nhau hơn, đùm bọc, gắn bó và rộng rãi với nhau hơn, thời gian dành cho nhau cũng sẽ nhiều hơn và từ đó chúng ta sẽ được sống trong bình yên vui sướng hơn"

Nếu sẽ như thế thì tại sao chúng ta lại phải chờ đến khi "bị" trở về với "thời đại Nguyên Thủy" mới làm được điều đó"

Anne Khánh Vân

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,732,175
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến