Hôm nay,  

Địa Linh Sanh Nhân Kiệt

18/09/200600:00:00(Xem: 135319)

Người viết: HỒ NGUYỄN

Bài số 1103-1712-425-vb2180906

Tác giả ghi tiểu sử ngắn gọn: Hồ Nguyễn, 48 tuổi, ở Việt Nam làm ruộng, sang Mỹ bán Phở ở Buffalọ NY. Bài đầu tiên của ông là “Kinh 5 Dị Nhân” kể chuyện một số đồng hương của ông tại Mỹ. Bài mới lần này, Hồ Nguyễn kể tiếp về vùng quê, nơi có tới hơn hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...

*

Mỗi năm cứ đến cuối hè, những người từng theo dõi giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ đều nao nức chờ đợi đến ngày công bố danh sách những người trúng giải. Từ danh sách này, từng nhóm quen biết nhau sẽ "hồ hởi phấn khởi" bàn cãi và phỏng đoán xem ai sẽ chiếm giải nhất, giải đặc biệt v.v và v.v

Đã sáu lần từ ngày giải VVNM được tổ chức, ngần ấy lần hầu hết những người theo dõi giải này đều công nhận ban giám khảo rất công bình khi chấm điểm chọn lựa.

Thực ra khi ngồi trước bàn phím để viết một bài, không ai nghĩ đến phần thưởng, vì có lẽ nó xa vời quá. Những lý do chính để nhiều người viết được và có khi viết nhiều nữa là khác, là bởi vì cảm thấy viết không khó khăn cho lắm, chỉ cần kể lại chuyện cuộc đời mình, những cảm quan từ ngày đến đất Mỹ, nơi mình đang sinh sống, làm việc;  hay nói về bạn bè và những người quen biết. Sự tồn tại, hoà nhập rồi phát triển trên quê hương thứ hai này. Chẳng cần phải tưởng tượng, hư cấu như những nhà văn.

Có hàng trăm ngàn cuộc đời và hàng triệu câu chuyện khác nhau đã, đang và sẽ được tiếp tục viết trên mục này.

Nhân dịp theo dõi kỳ phát thưởng lần thứ 6 này, tôi chợt nghĩ đến cả ngàn đồng hương của làng mình, trong số đó có sáu người tham dự viết và bốn người đã được trúng giải (Mà tôi lại chính là người không được giải gì hết!).

 Điều đặc biệt là sau khi nhận giải thưởng, họ đã dùng hết vào những việc hữu ích khác của xã hội, chứ không ai giữ tiêu xài cho riêng mình.

Như đầu đề bài viết, trước khi viết về con người, tôi xin viết về vùng đất đã sinh ra họ.

 Vâng, tôi muốn nói về vùng đất Kinh 5, cái kinh nằm tuốt luốt ở nơi khỉ ho cò gáy ở miền Cái Sắn thuộc tỉnh Kiên Giang. Cái tên ấy đã nhiều lần xuất hiện trên Diễn Đàn Việt Báo này. Mới đây trên Vietcatholic và Đài Radio Caritas cũng có bài tường thuật về sinh hoạt đặc biệt của xứ đạo, nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập xứ. Còn báo chí trong nước thì tờ Tuổi Trẻ có đi một bài phóng sự dài với tựa đề là Ấp Đồng Lòng.

Mời bạn đến với quê tôi với bài thơ con cóc sau đây:

 

Quê tôi từ mảnh đất bồi

Giòng kinh nước chảy chia đôi hai bờ

Trường làng vang tiếng trẻ thơ   

Giáo đường chuông đổ nhắc giờ cầu kinh    

Tiếng gà gáy gọi bình minh

Ầu ơ lời mẹ đượm tình ru con

Đường xa thăm thẳm lối mòn

Đồng xanh toả ánh mạ non đầu mùa

Tre già nối rặng trúc thưa

Xa xa điểm một bóng dừa vươn cao

Vào Thu những trận mưa rào

Tháng mười nước đổ ngập ao ngập đồng

Trăng soi sóng nước mênh mông

Cá rô cá lóc vẫy vùng dưới trăng

Quê tôi qua những tháng năm   

Cha ông vất vả nhọc nhằn dựng xây

Mồ hôi đổ ướt luống cầy

Thịt da đổi lấy vườn cây quanh nhà.

 

Vùng đất này ngày xưa thuộc về Điền chủ Nguyễn Ngọc Thơ, khi ông ra làm Phó Tổng Thống cho cụ Ngô Đình Diệm thì đã hiến cho chính phủ, để định cư một phần trong số hơn một triệu người di cư từ Bắc vào Nam trong thập niên 50, gọi là Khu Dinh Điền Cái Sắn. Khu này nằm hai bên Tỉnh Lộ 80 và con kinh Cái Sắn chạy từ Long Xuyên về Rạch Giá.

Có bài đồng dao:

Kinh Năm ngày ấy đất hoang

Cỏ lăn cỏ lác lan tràn khắp nơi

Rừng lau đế sậy ngập trời

Rắn rùa lươn ếch ôi thôi ngập đồng.

 

Dân di cư qui tụ mọi thành phần từ nhiều vùng khác nhau thuộc hai Giáo Phận Bùi Chu và Phát Diệm, vì vậy thời gian đầu cũng gặp nhiều va chạm và khó khăn khi phân chia đất đai và tái tổ chức đời sống. Thật là may mắn khi chúng tôi có một vị hướng dẫn tinh thần là Linh mục Mai Xuân Triết, ngài đã khéo léo sắp xếp để dân chúng biết sống hoà thuận thương yêu nhau, vui vẻ nhường nhịn trong cảnh thiếu thốn lúc ban đầu.    

Những năm tháng sau đó:

 

-Với cánh tay vững chãi, dù phương tiện thô sơ, thề không quản ngại.

Mang ý chí kiên cường, mặc nắng mưa dầu dãi, quyết chẳng sờn vai.

     Mẹ:

Ngày tảo tần xuôi ngược, tìm ngọn rau mớ tép, mong nấu cho chồng bữa cơm nóng canh ngon.

Đêm cặm cụi chắt chiu, kiếm manh thừa mảnh vụn, hầu may cho con chiếc quần lành áo sạch.

     Cha:

Sáng san đất đắp bờ, phảng cỏ cày bừa gieo xạ vun trồng ruộng lúa.

Chiều đào đìa vượt thổ, đánh luống bón phân chăm sóc vườn sau.

Thời gian qua mau

Chỉ mấy năm sau

Đồng ruộng mênh mông trĩu nặng bông vàng, ngập tràn hương lúa mới.

Vườn cây quanh nhà, hoa lá xum xuê, hứa hẹn trái rau tươi.

 

 Người Linh Mục khả kính ấy biết nhìn xa trông rộng, ngoài công việc chính là chăm lo đời sống tâm linh, dạy dỗ con chiên sống công bằng bác ái, đoàn kết yêu thương và tương trợ mỗi khi tối lửa tắt đèn, ngài còn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục những mầm non như xây dựng trường học, kiếm thầy cô giáo rồi thúc dục phụ huynh ghi danh cho con tới trường. Ai nghèo khổ, đông con thì ngài bớt học phí hoặc miễn luôn, lại còn cho thêm giấy bút . . 

 

Cổng trường rộng mở mời gọi học trò vào hỏi thưa bài luân lý.

Giáo đường chuông đổ nhắc nhở mọi người đến xướng hoạ tiếng kinh cầu.

Ước mong hạnh phúc dài lâu.

Trẻ già ông cháu cùng nhau vui cười.

Ngờ đâu vật đổi sao dời.

Chiến tranh chấm dứt tưởng gia đình xum họp.

Kinh tế tập trung dân bất mãn quá trời.

 

Thế là hầu hết những người trẻ trong làng đã:

Từ bỏ gia đình bạn bè thân thương lòng ngổn ngang trăm mối.

Giã từ xóm làng quê hương yêu dấu dạ lưu luyến khôn nguôi.

Kẻ vượt biển đương đầu với nước sâu sông cả bão táp mưa sa.

Người băng rừng lội suối trèo non chấp nhận cọp beo thú dữ.

Lại còn:

Trốn công an rượt đuổi bắt bớ tù đày hành hạ như những tội đồ phản quốc.

Tránh hải tặc cướp bóc hãm hiếp đánh đập dã man tựa loài cầm thú trên rừng.

Khi đến được bến bờ tự do ở Thái Lan thì:

Than ôi cùng một kiếp người.

Mà sao lại phải nổi trôi thế này.

Khác chi một bọn ăn mày.

Màn trời chiếu đất đói ngày khát đêm.

Hơn 1000 người Kinh 5 ra đi, thì đã bỏ xác trên rừng sâu hay biển cả đến 400 người!

Thương thay số phận con người.

Đi mà không đến mộ vùi nơi đâu.

Hôm nay xin một lời cầu.

Cho người nằm xuống biển sâu núi rừng.

Nhưng:

Cũng còn may thế giới vẫn giàu lòng nhân đạo.

Hay là nhờ nhân loại có lắm kẻ bao dung.

Sau cơn khốn khó tột cùng.

Trời cao ghé mắt mở lòng ban cho.

Thuyền kia đến bến mong chờ.

Bắt tay dựng lại cơ đồ từ đây.

Người đi học kẻ đi cầy.

Hai mươi năm mấy ngàn ngày trôi nhanh.

Ước xưa nay đã đạt thành.

Cơm no áo ấm rạng danh giống nòi.

 

Những người Kinh 5 xưa chân lấm tay bùn, mà nay:

Hai bằng tiến sĩ góp phần *

Thăng hoa sự nghiệp ngàn lần có dư.

Y nha dược sĩ kỹ sư.

Bao nhiêu dịch vụ vô tư ... kiếm tiền

Công ty nghiệp chủ khắp miền.

Đàn con nối tiếp vươn lên không ngừng.

Mỗi năm mỗi thấy tin mừng.

Thi đua tốt nghiệp tưng bừng đó đây.

 

* Hai vị Tiến sĩ của làng tôi: Ông Đinh Đức Hữu (Tiến sĩ Nguyên Tử) và bà Nguyễn Chí Hiếu (Tiến sĩ Giáo Dục)

 

Không chỉ có thế, những người con xa xứ còn giúp đỡ cho thân nhân còn ở quê nhà thăng hoa đời sống, cả tinh thần lẫn vật chất: Cột dẫn điện, giếng nước, bờ kè hai bờ sông bằng đá xi măng ... và tổ chức đời sống tốt đẹp hơn bằng vốn liếng, phương tiện, kiến thức để:

Thần nông lúa trúng mỗi mùa.

Học trò hai buổi sớm trưa chật trường.

Thánh đường ba cái khang trang.

Tường cao ngói đỏ cả làng nhà xây.

Ti vi tủ lạnh dẫy đầy.

Honda xuôi ngược cả ngày lẫn đêm.

Rau tươi ao cá bên thềm.

Cuộc đời cứ thế êm đềm trôi đi.

 

Ngoài ra, những người Kinh 5 hải ngoại thường qui tụ thành những nhóm theo khu vực để sinh hoạt chung, nhắc nhở nhau về truyền thống gắn bó, yêu thương tha nhân của cha ông đã gầy dựng và vun trồng.

Những con chim đầu đàn của làng bắt đầu tổ chức sinh hoạt bằng tờ Đặc San Kinh Thần Nông, sau này khi khoa học tiến bộ hơn họ đã nối kết với người Kinh 5 trên toàn thế giới bằng Forum www.kinh5.comKinh5@yahoogroups.com

Một số những con chim đầu đàn này cũng không xa lạ gì với mục Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo như: Nguyễn Viết Tân, Iris Đinh, Bao Phân, Phương Toàn và một ông nông dân tuốt bên VN tên là Chung Mốc.

Những giải thưởng cao quí mà họ nhận được từ Việt Báo đã được gửi về cho hai cơ sở: Quỹ Khuyến Học và Thư Viện Kinh 5. Hai cơ sở này được thành lập để duy trì tinh thần cầu tiến của vị Linh Mục khả kính năm xưa, đã nhận thấy và tận tình chăm sóc con cái về cả hai mặt đức và trí dục.

 Thư Viện Kinh 5 khởi đầu có chừng 5,000 cuốn sách đủ mọi thể loại, để người dân có tài liệu tham khảo, mở mang kiến thức và giải trí lành mạnh nữa.

Mỗi năm Cộng đồng Kinh 5 tại Hoa Kỳ đều đóng góp để mua thêm sách báo, computer, trả tiền chi phí cho việc điều hành và quản thủ thư viện.

Công việc này được giao phó cho ông Chung Mốc (Tác giả bài Nói Với Việt Kiều). Nghèo như ông mà khi nhận được giải thưởng từ tờ Việt Báo, ông cũng cho luôn vào quĩ Khuyến Học. Quĩ này do nhiều người đóng góp nhằm cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo mà hiếu học, giúp đỡ về quần áo sách vở.

Trong tương lai, chúng tôi cũng còn cần phải giúp đỡ cho các nhà Lưu Trú của LM Vũ Đức Thận tổ chức, để các em khi lên thành phố có chỗ trọ học, hy vọng trong mấy năm nữa, các em sẽ thành công và khi ra đời có thể giúp đời, giúp người.

Rồi mới đây, ông Nguyễn Viết Tân cùng với ông bà Bảo-Nữ đã phát hành cuốn Miền Thôn Dã mà ông Tân thường viết từng chuyện trên Forum Gia Long với bút danh là Nguyễn Ngọc .. Hành (Có lẽ vì ba ông tên Học, "Học Hành" mà lại), những câu chuyện này liên quan nhiều đến miền đồng quê thôn dã của chúng tôi. Số tiền bán sách các vị ấy cũng tặng hết cho hai cơ sở xã hội kể trên.

Xin cám ơn Việt Báo đã cho chúng tôi cơ hội được trải lòng mình. Cũng cám ơn những tấm lòng biết chia sẻ và cho đi những gì mình đã nhận được.

Có người từng tự hào rằng quê họ là địa linh, sanh ra nhân kiệt, tôi không dám tự hào quê tôi là địa linh (Miền đồng chua, hoang dã mà), nhưng những hoa trái mà chúng tôi được hưởng từ tiền nhân, cũng đang được nhiều bàn tay ươm trồng cho những thế hệ kế tiếp, theo tinh thần:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Nhớ trồng cây lại cho ngày hôm sau.

Những con người biết thể hiện tinh thần ấy chính là Nhân Kiệt trong lòng tôi vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,181
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.