Hôm nay,  

Giáo Sư Đặng Huy Đức Và Tôi

03/06/200600:00:00(Xem: 231495)

Người viết: QUÂN NGUYỄN

Bài số 1025-1634-347-v7030606

*

Quân Nguyễn
Người viết: QUÂN NGUYỄN
Bài số 1025-1634-347-v7030606
*
Tác giả tên thật là Quân Nguyễn, state parole officer ở Santa Ana, đến Mỹ từ năm 87, hiện cư ngụ tại thành phố Anaheim, CA. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ ba của ông.
*
Ngày còn nhỏ, tôi trông thật gầy gò, ốm yếu, tính tình lại nhút nhát lắm. Mẹ tôi sanh tôi thiếu tháng, chẳng biết sao mà hồi đó tôi lại sống được cũng lạ! Lớn lên một chút, chừng năm sáu tuổi, tôi đã biết thế nào là ăn đòn, vì bố tôi rất dữ đòn đối với con cái, một phần vì thích hàng xóm thấy mình dữ với vợ con, còn phần nữa thì tôi không biết, hoặc chẳng muốn biết làm gì cho khổ! Bố tôi thường nói với anh em tôi trước mặt lũ trẻ hàng xóm rằng, "Hễ đứa nào mách tao, vì bất cứ lý do gì, thì tụi mày ăn đòn!" Vì vậy anh em tôi khi chơi với chúng bạn lối xóm, luôn luôn phải chịu lép vế, thua thiệt để khỏi về nhà ăn đòn! Tôi còn nhớ năm lên 9, có lần, thằng Lê, nhỏ hơn tôi một vài tuổi, một bữa buồn tình bảo tôi, "Nếu mày không cõng tao ra tới đầu hẻm, thì tao mét ba mầy, mầy uýnh tao". Thế là tôi đành phải khòm lưng cõng nó ra tới đầu hẻm rồi hai đứa đi bộ về. Thà vậy còn hơn bị ăn đòn liệt giường! Tôi luôn biết thân tôi, nên ngoài giờ đi học, tôi ở luôn trong nhà chứ không dám ló mặt ra đường chơi vơi ai. Còn thằng em kế tôi thì chẳng khôn, nhưng được cái lỳ đòn. Nó hay ra đường chơi với chúng bạn mỗi lần bố tôi đi vắng, mà bố tôi thì luôn tìm cách rình bắt con cái rong chơi ngoài đường, để đem về đánh cho bò lê bò càng! Mà lần nào cũng vậy, tôi luôn luôn chịu chung số phận hẩm hiu của nó, vì bố tôi sau khi đánh nó xong, ông luôn tìm lý do để đánh tôi, "Mày không biết bảo em!"
Năm 11 tuổi, tôi vào học trường LaSan HV. Học trò chỉ cần phạm một lỗi nhỏ thôi, là roi mây vun vút vào lưng, vào đít! Nói cho đúng ra ngày ấy, ngoài ốm yếu ra, lại bị đòn nhiều quá, nên tôi trở nên hèn nhát lắm. Âu cũng là số phận của tôi những ngày thơ ấu!
Năm 15 tuổi, vừa học xong lớp chín, tôi xin bố tôi cho tôi đi học trường khác. Có lẽ bố tôi trong một phút đã nhìn ra mấy "Sư huynh" cũng chẳng tốt gì, nên đồng ý ngay. Tôi cũng dám bày tỏ cho bố tôi biết rằng, nếu ông cứ tiếp tục đánh đập con cái "như kẻ thù", thì tôi sẽ bỏ học để đi lính, vì thời đó, 16 tuổi có thể tình nguyện đi Biệt động quân được rồi. Bố tôi có vẻ nhượng bộ đôi chút!
Ngày ấy biết mình vừa ốm yếu, nhút nhát, lại hèn nhát. Lại tức mình bị bè bạn hiếp đáp, hay bị mấy thằng du đãng "vườn", cậy gần nhà, chận đường gây hấn, hiếp đáp, khi mình đi học hoặc có việc phải đi ngang qua vùng của nó, tôi quyết định phải đi học võ. Cũng may bố tôi chẳng quan tâm gì về chuyện đó cả. Sau hai tháng tập nhu đạo, tôi thấy chán phèo vì chả có đấm đá gì hết, ngoại trừ học được vài cách té mà tôi vẫn còn dùng được cho tới bây giờ. Thời đó, Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Địch Long đang nổi tiếng trên màn ảnh, và ai ai cũng thích bàn chuyện quyền cước, đấm đá. Tôi liền bỏ nhu đạo để đi học Tae Kwon Do với thầy Đặng Huy Đức ở võ đường Hwa Rang Kwan, trong con hẻm đền Phú Thạnh đường Lê văn Duyệt. Năm ấy, tôi còn nhớ mãi, khi tôi học thầy được hai tháng thì nghe mấy anh lớn nói chuyện với nhau, thầy Đức vừa được lên ba đẳng (1971). Thời ấy, chỉ có vài thầy được đào tạo ở khóa đầu tiên bởi võ sư Đại Hàn, là thầy Đức, thầy Bình, thầy Thông, thầy Vân, và thầy Nho mà thôi.
Về phần tôi, nhờ say mê tập võ một tuần ba ngày mỗi chiều Hai, Tư, Sáu (hoặc Ba, Năm, Bảy), tôi trông bớt ốm yếu hơn xưa. Mỗi lần tập là hai tiếng chia đều cho ba phần: làm ấm người (warm up), bài quyền (patterns), và song đấu tự do (free sparing). Vì mỗi ngày có nhiều lớp với giờ giấc khác nhau, nên các võ sinh đai thấp như tôi thường được dạy bởi các anh lớn từ đai nâu đến một đẳng. Thầy Đức hầu như chỉ dạy mấy anh lớn đai đen, và lúc ấy cũng đang bận rộn hoàn thành cái võ đường thứ hai lớn hơn ở đường Hoàng Hoa Thám bên Gia Định. Vì vậy tôi thường chỉ gặp thầy những khi cần đóng tiền học phí mỗi tháng mà thôi. Ngày ấy, tôi mê tập võ lắm, mặc dù rằng hầu như ngày nào sau phần song đấu tự do, tôi đều bị đau không chỗ này thì chỗ nọ, như khi thì mấy ngón tay, cổ tay, cùi chỏ, bắp tay, vai, ba sườn, lưng, bắp vế, đầu gối, ống uyển, mu bàn chân, ngón chân….vì bị đối thủ đá trúng, đấm trúng, hay do đôi bên va chạm nhau trong khi song đấu. Có lần tôi phải đấu với một võ sinh vừa giỏi vừa lớn hơn tôi. Y chạy vòng vòng như mặt số đồng hồ, làm cho tôi phải bị đứng giữa như cái kim đồng hồ, vừa tấn back-stand để thủ thế, vừa phải xoay theo hướng chạy ngược chạy xuôi của y. Bất thình lình, đối thủ của tôi hét lên một tiếng rồi bay vô đá một cú sliding side-kick chân trước vô sườn trái của tôi. Tôi bị văng ra phía sau khoảng một thước, rơi xuống chân trong thế tấn back-stand, hai chân chỉ bị nhổ khỏi mặt đất mà thôi, chứ không té. Cú đá đó làm tôi bi đau sườn trái hết ba tháng trời! Những chuyện đại loại như vậy, ít nhiều làm cho võ đường Hwa Rang Kwan thời ấy nổi tiếng vì võ sinh đấu giỏi (dữ). Vả lại thầy Đức luôn đòi hỏi võ sinh của ông phải giỏi cả ba phần: quyền, đấu, và công phá, nếu không trong khi đấu sẽ bị đối thủ cho "ăn đòn" hoặc là bị chấm rớt khi thi lên đai. Vì chính ông, năm 69, khi đem chuông đi đấm nước người ở Hồng Kông, ông đã đoạt giải vô địch Á châu cho cả ba phần đó. Ngày ấy, tôi để ý thấy có một vài anh lớn, khi ra thi đấu, đầu cạo trọc, mắt trợn lên, thét lên om xòm, để "hù" đối thủ. Tôi thì không đến độ phải cạo trọc đầu, nhưng cũng làm mặt "ngầu" như đang sắp giết người, nhờ vậy thỉnh thoảng cũng làm một vài đối thủ của tôi chột dạ chẳng dám ra đòn, chỉ lo thủ, và đỡ…Còn nói chung thì chẳng ai sợ ai cả, vì nếu sợ đòn thì đi học võ làm gì!
Năm 73, vì phải lo tương lai, tôi nghỉ tập võ, để học thi tú tài. Đậu xong tú tài, lại nghĩ đến quê hương, nên tôi tình nguyện đăng lính, để rồi chẳng còn có cơ hội nào gặp lại thầy Đức nữa. Tôi nhớ lần chót gặp thầy, thì thầy mới có một đứa con trai nhỏ, độ 3, 4 tuổi, mập ù, trắng trẻo, trong bộ võ phục tý hon, mà mấy anh em võ sinh thường bế cõng nó, và bà xã thầy, lúc ấy đang có bầu đứa thứ hai.
Rồi cuộc chiến tranh 30 năm khốc liệt, bỗng lụi tàn trong vài ngày. Đất nước thân yêu, phút chốc trở thành một nhà tù lớn cho cả dân tộc. Tôi trông vẫn gầy gò ốm yếu như xưa, nhưng chợt nhận thức ra rằng mình vẫn còn hèn nhát lắm! Dù biết rằng quãng đời trai trẻ của mình đang tàn tụi trong vô vọng theo năm tháng với tù tội, cơm áo, bệnh tật và niềm căm phẫn, tôi vẫn không sao có đủ can đảm để tự giết tôi cho xong. Thằng bạn năm xưa có lần cản tôi rượt theo ba thằng nhóc, cựu trung sĩ pháo binh ở Pleiku/Komtum, nó can đảm hơn tôi, tự đâm vô ngực, rồi nằm chờ cho máu chảy tới chết, chẳng biết rằng vì tự tử chống cộng, rồi thì Cha không cho làm phép xác, Việt cộng không cho chôn bằng hòm! Âu cũng là cái hèn nhát lớn nhất của đời tôi!
Rồi từ đó chẳng hiểu vì sao, nhiều năm sau tôi vẫn thỉnh thoảng ghé thăm đền Phú Thạnh, rồi nhìn lên căn gác nơi thầy Đức và gia đình sinh sống năm xưa, như muốn tìm kiếm ai! Có người hỏi tôi, "Anh kiếm ai"" Dù biết thầy Đức di tản từ 75, tôi vẫn cứ trả lời, "Tôi kiếm thầy Đức" Tôi luôn luôn biết trước câu trả lời sau đó của người hỏi tôi, nhưng …có lẽ từ ngày "giải phóng", chả có mấy ai còn bận tâm tự hỏi mình sao đang làm những chuyện "ngông cuồng" như vậy! Đó là tại sao, sau cái ngày đó, nhiều người đã quên mất vai vế, lương tâm, liêm sỉ, để trở nên bon chen, rồi lừa lọc, mưu hại lẫn nhau…chỉ để sống còn. Còn tôi, nhờ học được câu nói của người xưa, "trong lúc hoạn nạn, biết tự thủ, chịu đọc sách, sau có thể là trụ thạch triều đình". Tôi biết rõ thân phận, phần số của tôi, nên lúc nào cũng cúi mặt nhìn xuống, lại dấu mình trong nhà mà vui đọc sách vở đạo lý Thánh Hiền, tiểu thuyết ngoại ngữ, thơ Nguyên Sa, tử vi…để chờ cho qua cái vận rủi của đời mình. Chẳng phải vì tôi muốn sau này sẽ tiếp tay cho bọn phong kiến mà hà hiếp dân lành. Tôi chỉ muốn thực hiện có một nửa câu nói trên của người xưa mà thôi. Âu cũng là một lý do tôi còn sống sót an toàn đến ngày nay!
Mà cuộc đời ở đó, giống như một giòng sông đen ngòm, đẫm máu, hôi tanh. Nó cứ lặng lẽ cuốn trôi theo, vùi dập xuống muôn triệu những đời người bất hạnh bằng ngục tù, sợ hãi, đói rét, bệnh tật, bất công… mà đưa đến hàng triệu cái chết âm thầm, tức tưởi trong lao tù, cũng như ngoài bể sâu! Riêng tôi, nhờ hiểu câu nói của người xưa, "sông có khúc người có lúc", nên cắn răng cam chịu với số phận hẩm hiu, và âm thầm sống cho qua quãng đời đầy đau khổ của tuổi trẻ, để chờ đợi một ngày mai!


Thế rồi ngày mai trời lại sáng, mười mấy năm vận rủi của đời tôi cũng qua đi. Năm 87, nhờ Trời, tôi rời được Việt Nam để sang Thái, sang Phi, rồi sang Mỹ.
Sau chín năm lăn lóc, vật lộn với sách vở, cơm áo ở Mỹ, một chiều, tôi chợt nhớ đến thầy Đức, và quyết định sẽ đi tìm cho ra. Tôi lại có thằng con quí mập ù, nhưng hở một chút là mếu, vì được cha mẹ nâng niu yêu quí quá độ. Biết đâu nó lại có chút dòng máu hèn nhát của tôi! Thôi thì sẽ giao nó cho thầy Đức vậy.
Nghĩ thế, năm 96, tay cầm tờ báo với địa chỉ của võ đường, tay dắt thằng con bảy tuổi đến gặp thầy Đức để xin cho nó học võ. Tôi nghĩ là tôi sẽ khóc khi gặp lại thầy tôi sau hơn hai mươi năm xa cách, nhưng tôi chẳng khóc được! Có lẽ tôi quên rằng mình đã già rồi. Tuổi thơ thì sống trong sợ hãi từng giờ từng phút, tuổi trẻ thì chôn vùi trong vô vọng, âm thầm, nghèo túng. Giờ 40 rồi còn nước mắt đâu mà khóc! Nhưng với mối bận tâm vu vơ đó, thời gian đầu, tôi cố gắng giữ một khoảng cách tình cảm đối với thầy Đức, dù nhận rằng mình có lần là học trò của thầy năm xưa. Còn thầy thì đã tám đẳng, trông có già hơn, ốm hơn so với ngày xưa, nhưng hầu như vẫn vậy, vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vui vẻ, đàng hoàng, với giọng nói từ tốn thật hiền, hoàn toàn ngược lại hẳn với suy nghĩ của bất cứ ai chưa từng gặp qua ông, có thể sẽ nghĩ về ông như một đại võ sư Tầu với tướng tá bậm trợn, dữ dằn, và hách dịch. Con nhà võ thiệt đâu cần phải làm bộ làm tịch mới có uy, tôi cũng luôn nghĩ và hành động đúng như thế.
Thế rồi, từ đó, cuối tuần, con thì tập võ ở trong, cha thì ngồi chờ ngoài xe. Độ sáu tháng sau đó, qua một vài lần gặp gỡ, hàn huyên ngắn ngủi với thầy Đức, khi vô đóng tiền học cho con, tôi đã quyết định mang đai nâu lần nữa ở tuổi 40.
Mới đó, vậy mà đã mười năm rồi! Giờ đây tôi là một trong những học trò lớn (già thì đúng hơn), và trung chính của thầy Đức. Những người học trò trung chính khác là anh BS Vân BĐQ năm xưa, anh Luân, anh Hội, BS Tâm, anh Nghĩa, anh Pascal, chú Quí 70. Bác Loan 75…Đặc biệt thầy còn giữ được một danh sách của hơn 1,500 đàn em và học trò mà thầy đã thăng cấp lên đai đen trong khoảng thời gian từ năm 64 tới 75, khi còn là giám đốc trường võ thuật CSQG ở Sàigòn! Vài ngày trước đây, tôi may mắn được xem lá thư và tấm hình của một trong những người học trò đó, vừa đến Florida từ Việt Nam. Anh ta sáu đẳng, và đã đào tạo hàng ngàn học trò ở Việt Nam trước khi sang Mỹ.
Con trai tôi nay đã đai đen và cao lớn hơn tôi. Dĩ nhiên là nó không gầy gò ốm yếu, nhút nhát như tôi năm xưa, vì tôi yêu quí con cái, và ngoài sự giáo dục nghiêm chỉnh với tình và lý của tôi, nó lại được rèn luyện tinh thần, đạo đức, và thể chất bởi người thầy lớn của bố nó, là thầy Đức. Có lần tôi hỏi nó, "Bố nghĩ con học thầy Đức đã mười năm vậy là đủ xài rồi, sang năm con lên 18, đi college, con có thể nghỉ nếu con muốn." Câu trả lời của nó làm tôi ngạc nhiên, "Con muốn tiếp tục học nữa."
Con gái út của tôi, từng ngồi chờ anh nó trong võ đường từ lúc 4 tuổi. Năm lên 6, nó xin tôi cho học võ, tôi trả lời, "chừng nào anh con lên đai đen thì bố cho con học" Năm nay nó đã 13, và học thầy Đức từ năm 7 tuổi. Tôi chắc chắn sẽ hỏi nó câu hỏi trên, khi nó lên 17 như anh nó. Người xưa có câu "mười năm đèn sách, mười năm rèn luyện tinh thần là phép tu dưỡng của người xưa." Với tôi, mười năm đèn sách có nghĩa là xong đại học rồi hậu đại học, và mười năm tập võ là mười năm rèn luyện tinh thần, vì chắc chắn không thể có một tinh thần minh mẫn, nghị lực, nhân hậu, và cương trực trong một thân thể yếu đuối được! Và vì thế tôi đã làm xong cái phận sự đó của tôi, tưởng rằng đó là phương châm của riêng mình, nào ngờ thầy Đức đã từ lâu áp dụng câu "văn võ song toàn" đó để giáo dục con ông, và để huấn luyện hàng ngàn đệ tử lớn bé của ông trong suốt 42 năm dạy Tae Kwon Do (64) từ Việt Nam qua tới Mỹ! Thằng con năm xưa của thầy, nay là BS Đặng Huy Thiệu, và đứa con gái chưa đẻ ngày ấy giờ là cô LS ở Colorado. Còn đứa con gái út của thầy nay đã bốn đẳng, và là một đấu thủ quần vợt hạng 400 thế giới.
Là một trong những học trò lớn của thầy Đức, tôi đã có nhiều thời giờ để suy nghĩ về thầy. Thầy lúc nào cũng ôn hòa, từ tốn, dạy học trò lại nhẫn nại, và chỉ nhìn sơ qua là đã biết võ sinh của mình hay hay dở, làm đúng hay sai, thể chất tới đâu, ưu và khuyết điểm thế nào…dù là đai trắng hay bốn đẳng. Rồi dựa trên những yếu tố mà sửa mà dạy từng người một cách hữu hiệu. Thầy lại dùng một nửa buổi học để dạy học trò của mình về tinh thần võ sĩ đạo, sự lễ độ, và nhân nghĩa. Có nhiều võ sinh nhỏ, lúc mới vào học thì quen giỡn phá, gây hấn, rất khó dạy, nhưng chỉ độ một năm sau là rất đàng hoàng, lễ phép, và giỏi, vì đứa trẻ ngoan thường dùng tất cả năng lực của nó để tập trung vào việc tập luyện, thay vì giỡn phá. Đó là lý do có vài em chỉ lên 9 mà thầy Đức đã thăng hai đẳng.
Tae Kwon Do, giống như Thiếu Lâm, Karate, Judo, và Aikido, là một trong những "danh môn chánh phái" trong làng võ thuật. Khác với boxing, võ Thái, võ tự do, là để đánh võ đài, chỉ cần tập sáu tháng là đi đánh lộn hoặc đấu ăn tiền được rồi. Còn các danh môn chánh phái cốt yếu dạy học trò cái tinh thần thượng võ, bất vụ lợi, mối tự tin, sự khiêm tốn, và lòng bất khuất. Để đạt được cái đích cao quí đó, võ sinh thường mất nhiều năm rèn luyện về cả thể chất lẫn tinh thần. Một võ sinh đai đen 15 tuổi tiêu biểu, nếu cần có thể đánh chết một người thường trong một phút chỉ bằng những cú đấm đá liên tục vào yếu điểm, nếu không nhờ sự tự kiềm chế của cái tinh thần võ sĩ đạo. Và để đạt được đến trình độ đó, một võ sinh phải tập luyện và thi đấu trong ít nhất ba năm. Vì vậy, khác với một "boxer", "kickboxer", một võ sinh đai đen luôn luôn được sự tôn trọng đặc biệt của thường nhân nói chung. Luật pháp ở Mỹ lại xác định rằng võ là một vũ khí giết người (giống như khẩu súng), vì vậy một người mang đai đen vì vô tình hay cố ý làm thiệt mạng người khác sẽ bị kết tội giết người bằng võ khí (dù chỉ là tay và chân). Vậy thì nếu võ là súng, mà súng ấy vô tình lọt vào tay một tên du đãng, thì cũng chẳng khác gì một người có võ mà không có tinh thần võ sĩ đạo (không trung chính), rồi sẽ lại dùng nó để đánh người, cướp của, hoặc mưu lợi trong tương lai!
Cho nên mang được đai đen của một danh môn chánh phái không phải là chuyện dễ, mà đó là một danh dự lớn ngay cả cho một đứa trẻ lên 7, hoặc một cụ già 75! Rồi thì nếu tiếp tục siêng năng tập luyện, mỗi ba năm, một võ sinh đai đen được phép thi lên hai, rồi ba, rồi bốn, rồi năm đẳng… Thầy Đức có thẩm quyền thăng võ sinh của ông lên tới bảy đẳng, vì ông là người khai sáng ra môn phái Hwa Rang Kwan Tae Kwon Do. Người thầy quá cố của ông, tướng Choi Hong Hy, tổ sư Tae Kwon Do Quốc Tế, vừa qua đời vài năm trước, chỉ có ba người học trò chín đẳng, là thầy Đức, thầy Bình, và thầy Chuck Seriff, đương kim chủ tịch Tae Kwon Do Mỹ.
Tôi vẫn say mê tập Tae Kwon Do như ngày xưa, và vì già rồi nên chỉ học được có một phần mười của cái thầy Đức muốn dạy tôi. Danh môn chánh phái cấm võ sinh đấm vô mặt trong khi đấu, tôi phải đi học thêm hai năm boxing ở college để bổ túc cái phần "đấm vô mặt" này, để dùng ở ngoài đường khi cần. Là học trò lớn, tôi phải luôn cố gắng làm gương cho các đàn em võ sinh bằng cách tập luyện hết sức mình trong tất cả mọi lãnh vực từ warm-up, đi quyền, đến đấm đá…
Thầy Đức lại có quá nhiều học trò, khoảng ba trăm hiện nay, nên ngoài việc tập luyện, tôi phải giúp thầy ít nhiều trong lớp hoặc trong các kỳ thi lên đai. Vì quan niệm rằng, "Hát hay không bằng hay hát", và "Uýnh hay không bằng hay uýnh" tôi thường ca giúp vui bài "Một trăm phần trăm" trong những khi có party ở võ đường, và ở nhà thầy Đức, cũng như tình nguyện làm đấu thủ "song đấu tự do" trong những kỳ thi lên đai của các anh lớn, cao đẳng.
Giờ đây, tôi trông vẫn gầy gò, ốm yếu như xưa, nhưng chẳng còn cúi mặt nhìn xuống nữa. Ngược lại tôi lại hay vênh mặt lên, không phải là tôi trở nên kiêu căng, nhưng tôi phải thường xuyên làm vậy để cảm ơn Trời, để xin tha thứ cho những lỗi lầm của con người tôi, và để cầu xin cho quê hương, đồng bào, thân nhân bè bạn, và những người không được may mắn bằng tôi hôm nay.
Ngày xưa thầy Đức đoạt giải vô địch Á châu, nhờ giỏi cả ba phần quyền, đấu và công phá. Ngày tôi thi lên ba đẳng, thầy Đức khen tôi, "Hôm nay Quân đi quyền cũng hay, mà đấu cũng hay!" Tôi biết thầy tôi chẳng bao giờ nói chơi, hay nói dối, vì vậy tôi ước mong thầy tôi sống mãi, để tôi học thêm cho giỏi phần "công phá" nữa, cho đủ bộ "tam sên."
QUÂN NGUYỄN

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,271,399
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến