Hôm nay,  

Duy-trì Tiếng Việt Ở Hải-ngoại

28/06/200600:00:00(Xem: 18627)

Bài số 1045-1654-367-vb4280606

*

Tác giả Ai Cơ Hoàng Thịnh là một nhà giáo tại tiểu bang Victoria, Úc. Bà là người đã vận động đưa được tiếng Việt vào chính khoá và chương trình thi Tú Tài Úc, từ 1983 tới nay; Đã được Úc vinh danh Citizen of the Year 1994 tại Thành phố Footscray) & Teacher of the Year 1997 tại tiểu bang Victoria. Kinh nghiệm nhà giáo đã được bà chia sẻ với bạn đọc qua loạt bài "Nhật Ký Cô Giáo Lớp Cuối Tuần".

* TÌNH-HÌNH CHUNG CỦA CÁC NGÔN-NGỮ SẮC-TỘC

Kết quả nhiều công trình nghiên cứu có uy tín trên thế giới đã cho thấy tầm mức vô cùng quan trọng của việc duy trì và phát triển các ngôn ngữ sắc tộc trong một quốc gia bao gồm nhiều chủng tộc và văn hoá .

Nói cách khác, các ngôn ngữ sắc tộc chính là nguồn vốn liếng quý báu của môt quốc gia đa văn.  Chẳng hạn, về mặt đối ngoại, nó giúp ích đắc lực trong quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại với các nước liên hệ ; về mặt đối nội, nó góp phần củng cố nền tảng gia đình, quan hệ xã hội, giúp quốc gia ấy ổn định và phát triển tốt đẹp hơn.

Do đó, từ đầu thập niên 1980, bộ giáo dục các nước Úc và Gia-nã-đại đã nỗ lực soạn thảo và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách Duy Trì và Phát Triển Tiếng Mẹ Đẻ cho trẻ di dân.  Các chương trình Song Ngữ, Ngôn Ngữ Cộng Đồng, Các Ngôn Ngữ Ngoài Tiếng Anh (Languages Other Than English viết tắt là LOTE ) bắt đầu xuất hiện trong các trường chính mạch. Các chương trình này đòi hỏi giáo viên vừa phải có Cử Nhân Giáo Dục ở Úc & Gia Nã Đại, vừa giỏi tiếng mẹ đẻ, nên chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu. Đại đa số còn lại được giải quyết bằng các trường sắc tộc cuối tuần do chính phủ tài trợ và do các sắc tộc tự đứng ra thành lập, điều hành.

Có thể nói đại đa số các trường chính mạch có đông học sinh Việt ở Mỹ, Úc, Anh, Gia Nã Đại, ... không có chương trình Duy Trì Tiếng Mẹ Đẻ & Song Ngữ.  Chỉ vì, giới hữu trách lý luận rằng : "Đám người tị nạn ấy đã bỏ xứ sở của họ, xin được tái định cư ở đây. Dân chúng đã phải è cổ đóng thuế nuôi họ, lo cho con cái họ ăn học đàng hoàng. Như thế chưa đủ ư" Sao còn phải dốc thêm quỹ duy trì cái ngôn ngữ và văn hoá họ đã từ bỏ" Sao còn phí tiền huấn luyện & trả lương cho các giáo viên di dân để làm công việc phi lý ấy" Sao không mướn các phụ giáo, với phí tổn thấp, giúp trẻ di dân hội nhập mau chóng hơn vào xã hội mới""

* TRONG CỘNG ĐỒNG VIỆT Ở HẢI NGOẠI

Điều rất đáng xót xa là nhiều người trong cộng đồng Việt ở Mỹ, Úc, Anh, Gia Nã Đại,... lại một lòng với tư tưởng sai lầm độc hại cho chính mình ở trên!  Cũng trong khoảng đầu thập niên 1980, nhiều phụ huynh Việt đã lập luận rằng : "Ta đã chọn xứ này làm chốn dung thân thì phải bắt con cái ta dồn thì giờ tâm trí học tiếng Anh để bắt kịp bạn bè  chứ! Giữ tiếng Việt lại thì đầu óc nó lẫn lộn hai thứ tiếng mất!".  Thậm chí, có người còn đánh hay phạt con mỗi khi nó lỡ nói tiếng Việt với mình.  Họ bắt con tập nói loại tiếng Anh bập bẹ, ngọng nghịu từ chính họ.  Họ đâu biết rằng các thày cô Mỹ, Úc, Anh, Gia Nã Đại,... phải mất bao tâm huyết thì giờ để tẩy sạch nét hằn sai bậy hầu có thể bắt đầu lại trang sách mới cho con mình! Họ đâu biết rằng một đứa trẻ trung bình về mọi mặt, còn trong tuổi tiểu học, vững ngôn ngữ mẹ đẻ, được dạy đúng cách, có thể nghe, nói, đọc, viết lưu loát thêm sáu ngôn ngữ khác nữa, chẳng lẫn lộn chút nào.  Họ đâu biết rằng chính họ đã là nạn nhân của một quan niệm giáo dục cổ hủ sai lầm : đợi đến lúc lên trung học, khi các tế bào óc, các bắp thịt liên quan đến việc phát âm đã đi vào nếp của tiếng Việt (như thạch đã đông), mới bắt đầu học sinh ngữ (nấu lại thạch đã đông) nên mới vất vả và ngọng nghịu như thế!  Họ đâu biết rằng năm năm học hỏi đầu đời của một đứa trẻ bằng tiếng mẹ đẻ chính là cái nền móng kiến thức và kỹ năng quan yếu cho toà nhà học vấn cả đời nó.

Chỉ sau đó ít lâu, thực tế đã chứng minh rằng trẻ tiểu học học tiếng Anh rất nhanh, thừa sức đuổi kịp và vượt xa các bạn người bản xứ ; học sinh trung học thì vất vả hơn, còn người lớn thì than : "Tiếng Anh khó quá, học hoài mới nhớ, mà lại mau quên!"

Xin đan cử vài ba ví dụ ở Úc:

- Đến thập niên 1990, so với các sắc tộc khác, cộng đồng Việt tại Úc nổi bật ở hai đầu thái cực. Một bên là những bài báo ngợi khen thành tích tái định cư nhanh nhất, tỉ lệ sinh viên lọt vào y khoa cao nhất, v.v...  Một bên là những bài báo vạch trần sự thật : tỉ lệ phạm nhân gốc Việt ở các nhà tù Úc cao nhất ; giỏi lạm dụng hệ thống an sinh đầy nhân đạo của Úc nhất (Chẳng hạn, vẫn sống chung với chồng mà khai ly dị, để  được hưởng "quyền lợi" của các "bà-mẹ-độc-thân" lẽ ra chỉ dành cho những phụ nữ bất hạnh ; đã phạm tội đi làm lậu, trốn thuế, lại còn khai gian để lãnh trợ cấp thất nghiệp, tức là đang tâm muối mặt cướp phần thuế của những người ngay thật đóng góp dành khi cơ nhỡ).

- Ban nghiên-cứu về tội-phạm-học của đại học La Trobe vào thời gian ấy đã phỏng vấn các phạm nhân và tìm ra nguyên nhân sâu xa của sự phạm tội của họ: "Cảm thấy gia đình là địa ngục, do sự bất đồng ngôn ngữ, tư tưởng và văn hoá với cha mẹ. Cảm thấy mất gốc, vì không hiểu và tự ti về gốc gác mình. Cảm thấy bơ vơ lạc lõng vì muốn trở thành người Úc, nhưng không đổi được màu da màu mắt. Không thuộc về đâu cả, thì làm gì có giá trị, danh dự, truyền thống dân tộc nào để tự hào, gìn giữ và bảo vệ"" 

- Bây giờ, ngay đến phụ huynh có con xuất sắc vượt khó để thành đạt vẻ vang cũng có người hối tiếc : "Uổng quá! Phải chi con tôi giỏi tiếng Việt thì bây giờ thu hút được biết bao thân chủ đồng hương rồi!"

May mà suốt mấy thập niên qua, trong tất cả các cộng đồng hải ngoại, số phụ huynh Việt tin tưởng ở viêc gìn giữ tiếng Việt cho con cái lại chiếm đa số. Họ đã cất công sốt sắng đưa con cái đến các trung tâm Việt ngữ cuối tuần.  Họ đang sung sướng tận hưởng niềm hạnh phúc "thấy các cháu nội, cháu ngoại bi bô, thỏ thẻ tiếng Việt với ba mẹ chúng".  Hoặc : "Dắt các cháu về thăm quê hương, mình không phải làm thông dịch viên, con cháu không trở thành người xa lạ lạc lõng giữa những người thân yêu." Hoặc : "Thời buổi này thật khó kiếm việc.  Nếu không lưu loát cả hai thứ tiếng con tôi đâu lọt vô được địa vị ngon lành ấy."

* CÁC KHÍA CẠNH CỦA VẤN ĐỀ

Cho đến bây giờ, dù thời gian và thực tế đã chứng minh kết quả những cuộc nghiên cứu nhắc đến ở đầu bài viết này là đúng, nhiều phụ huynh vẫn nghĩ rằng : "Tiếng Anh của tôi đâu có thua gì người bản xứ, tôi trao đổi bằng tiếng Anh với con tôi thật dễ dàng, tôi không còn thân nhân ở Việt nam, nó không định làm việc với cộng đồng Việt, thì nó cần gì phải giữ tiếng Việt!". Trường hợp này, chẳng còn gì để chúng ta bận tâm bàn luận, mà chỉ còn nỗi ngậm ngùi : "Tại sao sau cả nghìn năm bị Tàu đô hộ, dân tộc Việt không bị đồng hoá, tạo nên sự kiện phi thường khiến các sử gia trên thế giới trầm trồ ngưỡng phục, mà ngày nay chỉ chút phủ phê cũng đủ khiến ai đó dốc lòng xin đồng hoá, bất chấp ánh mắt ái ngại của chính những người bản xứ hiểu biết""

Đáng lưu tâm giải quyết là trường hợp phụ huynh than rằng: "Tôi rất muốn duy trì tiếng Việt cho con cái tôi. Dù rất bận và trường quá xa nhà song cuối tuần nào tôi cũng cố dành thì giờ đưa con cái đến các trung tâm Việt ngữ.  Nhưng các cháu làm biếng, tìm đủ mọi cớ thoái thác, không chịu đi, nói rằng tiếng Việt khó học và học chán quá." 

Sự thật là, trong trường chính mạch, đại đa số trẻ Việt nổi danh là giỏi chăm và ngoan. Nếu từ Thứ Hai đến Thứ Sáu trẻ hăm hở đi học, có khi bịnh cũng không chịu ở nhà, mà chỉ sợ lớp cuối tuần thôi, thì hoàn toàn không phải lỗi ở trẻ đâu.  Chúng ta thử bình tâm xét lại và nghiêm chỉnh giải quyết những vấn đề như: 

1. Đội ngũ giáo viên và phụ huynh có được hoàn cảnh thuận tiện để thường xuyên cập nhật kiến thức, chương trình & phương pháp dạy, cho bắt kịp với đà tiến triển tất nhiên của xã hội loài người " 

2. Các em có đang bị cha mẹ vô tình hợp lực với thày cô bắt ỳ ạch đẩy xe bò giữa thời buổi văn minh cơ giới, cho rằng như thế mới là "chăm, ngoan"" 

3. Trong ban điều hành của trung tâm mình có vị nào khăng khăng đắc ý với lý sự cùn và ngang: "Xứ này dân chủ.  Tui  thích tồn cổ, thích đi xe bò, cớ sao bắt ép tui phải chạy theo thời thượng một cách phi dân chủ" "

4. Trong đội ngũ giáo viên của trung tâm mình có vị nào cố tình lấp liếm sự yếu kém bản thân bằng cách đánh trống la làng : "Chính phủ này thật ngu dốt! Cứ đổi chương trình luôn xoành xoạch! Coi tui nè, biết chương trình nào cũng chỉ thọ ba năm, nên tui đâu thèm theo. Tui thấy rõ là có ráng bỏ xe bò, tập  đạp xích lô thì ít lâu sau cũng phải dẹp xích lô để học cỡi xe gắn máy. Khi vừa quen xe gắn máy thì lại bị khuyến cáo là phải biết lái xe hơi. Rồi đến lượt xe hơi cũng sẽ bị thay thế bằng máy bay, hoả tiễn, và gì gì nữa. Vậy tui ngu gì phí thì giờ đi học lái mấy thứ sẽ bị dẹp bỏ đó, tui cứ xe bò tui lái cho chắc ăn và khoẻ thân!" "

5. Nếu trung tâm mình may mắn bao gồm toàn những thày cô và phụ huynh có tâm huyết và tinh thần cầu tiến, thì những buổi tu nghiệp có thực tiễn và hiệu quả không" Người hướng dẫn chỉ dùng phương pháp thuyết trình (dạy lái xe bằng cách chỉ thao thao diễn dịch từng chữ từng câu trong cẩm nang dạy lái xe) hay thực nghiệm (cho học viên thích thú ngồi trước tay lái để thực sự tập lái) "

6. Trong cộng đồng địa phương, có hiện tượng "thừa nước đục, thả câu" và "đục nước, béo cò", có các tay buôn biết khôn khéo lợi dụng hoàn cảnh các thày cô chỉ là những người thiện nguyện, nghiệp dư, và lợi dụng lòng phó thác của phụ huynh, để làm giàu bằng cách in bán tràn lan những "sách giáo khoa" đã quá lỗi thời cho mấy chục ngàn học trò, từ năm này sang năm khác" Thậm chí, có các tay gian thương dám ngang nhiên tự phong ngoài bìa sách là "Giáo sư Tốt Nghiệp Đại Học Sư Phạm Saigon" dù chưa hề được bước chân vào đại học ấy ngày nào, hoặc là "giáo sư trường chính mạch" dù chỉ là một trợ giáo không chút bằng cấp "

7. Trong cộng đồng địa phương, có tổ chức/ nhân vật nào đủ uy tín để kết hợp nhiều trung tâm thành "liên trường" nhằm trao đổi các kiến thức cập nhật, các kinh nghiệm quý báu, các tài liệu và trợ huấn cụ với nhau" Thay vì tiếp tay làm giàu cho bọn gian thương, bắt học trò mua độc nhất môn thuốc Xuyên Tâm Liên để trị bá bệnh là cuốn "sách giáo khoa" cổ lỗ kia, thì hợp lực, phân công soạn thảo ra những bộ sách theo chủ đề, áp dụng các phương pháp mới, đầy sinh động, đáp ứng nhu cầu học hỏi của từng cá nhân học sinh trong mỗi lớp, mỗi trình độ "

TẠM KẾT LUẬN

 Xin các phụ huynh đừng quên rằng mình chính là thày cô giáo đầu tiên và quan trọng nhất của con cái. Trong trường hợp không thể đưa con đến trung tâm tiếng Việt, thì vai trò "thày cô giáo môn tiếng Việt" của cha mẹ, ở nhà, lại càng quan trọng.

Trình độ tiếng mẹ đẻ của các thế hệ sinh ở hải ngoại sẽ mỗi ngày một kém đi, nhất là khả năng đọc và viết, nên phụ huynh và thày cô giáo càng cần tìm hiểu và sử dụng những phương pháp sinh động, hợp thời nhằm thu hút sự say mê học hỏi của trẻ, để dạy tiếng Việt cho các em một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

 Ban Điều Hành các trung tâm Việt ngữ ở mỗi học khu/ tiểu bang cần ngồi lại với nhau, bàn kế hoạch nâng cao phẩm chất các lớp tiếng Việt, trao đổi kinh nghiệm điều hành, hợp lực soạn thảo chương trình cập nhật, tiến hành các khoá tu nghiệp hữu ích & thực dụng, lọc lựa đội ngũ giáo viên thực sự có khả năng và tâm huyết, phân công soạn tài liệu & học cụ đáp ứng nhu cầu học hỏi của từng học sinh trong từng cấp lớp, rồi chia sẻ với nhau.

Đoàn kết như thế thì tiếng nói chung rất mạnh mẽ, dễ khiến Bộ Giáo dục và chính quyền các cấp lắng nghe, tôn trọng và hỗ trợ. "Có thực mới vực được đạo", có được nguồn tài trợ dồi dào từ chính phủ và sự đóng góp hợp lý từ phụ huynh, công tác duy trì ngôn ngữ và văn hoá Việt nơi hải ngoại ắt sẽ dễ dàng và thành công hơn.

 Ai Cơ Hoàng Thịnh

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,219,680
Nhạc sĩ Cung Tiến