Hôm nay,  

Cha Là Niềm Tự Hào Của Con.

16/06/200600:00:00(Xem: 137426)

Người viết: HOÀNG YẾN

Bài số 1035-1644-357-vb6160606

*

Tác giả tên thật là Nguyễn Hoàng Yến, sinh năm 1949 hiện cư ngụ tại San Jose và đang là nhân viên thẩm mỹ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Tìm bạn bốn phương", một chuyện tâm tình. Sau đây là bài viết thứ 9 của bà, với ghi chú: “Để nhớ  Ngày Phụ Thân & 19 tháng 6: Ngày Quân Lực VNCH.”

*

Tôi có hai người bạn: Khang và Dũng. Tôi biết Khang vào một ngày  mùa Hạ trong chương trình Chiều Vui Đại Học tại Sàigòn. Lúc đó Khang đang là sinh viên Luật khoa. Hiền hoà và ít nói, Khang thỉnh thoảng đến nhà tôi. Thường chúng tôi gặp nhau ở quán cóc. Cái thuở tuổi xanh còn nhiều ước vọng. Khang nói sau nầy nhất định phải làm luật sư giỏi. Hầu góp phần thực hiện sự công bằng cho đời. Nhưng sau ngày 30 tháng 4 chúng tôi mới biết cha của Khang hoạt động nội thành. Cái kiểu " ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản" ai mà hiểu được. Từ đó, tôi không còn gặp Khang. . .

Với Dũng, chúng tôi thân nhau từ lớp Đệ Thất. Dũng sống với Bà Nội vì nhà Dũng ở quê. Những năm cuối của thập niên 60: đất nước, mỗi gia đình người dân Nam Việt Nam khó khăn lắm. Quê Ngoại  Dũng ở Long An, quê Nội ở tận Xóm Cồn Phan Thiết. Đầu năm Đệ Lục, Dũng nghỉ học một tuần vì cha chết trận. Dũng còn có một người em gái nhỏ tên Quế Thi. Từ đó, hằng ngày Dũng đến nhà tôi. Dũng cũng gọi cha tôi là cha nghe thân thiết.

Tôi là con trai cả trong một gia đình năm con. Cha tôi kể rằng người nhập ngũ từ khi còn rất trẻ. Rồi lần lươt bốn người chú của tôi đều khoác áo nhà binh: Chú Hai lính Hải quân, chú Ba Biệt Động quân, chú Tư  Pháo binh, chú Năm cùng trường Bộ Binh Thủ Đức với cha tôi sau 4 khoá.

Ông Nội tôi giàu có. Ruộng đất nhiều. Nhưng vốn người ít học. Phải đem tiền mua chức lý trưởng trong làng. Ông bảo:

- Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp. Trong nhà dù mâm cao cỗ đầy đâu bằng chừng đó danh thơm. "

Ông tôi cứ nhắc đi nhắc lại với các con:

- Cha là người quan trọng trong làng. Sau nầy anh cả (tức cha tôi) phải quan trọng nhất tỉnh. Làm sao cho thế hệ thứ ba thứ tư của nhà mình phải quan trọng nhất nước. Con hơn cha nhà có phúc mà!

Cha tôi không nghĩ điều dặn dò của Ông tôi là tham vọng. Cha tôi cố gắng học thật giỏi. Đỗ Tú Tài II, vào Đại Học Sư Phạm. Người nổi tiếng là Giáo Sư Toán nghiêm khắc và cũng đầy lòng tận tuỵ với học trò. Nhưng rồi tháng ngày binh lửa cận kề. Cha tôi cũng lên đường làm bổn phận người trai thời chiến ... Từ Trường Bộ Binh Thủ Đức ra, người đi về miền cao nguyên đất đỏ, đi khắp bốn vùng chiến thuật. Từ Qui Nhơn vượt lộ 19 lên Pleiku, xuôi theo đường 14 đi Kontum, Dakto. Rồi Phước Long, Hạ Lào đến Đồng Xoài, Bình Giả. Từ Quảng Trị đến bên nầy  cầu Hiền Lương. Từ Long An đến Bến Tre. Hạnh phúc giữa cam go mà có là cha tôi ở đâu mẹ tôi ở đó. Năm anh em chúng tôi ra đời trong mọi vùng bom đạn tơi bời ấy: Anh Hùng, Anh Tài, Anh Minh, Anh Kiệt và lúc em Tố Lan chào đời cha tôi vừa được thăng cấp Đại Uý sau một trận chiến thập tử nhất sinh. Trận chiến đó kỳ thú nhất trong cuộc đời quân ngũ của cha vì được Tác giả Bạch Hạc nhắc lại trong cuốn"Chiến lược lùng và diệt của Tướng Westmoreland".

Mỗi lần cha từ chiến trường về, Mẹ và chúng tôi vô cùng sung sướng. Hồi đó, tôi hay đội cái mũ của cha lên đầu. Một tay cầm thước kẻ có cột chéo chiếc đũa. Nâng súng giả lên giả bộ bắn"pằng, pằng". Cha tôi cũng giả bộ giảy chết. Mẹ tôi không vui về trò chơi đó nên nấu cơm nhanh để cha con kết thúc cuộc chơi. Cha thường đặt tôi ngồi trên đùi, dù tôi đã 9 tuổi. Cha hỏi:

- Sau này lớn lên con sẽ làm gì"

Tay tôi vân vê ve áo của cha:

- Con làm lính.

Cha tôi nhìn Mẹ cười vui vẻ:

- Em thấy chưa" Lại nghiệp nhà binh! Đúng là giỏ nhà ai quai nhà nấy!

*

Ngày vui không dài. Tháng 4 năm 1975 như một vòng tròn định mệnh thách thức niềm tin yêu, lòng thuỷ chung và hy vọng của mỗi gia đình. Mà mỗi  cá nhân đều dường như ở tâm điểm.

Mặc cho vòng tròn siết chặt, siết chặt: điên đảo, cuồng quay. Suốt thời gian trong quân ngũ, cha tôi không có một căn nhà riêng. Dù "tiền lính, tính liền" nhưng mẹ bảo chưa lần nào thấy cha không vui. Từ chiến trường trở về cha tôi luôn mang theo nụ cười. Nụ cười tươi với hàm rămg trắng và đẹp như răng con gái. Cha tôi không biết hút thuốc! Có lần, quà Sinh nhật Mẹ tôi là một cánh lan rừng sắp héo vì cha về muộn. Vậy mà vẫn hạnh phúc và rất vui. Mẹ tôi hân hoan:

- Làm vợ lính là thế đó.

Cả năm anh em chúng tôi 11 năm mới tổ chức chung sinh nhật duy nhất một lần. Một lần thôi. Cha bảo:

- Con lính mà! Chờ thanh bình cha sẽ bù lại cho.

Đau đớn thay "ngày thanh bình" đến, cha tôi phải xa nhà đằng đẳng nhiều năm. Bao nhiêu quân trang, quân dụng, huân chương còn trong nhà Mẹ tôi đem cất giấu thật kỹ. Mẹ bảo:

- Nhất định cha sẽ về.

Cùng trại lao động khổ sai, có những bạn tù của cha tôi không chịu nỗi sơn lam chướng khí nên vĩnh viễn không về. Cũng có những người được trở về ít lâu sau thì mất vì kiệt sức. Trong chiến trận cha tôi anh dũng, kiêu hùng. Lúc sa cơ, người biết cách luyện khí công, cộng với nội lực của Đệ Nhất Đẳng Huyền Đai - Việt Võ Đạo. Người bảo: Tất cả là thời gian và sức chịu đựng của con người. Tôi tự hào về cha tôi điểm đó. Tinh thần thượng võ  cũng được bày tỏ qua cung cách sống của cha tôi - Lúc nào người cần giúp cũng sẵn sàng giúp người. Những trang nhật ký của cha tôi mà tôi còn giữ được đã thực sự khiến lòng tôi trân quí và khâm phục.

*

Ngày. . tháng. . .năm. . .

Những tấm không ảnh cho chúng tôi biết nhiều đơn vị địch xâm nhập vô Nam qua đường Nam Lào. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II tổ chức một cuộc hành quân. Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 42 biệt lập được chỉ định tham gia cuộc hành quân. Từ sân bay Phượng Hoàng, những chiếc UH 1B đưa chúng tôi vào trận địa. . . Viên Đại Uý cố vấn nói với tôi như là hỏi:

- Leave at 10 o'clock.

Tôi gật đầu trả lời:

-  That 's right.

. . .

Đồi 915 đã xuất hiện phía trái... 15 phút sau, viên phi công cho giảm cao độ rồi vẽ một vòng tròn quanh mục tiêu. Đưa  mắt kiểm soát những thuộc cấp lần chót. Xốc lại dây súng và cầm chặt tấm bản đồ hành quân trong tay trái, tay phải đập nhẹ vào vai viên phi công trưởng rồi gào trong tiếng gầm rú của động cơ máy bay:

- We're ready, captain!

Bằng thủ hiệu viên phi công trưởng trả lời:

- OK

Chúng tôi đã đổ quân an toàn trên đồi 915 để hướng về Hạ Lào... Tôi đã đến với rừng núi Hạ Lào nhiều lần như vậy...

Năm 1966 của những ngày tháng cam go nhưng phỉ chí nam nhi. Tôi đến Hạ Lào. Đến khu rừng nhiệt đới. Cảnh ở đây đẹp và yên tĩnh. Rừng Dầu mật, Bằng lăng với hoa tím và cành lá giao nhau, tạo thành những cây lọng che, không để tia nắng mặt trời lọt được xuống mặt đất ẩm. Vùng đất này loài tảo không tồn tại... Chỉ có gió dạo khúc nhạc rừng thật nên thơ...

Vật đổi sao dời. Đời trai chưa thoả chí tang bồng vớI 10 năm chinh chiến... Tôi lại đến với rừng. Một khu rừng nhiệt đới khác. Cũng tương tự như rừng của đất Hạ Lào âm u - Rừng Phước Long cùng những nhọc nhằn của kiếp đoạ đày.

Trại chúng tôi có khoảng 200 tù chính trị. Được "bảo vệ" bằng ba lớp rào. Mùa mưa  chúng tôi "được" sản xuất lương thực. Mùa nắng thì "được" xây dựng nhà giúp dân vùng kinh tế mới.

Cuộc sống đày ải khổ sai của lao tù Cộng sản đã nhiều làm ngã lòng và gây ngờ vực giữa một số anh em bạn tù. Cho nên, dù đồng cảnh nhưng không đồng tâm. Có lúc phải đồng ý nhưng không một lòng. Tôi tự hỏi: Nên tiếp tục cúi đầu chịu đựng hay cần tìm một lối thoát đây" Ý nghĩ đó làm tôi từng ngày đêm nghe ray rứt... Phải quyết định thôi! Tôi gợi chuyện cùng một người bạn tù tin cậy nhất. Anh nhiệt tình ủng hộ và hối thúc tiến hành ngay. Sau đó, tôi tuyển thêm một người nữa. Chúng tôi họp bàn kế hoạch. Khẩu hiệu được chọn là: chuẩn bị kỹ - thành công. Cả nhóm ba người đều đồng ý ba vấn đề ưu tiên phải có và xếp theo thứ tự:

1/ Cần có sức khoẻ tốt, bền bỉ.

2/ Phải đủ lương thực cho ba ngày đường.

3/ Phải có ít thuốc ngừa bệnh.

Sau cùng, cả nhóm chọn ngày gặp nhau tại điển hẹn. Hai chữ nguyễn lộc được tôi viết vào tờ giấy, kẹp ngay ngắn trên nhánh cây rừng... Ba chúng tôi quì xuống thề:

-Tuyệt đối không phản bội.

- Hết lòng trong mọi hoàn cảnh.

Thế là lớp vovinam việt võ đạo khai giảng tại rừng Bù Gia Mập với một thầy hai trò. Vì chương trình đặc huấn trong tình huống cấp bách và bí mật nên môn học gồm có:

- Đòn tay: Khoá, gỡ dao, mã tấu, súng, côn.

- Đòn chân: từ thấp lên cao.

- Chạy bộ.

Sáu tháng gian khổ tập luyện chóng qua. Một hôm, có tên "chó chết" bắt gặp chúng tôi đang thao luyện. Sợ lộ, chúng tôi quyết định phải hành động ngay trong đêm ấy.

*

Cơn mưa rừng thật lớn ập đến như để hổ trợ cho những kẻ khốn cùng: Chúng tôi vượt trại! Tiếng mưa sao mà thê thiết thế. Tiếng nước chảy ào ào, xoá mất dấu chân rời xa trại trong đêm mưa gió mịt mùng.

Xin cám ơn cơn mưa. Vĩnh biệt vết chân lưu đày! Xin cám ơn những lời Võ Đạo. Xin cảm ơn môn phái đã rèn cho chúng tôi một thể chất rắn rỏi, một sự chịu đựng như thép. Xin cảm ơn Quân Trường Thủ Đức đã cho tôi những kiến thức cần thiết của một chiến binh. Nhờ thế, chúng tôi vượt thoát được ngục tù Cộng sản.

Ngày nay, chúng tôi có mặt trên phần đất của thế giới tự do sau cuộc hành trình dài nửa vòng trái đất. Những ngày mưa trên Washington hiền hoà thường đưa tâm tư tôi trở về vùng rừng núi Hạ Lào hay rừng Phước Long. Những năm tháng trầm luân theo vận nước, tôi vẫn còn niềm tự hào của một người lính và của một môn sinh vovinam.

***

Tôi lại hồi tưởng. . .

Trong ba năm đầu sau biến cố 30 tháng 4, 1975 phải nói Mẹ và năm anh em tôi điêu đứng.. Cha tôi không về nhà dù là về thất thường như hồi ra trận. Cuộc sống ở vùng quê không dễ gì quen. Hàng ngày, năm anh em tôi tự chăm sóc lẫn nhau. Mẹ xới đất và geo trồng. Tôi là anh cả nên vừa là đầu bếp vừa làm "vú em kiêm quản gia".

Ở nhà vất vả. Tới trường khó khăn. Vì là con của Sĩ quan "nguỵ". Dù vậy, chúng tôi đều được đi học. Có hôm tan trường về thấy bé Tố Lan ngồi chơi chung với mấy chú heo con. Tôi thật muốn khóc mà không khóc được. Tuổi thơ của em gái tôi không có búp bê. Không có thú nhồi bông. Không có kẹo chocolate. Không có các bạn nhỏ để cùng chơi cò chập, ô quan, nhảy dây, bày bán hàng. Tuổi thơ của anh em tôi không có những cánh diều bay trong gió chiều thôn dã. Không có sân để đá bóng. Lây lất rồi cũng qua. . . .

Bảy năm!

Bảy năm là chớp mắt,

Ôi! Mai mỉa làm sao!

Cha còn gì để mất"

Ngoài một trái tim đau.

**

Vợ hiền giờ xơ xác,

Con thơ nheo nhóc buồn

Gặp nhau rơi nước mắt,

Vận nước, nhà: tang thương!

**

Từ trại tù về, cha tôi đi Long An chăn vịt.

Mỗi ngày, khi chiều xuống, dùng một cây sào dài lùa vịt băng ngang qua cánh đồng lúa vừa mới gặt. Gót giày sô từng xông pha chiến trận thì những vết cứa từ gốc rạ có đáng gì đâu!

Sau này, cha tôi kể:

- Chăn vịt cực mà vui. Mỗi lần nhìn đàn vịt di động, lố nhố như lượn sóng trắng nhấp nhô cha thấy nhớ trường lớp. Nhớ bảng đen phấn trắng. Nhớ những buổi tan trường . Và... tưởng tượng đó là đám học trò mình. . .

Năm 1987 tôi vượt biên bằng đường bộ. Sang Thái Lan, đi Philipine rồi đến Mỹ.

Một mình tôi. Tuổi đời chưa đủ lớn. Đến vùng đất lạ. Lạ cảnh, lạ người. Không cùng ngôn ngữ, tập  quán.

Tôi đã sống trong ơn lành của Thượng Đế: vừa đi học vừa đi làm. Năm năm sau nữa, cả nhà đoàn tụ. Dù tuổi ngoài năm mươi, cha tôi vẫn khát khao và quyết định đi học.

Mẹ tôi hơi lo:

-Học ba, bốn năm ra trường. Anh sẽ làm gì với bằng cấp đó" Anh tính lại đi anh.

Cha tôi cười khiêm hoà:

- Anh biết! Anh không phải là giáo sư trực tiếp dạy ngôn ngữ văn minh nước Mỹ hay định hướng tương lai cho các con. Nhưng anh muốn nêu gương hiếu học cho các con noi theo. Em à, dù ở tuổi nào, sự học vẫn luôn cần thiết! Hồi trước, cha anh giàu ngang, nhưng xuất thân từ dòng tộc nghèo nên thiếu chữ. Đời anh sương gió cũng nhiều. Vì chiến tranh, đường học vấn gần 20 năm gián đoạn. Cám ơn Thượng Đế là qua những năm lao tù, Cộng Sản không thể nhuộm đen hay "tẩy não"  anh được. Con tim có vết hằn nhớ đời nhưng khối óc  còn tốt mà.

Ba năm sau. Nhìn tấm ảnh cha ngày ra trường, Mẹ tôi nói như trách yêu:

- Gớm! Nhìn xem! Mặt tròn quay lại cười tớn tởn và tươi như bông nylon ấy.

Thoáng chút buồn Mẹ tôi nhớ lại mấy năm cơ cực lo cho chồng, cho con khi chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ. Về sau, cả năm anh em chúng tôi đều bước chân xuống cuộc đời từ thềm Đại Học. Người vui vẻ nhất là cha tôi. Còn chúng tôi, chúng tôi hiểu cha tôi thật là người cha toàn hảo. Nói như thế có quá đáng chăng" Nếu người đã từng là một nhà giáo nổi tiếng trong học đường. Một vị Sĩ Quan chỉ huy tài ba ngoài trận mạc. Một võ sinh xuất sắc ở võ đường. Một sinh viên già nhất trong lớp của trường Đại Học Mỹ giữa Cộng Đồng người Việt.

Cha thật là niềm tự hào của chúng tôi. Cảm tạ Thượng Đế vì Ngài cho cha tôi từ chiến trường trở về nguyên vẹn. Từ trại tù trở về bình yên. Gìn giữ và dẫn đưa cả gia đình tôi đến vùng đất tự do.

Ngày nay, cận kề với tuổi "thất thập cổ lai hi" cha tôi vẫn còn nét cương nghị trong tia nhìn, quắc thước trong dáng vẻ. Vẫn phong cách sống bình lặng: thương người, yêu lý tưởng cuộc sống. Trong sinh hoạt cộng đồng, cha tôi không nổi bật nhưng người luôn luôn tìm cách dự phần những khi cấp thiết. Cả năm anh em tôi đều khẳng định: Cha là niềm tự hào của chúng tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,227,211
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến