Hôm nay,  

Nhật Ký Cô Giáo Lớp Cuối Tuần

04/05/200600:00:00(Xem: 147520)

Người viết: AI CƠ HOÀNG THỊNH<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Bài số 1001-1610-323-vb4030506

 

*

 

Tác giả Ai Cơ Hoàng Thịnh là một nhà giáo tại tiểu bang <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Victoria, Úc. Bà là người đã vận động đưa được tiếng Việt vào chính khoá và chương trình thi Tú Tài Úc, từ 1983 tới nay; Đã được Úc vinh danh Citizen of the Year 1994 (Thành phố Footscray) & Teacher of the Year 1997 (Tiểu bang Victoria).

 

Sau đây là bài thứ hai trong  loạt bài “Nhật Ký Cô Giáo Lớp Cuối Tuần”, được viết với tâm nguyện chia sẻ kinh nghiệm của một Teacher of The Year, trong việc góp sức duy trì ngôn ngữ & văn hoá Việt cho những thế hệ trẻ tại hải ngoại một cách hiệu quả nhất.

 

*

 

Thứ Bảy ... tháng ... năm 2006

 

Vì nhà tôi khá xa trường, tôi luôn cố gắng căn giờ để dù có kẹt xe cũng tới trường sớm ít nhất nửa giờ. Tôi muốn tránh cho mình tình trạng phải phóng xe vội vã trong nỗi hồi hộp lo âu sợ trễ; hoặc hớt hải tới trường vừa sát giờ dạy; hoặc tệ hơn, tới sau khi chuông vào lớp đã reo! Kinh nghiệm cho tôi biết, chính trong ít phút thày cô đến muộn này, những chuyện bất trắc - do một vài em hiếu động gây nên - lại thường hay xảy ra nhất, và hậu quả pháp lý ở xứ sở này thì thật khôn lường!

 

Thực sự là tôi luôn muốn bắt đầu một buổi làm việc với tinh thần thư thái, an vui. Bởi tôi hiểu rằng thái độ của thày cô ảnh hưởng trực tiếp đến không khí của lớp học và tất nhiên tác động mạnh mẽ đến tâm lý và việc học hành của đám học trò.

 

Trường Trương Vĩnh Ký (cuối tuần) không được phép thuê máy photocopier của St Luke (trường chủ nhà), nên bài vở định phát cho học sinh tôi đã phải lo in trước ở Officeworks từ trong tuần. Nửa giờ đến sớm này chủ yếu được dùng để chuyện trò, chia sẻ kinh nghiệm và tư liệu giảng dạy với các bạn đồng nghiệp.

 

Gặp những bạn  cùng nuôi chí hướng thay lối dạy từ chương bằng phương pháp sinh động, tôi hân hoan phấn khởi như "cá gặp nước".

 

Với những bạn chỉ cần "món ăn liền" - nghĩa là hỏi xin các bài vở tôi đã soạn cho 5A để đem về dạy lớp họ - tôi cũng vui vẻ tặng ngay. Biết rằng "tặng cá, chỉ giúp nhau một bữa no ; hướng dẫn cách câu cá, mới giúp nhau lâu dài", song tôi vẫn hy vọng sau một thời gian quen "nếm vị cá ngon", các bạn này sẽ bắt đầu muốn tìm hiểu "cách câu cá".

 

Còn với những bạn tỏ ra bất mãn hay lo ngại trước chính sách mới của bộ Giáo dục, ít nhất tôi có cơ hội trực tiếp lắng nghe và chia sẻ những ấm ức hay băn khoăn của họ, để rồi lựa lời phân giải :

 

- Thời gian không bao giờ dừng lại. Xã hội chung quanh chúng ta cũng không ngừng biến chuyển. Tại sao chúng ta lại lo buồn thay vì vui mừng khi thấy bộ Giáo dục nỗ lực trang bị cho chúng ta kiến thức và kỹ năng cập nhật, nhằm đào tạo nên những thế hệ biết thích ứng với đà tiến triển tất nhiên ấy" Về phương pháp, trẻ đã quen được học theo lối sinh động trong trường chính, lẽ nào ở trường cuối tuần chúng ta cứ bắt trẻ ỳ ạch kéo xe bò giữa thời buổi văn minh cơ giới" Về tư liệu, nếu hết năm này sang năm khác chúng ta cứ bổn cũ soạn lại hoài, bất chấp sự thay đổi của từng đợt học sinh và nhu cầu khác biệt của mỗi em, thì có khác chi hiện tượng đem duy nhất môn thuốc  Xuyên Tâm Liên phát cho hàng loạt bệnh nhân, bất chấp họ bệnh gì! Về đề tài giảng dạy, tại sao chúng ta không chọn những đề tài có tính cách thời sự nóng hổi, gần gũi với học sinh để hấp dẫn các em và tận dụng được nguồn tư liệu dồi dào chung quanh" Chẳng hạn, trong khi cả nước đang nao nức với Thế Vận Hội diễn ra ngay tại Mỹ, báo chí, truyền thanh, truyền hình đang ồ ạt cung cấp bao nguồn tin tức hình ảnh quý báu, thì tại sao chúng ta không nắm lấy đề tài nóng hổi này để dạy tiếng Việt cho các em"

 

Trước khi chuông vào lớp reo, tôi thường dành ra vài phút ghi Tóm Lược Các Sinh Hoạt Chính của buổi học lên góc trái bảng. Tương tự như Nghị Trình (Agenda) của một phiên họp thông thường, bảng Tóm Lược này giúp học sinh biết trước tiến trình của cả buổi học và thời lượng dự trù cho từng sinh hoạt. Ngoài ra, vào cuối ngày, bảng Tóm Lược còn giúp cô trò tôi nhanh chóng duyệt lại và đánh giá kết quả của cả buổi học nữa.

 

Để điểm danh, hôm nay lớp 5A đồng ý chào nhau theo thứ tự tên từ Y ngược lên A, và câu chào đổi từ: "Chào Yến, bạn có khoẻ không"" sang: "Chào Yến, hôm nay bạn đi học bằng phương tiện gì""

 

Điểm danh xong, chúng tôi bước vào sinh hoạt đầu tiên: "Hãy tự vẽ kiểu và trang trí một mẫu huy chương vàng, bạc hay đồng". Tôi phát cho các em bìa cứng và nhiều sợi dây nơ óng ả đủ màu. Dĩ nhiên em nào cũng bắt tay vào việc với  tràn đầy hứng khởi, hăng say, vì có cơ hội thi thố tài sáng tạo và hoa tay của mình.  Còn tôi, khi đi đến từng bàn để hỗ trợ các em, tôi đã không khỏi thốt lên những lời trầm trồ thán phục! Phải công nhận là các em giàu sáng kiến và khéo tay hơn tôi nhiều lắm.

 

Ngoài mục đích nghệ thuật, sinh hoạt này còn giúp các em biết chọn những từ ngữ Việt thích hợp để nắn nót viết lên mẫu huy chương của mình nữa. Ví dụ, "Huy Chương Vàng, Giải Thể Vận Nữ", "Huy Chương Bạc, Giải Bóng Bàn Đơn Nam", "Huy Chương Đồng, Giải Chạy Đua 100m", v.v...

 

Làm xong, cả lớp ngồi thành vòng tròn, lần lượt từng em giơ huy chương lên cho cả lớp xem và góp ý. Quy ước khi góp ý là: "Nếu khen, cần cắt nghĩa tại sao. Nếu chê, phải có ngay đề nghị sửa đổi".  Sau đó, tôi bảo các em bày huy chương trên bàn mình chứ chưa được đeo lên cổ.

 

Rồi chúng tôi bước sang phần Tập đọc: "Thư gửi lực sĩ mình ái mộ nhất". Tôi chia lớp thành 5 đội thi đua và phát cho mỗi đội một lá thư mẫu do tôi soạn sẵn bằng mật mã. Chẳng hạn, thay vì viết chữ "Bạn" thì tôi vẽ cái bàn rồi viết "+ ." (thêm dấu nặng) và "  ` " (bớt dấu huyền) bên cạnh; thay vì viết chữ "thân" thì tôi viết "+ th" và "  ch" rồi vẽ cái chân ; thay vì viết chữ "mến" thì tôi viết "+m" và "  n" rồi vẽ cây nến. Cuộc thi đua giải mã lá thư mẫu khiến công việc "tập đọc, tập đánh vần" nhàm chán trở thành một sinh hoạt vô cùng hào hứng. Đội giải mã nhanh và đúng nhất được tôi mời lên trước lớp, trang trọng đeo huy chương lên cổ, trong những tràng pháo tay của cả lớp.

 

Khi đến phần tập viết : "Hãy viết thư cho lực sĩ em ái mộ nhất" thì các em đã được trang bị sẵn ngữ vựng và cách trình bày một lá thư rồi. Không em nào phải ngồi thừ người cắn bút, hay vò đầu bứt tóc, rồi để giấy trắng. Điều này rất quan trọng cho chủ trương "khen-thưởng-không-sót-em-nào" của tôi. Tôi ân cần đến tận nơi khuyến khích từng đội, đặc biệt quan tâm phụ giúp các em yếu. Tôi cố ý tìm ra ưu điểm của những đội chưa được đeo huy chương, để có lý do chính đáng lần lượt mời từng đội lên trước lớp, khen ngợi và đeo huy chương cho các em. Chẳng hạn, đội A có tinh thần hợp tác cao, đội B luôn cố gắng cầu tiến, đội C có nhiều sáng kiến và đội D viết được lá thư hay nhất.

 

Thứ Bảy ... tháng ... năm 2006

 

Hai mươi năm nay tôi chỉ làm việc trong dòng chính mạch, nên những phút chuyện trò với đồng nghiệp tại trường Trương Vĩnh Ký đã giúp tôi dần dần làm quen và hội nhập vào nề nếp trường cuối tuần.

 

Bên cạnh đó, tôi cũng mau chóng khám phá ra lắm ngộ nhận khá li kỳ. "Cỏ bên kia đồi bao giờ cũng xanh hơn cỏ dưới chân mình" ; các đồng nghiệp cuối tuần đinh ninh rằng chương trình tiếng Việt trong dòng chính mạch được hưởng quá nhiều lợi thế : trường lớp của mình chứ không phải đi thuê, phương tiện vật chất quá dồi dào, giờ giấc dạy và học trải dài nguyên tuần, môn học được tôn trọng hơn vì nằm trong chính khoá,  ...

 

Họ đã kinh ngạc biết bao khi nghe tôi nói ra sự thật. Rằng các thày cô dạy tiếng Việt trong chính khoá thường không có phòng lớp riêng, mà phải khệ nệ ôm thùng tư liệu "chạy sô" từng giờ! Rằng ngân khoản mỗi năm nhà trường chia cho môn tiếng Việt rất ít ỏi! Rằng số lượng giờ dạy mỗi tuần cho mỗi lớp chỉ vỏn vẹn từ 30 đến 50 phút chứ không được 150 phút như ở trường cuối tuần! Rằng thành phần  học sinh mỗi lớp bao gồm nhiều sắc tộc và trình độ chứ không thuần là trẻ Việt và cùng trình độ như ở trường cuối tuần! Rằng vấn đề điều hành lớp và giữ kỷ luật ở trường chính rất là điên đầu và nhức tim! Rằng tiếng Anh của thày cô phải đủ vững để chẳng những thu phục được đám học trò ranh mãnh thích chọc ghẹo phá rối, mà còn thu phục được những phụ huynh khó tính, ưa than phiền, thích thưa kiện! V.v...

 

Rõ ràng, sứ mệnh giữ gìn ngôn ngữ và văn hoá mẹ cho các thế hệ trẻ Việt tại hải ngoại nằm trong tay các trường Việt ngữ cuối tuần (chiếm tuyệt đại đa số học sinh) chứ không phải trong dòng chính mạch.

 

Điều đáng mừng là, sau 30 năm định cư, các cộng đồng hải ngoại đã tổ chức được vô số trung tâm Việt ngữ cuối tuần và thu hút được đông đảo học sinh cũng như thày cô thiện nguyện. Những bước khó khăn nhất đã qua, nề nếp đã thành hình, ngày nay chúng ta chỉ có bổn phận tiếp tục công trình ấy.

 

Điều đáng quan ngại là, đa số trẻ tiểu học tuy đành phải đến lớp Việt ngữ theo sự định đoạt của cha mẹ, nhưng khi lớn lên, có cơ hội chọn môn, các em lập tức né môn tiếng Việt! Sĩ số học sinh ghi danh học tiếng Việt giảm đột ngột ở lớp Bảy và sụt thê thảm từ lớp 10. Điều cần nhấn mạnh là: hiện tượng đau buồn này không hề xảy ra cho các ngôn ngữ khác! Sự kiện nhiều chương trình tiếng Việt bị cắt đi vì không có học sinh khiến thày cô giáo bị mất việc chỉ là hậu quả tức thời. Cái hậu hoạ về lâu về dài mới thật vô cùng! Bởi, lứa tuổi trung học chính là lứa tuổi cần giữ ngôn ngữ và văn hoá Việt nhất, để nhịp cầu nối kết với cha mẹ không bị chặt đứt đi!

 

Như vậy, để có thể tiếp tục công trình chung, chúng ta cần nhìn ra nguyên uỷ của vấn đề, khắc phục những khó khăn, sửa đổi những sai sót. Điều cần làm ngay là, bằng mọi giá, chúng ta phải cải tiến lề lối dạy dỗ sao cho thực sự hấp dẫn được lòng yêu thích học tiếng Việt của con trẻ, đồng thời át được tiếng mời gọi quyến rũ của các sinh hoạt cuối tuần khác, như thể thao, tiệc tùng, phim ảnh, du ngoạn, thăm viếng, mua sắm, v.v...

 

Trong lớp 5A hôm nay, vẫn mượn chủ đề Thế Vận Hội còn nóng hổi,  tôi chia các em thành từng đôi (pair), rồi phát cho mỗi đôi một bản Mê Lộ Banh Gậy (Hockey Maze) và một nút áo. Trong hiệp một, em A lắng nghe theo "lệnh" của em B để di chuyển banh (nút áo). Lệnh phải nói bằng tiếng Việt, ví dụ : "Bắt đầu từ góc trên bên trái, đưa banh xuống, dừng lại, quẹo trái, ngừng, đi lên, rẽ sang phải, kẹt rồi, bí lối rồi,hết đường đi rồi,  quay trở lại, đi tiếp, ..., đưa banh thẳng vào lưới!"

 

Xong hiệp một sang hiệp hai, đến lượt em B di chuyển banh theo lệnh của em A.

 

Trò chơi nhỏ này đã luyện cho các em nhiều kỹ năng quan trọng như : tập làm việc nhịp nhàng ăn ý với đồng bạn, tập vận trí và dùng mắt tìm đường thoát ra khỏi mê lộ, tập chỉ đường bằng tiếng Việt, tập nghe hiểu và làm theo những chỉ dẫn ấy, v.v...

 

Sinh hoạt kế tiếp là Tìm Những Điểm Khác Nhau. Các em vẫn làm việc từng đôi. Tôi phát cho mỗi đôi hai bức hình cùng tả một cảnh trong vận động trường. Thoạt trông thì tưởng hai hình giống hệt nhau, nhìn kỹ mới thấy nhiều điểm khác biệt. Các em nhanh chóng tìm ra và lấy bút khoanh tròn được 20 điểm khác nhau.

 

Nhưng, trò chơi không chấm dứt ở đó. Làm sao tận dụng những trò chơi quen thuộc, đầy rẫy trên báo chí và internet, để dạy các em nói và viết tiếng Việt mới là mục đích chính của tôi: Tôi yêu cầu từng đôi học sinh phải chọn lấy ít nhất ba điểm khác biệt để tập mô tả bằng tiếng Việt. Các em tuyệt đối không được dùng tay chỉ vào hai hình mà nói theo kiểu thường tình: "Thưa cô, cái này khác cái này, cái này khác cái này và cái này khác cái này!"

 

Trái lại, các em phải vận dụng vốn từ vựng sẵn có, cộng với những từ ngữ tôi cung cấp thêm trên bảng, để nói được những câu như : "Trong hình thứ nhất, người trọng tài đang giơ súng lên ; còn trong hình thứ nhì, người trọng tài đang hạ súng xuống",  hoặc: " Trong hình thứ nhất, có bảy lực sĩ chạy đua ; còn trong hình thứ nhì, có tới tám lực sĩ chạy đua!", hoặc: "Trong hình thứ nhất, lực sĩ ném đĩa đang lấy đà ; còn trong hình thứ nhì, chiếc đĩa vừa rời khỏi tay lực sĩ", v.v...

 

Sau phần Tập Nói, chúng tôi chuyển sang phần Tập Viết thể văn mô tả.

 

Tôi đố các em tìm được hình thức trình bày nào tốt hơn để khỏi phải viết đi viết lại hoài mấy chữ "Trong hình thứ nhất" và "Trong hình thứ nhì". Suy nghĩ một lát, các em có những đề nghị thật hay:

 

- Chia trang giấy làm hai cột với hai tựa đề: "Hình Thứ Nhất" và "Hình Thứ Nhì".

 

- Đánh số mấy chỗ khác nhau trong hình, rồi viết vắn tắt: "1. Cây súng giơ lên và hạ xuống, 2. Số lực sĩ chạy đua không bằng nhau, 3. Dĩa chưa ném và đã ném", ...

 

- Tô màu hai hình khác nhau, để có thể tả: "Trọng tài áo đỏ giơ súng lên ; trọng tài áo xanh hạ súng xuống", v.v...

 

Thứ Bảy ... tháng ... năm 2006

 

Hôm nay khi tôi đến trường Trương Vĩnh Ký thì trong sân đã có một đám học sinh đến sớm đang chạy nhảy chơi đùa vui vẻ. Ngoài ra còn có một nhóm phụ huynh đang đứng trò chuyện có vẻ hào hứng lắm. Tôi mỉm cười, gật đầu chào họ và tiếp tục rảo bước về phía văn phòng. Một bà mẹ  tách đám đông, đi gần như chạy đến tôi. Nghĩ rằng bà cần nhờ tôi việc gì đó, tôi dừng lại chờ. Không ngờ, bà chỉ cần nói với tôi những lời thật hồn hậu :

 

- Cô là cô HT dạy lớp 5A phải hôn" Thằng Khang nhà tui cứ nhắc cô hoài. Năm nay nó hên thiệt là hên được lọt vô lớp cô. Má con tui cảm ơn cô nhiều lắm nha cô HT!

 

Tới đây bà hạ giọng, tiếp luôn một hơi:

 

- Nói thiệt với cô nghen, thằng con tui hồi nào tới giờ rất sợ đi học tiếng Việt. Nó kiếm đủ mọi cớ để trốn ở nhà. Nó biểu học tiếng Việt khó và ngán quá trời. Í da, vậy mà mấy tuần nay nó thay đổi hoàn toàn, cứ trông tới Thứ Bảy để được đi học mới kỳ chớ! Nó nôn đi học quá, chưa tới giờ mà nó cứ hối tui chở đi cho bằng được đó cô. Tới đây tui mới biết mấy đứa bạn kia của nó cũng vậy. Tui với mấy phụ huynh kia đang hỏi nhau hổng biết cô bí quyết gì mà hay dữ vậy!

 

Thú thật, lòng tôi như nở hoa. Phải chăng chức năng của thày cô giáo là làm cách nào tạo ra được những thay đổi tốt đẹp nơi học trò mình " Phải chăng phần thưởng tinh thần lớn nhất của thày cô là lời xác nhận và cảm ơn về những thay đổi tốt đẹp ấy thốt ra từ chính phụ huynh các em"

 

Tôi hoan hỉ đáp:

 

- Bí quyết của tôi chỉ là: cố gắng làm theo lương tâm mình, nương theo nguyện vọng, sở trường của học sinh để đáp ứng đúng nhu cầu học hỏi và thăng tiến của mỗi em. Riêng trường hợp cháu Khang, trước đây cháu không có bạn nên rất lẻ loi, hay thu mình vào một góc. Bây giờ cháu và cả lớp thân quý nhau như anh chị em trong một gia đình có lẽ nhờ các sinh hoạt trong lớp 5A luôn đòi hỏi sự hợp tác và hoà đồng thật sự.

 

 Bà reo lên:

 

- A! Đúng rồi đó cô! Cũng tại tụi nhỏ đến từ nhiều trường khác nhau! Thằng Khang tui hồi trước cứ dìa than thở với tui rằng ở trường chính, lớp nó có mình ên nó người Việt, nên nó hổng cách chi rủ được đứa nhỏ nào tới đây học cho có bạn !

 

Có lẽ bà vẫn còn nhiều điều muốn nói, nhưng sực giật mình:

 

- Í, nãy giờ làm mất thì giờ của cô nhiều quá. Xin lỗi cô nha! Thôi để cô còn lo chuẩn bị lớp học nữa chớ!

 

Bà hỏi xin số điện thoại của tôi. Không chút ngần ngại, tôi ghi ngay hai  số điện thoại tư gia và lưu động của mình đưa cho bà. Kinh nghiệm cho tôi biết vị phụ huynh này sẽ là nhịp cầu quan trọng giữa gia đình và nhà trường. Được sự hợp tác quý báu của phụ huynh trong nhiệm vụ giáo dục con trẻ, theo tôi, chính là niềm ước mong lớn lao nhất của thày cô giáo.

 

Hôm nay tôi cho 5A tập làm Ô Chữ. Có hai loại Ô Chữ để các em chọn: Word Search tương đối dễ, chú trọng đến cách đánh vần các từ vựng ; Crossword khó hơn, chú trọng đến kỹ năng đặt câu hỏi gợi ý, dẫn đến các từ vựng cần tìm. Cũng như người lớn, trẻ con thích Ô Chữ hơn là một bài tập thông thường tẻ nhạt. Để bắt đầu sinh hoạt này, tôi cho cả lớp cùng giải đáp hai loại Ô Chữ  do tôi soạn sẵn làm ví dụ. Sau đó mỗi em được phát một trang giấy kẻ sẵn ô vuông (grid) để tự chế ra một Ô Chữ  độc đáo của riêng mình.

 

Về nội dung, Ô Chữ của mỗi em phải hướng về một môn thể thao thuộc Thế Vận Hội . Chẳng hạn, nếu em A muốn làm Word Search và chọn môn Vũ Cầu thì em có thể dùng những từ : vũ cầu, cây vợt, cán vợt, lưới vợt, khung vợt, quả cầu, lông gà, đánh đôi, đánh đơn, thắng, thua, v.v...

 

Về hình thức, nếu giàu sáng kiến, em A có thể trình bày Ô Chữ của mình dưới dạng một chiếc vợt vũ cầu. Khung vợt hình bầu dục với các sợi lưới song song ngang dọc sẽ tạo thành các ô vuông của Ô Chữ.

 

Làm xong, em A trao đổi bài với các bạn. Các em đua nhau giải đáp được càng nhiều bài của bạn  bè càng tốt.

 

Sinh hoạt hào hứng này là phương cách rất hiệu nghiệm để làm giàu vốn ngữ vựng và củng cố khả năng đánh vần chính xác của học sinh. Nhiều em hăm hở nói sẽ đem Ô Chữ của mình về khoe và đố cả gia đình. Nhiều em khác hào hứng đề nghị: "Bài nào cũng đẹp quá, mà mỗi bài đều khác nhau, cô gom tất cả lại đóng thành tập Ô Chữ 5A và in cho chúng em mỗi đứa một bản nha cô!" Tôi tán thành ý kiến này ngay. Vì đây là cơ hội rất tốt cho các em thu thập thêm biết bao nhiêu là từ vựng liên quan đến một loạt những môn thể thao khác nhau. Và, quan trọng hơn, vì đây là dịp để các em sung sướng, hãnh diện thấy công trình của mình được "xuất bản và phát hành".

 

Hôm nay quả là một ngày khó quên trong cuộc đời dạy học của tôi, vì ba nguyên do. Thứ nhất, là những lời đầy tử tế của mẹ em Khang. Thứ nhì, là sự tiến bộ rõ rệt của 5A về cả bốn mặt nghe, nói, đọc và viết tiếng Việt. Thứ ba, quan trọng hơn cả, là  Khang đã giúp nhà trường ngăn chặn được một "âm mưu phá hoại" tinh quái.

 

Em đã nán lại lớp trong giờ ra chơi, xin gặp tôi. Ấp úng mãi em mới diễn ra được ý: "Cô ơi, vì cô là cô giáo tốt nhứt của con, và con muốn được tiếp tục học với cô, con phải nói với cô chuyện này. Con nghe mấy bạn lớp bên kia rủ nhau chơi trò Pha Cà Phê Sữa đó cô." Tôi thật thà: "Ờ, còn nhỏ uống cà phê cũng không tốt. Cảm ơn Khang đã cho cô hay. Để cô nói cho thày bên lớp đó biết." Khang càng lắp bắp hơn: "Hổng... hổng phải mấy bạn pha để uống đâu cô, mà ... mà ... để St Luke tức, đuổi trường mình, đặng ... đặng ... mấy bạn khỏi phải đi học tiếng Việt!" Tôi kinh ngạc: "Khang nói cái gì cô không hiểu! Pha cà phê mà sao lớn chuyện dữ vậy"" Khang lúng túng, khổ sở một hồi mới tìm đủ chữ để cắt nghĩa đầu đuôi câu chuyện, đại ý: "Mấy bạn đã hẹn nhau, tính giả bộ xin đi toilet trong giờ học, rồi lén vô phòng bếp lấy đường và cà phê rắc lên lớp thảm mới thay ở ngoài hành lang và cầu thang, rồi xách bình sữa tươi rưới lên để pha cà phê sữa đường"

 

Dĩ nhiên tôi khen ngợi Khang và báo ngay cho ông Hiệu Trưởng nguồn tin này để ông kịp thời làm những gì cần phải làm. Riêng phần tôi, tôi cứ bị ám ảnh bởi ý nghĩ: "Dù ông Hiệu Trưởng dùng biện pháp kỷ luật nào đi nữa thì chẳng qua cũng chỉ là đối phó với "cái ngọn". Làm sao để các em kia hết nhàm chán, hết sợ đi học tiếng Việt mới là chữa được tận gốc rễ của vấn đề." Ngoài ra, qua phản ứng và cách hành xử của Khang, tôi càng vững tin rằng: "Không biện pháp kỷ luật nào hữu hiệu bằng tình thương, lòng hướng thiện và ý thức tự giác của con người."

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,182,163
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến