Hôm nay,  

Mr. A+

08/03/200600:00:00(Xem: 133555)
Người viết: TRẦN XUÂN NGHĨA

Bài số 958-1558-281-vb5090306

*

Tác giả 34 tuổi, kỹ sư điện, cư dân San Diego. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện về một tấm gương sáng cho tuổi trẻ Việt tại Hoa Kỳ: một thuyền nhân trẻ, bị tai nạn thương tật trầm trọng, vẫn phấn đấu học hành thành đạt và đoàn tụ với gia đình. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

*

Ai có thể tả được tâm trạng vui sướng của người mẹ sắp gặp lại con trai sau nhiều năm xa cách. Chốc lát nữa đây, khi máy bay hạ cánh sau chuyến đi dài vượt đại dương, mẹ sẽ được thấy lại khuôn mặt hình dáng con của mẹ, đứa mà mẹ từng ấm ủ vào lòng, gối tay mẹ, mẹ à ơi đưa con vào giấc ngủ êm đềm, đứa mà mẹ dắt tay đến trường những buổi sáng sương thu, cùng con đến lớp những buổi học ê a đầu tiên,...

Rồi tháng Tư năm đó, lúc con 7 tuổi, bố nước mắt rưng rưng ôm mấy mẹ con chặt vào lòng trước khi bố ra trình diện chính quyền mới và nói vài hôm sẽ về ngay, nhưng biền biệt 13 năm ròng, bố con bị đưa đi hết trại giam này đến nhà tù nọ, hết ra Bắc lại vào Nam, bệnh tật chết đi sống lại mấy lần, mẹ con mình dở khóc dở cười vất vưỡng như những kẻ điên.

Giờ bố cũng đã in nét già nua, và cùng anh chị cũng trên chuyến bay này mong mỏi gặp lại con, xem con lớn đến nhường nào, và có lẽ con sẽ biết rõ hơn được mặt bố mình.

*

Con ơi, ngày con với chú theo tàu vượt biển bố vẫn còn trong trại tù ngoài Bắc, nhà mình chật vật quá con nhớ không. Con đi mẹ lo lắng, dõi theo con từng nhịp thở, từng đêm thổn thức, mẹ thương con quá đỗi con ơi. Ngày hay tin con đến được bến bờ tự do, mẹ như sống lại, tràn đầy hy vọng, và chốc nữa gặp lại con, mẹ sẽ ôm con vào lòng, ấm ủ con như thuở nào con còn bé bỏng.

Đến phi trường Los Angeles gia đình mình được chuyển máy bay bay đến Houston bang Texas, nơi mà người thân mình ở. Lúc ra đón ở phi trường, có ông bà, cô chú, nhưng không có mặt con. Chú nói con bận học thi, mẹ nghe như hụt hẫng bơ vơ, dõi tìm con trong những đoàn người đi qua lại, đưa mắt thẩn thờ hướng xa xa mờ, hy vọng con đến kịp với mẹ với bố, với anh chị, với em. À, không sao đâu con ạ, mẹ biết con của mẹ vẫn hiếu thảo và ham học như ngày nào, vài hôm thi xong con về với gia đình, mẹ không trách đâu.

Con ơi, từ ngày đến Mỹ, mẹ và gia đình mong đợi con từng ngày mòn mỏi, tuần này rồi tuần kế mỏi mòn, tháng này đến tháng kế mà tin con vẫn ngút ngàn xa. Ngồi trong nhà nhìn ra đường vắng, tiếng gió thổi lá khô xào xạt, mẹ ngỡ tiếng bưóc chân con, khách đến nhà gõ cửa, mẹ ngỡ con về. Những ngày lễ lộc cuối năm, có ai học ai làm gì đâu, ai cũng về với gia đình mà giờ con mẹ ở đâu. Những lá thư đầy tình cảm thương nhớ con gởi về cho gia đình mẹ còn giữ đây.

Đến Mỹ mẹ chờ đợi giây phút gia đình đoàn tụ, gặp lại con bằng xương bằng thịt, bố đã kiên nhẫn bao năm trời mong thấy lại được đôi mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của con, hình ảnh mà bố mang theo trong suốt những năm tháng tù đày.

Lâu lắm rồi, bốn năm năm nay con không gởi một tấm hình nào về cho gia đình, mẹ không biết con hình dáng mặt mũi khôn lớn thế nào. Những lần hỏi chú về con thì chú ngập ngừng như đang giấu điều gì, làm mẹ thêm lo, nghĩ quẩn, không biết con có còn hiện diện trên cỏi đời này không, hay con đang bận học, con ham học vậy sao, mê công danh sự nghiệp vậy sao.

Tối đó, đã 3 tháng hơn đến Mỹ, cả nhà đang ngồi lặng im mong ngóng, chờ đợi tin con. Chuông điện thoại reo lên, giọng của con gọi mẹ “Mẹ ơi, Toàn nè mẹ” Cả nhà reo mừng, mắt mẹ sáng lên, rồi chợt tắt, tim như chết lặng, rồi mẹ khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc, nức nở nghẹn ngào như trẻ lạc vừa tìm lại được cha.

Cả nhà nước mắt ngắn dài lẫn tiếng nghẹn ngào của con “Bố mẹ anh chị, con không thể giấu thêm được nữa, con bây giờ tật nguyền, không còn nguyên dáng nguyên hình như bố mẹ đã cho, khi bé con té đau có một xíu mà bố mẹ ruột đau như muối xát, đằng này con bị tai nạn hủy hoại gần như toàn bộ thân thể con, chẳng ai còn có thể nhận ra được con là Toàn nữa mẹ ơi, con không muốn mẹ phải xót đau khi nhìn thấy con, không muốn bố gặp lại đứa con trai giọt máu mình sau bao năm xa cách thương tật, còn anh chị em thương yêu con nữa, nhiều lần con muốn tự vẫn, nhưng con nghĩ đến mẹ, con nghĩ con phải sống để được gặp mẹ. Khi biết cả nhà mình đến được Mỹ, con vui mừng lắm mẹ ơi, con muốn đến ngay bên cạnh mẹ, con muốn được khóc bên mẹ, được bố âu yếm được anh chị chiều chuộng, nhưng thân con giờ tàn tật, làm gia đình phiền muộn, thêm gánh nặng, nên đến hôm nay gia đình tạm ổn định con mới gọi về cho mẹ cho gia đình, xin bố mẹ tha thứ cho con.”

Con ơi, con đang ở đâu, mẹ đến ngay với con Toàn ơi. Tình mẫu tử vô bờ bến, dù con có lỗi lầm gì mẹ cũng tha thứ, dù con giờ là đứa tật nguyền, xấu xí, thì con cũng là con của mẹ. Mẹ đau xót rụng rời từng lời con kể, mẹ thương con hơn tất cả, tội cho con, bao khó khăn, buồn tuổi một mình con gánh, chịu đựng bao năm trời. Con ơi, ngày mai anh Tường với mẹ sẽ đến ngay với con, con chờ mẹ thêm một tí nữa thôi.

*

Xe bus Greyhound đi hơn một ngày đường, từ Houston bang Texas đến thành phố Atlanta bang Georgia và dừng ở một trạm, nơi con hẹn đứng chờ mẹ và anh.

Xa xa mẹ thấy dáng một người mang áo lạnh chùm kín đầu, mẹ tiến lại thật gần, phải Toàn không con.

Toàn như chim non nhớ mẹ lạc tổ lâu ngày, xà vào lòng ôm mẹ, khóc rồi cười, cười rồi khóc, những giòng nước mắt tuôn trào, dòng nước chan hoà bao nỗi niềm thương nhớ, mong chờ. Gió mùa đông thổi lạnh buốt từng cơn nhưng trong vòng tay mẹ lòng mẹ tình con ấm áp biết bao. Từ hôm nay mẹ sẽ ở bên con, chăm sóc cho con, thương con những năm tháng cô đơn côi cút tật nguyền nơi xứ lạ quê người.

*

Toàn từ bé là một đứa con ngoan, là học sinh ưu tú, mẹ và anh chị em đùm bọc thương yêu, cô thương bạn mến. Toàn không chỉ là đứa trẻ thông minh, chăm chỉ mà còn biết yêu thương săn sóc mọi người.

Tuy không biết nhiều và nhớ rõ mặt bố nhưng Toàn thấy thương bố vô hạn, thương người bị tù đày, bệnh tật, bị vùi dập, cô đơn trong các trại tù, Toàn an ủi mẹ và săn sóc cho em, khóc với mẹ mỗi khi mẹ khóc thương nhớ bố.

Năm 18 tuổi, khi vừa thi đậu đại học Tổng Hợp (1986), rồi hoàn cảnh đẩy đưa Toàn lên tàu vượt biển cùng với người chú ruột.

Đến Mỹ được ba tháng Toàn xin gia đình chú ra ở riêng tự lập. Toàn cùng một người bạn mướn chung nhau một căn hộ appartment nhỏ, khá cũ kỹ, vừa đủ có nơi ở chuẩn bị đi học đi làm, bắt đầu cuộc sống mới. Toàn thường hay viết thơ gởi ảnh mình về cho gia đình ở Việt Nam. Chẳng được bao lâu thì một ngày nghiệt ngã đã xảy đến với Toàn.

Sáng hôm đó Toàn dậy muộn, bạn Toàn thường buổi sáng nấu nước pha trà và có lẽ đã đi ra ngoài chút việc. Khi đi quên tắt lửa và không rõ một lý do nào đó lửa đã cháy lan âm ỉ ở kệ bếp. Toàn ngủ dậy đi vào phòng tắm mà chẳng hay biết gì. Khi đang tắm, khói luồng qua khe cửa làm Toàn khó thở, mở cửa ra thì thấy lửa đã phừng phừng cháy khắp nhà, hơi lửa nóng phừng phực như muốn táp vào mặt Toàn, lửa, lửa đỏ chận cả lối cả ra vào ... hoảng quá Toàn chỉ mặt vội được một cái quần jean, và trong một khoảnh khắc, Toàn quyết định băng lửa để thoát ra ngoài. Nhưng thôi rồi, không được rồi, lửa nóng quá độ đã làm Toàn ngã quị ở giữa nhà, bất tỉnh, mặc cho lửa nóng liếm láp nhấm nháp trên da thịt, mặc cho lửa làm tình làm tội.

Hơn 2 tuần nằm bất tỉnh ở phòng cấp cứu, chẳng ai tin rằng Toàn có thể sống. Trong những cơn mê chập chờn, Toàn thấy mình về thăm mẹ, được mẹ ấp ủ thương yêu, Toàn thấy mình thanh thản lướt trên những cánh đồng lúa chín vàng thơm thơm mùi sữa mẹ, mơ thấy mình tắm nước sông Cửu, ăn cơm gạo trắng đồng bằng, thở hơi thở quê nhà ấm áp thân quen, và Toàn như muốn trôi đi, đi mãi đến xa tận chân trời, trong gió thoảng văng vẳng xa xa, Toàn nghe tiếng mẹ gọi về. Chợt tỉnh, mở mắt ra Toàn thấy mình đang trên giường bệnh viện. Toàn bắt đầu cảm thấy đau rát lan khắp cơ thể. Bác sĩ bên cạnh mĩm cười “anh đã sống”.

Toàn đã được cứu sống nhưng lửa đã hủy hoại hơn 80 phần trăm cơ thể, biến Toàn thành một chàng thanh niên tật nguyền mãi mãi. Khuôn mặt, cơ thể, bàn tay của Toàn biến dạng, nơi cong chỗ vẹo. Các ngón tay, cái cong lên, cái nghiêng trái, cái nghiêng phải và không còn cử động được. Các cơ trên khuôn mặt co rút, kéo miệng méo hở lên, mắt như bị đưa ngoài, lớp da ngoài bị hủy để lộ thấy từng lằn gân sớ thịt chằng chéo trên da thịt, trông như những người trong giả tưởng.

Toàn phải nằm trong bệnh viện tám chín tháng trời chữa trị và trị liệu. Nhiều phương pháp tập luyện nhằm giúp trở các ngón tay Toàn trở hoạt động nhưng điều thất bại.

Đang sống đang thức nhưng Toàn vẫn ngỡ mình trong mơ, một giấc mơ dài hãi hùng, để khi tỉnh cơn mơ được thấy mình vẫn là Toàn của ngày xưa, vẫn nguyên vẹn hình hài.

Nhiều đêm giữa khuya tỉnh giấc, Toàn rờ lên mặt, chạm lên cơ thể mình xem có phải mình lành lặn, có phải mọi thứ hãi hùng đó chỉ vừa xảy ra trong mơ. Nhưng không, thật đó Toàn ơi. Soi gương, Toàn tuôn trào nước mắt, thấy thương mẹ thương bố thương em thương anh thương chị, công ơn dưỡng dục chưa đền, nợ nước non chưa trả, mà giờ đã tật nguyền, đơn côi, xa mẹ xa em. Đến Mỹ da vẫn sậm mầu nắng quê hương, chưa kịp thực hiện bao ước mơ, khát vọng, chưa kịp bay nhảy trên vùng trời tự do mà giờ như chim gẫy cánh.

Toàn rời bệnh viện với nhiều khó khăn và đối đầu với nhiều mặc cảm, thất vọng, nhiều lúc làm Toàn muốn lìa bỏ cuộc đời. Sống trong một căn apartment nhỏ với một trợ cấp ít ỏi, Toàn học cách tự chăm sóc cho mình, tập làm quen với với những ánh mắt như ghê sợ của mọi người. Người bạn ở chung với Toàn trước đây vào thăm Toàn trong bệnh viện đúng năm phút rồi cũng bỏ Toàn đi đâu mất hẳn.

Từ lúc biết Toàn đặt chân lên đất Mỹ, gia đình ở Việt Nam, ai cũng thương nhớ và kỳ vọng nơi Toàn một tương lai sáng rỡ, tốt đẹp, không ai hay biết về cuộc sống thực gian nan của Toàn ở Mỹ.

Bị nạn, Toàn giấu gia đình và gia đình Toàn ở Việt Nam không còn nhận thêm một tấm hình nào của Toàn, lâu lâu một lá thơ với đầy tình cảm nhung nhớ. Người bạn gái thương yêu ở Việt Nam, khi đi không kịp nói lời chia tay, vẫn chờ vẫn đợi, mong ngóng, hỏi han tin Toàn, mà Toàn chỉ biết nghĩ thương đáp thầm “Hãy quên Toàn đi”. Người bạn gái đó sau này mất đi vì một cơn đau tim và nhờ gia đình chuyển lại cho Toàn một cuốn sách mà Toàn yêu thích nhất.

Một ngưòi chị ruột của Toàn cũng vượt biển sau đó và được đến Mỹ. Chị về sống chung với Toàn, thay mẹ lo cho Toàn từng ly từng tí, giúp Toàn đứng dậy.

Mưa giông bão tố làm cây non chao đảo, làm gẫy cành trụi lá, muốn cuốn trôi cây đi mất nhưng không, cây non vẫn bám rễ vương lên sống mãnh liệt, vẫn đâm chồi, nẩy nụ, vẫn đơm hoa kết trái. Và Toàn quyết định đứng dậy làm lại cuộc đời sau những ngày đau thương.

Toàn dùng toàn thời gian để học tiếng Anh và ôn lại Toán chuẩn bị thi TOFEL và SAT để có thể được vào học ở một trường đại học nào đó. Qua 6 tháng tự học, Toàn đạt điểm thi rất cao, được một trong những trường đại học kỹ thuật nổi tiến nước Mỹ Georgia Tech thu nhận.

Toàn rất say mê các môn khoa học và toán, Toàn học rất sâu và luôn đạt điểm xuất sắc ở các môn học, làm ngạc nhiên nhiều giáo sư vì khả năng vượt trội, sức sống mãnh liệt của Toàn. Một lần thầy toán cho một đề hóc búa và cho một tuần để giải, nhưng chỉ trong 20 phút sau Toàn mang lời giải lên văn phòng của Thầy, với cách giải hay và độc đáo, Toàn nhận điểm A+, và từ đó Thầy và bạn gọi Toàn là “Mr. A+”, cả trường ai cũng biết Mr. A+ với lòng thán phục.

Trong các lớp về lập trình điện toán programming, Toàn luôn đứng đầu lớp, các bài giải của Toàn được các giáo sư dùng làm bài mẫu trong giáo trình giảng dạy. Toàn không chỉ là Mr. A+ trong các môn khoa học mà còn cả trong các lớp về xã hội, chính trị, lịch sử, và Anh ngữ. Và năm đó, một trong những sinh viên đạt điểm cao nhất tốt nghiệp trường Georgia Tech đó là Mr. A+ Lưu Văn Toàn. Tên của Toàn được đọc vang trong buổi lễ tốt nghiệp, làm thỏa lòng bao vị giáo sư bạn bè thương yêu. Tên Toàn được khắc trong một bảng vàng danh dự của trường. Toàn tốt nghiệp ưu hạng cả 2 ngành, điện tử và điện toán.

*

Gia đình Toàn đến Mỹ theo diện HO năm 1991. Lúc gặp lại mẹ ở trạm xe bus là lúc Toàn đang học bằng cao học (master) về điện toán và Toàn hoàn tất nó một năm sau đó. Hàng chục các công ty lớn nhỏ ở Atlanta muốn phỏng vấn khi xem resumé của Toàn nhưng tất cả đều từ chối mướn Toàn khi thấy Toàn thương tật.

Cuối cùng thì Toàn cũng được nhận vào làm cho một công ty điện toán ở Houston với lương rất thấp. Sau 3 tháng làm việc, chỉ với 2 ngón tay có thể gõ được trên bàn phím, Toàn đã làm cho mọi người khâm phục, kính nể. Đến nay thì Toàn đã có một chỗ đứng vững chắc trong một công ty lớn ở Houston.

Toàn vẫn sống với sự đùm bọc che chở của gia đình, của mẹ và đó là một trong những niềm khát khao, hạnh phúc lớn nhất của Toàn. Ngoài đời Toàn học cao hiểu rộng, biết bao điều mới lạ, Toàn đã vươn đến thật xa, bay thật cao nhưng bên cạnh mẹ, Mr. A+ thấy mình vẫn là đứa con trai bé bỏng của mẹ ngày nào. Được sống bên cạnh mẹ là một niềm an ủi vô biên.

Trần Xuân Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến