Hôm nay,  

Thuyền Trên Cạn

28/02/200600:00:00(Xem: 161928)
Người viết: Huyền Thoại

Bài số 948-1548-272-vb7022506

*

Huyền Thoại là bút hiệu khác của Thịnh Hương, một tác giả cư trú và làm việc tại San Jose, đã góp một số bài viết về nước Mỹ trước đây. Bài viết mới lần này của bà là một chuyện tình.

*

Chuyện viết nửa chừng thôi đành buông bút

Một chút duyên tình đã chết từ đây.

Anh phong ba vùi dập chốn lưu đầy

Em ở lại như con thuyền trên cạn…

Phượng Nghi

Cuối cùng, tôi mua được căn nhà mà tôi ưa thích sau nhiều thủ tục tài chánh phiền hà. Để mượn tiền , tôi đã phải giao cho nhà băng quá nhiều chi tiết rất riêng tư, và cái người làm thủ tục tài chánh biết về tôi nhiều hơn chính tôi biết tôi! Tôi quyết định mua căn nhà này mau lẹ lắm, chỉ trong vòng mười phút đồng hồ từ lúc bước vào nhà. Cô chuyên viên điạ ốc nhìn tôi đắc chí. Cô bảo, “ Chị đã bị tiếng sét aí tình với căn nhà này rồi! Em biết thế nào chị cũng thích nó nên em mới nài nỉ chị đi xem cho bằng được.” Rồi cô triết lý, “ Cái nhà nó cũng có duyên nợ với mình như tình yêu. Dẫn chị đi xem vài chục cái mà chị kén quá. Vậy mà tới đây chị mua cái rụp.”

Tôi thích căn nhà vì nó vuông vức và sáng sủa. Nhất là có một khoảng cách khá rộng với hai bên hàng xóm. Nhà trên cao, tôi có thể mở tung rèm cửa để chiêm ngưỡng bình mình rực rỡ hay hoàng hôn mênh mông với một không gian mở rộng .

Sáng nay thứ bảy không phải đi làm, tôi vừa uống cà phê vừa đọc sách thì điện thoại reo. Tâm, bà bạn cùng sở lên tiếng

“Hello! Rất tiếc phải làm rộn người đẹp vào lúc sáng sớm. Nhưng có một ngạc nhiên cho nàng đây.”

“Tuyệt! Đã từ lâu chẳng được ngạc nhiên ! Có gì vui không"”, tôi hỏi.

“Qua đây ăn sáng rồi biết.”

“Lại còn được ăn sáng nữa,” tôi reo lên, “ Cho mình nửa tiếng”.

Tôi vào nhà trang điểm sơ sài. Trên đường đến nhà Tâm, tôi tự hỏi không biết bạn tôi đang đùa bỡn chuyện gì. Chiều hôm qua, lúc tan sở, hai chúng tôi chẳng sắp đặt một chương trình gì với nhau. Tôi nói với Tâm tôi muốn xử dụng hai ngày nghỉ cuối tuần để chăm sóc mấy luống hoa tôi bỏ bê vài tuần lễ nay vì phải đi làm xa nhà.

Gương mặt hí hửng, Tâm mở cửa rồi dẫn tôi vào phòng ăn. Bách, chồng Tâm, bước đến và ôm tôi theo kiểu chào đón của ngừơi Mỹ. Sau cái hug, anh vẫn đứng cạnh tôi, và choàng tay qua vai tôi! Tôi ngạc nhiên nhìn anh dò hỏi thì Tâm trở lại với một người đàn ông. Tôi như bị điện giật, thảng thốt kêu, “Anh Toàn!” . Bách vỗ nhẹ lưng tôi như thông cảm rồi dìu tôi về phía chàng. Toàn mở rộng hai tay ôm lấy tôi, một vòng ôm đủ chặt, đủ lâu để tôi nghe rõ tiếng tim anh đập rộn ràng.

Tôi đang đứng trong vòng tay người đàn ông tôi đã yêu thiết tha hơn ba chục năm về trước và đã lạc nhau trong nhiều năm.

Buổi chiều, tôi và Toàn xuống biển đi dạo. Trông anh vẫn còn những nét ưa nhìn thời trai trẻ. Mái tóc vẫn bồng bềnh nhưng điểm nhiều sợi bạc. Anh nắm tay tôi và nhìn tôi với đôi mắt đằm thắm năm xưa. Hai đứa tôi im lặng dù lòng chúng tôi xôn xao như sóng vỗ bờ. Tòan cho tôi biết, anh là bạn của Bách và đến thăm Bách sau nhiều năm xa cách. Khi Bách đưa cuốn album đám cưới con gái cho anh xem, anh khựng lại khi nhìn tấm hình tôi chụp chung với cô dâu chú rể trong tiệc cưới.

“Hình như tôi biết người đàn bà này”, anh bảo Bách.

“Nàng tên Phượng”

“Người chồng tên Chánh"”

“Đúng,” Bách gật đầu, “Nhưng chồng nàng không còn nữa”.

Toàn chia buồn với tôi. Tôi nhìn anh buồn rầu, “Em không còn buồn về chồng em nữa. Nỗi buồn muôn đời của em vẫn mang tên Toàn.”

Anh thở dài. Nét ưu phiền của anh khiến tôi nhớ lại hôm anh quay lưng và buồn bã ra khỏi căn nhà bố mẹ tôi ở Sàigon.

Năm đó, tôi 18 tuổi, chuẩn bị thi vào đại học. Tóc tôi để ngang vai, rẽ ngôi giữa, một kiếu tóc bắt chước Khánh Ly đương thời. Đôi mắt tôi to tròn mà mỗi lần sai tôi kiếm một vật gì không xong, mẹ tôi thường kêu lên “Hai mắt to như hai cái đèn ô tô thế kia mà kiếm không ra. Đoảng lắm”. Tôi kể cho Toàn nghe, anh cười “Đối với mẹ thì như thế, nhưng với anh đôi mắt em đẹp nhất đời”.

Tôi gặp Toàn thật tình cờ. Ông anh họ tôi là một nhà báo. Một hôm mẹ sai tôi đến tìm và nhắn anh về dự đám giỗ ông ngoại tôi vào ngày chúa nhật tuần tới. Anh vắng mặt tại tòa soạn nên tôi viết giấy để lại. Vừa quay bước định ra về thì Toàn tới. Thấy tôi, anh đứng sững và nhìn tôi ngơ ngẩn. Tôi cũng lúng túng. Tim tôi đập rộn ràng. Tôi xúc động bởi đôi mắt ấm áp và gương mặt hiền hòa của anh. Sau một phút thẫn thờ, anh mỉm cười chào tôi. Biết tôi là em họ của bạn, anh xin chở tôi về. Nhưng rồi anh lại mời tôi đi ăn kem trước khi đưa tôi về nhà. Toàn và tôi ngồi trong nhà hàng gắn máy lạnh đó suốt một buổi chiều, mắt trong mắt, tay trong tay không muốn rời. Toàn thường nói đùa, hôm đó tim anh bị tiếng sét ái tình đánh tan tành. Còn tôi, tôi bảo đôi mắt tình tứ của anh đã thôi miên và làm tôi u mê.

Những tháng ngày kế tiếp tôi ngụp lặn trong biển tình và hạnh phúc. Toàn hơn tôi tám tuổi. Tôi mười tám, anh hai mươi sáu. Vì lý do gia cảnh, anh được làm lính văn phòng. Anh cộng tác cho vài tờ nhật báo. Quen anh rồi, tôi mới biết anh là một nhà văn đang tạo cho mình một chỗ đứng với vài tác phẩm đã xuất bản. Tôi yêu anh, và say mê những giòng văn trữ tình và bộ óc thông minh, phóng khoáng của anh. Nhưng mà lạ. Anh viết văn táo bạo và buông thả. Chuyện tình của anh nhiều khi làm tôi đỏ mặt. Nhưng anh lại vô cùng êm ái và chừng mực trong cuộc tình với tôi. Nhiều lúc đi chơi với anh, tôi muốn anh hôn tôi, vuốt ve tôi, vì lúc đó cơ thể mới lớn của tôi đang dào dạt cảm xúc và ao ước khám phá những rung động mới lạ. Nhưng anh không bao giờ hôn tôi như người ta hôn nhau trong những phim anh đưa tôi đi xem. Anh không khám phá tôi như người ta khám phá nhau trong các chuyện tôi đọc. Tôi yêu anh trong mâu thuẫn. Trong lúc thể xác tôi rung động và khát khao những đụng chạm bốc lửa, thì lý trí tôi bảo tôi dừng lại. Tôi chờ đợi và khao khát, nhưng lại mong những gì tôi chờ đợi đừng bao giờ xảy ra.

Tôi theo anh đi khắp Sàigon. Ngày nào không gặp anh ngày đó với tôi vô vị và trống rỗng. Thuở còn ngồi trên ghế trung học, tôi đã một lần yêu. Nhưng lần yêu đó mong manh như nắng lụa, như mây chiều. Tình đầu đời đó giới hạn trong những tờ thư kín đáo đặt giữa hai trang sách, những liếc nhìn vội vàng và những câu nói vụng dại. Khi gặp Toàn, tôi bị cuốn hút vào cơn lốc tình lạ lùng háo hức.

Một hôm, Toàn chở tôi đi Thủ Đức ăn nem nướng. Trên đường về, trời bỗng đổ mưa. Cơn mưa bất chợt, nhanh chóng làm tôi và anh chưa kịp tìm chỗ trú thì đã tạnh. Thấy một túp lều bỏ không bên đường giữa quãng đồng trống, anh ngừng xe lấy khăn cho tôi lau tóc. Hôm đó tôi mặc bộ đồ dài lụa trắng. Cơn mưa làm quần áo tôi ướt sũng và dính chặt vào da thịt, lồ lộ lớp quần áo bên trong. Anh nhìn tôi ngây dại. Mắt anh ngừng lại hơi lâu trên ngực tôi. Tôi thẹn thùng. Anh cởi chiếc áo sơ mi đang mặc trên người trao cho tôi, bảo:

“Em khoác áo vào kẻo lạnh”.

Tôi riu ríu nghe lời. Trên đường về , tôi bảo anh:

“Ướt át thế này, đừng chở em về nhà kẻo bố mẹ mắng.”

“Anh biết. Về nhà trọ của anh chờ khô quần áo. Biết đi đâu bây giờ”.

Tôi bối rối theo anh lên căn gác , nửa ngại ngùng, nửa nao nức, tuy tôi khao khát được hoàn toàn một mình bên anh. Anh đưa cho tôi tấm chăn trải giường và bảo:

“Em thay đồ để phơi cho khô”.

Nói xong anh xoay mình, quay lưng về phía tôi. Tôi lúng túng cởi áo quần, run rẩy, không phãi vì lạnh, nhưng vì việc lột bỏ áo quần với sự hiện diện của một người đàn ông. Người tôi nóng bừng và da mặt tôi căng lên như bị sốt. Sau khi quấn tấm chăn trải giường quanh người, tôi nói nhỏ:

“Em xong rồi.”

Toàn quay lại và bước đến bên tôi. Tôi ngồi trên giừơng. Anh quỳ dưới chân tôi, đôi tay vuốt ve khuôn mặt tôi. Khi tay anh ngừng ở cần cổ, tôi gai người khi nghĩ anh sắp kéo tung tấm trải giường ra khỏi mình tôi. Tôi nhắm mắt chờ đợi một cuộc phiêu lưu. Nhưng bàn tay Toàn vẫn nằm nguyên một chỗ, không di dịch. Tôi có cảm tưởng những ngón tay anh run rẩy. Tôi mở mắt nhìn anh. Anh đang đắm đuối nhìn đôi chân tôi lộ giữa hai mép khăn. Rồi anh thở dài , hôn rất nhẹ trên môi tôi và thì thầm, “Em đẹp vô cùng.” Nói xong, anh đứng lên, ôm mớ quần áo của tôi treo lên từng chiếc thẳng thớm.

Tôi nằm trên giường trong tấm chăn, Toàn ngồi dưới đất cố tránh không nằm bên tôi. Tôi nghĩ nếu anh nài xin, tôi sẵn sàng dâng hiến. Nhưng anh chỉ ngồi đó vuốt ve tôi như vuốt ve một con mèo nhỏ. Nhiều lúc anh thở dài, những tiếng thở dài nghe như ấm ức. Cuối cùng, tôi ngập ngừng hỏi “Sao anh không nằm với em"”

Toàn nhìn tôi, khuôn mặt anh chợt tối lại:

“Phượng ơi, nằm bên em là điều anh thèm muốn ước ao. Nhưng anh không xứng được hưởng cái diễm phúc đó. Anh muốn nói với em một điều nhưng không biết bắt đầu từ đâu”.

Tôi linh cảm có một điều gì đó rất quan trọng nên ngồi dậy, đối diện với anh. Tôi run giọng, “Nói đi, đừng giấu em nữa.” Tôi lạnh người vì một ý nghĩ đen tối vừa thoáng qua đầu. Tôi bật khóc. Anh vùi đầu vào những lọn tóc trên cổ tôi, dỗ dành:

“Anh van em. Đùng khóc nữa và nghe anh nói”.

Ngừng một chút như để tôi bình tĩnh trở lại, anh nói vội vàng như sợ những lời nói sẽ tan biến trong cổ họng anh:

“Anh đã có hôn thê trước khi gặp em.”

Những câu Toàn vừa thốt ra làm tôi hụt hẫng. Tôi òa khóc. Tôi vật vã trong tay của anh. Toàn cuống quít không biết nói gì, chỉ nhìn tôi đau xót. Rồi tôi nổi giận, và bắt đầu cấu xé người anh. Anh ngồi yên chịu trận. Vài phút sau, sự phẩn uất của tôi lắng dịu. Tôi ôm anh và sụt sùi hỏi:

“Người đó là ai, em có biết không"”

Toàn bảo tôi nàng là một cô bạn cùng trường mà anh đã có một thời gian hẹn hò, và nàng thường đến nhà anh chơi. Mẹ anh rất mến Nga, tên người con gái giản dị và ít nói đó. Toàn không dự tính một tương lai của anh bên Nga, dẫu biết rằng nàng yêu anh tha thiết và mong chờ một lời hứa hẹn. Với anh, Nga quá đơn giản, quá phẳng lặng. Tâm hồn nghệ sĩ của anh chưa bao gìơ được nàng nhóm lên ngọn lửa yêu đương mãnh liệt.

Khi mẹ anh đau nặng phải nằm nhà thương dài hạn, Nga đã tận tình chăm sóc bà trong khi Toàn bận rộn với những công việc hằng ngày. Ra khỏi bệnh viện, mẹ anh càng quí Nga hơn, và ngỏ ý muốn anh cưới nàng. Toàn thương mẹ. Anh là con một, và người mẹ góa bụa từ tuổi xuân thì đã hy sinh suốt một đời để lo cho anh học hành và tiến thân. Toàn biết nếu anh từ chối cưới Nga mẹ anh sẽ thất vọng lắm. Anh không muốn làm mẹ buồn trong những ngày tháng ngắn ngủi còn lại sau cơn bạo bệnh, nên anh làm đám hỏi với Nga chỉ hai tháng trước ngày tôi xuất hiện trong tòa soạn. Một định mệnh oái oăm.

“ Trong mấy tháng bên em,” Toàn phân trần, “anh sống trong tâm trạng dằn vặt của một kẻ biết mình gian dối. Nhiều lúc anh muốn nói với em tất cả, nhưng anh sợ mất em. Mất em là một đìều anh không muốn chấp nhận, nên anh cứ chần chờ, đóng vai kẻ hèn nhát. ”

Tôi ngồi im nghe Toàn nói trong nỗi đau khổ tột cùng. Tôi không còn tức giận như lúc đầu. Tôi thương anh dạt dào. Tôi yêu anh hơn vì cái bản năng tử tế của anh đằng sau sự lừa dối đáng thương.

Và anh hứa sẽ nói với mẹ anh và Nga về tôi.

Mấy ngày sau tai ương đến khi mẹ anh tới nói chuyện với bố mẹ tôi lúc tôi vắng nhà. Buổi chiều khi anh và tôi về sau một ngày rong chơi, bố tôi nổi cơn thịnh nộ ngay khi hai đứa vừa bước chân vào nhà. Ông nhìn Toàn với tia mắt dữ dằn mà tôi chưa hề thấy nơi ông bao giờ. Bố gằn giọng:

“Kể từ giờ phút này cậu không được trở lại ngôi nhà này nữa, và tôi cũng cấm cậu liên lạc với con gái của tôi. Mẹ cậu đã tới đây, và chúng tôi đã rõ sự dối trá của cậu.”

Toàn cố gắng phân trần, nhưng bố tôi không cho anh cơ hội mở lời. Ông dõng dạc nói tiếp:

“Nếu cậu không buông con Phượng ra, tôi hứa với cậu là nó sẽ không còn được nhởn nhơ ở cái thành phố này, và cậu cũng sẽ chẳng được yên thân với tôi”.

Tôi và Toàn hiểu là bố tôi không doạ suông. Ông sẽ làm những gì ông nói. Anh bối rối nhìn tôi đang sợ hãi và cố gắng thuyết phục bố tôi:

“Cháu xin bác một dịp để được thưa chuyện…”

Anh chưa dứt lời, bố tôi đã chỉ tay ra ngoài cửa:

“ Anh không có gì để nói với tôi nữa. Tôi sẽ không bao giờ gả con gái tôi cho anh .”

Biết không thể nào xoa dịu cơn thịnh nộ của bố tôi lúc đó, anh ra về.

Vào thời điểm đó, những người con gái như tôi không mấy ai dám cưỡng lời cha mẹ để quyết định hôn nhân của mình. Để tôi và Toàn không có cơ hội liên lạc với nhau, bố lập tức gởi tôi lên Đà Lạt ở với cô tôi. Anh họ tôi cho hay mấy tháng sau Toàn cưới Nga. Hai vợ chồng rời Sàigon tới một thành phố cao nguyên sau khi mẹ anh qua đời.

Hai năm sau, tôi lấy chồng để chiều lòng bố. Tôi không yêu chồng. Tôi bỗng thích và thấm thía những giòng thơ ray rứt của TTKH. Tôi sanh cho chồng một đứa con trai trong năm đầu tiên. Chồng tôi biết tôi không yêu anh. Làm sao tôi dấu được anh. Tôi đóng vai kịch người vợ yêu chồng một cách vụng về.

Tháng Tư năm 1975, cuộc chiến đã đến hồi kết thúc với những trận đánh khốc liệt mỗi lúc mỗi gần thêm vào Sàigon. Chồng tôi ra đi trong lúc hoảng loạn, không kịp về nhà tìm vợ con. Sàigòn có chủ mới, tôi bồng con về nhà bố mẹ tá túc, và chẳng bao giờ nhận được tin anh.

Sau mừơi năm trông mong, cuối cùng tôi quyết định làm giỗ cho anh vào ngày 30 tháng tư hằng năm. Mỗi lần nhìn hình anh, tôi buồn và ân hận là tôi đã chẳng đem đến cho anh cái hạnh phúc trọn vẹn ngày còn bên nhau.

Mẹ tôi chết hai ngày sau vụ đổi tiền đầu tiên vì một cơn đau tim. Bố tôi mất sau ba năm trong trại tù tập trung. Tôi chẳng còn gì để bám víu vào mảnh quê hương rách nát nhiều hận thù nên ra các vùng biển tìm đường vượt biên. Một buổi tối, Bích, em gái tôi, ở Bà Rịa về. Cô thầm thì bên tai tôi:

“Em gặp anh Toàn.”

“Hả, ảnh còn ở lại sao"” Tôi mừng rỡ. “ Em gặp ảnh ở đâu"”

“Ngoài Bà Rịa, chỗ mình đang tìm ghe. Ảnh cũng có đường đi ở đó.”

“Ảnh vẫn nhận ra em"” Tôi ngạc nhiên. “ Hồi xưa lúc ảnh quen chị, em còn nhỏ, mà nay đã thay đổi nhiều”.

“Tình yêu mà chị hai! Vừa thấy em ảnh hỏi liền, ‘phải cô có người chị tên Phượng không’. Ảnh nói em và chị có nụ cười và đôi mắt giống nhau”

“Ảnh lúc này ra sao"” tôi không ngăn được sự nao nức.

“Ảnh hóa trang làm người buôn cá. Em không nhận ra ảnh sau lớp áo quần lem luốc và cái nón xùm xụp. Ảnh nói thế nào cũng có lúc anh về thăm chị”

Biết Toàn còn ở lại, tôi đoán chừng anh đang phải lẩn tránh, vì bạn bè của anh ai cũng đã đi tù. Tôi vừa mừng vừa lo , cầu mong tai ương đừng đến với anh.

Một buổi trưa, tôi đang ngồi may đồ thì Toàn đến. Tôi mừng, ứa nước mắt nhìn anh trong lớp ngụy trang tàn tạ. Anh bảo tôi lên xe anh chở ra ngoài, vì anh không muốn bị nhận diện tại ngôi nhà anh đã từng ra vào nhiều năm trước. Toàn chở tôi ngược về phía Thủ Đức nơi hẹn hò của chúng tôi một thời son trẻ. Lúc đi ngang chỗ trú mưa buổi chiều năm xưa, anh quay lại, nhìn vào mắt tôi thầm thì, “Anh ước gì trời bây giờ đổ mưa.” Tôi ứa nước mắt trên vai anh:

“Sẽ không bao giờ còn một cơn mưa như thế nữa Toàn ạ”

Toàn im lặng. Lát sau, anh lên tiếng:

“Anh biết em cũng đang nghĩ đến chuyện ra đi. Ước gì mình cùng đi với nhau”

“Tại sao không được"” Tôi hỏi anh.

Tôi nghĩ Toàn không muốn tôi chạm mặt vợ con anh. Và tôi nói với anh điều tôi nghĩ.

“Không phải vậy,” Toàn lắc đầu “Em biết những tai ương có thể chờ mình ngoài kia trên biển. Anh không thể sống nếu phải nhìn em trong tay bọn thảo khấu. Anh không thể ngồi đó nhìn em tan nát. Anh sẽ chết. Chẳng thà anh không nhìn thấy, không hiện diện. ”

Tôi rùng mình nghĩ đến cái viễn ảnh khủng khiếp. Người ta nhìn thấy, biết trước, mà vẫn phải nhắm mắt lao vào, như những con vật cùng đường.

Mấy tháng sau , Toàn và vợ con ra đi và vượt thoát một cách may mắn. Chuyến đi của tôi bị đình hoãn nhiều lần rồi bị lộ, chủ tầu bỏ trốn. Toàn đi rồi, tôi càng thêm cương quyết, vì chỉ có ra đi, tôi mới mong gặp lại anh. Chỉ nhìn lại anh tôi cũng mãn nguyện, dẫu biết rằng anh sẽ chẳng bao giờ thuộc về tôi. Nhiều khi tôi đau đớn tiếc, sao ngày đó anh không giật tấm chăn khỏi thân thể tôi trong căn gác nhỏ. Nếu anh đừng làm người tử tế, thì có lẽ tôi và anh chẳng bao giờ mất nhau. Và tôi chẳng phải làm chiếc bóng mờ bên cạnh đời anh.

Sang được đến Mỹ, tôi không biết Toàn ở đâu. Tôi lại mong, lại chờ. Tôi âm thầm sồng, và lặng lẽ phấn đấu với cuộc mưu sinh trong môi trường mới. Sau nhiều vất vả, tôi đã tạo dựng được một đời sống vật chất đầy đủ, nhưng trái tim tôi vẫn trống trải muộn phiền. Tôi không còn nhớ định nghĩa của hai chữ đam mê, và thịt da tôi trở nên lạnh lùng. Tôi cô đơn, tôi cố tìm một ngọn lửa để sưởi ấm cõi lòng hoang vắng của mình. Nhưng những lần hẹn hò không đem đến cho tôi một chút vấn vương. Tôi tuyệt vọng, tưởng như trái tim tôi đã hóa thành gỗ đá.

Hôm nay, với sự xuất hiện bất ngờ của Toàn , tôi bỗng tìm lại tôi, và những giòng máu nóng đang rộn ràng chảy về tim tôi.

Tôi và anh dừng lại bên một ghềnh đá cuối bãi. Một chiếc thuyền gỗ nằm trơ trọi trên mặt cát vàng. Hình như nó đã nằm ở đó từ lâu. Lớp sơn tróc loang lổ trên mặt ván nâu cũ. Tự nhiên tôi ví nó như mối tình của anh và tôi. Buồn bã và bất động trên biển bờ mênh mông.

Chúng tôi quay trở về cầu tầu. Tôi muốn biết nhiều về cuộc sống của Toàn. Anh là một phần đời của tôi ,và tôi phãi biết về quãng đời lưu lạc đó của mình. Tôi nhìn anh. Trong nắng chiều, nét mặt anh đăm chiêu . Tôi lên tiếng:

“Em muốn hỏi anh một câu”

“Anh đang nghe em”. Toàn nhìn tôi chờ đợi.

“Anh hạnh phúc"” Tôi hỏi sau một phút lưỡng lự .

“Hạnh phúc của anh không đến tự nhiên. Anh phải tự tạo nó cho mình. Anh cố yên phận.”

“Yên phận" Anh là nhà văn không sống như những nhân vật của mình.”

“Anh viết mơ ước của anh qua các nhân vật vì anh không sống được như anh muốn. Như anh đã từng ao ước có em. Mỗi đứa con sinh ra lại thêm một lý do nữa cho sự yên phận của anh”.

Toàn xoay người đứng đối diện tôi. Anh kéo tôi sát vào người rồi xiết chặt tôi trong tay anh. Tôi đứng yên trong tay anh, chờ đợi. Toàn cúi xuống hôn tôi thật lâu. Chiếc hôn môi đầu tiên trong cuộc tình kéo dài hơn ba mươi năm. Và tôi biết tôi và anh chỉ cho nhau chừng đó.

Có người bảo tôi sau hai mươi năm vợ chồng, người ta không còn hôn môi nhau nữa. Chữ Tình đã đổi thành chữ nghĩa, và tiếng Yêu đã biến thành tiếng thương. Tôi chưa được một ngày nào trọn vẹn của Toàn. Tôi cũng chưa sống với ai hai mươi năm. Tôi ước gì tôi được sống như người đàn bà kia bên Toàn, tiếng “thương” dẫu không nồng nàn, nhưng có thể sâu đậm hơn. Ngày mai anh lại ra đi, như sóng trở về biển khơi, và tôi vẫn một mình, như con thuyền chơ vơ trên bãi cát mênh mông.

HUYỀN THOẠI

Ý kiến bạn đọc
30/11/201816:58:55
Khách
có duyên , không nợ , kết cục buồn quá , thà không gặp lại còn hơn ..... nhân vật chính nên mỡ lòng gặp gỡ những người bạn đàn ông khác .... sẽ gặp người vừa ý
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 842,851,367
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến