Hôm nay,  

Bốn Thế Hệ Thầy Trò

22/02/200600:00:00(Xem: 238772)
Người viết:

NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG

Bài số 945-1545-269-vb5022206

*

Diệu Hương là tác giả đã hai lần được tặng giải thưởng viết về nước Mỹ. Ngay từ năm đầu tiên, với bài “Chương Kết Của Cuộc Đời”, cô được trao giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, sang năm 2005, cô nhận giải vinh danh tác giả, với bài viết về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong dịp 30 lần thứng Tư tại Mỹ, và bài “Cầu Vồng Giữa Mùa Hè”, về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose.

*

Thời nhỏ dại chúng tôi có một tủ sách rất quý, đầy đủ sách học các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Pháp và đầy đủ tự điển rất nhiều người ao ước, mặc dù lương sĩ quan cấp Tá QLVNCH của Ba lúc đó chỉ đủ để mẹ lo cho anh chị em chúng tôi được ăn trắng mặc trơn.

Tủ sách ngày càng nhiều và đầy đủ sách quý hiếm, chúng tôi có ngay từ lúc sách được in xong, nhờ một người học trò cũ của ông bà nội là chủ một nhà xuất bản sách giáo khoa lớn nhất ở Sài Gòn đầu thập niên bảy mươi. Hồi đó, còn ở ghế trường Tiểu học, tôi đã mơ ước lớn lên mình sẽ là cô giáo dạy Toán bởi vì tôi thấy tình nghĩa thầy trò của những người học trò cũ với bà nội, một tình nghĩa đầy sự tôn kính của đạo lý Đông Phương "nhất tự vi sư, bán tự vi sư".

Nhưng rồi cuộc đời ít khi được như mơ ước, biến cố năm 1975 xóa nhòa mọi ước mơ của tôi, nhưng không xóa nhòa được sự tôn kính dành cho những thầy cô trong rất nhiều năm học đã vun bồi kiến thức và đạo lý làm người trong tôi.

Không bao giờ được trở thành một cô giáo dạy Toán như mơ ước nhưng tôi cũng có dịp có nhiều học trò, theo một nghĩa nào đó . Trong số các em, chỉ bằng tuổi em út của tôi, chỉ có Vina liên lạc với tôi thường xuyên nhất. Vina vẫn thỉnh thoảng email cho tôi, lúc thì khoe một bài thi được A plus, lúc thì kể về những ưu tú của em trong những ngày nội trú xa nhà ở một trường đại học ở miền Đông.

Vina không giống với các em tôi đã đi dạy kèm từ hồi còn học lớp mười một, thời đó tôi phải đi dạy kèm giúp mẹ vì ba đang ở tù trong một trại cải tạo ở núi rừng heo hút, học trò tôi lúc đó học lớp 8, chỉ thua tôi hai hay ba tuổi nên tôi chỉ dám dạy học trò con gái.

Vina cũng không giống với các em bỗng dưng đồng loạt "mồ côi vì vận nước" ở trại tỵ nạn mà tôi đã có dịp dạy Anh Văn, kiểu dạy của "người chột trong thế giới người mù". Vậy mà các em quý tôi vô cùng.

Tôi dạy Vina Việt văn, đủ mọi tác giả mà tôi có dịp học thời trước năm 1975, từ những câu thơ trang nghiêm của Bà Huyện Thanh Quan, đến những câu thơ nổi loạn của Hồ Xuân Hương, những câu thơ yếm thế của Trần Tế Xương đến những lời mỉa mai đầy bóng gió của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, và dĩ nhiên tôi cũng dạy Vina cùng các bạn của em ở trường Việt Ngữ những câu thơ trong tác phẩm được gọi là tiêu biểu của văn học Việt Nam "Đoạn Trường Tân Thanh" của Nguyễn Du. Chữ nào các em không hiểu tôi phải giảng giải bằng tiếng Anh. Giờ học Chủ Nhật nào cũng có đủ tiếng Việt, tiếng Mỹ rất đề huề, đoàn kết. Vậy mà các em cũng hiểu và cũng thuộc lòng được một số câu thơ mà rất nhiều người đã học qua trung học ở Việt nam trước năm 1975 đều nhớ rõ.

Ở một ngôi trường trung học ở Mỹ, mỗi Chủ Nhật trong nhiều năm rất dài, tôi lặng lẽ chuyển kiến thức mình đã học từ các thầy cô cũ trước năm 1975 sang các em Mỹ gốc Việt Nam. May mắn là các em lúc đó đang tuổi mười bốn, mười lăm, đầu óc không bị vướng bận nhiều lo toan, nên các em ghi nhận được hầu hết những điều tôi truyền đạt, giống như tôi vẫn còn nhớ như in những điều mình đã được học từ những năm tháng đi học trước năm 1975 ở Việt Nam. Nên về sau này trong những email gởi cho người lớn, các em đã biết dùng chữ "Kính thưa" để mở đầu thay vì "Hi" hay "Hello" như phong tục người Mỹ.

Mãi đến gần đây, trong một email gởi cho tôi, Vina đã viết bằng cả hai thứ tiếng, rất ngộ nghĩnh, dễ thương.

- Cô ơi, hôm nay the first day of Autumn, it's windy, lá vàng bay lung tung giống như "thủa trời đất nổi cơn gió bụi" that you taugh us at Vietnamese School in San Jose a few years ago…

Hay có lúc Vina viết:

- I still remember what you said "Trọng thầy mới được làm thầy". I'll graduate soon. Hopefully my students will treat me the same way you have treated your teachers.

Vina đang học "Education" ở NYU, em sẽ dạy Anh văn ở trường trung học. Chỉ hình dung một cô gái Việt Nam da vàng dạy Anh văn cho các em học sinh bản xứ da trắng hay da màu đủ thấy đất nước Hoa Kỳ đã tạo ra cơ hội cho tất cả những người có ý chí.

Năm tới, Vina ra trường, em đi dạy, chúng tôi sẽ thiết lập được bốn đời thầy trò, trong đó có mỗi mình tôi không phải là một người thầy được đào tạo từ một trường đại học sư phạm như các thầy cô cũ của tôi, hay như Vina, một cô giáo trung học tương lai, người Mỹ gốc Việt sinh ra ở Mỹ, thế hệ thứ hai của người Việt lưu vong.

Có nhiều lý do để Vina quý tôi như một người bạn lớn, và vẫn giữ liên lạc với tôi với sự kính trọng của trò đối với thầy, vì em đã được nghe tôi kể về các thầy cô cũ của tôi và tình nghĩa thầy trò của chúng tôi.

Năm 2002 trong một dịp dự " High School Reunion" của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa ở miền nam CA, tôi có dịp gặp lại thầy Phố, thầy giáo cũ dạy Công Dân năm tôi học lớp bảy. Tôi nhận ra thầy ngay giữa cả trăm người đến dự họp mặt hôm đó. Rời xa bục giảng một phần tư thế kỷ qua, thầy vẫn còn nguyên phong cách của một nhà mô phạm. Và ở giữa quê người, tôi được thầy kể lại chuyện "cannot" của Việt Nam ở một lề đường của tỉnh Tây Ninh đầu thập niên 80

Dạo đó, cùng với vận nước nổi trôi, thầy Phố trôi dạt về Tây Ninh thay vì cầm phấn viết bảng thầy phải cầm kim khâu giày cũ ở một lề đường nhem nhuốc đầy bụi bặm để mưu sinh giữa lúc trật tự xã hội quay một góc một trăm tám mươi độ. Một lần tình cờ một trong số những học trò cũ của thầy, thầy Thu, cũng là thầy giáo dạy Toán của tôi năm lớp bảy trong một lần đi chấm thi học sinh giỏi toán ở Tây ninh, vẫn nhận ra thầy, và đã ngồi xuống lề đường, thăm hỏi thầy, vẫn ân cần, vẫn lễ độ như dạo nào trong lớp học. Và như vậy, cả hai người thầy cũ của tôi đã dựng lại câu chuyện Đại tướng Cannot của Pháp.

Về thăm thầy cũ ở một lề đường của Tây Ninh. Cả hai thầy đã dạy cho tôi thêm một bài học về đạo làm người, về nghĩa thầy trò.

Thầy Phố đã dạy Toán Thầy Thu thời thầy Thu còn ngồi ở ghế trung học Ngô Quyền. Rồi thầy Thu đậu tú tài, đi du học ở Pháp, và về lại ngôi trường trung học cũ với tư cách mới của một nhà mô phạm. Thầy Thu dạy chúng tôi môn Tân Toán học ở những ngày cuối của nền đệ nhị Cộng hòa. Tình cờ, cả hai thầy cùng dạy tôi năm lớp bảy, nhưng dạo đó chúng tôi không được biết mình đang được học cả hai thế hệ thầy trò cùng lúc, mình đang là thế hệ thứ ba trong những năm tháng đi dạy của thầy Phố.

Mãi về sau này, bên đời lưu lạc, tôi mới biết mình được hân hạnh là thế hệ thứ ba, và đã kể lại câu chuyện ở vỉa hè Tây Ninh cho các em học trò ở trường Việt Ngữ. Các em vừa kinh ngạc, vừa thán phục tinh thần "trọng thầy mới được làm thầy" của người Việt nam. Câu chuyện "cannot" Việt Nam rất cảm động đầy nghĩa thầy trò đã động đến những trái tim Mỹ gốc Việt Nam trong lớp Việt Ngữ ngày nào và hai trong số gần hai mươi học sinh cũ của tôi đã vào trường đại học với chuyên ngành "Education".

Tôi chưa có dịp kể với các em về những buổi "High School reunion" ở Mỹ với những nghi thức vinh danh thầy cô giáo cũ từ những người học trò đã rất thành công trong sự nghiệp nhưng luôn luôn đặt thầy cô ở vị trí thứ hai sau cha mẹ. Các em cũng chưa được biết mỗi lần một thầy cô giáo cũ tuổi cao sức yếu, phải vào bệnh viện, chỉ cần một email gởi ra, dù là một ngày giữa tuần đang bận rộn với nợ áo cơm, với đủ thứ bổn phận trên đời, vẫn có ít nhất là ba mươi học sinh đến thăm thầy, cô cũ ở một bệnh viện của Orange County, nơi có đông người Việt lưu vong quần tụ nhất. Các em lại càng không thể tưởng tượng mỗi lần có một thầy cô vĩnh viễn nằm xuống, gần cả trăm học sinh không quản ngại đường xá lái xe hay bay về tiễn thầy lần cuối; chúng tôi xếp hàng tuần tự ở cổng nhà quàng, theo thứ tự từng niên khóa để chào vĩnh biệt thầy.

Tôi cũng chưa có dịp "khoe" với các em về những cái thiệp Tết tôi nhận được từ các thầy cô cũ ở rải rác từ Califorina qua tận Pennsylvania trong đó có những câu rất cảm động "cảm ơn em, cảm ơn đạo lý Đông Phương "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", thầy cảm động thấy mình may mắn và có những niềm vui mà không tài sản nào mua được…."

Tôi cũng chưa rảnh để chuyển cho các em những email của các thầy cô giáo cũ người Mỹ đã dạy tôi trong những năm tháng đầu tiên chân ướt chân ráo ở quê người trong các trường đại học ở Califorina. Những thầy cô giáo Mỹ rất quý trọng học sinh Việt Nam vừa chăm học, vừa lễ độ, và nhớ ơn người đã ban phát kiến thức cho mình.

Học sinh Mỹ vốn thực dụng, nghĩ là những cái paycheck định kỳ không nhỏ đã đủ để bù đắp công sức và thời gian của các thầy cô giáo; nhưng con người vốn cần nhiều thứ để được hạnh phúc ngoài vật chất và tiện nghi.

Mùa hè tới, khi đi dự năm mươi năm hội ngộ của trường trung học Ngô Quyền, tôi sẽ mời Vina đến để em thấy tận mắt tình nghĩa thầy trò của đạo lý Đông Phương qua lễ vinh danh của rất nhiều thế hệ thầy cô, để giúp em nhiều nghị lực trong những năm tháng đứng ở bục giảng sau này. Dĩ nhiên, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, em đủ khôn ngoan để hiểu em không thể có được tình nghĩa thầy trò vẹn toàn như các thầy cô cũ của chúng tôi nhưng em sẽ tìm được nhiều niềm vui hơn trong nghề nghiệp của em không phải chỉ để đổi lấy những tấm paycheck ổn định hai lần mỗi tháng, mà còn có niềm vui của một người đưa đò lặng lẽ đưa nhiều thế hệ sang sông, đến được nơi cần phải đến. Chỉ cầu mong trong các học sinh tương lai của Vina, chỉ có một vài người sang sông quay về bến đò cũ thăm người lái đò với lòng biết ơn chân thành. Chừng đó đủ để em truyền lại cảm hứng cho thế hệ kế tiếp, để sẽ có nhiều thầy cô giáo là một nhà mô phạm đúng nghĩa, là một tấm gương cho học sinh noi theo.

Vài năm nữa, chúng tôi sẽ có được năm thế hệ thầy trò. Và truyền thống lẫn tình nghĩa thầy trò vẫn sẽ được duy trì dù chúng tôi đã ở rất xa quê nhà từ rất lâu và thời ôm cặp đến trường ngày càng xa mờ tít tắp….

Nguyễn Trần Diệu Hương

(Với lòng biết ơn chân thành với các thầy cô cũ và viết cho Hội ngộ 50 năm của cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa tháng 7/06)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến