Hôm nay,  

Ám Ảnh

13/02/200600:00:00(Xem: 222466)
Người viết: BỒ TÙNG MA

Bài số 936-1536-260-vb8021206

Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, 60 tuổi, cư dân Los Angeles. Các bài viết của ông góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ từ lâu được bạn đọc đặc biệt quí trọng. Bài mới của ông lần này là một truyện vượt biên vào đúng đêm giao thừa và ám ảnh của người nữ tù trong trại tập trung ở Việt Nam.

Lần này Nhung nhất quyết ra đi với bất cứ giá nào vì chồng cô từ Mỹ nhắn về nói thủ tục bảo lãnh gặp nhiều rắc rối, cô nên tìm cách vượt biên, nhưng phải đi qua ngả Hồng Kông vì vùng biển này không có hải tặc. Chuyến đi được tổ chức đúng vào đêm 30 Tết. Ở đây chưa có ai vượt biên vào thời điểm này nên mọi người hy vọng sẽ thành công. Sau khi lấy số vàng cô còn nợ lại, người môi giới hẹn Nhung phải có mặt tại điểm xuất phát đúng 8 giờ tối.

Điểm xuất phát là một quán cóc hay đúng hơn là một cái bàn con với mấy cái ghế bên vệ đường. Cô đến nơi hẹn sớm hơn 1 giờ. Chung quanh tối thui. Phố xá đều ngưng buôn bán, một số đóng cửa, một số mở hé cửa để gia chủ ra vào cúng vái nơi cái bàn con đặt trước nhà. Ngoài đường lưa thưa vài người di lại. Xa gần vài tiếng pháo nổ lớn nhỏ như có cuộc phục kích hay bắn sẻ thời chiến tranh. Mãi đến gần 12 giờ khuya mới có một người đàn ông đi xe Honda hai bánh đến nơi. Hắn lấy tay trái đập đập vào lưng hắn vài ba cái giống như đang tự tẩm quất. Nhung biết đây là người trong tổ chức vượt biên ra ám hiệu. Cô đến ngồi vào yên xe sau lưng hắn, nhưng bỗng giật mình vì có ai đó bá lấy hai vai cô như kéo cô lại. Nhung quay lui, thấy một cô trạc tuổi Nhung cũng đang ngồi vào yên xe.

-Chở ba mà. Nhanh lên!

Người lái xe Honda nói như ra lệnh và nhích đít về phía trước.

Nhung cũng nhích về phía trước nhưng vẫn không dám ngồi sát vào hắn, ngực cô thuộc loại lớn và nhọn, cứ như muốn đâm thủng lưng người lái xe.

Mấy phút sau, xe qua một ổ gà lớn, cả người cô đập mạnh vào lưng người lái xe, cô phải ôm chặt lấy hắn, nhưng chiếc xe đã lao xuống ruộng, cô phía sau nằm té ngửa trên đám ruộng, còn Nhung nằm sấp trên lưng anh lái xe, hai tay vẩn còn ôm chặt lấy hắn. Hắn trở mình quay lên. Nhung cảm thấy phía dưới bụng mình có vật gì cợm cợm. Cô mắc cỡ hết cả sợ nhưng anh lái xe đã đưa tay ra phía trước bụng, rút ra một khẩu súng lục, rồi lại nhét nó vào, có lẽ để cho được chặt hơn.

Thấy Nhung sợ hãi, thừa lúc anh lái xe ì ạch dắt xe lên đường, cô kia nói nhỏ:

-Tổ chức này của một nhóm công an biên phòng. Đừng lo.

Nhung an tâm cùng cô kia ngồi vào xe. Cô nghe có nhiều tiếng pháo chung quanh. Chưa đầy một phút sau vô số tiếng pháo khác nổ tiếp theo, tạo thành một âm thanh như sấm rền. Cô biết đã đến giờ giao thừa.

Xe qua cầu, quẹo trái rồi lại quẹo trái một lần nữa xuống bờ sông vắng vẻ. Anh lái xe chỉ một chiếc thuyền rất lớn đang nằm ụ chờ sửa chữa sát bờ sông:

-Vào trong đó chờ.

Hai người rụt rè tiến về phía chiếc ghe, chưa biết làm gì thì nghe có tiếng nói đâu đó ở trên ghe:

-Cái thang dựng phía sau đó, leo lên đi.

Hai người leo khỏi chiếc thang, rồi lại chui xuống một lỗ nhỏ để vào trong lòng ghe. Trong ghe tối như bưng, nóng như một lò lửa và đủ thứ mùi xông lên. Đó đây những tiếng càu nhàu gắt gỏng. Chỉ chừng một phút sau mồ hôi Nhung toát ra thấm ướt nguyên cả áo. Cô khó chịu xoay người qua bên trái, tay chạm phải bộ ngực trần của một người đàn bà, cô xin lỗi. Nhung ngần ngại một lát rồi cũng cởi áo ra, cởi luôn cả nịt vú, vắt bớt mồ hôi. Bỗng Nhung nghe có giọng nữ la lớn:

-Đồ khốn nạn! Rờ người ta.

Sau đó là những tiếng gắt gỏng:

-Không biết sướng ích chi mà còn làm trò quỷ.

-Nhưng làm chi mà la lớn vậy. Bộ muốn chết cả lũ sao"

Chừng 2 tiếng đồng hồ sau có tiếng nói ở phía trên:

-Bể rồi. Từ từ leo xuống, tản ra, đi vào trong xóm.

Nhung nhanh nhẹn mặc áo , vứt cái nịt vú, leo nhanh lên cầu thang, rồi đi như chạy vào trong xóm, phía bờ sông. Trời bên ngoài khá lạnh và gió thổi rát cả tai.

Đang tìm cách để qua sông về nhà, cô thấy một bà cụ quấn khăn kín mặt, còng lưng gánh một gánh gì đó đi về phía một chiếc đò nhỏ. Nhung nói:

-Bà để tôi gánh giúp cho.

Bà cụ nhìn ra phía bờ sông rồi gật đầu. Nhung quảy gánh theo bà cụ lên ghe. Bà cụ chèo chiếc đò phăng phăng qua sông, tiến về phía bờ, gần một cầu tàu nhỏ. Khi đến gần bờ Nhung thấy nhiều chiếc đò khác có chở người cũng đi về hướng cầu tàu như Nhung. Cô đang hoang thì giật mình thấy bà cụ rút súng lục ra chĩa vào người cô. Nhung tái mặt nhìn “bà cụ” lúc bấy giờ đã hết trùm mặt. Đó là một phụ nữ khá xấu xí lớn hơn cô chừng 5 tuổi. “Bà cu” nói oang oang:

-Định qua mặt cách mạng hả. Lên đây đợi xử lý.

Thế là Nhung bị đưa vào nhà tạm giam của Sở Công an đúng ngày mồng 1 Tết năm Tân Dậu 1981. Lúc ấy cô vừa đúng 25 tuổi 10 tháng.

*

Nhung bị nhốt chung một nhà với đám phụ nữ, đa số là các cô cải tạo nhân phẩm, rồi đến vượt biên, cũng có một số ít nữ tù chính trị mà công an gọi là “mấy con Thiên Nga” vì họ ở trong tổ chức tình báo Thiên Nga của Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Nhà tù nữ này là một phần của trại cải tạo chính do tỉnh quản lý. Trong trại này còn có các nhà tù giam giữ sĩ quan, công chức chế độ cũ và tù hình sự.

Để bớt lao động cực nhọc, Nhung xung phong “lao động nghệ thuật” như trang hoàng phòng ốc, viết biểu ngữ, vẽ. Cô đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật nên việc này đối với cô không khó.

Một hôm có một nữ công an vào nhà tù nữ bảo Nhung theo bà ta qua phòng Thông tin Văn hóa của trại. Bà chỉ vào một bức tranh Nhung vẽ đang treo trên tường:

-Chị định ám chỉ cái chi đây" Cờ tổ quốc treo trên ngọn cây cao. Ba con trâu châu đầu quanh gốc cây. Chị muốn ba con trâu ủi gốc cây, để cờ tổ quốc ta rớt xuống hả"

-Dạ…

-Dạ cái chi! Bộ mặt tư sản phản động của chị qua mặt được chúng tôi sao.

-Dạ đây là cảnh thanh bình. Quanh gốc cây có nhiều cỏ cho trâu ăn. Chung quanh còn có đồng ruộng, sông núi nữa.

-Tôi không nhất trí. Ngày mai yêu cầu chị xuống tổ cấy.

Nhung sợ hãi nhìn bà ta, một lát sau mới nhận ra đây là “bà cụ” chèo đò đêm giao thừa. Sau này cô được biết tên bà ta là Sáu Chác, vợ của một sĩ quan công an. Ông này mới được thuyên chuyển về đây làm trưởng trại. Cô cũng biết thêm bà Chác còn là người cùng làng và có họ với Thanh, chồng cô.

Bà Sáu Chác chỉ nói cho sướng miệng. Bà chẳng có quyền gì nhiều ở trại cải tạo này. Ngoài việc làm vợ của ông trưởng trại, bà chỉ là một trung sĩ công an, thường ngày vẫn mang súng dắt một đám tù đi lao động. Thế nên Nhung vẫn tiếp tục công việc của cô, nhất là khi chưa có ai thay thế cô được, khi trại chưa muốn dùng những sĩ quan và công chức chế độ cũ làm công tác “tư tưởng văn hoá” vì trại cho rằng đám tù chánh trị này có thể vẽ hay viết cái gì phản động đó một cách kín đáo mà các cán bộ công an không đủ khả năng duyệt.

Nhung thường làm việc trong nhà nên nước da cô không bị ăn nắng, cô đã đẹp lại càng đẹp thêm và càng làm gai mắt bà Chác. Thế nên lâu lâu bà Chác lại kiếm chuyện với cô bằng cách bắt bẻ việc này việc nọ có liên quan đến những bức họa của cô. Mỗi lần như vậy cô đều nhỏ nhẹ xin nhận “khuyết điểm” và xin vẽ lại cái khác. Nhưng bà Sáu Chác vẫn trừng trừng nhìn cô như mụ phù thủy ác độc trong một truyện cỗ tích, muốn làm phép biến cô công chúa thành con chó xấu xí. Sau đó bà đi tới đi lui, nhìn cái này một chút cái kia một chút, rồi với tay lấy vài quyển sách lên xem qua, ra vẻ ta đây là người có học dù bà chỉ mới qua khỏi lớp 3 của chương trình giáo dục tại chức.

Tết Nhâm Tuất 1982, không những Nhung bận rộn vẽ biểu ngữ, vẽ tranh và trang hoàng cho trại đón Tết, mà còn bận rộn vẽ tranh Tết cho các cán bộ công an, nhất là ông trưởng trại. Cô làm việc khờ người, chỉ có thì giờ để ăn và ngủ.

Thế rồi một hôm đang ngồi vẽ trong nhà ăn, bỗng cô giật mình nghe tiếng bà Sáu Chác nói lớn phía sau lưng:

-Còn chối nữa không"

Nhung không trả lời vì không hiểu chuyện gì, quay lui và lễ phép đứng dậy chào bà.

Bà Sáu Chác hai tay ôm một bức tranh, mặt hằm hằm nhìn Nhung, rồi vứt bức tranh xuống đất. Đây là bức tranh vẽ ông trưởng trại ngồi vuốt ve một con chó trắng lốm đốm đen rất đẹp, rất dễ thương, dưới cùng bên phải bức tranh có ký chữ “Nhung” gần đuôi con chó. Bức tranh này vẽ theo lời yêu cầu của ông trưởng trại, ông đã đưa một bức hình chụp ông ngồi ngoài vườn cho Nhung và bảo cô vẽ thêm con chó vào cho nó hợp với năm Tuất.

-Còn chối nữa không" Hết phản động lại hủ hóa, trụy lạc. Chị muốn ám chỉ con chó là chị hả"

Mãi một lúc sau Nhung mới hiểu bà Sáu Chác muốn nói gì, cô vừa giận, vừa thẹn lại vừa buồn cười, nên chỉ im lặng. Bà Sáu Chác thấy cô im lặng lại càng tức và càng nghi ngờ:

-Ngứa trong người lắm hả" Coi cái ngực kìa! Coi cái háng kìa! Ra gốc cây mà cà.

Bà Sáu Chác đã hiện nguyên hình một mụ hàng tôm hàng cá lắm điều và dốt nát. Nhung nói:

-Thưa bà, tôi có làm chi đâu

-Có làm chi thì ai mà biết.

Nhung thấy tốt nhất là im lặng. Sự im lặng lần này của Nhung làm bà Chác tức hơn. Bà nhặt bức tranh lên, vứt vào người Nhung. Cô né sang một bên, rồi tức mình lấy chân đá bức tranh một cái. Bà Chác hét lên:

-Chị này hỗn láo. Phải giáo dục thêm, may ra mới trở thành người tốt.

Một công an đang trực ban ngoài cổng chạy vào. Rồi hai ba công an vào theo. Họ bảo Nhung theo họ lên văn phòng “làm việc”. Nhung viết kiểm điểm và bị cùm một tuần. Trong cái phòng biệt giam rộng chừng 2 mét vuông, cô bị cùm một chân. Cô phải ăn, uống, làm công tác vệ sinh nơi đây. Cô biết tất cả đám công an ở đây, kể cả bà Sáu Chác và ông trưởng trại đều biết cô oan, nhưng họ vẫn không tha cô. Ông trưởng trại là người có quyền nhất ở đây thì sợ tai tiếng; bà Sáu Chác thì dĩ nhiên là muốn cùm cô cho đến chết; còn đám công an thì sợ ông trưởng trại. Vả lại, ai cũng muốn lấy việc cùm cô để răn đe kẻ khác.

Sau khi ra khỏi phòng biệt giam, cô xin thôi làm công tác “văn hoá tư tưởng” vì biết mình không phải thuộc loại có “đủ khả năng” hưởng ưu đãi của trại. Con đường tốt nhất dành cho cô là cày, cấy, bón phân người.

Tháng 9 năm 1982 Nhung được phóng thích. Cô ra trại trễ hơn các người cùng đợt vượt biên với cô 8 tháng và sau khi chồng cô lên thăm cô được một tuần. Hai vợ chồng sum họp với nhau gần một tháng ở Việt Nam. Sau khi chồng cô về Mỹ 9 tháng, cô sinh ra bé Nga, đứa con gái đầu lòng. Sau cái ngày bị cùm và nhất là trong thời kỳ có thai bé Nga, khuôn mặt bà Sáu Chác giống như của một loài ác quỷ đáng ghét nhất, luôn luôn in sâu trong tâm khảm Nhung, đến nỗi cô luôn luôn mơ thấy bà trong những cơn ác mộng. Lần đầu tiên trong đời cô hiểu ý nghĩa chính xác của bốn chữ “ghét cay ghét đắng”. Cô không ngạc nhiên chút nào nếu có người muốn nhổ toẹt hay làm gì hơn nữa vào những bộ mặt như bộ mặt bà Sáu Chác. Thật là một sự đáng ghét hoàn hảo.

Vì đã có con với nhau tại Việt Nam nên chồng cô đã bảo lãnh cô qua Mỹ một cách dễ dàng.

***

-Mẹ mua cho con đôi giày khác đi. Đôi giày gần rách rồi.

Nghe bé Nga nói, Nhung gắt:

-Con biết không, hồi ở tù mẹ chỉ có một đôi dép Thái. Mẹ lấy dây kẽm vá đi vá lại đôi dép suốt một năm.

-Em nói lạ quá, đem đời sống trong tù ra so sánh với đời sống ở Mỹ.

Nhung biết mình vô lý nhưng vẫn cãi lại chồng:

-Tánh con bé Nga sau này thế nào cũng đua đòi. Bây giờ tập lần đi là vừa. Giày chỉ gần rách, chứ chưa rách.

-Sao giày thằng Tùng chưa rách mẹ đã mua cho nó"

Bé Nga rơm rớm nước mắt nói.

-Đồ… không biết nhường nhịn. Ganh với em hả"

Nhung mắng bé Nga. Cô tìm thêm lý lẽ để bênh vực mình. À, phải, tại sao nó lại ganh với đứa em 3 tuổi. Nó đã 10 tuồi rồi mà. Chắc nó thấy thằng Tùng có giày nên mới đòi mua. Nhung nhìn khuôn mặt phụng phịu của nó và tự nhiên điên tiết lên. Cô đến kéo tay nó:

-Giày đâu, đưa coi!

-Con vất rồi.

-À, mày giỏi thật. Tao chưa mua giày mới mày đã vất giày cũ.

Nhung xô con bé Nga ngã chúi xuống sàn nhà. Nó chạy đến núp sau lưng bố. Thanh nói:

-Em có điên không"

-Em không điên. Nó quá quắt lắm.

Bé Nga khóc rú lên.

-Em quá quắt thì có. Bộ em tưởng ở Mỹ đàn bà là cha người ta thật sao"

-Anh có ý gì mà nói vậy. Thiếu gì người đeo đuổi tôi nhưng tôi vẫn một lòng với anh, vượt biên, tù tội. Anh chưa vừa lòng sao.

Thanh đến bên vợ nói nhỏ:

-Anh thấy em bất công với bé Nga quá. Từ khi sinh nó ra, em không hề có một lời dịu dàng với nó. Tại sao vậy"

Nhung không trả lời mà chỉ bù lu bù loa khóc. Khóc xong cô nằm nghỉ một lát rồi đi tắm. Sau đó cô thấy lòng mình dịu lại. Cô đứng dậy lái xe đi mua giày cho bé Nga nhưng vẫn không cho nó đi theo như cô thường cho cu Tùng đi theo mỗi khi mua đồ cho Tùng. Cô thấy mình quả thật bất công với bé Nga, nhưng cô không hiểu tại sao.

***

Mùa hè năm1995 mẹ Nhung mất, cô về dự tang lễ. Sau đó cô đi thăm lại cảnh cũ người xưa. Trên 10 năm không về lại Việt Nam nên cô thấy cái gì cũng lạ lùng, khác với trí tưởng tượng của cô. Nhung thăm lại khu chợ, nơi cô từng bán thuốc tây chui bị thuế vụ bắt nhiều lần. Cô gặp lại bạn bè, bà con và những người quen biết, ai cũng nói cô trông như mới 30 tuổi dù đã gần 40.

Một hôm cùng người chị đi mua vài món đồ lặt vặt trong một khu chợ, Nhung thấy một người đàn bà đang đứng nhìn mình chăm chú. Đây không phải lần đầu tiên có người tò mò nhìn cô, nên cô không quan tâm lắm, nhưng sau cô chợt nhớ đến một khuôn mặt nên nhìn lại người đàn bà và cô nhận ra đó là bà Sáu Chác. Ngay lúc đó bà tiến lại phía cô, vồn vã nói:

-Thím Nhung, vợ chú Thanh đây hả" Đã về thăm mồ mả ông bà trên quê chưa" Đã đóng góp xây dựng chi chưa" Lâu quá, còn nhớ tôi không, Sáu Chác đây.

Nhung ngạc nhiên không hiểu sao bà ta lại mặt chai mày đá như như thế được. Không lẽ bà ấy tưởng Nhung đã thật sự có lỗi gì trong trại cải tạo, đã được bà giáo dục đến nơi đến chốn, để nay trở thành con người tốt. Nếu bà ta hối lỗi, đến nói với cô một lời phải trái, may ra cô còn bỏ qua. Nhung định nói một lời thật nặng nề cay đắng với bà nhưng cô chỉ cười:

-Xin lỗi, chắc bà nhầm người.

Rồi cô hướng cái nhìn lạnh lùng vào bà Chác, và cũng như khi còn ở trong trại cải tạo, cô tránh nhìn cặp mắt bà mà nhìn cái nốt ruồi khá lớn dưới đuôi con mắt trái của bà. Cô bỗng giật mình nhớ đến con bé Nga, nó cũng có một cái nốt ruồi giống y như thế.

Nhung trở về Mỹ sớm hơn dự định một tuần. Đến Mỹ việc đầu tiên của cô là đem con bé Nga đi phá cái nốt ruồi.

Bồ Tùng Ma

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến