Hôm nay,  

Chiếc Áo Ân Tình

31/01/200600:00:00(Xem: 203807)
Người viết: CHÚC CHÂN

Bài số 926-1526-250-vb4020106

*

Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã 18 năm làm công việc một kỹ sư. Tự mô tả mình là “Người Mỹ, gốc Việt, dòng Hoa,” Chúc Chân đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt, và đã được trao tặng giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau đây là một hồi ức tỉ tê, xúc động kể về thành phố quê cũ. Bài được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Bính Tuất.

*

Trời đang bắt đầu vào thu. Ngoài chợ người ta đã bắt đầu bày bán những trái bí rợ đủ cỡ, từ những trái bí tí hon bằng nắm tay trong chiếc bọc lưới treo lủng lẳng ở hàng produce cho tới những trái bí khổng lồ như những con heo béo phì đổ đống trước cửa chợ.

Năm nào tôi cũng khệ nệ khuân một trái bí to nhứt giữa đống bí rợ vàng tươi về nhà. Một thông lệ bắt đầu từ khi đứa con lớn của tôi biết chập chững tay xách giỏ đi xin kẹo Halloween. Thằng bé trông dễ thương trong lớp quần áo Tàu hóa trang, đầu đội chiếc nón vải kết mớ tóc bằng len tết thành chiếc bím dài lủng lẳng sau lưng, như một thành viên của hội Hồng Hoa phản Thanh phục Minh trong truyện Lộc Đỉnh Ký.

Ở đây trẻ con hí hửng trong những bộ quần áo hóa trang và những phong quà bánh kẹo vào đêm Halloween mùa thu, cũng như khi xưa còn bé tôi hí hửng trong bộ quần áo mới và những bao lì xì trong ngày tết đầu xuân. Bây giờ con tôi đã lớn và không còn hí hửng chờ mùa Halloween nữa, nhưng mỗi năm tôi vẫn khệ nệ khuân trái bí rợ lớn nhất ở chợ về nhà. Có lẽ tôi còn vấn vương với một ký ức xa xưa nào đó.

Bí rợ.... Lá vàng.... Mùa thu và cơn gió bấc thổi hiu hiu.... Cơn gió gợi cho tôi một thành phố, một phần đời và những cảm giác mang mang của những lần tôi trở về nhà khi xưa, những lần trở về quê ăn tết. Lần sau cùng tôi về quê ăn tết đã hơn một phần tư thế kỷ, nhưng cơn gió tết ngày xưa đó hình như đã theo tôi di cư sang Mỹ mỗi năm vào mùa thu trời đổi mùa.

Quê tôi một thành phố nhỏ đìu hiu, khiêm nhường, nếu không muốn nói nghèo, nơi tôi được sanh ra và lớn lên. Tôi rời thành phố năm mười tám năm tuổi, lên đại học ở Sài Gòn được vài năm trước khi rời hẳn lần sau cùng trong chuyến vượt biên vào mùa trung thu biển lặng. Sau bao nhiêu năm ra đi tôi chưa trở về, thành phố nhỏ ngày xưa chỉ còn lại một khoảng ký ức trong đời.

Những biểu tượng của thành phố chẳng được bao nhiêu. Chiếc cầu quay bắt từ con lộ chính dẫn vào thành phố, vắt ngất ngưởng ngang con kinh sáng nước đục màu phù sa vàng có thể kể như một biểu tượng cho thành phố chăng" Mặc dù cũng có những tà áo dài trắng bay bâng khuâng trong nắng chiều, với những chiếc nón lá che ngang khuôn mặt xinh xinh, chiếc cầu quay của thành phố chưa đủ lãng mạn để tạo được những chuyện tình nên thơ. Chiếc cầu cũng chưa hề bị gãy nhịp lần nào, nên khó gây được nỗi thương cảm hay niềm mến tiếc trong lòng người như chiếc cầu Tràng Tiền của Huế.

Biều tượng của thành phố là ngôi trường Tỉnh Lỵ chăng" Ngôi trường tuy đơn sơ cũ kỹ nhưng dệt được nhiều kỷ niệm và đã ghi lại khá nhiều chuyện tình đáng nhớ cũng như đáng quên cho những đứa học trò sớm lãng mạn. Hay ngôi nhà thờ duy nhất trong thành phố" Ngôi nhà thờ nhờ gió quyện, đưa đi tiếng chuông ngân nga sau giờ lễ chiều, nhưng vẫn chưa đủ tạo một không khí uy nghi. Tiếng chuông lễ chiều mà má tôi nhớ lần đó khi nghe vọng sang nhà tôi bà bắt đầu chuyển bụng và sanh tôi vào đầu hôm. Hay ngôi chùa Vĩnh Hòa" Ngôi chùa mà ngày tết thời ấu thơ tôi theo má tôi lên lễ Phật hái lộc, hoặc lễ cầu siêu chắp tay đi vòng chánh điện theo bước nhịp chậm rãi của đoàn tăng ni trong chùa.

Những ký ức của thành phố còn trong tôi gần gũi ngôi nhà nơi tôi sanh ra và nơi tôi lớn lên nhiều hơn. Ngôi nhà nơi tôi sanh xa phố chợ nhưng vẫn thuộc về thành phố. Ngôi nhà trệt lợp ngói, có hàng rào cây đóng thưa sơn trắng, có hai chậu mai tứ quý tết về nở rộ những cánh hoa vàng và một chậu mai chiếu thủy với những chùm hoa trắng nhỏ thơm dịu dàng khi gió bấc thoảng qua. Ngôi nhà, trên hàng hiên nhỏ lót gạch, mỗi buổi chiều ba tôi hay trải chiếc ghế bố xếp ra nằm đọc báo chờ bữa cơm tối.

Nhà tôi gần đình Tân Hưng và chùa Minh Hương gọi vắn tắt là chùa Minh. Lúc tôi vừa lớn đủ để nhớ, mỗi năm tới dịp tết lễ kỳ yên, đình Tân Hưng che rạp hát bội ngoài sân, tiếng phèng la đang đêm thúc giục bà Phàn Lê Huê hay cổ động ông Trương Phi vọng sang inh ỏi. Chùa Minh Hương nơi tôi được học ê a những mẫu tự đầu đời trong một lớp hè. Trí nhớ ấu thơ của tôi còn ghi lại hình bóng một cô giáo mảnh khảnh, với giọng nói nhỏ nhẹ và tên cô tôi chỉ nghe gọi là Cô Chùa Minh. Mãi mấy mươi năm sau khi xa thành phố, tôi mới biết được gốc tích Minh Hương của thành phố.

Thành phố có được hai rạp chiếu bóng và một rạp hát cải lương. Tôi nhớ những buổi chiều mưa vừa tạnh, sau bữa cơm vội vàng, tôi hớn hở theo chị tôi, ông anh họ và mấy bà chị họ lên rạp Nam Tiến coi phim Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài. Trí óc non nớt của tôi vẫn còn nhớ hồi kết cục của một cuộc tình buồn. Ngôi mộ chàng Lương mở đôi với hình bóng chàng đứng đợi chờ. Nàng Chúc không chút đắn đo chạy vào theo người yêu. Cửa mộ khép lại, vướng hai mảnh vải áo của chàng và nàng. Khi đứa tiểu đồng kéo ra, hai mảnh vải thô biến thành đôi bướm bay về chốn vô định.

Đêm vãn tuồng trên đường về nhà mặc dầu chưa tới giờ giới nghiêm nhưng trời tối đen. Vài ánh đèn mờ hắt ra từ song cửa sổ của những căn nhà đã khép cửa. Con đường lởm chởm. Những ổ gà ngập nước từ cơn mưa ban chiều giờ đây đã trở thành cạm bẫy chỉ chờ cho bàn chân nhỏ dại của tôi lầm bước, dẫm lên và hụt hẫng.

Dịp tết những đoàn cải lương kéo về tưng bừng ở rạp Chung Bá gần nhà tôi. Từng dẫy xe hàng nối tiếp nhau đậu dọc con lộ trước rạp. Nhộn nhịp những anh phu khuân vác, cũng có lẽ là kép phụ trong đoàn, khệ nệ khuân thùng dụng cụ, những phông vẽ cảnh, bức màn nhung.

Buổi chiều tôi thường ra phía sau bên hông rạp đứng nhìn người trong đoàn hát nấu từng đụn cơm to. Hay đứng nhìn những nghệ sĩ chờ thời - những người thích sống giang hồ kiếp Bohemian - đang quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Hay đứng nhìn đám khán giả ái mộ đang hào hứng đón chờ kép Hùng Cường, hay kép Thành Được, hay cô đào Thanh Nga đi vội vào hậu trường.

Cũng ở rạp hát này, tết Mậu Thân tôi trực diện cuộc chiến, chạy trong bom đạn và chết chóc lần duy nhứt trong đời. Gia đình tôi dời về ngôi nhà ở phố ngay đầu ngôi chợ của thành phố vào năm đó.

Ngôi chợ ngày đó cũ kỹ, với mái ngói đen thâm mất mát được vá vụn bằng mấy tấm tôn cũng đã rỉ sét. Căn phố nhà tôi, 26 đường Lê văn Duyệt, nằm ở hướng đông của ngôi chợ nhà lồng. Đường Lê Văn Duyệt nằm dọc ngay bên cạnh khuôn viên ngôi chợ. Bắt đầu từ ngã ba Lê văn Duyệt và Phan thanh Giản trước cửa nhà tôi, trên con đường chính ngang qua cửa chợ là bãi đậu xe xích lô. Những câu chuyện trao đổi giữa các ông phu xe thường hay xen lẫn rất tự do tiếng chửi thề tục tĩu, như để giữ thăng bằng cho cuộc sống cùng cực.

Tờ mờ sáng từ trên lầu tôi có thể nghe tiếng chân trần và nhịp gánh kẽo kẹt của mấy người đàn bà gánh cải từ xóm Miên trong Sóc Đồn đổ về cho buổi chợ mai. Tiếng máy xe lôi từ quốc lộ Bốn chở những thùng cá lóc tác từ đìa dọc hướng Phú Lộc đổ về chợ nổ rang. Trời sáng dần và những mảng đối thoại xì xào cũng to dần. Âm thanh chợt bùng lên khi tiếng loa phóng thanh bắt trên ngọn cột đèn đầu chợ vọng về những bài hát vui tươi “Chào bình minh hoa ban mai lả lơi....” Tiếp nối ban thông tin của thành phố đọc những thành quả các trận đánh và tin tức trong ngày.

Góc chợ từ từ đông dần. Những rổ rau cải tươi của mấy người đàn bà Miên quê mùa hiền hòa phơi bày bên cạnh đống khoai sắn đổ la liệt trên mặt con đường nhựa của những bà bạn hàng chợ lanh lẹ. Nắng lên cao trời nóng dần. Sức nóng thỉnh thoảng như tưới thêm sinh lực cho một trận cãi vã giữa hai bà bạn hàng tranh nhau một mối khách đang ra rả. Đương nhiên những lời chửi bới nầy không kém phần thô tục.

Vào ngày rằm hay mồng một, mặt con đường nhựa tươi hơn. Bên cạnh những rổ rau có thêm những đóa bông vạn thọ vàng hay những chùm bông mào gà tím hoặc bó bông trang đỏ góp nhặt từ một góc vườn nhà nào đó. Những bông hoa thôn dã này đã góp thêm vào chút lợi nhuận cho một gia đình nghèo ở làng quê kế cận thành phố.

Cũng ở góc chợ này, lần đầu tiên trong đời tôi được nghe tiếng đàn độc huyền cầm. Tiếng đàn được lẩy ra từ một sợi dây đồng độc nhứt căng ngang trên chiếc thùng gỗ cũ kỹ nghe ngộ nghĩnh làm sao. Một lão già mù khòm chiếc lưng gầy đang tay đẩy, tay khẩy những nốt nhạc ngũ cung bắt đầu cho một bài hát xàng xê. Như chưa đủ, lão già ngửng mặt lên, gương đôi mắt mù sâu thẳm, lấy hơi và bắt đầu cất tiếng hát giọng khàn khô tội nghiệp. Thỉnh thoảng được những đồng bạc giấy của khách đi ngang qua dúi vào tay, ông lão lí nhí tiếng cám ơn.

Hình như đến theo mùa, vào khoảng Noel đến tết ta, khi ngọn gió bấc thổi hiu hiu về có một người đàn ông đến gốc chợ bày bán dầu phong. Ông ta ngồi xổm sau một lò đất đốt than đỏ và một mồi nhỏ đặt bên trên nấu một thứ nước màu xanh lá. Chung quanh ông mớ chai lọ chứa thứ nước cùng màu chất ngổn ngang. Ông oang oang cất tiếng quảng cáo về dược phẩm của mình: “Dầu phong dầu gió đây! Chuyên trị bá bịnh! Con nít đau bụng hay ấm đầu.....”

Đôi khi cũng vào mùa này có một ông “khách trú” với giọng Việt lơ lớ rao bán thuốc dán và thuốc cao. Như để chứng minh công hiệu cầm máu của thuốc dán, ông vừa rao quảng cáo vừa đưa con dao nhỏ cắt vào ngón tay chai cứng của mình. Trên vết cắt đang rỉ máu ông đắp lên một miếng cao đen, chập sau ông giở miếng cao ra và vết cắt trên ngón tay ông máu đã ngừng chảy. Vài người vây quanh mua mấy hộp cao. Chú ý kỹ hơn, trên ngón tay ông đã đầy những vết xẹo, dấu cắt của những ngày trước, những tháng trước hay những năm trước.

Góc chợ bớt nhộn nhịp sau đợt phóng thanh buổi 12 giờ trưa và đến chiều thì trống lần. Trên con lộ những chiếc xe ba gác bắt đầu đẩy kéo, dọn hàng, hay chở đầy giỏ trái cây từ miệt vườn đổ về. Thành phố không tự cung cấp được trái cây, từ những thứ thông thường như cốc ổi để ăn vặt, tới những loại đắt tiền hơn như mận, như dâu. Vùng đất lợ tân bồi sau hơn trăm năm khai phá đã thuần thục với những cánh đồng lúa ngút ngàn, nhưng chưa đủ “ngọt” cho những vườn cây ăn trái. Phù sa phì nhiêu của sông Cửu Long trộn lẫn nước biển lợ thành một thứ đất phèn màu nâu vàng với hứa hẹn một ngày nào sẽ trở thành đất thịt màu mở mà các thế hệ di cư lót đường đã tin tưởng và đã ra công “rửa phèn” cho những thế hệ nối tiếp.

Cũng ở góc chợ này khoảng xế chiều tôi thấy anh ta. Tôi cũng không rõ gốc gác anh ta. Anh kéo xe ba gác. Người ta gọi anh là Văn Hường vì anh có nét mặt giống danh hề Văn Hường. Tôi công nhận anh trông rất giống hình Văn Hường được phóng to treo trước cửa rạp cải lương khi đoàn Kim Chưởng kéo về. Tôi chưa nghe anh nói chyện bao giờ nên không biết tiếng nói của anh có giọng tiếu lâm như Văn Hường không.

Thường tôi thấy anh Văn Hường ngồi nghỉ dưới hàng hiên của căn phố đối diện nhà tôi để tránh ánh nắng buổi chiều gay gắt. Cơn nắng nhiệt đới đốt cháy da cháy hồn. Khuôn mặt tay chân anh lúc đó đã lem luốc sau hơn nửa ngày cực nhọc kéo chiếc xe ba gác từ tờ mờ sáng giao hàng trong chợ. Anh ngồi phệt dưới nền xi măng, dãi đôi chân và tựa lưng dựa vào bức tường vôi bạc màu bên hông căn phố. Ngồi trong lòng anh một đứa bé gái khoảng ba bốn tuổi, đầu bù tóc rối và lem luốc không kém gì anh, đang lim dim mắt ngủ. Anh vỗ nhẹ lên bờ vai nhỏ của nó, dỗ con giấc ngủ trưa. Đôi khi không ngủ đứa con gái leo lên vai anh ngồi đùa giỡn với mớ tóc rối bù của anh. Cha con trao đổi vài lời đối thoại, thỉnh thoảng cả hai cùng nhoẻn miệng cười, những nụ cười hiền hòa trao đổi qua ánh mắt yêu thương của cha con. Tôi không nghe được mẫu đối thoại của hai cha con, nhưng trông nét khắng khít của cảnh gà trống nuôi con thật chạnh lòng.

Nắng chiều xuống dần, bóng của dãy phố đối diện nhà tôi che hẳn lòng con đường nhựa trống. Sau một ngày lao động vất vả và những giọt mồ hôi cực nhọc, đôi khi cả những giọt máu đáng thương, quang gánh đã dọn đi còn trơ lại gốc chợ vắng. Khi người phu quét đường đẩy đống rác to về cuối phố và khi các cửa hiệu đã khép cửa, anh Văn Hường mệt mỏi đẩy chiếc xe ba gác ngang qua nhà tôi đi về nhà. Tôi cũng không chắc anh có nhà hay không, hay đó chỉ là một cái xó dưới Xóm Lò Gạch. Trong thùng xe trống, đứa con gái nằm ngửa tréo đôi chân, ngây thơ nhìn những đám mây trắng lơ lửng trôi trên không trung. Những đám mây như những con cừu trắng, hay như những vạt áo trắng bay lượn của pho tượng Phật Quan Âm trước cửa chùa Vĩnh Hòa, hay như chiếc áo bà ba trắng của mẹ nó, người mẹ thiếu vắng.

Lúc nào tôi cũng chỉ thấy anh Văn Hường mặc chiếc áo đó. Đó có lẽ là một chiếc sơ mi lúc còn mới, nhưng nay bâu áo và hai cánh tay áo đã không còn. Trên lưng và phía trước là những mảnh vá lấp trên những mảnh vá. Đùm đúm trên những mảnh vá cũ tả tơi bay mầu là những mảnh vá mới hơn còn giữ phần nào màu vải nguyên thủy. Gọi nó là miếng giẻ rách thì tội nghiệp cho anh. Nhưng gọi đó là manh áo thì tội nghiệp cho áo, vì nó đã không còn là chiếc áo từ lâu.

Có người nói cho tôi nghe anh vốn là một nông dân nghèo, nhưng sống khá yên ổn nhờ cần cù cày dám ruộng mướn trong kinh Huyện Sĩ. Gia đình anh sống hạnh phúc trong căn nhà nền đất do chính tay anh nện, chính tay anh kéo từng lớp lá dừa nước chẻ đôi, phơi khô lợp lên. Bên chái nhà có một thảo bạt nhỏ nơi vợ anh bầy hàng keo nhỏ đựng bánh kẹo bán cho đám trẻ con trong xóm và đặt thùng máy may Singer cũ bên cạnh chiếc bàn gỗ thấp lãnh may áo quần cho người trong làng.

Cuộc chiến càng ngày càng ác liệt. Vòng hàng rào ấp chiến lược sơn trắng ở bên kia bờ kinh của thành phố được dựng lên. Bên nầy bờ kinh là vùng xôi đậu ban ngày lính Quốc Gia kiểm soát, ban đêm bộ đội Việt Cộng kéo về. Làng anh nằm bên vùng xôi đậu giữa bãi chiến trường của đôi bên. Năm đó trong một trận giao tranh tàn khốc ngôi làng bị cháy rụi. Vợ anh và hai đứa con lớn không may lọt vào giữa lằn đạn hai bên. Số tử vong của cuộc chiến từ đó có thêm gia đình anh. Mất quê, mất làng, mất căn nhà lá nhỏ, anh đã mất tất cả cho cuộc chiến.

Có người nói cho tôi nghe nhiều người tốt bụng trong Xóm Lò Gạch cho anh vài chiếc áo cũ, nhưng anh không nhận. Anh chỉ nhờ họ vá lại cho anh chiếc áo cũ của anh, chiếc áo do vợ anh may lấy những ngày còn khá giả. Ngoài đứa con gái, chiếc áo là kỷ niệm cuối cùng còn lại của những ngày hạnh phúc xa xưa.

Anh Văn Hường nay không biết đã trôi dạt về đâu. Bây giờ mỗi khi cơn gió bấc mùa thu thổi về ở Mỹ, còn trong ký ức tôi một thành phố nhỏ và chiếc áo ân tình.

Chúc Chân


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,213,090
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư kèm bài, ông viết: “Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Saui đây là bài viết thứ hai.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiều năm qua, ông lãnh việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory, vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Từ 2016, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là một thành phố vùng cao nguyên Tagaytay,Philippinnes. Truyện ngắn sau đây của tác giả, trích báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của ông.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001, thêm giải Việt Bút 2008. Từ hơn 10 năm qua ông là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến