Hôm nay,  

Một Buổi Họp Bạn

09/01/200600:00:00(Xem: 118447)
Người viết: DIỆU THAO

Bài số 919-1519-243-vb3011006

Tác giả tên thật là Nguyễn thị Thịnh, cư dân Ottawa, Ont. Canada. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Chị Mai” đã được phổ biến. Do sư sơ xuất kỹ thuật, bút hiệu bị in lầm là Diệu Mai thay vì đúng ra là Diệu Thao. Việt Báo chân thành các lỗi với tác giả và bạn đọc.

*

Bình ngồi trong phòng làm việc, nghe tiếng mở cửa và tiếng cười nói. Bình dừng đánh máy, lắng nghe xem ai về nhà, tự nhủ “À, Lan với bạn!”

Nhóm bạn của Lan gồm hai gái và ba trai, chơi thân với nhau từ hồi trung học. Lên đại học có ba đứa học khác ngành, còn lại hai đứa học cùng ngành. Chúng vẫn thân như xưa. Hàng tháng chúng luân phiên đến nhà nhau, để họp bạn tán gẫu, ca hát.

Chúng đang hào hứng nói cười, chợt im bặt khi ngang qua thấy Bình. Cả bọn chào bằng tiếng Việt lơ lớ -- do Lan dạy: “Chao Bat”. Bình sửa thầm trong đầu “Phải nói là con chào Bác”, nhưng chỉ cười nói: “Chào các cháu”. Lan hỏi: “Mẹ có gì cho tụi con ăn không mẹ" Tụi con đói quá, chưa có đứa nào ăn trưa hết.” “Trong tủ lạnh và freezer đó Lan. Con xem bạn thích ăn gì, cứ tìm đem ra ăn với nhau đi.”

Bốn đứa đều thích chả giò, gỏi cuốn, phở, bún bò và thịt quay. Trừ một đứa người Do Thái ăn chay từ nhỏ. Bình nhớ cách đây lâu rồi, lúc chúng còn học Trung học, lần đầu David đến nhà không chịu ăn gì hết, hỏi ra mới biết nó ăn chay. Không phải kiểu Do Thái bảo thủ -- cữ thịt heo. Nó ăn chay như người Phật tử. Bởi vậy Bình có cảm tình lắm. Bình lấy chả giò chay đã chiên sẵn, bỏ vào lò nướng lên, lấy chén chè hoa cau trong tủ lạnh và xôi vò trong freezer hâm nóng rồi đưa cho nó.

Xôi vò Bình nấu khá ngon, hạt xôi rời, mềm dẻo. Được như vậy do Mẹ Bình chỉ đó mà! Các chị bạn Bình đều khen. Bình hãnh diện với tài nấu món xôi vò lắm. Bình nhìn David múc ăn, để xem phản ứng của nó, có thấy xôi nấu ngon không. Nó múc một miếng, bỏ vào mồm nhai. Quay qua cám ơn Bình, khen ngon. Bình mát dạ. Vừa dợm bước, nghe David hỏi Lan có ketchup không. Bình thấy Lan đưa David chai ketchup.

Bình dừng chân, cảm giác như nghẹt thở, trố mắt, mồm há ra nhìn David lắc chai ketchup qua lại thật mạnh. Nó mở nắp ra, tay trái cầm đĩa xôi, tay phải dốc ngược chai ketchup, vừa xoay vòng tròn qua lại trên đĩa xôi vừa bóp chai ketchup chế đẫm lên đấy. Bình nuốt nước miếng ú ớ mất nửa giây mới nói với Lan: “Trời đất! Lan à, xôi mẹ nấu ngon như vậy, bạn con nó bỏ ketchup vô kìa! Đâu có phải ăn như vậy! Ai mà ăn xôi với ketchup. Uổng hết cả xôi rồi!” Lan cười ngất, trấn an bằng tiếng Việt: “Không sao mẹ, nó ăn được mà!” Lũ bạn ngừng ăn, hỏi cái gì. Lan giải thích: “Mom thấy David bỏ ketchup vào xôi, ăn như vậy không đúng kiểu Việt Nam. Mom sợ nó ăn không được.” David cười hiền khô, sửa lại gọng kiếng cận nhìn Bình: “Cháu ăn được. Ngon lắm! Thank you, Mrs. Nguyen!”

Trời ơi! Cái món xôi vò hơi ngọt, ăn với chè hoa cau, nó hấp dẫn lạ lùng! Chè hoa cau của người Bắc khác với chè táo xọn -- không có nước cốt dừa và không có nhiều đậu xanh. Này nhé, nội cái tên chè hoa cau cũng đủ gợi cho bạn hình ảnh xinh xinh của hoa cau vàng nhỏ rồi.

Tổ tiên người Việt xưa kia đã nghĩ, lấy những hạt đậu xanh bỏ lất phất trong chén chè nấu bằng bột năng trong suốt. Màu vàng ánh của đậu lẫn rải rác trong chén chè trong vắt như những cánh cau vàng. Nhìn chén chè thật thanh tao làm sao!

Ngày còn nhỏ, mỗi khi giỗ hoặc tết mẹ Bình nấu chè hoa cau với xôi vò. Bình có nhiệm vụ múc ra chén. Cụ dặn múc hơn nửa chén một chút, để người ăn còn bỏ xôi vào, không có bị trào ra chén.

Bạn bỏ chừng một phần ba đĩa xôi vò nhỏ bằng cái đĩa tách, vào chén chè hoa cau, trộn đều lên. Chén chè này cũng phải nhỏ hơn chén ăn cơm và bằng men sứ mỏng. Bạn dùng cái muỗng nhỏ bằng sứ múc một muỗng chè và xôi, để từ từ vào mồm.

Bạn nhai thật chậm, để cảm nhận cái hương vị ngọt thanh, thơm hoa bưởi nhẹ nhàng lan toả tận khứu giác bạn. Ôi! những hạt xôi vò ngậy đậu xanh, mềm mại, nhai đến đâu, vị giác cho bạn cảm được chất dẻo của hạt xôi chín đến đấy! Từ tốn bạn nuốt thật thong thả xuống cổ. Bột năng chín, mát rượi đi ngang qua thực quản, cả toàn thân bạn, cảm thấy lâng lâng tuyệt vời! Bạn không được vội vàng, hãy ngừng lại một, hai giây rồi bắt đầu ăn muỗng thứ hai, cứ như vậy cho đến hết.

Bình lớn lên ở miền Nam, cũng mê những món chè của miền Nam lắm. Thuở còn trẻ, Bình thích vị béo ngậy nước cốt dừa của tất cả các loại chè miền Nam, còn được ăn đã đời nữa! Trong khi chè hoa cau và chè trôi nước -- chè trôi nước cũng khác với chè xôi nước -- hai loại chè kể đó, không được ăn nhiều một lúc. Mẹ Bình bảo phải ăn bằng tất cả sự trân trọng, thưởng thức hương vị của nó một cách từ tốn.

Xôi vò luôn luôn đi đôi với chè hoa cau. Vậy mà David nỡ lòng nào chế ketchup, một màu đỏ cam trên đĩa xôi, trông thật phũ phàng. Bình đứng thiểu não nhìn David. Nó thản nhiên ăn một cách ngon lành. Nháy mắt hết đĩa xôi.

Nó chê chè hoa cau, nó nói với Lan, trông giống như nước mũi. Tụi nhỏ phá lên cười ầm ĩ. Một đứa trong bọn múc muỗng chè lên. Cầm nghiêng muỗng để cho bột rơi. Bột năng chín trong veo, không đặc quá, không lỏng quá, đủ rơi thành giòng trông giống như....... Cả bọn nhìn thích thú cười ha hả, rồi nhăn mặt, ra điều trông khiếp đảm quá! Điều đó Bình không lạ. Nhiều người Việt miền Nam nói như vậy lắm! Bạn của Lan gọi “chè mũi” cũng thường tình thôi. Bình không phật ý.

Ông xã Bình người Nam. Cách đây gần ba mươi năm khi quen nhau, lần đầu đến nhà, được Mẹ Bình mời ăn chè này. Anh múc lên một muỗng, rồi để xuống ngó. Bình mời, chè ngon lắm ăn thử đi. Anh lắc đầu, nói nó giống mũi đặc quá. Anh nói tỉnh bơ không sợ người nghe phiền lòng:

- Thấy ớn quá! Hổng ăn đâu. Có thấy “bông cao” gì đâu mà gọi là chè “hoa cao.” Hổng giống táo xọn gì hết. Hổng có nước cốt dừa nữa. Ăn “dzô” hổng có béo, “dzô diên” lắm!

Bình chẳng có dám nói cho Mẹ biết. Sau khi giải thích cho anh biết tại sao gọi là chè hoa cau. Bình nhắc anh, không nên nhìn chăm chú vào chén chè, để tìm hoa cau. Không ai bỏ hoa cau vào đấy cả. Người ta chỉ rắc lất phất đậu xanh nấu chín, vào chè bột năng hoặc bột sắn thôi. Xin anh hãy tưởng tượng, gợi hình một chút! Nên thi vị hóa một chút! Bình để xôi vào, bảo anh cứ múc ăn đi. Dặn anh, nhai thật chậm, để thưởng thức mùi thơm của chè, quyện nước hoa bưởi thoang thoảng, vị ngậy của đậu xanh, chất dẻo của nếp. Bình năn nỉ ba lần anh mới chịu ăn.

Sau này khi cưới nhau rồi, đôi khi nhắc chuyện cũ, anh cười khai thiệt:

- Anh có ngửi thấy chè thơm đâu. Mùi nước bông bưởi nhẹ hều! Đâu bằng mùi nước bông lài. Chè hổng ngọt đậm đà như táo xọn. Thấy em nghiêng mặt, năn nỉ hai, ba lần, tội nghiệp quá! Anh ráng ăn thôi. Gật đại cho em khỏi buồn. Với lại để lấy lòng bà già em chớ bộ!

Từ khi về làm rể của Bố Mẹ Bình, ban đầu chỉ có ý lấy lòng các cụ, riết rồi anh mê ăn chè hoa cau chung với xôi vò lắm. Càng lớn tuổi, phải cữ chất béo, và cữ đường. Anh không còn thích chè có nước cốt dừa như hồi trẻ nữa. Anh thường hỏi Bình nấu chè hoa cau với xôi vò. Luôn luôn đòi ăn hai, ba chén mới đã. Anh bảo:

- Ngon thiệt! Người nào đặt tên cho chè đó, thiệt là ngộ, dễ thương quá! Khi biết ăn rồi, chỉ nghe tên thôi cũng phát thèm! Nó nhắc mình nhớ đến “cây cao, bông cao, trái cao” -- chỉ ở Việt Nam mới có.

Khi Bình về hưu sớm, ở nhà thường hơn. Phòng làm việc của Bình sát bên phòng ăn. Tụi trẻ nói lớn, vọng vào tai hết trơn dù Bình không muốn nghe. Từ từ những câu chuyện của con và bạn đã làm Bình chú ý hồi nào không biết nữa.

Nhóm bạn của Lan có Jannette, cô gái tóc vàng, cao, mảnh mai thùy mị -- gốc Pháp. Andrew người Ái Nhĩ Lan, nghiêm nghị. Peter gốc Anh và Hung Gia Lợi. David cận thị nặng -- cha mẹ Do Thái, nó học giỏi nhất bọn từ Trung học. Trong bọn tâm tính David hiền từ nhất. Chưa bao giờ sát hại một sinh vật nào. Đa số bạn học của David thích đi câu cá, trái lại David không bao giờ. Không giết một con muỗi nữa. Lan kể, sau nhà David có hồ bơi thiệt bự, mùa hè bốn đứa kia dưới hồ nghịch nước. David ngồi trên ghế đọc sách. Muỗi cắn, nó không đuổi, ráng ngồi im nhìn con muỗi này ăn no, đến con khác ăn, rồi tự bay đi, lúc đó David mới đọc sách tiếp. Nó chỉ biết học. Trong nhóm gọi biệt danh “David book-worm.” Tụi nhỏ cha ông lập nghiệp lâu đời ở Canada. Còn Lan được bố bảo lãnh ba mẹ con, lúc đó chị em Lan mới bốn năm tuổi.

Lan hỏi David có ăn xôi đậu phọng không. Tiếng David nhỏ nhẹ hiền lành: “O.K. and ketchup, please!” Trong này, Bình lắc đầu nghĩ thầm: “Thiệt tình! Món ăn Việt, gặp người bản xứ ở đây bị đổi vị hết rồi.”

Jannette tiếp tục nói với David về mấy học bổng của các trường đại học Mỹ để học lên master. David nói nhỏ. Lắng nghe chăm chú mới hiểu câu chuyện. Nó than các công ty và đại học của Canada tài trợ cho sinh viên hơi yếu. Trong khi đó các trường đại học nổi tiếng của Mỹ đầu tư tìm kiếm nhân tài khắp nơi. Các khoản tài trợ cho những công trình nghiên cứu cũng như học bổng thật hấp dẫn. Nó chưa biết tính sao. Tiếng Peter cười khúc khích:

- David nó thông minh, mà chuyện đi du học nó không biết tính sao. Coi bộ chậm phát triển!

Lan binh:

- David sẽ đi qua Mỹ học, rồi trở về làm việc cho Canada!

Andrew hỏi một cách nghiêm nghị:

- Lan, làm sao bạn biết chắc được" Nó tâm tình với bạn hả"

Peter nóng nẩy:

- Tui biết sau quý vị, cái gì vậy" Nói cho rõ, để tui biết đến ‘chapter’ nào rồi.

Jannette và Lan cười rũ rượi. Jannette lớn tiếng:

- David là mọt sách. Lanny mê ski, skate. Làm sao hợp cho được"

- Ý, tụi bây nói nói nhỏ lại. Mẹ Lan ở phòng bên nghe hết đó.

Peter cười dí dỏm:

- Tui đến nhà Lanny, mê ăn ‘nươc mam’ lắm. Tui tính tìm một người vợ biết làm chả giò và phở. Bữa hổm, tui dặn Lanny về học Mrs. Nguyen cách nấu cho rành. Lanny học chưa, cưng ơi"

- Còn khuya mới học làm món ăn Việt Nam. Mất công rắc rối lắm. Sau này mình kiếm chồng chỉ thích ăn pizza đủ rồi.

Andrew cười vui vẻ, tiếu lâm:

- Tui nè! Tui mê pizza lắm nè.

Tiếng cười vỡ ra như chợ phiên, như có một màn xiệc hấp dẫn. Trong này tôi cũng mỉm cười, lắc đầu cho tính trẻ con của chúng. Cậu nào cũng có người yêu rồi, kể cả Jannette nữa. Trừ Lan tan vỡ một lần.

Lan không hề biết bạn trai của mình, ở trọ chung với một cô người Pháp trong đại học Mc Gill trên Montreal. Lúc đó gần Noel, Lan lái xe lên đón bạn về. Lan tính dành bất ngờ cho bạn. Bất ngờ thiệt: Lan thấy được điều -- không nên thấy. Hai đứa kia giải thích với Lan “Just one night stand!” Lúc đó Lan đang học giữa năm thứ nhất. Lan thất tình ủ rũ. Bình khuyên nhủ Lan hết lời. Lòng cũng sầu não theo con. Xốn xang, bứt rứt!

Một phần không biết khuyên thế nào, cho đúng tâm lý con gái. Hồi nhỏ Bình đâu có bị thất tình, mà rành tâm lý! Đọc tiểu thuyết, tả con gái thất tình, có khi Bình tội nghiệp họ. Đôi lúc Bình nghĩ, họ toàn vớ vẩn! Không thực tế! Lại còn tự tử nữa chứ! Bình lên án họ chỉ làm cha mẹ buồn khổ! Bây giờ con gái đau khổ, làm Bình bối rối.

Mặt khác Bình sợ con bỏ học, sẽ khổ sau này. Bình nhờ Jannette khuyên Lan. Nó khuyên lại: “Don’t worry, Mrs Nguyen. She’ll be fine. Just leave her alone!” Về sau Bình biết, người khuyên nó nhiều nhất là David. Ngoài việc an ủi tinh thần, David còn tận tâm giảng bài, giúp Lan học thêm, để bắt kịp những buổi Lan rầu rĩ trốn học, dù hai đứa không học cùng ngành.

Tiếng Peter và Andrew dành ghế có tay gác, làm Bình trở về hiện tại. Lần này David băn khoăn những vấn đề thời sự. Chính sách của Mỹ tốt với nhiều người, nhiều quốc gia, giúp đỡ nhiều nước phát triển, đồng thời Mỹ cũng không thích thân thiện với nhiều nước trên thế giới nữa" Tại sao " Sao thế giới nhiều chiến tranh quá" Chết chóc nhiều quá! Tội nghiệp quá! Tại sao Mỹ không để dành tiền giúp nạn đói trên thế giới" Giúp nạn trẻ em thất học trên thế giới" Tại sao những nước bạn với Mỹ, những nước thù với Mỹ, tất cả đều ngưỡng mộ sự tiến bộ vượt bực của Mỹ trên khắp mọi lãnh vực, cùng lúc ai cũng e dè với Mỹ"

Giọng David vẫn khắc khoải, thật tội nghiệp:

- Nếu Mỹ lo cho thế giới nhiều hơn, trong tinh thần tôn trọng đồng loại khắp thế giới, tôi nghĩ rằng thế giới sẽ trở thành bạn sống chết với Mỹ. Tất cả thế giới sẽ đồng hoá thành Mỹ hết, đâu cần phải .......

Peter cắt ngang:

- David, thắc mắc chi mấy chuyện này!

Andrew nhắc cả bọn:

- Người Mỹ gốc Do Thái gần như nắm vận mệnh của chính phủ Mỹ đó nghe. Chắc chỉ có một David tội nghiệp toàn thế giới thôi!

Bình không nghe David phản ứng lời phê bình -- có chút ganh tị và không công bình của Adrew. Chỉ nghe Lan hào hứng khuyên:

- David, bạn đi tu làm mấy vị tăng sĩ Phật giáo đi!

- Chi vậy" Bộ nghề đó nhiều tiền lắm hả"

- Andrew, xin nói nhỏ chút. Nói tầm bậy! Đừng nói như vậy. Mom nói đó không phải nghề. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng. David thương người, thương thú vật, ăn chay nữa, đi tu Phật giáo tốt nhất. Bạn nghiên cứu giáo lý của Đức Phật, viết sách rồi đi khắp nơi giảng, nói chuyện với người ta như Datlai Latma làm đó. Nếu có nhiều người như vậy, thế giới sống hoà bình mấy hồi.

Peter cười hơi lớn:

- Lanny không thực tế! David chánh gốc Do Thái. Do Thái thà chết, không bỏ đạo. Andrew chen vô:

- Mình thích ở Mỹ. Nếu có cơ hội, mình dọt qua Mỹ ở và làm việc ở bển.

Tiếng Lan tha thiết:

- David, nếu bạn được học bổng Mỹ, đừng chần chờ. Go for it. Mấy trường đại học Mỹ luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên giỏi. Sau này bạn ở Mỹ hay về Canada làm việc, tính sau. Còn chuyện hoà bình thế giới đó hả" Theo tôi, hoà bình chỉ có được -- khi mọi người khắp nơi -- ý thức được tình thương nhân loại. Ý thức sự giúp đỡ cộng đồng, không vụ lợi, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt quốc gia là điều quan trọng, cần thực hiện; lúc đó dù mình ở Mỹ, ở Gia nã đại, hay bất kỳ đâu, mình cũng sẽ làm được những điều tốt đẹp cho công lý, với tất cả khả năng của mình. Như vậy thôi!

Andrew pha trò:

- Lanny! Cưng nói đúng. I love you!

Cả bọn cười nói, ghẹo nhau rần rần, lẫn tiếng đóng, mở tủ lạnh liên tục tìm đồ ăn. Bình chợt nhận Lan trưởng thành. Dù Lan và các bạn chưa đóng góp gì cho xã hội; ít ra, các cháu với tâm trong sáng, hiểu được mặt đúng, sai căn bản của cuộc đời. Điều đó đủ làm Bình vui -- một niềm vui lâng lâng hạnh phúc. Bình không sợ con lạc đường.

DIỆU THAO


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,297,866
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến