Hôm nay,  

Ung Thư Và Bệnh Gan

14/12/200500:00:00(Xem: 196661)
Người viết: KHANH PHAN

Bài số 896-1496-223-vb5121505

*

Bà Khanh Phan, một kỹ sư và nhà giáo tại Louisville, KY, đã tham dự viết về nước Mỹ từ năm đầu tiên. Một trong những bài viết của bà rất được bạn đọc hưởng ứng là “Chồng Tôi Bị Sạn Thận”. Lần này, là một bài cùng loại. Rất đáng suy ngẫm.

*

Hôm qua tôi đi chợ ở một tiệm bán đồ ăn Việt Nam, chị chủ tiệm kể tôi nghe về chuyện chị lo âu: Bây giờ ở đây nhiều người Việt Nam bị ung thư và đau gan. Chị theo tôi ra chỗ đậu xe và tiếp tục câu chuyện cho đến khi một khách hàng gọi chị vào. Chị làm tôi nghĩ ngợi và nhớ nhiều chuyện của riêng tôi. Chắc hẳn sự lo âu của chị nhiều lắm.

Một ngày nọ tôi nghe cô tôi báo tin: "bà bị ung thư tử cung." Bà là má chồng của cô tôi. Khi tôi mới qua Mỹ tôi sống với bà, lúc đó bà sắp được con cháu cho ăn mừng tuổi thọ 70. Ở Việt Nam tôi không nghe nói về bệnh ung thư, có lẽ vì còn nhỏ và hàng xóm, họ hàng thân thuộc lúc đó không ai có bệnh này. Bà hay kể tôi nghe là bà sợ chết vì ung thư mặc dù bà vẫn còn rất khỏe và minh mẫn. Người ta mách là ăn dâu tây sẽ ngừa được ung thư và ăn nhiều rau cũng sẽ ngừa ung thư. Bà ăn chay nhiều ngày trong một tháng và ăn dâu mỗi tuần. Thế mà không đầy một thập niên, ung thư đến với bà. Lúc đó tôi đã có chồng và rời tiểu bang. Ung thư hành hạ bà hai năm trời rồi bà cũng ra đi. Con cháu dùng đủ mọi cách trị của tây và ta. Bà có đông con cháu nên họ thay phiên nhau nghỉ làm tới chăm sóc cho bà.

Một người bạn của tôi khi mới qua Mỹ ở cùng tỉnh với tôi. Chị qua Mỹ lúc lớn tuổi mà chưa có chồng. Chị học làm móng tay và cắt tóc. Lúc đó chị làm một bộ móng tay 60 đô, so với bây giờ là 15 đô (nhiều tiệm ra nên đại hạ giá.) Sau đó chị rời tiểu bang, đi về miền Bắc, mở tiệm riêng. Lúc tôi được nghỉ, tôi đến thăm chị tâm sự: "Làm sao đổi được nghề lúc này." Lúc đó chị trong nghề mới ba năm kể từ lúc học nghề. Tôi trở về nhà không bao lâu sau thì được tin báo chị mới qua đời vì ung thư tử cung. Hai tuần sau bà tôi cũng mất vì ung thư này. Bụng bầu to, không biết vở lúc nào, nên tôi không đi xa được để mà tiển đưa hai người thân về bên kia thế giới. Tôi buồn lắm.

Vài năm sau, khi tôi sắp sanh đứa thứ hai, thì bà mẹ nuôi người Mỹ cũng qua đời vì cái ung thư này. Bà ở không xa nhà tôi. Khi tôi nghe báo tin là bà bị ung thư tử cung, tôi lo nhưng không quá lo vì nghĩ rằng hai người kia bị hơn một năm mới mất. Không ngờ, có vài ngày sau bà cũng qua đời. Tôi có được nghe bà trăn trối và có đi đám tang của bà.

Sau ba cái chết nay tôi tìm hiểu thêm về bệnh ung thư tử cung. Người ta nói rằng những người không sanh con sẽ dễ bị ung thư tử cung. Nhưng bà tôi và bà má nuôi đều sanh nhiều con. Bà tôi ăn dâu và ăn nhiều rau vẫn bị ung thư tử cung. Cái thống kê này không tin tưởng được.

Rồi sau đó không lâu bác sĩ phụ nữ và ông bác sĩ gia đình của tôi cũng bị ung thư. Khi tôi kể cho mẹ tôi nghe, mẹ tôi phản ứng liền: " Bác sĩ mà cũng bệnh ung thư hay sao"" Lúc đó tôi mới chợt nhận ra rằng ung thư đâu có chừa ai. Những người này đều lớn tuổi. Nên khi nghe nói ung thư là bệnh của người già tôi cũng tin như vậy.

Trong những khoảng thời gian này, chồng tôi có tình nguyện cho một hội thiện nguyện Mỹ. Hội này (Dream Factory) giúp những đứa bé không còn được sống bao lâu làm tròn một giấc mơ. Có lần tôi cùng anh đi tiễn hai chị em đều bị ung thư máu lên phi trường đi Disney World ở Floria. Hai em mới mười và mười một tuổi và là hai đứa con duy nhất. Hai em ước được đi chốn nay với ba má. Hội lạc quyên tiền cho hai em đạt ước mơ. Nhìn hai em vui tươi như không có gì lo âu. Nếu không thấy cái đầu trọc nhẵn bóng thì không ai biết hai em bị bệnh ung thư máu. Nhìn ba mẹ hai em thì thấy rõ nét buồn. Tôi ngầm khâm phục những lòng nhân đạo của những người làm việc cho hội này.

Mới đầu năm nay, tôi nghe tin bạn cùng học trung học bị ung thư. Như tôi, anh còn trẻ, mới vào 40. Mới năm ngoái chị của anh chết vì ung thư gan để lại một anh chồng và hai đứa con rất nhỏ. Từ lúc bị tin cho đến lúc chết chỉ có 6 tháng. Mẹ của anh cũng bị chết vì ung thư này cách đó vài năm. Như vậy ung thư không có phải là bệnh của người già. Nhưng tôi tin rằng nó có di truyền và ung thư không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ. Nó không gây bởi di truyền như trường hợp của chị bạn của tôi. Bố mẹ của chị này đã ngoài 80 mà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.

Tôi sợ tôi sẽ không tiễn được bạn tôi lên thiên đường nên cùng đám bạn thăm anh trước. Qua Mỹ được có 7 tên, nhưng có hai tên bị thất lạc. Chúng tôi ở những tiểu bang khác nhau, cùng bay một sáng Chủ Nhật, rồi cùng mướn xe từ một phi trường đến thăm anh mà không cho anh biết trước. Gặp nhau vui vì từ lúc rời lớp 12 chúng tôi mỗi đứa một đường, bây giờ gặp nhau ở xứ người. Nhưng chúng tôi không tránh được cái buồn. Gặp anh tiều tụy sau hai lần mỗ và ung thư đang lan ra khỏi lá gan, chúng tôi cũng cảm thấy chính mình già đi. "Sinh lão bệnh tử" là câu tôi thường nghe. Cái bệnh đi sau cái già. Khi anh bị bệnh nguy ngập ngày tôi có cảm giác rằng mình đã già. Nhưng chúng tôi sẽ không ân hận nếu anh về thiên đàng không có chúng tôi tiễn đưa.

Lúc thăm anh, chúng tôi không dám hỏi gì và không đá động gì về bệnh hay sự chết như lời yêu cầu của ba anh. Nhưng tôi có khuyên anh trước đó là biết không sống lâu hơn nên đem sức còn lại thực hiện cái gì mơ ước. Lúc còn ở Trung Học, anh học rất giỏi. Sau 1975, vì là con của tù cải tạo anh không được đi học đại học. Và sau khi cải cách giáo dục, anh được vào học kỹ sư Xây Dựng. Học xong thì qua Mỹ làm việc cho hãng Boeing và học thêm. Còn vài lớp nữa là sẽ có bằng cử nhân ở Mỹ. Tôi nghĩ anh sẽ đạt được ước muốn.

Mới đây vài tháng, một hôm tôi đến nhà dạy kèm cậu bé Mỹ đen, bà ngoại của cậu cho tôi biết là bà sẽ không gặp tôi tuần tới vì bà phải đi hóa học trị liệu. Nếu hôm đó bà không kể tôi nghe bà bị ung thư vú thì tôi không biết bà bị ung thư vì bà có nếp sống rất tự nhiên và lạc quan. Sau đó bà còn cho tôi thêm nhiều địa chỉ, tài liệu về bệnh ung thư nếu ai có cần tôi cho hộ giùm bà. Bà còn kể là bà chị của bà cũng bị ung thư đã hơn mười năm vẫn sống bình thường. Cũng là bệnh ung thư, nhưng mỗi người có một cách sống, có một mạng sống và căn duyên khác nhau.

Nhìn lại những người thân của tôi bị ung thư nhiều hơn những bệnh khác. Tuy vậy, tôi không kết luận bệnh ung thư là nhiều nhất. Tôi tin rằng ung thư có thể đến với bất cứ ai và tương lai sẽ cứu được bệnh này khả quan hơn.

Ung thư là gì"

Khi một tế bào phát triển không bình thường, nó sinh con đẻ cái lẹ hơn một tế bào bình thường. Những đứa con này không giúp ích cho cơ thể nữa mà lại ăn uống dữ dội hơn. Nếu được lớn trong đúng môi trường, những tế bào ung thư này sẽ phát triển lẹ. Vì thế có người bị ung thư gây chết rất sớm. Có người kéo dài mạng sống được vài năm hay nhiều năm nhờ vào những phương pháp trị.

Khi nghe tôi kể trình trạng bệnh của bạn tôi, mẹ tôi bài cho một cây thuốc. Tôi không tin cây thuốc này vì tôi đã trãi qua cái thời cây xiêng tâm liên ở Việt Nam. Nhưng tôi cũng mạnh dạn hỏi anh có nghe về cây thuốc này. Anh cười và nói là người Việt Nam bị bệnh này thì làm sao chưa nghe được. Anh cũng đã thử qua ngay lúc đầu mới bị bệnh. Bây giờ chỉ có nghe lời bác sĩ.

Thông thường thì bác sĩ mổ để cắt bỏ những tế bào ung thư. Sau đó có thể trị bệnh theo cách dùng phóng xạ (Radiation) hoặc hóa học trị liệu (Chemotheraphy) và uống thuốc. Còn về tinh thần thì phải tùy vào bản thân và bà con thân thuộc hay ân nhân nào khác.

Ung thư là bệnh gây tử vong hàng thứ hai sau bệnh tim ở nước Mỹ. Ung thư có thể gây bởi sự ăn uống, hút thuốc, uống rượu, làm việc hay sống trong môi trường ô nhiễm bụi, chất hóa học, hay chất phóng xạ, vi khuẩn, di truyền, tuổi già hoặc nhiều lý do khác.

Ở Mỹ, ung thư phổi (do hút thuốc nhiều nhất) ung thư vú, ung thư phần ruột cùng (rectum or colon) và ung thư tuyến tiền liệc (prostate cancer) hiện gây nhiều tử vong nhất trong các loại ung thư. Nhưng ung thư có thể xảy ra bất cứ ở bộ phận nào của cơ thể: Từ da vào xương, từ óc tới chân, từ máu tới các bộ phận khác trong cơ thể. Tùy theo nơi sống, giống nòi và cá nhân, nhưng ung thư có thể xảy ra bất cứ ai và bất cứ nơi nào. Ở Mỹ, sự truyền thông lớn mạnh nên ta nghe nó nhiều. Không có nghĩa là người ở Mỹ bị ung thư nhiều nhất thế giới.

Bệnh gan là gì"

Lá gan bị nhiễm trùng, nhiễm độc, bị biến thái, không làm đúng nhiệm vụ hoặc bất cứ cái gì làm cho gan không hoạt động bình thường là gan sẽ bị bệnh. Có người bị bệnh gan vì uống nhiều acetaminophen, chất mà có trong Tylenol. Có người đi giặt ủi lâu năm hay uống nhiều rượu triền miên cũng bị đau gan. Ăn nấm độc cũng bị đau gan, như trường hợp ông anh bà con của tôi. Lúc đó anh mới có ngoài 20 tuổi.

Có nhiều bệnh gan. Viêm gan (Hepatitis A, B, C), xơ gan (Cirrhosis) và ung thư gan là ta nghe thấy nhiều nhất. Cái chứng bệnh vàng da (không phải loại vàng da của sốt rét) cũng là một loại bệnh của gan. Cái bệnh nầy thường thấy ở trẻ em Việt Nam mới sinh.

Hepatitis A gây bởi ăn ở không có vệ sinh. Người bị bệnh đi cầu không rửa tay sạch ra mó vào đồ ăn của người khác hay sờ mó người khác. Ở Việt Nam có nhiều chỗ còn trồng rau dùng phân bón từ phân của người. Rau rửa không sạch nhất là rau ăn sống là nguồn gây bệnh lẹ nhất. Những năm gần đây người ở tỉnh tôi đang sống, du lịch về Việt Nam rất nhiều. Có thể số phần bệnh nầy càng nhiều là bị nhiễm từ nguồn nầy. Và Việt Nam là một trong những nước ở Á Châu có số đông mắc bệnh nầy.

Hepatitis B gây bởi người mẹ có bầu truyền cho cho đứa thai nhi hoặc bị truyền qua sự chung đụng máu hay chất lỏng của người bị bệnh.

Hepatitis C thường có trong đám ăn chơi, sống bên lề xã hội vì tình dục cẩu thả.

Xơ gan (Cirrhosis) làm cho gan không còn đẩy chất độc ra khỏi cơ thể một cách hiệu lực. Bệnh này thường thấy trong những người nghiện rượu. Uống rượu nhiều cũng có thể bị ung thư ống dẫn thực.

Ung thư gan (liver cancer) cũng như những ung thư khác, tế bào gan không còn phát triển và hoạt động bình thường. Có một chất độc Aflatoxin có thể tìm thấy trong mốc meo trên hạt, đậu phộng và khoai mì. Chất nầy có thể gây bệnh ung thư gan và ống dẫn thực. Ung thư bao tử, ruột già và tuyến tụy (Pancreas) cũng có thể dẫn đến ung thư gan.

Dùng nhiều sinh tố A, D, E và K sẽ bị ngộ độc cho gan. Những sinh tố được cơ thể tích trữ trong gan cho đến khi cơ thể cần. Trong khi những sinh tố khác chỉ ở trong cơ thể một thời gian ngắn rồi đi ra ngoài.

Sinh tố A có nhiều trong gan, cá, lòng đỏ trứng, bơ sữa, cà rốt, rau muống, đào.v.v…

Sinh tố D có trong một số cá như cá hồi, cá thu, cá mòi, gan, lòng đỏ trứng, bơ sữa, khi ra nắng.v..v..

Sinh tố K có trong rau cải xanh, dầu thực vật, lòng đỏ trứng, gan, thịt heo.v.v…

Người Việt Nam mình thích ăn bánh mì pate gan, cháo lòng có gan heo, gan xào, cá mòi, nhiều rau xanh, cá và thịt heo. Những chất nầy cung cấp sinh tố A, D, E và K và dinh dưỡng khác cho cơ thể. Nhưng ăn nhiều thì những chất nầy có thừa trong gan. Đó là chưa kể có nhiều người uống thêm dinh dưỡng (Vitamins) mua ngoài tiệm không cần lời khuyên bác sĩ.

Chất sắt (iron) rất cần cho cơ thể. Những người mang thai, bị mất máu, có kinh nguyệt thì sợ bị thiếu chất sắt. Nhưng những người không có trong tình trạng nầy thì phải nhờ bác sĩ xét nghiệm coi có cần thêm hay không. Đừng uống bừa bãi hay uống cho chắc ăn, cho có đủ, chỉ vô tình hại thân mà thôi.

Gan là một bộ phận quan trọng trong cơ thể con người. Nó như là nhà máy hóa học. Nó tiếp thu và chế ra những chất hóa học. Nó cũng có nhiệm vụ thải ra và cũng tích trữ những chất hóa học. Nhưng để nó làm việc nhiều quá nó sẽ đình công! Nếu ai có học hóa học thì biết cái gì sẽ xảy ra khi nhiều chất hóa học ở cùng với nhau!

Tuy nhiên đi bác sĩ cũng phải thận trọng. Lúc tôi có bầu đứa bé thứ nhất, tôi báo cho bà bác sĩ là tôi ăn chay trường. Thế là bà nghi ngay tôi thiếu chất sắt. Cho tôi thử máu, kết quả không như bà nghĩ. Nhưng bà khuyên tôi cứ uống thêm chất sắt phòng ngừa lúc thiếu. Tôi uống để rồi bị cái khổ táo bón. Tôi thử ngừng uống vài ngày, thế là không còn táo bón nữa. Bà bảo tôi ăn rau nhiều hơn. Tôi ăn chay trường, tôi không ăn rau thì tôi ăn thứ gì" Tôi hỏi bà đổi cho tôi thuốc khác, có thể thuốc này mạnh quá. Bà bảo tôi mua thuốc vitamins from A to Z. Tôi uống vào tim tôi cứ chạy đua không ngừng, có những lúc thở không được. Tôi thử ngừng uống vài ngày, triệu chứng này hết hẳn. Tôi không dám báo cáo bà nữa, và ráng ăn cereals của Mỹ thay vì uống thuốc. Nhưng tôi bị cùng một triệu chứng nếu tôi ăn quá nhiều (hai lần một ngày) nên tôi lại giảm.

Sau đó bà bảo tôi khám coi tôi có bệnh giang mai. Tôi bảo bà tôi không có sống bừa bãi. Cha mẹ, anh em tôi, cha mẹ, anh em bên chồng tôi không có ai bệnh này. Bà trả lời là vì tôi là người Việt Nam. Đại đa số người Việt Nam mang bệnh này mà không biết. Họ ăn nhiều sò ốc nên bị mang mầm bệnh. Tôi bảo cả giòng họ hai bên không ăn nhiều sò ốc. Nhưng bà cứ nói thử nghiệm không mất mát gì (Bà quên tôi phải trả tiền bảo hiểm) nhưng thôi thử thì thử, để rồi kết quả không như bà nghĩ.

Sau đó bà hỏi thêm về tôi, biết tôi được sinh ra ở Saigon. Thế là bà cho rằng đường trong máu của tôi rất cao vì ăn đường nhiều. Bà bảo người miền Nam nấu ăn để thêm đường. Thế là bà bắt tôi đi thử đường trong máu và nước tiểu. Hôm sáng đó tôi ăn xôi nên tôi tiểu ra đường. Trong khi chờ kết quả đường trong máu thì bà gởi tôi qua một bác sĩ dinh dưỡng. Bác sĩ này coi nhật ký tôi ghi rõ từng ngày tôi ăn cái gì. Ông nói tôi ăn uống theo đúng dinh dưỡng, không cần đến ông.

Trước khi biết kết quả thì tôi được báo cho biết là bà bị bệnh không thể hành nghề được nữa nên chuyển tôi cho bác sĩ khác. Khi gặp bác sĩ này tôi hỏi kết quả thử đường trong máu, thì bác sĩ bảo rất thấp, nên ăn uống nhiều hơn! Tôi mới chợt nhận ra bà là bác sĩ cũ có phòng xét nghiệm ngay trong phòng mạch thì bà tha hồ cho bệnh nhân đi xét nghiệm, bảo hiểm trả và bà được lợi mà lo gì! Tôi thấy bà sắp về chầu thiên cổ nên thôi không làm gì với bà nhưng tôi cẩn thận hơn khi đi gặp bác sĩ.

Dù sao đi nữa đó là mạng sống của mình. Bảo trọng!

Viết xong tôi chưa gởi bài này thì nghe tin người bạn bị ung thư của tôi vừa mới mất. Đúng như chúng tôi đã nghĩ, chúng tôi không đi đưa tiễn anh về bên kia thế giới được. Chúng tôi chỉ gởi được vòng hoa và ngậm ngùi chia sẻ cùng cha anh. Thật cay đắng cuộc đời. Cha anh là lính từng đánh trận, từng cận kề cái chết trong ngục tù cộng sản mà vẫn sống để đưa tiễn vợ và hai con vào giấc ngũ nghìn thu vì cái bệnh ung thư gan này. Có lẽ sẽ có bài "Những đồi hoa sim tím" tập 2! Cái đám ma và cái đám cưới ở Mỹ này rất tốn kém. Một bên vui, một bên buồn. Nhưng người ta sẽ nhận tiền mừng cưới. Mặc dù tiền hưu không có là bao, cha anh không nhận tiền phụ đám tang. Vẫn thương thằng con, không muốn thiêu xác con.

Khanh Phan

Ý kiến bạn đọc
10/04/201517:21:30
Khách
[PDF]UNG THƯ VÀ BỆNH GAN Khanh Phan
tieulun.hopto.org:25000/download.php?file...
Translate this page
UNG THƯ VÀ BỆNH GAN. Khanh Phan. Hôm qua tôi đi chợ ở một tiệm bán đồ ăn Việt Nam, chị chủ tiệm kể tôi nghe về chuyện chị lo âu: Bây giờ ở đây nhiều ...
Truyện - Đặc Trưng
www.dactrung.com › ... › [Văn Học Nghệ Thuật] - Translate this page
Cà Phê Đắng - Khanh Phan [Trang: 2 ], 14, SongCon ... anhdalat · UNG THƯ VÀ BỆNH GAN - Khanh Phan, 0, SongCon, 452, 12/16/2005 9:04:25 AM SongCon.
bị Thư Viện Tiếu Lùn và Đặc Trưng vi phạm bả quyền.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,206,650
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến