Hôm nay,  

Chị Mai

13/12/200500:00:00(Xem: 165745)
Người viết: DIỆU Thảo

Bài số 895-1495-222-vb4121405

*

Diệu Thao là pháp danh được chọn làm bút hiệu của bà Nguyễn thị Thịnh, sinh năm 1948, hiện là cư dân Ottawa, Ont, Canada. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà.

*

Năm 1977 tôi gặp chị khi cùng với nhà tôi đi thăm bạn bè của anh vào dịp tết và cũng để nhà tôi giới thiệu tôi với gia đình bạn của anh. Chị là chị cả của một người bạn thân của nhà tôi.

Chị cùng tên với loài hoa mảnh mai thanh thoát của quê hương. Một loài hoa mà mỗi mùa xuân về, nhà nhà đều cố mua một cành để cắm trên bàn thờ đón tết. Có nhà mua nguyên chậu lớn để chưng. Những cánh hoa mỏng manh màu vàng thắm, nở rộ sáng rực một góc nhà, đã góp phần cho không khí ngày tết thêm đậm đà ấm cúng.

Nhìn chị tươi tắn, ai cũng có cảm tình, quý mến trân trọng như loài hoa cùng tên chị. Chị hơn vợ chồng tôi hai tuổi, còn độc thân. Người bạn chị định lập gia đình đã đi học tập. Em chị, anh Tuấn là sĩ quan biệt phái cũng đi học tập như bao nhiêu người khác. Nhà tôi tay cán vá, được miễn dịch, vì thế anh không bị đi cải tạo như đa số bạn bè của anh. Chúng tôi công chức đi học tập theo diện nguỵ quyền thôi.

Gia đình anh Tuấn có một cửa hàng tạp hoá nhỏ ở đường Phan đình Phùng. Bố mất sớm, anh thay cha giúp đỡ mẹ và chị việc buôn bán sinh sống của gia đình gần mười miệng ăn. Công việc rất trôi chảy thì đổi đời. Khi anh Tuấn đi học tập, mẹ anh khóc hết nước mắt, không còn lòng dạ trông coi cửa hàng.

Chị Mai gánh vác việc nhà nhiều hơn. Chị trông già trước tuổi, nhưng vẻ thanh tao, hiền hậu trên gương mặt chị vẫn còn. Chị nhận đặt thêm bánh sinh nhật hay bánh cưới để phụ vào chi tiêu của gia đình. Đời sống rất cơ cực, bao nhiêu vốn liếng dành từ xưa đã bay theo những chuyến đi thăm nuôi và những lần cho các em vượt biên không thành công. Anh đưa tôi đến chào vì hồi ngày cưới của chúng tôi, bác không đi được. Bác cầm tay nhà tôi, nước mắt hai hàng. Chúng tôi không dám nói, chỉ lặng yên ngồi xoa lưng bàn tay của bác an ủi thầm lặng.

Cuối năm 79 nhà tôi đi vượt biên. Lúc này tôi đã có hai cháu gái. Họ theo dõi để tìm hiểu tổ chức nào đưa nhà tôi đi. Bạn bè trong sở của vợ chồng tôi không dám thăm nom hỏi han, ai cũng sợ liên lụy. Biết thân phận mình như vậy, tôi không dám đến thăm gia đình ai cả. Khi được tin anh Tuấn đi học tập về, tôi cũng không dám đi thăm, e liên luỵ nguy hiểm cho gia đình anh.

Mãi đến năm 1984 trước khi mẹ con tôi đi đoàn tụ chừng một tháng, tôi đến thăm gia đình anh Tuấn. Tôi đưa hai con đến chào từ biệt bác. Anh không có nhà. Tôi gặp chị Mai. Chị có vẻ hốc hác nhiều lắm. Dường như chị có vẻ tư lự và đăm chiêu. Chị đã lập gia đình với người bạn trai đi học tập về năm 81. Chị tâm sự rằng chị lấy chồng muộn. Anh ra tù đau yếu luôn vì sốt rét. Đời sống khó khăn, chị không muốn có con. Nghĩ chồng con một, chị tính sanh một cháu rồi thôi. Cháu đầu là gái. Chị quyết định sanh thêm, để tìm người nối dõi cho dòng họ anh. Đến đây chị ngưng kể. Tôi nóng lòng hỏi:

- Thế cháu thứ hai là trai hay gái ạ" Chị ôn tồn nói: cháu trai.

Tôi mừng rỡ, nắm tay chị:

- Chị may mắn quá. Vậy là đủ rồi chị nhỉ. Thế chị cho em gặp anh để chào và cho em gặp cháu với được không"

- Anh bận sau nhà và phải trông các cháu vì các cháu quấy và hay xấu hổ lắm. Các cháu không thích gặp người lạ.

Chị bảo các cháu rất yếu, chị ít cho đi ra ngoài sợ trúng gió. Chị nói tôi may mắn, có hồng phúc, khéo tu từ kiếp trước, con tôi kháu khỉnh tươi tắn và được đi ngoại quốc nữa.

Tôi cười thành thật nói:

- Em may mắn thôi. Chị có cháu trai, tốt phúc hơn em rồi. Em không dám có con nữa. Các anh của nhà em có nhiều con trai, em khỏi phải sanh thêm tìm người nối dõi làm gì.

Chị chớp mắt, quay đi tìm cái quạt giấy đưa tôi, nhưng tôi kịp thấy hai giọt nước mắt lăn trên má chị. Tôi ngỡ ngàng, cầm tay chị không dám hỏi. Chị chùi nước mắt, cười kể chuyện ngày xưa nhà tôi thích ăn xôi đậu phọng. Anh hỏi mẹ chị nấu cho ăn hoài. Chị thở dài nói, biết đến bao giờ mới gặp lại. Rồi chị huyên thuyên kể những tính tốt cũng như tính xấu của nhà tôi và anh Tuấn.

Ngày đi đoàn tụ gần kề. Tôi bận thu xếp đủ thứ việc. Họ hàng bạn bè đến chia tay không ngớt. Trước ngày ra phi trường, tôi không có dịp đến chào gia đình chị Mai như dự tính. Tôi nhờ người chị bà con bên mẹ tôi, mang quà đến cho các con chị Mai và gởi lời xin lỗi.

Năm tháng qua đi, cuộc sống xứ người dù ở Mỹ hay Canada hay ở bất cứ phương trời nào cũng bận rộn. Chúng tôi bị cuốn hút vào việc học, lo toan kiếm sống nuôi gia đình. Thỉnh thoảng được thư bên nhà, lòng ngậm ngùi thương xót bạn bè người quen. Áy náy mình không gần để chia xẻ an ủi, mình không giàu để giúp thường xuyên hơn.

Chúng tôi được tin chồng chị Mai, anh Nghiêm đã nộp đơn đi theo diện sĩ quan đi học tập về. Gia đình chị cư ngụ ở Cali năm 97. Nhà tôi huyên thuyên bàn tính hè sẽ qua bên đó thăm bà con bạn bè và trước nhất là thăm chị Mai. Mãi gần cuối tháng 11 năm 99, chúng tôi mới thu xếp để qua thăm anh chị Nghiêm Mai.

Chúng tôi nghỉ ở khách sạn, xem bản đồ khu chị ở, chờ gần đến giờ hẹn sẽ đến thăm gia đình chị. Chị ở khu bình dân của Westminster. Đấy là một gian nhà nhỏ, cũ, với garage kế bên. Vườn tược không được chăm sóc kỹ, có vẻ hơi tiêu điều. Không có xe phía trước nhà. Tôi đoán anh chị chưa đi làm về, định ngồi trên xe chờ chị. Nhưng tôi nghĩ có thể các con chị ở nhà, vì tôi nghe tiếng nhạc vọng ra. Tôi xuống xe, nhấn chuông. Không ai mở cửa. Tôi vừa bước trở lại xe, thì xe của anh chị về. Nhà tôi và chị mừng rỡ. Anh theo cách bên này, ôm chị thật chặt, giọng xúc động:

- Chị Mai, em không bao giờ tưởng tượng được có ngày gặp chị.

Chị ràn rụa nước mắt:

- Chương à, chị cũng đâu có ngờ đâu. Gặp Chương chị nhớ Tuấn quá.

Chị quay qua tôi thăm hỏi, rồi giới thiệu anh Nghiêm. Anh chị mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Chị Mai hối anh Nghiêm đi tắm, để cả nhà còn đi ăn tối. Vừa tìm ly, chị vừa nói vọng vào trong nhà:

- Quang à, tắt nhạc đi con. Ra chào chú Chương cô Thanh nhé. Chị Lan có gọi về cho biết đặt bàn được chưa"

Không có tiếng trả lời. Tôi chỉ nghe tiếng lọc cọc giống như tiếng quay tròn vật gì đó. Tôi có cảm tưởng ai đó vặn nhạc to thêm. Âm thanh xoáy mạnh. Tôi thầm nhẩm tuổi của Quang, chắc là 15 hay 16 gì đó. Tuổi này nghịch lắm đấy. Đang thích nghe nhạc mà mẹ bảo tắt nên làm ngược lại chắc. Tôi cười với chị:

- Hồi đó trước khi em đi qua Canada, em đến chào bác và chị, em chưa được gặp các cháu, chắc cháu bây giờ cao lớn lắm chị nhỉ.

Chị không trả lời tôi. Đưa ly bia mời anh Chương, và đưa tôi ly nước cam. Vẫn ngọt ngào chị bảo vọng vào: Quang à, nút trắng đó con. Gần một phút trôi qua, tiếng nhạc nhỏ dần rồi tắt hẳn. Tiếng bánh xe lọc cọc va chạm lần nữa. Rầm, rầm. Vật gì đang rơi trong phòng. Chị Mai vọng vào nhẹ nhàng:

- Cẩn thận chứ con, mẹ dặn để bên tay phải thì khi con xoay nó không rớt.

Vẫn không tiếng trả lời. Chúng tôi ngó vào cửa buồng, nãy giờ gần mười phút rồi, mà Quang vẫn nghịch trong phòng không buồn ra chào khách như mẹ bảo. Lại va chạm rầm rầm. Chị Mai vẫn kiên nhẫn, lau mặt bếp đọng nước đá, cất hộp nước cam, không hỏi con chuyện gì xảy trong buồng. Gặp tôi, tôi chạy vào xem từ lâu cái gì rơi rớt vậy. Tôi tò mò nhìn vào cửa phòng lần nữa, chờ Quang ra. Lại rầm lần thứ ba. Vật gì đụng cửa buồng. Tôi tưởng tượng một cậu bé cao lêu khêu vụng về lắm mới rớt đồ hoài trong nhà. Rồi màn được vén ra. Tôi sửng sờ. Một cậu bé ngồi trên xe lăn, hiện tượng Down Syndrome. Hai tay Quang khó khăn điều khiển xe. Đầu hơi lắc lư, mồm hơi nhễu nước miếng.

Tôi bị chấn động. Tôi không bao giờ nghĩ, sẽ thấy cảnh thương tâm này. Tim tôi se thắt, không dám hỏi chị. Tôi khẽ liếc nhìn nhà tôi. Chắc anh cũng vậy, vì tôi thấy anh nuốt vội ngụm bia, đặt vội ly xuống. Anh chạy đến bên Quang, phụ cháu đẩy xe ra giữa phòng khách. Quang nhoẻn miệng cười với vợ chồng tôi, mở miệng chào cô chú, tiếng hơi khàn khàn.

Cả hai chúng tôi không đả động đến bịnh tình của Quang. Chị bước đến ngồi cạnh xe của Quang. Nắm tay con, chị mỉm cười từ tốn kể chuyện mình, bằng một âm hưởng thật nồng ấm, tự nhiên.

Ở Việt Nam anh chị phải dấu cháu. Không dám đem cháu ra cho ai thấy. Có người bảo rằng, anh chị nhận lấy một cái quả xấu, từ nhân của kiếp nào đó. Họ nói anh chị bị trừng phạt. Anh chị khổ sở biết bao. Chị kể:Thương con vô cùng mà cũng cảm thấy nhục nhã nữa Chương Thanh ạ. Chị cứ băn khoăn, mình đã tạo tội gì, mà con phải gánh thay cho cha mẹ. Chị xin với Phật Trời cho chị trả tội. Đừng bắt con chị chịu hình phạt này.

Anh Nghiêm là con trai duy nhất. Cháu Quang lại như vậy. Thật tội nghiệp cho anh. Chị đã chịu biết bao cay đắng, dè bỉu của hàng xóm, bà con hai phía. May mà anh Nghiêm một mực thương yêu con và quý chị, nên chị vượt qua được tất cả gian nan. Đáng lẽ, anh chị không qua đây, vì còn mẹ chị và mẹ của anh. Tuấn không chịu nộp đơn, bảo anh chị cứ đi. Mọi việc trong nhà đã có Tuấn lo cho cụ rồi. Nghĩ đến cháu, anh chị liều nộp đơn. Xa tất cả người thân, lòng đau lắm Chương Thanh ơi. Nhưng sống ở quê nhà, cũng khổ sở từ tinh thần đến vật chất. Bao nhiêu năm trời, anh chị không ngửng mặt nhìn ai cả. Anh sống thui thủi trong nhà.

Anh không biết buôn bán, nên thay chị săn sóc con. Một mình chị bươn chải nuôi hai gia đình. May mấy cô em chị lớn lên học nghề may nên cũng đỡ hộ chị phần nào. Hiếm khi có tiếng cười hạnh phúc. Anh chị nhìn con, ruột đứt từng đoạn. Vợ chồng chỉ biết thở dài. Thương cho con sau này không nơi nương tựa, vì một mai anh chị qua đời, ai săn sóc cháu. Chị đã thầm khóc từng đêm. Lạy Phật Trời tổ tiên. Ăn năn sám hối, xin cho chị một con đường sáng để chị yên tâm về cháu. Lời cầu xin của chị đã được chấp thuận, ơn trên ngó xuống như Chương Thanh thấy đó. Chị cảm ơn nhiều cái đất Mỹ xa lạ này, đã giang tay đón gia đình chị.

Ở Mỹ, có những hội từ thiện. Có những nhà thương. Họ lo cho những người như cháu Quang tận tâm lắm. Họ đã mở ra, cho chị nhìn đời bằng tình thương rộng lượng hơn. Con của chị như thế, mà sao họ hết lòng săn sóc thương yêu, không hề mỏi mệt.

Chị nghĩ lại lúc trước, có khi chị săn sóc con, quá cực khổ, chị không được tươi cười với nó. Còn những người tình nguyện trong hội từ thiện ở đây, những cô y tá, bác sĩ, họ đâu có máu mủ gì với Quang, mà họ tận tâm kiên nhẫn vậy. Họ cười tươi, sung sướng với kết quả của Quang đạt được.

Chị ngồi nhìn họ dạy Quang học. Dạy Quang chạy xe lăn. Dạy Quang tự cầm muỗng nỉa. Dạy Quang thể thao và nhiều thứ nữa.... Tự nhiên lòng chị chùng xuống, thương cảm tất cả những gia đình, có trẻ em bất hạnh ở quê nhà.

Chị nhận thấy tình thương, và tính nhẫn nại đã chuyển hoá được con người nhiều lắm. Quang vui hơn, chịu học và tiến bộ nhiều. Không còn ư ử khóc lóc vì người nhà không đoán được những tình cảm ẩn dấu của Quang. Bây giờ có những việc Quang tự làm, không cần đến anh chị nữa.

Chị suy nghĩ đời sống ở đây rất tiện nghi. Chị và anh không đòi hỏi gì hơn. Sau khi học Anh văn xong, chị quyết định không đi làm full time. Chị tìm việc làm tối thứ sáu và ngày thứ bảy. Chủ nhật chị nghỉ ở nhà với các cháu. Còn ngày thường trong tuần, chị tình nguyện xin làm thiện nguyện cho hội từ thiện săn sóc những người như cháu Quang. Sáng ra xe với cháu. Vừa làm thiện nguyện vừa được gần con. Săn sóc nó nhiều hơn. Chiều hai mẹ con cùng về. Chị lo cơm nước cho cả nhà, cùng nhau ăn chung, kể nhau nghe những việc trong ngày. Cháu Quang có trợ cấp. Một mình anh đi làm cũng tạm đủ. Còn sướng chán vạn thuở anh Nghiêm đi học tập về không có việc làm.

Qua đây, họ giải thích cho chị căn bịnh của cháu. Thế giới phương tây và y học không tin vào nhân quả nghiệp báo. Đối với chị, chị hiểu rõ bịnh cháu hơn xưa, nhưng chị cũng hiểu cái quả cộng nghiệp mà cháu và anh chị phải gánh trong cuộc đời mình. Chị chấp nhận không than trách.

Giờ đây chị sẵn sàng giúp đỡ những người bất hạnh khác xung quanh mình, như những người Mỹ ở xứ này, từng giúp gia đình chị. Ở đây đã tạo và cho chị cơ hội mở rộng con tim, một bài học quý báu trong đời sống tha hương chị học được. Chị hạnh phúc lắm vì được đóng góp vào cái vòng luân chuyển, giúp đỡ đầy tình người ở xứ này đã nuôi dưỡng mẹ con chị.

Chị hiểu rằng giá trị hạnh phúc chỉ có được, khi mình thật sự tự tin, trái tim mở rộng và đóng góp khả năng của mình thật chân thật cho cộng đồng xung quanh, không phân biệt màu da. Chị hoàn toàn vui với công việc giúp đỡ những người khuyết tật như cháu Quang. Chị không tham gia những cuộc vui chơi phù phiếm. Chị nhìn những bà cụ Mỹ, những cô gái thiện nguyện tươi tắn, ân cần với những bịnh nhân khó tính, lòng chị dâng lên sự cảm phục vô cùng. Cháu Quang gọi họ là những bà tiên, cô tiên. Vì hồi cháu bé chị vẫn kể chuyện cổ tích về các bà tiên, cô tiên thương trẻ em hay giúp đỡ trẻ em. Chị học được từ họ: Tình thương vô bờ bến. Sự nhẫn nại vô song. Chị ước ao người mình cũng nhìn được những hình ảnh này. Tâm hồn sẽ được mở rộng, không có những sự dè bỉu, khinh rẻ những người bất hạnh. Chị biết rằng dân trí mình còn thấp. Khó có sự cảm thông chân thật rộng rãi trong một xã hội nghèo khổ của đất nước mình. Chị ước mơ một ngày nào đó, về quê hương giúp những người bất hạnh. Giúp những bà mẹ, ông bố ngửng mặt nhìn đời. Giúp họ tự tin, không có gì phải tủi nhục, khi có một người thân khuyết tật.

Người Mỹ họ không chê cười những người bất hạnh như cháu Quang. Họ nâng đỡ tinh thần anh chị nhiều lắm. Họ đánh tan mặc cảm trong lòng anh chị và cháu Lan. Anh chị và cháu Lan đi ra đường với Quang tự nhiên, không dấu cháu với bất cứ ai nữa. Không e dè, sợ sệt thiên hạ cười chê, khinh bỉ. Chị hãnh diện có một đứa con thông minh như Quang.

Chị ngừng kể âu yếm lấy khăn lau xung quanh miệng của Quang, thương yêu thật đằm thắm, thì thầm:

- Gần hai năm nay, mẹ của cháu cũng tập làm bà tiên của cháu đấy, cô chú ạ.

Quang nhìn mẹ, ánh mắt long lanh như cười với mẹ, đầu gật gật, vì cháu hiểu lời mẹ nói.

Bức tranh trước mắt tôi quá đẹp. Và tâm tình của chị Mai đã làm tôi rơi nước mắt cảm động. Đúng rồi Quang là kết quả tình yêu chân thật của anh Nghiêm và chị Mai. Không gì phải xấu hổ hay tủi nhục. Trước mắt tôi, co biết bao những người với tâm từ bi, những người giàu lòng bác aí.

Từng giây, phút, xung quanh chúng ta, trên trái đất này, nếu chúng ta chịu khó nhìn, sẽ thấy hằng hà sa số những người vì đại nguyện độ sanh. Thuộc mọi thành phần tôn giáo. Đủ mọi sắc dân. Tôi thầm cầu nguyện dân trí mọi nơi, khắp thế giới được nâng cao. Không còn sự kỳ thị khinh rẻ giữa đồng loại với nhau. Chỉ có tình thương ban rải khắp cùng. Lúc đó hẳn thế giới nhiều hạnh phúc lắm. Ước nguyện của chị giúp người đẩy lùi mặc cảm, tủi hổ để mang sự tự tin đến cho những người bất hạnh, là hình thức Vô Úy Thí, hiếm người làm được.

Với cháu Quang, mãi mãi chị là bà tiên tuyệt diệu. Với tôi chị mãi mãi là cành mai đẹp, góp phần tạo mùa xuân cho cuộc đời.

Diệu Thao.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,346,420
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.