Hôm nay,  

Thuốc Đắng Đã Tật

06/12/200500:00:00(Xem: 142433)
Người viết: THỊNH HƯƠNG

Bài số 889-1489-216-vb4120705

Tác giả là một nữ viên chức làm việc tại miền Bắc California, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ với bút pháp tươi tắn, trẻ trung. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

*

Ông xã tôi lấy được bằng lái xe trong vòng hai tuần lễ kể từ ngày đặt chân đến Mỹ. Đối với anh, chuyện “chẳng có gì mà ầm ỹ”, nhưng với tôi, học lái xe và thi lái xe sao mà nhiêu khê vất vả đến thế! Cả thi viết lẫn thi lái, môn nào tôi cũng phải đến DMV hai lần mới đền xong tội nợ! Thi viết hai lần mới đậu, tôi phải tự nhận đó là lỗi của tôi hoàn toàn, vì tôi không chịu học bài cho kỹ. Lúc đứng thi, chỗ nào bí thì tôi áp dụng phương pháp đoán mò cổ điển và quẹt túa xua vào những câu trả lời mà tôi thấy có lý hơn cả! Nhưng cái có lý của tôi lại không có lý chút nào với cái máy computer làm nhiệm vụ chấm thi.

Phải thi lái hai lần mới đậu, thì tôi đoan chắc đó là do lỗi của ông xã tôi! Lúc tôi đòi mướn ngưới dậy lái xe thì anh dẫy nẩy lên làm như tôi đang yêu cầu một chuyện gì phi lý ghê gớm lắm. Anh nói tại sao lại phải tốn tiền mượn người trong khi ông chồng của mình cũng là một tay lái có hạng, kinh nghiệm đầy mình" [Tôi xin mở ngoặc để tiết lộ là trước 1975, anh là đại đội trưởng, lúc nào cũng có tài xế, nhưng đại đội trưởng thích cầm lái hơn là để người khác lái mình].

Tôi cố gắng “bảo vệ luận lý” của mình với lý lẽ là tôi nhát lắm, phải có thầy “professional”, vì nếu tôi có lỡ lạc tay lái hay đạp nhầm chân ga thì họ có thể giải nguy kịp thời với cái xe hai thắng của họ. Chồng tôi cứ muốn làm đại đội trưởng, và ra cái lệnh quân sự là anh sẽ làm thầy của tôi, và tôi không thể làm gì khác hơn là thi hành trước, khiếu naị sau! Trong lúc tôi nóng lòng muốn lấy bằng lái xe gấp rút để được tự mình đi shopping mà không phải làm đem chồng đi cùng , thì ông xã tôi lại rất “lề mề” trong việc dậy dỗ tôi. Anh chỉ dậy tôi học vào các ngày thứ bảy và chúa nhật, vì ngày thường anh phải đi làm từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Về đến nhà, anh ăn vội chút xíu rồi vác sách đến community college học thêm Anh ngữ và mấy môn chuyên nghiệp để mai mốt vào đại học lấy lại cái bằng kiến trúc anh đã có bên Việt Nam ngày xưa, nhưng nay thì chẳng còn cái giá trị gì bên này. Thấy chồng tôi vất vả bận rộn, chẳng có thì giờ giải trí và vui chơi khi hoàng hôn của cuộc đời sắt sửa ló dạng, một số bạn bè của anh góp ý:

- Lúc ông lấy được cái mảnh bằng thì tuổi ông cũng tèm tèm sáu bó. Ông nghĩ mấy công ty nó chịu ghé mắt nhìn vào cái resumé son trẻ của ông hay sao"

Chồng tôi cười rồi nửa đùa nửa thật trả lời:

- Bọn nó không mướn thì tao…mở công ty one-man-show trên website!

Đằng sau lưng bạn bè, anh tâm sự với tôi:

- Anh muốn làm gương cho các con chịu khó học hành, và chứng minh cho chúng biết là khi mình rắp tâm làm một chuyện gì, mình có thể thành công .

Đúng như lời “báo động” của các bà bạn , tôi đã trải qua những ngày rất “ nặng nề” trong lúc học lái xe với chồng. Hồi còn yêu nhau anh chẳng bao giờ “dám” lớn tiếng với tôi. Dạo đó sao cái nết nhẫn nại của anh nó phi thường đến thế" Nhưng bây giờ thì anh đang triệt để áp dụng câu tục ngữ “ván đã đóng thuyền”, luôn càm ràm khi tôi làm một chuyện gì trái ý anh. Đôi khi còn quát lên như Trương Phi nữa mới quá quắt. Ai nói bên Mỹ đàn ông đứng hàng thứ tư sau…con kiki" Trong gia đình tôi, câu đó như thế này: “Nhất chàng, nhì thiếp, ba con, bốn chó”.

Một hôm, trong lúc tập lái, tôi “quên” không đưa xe ôm lề phải khi chàng ra lệnh “right turn” thì chàng “vặc” tôi tức thì:

- Cái cô này, đã dặn bao nhiêu lần mà còn cứ quên! Sao mà cứng đầu thế"

Tôi bực mình vì cái vô duyên của chồng, nhưng vì đang ở chỗ thanh thiên bạch nhật, sợ người ta thấy mình diễn trò “cọp cái” với chồng, bèn ráng sức nuốt giận, chỉ ban cho chàng một cái liếc tóe lửa.

Lúc thấy tôi lái xe có phần vững, anh liền goị làm hẹn cho tôi đi thi. Tôi mở to đôi mắt ngây thơ “vô số tội” nhìn chàng và chất vấn:

- Ủa, mình không dợt cho em lái xe trên freeway sao"

Chàng ban cho tôi một cái lườm yêu:

- Lại đòi hỏi! Ở thị xã này DMV chưa bắt mình phải thi ngòai freeway thì mình ra đó làm cái giống gì" Chừng nào mình có bằng lái rồi anh sẽ dượt cho sau. Mà mình đâu có cần ra freeway, có sẵn tài xế, mình sai đâu hắn đi đó.

Tôi biết chồng tôi không nghĩ tôi có cái can đảm lái xe ngòai xa lộ vì cái tánh nhút nhát và hay “cuống” lên của tôi. Nhớ một hôm anh và tôi đang đi trên freeway đến thăm một người bạn ở thành phố kế bên. Anh đi sau một cái xe pick-up chở đầy đồ. Bỗng một sợi giây cột sút mối, thế là ba bốn cái thùng giấy thi nhau nhảy xuống đường. Một cái rớt ngay trước mũi xe của chúng tôi. Tôi hét lên như gặp ma, bám chặt lấy cánh tay của chồng rồi nhắm mắt chờ nghe tiếng va chạm khủng khiếp, không quên cầu xin thượng đế cho tai nạn không đến nỗi nặng lắm. Tôi cảm thấy xe lắc mạnh , chuyển qua phía tay trái, rồi…im lặng. Tôi mở mắt nhìn xung quanh, chồng tôi vẫn bình thản, và vẫn cứ an toàn trên xa lộ. Anh nhìn tôi, lắc đầu rồi ra hiệu cho tôi nhìn vào cánh tay anh. Ôi, cánh tay chồng tôi đã bị tôi tặng mấy vết cào rướm máu trong lúc quá hoảng sợ.

Trở lại chuyện tôi đi thi lái xe. Lần đầu, tôi bị rớt vì làm “three-point-turn” quá chậm và lung túng. Lại thêm điểm xấu vì parking parallel không gọn, không mau. Tôi liền bào chữa với chồng:

- Tại mình chỉ dậy em parking parallel bên tay phải! Người Mỹ họ thuận tay trái, viết tay trái, parking parallel tay trái và gọt trái cây ngược…

Ông xã tôi bèn khóa miệng tôi lại bằng một chiếc hôn trước khi tôi nói thêm một cái “trái” khác của người Mỹ! Thế là tôi hết lý sự cùn. Ông xã tôi thích tôi gọi “mình ơi”, vì theo anh tiếng mình đó nó mới tình tứ làm sao. Chúng tôi goị nhau “anh, em” trong lúc có bạn bè hay người thân chung quanh, nhưng lúc chỉ có hai vợ chồng với nhau thì phài “mình ơi mình hỡi” cho nó mùi ! Lúc này hai đứa đã trên dưới năm bó, mà vợ chồng tôi lúc nào cũng khắng khít như dạo mới có một con. Tôi nhớ có hôm một người bạn của anh bên Houston gọi điện thoại qua nói chuyện trời trăng mây gió vào dịp cuối tuần. Hình như ông bạn nói anh ta không muốn sang California ở vì sợ động đất, thì chồng tôi trả lời:

- Nhà tôi đêm nào chả bị động đất, sợ quái gì!

Chẳng hiểu ông bạn nói gì mà chồng tôi cười sằng sặc.

Cuồi cùng tôi cũng lấy được bằng lái. Có bằng, tôi tự lái xe đi làm, và chỉ phải lái đường trong vì chỗ tôi làm cách nhà tôi chỉ có 7 miles. Chồng tôi vẫn chưa kiếm được dịp đem tôi ra freeway tập dượt vì anh luôn bận làm “hôm uộc” hoặc sửa soạn thi “phai nồ”. Một sáng thứ bảy, tôi lái xe xuống phố để mua một số hàng đang “on sale” tại chợ Safeway. Nhìn bản đồ thì thấy cái chợ đó nằm ngay cạnh freeway. Tôi tính trước là tôi sẽ đi từ nhà ra đường 18th, qua khỏi năm traffic lights thì sẽ quẹo phải. Sau khi quẹo phải, sẽ đi thêm 6 ngọn đèn nữa rồi chui qua một cầu freeway [underpass]. Chợ Safeway nầm bên tay phải, ngay cạnh cái underpass đó. Tôi nhủ thầm, dễ như ăn bánh, piece of cake!

ến cái traffic light trước khi chui qua underpass, tôi thất kinh thấy mình đang ở trong một “lane” có bảng chỉ đường ghi rõ: Right lane must turn right (Khoảng đường bên tay phải bắt buộc phải quẹo phải] Tôi thất kinh, vì cái “right turn” này sẽ đưa tôi ra cái freeway dễ sợ trên kia! Tôi nghĩ cách tháo lui, tính lách qua lane bên cạnh để đi thẳng. Nhưng mà, trời ạ, đằng sau xe tôi có cả chục chiếc xe, và cái lane bên tay trái thì cũng chi chit chẳng có chỗ nào trống cho tôi nhảy sang. Hôm nay thứ bảy mà sao thiên hạ đi đâu lắm thế" Tệ hơn nữa, tôi là cái xe đứng đầu trong cái lane “right turn” đáng ghét này. Đèn xanh vừa bật lên, tôi còn đang lúng túng thì các xe phía sau đã bấm còi ầm ỹ, làm như không chạy ngay thì sẽ bị cọp vồ ma bắt không bằng. Quýnh quáng, tôi thu hết can đảm đạp ga dấn thân vào cái ramp vô xa lộ. Đến lằn merging , tôi thấy bốn năm cái xe 18 bánh đang ầm ầm phóng tới như những con trâu điên. Thấy tôi nhăm nhe muốn vào mà chúng cứ phăng phăng lướt đến, không một chút lịch sự để giảm tốc lực cho tôi nhập đoàn. Tôi bèn đạp thắng, chờ cho bọn nó đi qua. Ai dè cái đoàn xe đằng sau tôi lại bắt đầu bấm còi! Tôi bực mình quay lại, nhún vai (!) có ý nói là còn nhiều xe lắm, chưa ra được đâu! Gã đàn ông da trắng sau xe tôi trợn mắt, môi mấp máy nói gì đó rồi đưa ngón tay giữa ra trỏ vào mặt tôi. Tôi túc mình nhưng chưa biết phải tính sao thì gã laị chỉ vào lề đường, có lẽ gã muốn tôi tránh chỗ cho gã đi. Tôi chưa kịp làm theo lời gã thì ba bốn chiếc xe, cái thì lách về phía tay phải cái thì chồm ra phía tay traí, lồng lộn qua mặt tôi. Có người còn quay lại ngắm xem cái bản mặt tôi nó ra làm sao. Còi xe tiếp tục bấm, tôi càng thêm cuống cuồng. Không biết sao hơn, tôi đem xe vào lề đường, chỗ dành cho emergency. May sao lúc đó tôi còn nhớ được lời dặn của chồng là mở đèn báo nguy rồi ngồi chờ. Ngồi trong xe mà tôi còn nghe được tiếng gió rít bên ngoài do các xe chạy ngang gây ra. Có lúc sự rung chuyển của mấy chiếc xe lớn mạnh đến độ tôi có cảm tưởng chiếc xe bé nhỏ của tôi sắp sửa bị chúng cuốn luôn ra ngoài đường. Khỏang 5 phút sau một xe cảnh sát chạy đến và ngừng sau xe tôi. Anh cảnh sát là người Á châu, nhưng không phải là người Việt. Anh đứng bên cửa phía tay phải, ra hiệu cho tôi hạ kiếng xe xuống rồi hỏi bằng tiếng Anh:

-Xe bà hư ra sao"

Nước mắt lưng tròng, tôi đáp:

- Xe tôi không hư gì hết. Tôi chỉ sợ vì chưa lái ngoài freeway bao giờ.

Anh cảnh sát nhìn tôi ngạc nhiên, và hỏi:

- Bà có bằng lái không"

Tôi gật đầu và mở xách tay lấy cho anh ta xem cái bằng lái của mình. Anh ta lại tiếp:

- Ba vui lòng cho xem giấy đăng bộ.

Tôi lại lục trong hộc xe tìm cái giấy anh ta đòi. Xem xong, anh ta “hừ” trong cuống họng rồi lại hỏi:

- Không dám lái freeway, nhưng sao bà lại ra đây"

Tôi thành thật “khai báo”:

- Tôi muốn đến cái chợ Safeway dưới kia nhưng vô tình lọt vào cái lane “right lane must turn right”. Tôi muốn đổi lane mà mấy người tài xế đằng sau họ không cho, cứ bấm còi bắt buộc tôi phải chạy. Không muốn gây tai nạn nên phãi tấp vào đây. Xin ông làm ơn lái hộ xe tôi trở vào phố.

Anh cảnh sát nhìn tôi với ánh mắt thương hại thoáng một chút chế nhạo rồi nói:

- Tôi không lái xe cho bà được, nhưng tôi sẽ giúp bà tự đem xe vào.

Tôi vội vàng phân trần:

- Tôi đã thưa với ông, tôi sợ lắm, tôi không thể lái được đâu.

Anh cảnh sát cố gắng trấn an tôi bằng cách giải thích:

- Bà nghe tôi nói đây. Tôi sẽ ra ngoài cái lane trong cùng , chớp đèn vàng báo nguy để chặn xe cho bà đi ra. Sau đó, tôi sẽ đi theo sau xe bà, hộ tống bà vào cái exit gần đây nhất. Bà cứ lái từ từ, chẳng có gì phải sợ . Nào, ta bắt đầu. À, tôi cũng khuyên bà đi học thêm một khóa lái xe để…nếu có lộn đường lên xa lộ thì cũng không đến nỗi lung túng . OK"

Tôi gật đầu và làm đúng lời chỉ dẫn của anh cảnh sát . Lúc xuống hết exit anh ta vẫy tay chào tôi rồi phóng thẳng ra xa lộ. Còn tôi, tôi chạy thẳng về nhà, không còn màng đến cái chợ Safeway và mấy món đồ on-sale.

Tối hôm đó tôi bẽn lẽn kể laị cho chồng nghe “chuyến phiêu lưu” bất đắc dĩ của mình và hết lời ca tụng anh cảnh sát tuần tra. Chẳng hiểu câu chuyện có tác động ra sao mà hai hôm sau chàng gọi địên thọai cho một ông dậy lái xe chuyên nghiệp để dạy tôi lái trên freeway. Tôi trố mắt nhìn chàng :

- Mình ơi , caí này tốn tiền !

Chàng lại khóa miệng tôi bằng một cái hôn ! Tôi nghiệm ra rằng mỗi khi không muốn nghe tôi tả oán lung tung hoặc không muốn xác nhận một cái “lỗi” của mình, chàng

thường cả vú lấp miệng em bằng một cái hôn. “Đại đội trưởng” khôn khỏi chê!

Tôi có dịp gặp lại cái anh cãnh sát tốt bụng kia thêm một lần nữa cách đó vài tháng dưới phố Tầu. Hôm đó cũng là một ngày cuối tuần, tôi và một bà bạn rủ nhau đi cắt tóc. Cắt tóc xong lại rủ nhau đi ăn phở ở một nhà hàng phía bên kia đường. Trong lúc hai đứa hối hả băng ngang đường giữa giòng xe cộ xuôi ngược thì nghe tiếng còi hụ của police. Quay lại, thấy có một anh cảnh sát đang đứng ghi phạt một người đàn ông, nhưng anh ta cứ nhìn về phía ngã tư và một tay chỉ trỏ lia lịa. Thấy chẳng dính dáng gì đến mình hai đứa tôi tiếp tục băng đường. Lúc vào tiệm ăn, vưà ngồi xuống chưa kịp order món ăn thì anh cảnh sát lúc nãy mở cửa đi vào, dáo dác nhìn quanh . Nhận ra anh cảnh sát này đã giúp mình trên xa lộ hôm xưa, tôi vẫy tay chào và mỉm một nụ cười thân thiện. Anh ta đến bên chúng tôi và lễ phép chào:

- Xin lỗi hai bà. Tôi là officer Young.

Tôi liến thoắng:

- Tôi nhớ ông, và một lần nữa xin cám ơn ông đã giúp tôi xuống khỏi xa lộ…

Anh ta vẫn giữ vẻ nghiêm trang, cắt lời tôi:

- Xin bà đừng quan tâm. Bây giờ tôi xin mời hai bà ra ngoài nói chuyện một lát.

Tôi ngạc nhiên:

- Có chuyện gí quan trọng không , officer" Mình nói chuyện ngay trong này không được sao"

- Tôi sợ làm phiền các thực khách khác.

Tôi và bà bạn đành miễn cưỡng theo anh ta ra ngòai chiếc xe tuần tiểu , vẫn chưa hiểu tại sao bị mời ra đây. Những cái nhìn tò mò của thực khách trong tiệm làm chúng tôi “quê cùng mình”.

Officer Young giải thích:

- Hai bà có biết hai bà đã phạm luật giao thông hay không"

Bạn tôi ngạc nhiên :

- Tuị tôi vi phạm giao thông" Hồi nào" Tụi tôi mới ra khỏi tiệm tóc, có lái xe đâu"

- Không phải cứ lái xe mới vi phạm giao thông, thưa bà. Hai bà mới “jaywalk” ((băng đường trái phép) cách đây mấy phút, mặc dù tôi đã cố gắng gọi hai bà lại bằng cách cho còi hụ, nhưng hai bà cứ tiếp tục băng đường. Hai bà có thấy cái bảng “Jaywalking forbidden” dựng hai bên lề đường không"

Lúc đó hai đứa tôi mới vỡ lẽ. Tôi lên tiếng:

- Tôi đâu có biết băng ngang đường là phạm lỗi! Tưởng thấy an toàn là mình cứ việc qua !

- Thành phố tốn tiền dựng mấy cái bảng đó là để bảo vệ sinh mạng cho người đi bộ. Tài xế lái xe thường quẹo vào con đường này để sang con đường bên kia, do đó thường hay xảy ra tai nạn cho khách bộ hành. Rất tíếc là tôi bắt buộc phải viết cho mỗi bà một cái giấy phạt.

Bạn tôi cố cãi:

- Thiếu gì người băng ngang đường như bọn tôi, sao ông không phạt hết"

- Họ chưa bị phạt vì lúc đó tôi chỉ có hai tay hai mắt, không thể nào thấy hết mọi người cùng một lúc. Rất tiếc là hai bà hôm nay gặp xui. Tôi đã hụ còi gọi hai bà trở lại, hai bà không nhớ sao"

Tôi cố gắng năn nỉ:

- Officer, ông làm ơn bỏ qua cho chúng tôi lần này. Chúng tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm nưã.

Anh ta cương quyết:

- Tôi tin là hai bà sẽ không tái phạm nữa, nhưng tôi bắt buộc phải cho mỗi bà một cái ticket, vì chỉ có như vậy hai bà mới nhớ lâu, nhớ suốt đời! Tôi nghĩ tôi đang làm ơn cho hai bà đây.

Biết năn nỉ không xong, hai đứa tôi đành “uất ức” moi I.D. đưa cho anh ta viết giấy phạt.

Bạn tôi nói với tôi bằng tiếng Việt:

- Đã phạt mà còn kể ơn. Hứ!

Cầm hai cái tickets, chúng tôi trở lại tiệm ăn để tránh những ý nghĩ không tốt của khách hàng khi thấy bọn tôi bị cảnh sát áp giải ra ngoài! Ông bà ta vẫn nói “Trời đánh còn tránh bữa ăn”, nhưng cái ông Officer Young này không phải là người Việt nên chẳng biết tránh bữa ăn của bọn tôi; đã vậy, còn bắt bọn tôi ăn hai tô phở đắt ơi là đắt, mỗi tô là 40 mỹ kim [cộng 35 mỹ kim tiền phat]!

Và đúng như lời anh ta nói, mỗi lần sắp sửa băng ngang một con đường, tôi lại nhớ đến cái ticket và tô phở đắt tiền để ráng lội bộ tới cái crosswalk tại ngã tư. Ông bà mình đã nói “thuốc đắng đã tật”.

THỊNH HƯƠNG.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến