Hôm nay,  

Vợ Hay Nợ?

04/12/200500:00:00(Xem: 191383)
Người viết: NGUYỄN DUY AN

Bài số 886-1486-213-vb7120305

*

Tác giả Nguyễn Duy-An, cư dân Virginia, hiện là Vice President, phụ trách Infor-mation Technology của National Geographic. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Trên Việt Báo Online, phần Writing on America, có có danh sách các bài xếp theo số lượng người đọc. Trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất, riêng Nguyễn Duy An đã chiếm tới 6 bài. Bài mới nhất của ông lần này là truyện về Việt Nam cưới... nợ.

*

Tuấn thẫn thờ lê chân bước ra bãi đậu xe của tòa án trong chán chường và tuyệt vọng vào một buổi chiều cuối đông... Trời lạnh lắm, nhưng cái buốt giá ngoài trời chẳng thấm vào đâu so với cái lạnh và nỗi đau trong tim của chàng.

Tuấn lên xe ngồi ôm tay lái nhưng không biết sẽ về đâu. Chàng “phải tránh xa, ít là 100 feet (khoảng 30 mét) cô vợ trẻ đẹp” mới bảo lãnh từ Việt Nam qua được hơn tuần nay, nhưng chưa một lần được thực sự làm chồng. Bây giờ tất cả đã trở thành một con số không (0) to tướng theo lệnh của quan tòa! Thêm vào đó, Tuấn còn phải cung cấp nơi ăn chốn ở và tiền chi dùng cho cô vợ hụt liên tiếp 12 tháng sắp tới, đổ đồng mỗi tháng 2 ngàn Dollars để cô có đủ thời gian học thêm tiếng Anh cũng như học nghề.

Đã có lần Tuấn nghe một người nào đó than thở “con là nợ, vợ là oan gia”, nhưng với chàng bây giờ thì vợ không còn nữa, con cũng không, chỉ còn có “nợ”!

*

Cuối năm ngoái Tuấn về Việt Nam thăm gia đình. Nghe lời rủ rê của bạn bè, chàng đến chơi và làm quen với Liên, một cô gái nổi tiếng xinh đẹp và dễ thương trong vùng, vừa tròn 18 tuổi, đang học lớp 12... Hình như nàng đã có bạn trai là một sinh viên đang lưu học trên Thành Phố, nhưng tự tin vào cái mác Việt Kiều của mình, Tuấn bất chấp tất cả, chỉ mong muốn chiếm cho bằng được người đẹp.

Hôm đầu tiên đến nhà chơi, Tuấn đã không chiếm được cảm tình của Liên, nhưng mấy ngày sau tình hình có vẻ khả quan hơn vì mẹ nàng rất quý mến Tuấn. Chỉ còn vài tuần nữa Tuấn phải trở về Mỹ! Chàng nhờ người chị cả dẫn tới gặp cha mẹ của Liên để chính thức xin hỏi cưới nàng.

Gia đình nàng cũng không đến nỗi “cổ lỗ sĩ” nên đã gọi Liên ra cùng ngồi nói chuyện. Mẹ nàng, bác Trinh lên tiếng trước:

- Được anh thương đến em nó, thật là quý hóa lắm, nhưng để tôi gọi em Liên ra nói chuyện trước mặt người lớn cho phải phép.

Bác Trinh ra nhà sau một lúc thật lâu rồi mới cùng con gái trở lại phòng khách. Tuấn hơi thất vọng khi thấy nét mặt của Liên không được tươi tỉnh lắm, nhất là đôi mắt nàng có vẻ hững hờ như đang đi lạc vào một cõi vô định...

- Cháu chào cô Thu. Liên chào anh Tuấn.

Tuấn vội vàng đứng lên, định kéo ghế cho Liên, nhưng nàng đã nhanh nhẹn ngồi xuống bên cạnh mẹ. Bác Trinh quay sang nói:

- Cô Thu tới xin hỏi cưới con cho anh Tuấn, mẹ muốn con cùng ngồi bàn công việc luôn. Con nghĩ sao"

- Thưa mẹ, thưa cô... Con đang đi học, và cũng còn ít tuổi quá.

Tuấn hiểu rõ ý nghĩa “chối từ” trong câu nói của Liên, nhưng chàng đã bàn trước với chị, nên cứ ngồi “hiền” để chị Thu phân trần:

- Liên đừng ngại. Thật ra nếu hai đứa thương nhau, chị xin phép hai bác để làm cái lễ hỏi nho nhỏ, rồi lên xã làm giấy đăng ký kết hôn thôi, vì Tuấn cũng sắp trở lại Mỹ trong nay mai. Thủ tục giấy tờ bảo lãnh cũng mất cả năm là ít. Khi có giấy đăng ký, Tuấn có thể làm giấy bảo lãnh cho Liên theo diện hôn thê, rồi bao giờ giấy tờ xong xuôi, tuỳ hai em, muốn làm lễ cưới bên này rồi đi, hoặc cứ sang bên đó rồi làm đám cưới sau cũng được. Nhưng có cái lễ hỏi, chụp hình chụp ảnh cho Tuấn mang qua Mỹ cũng dễ dàng làm giấy tờ bảo lãnh hơn. Bác Trinh Nghĩ sao"

- Tôi thì không biết gì về ba cái vụ giấy tờ cả. Có điều nếu anh thương em nó, và muốn tiến tới thì cứ thế mà làm cũng được.

- Mẹ à... Chúng con chỉ mới quen biết nhau vài tuần, con xin mẹ cứ để chúng con từ từ tìm hiểu nhau đã, nếu hợp rồi lo giấy tờ...

Nghe Liên trả lời mẹ, Tuấn sợ chị mình trả lời không ăn khớp, vì cũng như bác Trinh, chị Thu đâu có biết gì về thủ tục bảo lãnh, những gì chị ấy nói ra chẳng qua là do Tuấn dặn trước.

- Liên nói rất đúng, nhưng anh nghĩ nếu mình chờ tới lúc đó mới bắt đầu làm giấy tờ, lại phải chờ thêm một vài năm nữa. Nếu như Liên không chê anh, chúng ta cứ xin phép cha mẹ làm một bữa cơm gia đình cho đúng thủ tục, rồi mình lên xã đăng ký để anh về Mỹ xúc tiến ngay việc bảo lãnh, càng sớm càng tốt. Nếu như sau này Liên cảm thấy không hợp với anh, Liên vẫn có thể từ chối không đi; chúng mình cũng chưa bị ràng buộc gì trong phép đạo, mà hôn thú đời cũng chưa xong, anh nghĩ cũng đơn giản thôi. Tuy nhiên, anh thật lòng thương em, và hy vọng với thời gian Liên sẽ hiểu anh hơn, và chúng ta có thể tiến tới.

Bác Trinh cũng nói thêm vào:

- Anh Tuấn đã nói thế, mẹ nghĩ cũng tốt đó con ạ. Mình làm một bữa cơm gia đình để hai bên ra mắt anh em bà con họ hàng, rồi chúng con cứ đăng ký giấy tờ, bao giờ giấy tờ bảo lãnh xong xuôi rồi ta tính chuyện cưới xin sau cũng chẳng sao.

- Mẹ nói thế thì con biết trả lời sao nữa! Con chỉ sợ... nhỡ rồi chúng con không hợp nhau, lại mang tiếng với họ hàng!

- Tiếng tăm chi con. Thời bây giờ người ta lấy Việt Kiều hà rầm đó. Ai cũng lo giấy tờ bảo lãnh trước rồi mới lên cha, lo gì... Ý anh Tuấn muốn tổ chức một bữa cơm ra mắt thì mẹ cũng ưng, nhưng nếu con ngại thì chúng con cứ âm thầm lên xã đăng ký làm giấy tờ. Khi nào chắc ăn, có giấy tờ đi Mỹ rồi ta tổ chức đám hỏi, đám cưới một lần cũng được.

Chị Thu vội vàng nói thêm vào:

- Gia đình em muốn thưa với hai bác cho em Tuấn đi cái lễ hỏi nho nhỏ để cho “danh chính ngôn thuận”, nhưng mọi sự tuỳ thuộc hai bác và em Liên cả.

- Vậy để tôi bàn lại với ông nhà tôi và anh chị con Liên, rồi vài ngày nữa ta tính nhé.

- Vâng, bác định sao chúng em xin theo... Nhưng nhà em cũng xin phép bác cho em Tuấn đưa Liên đi sắm ít “lễ vật đính hôn” cho đầy đủ kẻo lại mang tiếng với làng nước là Việt Kiều đi hỏi vợ mà không thấy có lễ vật gì cả.

- Cô thư thả cho vài hôm... Có chi ta cứ để tuỳ hai đứa.

* * * * *

Trong lúc cả nhà xôn xao bàn tán về việc “lấy chồng Việt Kiều”, thì Liên xin phép cha mẹ đi Thành Phố một hôm để bàn với người chị theo chồng về buôn bán ở chợ Tân Định. Nghe Liên xin phép, mẹ nàng mừng lắm, vì chính Trang, cô chị của Liên đã có lần nói với bà “con Liên nhà mình xinh lắm, để con tìm xem có anh Việt Kiều nào đường được con giới thiệu cho nó. Cỡ như nó lấy chồng bên này làm chi cho uổng.” Liên xin phép cha mẹ lên thành phố không phải để hỏi ý chị Trang, nhưng là để bàn bạc với Hùng. Nàng lên tìm người yêu để tính toán xem phải sắp xếp thế nào cho tình yêu hai người không đi vào ngõ cụt. Không biết hai đứa bàn tính với nhau ra sao mà hôm sau Liên cùng chị Trang trở về, và đồng ý nhờ chị dẫn đi sắm “lễ vật đính hôn” với Tuấn, nhưng không làm đám hỏi hay tiệc tùng gì hết, chỉ âm thầm lên xã đăng ký xin kết hôn với Việt Kiều. Lên xã xong phải ra Huyện, rồi lại lên Tỉnh... Tới khi Tuấn cầm được mảnh giấy “Đăng Ký Kết Hôn” chứ cũng chưa phải Hôn Thú thì chỉ còn một ngày nữa chàng phải về Mỹ.

Tuấn đã có ý định khi làm xong giấy tờ sẽ xin phép đưa Liên đi Nha Trang hay Đà Lạt chơi mấy hôm trước khi về Mỹ, nhưng bây giờ đã hết hy vọng. Tuấn đã không thực hiện được ý định “đen tối” là tìm cách gài bẫy cho Liên vào chuyện đã rồi cho ăn chắc, nhưng “hay không bằng hên”, cái số của Tuấn không được hên cho lắm! Người ta vẫn thường nói “đỏ tình thì đen bạc”, nhưng với Tuấn lúc này thì tình chưa được, mà bạc thì tốn kém cũng không ít vì phải chiêu đãi, quà cáp cho bao nhiêu người mới xin được tờ giấy “tạm”. Thôi thì tương lai còn dài, “cơm chưa nấu, gạo vẫn còn đó”, chẳng mất đi đâu mà sợ thiệt.

Mấy tháng sau Tuấn gởi giấy tờ về để Liên nộp đơn xin xuất cảnh. Lúc này nàng đã học xong trung học, và theo đề nghị của Tuấn, Liên lên thành phố ở với chị Trang để đi học thêm tiếng Anh chứ không cần thi vào đại học làm gì cho thêm mệt. Mặc dầu Liên lên thành phố ở với chị nhưng Tuấn vẫn chu cấp dư thừa... Nàng sắm thêm son phấn, quần áo đẹp, có máy vi tính nối mạng để liên lạc email với Tuấn, có xe Dream II để chiều chiều cùng người yêu ra ngoại ô hóng gió! Trong lúc Tuấn xúc tiến thủ tục bảo lãnh cho Liên theo diện Hôn Thê, thì Hùng và Liên cũng cậy nhờ người anh họ của Hùng là Hiệp, một luật sư bên Mỹ “nghiên cứu và hướng dẫn” tìm cách để Liên qua được Mỹ nhưng không phải làm vợ Tuấn, rồi từ từ bảo lãnh Hùng qua sau. (Một việc không ai ngờ là người luật sư Tuấn đến nhờ giúp đỡ làm giấy tờ bảo lãnh cho Liên cũng chính là Hiệp, người anh họ của Hùng). Đã có lúc Liên cảm thấy áy náy lương tâm, chỉ muốn nói thật với Tuấn để xé bỏ tờ giấy “Đăng Ký Kết Hôn”, nhưng Hùng lúc nào cũng có đủ lý do để thuyết phục nàng đi theo kế hoạch của chàng.

Liên đã đồng ý vì thời buổi này làm gì còn chuyện “một túp lều tranh với hai trái tim vàng!” Hùng mới ra trường với mảnh bằng kỹ sư cơ khí, nhưng ngày ngày vẫn phải chạy mánh buôn bán ở chợ trời vì không kiếm được việc làm. Và nếu như có tìm được việc làm, lương kỹ sư ở Việt Nam gom góp cả năm cũng không bằng số tiền Tuấn gởi về hàng tháng cho Liên tiêu dùng. Thôi thì “một liều, ba bảy cũng liều”, nàng đành nhắm mắt đưa chân... Cùng lắm, nếu kế hoạch không thành, nàng làm vợ Tuấn cũng không đến nỗi phải khổ vì người ta thường nói “lấy người yêu mình thì sung sướng hơn là lấy người mình yêu”. Bằng chứng là nàng không yêu Tuấn, nhưng nàng vẫn dung dăng dung dẻ, tiền bạc rủng rỉnh, chỉ ăn rồi bát phố vì Tuấn yêu nàng!

Trong lúc Liên cùng người yêu tận hưởng những ngày “hạnh phúc bên nhau” thì Tuấn phải kiếm việc làm thêm hai ngày cuối tuần ở nhà hàng để phụ vào đồng lương khiêm tốn của một công nhân lắp ráp dữ kiện điện tử. Những ngày mới chân ướt chân ráo qua Mỹ, Tuấn cũng cố gắng theo bạn bè đi học Đại Học Cộng Đồng, nhưng vì mất căn bản từ lâu, và những nhu cầu cấp bách phải giúp đỡ gia đình còn ở Việt Nam, chàng đã nghỉ ngang để đi làm. Tuy nhiên, nhờ tính siêng năng cần mẫn, sau 10 năm miệt mài với công việc “lắp ráp”, Tuấn đã “sống lâu lên lão làng” nên tương đối cuộc sống đã ổn định, và cũng dành dụm mua được một căn chung cư hai phòng ngủ, chờ ngày gặp “ý trung nhân” để xây tổ ấm. Chuyến về Việt Nam năm ngoái Tuấn đã tiêu sạch bao nhiêu vốn liếng để dành của chàng. Từ ngày trở lại Mỹ, vì hàng tháng phải gởi cho Liên một ngàn, rồi tiền lo giấy tờ luật sư nên tài chánh của Tuấn càng ngày càng chật vật. Thôi thì chịu khó “cày” thêm một “job” (công việc) ở nhà hàng Tàu vào cuối tuần để kiếm thêm, coi như bù vào số tiền giúp Liên ăn học, chuẩn bị lo cho tương lai... Nhưng rồi chàng lại phải "refinance" (tái tài trợ) căn chung cư để lấy ra mấy chục ngàn gởi về cho Liên xây nhà mới “báo hiếu cha mẹ trước khi theo chồng về xứ lạ.”

*

Khi nhận được giấy báo từ văn phòng luật sư Hiệp cho biết Liên đã có "visa" (giấy nhập cảnh) vào Mỹ, chỉ cần nộp tiền lệ phí giấy tờ và mua vé máy bay, chuẩn bị ngày đoàn tụ, Tuấn đã nghỉ việc mấy ngày dọn dẹp lại căn chung cư, mua giường mới, chăn nệm mới... chuẩn bị đón "vợ". Sau khi suy đi tính lại, Tuấn quyết định mua một chiếc xe Toyota Camry đời mới làm quà cho Liên vì chàng có thể dùng số tiền hàng tháng vẫn gởi về cho nàng để trả tiền xe. Mua xe mới cho Liên chàng chỉ phải trả mỗi tháng 500 Dollars, vẫn còn thoải mái hơn số tiền một ngàn hằng tháng chàng vẫn gởi cho Liên suốt cả năm nay, đó là chưa kể những khoản "đột xuất" như tiền lo giấy tờ, tiền đưa mẹ đi bác sĩ...

Để chia sẻ niềm vui "đoàn tụ với người vợ trẻ đẹp", Tuấn mời Hiệp cùng mang hoa hồng ra phi trường đón Liên. Có một điều Tuấn không ngờ là Liên và Hiệp đã từng liên lạc email và điện thoại với nhau nhiều lần trước đó qua sự giới thiệu của Hùng, người yêu của Liên và là em họ của Hiệp. Vừa trông thấy Liên bước ra trong bộ quần áo rất hợp thời trang, Tuấn vội vàng tiến đến, một tay trao hoa, một tay dang rộng để ôm Liên vào lòng, nhưng Liên đã đưa tay cản:

- Anh Tuấn đừng làm vậy, kỳ chết!

Tuấn hơi sững sờ trước phản ứng của Liên, nhưng tự an ủi rằng nàng mới từ Việt Nam qua, chắc còn e lệ... Tuấn quay lại, định giới thiệu vị "ân nhân" đã giúp chàng lo thủ tục bảo lãnh, nhưng Hiệp đã lên tiếng trước:

- Chúc mừng Liên đã tới được "vùng đất hứa". Tôi là luật sư Hiệp, Hùng khỏe chứ"

- Ồ, anh Hiệp. Liên đang lo không biết làm sao để liên lạc được với anh. Cám ơn anh đã ra phi trường đón Liên.

Trong lúc Hiệp chưa biết phải giải thích ra sao thì Tuấn đã lộ vẻ khó chịu:

- Hai người quen nhau trước rồi hả" Hùng là ai"

Không ai lên tiếng trả lời, mà biết trả lời làm sao bây giờ! Sau một phút do dự, Liên lên tiếng:

- Hùng là bạn em bên Việt Nam, và là em họ của anh Hiệp. Lúc nhận được giấy tờ của anh gởi về từ văn phòng của luật sư Hiệp, Hùng có giới thiệu em với anh Hiệp để nhờ giúp đỡ trong bước đầu còn bỡ ngỡ ở đất khách quê người.

- Em không phải sợ điều đó, anh sẽ lo cho em tất cả.

- Nhưng có người giúp đỡ vẫn hơn chứ anh, vả lại anh Tuấn là luật sư...

- Thôi được, mình đi lấy hành lý rồi anh đưa em về. Cám ơn anh Hiệp đã giúp đỡ trong thời gian qua.

Hiệp không ngờ Liên xinh đẹp và nhanh trí như thế. Chàng đánh trống lảng:

- Đó là bổn phận của văn phòng chúng tôi. Xin chúc mừng hai người. Tôi xin phép về trước nhé.

Liên còn muốn hỏi Hiệp nhiều điều nhưng không biết nói sao, đành lặng lẽ bắt tay và gật đầu từ giã. Nàng hơi bị giao động trước vẻ lịch thiệp và trí thức của Hiệp. Trước đây nàng so sánh Tuấn với Hùng, cả hai đều tương đương "bên tám lạng, bên nửa cân" nên nàng chỉ nhắm mắt đưa chân theo kế hoạch của Hùng vì nàng không hề yêu Tuấn. Chỉ một vài lần nói chuyện trong điện thoại và email qua lại với Hiệp, cũng không có gì đặc biệt, nhưng bây giờ, tuy mới gặp mặt lần đầu, nàng đã hoàn toàn bị động trước người anh họ "hào hoa phong nhã" của Hùng... Nàng chợt cảm thấy thương hại Tuấn, nên khẽ nắm tay chàng thỏ thẻ:

- Bây giờ sao anh Tuấn"

- Ờ... Chúng mình đi nhận hành lý rồi anh đưa em về. Anh nghỉ mấy ngày đưa em đi chơi cho biết đó biết đây.

Lúc hai người ra xe, Tuấn trao cho Liên một bao thơ dầy cộm:

- Chiếc xe này anh mới mua tuần trước để làm quà cho em. Giấy tờ đều đứng tên em, cả hồ sơ bảo lãnh và đơn xin "Thẻ Xanh"... đều nằm trong đó cả. Em cứ giữ lấy rồi từ từ anh sẽ hướng dẫn em làm quen với nếp sống bên đây.

- Anh Tuấn tốt với Liên quá.

- Đó là bổn phận của anh mà cưng.

Hai người đi ăn rồi về nhà. Tình hình có vẻ khả quan hơn... cho tới khi Tuấn đòi vào phòng ngủ chung giường thì Liên làm dữ. Ban đầu còn nhỏ nhẹ, nại lý do hai đứa chưa chính thức làm đám cưới, nhưng càng lúc càng gay go, Liên dọa sẽ gọi cảnh sát nếu Tuấn làm ẩu. Tuấn hơi ngạc nhiên không hiểu sao cô vợ mới từ Việt Nam sang lại rành luật lệ bên Mỹ quá, nhưng chàng đâu biết Liên đã được Hùng và luật sư Hiệp chỉ vẽ trước khi rời Việt Nam. Liên giận dữ đóng sập cửa phòng ngủ rồi khóa trái bên trong. Tuấn ấm ức lắm nhưng chỉ dám đứng ngoài chửi đổng nho nhỏ vì cũng đã khuya rồi, không dám làm phiền hàng xóm trong chung cư.

Phần vì giờ giấc thay đổi, phần vì không dự phòng trước phản ứng của Tuấn, Liên không dám ngủ. Nàng mở bao thơ của Tuấn đưa hồi chiều xem có gì trong đó. Tờ giấy đầu tiên đập vào mắt nàng chính là tập hồ sơ do văn phòng luật sư Hiệp đưa lại cho Tuấn, gồm tất cả giấy tờ bảo lãnh nàng, và ngay ở trang bìa có ghi đầy đủ số điện thoại của Hiệp, kể cả số nhà riêng và điện thoại di động. Như người sắp chết đuối nắm được miếng ván, Liên gọi ngay cho Hiệp:

- Hello.

- Dạ có phải luật sư Hiệp không ạ"

- Vâng, tôi đây. Xin hỏi ai đầu giây ạ"

- Em Liên đây anh.

- Ồ Liên, mọi sự tốt đẹp cả chứ" Tuấn đâu mà Liên gọi anh giờ này"

- Ông ấy đang làm dữ ngoài kia, đòi vào ngủ chung, em không chịu. Anh giúp Liên với.

- Anh đã nói hôm trước rồi, bí quá thì quay số 911.

- Nhưng em đâu biết nói gì với họ.

- Em không cần giải thích, cứ kêu "help" rồi đừng cúp máy, cảnh sát họ sẽ đến ngay. Bao giờ có cảnh sát tới cứ đưa số của anh cho họ liên lạc. Không sao...

Tuấn đang hậm hực bên ngoài, nghe tiếng nói chuyện rầm rì bên trong, đoán chắc Liên đang gọi điện thoại cho ai đó, chàng phá cửa rồi lầm lũi bước vào, quát tướng lên:

- Cô to gan lớn mật lắm. Tôi đã lầm nuôi ong tay áo.

- Anh Tuấn bình tĩnh lại đi, em có làm gì sai trái đâu! Chúng mình không thể ngủ chung vì không phải là vợ chồng.

- Tôi đã chẳng đem lễ đi hỏi cô là gì" Ai bảo lãnh cô sang đây"

- Anh Tuấn mà làm dữ Liên gọi cảnh sát.

- Tôi chấp cô đó.

Liên bấm vội số 911 như lời Hiệp dặn, chưa kịp nói "help" thì Tuấn đã giáng cho nàng một cái tát nẩy lửa. Liên khóc thét lên bên ống nghe điện thoại. Tuấn càng điên tiết thêm, tát cho nàng một cái nữa rồi hậm hực bứt giây điện thoại. Liên chỉ ngồi khóc trong khi Tuấn lôi hết cha mẹ, ông bà của Liên ra chửi rủa. Cực chẳng đã, Liên phải hét lên:

- Đồ hèn hạ, vũ phu, bần tiện...

Một cái tát ngang mặt làm Liên im bặt vì máu mũi chảy dàn dụa. Cũng lúc đó cảnh sát đập cửa bên ngoài với lời đe dọa "nếu không mở ngay, họ sẽ phá cửa vào". Cực chẳng đã, Tuấn phải ra mở cửa. Hai người cảnh sát bước vào, một người đứng giữ Tuấn, một người bước về phía phòng ngủ để quan sát hiện trường. Khi trông thấy Liên mặt ướt đầm nước mắt và máu mũi, anh ta ra lệnh cho người bạn đứng ngoài còng tay Tuấn lại, và quay sang hỏi Liên xem chuyện gì đã xảy ra. Liên vừa khóc vừa trao tờ giấy có số điện thoại của luật sư Hiệp cho người cảnh sát. Sau mấy phút nói chuyện với Hiệp, người cảnh sát trao điện thoại cho Liên và ra phòng khách làm việc với Tuấn.

Khi Hiệp đến nơi thì cảnh sát đã sẵn sàng để dẫn Tuấn về bót, và "nhờ" Hiệp chăm sóc cho Liên.

*

Tuấn chỉ bị giữ một đêm rồi được thả với cái hẹn tuần sau đi hầu tòa... Nhưng khi về tới chung cư thì Liên không còn, đồ đạc của nàng mang từ Việt Nam cũng đi theo, kể cả chiếc xe mới "cáo chỉ" cũng "cuốn theo chiều gió" mặc dù Liên chưa biết lái xe. Tuấn chỉ còn một mấu chốt duy nhất là luật sư Hiệp, người đã giúp chàng bảo lãnh Liên qua Mỹ, và cũng có mặt tại "hiện trường" đêm trước. Tuấn gọi điện thoại và để lại không biết bao nhiêu lời nhắn trong máy, nhưng mãi tới hôm phải ra tòa Hiệp mới gọi lại cho chàng.

- Tôi sẽ gặp anh Tuấn ở tòa. Liên sẽ cùng đi với tôi vì nàng vẫn tá túc đàng nhà tôi từ hôm anh bị cảnh sát...

- Thằng láu cá. Cả tuần nay sao mày không gọi lại cho tao" Mày làm gì con vợ tao rồi"

- Anh ăn nói lịch sự một chút nghe... Cô ta không phải là vợ anh. Anh hiếp đáp cô ta, việc đó sẽ có luật pháp lo, nhưng tôi sẽ dạy cho anh một bài học đích đáng nếu như anh còn ăn nói lỗ mãng với tôi.

Tuấn bực mình cúp máy cái rụp rồi chửi trời, chửi đất, chửi hết mọi người.

Tuấn chỉ ra tòa cho khỏi mang thêm tội trốn chạy chứ chứng cớ rành rành trong biên bản của cảnh sát, còn chối cãi vào đâu. Lúc thấy Hiệp đứng lên bênh vực Liên trước tòa, Tuấn giận lắm nhưng thua lý hoàn toàn. Khi nghe đọc phán quyết của tòa, Tuấn cũng dửng dưng vì với chàng giờ này cuộc đời chẳng còn gì quan trọng nữa: "Chiếc xe đứng tên Liên, của nàng. Tuấn giữ lại chiếc xe cũ. Từ nay không được tới gần cô Liên trong phạm vi 100 feet (khoảng 30 mét). Hàng tháng phải trợ cấp cho Liên đi học thêm tiếng Anh cũng như học nghề." Một phán quyết vô lý, nhưng Tuấn cũng chẳng buồn tranh cãi, cũng không cần phải viết đơn kháng cáo làm gì, chàng ký tên chấp nhận rồi uể oải ra xe.

Quá mệt mỏi và căm hận, Tuấn nằm gục xuống ghế xe mơ mơ màng màng... "Xe mới thuộc về nàng, nhưng nợ mua xe hàng tháng Tuấn vẫn phải trả. Căn chung cư là mồ hôi nước mắt của chàng từ bao nhiêu năm nay, bây giờ coi như thuộc về ngân hàng vì Tuấn đã rút hết tiền ra, gởi về cho Liên xây nhà báo hiếu cha mẹ trước ngày rời Việt Nam..." Vội vàng bảo lãnh một người không yêu mình sang đây làm vợ đã là một lỗi lầm to lớn, nhưng cho nàng mấy cái bạt tai trong lúc nóng giận còn tai hại hơn vạn lần!

Một giọng nói quen thuộc của Hiệp vọng tới từ một chiếc xe đậu gần đấy: "Tờ giấy đó chẳng có giá trị gì bên Mỹ này. Liên phải nhớ anh là luật sư, không việc gì em phải sợ cả. Chờ ít tháng lấy tiền trợ cấp của Tuấn cho em tiêu xài, nhận được Thẻ Xanh rồi chúng mình làm đám cưới... Liên muốn đi Âu Châu hay về Việt Nam hưởng tuần trăng mật""

Việc duy nhất mà Tuấn có thể làm lúc này là ngồi bật dậy, nổ máy xe phóng như lao vào đêm tối.

Nguyễn Duy-An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, rồi dựng ngiệp trên đất Mỹ. Sau đây là phần cuối khi gia đình tác giả di chuyển về Orlando đầu tư vào ngành địa ốc và sinh sống tại đây.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến