Hôm nay,  

Nhận Con Nuôi Tại Mỹ

06/11/200500:00:00(Xem: 139547)
- Người viết: Sapy Đi Đi

Bài số 863-1454-290-vb7110505

Tác giả tên thật: Nguyễn Đinh Thị Dĩ, 56 tuổi, hưu trí. Hiện cư ngụ tại Chula Vista, San Diego. Bài Viết Về Nước Mỹ trước đây của bà là “Mái Tóc Dài và Đôi Chân Trần” đề cập tới quan hệ giữa cha mẹ và con cái tại Hoa Kỳ. Loạt bài mới nhất lần này mang tên “Liên Khúc Bầu”, sau đây là “Khúc bầu 2: Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Tựa đề được đặt thêm theo nội dung bài viết.

*

Trong thời đại nạn dân số trên thế giới gia tăng đến mức báo động, cộng với sự đề cao việc hưởng thụ cuộc sống, ở các nước tiên tiến, cảnh con đàn cháu đống không còn nhiều như ngày xưa nữa. Số người có trên hai con, giờ đây có thể tạm xếp vào loại hiếm hoi. Riêng phần Nguyễn Thị Mỹ Thanh, cô em gái thứ Bảy của Hùng, có bầy con nheo nhóc lên đến sáu đứa, quả là một chuyện lạ ở xứ sở Cờ Hoa này. Có lần Mỹ Thanh tâm sự với Dung:

- Đông con quả là một hạnh phúc, nhưng con đông theo cái kiểu của em, nhiều người sầm xì, to nhỏ lắm chị Hai ơi!

Quả đúng như vậy, khó ai không trố mắt ngạc nhiên, khi nghe các con Mỹ Thanh líu lo gọi mẹ. Bởi màu da của chúng, chỉ thiếu mỗi màu đỏ nữa thôi, là có đủ đại diện cho mọi sắc màu. Đặc biệt hơn, là lúc chưa bước qua cái tuổi bốn mươi, Mỹ Thanh đã sống trong cảnh ba thế hệ, một mái nhà.

Mỹ Thanh sang Mỹ lúc còn trẻ lắm, khi nền tảng của nếp sống Việt chưa kịp thấm sâu vào tâm hồn. Có thể vì thế mà cuộc sống và cái nhìn bị pha trộn, nhưng cái chất Mỹ lại nhiều hơn chất Việt trong cung cách sống và lối suy tư.

Dung dự định đem vài câu chuyện gia đình Mỹ Thanh ra chia sẻ trong “Liên Khúc Bầu”. Vì thế, Dung cần giáp mặt Mỹ Thanh, để hỏi xem em có thuận tình không, đồng thời hỏi thêm chi tiết, hầu viết cho xác thực.

Ở trong gia đình, Mỹ Thanh là người có nhiều kinh nghiệm giải quyết chuyện bầu bì nhất. Vả lại, cũng gần cả năm rồi, bận rộn với con cái, công ăn việc làm, Mỹ Thanh ít xuống chơi với Dung.

Mỗi lần đến với Dung, Mỹ Thanh như được sống lại cái thời thơ ấu của mình. Nàng cảm thấy nhỏ bé trở lại, dù đã có “con đàn cháu đống”. Tuy ngoài miệng Mỹ Thanh gọi Dung bằng tiếng chị Hai, còn trong lòng, Thanh nghe như mình gọi mẹ. Bởi sự yêu thương, chăm sóc mà chị Hai dành cho nàng, không khác chi tình mẹ con. Thường khi gặp nhau, hai chị em nói hết chuyện này sang chuyện khác. Lần này Dung chỉ xoay quanh vấn đề nàng muốn biết:

- Chị đang định viết ít bài có liên quan đến chuyện bầu bì ngoài ý muốn của giới thanh thiếu niên sống ở Mỹ. Em có thể kể cho chị nghe chuyện bầy con của em được không"

- Chị muốn em kể từ đứa nào"

- Hai đứa con gái đầu Việt Nam da vàng mũi tẹt thì chị biết quá rõ rồi. Vậy em kể từ đứa thứ ba cho chị nghe.

Mỹ Thanh mỉm cười, giải thích:

- Thằng thứ ba và thứ tư tuy cách nhau 18 tháng, nhưng em xem tụi nó như một cặp song sinh, không thể tách rời ra được... Em cố nhớ và nghĩ xem nên bắt đầu kể từ lúc nào, để chị Hai hiểu rõ câu chuyện.

*

Khi mọi người tưng bừng chào đón cái mốc thời gian khởi đầu của thiên niên kỷ thứ Ba, riêng phần Mỹ Thanh, còn chào đón thêm cuộc sống êm ả vừa trở lại với ba mẹ con nàng. Cuộc tình đầy nước mắt giữa nàng với Hiến, người chồng trước đã thực sự đi vào dĩ vãng. Mỹ Thanh bước thêm bước nữa và tìm được hạnh phúc thực sự bên Rick, một người Mỹ da trắng, có cùng niềm tin tôn giáo với nàng. Anh Thư, đứa con gái lớn của Mỹ Thanh giờ vừa tròn 11 tuổi, còn Yvonne cũng đã lên 9. Cả hai đều biết tự chăm sóc cho mình và phụ giúp mẹ lo mọi việc trong ngoài. Chỉ có Rick là làm cho nàng hơi bận tâm. Rick hay lôi chuyện sinh con ra hối thúc. Mỹ Thanh chưa biết định liệu thế nào, thì bên gia đình Rick gặp rắc rối về vấn đề con cháu.

Ngày ấy, Kay, đứa cháu gái gọi Rick bằng cậu, bỗng nhiên bỏ trường, bỏ lớp, trốn gia đình đi hoang. Kay sa vào vòng rượu chè, chơi bời, nghiện hút. Hậu quả của nếp sống bạt mạng này, ngoài việc vùi chôn cuộc đời xuống bùn nhơ, còn khiến Kay mang thai tất cả hai lần khi còn ở tuổi vị thành niên. May mắn cho hai đứa trẻ, vì Kay chưa hề nghĩ đến việc phá thai. Tuy phá thai là việc hợp pháp, nhưng Kay xem đó là một hành động giết người, tội lỗi. Hai lần sinh nở, mang đến cho Kay hai đứa bé trai kháu khỉnh. Joseph và Ryan, cách nhau đúng 18 tháng tuổi.

Một hôm Ryan lâm trọng bệnh phải đưa vào nhà thương. Vị bác sĩ khám cho Ryan phát hiện, đứa bé bị nhiều thương tích trên đầu. Ông liền trình ngay sự việc cho sở cảnh sát địa phương. Sau một cuộc điều tra chớp nhoáng, nhân viên công lực xác nhận, mấy vết thương trên đầu Ryan là do Kay gây ra. Cảnh sát liền xin tòa án tạm tước quyền làm mẹ của Kay với lý do hành hạ con cái (child abuse). Joseph và Ryan được giao cho sở an sinh xã hội, để nơi đây lo thủ tục tìm người nuôi chúng. Nhân viên xã hội liên lạc được với Robert, bố hai đứa nhỏ, lúc đó không còn sống chung với Kay.

Robert nhận đem con về, nhưng khổ nỗi, cậu ta còn quá trẻ, không đủ kiên nhẫn làm gà trống nuôi con. Chăm sóc Joseph và Ryan chỉ được vài hôm, Robert mang con bỏ bên nhà ông bà nội. Bố mẹ Robert cũng chẳng lo lắng gì được cho hai đứa cháu nội mình. Robert gọi cầu cứu mẹ Kay, chị ruột của Rick. Bà ngoại đem cháu về nuôi được gần sáu tháng, rồi bà cũng không kham nổi. Bà đi hỏi tất cả con cháu xa gần. Ai cũng có lý do để từ chối.

Đến bước đường cùng, bà nghĩ, chỉ còn cách giao các cháu cho sở an sinh xã hội, để nơi này tìm kiếm cha mẹ nuôi cho chúng. Chẳng hiểu động lực nào thúc đẩy, trước khi điện thoại đến sở xã hội, bà sang báo tin ấy cho mẹ mình biết. Nghe con gái tỏ bày xong, người mẹ già nua, yếu đuối liền khuyên con đến hỏi vợ chồng Rick.

*

Mỹ Thanh cùng chồng ngồi lắng nghe chị kể chuyện cháu ngoại xong. Rick phân vân hỏi vợ:

- Hay là mình đem hai đứa về nuôi, em khỏi cần sinh nở, lại giúp được chị. Em nghĩ sao"

Mỹ Thanh nhìn chồng đắn đo:

- Nuôi thì được, nhưng nuôi hai đứa cùng một lúc, biết mình có kham nổi không"

Mỹ Thanh thấy cần có thêm thời gian suy nghĩ, nàng từ tốn bảo chị:

- Chị thư thả cho tụi em vài hôm, rồi em sẽ trả lời chị sau.

Nhìn dáng vẻ bơ phờ của bà chị chồng, Mỹ Thanh biết mình không có nhiều thời gian suy tính. Nghĩ đến hoàn cảnh các cháu, nàng rất thương. Kinh nghiệm của một người mẹ từng nuôi con, cho nàng hiểu rằng, nhận nuôi một lượt hai đứa bé trai còn mang tã, không phải là chuyện dễ. Thấy vợ ngồi trầm ngâm, mặt mày ủ dột, Rick liền đến bên năn nỉ:

- Anh hứa sẽ chia sẻ mọi chuyện nuôi dạy các cháu với em. Giờ Anh Thư và Yvonne cũng có thể tiếp tay với mình. Hay gọi luôn cả hai con vào đây, hỏi xem chúng nghĩ gì về việc này.

Mỹ Thanh dọ ý chồng:

- Không cần hỏi ý các con đâu anh ạ. Em chỉ sợ nuôi hai đứa một lượt, lo không xuể. Hay anh thử hỏi bạn bè xem, có ai muốn nhận con nuôi, mình chia bớt cho họ một đứa.

Rick đem lời vợ gợi ý ra hỏi mẹ. Bà chép miệng:

- Các cháu đã khổ vì sống xa cha, xa mẹ, giờ anh em lại phải phân ly. Mẹ thấy tội cho chúng quá!

Nghe Rick thuật lại lời mẹ thở than. Mỹ Thanh hiểu, nếu nhận nuôi, nàng phải nhận cả hai. Qua giọng nói chân tình, Mỹ Thanh chia sẻ với Dung vài lý do khiến nàng đón hai đứa cháu chồng về nhà:

- Ngoài niềm tin vào tôn giáo và muốn làm vui lòng chồng ra. Chị Hai cũng dự phần vào việc quyết định này nữa đó.

Dung ngạc nhiên:

- Tại sao em nói là tại chị" Chị có hay biết gì về việc này đâu"

- Trong lúc em còn đang phân vân, thì hình ảnh những năm tháng sống với chị Hai ở Bạc Liêu hiện lên trong đầu.

Dung chọc ghẹo em:

- Vậy những lúc em cực khổ vì con, em có trách chị Hai không"

*

Thế là gia đình Mỹ Thanh có thêm Ryan vừa tròn 9 tháng, còn Joseph mới hơn 2 tuổi đầu. Dung không nghe Mỹ Thanh nhắc gì đến sự vất vả, cực nhọc của một người mẹ, vừa phải đi làm, vừa lo cơm nước trong nhà, vừa bận chăm sóc con thơ, nhưng Dung hiểu tất cả. Hình ảnh Mỹ Thanh gầy trơ xương, tay xách, nách mang các con về chung vui cùng gia đình trong mấy ngày Tết, đã khiến Dung hơn một lần cảm thấy xót xa. Dung buồn cho hình hài em, nhưng vui vì em biết nghĩ đến người khác.

Còn phần Anh Thư và Yvonne, sau mấy ngày đầu hân hoan đón các cháu vào nhà, hai đứa vẫn chưa quen với nếp sống thường ngày bị đảo lộn. Yvonne là út, luôn được mẹ nâng niu, nuông chiều, nay tình yêu thương ấy bị mẹ đem san sẻ hết cho hai em. Sự mất mát đã được Yvonne ghi lại trong mấy trang nhật ký, mà Mỹ Thanh có lần tình cờ đọc được:

“Đời mình đến đây coi như đã tàn rồi. Mẹ không còn thương mình nữa. Mẹ dành hết thì giờ cho hai đứa em. Mình lại còn phải phụ mẹ làm việc nhà, thay tã lót cho chúng. Tụi nó phá phách quá chừng, giành giựt hết đồ chơi của mình. Trong nhà không còn một chỗ nào yên ổn, thời giờ để chơi, để học mình cũng mất luôn.”

Đọc mấy lời con trẻ viết ra, Mỹ Thanh càng thương con hơn, nàng nương theo đó để dạy con, biết tìm nguồn vui qua sự san sẻ cho người khác.

Riêng phần Anh Thư, lúc mới đón hai em về, còn tìm cách né tránh công việc. Dần dần nhận ra mẹ quá bận rộn với hai em, Anh Thư đến phụ giúp mẹ. Vì thương mẹ, đã kéo Anh Thư tới gần Joseph và Ryan. Rồi tình thương hai em đến trong lòng lúc nào Anh Thư cũng không hay.

Dung biết đồng lương của Rick và Mỹ Thanh chẳng được là bao. Nàng hỏi em:

- Làm sao hai em có đủ tiền lo cho các con" Chính phủ có trợ giúp gì trong việc nuôi hai đứa nhỏ không"

- Dạ có chứ chị Hai. Chương trình cha mẹ nuôi thuộc sở an sinh xã hội (Foster care) cấp cho tụi em cả thảy được khoảng 600 đồng một tháng. Năm đầu, tiền này chỉ đủ trả cho người giữ chúng (baby-sitter) trong giờ em và Rick bận đi làm. Sau này, chính phủ giúp trả phân nửa chi phí nhà trẻ. Tụi em mới đỡ túng thiếu.

Mỹ Thanh ngừng kể chuyện hai con, hỏi Dung:

- Chị Hai có biết khó khăn nhất trong việc nhận nuôi hai đứa nhỏ là gì không"

- Thì thức khuya, dậy sớm, chuyện tã lót, sữa sùng...

Mỹ Thanh nhìn Dung lắc đầu cười:

- Không phải vậy đâu chị Hai, khó khăn nhất là việc đương đầu với nhân viên an sinh xã hội và Kay, mẹ của hai đứa bé.

*

Công việc của nhân viên xã hội là bảo vệ tối đa quyền lợi của đứa trẻ. Vì thế, trong vòng sáu tháng kể từ ngày em đem chúng về nhà, nếu Kay biết ăn năn, hối cải, chứng tỏ được tình thương đối với hai con, Kay sẽ được nhận lại con. Mỹ Thanh nhận xét: Công việc làm của nhân viên xã hội hết sức khó khăn. Hàng ngày phải đong đưa giữa hai đối nghịch, một bên là cái trơ cứng của luật pháp, một phía là cái uyển chuyển của tình cảm. Thật khó cho người có trách nhiệm làm vừa lòng cả đôi bên. Mặc dù Mỹ Thanh đã cố gắng tìm hiểu để cảm thông, hầu dễ dàng tiếp xúc với các giới hữu trách trong việc nhận nuôi Joseph và Ryan, nhưng không tránh khỏi bực mình, đôi khi còn lớn tiếng tranh cãi.

Mỹ Thanh cư ngụ tại tại thành phố Escondido (California). Cách Bakersfield (California) nơi Kay ở trên 220 dặm đường, nếu tự lái xe đi, về mất gần 8 tiếng. Để giúp Kay lấy lại quyền nuôi dạy Joseph và Ryan, nhân viên xã hội ấn định cho Kay được thăm con hai tuần một lần, mỗi lần gặp nhau đúng ba giờ đồng hồ. Để bảo vệ an toàn cho hai đứa trẻ và cả gia đình Mỹ Thanh nữa. Nhân viên xã hội khuyên, không nên cho Kay đến nhà. Bởi chính họ cũng chưa nắm vững được sự thay đổi nơi con người Kay.

Mỹ Thanh đã chọn công viên giải trí Chuck & Cheese cách nhà nàng không xa, luôn tiện cho các con có dịp vui chơi cuối tuần cùng với mẹ ruột chúng. Nhân viên chính phủ còn đòi hỏi, trong suốt thời gian Joseph và Ryan ở bên Kay, Mỹ Thanh phải quan sát từ đằng xa, trước là phòng hờ bất trắc, sau theo dõi hành động của cả ba người. Rồi còn phải viết một bản nhận xét về tình cảm của ba mẹ con, để trình báo cho cơ quan xã hội.

Sau lần đầu thăm viếng, Kay báo cho sở xã hội biết về sự khó khăn trong việc đi từ Bakersfield xuống Escondido, vì nàng không có xe riêng. Nhân viên xã hội liền đề nghị với Mỹ Thanh:

- Chúng tôi yêu cầu bà, chở Joseph và Ryan lên Bakersfield cho Kay thăm con được không"

Mỹ Thanh suy nghĩ thật nhiều. Công việc làm hàng ngày, cộng với việc tề gia nội trợ, chăm sóc hai đứa trẻ “song sinh”, khiến nàng không kịp ăn, kịp thở. Nay nếu nhận thêm việc đưa đón, nghĩa là hàng tháng mất hơn hai ngày thứ Bảy, mỗi ngày đi, về, chờ đợi cả 12 giờ đồng hồ, thì làm sao nàng có thể kham nổi" Khi Mỹ Thanh gọi báo cho họ biết, nàng từ chối làm công việc đưa đón này. Nhân viên xã hội nói như hăm dọa:

- Tôi khuyên bà nên suy nghĩ lại, nếu bà không làm theo đúng những gì chúng tôi yêu cầu, rất có thể chúng tôi phải mang hai đứa nhỏ đi nơi khác.

Lời nói ấy khiến Mỹ Thanh lo sợ, nàng xin thêm thời gian suy nghĩ, cùng bàn bạc với chồng con.

“Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Câu ca dao mà Mỹ Thanh vẫn còn nhớ trong đầu. Qua kinh nghiệm sống lần này, Mỹ Thanh muốn thêm vào một chữ nuôi ở cuối câu, để làm một lời ca dao riêng cho mình và cho các bậc nuôi con không do mình đẻ ra: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ nuôi”.

Sau mấy tháng chăm sóc Joseph và Ryan, Mỹ Thanh nhận thấy, cái tình của nàng và Rick đối hai đứa con nuôi, không khác gì tình ruột thịt. Nếu người ta mang chúng ra khỏi nhà, chẳng khác gì họ cắt đi một lượt hai khúc ruột của từng người trong căn nhà nàng. Bàn tới bàn lui, chẳng một ai biết làm gì khác hơn là cùng nhau dâng lời cầu nguyện. Nàng xem quyết định lần này giống như đánh một ván bài đánh với nhân viên xã hội. Mấy hôm sau, trước lúc cầm điện thoại lên, Mỹ Thanh cố giữ cho giọng thật bình tĩnh, còn trong thâm tâm nàng hết sức lo âu, hồi hộp:

- Nếu cô muốn mang hai đứa trẻ đi, mời cô lại nhà mang chúng đi ngay bây giờ. Gia đình tôi không muốn nuôi nữa. Cô có biết là sự đòi hỏi phi lý của cô đã làm tổn thương đến mọi người trong gia đình tôi hay không"

Nghe Mỹ Thanh nói mạnh, nhân viên xã hội liền xuống nước:

- Tôi xin bà thứ lỗi, bà cho tôi bàn việc này lại với mẹ các cháu. Vì trong thời gian này, theo luật định, Kay vẫn có quyền quyết định một số việc có liên quan đến các con mình.

Gác máy điện thoại, Mỹ Thanh phân tích ngay sự việc vừa diễn ra. Quan sát những lần đến thăm con, Mỹ Thanh nhận thấy, ngoài cuộc sống buông thả ra, Kay vẫn còn nguyên bản chất của một người mẹ. Mỹ Thanh tin là Kay hiểu, nếu giao con cho người khác nuôi, sẽ làm xáo trộn cuộc sống của mấy đứa nhỏ và cũng khó có thể tìm được một nơi ở tốt đẹp hơn cho chúng. Cho nên, mặc dù đòi hỏi của Kay không được đáp ứng, nhưng Mỹ Thanh tin, Kay không đến nỗi điên rồ quyết định thay đổi cuộc sống đang an lành của các con mình.

Đúng như những gì Mỹ Thanh dự đoán, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Việc di chuyển bằng xe bus giữa Bakersfield và Escondido thật ra cũng chẳng mấy khó khăn gì, chỉ phải mất thêm vài giờ so với việc tự lái xe đi. Rất có thể vì sự sa đọa của thể xác, nên sau hai lần đến thăm con, Kay không còn đủ kiên nhẫn làm đúng theo luật lệ đòi hỏi.

Ba tháng sau, tòa án tước quyền thăm viếng con của Kay. Thêm ba tháng nữa, tòa án tuyên bố, Rick và Mỹ Thanh được làm cha mẹ chính thức của Joseph và Ryan. Mỹ Thanh rươm rướm nước mắt kể lại cho Dung nghe cái giây phút hồi hộp, trọng đại ấy:

- Chị Hai biết không. Hôm đó cả nhà em kéo nhau lên Bakersfield. Em lo sợ Anh Thư và Yvonne không chịu nổi căng thẳng, nên để chúng ở lại khách sạn, chỉ có em và Rick ôm hai đứa nhỏ ra hầu tòa. Khi quan tòa tuyên bố Joseph và Ryan thuộc về vợ chồng em. Em như một người điên, bồng Ryan chạy như bay ra khỏi tòa án, mở điện thoại tay lên báo ngay cho Anh Thư và Yvonne biết. Anh Thư bảo em: “Con và Yvonne cầu nguyện suốt trong thời gian bố mẹ và hai em ở tòa”.

Trong nỗi vui tột cùng, Mỹ Thanh vẫn nhận ra vài nỗi buồn lấn cấn trong ấy. Một số bà con liên hệ gần với Kay hơn vợ chồng nàng, nhìn Mỹ Thanh và Rick với cặp mắt là hai kẻ cướp con của Kay, trong khi chẳng có một ai trong số họ muốn nhận nuôi con cháu mình.

Vợ chồng Mỹ Thanh còn phải ra hầu tòa đôi ba lần nữa, bởi sau đó Kay làm đơn khiếu nại về phán quyết của tòa. Sinh con chỉ mang chín tháng mười ngày. Để có được Joseph và Ryan, Mỹ Thanh phải phải mất gần ba năm trường mới hoàn tất mọi thủ tục, hồ sơ. Ba năm với biết bao cam go, sóng gió. Mỹ Thanh nghiệm ra rằng, nếu nàng không được chồng con giúp sức hết lòng, thì chắc chắn nàng không thể nào đứng vững được cho đến ngày hôm nay.

Giờ đây họ hàng đã hiểu được tâm tình của mọi người trong gia đình nàng dành cho hai đứa trẻ. Cái nhìn hận thù, gay gắt trước đây đã tan biến. Nàng nguyện với lòng, mai kia nếu Kay và Robert, trở lại sống đời bình thường, nàng sẽ không ngăn trở việc đến thăm viếng Joseph và Ryan.

. . .

Nghe chuyện “song sinh” của Mỹ Thanh xong, Dung bảo em:

- Em nói với chị Hai: hình ảnh năm tháng sống dưới Bạc Liêu với chị hiện lên trong đầu, lúc em quyết định nhận nuôi Joseph và Ryan. Lời em chia sẻ làm cho chị cảm động và thật ấm lòng. Em đã làm hơn xa những gì chị kỳ vọng. Em và mọi người trong gia đình em, đã thực hành một cách hết sức tốt đẹp lời cổ nhân dạy: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

SAPY ĐI ĐI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết thứ ba của bà được viết nhân khai trường, để Kính tặng các Thầy Cô cuả Trường SPSG; - Thân tặng các Anh Chị cựu Giáo-sinh SPSG; Và riêng tặng các bạn SPSG/ nhất 9 nhị 15/ K.12/73-75.
Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, đã nhận giải danh dự năm (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Tác giả về hưu từ lâu và đang định cư tại Orange County. Bài viết mới, thể hiện tâm tư và cách nhìn chủ quan của “một kẻ lưu vong bất đắc dĩ,” nói theo tác giả, và không có ý định tạo mâu thuẫn, tranh cãi với những người không cùng quan điểm.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình My, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tiếp tục viết bằng tiếng Việt và đây là bài thứ hai.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến