Hôm nay,  

Chú Bé Người Venezuela

30/10/200500:00:00(Xem: 145031)
- Người viết: HOÀI YÊN
Bài số 859-1449-285-vb7102905
*
Tác giả là cư dân Texas, nghề nghiệp kỹ sư điện. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là tự truyện của một nữ chuyên gia gốc Việt trong ê kíp xây một nhà máy lọc dầu tại Venezuela... Bài viết không chỉ là chuyện đường xa xứ lạ mà còn cho thấy cách nhìn đặc biệt và tấm lòng người viết. Mong sẽ có thêm những bài mới của bà.
*
Tôi giơ tay bật lớn nút điều chỉnh âm thanh cái radio trong xe khi tiếng người xướng ngôn viên bắt đầu nói đến tình hình chính trị tại Venezuela. Hơn tháng nay tình hình vẫn không khá hơn tý nào. Những nhà máy sản xuất xăng dầu vẫn còn đình công làm cho giá xăng ở Mỹ cứ tiếp tục tăng vùn vụt. Tổng thống Hugo Chavez nhất định không chịu từ chức mặc cho những phản đối gay gắt của dân chúng...
Thường thì tôi rất làm biếng theo dõi tin tức, nhất là tin tức quốc tế thì lại càng không coi. Việc xảy ra chung quanh mình còn chưa lo xong thì hơi đâu mà để ý đến những chuyện xảy ra ở tận đâu đâu. Nhưng tin tức về cái nước Nam Mỹ nhiều dầu hoả đó thì tôi lại để ý rất kỹ...
Năm 1994 tôi được hãng gởi qua Maracaibo, một thành phố lớn thứ nhì của Venezuela, chỉ sau thủ đô Caracas. Lần đầu tiên đi công tác lại đến một đất nước không cùng tiếng nói, tôi sợ ghê lắm, cứ nằn nì ông boss cho tôi được ở nhà dùng điện thoại để điện đàm với mấy người kỹ sư bên đó. Nhưng ông boss tôi nhất định không cho, vì cả project chỉ mình tôi biết sử dụng cái program tính toán mua vật liệu cho cả công trình xây cất hơn cả tỷ mỹ kim.
Đúng là "gậy ông đập lưng ông" tôi cứ sợ người khác biết làm thì mình không giữ được việc nên cứ khư khư ôm hết vô lòng, cuối cùng thì phải khăn gói lên đường.
Bước chân xuống phi trường cái nóng của miền nhiệt đới tạt vào mặt làm tôi nhớ ray rứt đến cái nóng của Việt Nam, và ngay lúc đó tôi đã có cảm tình đặc biệt với thành phố ven hồ này.
Phi trường La Chinita còn nhỏ hơn cả phi trường Tân Sơn Nhất. Vừa bước ra khỏi cổng phi trường là một hàng rào kẽm gai ngăn những người đi đón và hành khách từ phi cơ bước xuống. Lại những hàng rào kẽm gai quen thuộc đầy dẫy ở quê hương tôi.
Juan, người tài xế kiêm thông dịch viên của hãng chở tôi xuyên qua những con đường chật hẹp từ phi trường về đến thành phố. Ngồi trên xe tôi đã xúc động khi nhìn những ngôi nhà tôn xập xệ hai bên đường giống y như những ngôi nhà dọc theo xa lộ Biên Hoà.
Juan từ tốn kể cho tôi nghe về cuộc sống ở quê hương ông:
- Thành phố Maracaibo là thành phố rất giàu về tài nguyên, là thành phố nhiều dầu nhất của nước tôi. Giàu đến nỗi người ta vẫn ví von đường phố có thể trải bằng vàng. Nhưng đây cũng là thành phố có nhiều người nghèo nhất Venezuela. Cô sẽ thấy những ngôi biệt thự tráng lệ và những đứa trẻ ăn mày rách rưới trên cùng một con đường…
Khách sạn tôi ở là một trong những khách sạn lớn và sang trọng nhất Maracaibo, chuyên dành cho khách nước ngoài. Đàng sau lưng khách sạn là hồ Maracaibo. Hàng ngày những ông xếp lớn của những hãng xăng dầu hách dịch trong những bộ đồ suits đắt tiền đi ra đi vô nườm nượp.
Điều làm tôi ngạc nhiên không ít là những nhân viên an ninh của khách sạn cứ đi tới đi lui trong lobby của khách sạn rất thường xuyên. Thỉnh thoảng lại có người nhìn tôi chằm chặp rất khó chịu. Tiếng Tây ban nha của tôi không đủ để tôi vặn vẹo họ, mãi đến một hôm tôi vừa từ phòng xuống lobby để đi ăn tối với mấy người cùng hãng thì thấy họ đang cùng nhau chỉ chỏ về một góc bar rượu. Tôi nhìn về hướng đó thì thấy một cô gái còn rất trẻ và đẹp, mặc đồ suit nhìn rất đứng đắn đứng nói chuyện với ông Steve. Tôi thấy ông lắc đầu quầy quậy một hồi thì cô gái bỏ đi. Tôi chưa kịp lên tiếng hỏi thì ông đã đến phía chúng tôi:
- Wow, cô đó "chào hàng" với tôi đó.
Tôi ngây thơ:
- Cô ta bán cái gì vậy ông"
Những người đàn ông đứng quanh nhìn tôi cười phá lên, một người nói :
- Cô chưa đủ tuổi để biết.
Nghe đến đó thì tôi đã hiểu và đỏ mặt quay đi. Hãng tôi làm phần đông là đàn ông và trong chuyến công tác này thì cũng không ngoại lệ, tôi là đứa con gái duy nhất. Paul, người mà tôi rất thân và coi như cha chú vì ông đã lớn tuổi và rất thương tôi, ông tự coi mình như người đỡ đầu cho tôi từ những ngày đầu khi tôi mới ra trường. Ông nhìn tôi giảng giải:
- Ở đây ngành mãi dâm không bị cấm. Cô gái mà cô vừa thấy nói chuyện với Steve là một trong những cô gái hành nghề đó. Thường thì họ không lọt vô được những khách sạn sang trọng như vầy bởi vì nhân viên an ninh ở đây rất gắt gao, thấy đàn bà đi một mình là họ tới hỏi ngaỵ. Có lẽ tại cô ta mặc đồ giống như đi họp nên vô được đây.
Tôi buột miệng :
- Hèn chi tôi thấy mấy người nhân viên an ninh cứ nhìn tôi chằm chằm.
- Cô đừng lấy đó làm khó chịu , cô cũng biết đó, lối sống của người Nam Mỹ cũng không khác người Á đông là bao nhiêu đâu. Trọng Nam khinh Nữ, đàn bà ít có người học những ngành như cô. Họ ít thấy đàn bà đi công tác như đàn ông.
Tôi tò mò :
- Ông nói những người hành nghề đó không bị cấm cản ở đây" Vậy đó cũng được coi như một cái nghề ở Venezuela à"
Paul cười:
- Dĩ nhiên là họ không quảng cáo rầm rộ với du khách ngoại quốc, nhưng mà đó thật sự là một cái nghề đấy. Những cô gái này phải đăng ký với chánh phủ và mỗi tuần phải đi khám sức khoẻ. Mỗi người có một cái thẻ hành nghề và Bác sĩ phải đóng mộc chứng nhận trong đó. Nếu người nào bị cảnh sát hỏi bất thần lúc đang "chào hàng" mà không có giấy hành nghề là bị phạt, có khi bị treo "bằng hành nghề" luôn đó.
Tôi thở dài buồn bã. Thì ra như vậy, tội nghiệp cho những người con gái sanh lầm trong một đất nước lạc hậu lầm than. Con gái Venezuela rất đẹp, ai cũng có thân hình cân đối và thu hút. Hình như đã mấy năm liền Hoa Hậu Thế Giới đều là người Venezuela.
Buổi tối hôm đó tôi ăn không còn ngon miệng như trước nữa. Mặc dầu đồ ăn ở Maracaibo rất ngon và rất rẻ. Tôi cứ nghĩ đến người con gái trẻ tôi thấy trong khách sạn và tưởng tượng ra tờ giấy "hành nghề" của cô. Cô có lẽ chỉ bằng hay còn nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi nghĩ đến những giấc mơ của cô lúc còn bé, có lẽ cũng tương tự như những giấc mơ của tôi khi học tiểu học... mơ làm cô giáo, làm bác sĩ, làm y tá, làm luật sư... và có lẽ không có giấc mơ nào làm một người con gái bán thân như vậy.
Qua đến bên này tôi mới hiểu thấm thía hai chữ "đi cày", có lẽ không có nơi nào trên thế giới có đời sống tất bật như ở Mỹ, sáng 6 - 7 giờ sáng vô sở làm một hơi đến chiều tối. Giờ ăn trưa chỉ vỏn vẹn 45 phút, ăn vội vã cuống cuồng rồi quay về lại với công việc. Ở Maracaibo, nhân viên công sở 8 - 9 giờ sáng mới đến hãng, làm đến 12 giờ trưa thì nghỉ 2 tiếng ăn trưa. Buổi trưa tất cả công sở, nhà băng, bưu điện... đều đóng cửa chỉ trừ nhà hàng là mở cửa.
Hãng tôi làm thầu xây một nhà máy lọc dầu ở Maracaibo, nhân công là người bản xứ nhưng coi sóc công trình là người của hãng ở bên Mỹ gởi qua. Phần đông là họ ở từ 6 tháng đến 1 năm. Chỉ riêng mình tôi là đi 2 tuần, nhiệm vụ của tôi chỉ là sắp xếp và hướng dẫn cho những người kỹ sư bản xứ cách xài cái program mới của hãng.
Buổi sáng như thường lệ, Juan chở ông Paul, ông Steve và tôi ra công trường. Xe đang chạy ngon trớn trên xa lộ thì Juan thắng thật gấp làm tôi chúi nhủi ra phía trước. Trước mặt tôi là một cảnh thật hỗn độn, một đám đông mà phần lớn là thanh niên đang la hét ầm ĩ, trên tay họ là những ngọn đuốc rực lửa. Giữa xa lộ, một đống vỏ bánh xe được chất thật cao. Juan thở dài thườn thượt:
- Thôi, chết rồi, mình gặp phải những người biểu tình chống đối chính phủ rồi.
Ông Paul hỏi :
- Như vậy có nghĩa là sao "
- Các bạn cũng biết đó, chính phủ ở nước tôi rất tham nhũng và độc tài. Tài nguyên đất nước nhiều là thế nhưng chỉ có một số người rất nhỏ được hưởng những lợi lộc đó. Dân chúng phần đông là thiếu thốn khổ cực. Người ta nói rất nhiều nhà tỷ phú ở Maracaibo nhưng quý vị ở đây thì thấy đó con nít đi bán vé số, bán hàng rong trên vỉa hè, phụ nữ bán thân nuôi gia đình...Vật giá thì leo thang vì khách nước ngoàịi. Tôi may mắn có việc làm khá nhưng tiền lương chỉ vừa đủ cho gia đình tôi có một cuộc sống rất khiêm tốn. Gần đây những cuộc biểu tình xảy ra thường xuyên nhưng tôi nghĩ rồi cũng chẳng giải quyết được gì...
Ông Steve ngắt lời:
- Họ có bạo động không"
Juan lắc đầu:
- Thường thì không, chỉ đốt phá, la hét rồi cảnh sát đến doạ nạt bắt bớ một vài người rồi thôi. Để tôi xuống nói chuyện với họ xem sao nhé.
Nói rồi không đợi chúng tôi trả lời Juan mở cửa xe tiến về phía đám đông. Còn lại ba người, ông Steve lo lắng :
- Tôi sợ họ thấy chúng ta người Mỹ họ sẽ làm rầy rà chúng ta.
- Hay là mình quay lại" Ông Paul đề nghị.
Tôi đưa mắt nhìn quanh, chúng tôi đang ở trên xa lộ, chung quanh là hàng hàng xe cộ chắn lối, bên kia xa lộ thì không có một bóng xe vì họ đều bị chặn lại nhưng ở giữa là một bức tường bằng xi-măng cao khoảng 3 feet chia đôi xa lộ. Có muốn quay xe trở lại cũng không có lối để quay...Tôi chưa kịp nói lên cái thắc mắc của mình thì Juan đã trở lạị Ông lắc đầu:
- Không xong rồi, lần biểu tình này là sinh viên các trường đại học. Họ đang đợi thêm người, có lẽ mình sẽ kẹt ở đây 4 - 5 tiếng là ít.
Ông Paul lo ngại:
- Xe mình đậu ngay hàng đầu, nếu họ nổi loạn thì mình cũng bị dây dưa. Tôi đề nghị anh kiếm cách nào để mình ra khỏi nơi đây, có tốn tiền cũng được, hay anh đề nghị đưa tiền cho họ để họ cho mình đi"
Juan gật đầu đồng ý rồi bỏ đi thương thuyết, lát sau ông trở lại lắc đầu buồn bã:
- Họ không chịu, họ nói nếu dẹp bớt mấy cái bánh xe để cho xe mình qua thì các xe khác sẽ đi theo...
Chúng tôi còn đang bối rối thì một người tiến lại phía Juan, ông ta to nhỏ múa tay múa chân điều gì một hồi, thấy ông Juan tươi ngay nét mặt và gật đầu hối hả, ông quay về phía chúng tôi giải thích:

- Mấy người này nói nếu mình chịu trả tiền họ sẽ khiêng cái xe mình bỏ qua phía bên kia xa lộ cho mình đi.
Tôi tròn mắt:
- Thiệt không" cái xe nặng như vậy làm sao khiêng"
Ông Steve bật cười:
- Đông người thì khiêng được thôi cô bé -ông quay qua Juan - được rồi, anh cứ bảo họ khiêng đi chúng tôi sẽ trả tiền.
Chúng tôi cùng xuống xe và trước cặp mắt tròn vo của tôi khoảng chục người thanh niên xúm nhau lại khiêng cái xe Toyota Corolla bỏ qua bên kia xa lộ gọn ơ...
Ngồi trên xe quay về lại khách sạn mấy người đàn ông trong xe bàn tán về tình hình chính trị thật sôi nổi. Thấy tôi im lặng ông Paul nắm tay vỗ về:
- Sợ lắm hở Vivian" Không sao đâu, có chúng tôi cô sẽ không bị hề hấn gì đâu. Đừng gọi điện thoại về hãng khóc với ông John đòi về lại nhé.
Ông Steve chọc:
- Làm quen dần đi là vừa Vivian ạ. Tôi nghe nói hãng mình mới có một cái project mới ở Nigeria đó, coi chừng họ sẽ gởi cô qua bên đó...
Tôi chỉ im lặng cười không trả lời, tôi biết mình đang xao động. Một phần vì sợ, một phần vì những cảnh biểu tình, xuống đường hỗn loạn đó vừa nhắc cho tôi nhớ lại Việt Nam. Những cảnh sinh viên biểu tình chống chiến tranh, cảnh những hoà thượng hoả thiêu... tôi chỉ được nghe kể chứ chưa bao giờ chứng kiến bởi vì lúc đó tôi vẫn còn quá nhỏ. Cảnh chiến tranh ở quê hương, tôi may mắn không phải trải qua. Lúc đủ trí khôn để hiểu biết thì nước đã mất nhà đã tan. Bố tôi cũng ở trong cái hàng ngũ chưa đánh đã phải thua, chưa thua đã phải đầu hàng đó.
Lớn lên ở đất nước thanh bình phồn thịnh như nước Mỹ tôi đã quên khuấy đi rằng bất công, tranh đấu vẫn còn hiện hữu...
*
Bỗng nhiên có một buổi chiều rảnh rỗi, mọi người xúm xít rủ nhau đi chơi. Tôi từ chối lời mời của ông Paul đi cùng với họ. Một mình cầm cuốn truyện ra phía sau khách sạn chọn cho mình một cái ghế ngồi ngắm hồ.
Thành phố Maracaibo là thành phố công nghệ, không có danh lam thắng cảnh đẹp như Caracas nên rất ít khách du li.ch. Khách trong khách sạn phần đông là người được hãng gởi đến đây làm việc, vì thế giữa ban ngày khách sạn rất vắng vẻ. Đọc sách một hồi hơi mỏi mắt, tôi nhắm mắt lại lim dim. Chợt một tiếng động nhỏ bên tai làm tôi giật mình quay lại, làm rơi cả cuốn sách xuống đất. Một chú bé chắc chừng 9-10 tuổi, nhìn chững chạc trong bộ đồ short màu xanh với cái túi xách nhỏ đeo trên vaị Chú bé nhìn tôi nói tiếng Mỹ chậm nhưng rất rõ ràng :
- Chào cô, cô có muốn mua đồ kỷ niệm không "
Tôi tròn mắt nhìn chung quanh không tin ở tai mình, chú bé ở đâu ra vậy, chỉ có một lối duy nhất ra phía sau khách sạn là xuyên qua lobby của khách sạn. Chú bé bán hàng rong này làm thế nào mà qua mặt được nhân viên của khách sạn. Chú bé nhìn sạch sẽ hơn những đứa trẻ bán hàng khác mà tôi đã gặp :
- Em nói được tiếng Mỹ à " Làm sao mà em vô được đây vậy " Em đi bán hàng thật không "
Tôi lẩn thẩn hỏi một tràng dài, chú bé xua tay :
- Cô nói nhanh quá, em không hiểu kịp.
Tôi bật cười nói thật chậm:
- Xin lỗi em nhé, chỉ tại tôi thấy em nói tiếng Mỹ giỏi quá.
Chú bé mắc cở :
- Em chỉ biết một chút thôị
- Em đi bán hàng rong hở"
Chú bé mở cái túi đeo trên vai trịnh trọng lôi ra những đồ lưu niệm với hàng chữ "Lake Maracaibo, Veneuela" tôi vẫn thấy bày bán đầy trên vỉa hè. Tuy không thích mua những đồ lỉnh kỉnh đó lắm, tôi vẫn móc túi lôi những đồng Bolivas mới đổi xong mua cho em để có cơ hội nói chuyện với em. Tôi và em đã phải gom góp hết cái vốn liếng Anh Ngữ của em, vốn liếng i-tờ Tây ban nha của tôi và bốn cái tay để nói chuyện với nhau. Em kể cho tôi nghe em vô được phía sau của khách sạn bằng cái lỗ thủng ở hàng rào và bắt tôi hứa không được méc lại với nhân viên an ninh. Em nói được tiếng Mỹ vì Bố em người Mỹ, là một trong những người được gởi đến đây làm, Mẹ em lấy Bố em khi đang đi học đại học.
Năm em được ba tuổi thì Bố em hết giao kèo, ông về nước lo giấy tờ cho Mẹ con em đi theo. Đó là lần cuối cùng em và Mẹ gặp Bố. Mẹ em giờ đây đã lập gia đình với người khác nhưng vẫn nói tiếng Mỹ với em với hy vọng một ngày nào đó em gặp lại bố nơi quê hương của ông. Trong khi chờ đợi em đã dùng cái vốn liếng Anh Ngữ của mình để bán hàng rong đem tiền về giúp Me. Em hãnh diện khoe với tôi rằng em luôn bán được nhiều hơn các bạn nhờ nói được tiếng Mỹ, em còn dạy cho bạn bè mấy câu để chào hàng, em hóm hỉnh:
- Tụi nó phải mua kẹo, bánh cho em, em mới dạy đó.
- Vậy em không đi học à"
- Có chứ cô, em đi học buổi sáng thôi...
Ồ thì ra là vậy, sao đất nước em có quá nhiều điểm giống quê hương tôi như thế. Quê hương tôi cũng có những đứa trẻ bằng tuổi em sáng đi học, chiều lăn lóc chợ trời kiếm ăn. Tôi nói cho em nghe điều này, em ngây thơ hỏi:
- Cô có nhớ Việt Nam không"
Tôi ngậm ngùi không biết phải trả lời em như thế nàọ Những ngày đầu qua Mỹ tôi nhớ lắm chứ, nhớ từng con đường, từng hàng cây, từng hàng quán tôi vẫn lê la...nhớ bạn bè, nhớ người thân. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua tôi quen dần với cuộc sống mới, những niềm vui mới, quên kỷ niệm cũ rất nhanh. Tôi xa Việt Nam khi chưa học xong lớp 7, nhỏ quá để nỗi nhớ in hằn. Mười hai năm qua tôi gần như đã quên hẳn cái quê hương khốn khổ mình đã để lại sau lưng đó. Tôi chỉ mới thấy lại quê hương và tuổi thơ của mình những ngày ở quê hương em. Buổi chiều xuống thật nhanh, em tạm biệt tôi ra về rồi nói:
- Em thích nói chuyện với cô lắm, ngày mai em đến gặp cô nữa được không" - em nghiêm trang - Cô không phải mua đồ của em nữa đâu, em muốn nghe cô kể chuyện về quê hương của bố em.
Từ hôm đó buổi chiều ở công trường về tôi từ chối đi ăn với mấy người ở hãng, mua đồ ăn cho mình và cho em rồi ngồi chờ em. Nhìn em ăn ngon lành những đồ ăn tôi mua, gói ghém cẩn thận những đồ ăn không hết để đem về cho Mẹ, cho em mà tôi nghe cay ở khoé mắt. Em nâng niu từng thỏi kẹo chocolate tôi cho, em tròn mắt thèm thuồng xuýt xoa khi nghe tôi kể đến ngày lễ Halloween trên quê hương của Bố em. Em khôn lớn trưởng thành hơn so với những cậu bé 10 tuổi khác tôi đã gặp ở Mỹ.
Một hôm em bắt gặp tôi ngồi khóc khi vừa nhận ra rằng mình không có triệu chứng có được đứa con mà hai vợ chồng cùng mong muốn. Em hoảng hốt nắm tay tôi:
- Tại sao Cô khóc vậy" Cô có sao không"
Khi nghe tôi kể tôi khóc vì tôi tưởng tôi có em bé nhưng thật ra không phải, em ngạc nhiên:
- Cô biết cô không có em bé cô khóc, Mẹ em biết mẹ sắp có em bé mẹ cũng khóc. Tại sao kỳ vậy cô"
Tôi im lặng không có câu trả lời. Ừ, cuộc sống đôi khi thật bất công và vô tình phải không em" Bao nhiêu người muốn bỏ đi cái sự sống mình hình thành và cưu mang. Riêng tôi, mong đợi mãi vẫn không có được. Làm sao nói cho em hiểu được những muộn phiền nơi tôi.
Tôi về nhà chồng khi vừa rời ghế nhà trường. Chồng tôi lớn hơn tôi khá nhiều tuổi, tôi muốn áp dụng câu "Chồng già vợ trẻ là tiên" đó mà. Chúng tôi lấy nhau khi gia đình anh còn ở Việt Nam. Sáu tháng sau ngày cưới khi ra phi trường đón gia đình chồng, tôi đã đọc được nỗi thất vọng trong đôi mắt bố mẹ chồng, tôi còn nhỏ quá để làm một người vợ, người con dâu vẹn toàn.
Chồng tôi là con trai trưởng trong gia đình 4 anh em trai, ngay cả người em út của anh cũng vẫn lớn tuổi hơn tôi. Bố Mẹ anh mong mỏi một đứa cháu đích tôn và càng lo lắng hơn khi biết các chị tôi ai cũng khó có con. Chồng tôi đôi khi mải lo lắng cho gia đình quên luôn người vợ trẻ con mà anh hứa suốt đời sẽ nâng niu. Tôi không muốn đặt anh vào hoàn cảnh khó xử phải chọn lựa giữa cha mẹ và vợ nhưng cũng không khỏi tủi thân. Và, tôi xót xa nhận ra rằng mình cũng mong muốn một đứa con như một cái gạch nối giữa chúng tôi.
Ừ, em còn quá nhỏ để tôi kể cho em nghe rằng tôi đã từng tuyên bố tôi sẽ không bao giờ dùng con cái làm keo sơn cho cuộc sống hôn nhân.
Ừ, chữ nghĩa tôi không đủ để tôi giải thích cho em nghe câu ví von của quê hương tôi "Cây độc không trái, gái độc không con".
Ừ, thì thôi, cái xiết tay thật chân thành cùng gương mặt lo lắng của em dành cho tôi giữa một đất nước thật xa lạ, vào lúc hoàng hôn đang xuống như niềm tin hy vọng trong tôi như thế này cũng đã là một an ủi vô biên rồi, phải không em"
*
Mới đó mà gần mười năm rồi, từ ngày tôi chia tay với em. Lần cuối cùng gặp em tôi đã đưa cho em hết số tiền mình đem theo. Số tiền không lớn lắm nhưng tôi hy vọng sẽ giúp em khỏi phải lang thang chui hàng rào bán hàng rong một thời gian. Em lắc đầu nhất định không nhận, tôi phải nói mãi em mới bằng lòng. Em nói :
- Em sẽ cầu nguyện cho cô mau có em bé. Cô cũng nhớ cầu nguyện cho em mau gặp lại bố em nhé.
Tôi hứa sẽ viết thơ thường xuyên cho em. Không may cái valise tôi để địa chỉ của em bị thất lạc. Đồ đạc đã có hãng máy bay bồi thường nhưng tôi vẫn rưng rưng khóc. Tôi ân hận đã thất hứa với em. Đã một lần em bị thất hứa vì ông bố người Mỹ, bây giờ lại đến người Mỹ da vàng mũi tẹt như tôi làm em thất vọng. Tôi nhờ ông Juan tìm kiếm em cho tôi nhưng ông ta cũng đành chịu thua, ở quê hương em những đứa trẻ như em đầy dẫy làm sao ông ta tìm được em...
Có lẽ nhờ lời cầu nguyện của em tôi đã làm Mẹ. Con trai tôi bây giờ chỉ nhỏ hơn em lúc tôi gặp em vài ba tuổi. Mỗi lần nhìn con tung tăng đùa giỡn tôi lại nhớ đến em và những đứa trẻ tội nghiệp ở quê hương em, quê hương tôi.
Bây giờ em đã là một cậu thanh niên rồi. Mỗi lần coi tivi đến những cảnh đình công, tranh đấu, biểu tình nơi quê hương em tôi lại nhướng mắt hy vọng nhìn thấy đôi mắt thật hiền hoà của em trong đám đông đó. Chính vì em mà tôi hằng muốn theo dõi tin tức về đất nước Venezuela. Không biết đến bao giờ quê hương em mới được yên bình" Không biết em đã gặp lại người Cha mà em vẫn nhớ mong chưa"
Tôi cầu mong mọi bình an may mắn sẽ đến với em, chú bé người Venezuela....
Hoài Yên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến