Tác giả Nguyễn Lê là cư dân Phila, PA., chủ một nhà hàng Việt trong thành phố. Ông đã góp nhiều bài viết, thường ngắn gọn, đơn giản và đã được trao tặng giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Lần này bài mới của ông đề cập tới một sinh hoạt thường thấy trong đời sống của người Việt hải ngoại: viễn du đây đó, từ Á sang Âu.
*
Trước năm 1975 tại Việt Nam, viễn du là những chuyện hiếm hoi đối với người Việt, chỉ một số ít những người Việt giàu có mới nói đến chuyện đi du lịch.
Ngày nay sau 30 năm bỏ nước ra đi, người Việt trên khắp các tiểu bang cũng như khắp nơi thên thế giới ăn nên làm ra. Những năm đầu trên xứ người, đầu tắt mặt tối, đi cày 2, 3 jobs, nay đã dư dả tìm những phương tiện xả hơi, đền bù lại những thời gian vất vả làm việc.
Du lịch đối với người Việt trên đất Mỹ là một việc làm khích lệ, tưởng thưởng cho những thời gian miệt mài trong công việc và chuẩn bị bồi bổ cho tâm trí để cho sau khi đi du lịch về có tinh thần hăng say muốn tiếp tục làm việc nữa.
Những người làm việc trong các công ty lớn nhỏ tại Mỹ sau mỗi năm làm việc được nghỉ từ 1, 2 tuần lễ tới một tháng để có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức khoẻ. Đa số dùng thời gian nghỉ xả hơi này đi du lịch, ra biển, lên núi, đi cruise v.v...
Mỗi năm người Pháp bỏ kinh thành hoa lệ Ba Lê đi nghỉ mát tại bãi biển hoặc lên núi xả hơi trong vòng một tháng trời. Ai du lịch thăm kinh thành ánh sáng vào tháng hè thấy thành phố sinh hoạt tẻ nhạt, rời rạc.
Các văn phòng, các hãng du lịch của người Việt được dịp nở rộ, đáp ứng nhu cầu của đồng hương. Chúng tôi không phải người nước Phú Lăng Sa cũng mỗi năm bỏ ra một tháng đi nghỉ hè, liên tục từ năm 1977 tới nay đã được 28 năm liên tiếp.
Nơi chúng tôi du lịch nhiều nhất là Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Mã Lai, nhật Bản .
Cậu con trai của tôi hồi 7 tuổi đã thuộc đường trên các phố ở Hông Kông. Từ khách sạn cậu dẫn bố mẹ tới các nhà hàng mà bố mẹ thường lui tới.
Sở dĩ chúng tôi biết nhiều Hồng Kông, Bangkok là vì mỗi lần về thăm Việt Nam, các máy bay đều phải đáp xuống mấy phi trường ở các thành phố này rồi mới bay chuyển tiếp tới phi trường Tân Sơn Nhất. Liên tiếp 4, 5 năm liền chúng tôi phải về Việt Nam vì ông nhạc của chúng tôi bị bệnh.
Mỗi lần tới Bangkok, Thái Lan chúng tôi đều đi tham quan thành phố, cung điện nhà vua, chợ nổi trên sông, người thái diễn tuồng với cá sấu thật rùng mình, sự khôn ngoan của loài voi với trái banh trên sân football, ảo thuật và nhất là boys shows. Đi từ sáng đến chiều với anh tài xế Taxi thông thạo đường lối, một thứ thổ công nhà nghề, thù lao anh lấy có 20 đô la được anh sá lên xuống một cách kính cẩn như gặp hoàng gia Thái Lan.
Trước khi rời Bangkok chúng tôi có dịp được chụp hình với 2 con hổ ngoan ngoãn phủ phục dưới mấy tay chuyện trị thú dữ nhà nghề và đem về một kỷ niệm còn lưu luyến mãi.
Đến Hong Kong chúng tôi bước vào một khu vực nhà hàng mà người Hoa thường lui tới. Chúng tôi hơi bực mình vì dùng anh ngữ đối thoại để gọi món ăn mà không ai trong tiệm ra giúp chúng tôi giải quyết nhu cầu khẩn thiết của bao tử đang cồn cào khi ngửi thấy mùi xào nấu thơm phức , điếc lỗ mũi.
Chúng tôi tham quan leo núi, xuống biển bên cạnh những tòa nhà chọc trời san sát bên nhau như những hộp quẹt để gần nhau.
Người người đi lại tấp nập đông như ngày hội, lúc nhúc đầu đen, đầu giống đầu. Mải nhìn một chút là đã lạc nhau. Bà chị dâu tôi sanh mặt lo sợ không biềt làm sao trở về khách sạn. Đường la, tên phố lạ, ngôn ngữ bất đồng. Bà xã tôi kinh nghiệm đã đi nhiều lần, rất bình tĩnh kêu Taxi chở 2 bà về khách sạn. Hai đức lang quân hơi lo, một lúc sau gọi về khách sạn được nói chuyện với 2 bà mới yên tâm.
Chúng tôi ghé sòng bài Ma-Cao gần Hông Kông. Khung cảnh sòng bài xô bồ ồn ào không được lịch sự như sòng bài Las Vegas hay Atlantic City tại Mỹ.
Đã tới Hông Kong tiện đà chúng tôi thăm Bắc Kinh với Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng từ lâu. Chúng tôi leo lên chỗ cao nhất của Vạn Lý Trường Thành và được phát bằng tưởng lệ đã chồn chân mỏi gối mà vẫn muốn chèo.
Đặt chân vùng Thiên an Môn bao la bát ngát của kinh thành Bắc Kinh. Thăm thành phố Thượng Hải, Trùng Khánh; đi tầu trên sông Dương Tử Và rất nhiều nơi không nhớ hết.
Khách sạn của trung quốc chỉ đáng được 1,2 sao vì vẫn còn mùi hôi của phòng tiểu tiện mỗi khi bắt buộc phải ghé nơi này. Thức ăn tại các tỉnh miền bắc trung quốc phản ảnh phong tục điạ phương nên không ngon miệng như khi chúng tôi trở về tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây trước khi trở lại Hông Kong.
NGUYỄN LÊ