Hôm nay,  

Việt Nam - 30 Năm Nhìn Lại

07/09/200500:00:00(Xem: 162678)
Người viết: ĐỖ THỊ VÂN ANH
Bài số 819-1409-246-vb4090705

Tác giả chỉ mới 29 tuổi, cư dân Houston-Texas. Theo bài viết cho biết, cô từng là một thành viên tích cực sinh hoạt với Hội Chuyên Gia Việt Nam tại Houston. Sau đây là bài viêát mới nhất của cô.

Ngày gia đình mười người chúng tôi bước lên máy bay vào một buổi trưa Sài Gòn cuối tháng hai nóng nực và oi bức năm 1990 để sang định cư ở Mỹ, tôi chỉ là một cô bé 15 tuổi.
Cảm giác của cô học trò lớp 9 lúc ấy háo hức nhiều hơn là lo lắng, hy vọng nhiều hơn chán ngán. Tôi mơ tưởng đến một đất nước văn minh và sạch đẹp hơn nơi tôi đang sống. Qua tranh ảnh báo chí và những lá thư của người quen gởi về cho bố mẹ tôi, nước Mỹ là một thế giới hoàn toàn khác hẳn. Tôi ngỡ rằng vùng đất rất xa xôi mà tôi sắp đến đặc biệt lắm vì từ đầu những năm 80 qua năm 90, đi đến đâu cũng nghe thiên hạ thì thầm bàn tán hay lén lút xin xỏ, chạy chọt để được đi Mỹ.
Mãi cho đến sau khi qua đây và được nghe câu chuyện ‘‘sau năm 75, cây cột đèn nếu có chân cũng đi vượt biên’’, tôi mới hiểu sự kiện năm 75 đối với hàng triệu người trong nước lúc bấy giờ đánh dấu một tương lai mù mờ, bất định, và đáng sợ.
Thoáng đó mà 15 năm nữa đã trôi qua. Giờ đây nhìn lại, đời sống tị nạn ở Hoa Kỳ đối với tôi là một quãng thời gian thú vị. Thú vị không phải vì cuộc sống của tôi bình lặng, thoải mái, và sung túc như nhiều người khác.
Những năm tháng đầu của cuộc đời tị nạn đối với gia đình tôi tương đối khó khăn và buồn nhiều hơn vui. Người anh trai duy nhất của tôi, hiện đang sống tại Pháp, đã xa gia đình hơn hai mươi mấy năm qua. Mẹ tôi sức khỏe yếu kém và nửa cơ thể gần như liệt hoàn toàn.
Nhắc đến mẹ, tôi nhớ mãi một kỷ niệm trong năm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến Mỹ. Bỏ ngoài tai lời khuyên của bố và tôi, mẹ tôi nhất quyết nhờ bác tôi tìm cho mẹ một việc làm assembly. Nhưng công việc kiểu dây chuyền assembly đòi hỏi tay chân phải nhanh nhẹn và phải đứng cả ngày. Mẹ tôi vì sợ hãng cho nghỉ việc nên thức khuya dậy sớm tập cho bàn tay điều khiển khéo léo hơn bằng cách nhặt ra rồi lại bỏ vào khay những hột nui khô thật nhỏ. Nỗi lo mất việc của mẹ rồi cũng thành sự thật. Nhưng điều làm tôi xúc động và khó quên nhất là mẹ đã dùng tấm check lương ít ỏi đầu tiên và duy nhất ấy để mua một cái máy cassette nghe nhạc nhỏ cho tôi.
Vì thương bố tôi phải gồng gánh cả gia đình, tôi bắt đầu đi làm thêm từ năm lớp 9 dù chưa đủ tuổi. Việc làm đầu tiên của tôi là tiệm fast-food Jack-In-The-Box. Công việc của tôi bao gồm từ chiên khoai tây, sửa soạn bánh, tính tiền, chạy bàn, cho đến rửa chén. Rất nhiều lần tôi làm việc suốt năm ngày một tuần và không về đến nhà trước 12 giờ khuya. Cả người từ đầu đến chân nhem nhuốc và mệt mỏi rã rời. Lần đầu tiên phải lau chùi các phòng vệ sinh ở chỗ làm, khi bước chân vào một phòng vệ sinh đàn ông, cái cảm giác vừa bỡ ngỡ vừa xấu hổ xen lẫn chút tủi thân thật khó diễn tả. Nhưng dần rồi cũng quen.
May mắn cho tôi là tuy vừa học vừa làm, tôi đã đạt được những thành tích rất khích lệ: Tốt nghiệp trung học trong 5% số học sinh với điểm cao nhất trong gần 500 học sinh; được cấp nhiều giải thưởng trong nhiều năm liền như Who’s Who Among American High School Students, United States Achievement Academy Award, National Leadership and Services Award, United States Mathematics Achievement Award, và Lamar Education Scholarship & Award.
Điều thú vị mà tôi muốn nói đến về cuộc sống của mình trong 15 năm qua là: Tôi tin rằng tất cả những gì đã xảy ra trong đời sống của tôi đều có lý do riêng của nó. Có niềm vui nhưng cũng đầy nước mắt. Có thành công nhưng cũng không ít hối tiếc. Nhưng điều quan trọng là những gì tôi học hỏi được từ những kinh nghiệm đó là vô giá.
Nếu không trải qua những gì mình đã trải qua, tôi chưa chắc có được ngày hôm nay. Nhân dịp này, tôi cũng xin được nói lên lời biết ơn kính cẩn và chân thành nhất đến bố mẹ tôi. Đến bây giờ tôi mới thấu rõ công lao và những hy sinh trời biển mà bố mẹ đã cho hai anh em chúng tôi. Tôi hy vọng rằng những thành quả anh em chúng tôi đạt được trong thời gian qua một phần nào đã làm bố mẹ tôi vui lòng và hãnh diện.
*
Tôi sinh ra tại Sài Gòn năm tháng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi đất nước rơi vào tay cộng sản. Năm tôi vào lớp một, đó cũng là năm đầu tiên ‘‘nhà nước’’ đưa vào trường học chương trình mới ‘‘cải cách giáo dục’’. Tất cả các sách giáo khoa thời còn Việt Nam Cộng Hoà đều bị thay đổi.
Thế hệ của tôi và hàng triệu người trẻ cùng trang lứa trên khắp đất nước mỗi ngày đều được dạy những bài bản và được ‘‘giáo dục’’ trong một thứ môi trường giống nhau. Tôi còn nhớ một trong những điều được lặp đi lặp lại nhiều lần là chúng tôi có ‘‘bổn phận’’ phải ‘‘yêu Bác Hồ’’. ‘‘Nhà nước’’ và các thầy cô giáo dạy bọn trẻ học trò chúng tôi điều gì, chúng tôi chỉ biết nghe và làm theo như vậy.
Đối với tôi, một cô bé 15 tuổi thơ ngây, chẳng có gì là bất bình thường với cuộc sống của tôi và mọi người xung quanh. (Ngoại trừ năm tôi 7 tuổi, có nhiều lần giữa đêm hôm mẹ tôi hốt hoảng đánh thức tôi và run rẩy nhét vào quần trong của tôi cái túi vải nhỏ màu xanh lá cây trong đó có vài chỉ vàng là tất cả tài sản của gia đình tôi. Tôi còn nhớ lần nào mẹ cũng khẽ dặn tôi chỉ một câu: ‘‘Công an đang đi xét nhà đó. Con cứ nằm yên ngủ thì họ không làm gì đâu.’’ Nghĩ lại chuyện này, tôi mới hiểu tại sao cộng sản còn bị gọi là ‘‘bọn cướp’’.)
Nơi tôi ở đâu có chiến tranh hay bắt bớ tù đày vô cớ" Tôi tưởng rằng mọi người đang thực sự sống trong ‘‘hòa bình’’ và ‘‘tự do’’ như lời rêu rao của ‘‘Đảng và nhà nước’’. Mười lăm năm ở Sài Gòn cứ thế mà bình thản trôi qua. Tôi đâu biết mười lăm năm sau tôi được tận mắt chứng kiến và được thở chung bầu không khí với những người thuộc về một thế giới hoàn toàn khác hẳn. Thế giới của sự TỰ DO.
Suốt 15 năm sống trong nước, tôi không nghe bố mẹ tôi nói gì nhiều về cái ngày mà cả thế giới bàng hoàng trong khi hàng triệu người Việt Nam rơi nước mắt trong kinh hoàng và tuyệt vọng. Tôi hoàn toàn không biết sự thay đổi lớn lao của ngày 30 tháng 4 năm 1975 (theo lời rêu rao của cộng sản là một ‘‘chiến thắng vẻ vang’’) đối với hàng triệu đồng bào Việt Nam mong muốn tự do và dân chủ, đó là sự bắt đầu của một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử.
Sau khi đất nước được ‘‘giải phóng’’ để toàn dân được sống trong ‘‘độc lập, tự do, hạnh phúc’’ như lời ‘‘Bác’’ và ‘‘Đảng’’ hứa, thực tế xã hội và đời sống người Việt Nam là như thế nào đằng sau lớp sơn dỏm mà bọn người cộng sản cố tình bôi trét bên ngoài" 15 năm - chúng tôi không khác gì những con ếch bị nhốt thật lâu dưới đáy giếng sâu tối và hoàn toàn không biết gì về thế giới bên ngoài. Sự thật là chỉ có những con ếch sống bên ngoài giếng mới biết ánh sáng của vũ trụ màu gì.
Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, biết bao máu xương đã đổ và thân xác đã nằm xuống trong cuộc chiến đấu giành lại tự do và dân chủ. Sau khi chiến tranh kết thúc, xương máu vẫn tiếp tục đổ xuống trong những nhà tù cộng sản. Hàng triệu người đã bỏ mạng ngoài biển khơi hay trong rừng núi hoang vu trên đường đi tìm tự do. Những con ếch ngồi dưới đáy giếng như chúng tôi làm sao biết những gì đang xảy ra chính là tội ác của bọn người đương cầm quyền"
Mười lăm năm qua, những con ếch ngày nào rồi cũng may mắn tìm được một cuộc sống mới bên ngoài hố giếng sâu tối.
Bên cạnh những buồn vui của đời sống tị nạn, điều may mắn lớn nhất cho tôi là được làm chứng nhân của hai xã hội hoàn toàn khác nhau. Dĩ nhiên không ai trong chúng ta muốn làm nhân chứng cho một quá trình lịch sử đầy đau thương, nghèo nàn, bóc lột, và áp bức dưới một chế độ cai trị tàn ác, nham hiểm, thối tha, và ngu dốt. Nhưng phải có như vậy chúng ta mới nhận ra sự khác biệt giữa trắng và đen, giữa ánh sáng và bóng tối. Mười lăm năm qua, những gì chúng tôi được đọc, được nghe, và được chứng kiến về thực trạng một đất nước Việt Nam luôn luôn khơi lại một vết thương nhức nhối và chưa bao giờ lành.
Mỗi ngày ở khắp các nẻo đường phố Sài Gòn, có biết bao nhiêu đứa trẻ chưa một ngày được cắp sách đến trường, phải lăn lộn ngược xuôi với dòng đời tìm miếng cơm lót dạ. Sự hiện hữu đầy dẫy của các em trong những quán ăn, tại các chùa chiền, hay trước cửa những khách sạn sang trọng đôi khi làm một số Việt Kiều chúng ta cau mày tránh né, trong khi hình ảnh một đứa trẻ 3, 4 tuổi mò bới thức ăn ngay giữa một bãi rác khổng lồ và ô uế hoặc những bé gái 10, 11 tuổi thân thể gầy còm nhỏ bé bó gối ngồi chờ ‘‘khách’’ trong những ổ mại dâm lại làm chúng ta phẫn nộ và thương tiếc.
Không, thật ra tất cả các em đều là nạn nhân của một chế độ đã từ lâu bỏ mặc tương lai đất nước. Có một người bạn của tôi sau vài lần về nước thăm thân nhân đã nhận xét rằng ở Việt Nam, sinh mạng con người rẻ hơn bèo. Tại Việt Nam, quy định và luật lệ giao thông chỉ là những hàng mực in trên giấy. ‘‘Đảng và nhà nước’’ không có nỗ lực rõ ràng nào trước tình hình tai nạn giao thông leo thang một cách đáng ngại trên toàn cả nước. Rừng bị tàn phá vô tội vạ. Đất đai sông ngòi bị tẩm đủ thứ độc hại đang chết dần. Mức độ ô nhiễm môi trường tác hại trầm trọng tới sức khỏe, là thứ có thể thấy bằng mắt. Nhưng mức độâ tàn phá khủng khiếp nhất của chế độ ấy nhắm ngay vào con người: đạo đức xã hội bị tàn mạt, các thế hệ tương lại bị nhồi nhét toàn những điều dối trá, vô bổ. Chưa có thời kỳ nào mà số lượng phụ nữ Việt Nam bị bán ra nước ngoài lại thê thảm và nhục nhã tới vậy.
Có nhiều người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại phạm một sai lầm to lớn khi kết luận rằng Việt Nam đã phát triển và giàu mạnh hơn trước rất nhiều. Thật ra, họ không nhìn ra rằng bên dưới cái lớp vỏ bóng loáng không trung thực mà Việt Kiều chúng ta nhìn thấy ở những thành phố lớn như Sài Gòn, thực chất phần đông người dân Việt Nam vẫn còn quá nghèo đói. Người nghèo không có tiền chữa bệnh chỉ nằm chờ chết. Lũ lụt hạn hán mỗi năm khiến hàng trăm ngàn dân đã nghèo càng nghèo hơn. Hình ảnh người đàn bà xếp hàng trước bệnh viện chờ bán máu kiếm tiền mua sữa nuôi con trong bài thơ ‘‘Bà mẹ điên’’ của nhà thơ Trần Trung Đạo đủ nói lên thực tế đời sống khó khăn vô lối thoát hiện tại của hàng triệu đồng bào trong nước. Trong khi đó, ‘‘Đảng và nhà nước’’ đã làm gì để thật sự cải thiện đời sống người dân" Hay họ quá bận rộn ‘‘cải thiện’’ thêm nhiều nhà cao tầng mới và xe đắt tiền cho chính họ" Báo chí trong nước không biết bao nhiêu lần đề cập đến vấn đề tham nhũng và đưa ra những dữ kiện liên quan đến tài sản lên đến hàng tỉ đô la của mỗi nhân vật cao cấp nhất trong nước, nhưng rồi đâu lại vào đó vì sự tham nhũng ở Việt Nam là có hệ thống và hiện diện ở mọi cấp. Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là con người không có tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do chính trị. Những người thường xuyên theo dõi tin tức tại quê nhà không ai là không biết chính quyền cộng sản Việt Nam trong mấy chục năm qua, và nhất là trong thời gian 10 trở lại đây, đã vô cớ quản chế, bắt giam, cầm tù và tra tấn không biết bao nhiêu những nhà đấu tranh cho tự do dân chủ.
Dưới chế độ của ‘‘Bác’’ và ‘‘Đảng’’, khen thì không sao. Nhưng một câu nói nếu bị cho là ‘‘chống đối chế độ’’ thì người nói lập tức bị gây phiền hà và đưa vào những hậu quả khó lường.


Nhưng tại sao tiếng nói đòi hỏi tự do và quyền làm người, quyền được tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận lại bị coi là chống đối chế độ" Tại sao"

*

Năm đầu tiên ở đại học cũng là thời gian tôi bắt đầu tìm đến cộng đồng người Việt.
Cách đây tám năm, một người quen mở lời nhờ tôi giúp dạy một lớp ESL (English as a Second Language) vào hai đêm mỗi tuần do một hội thiện nguyện tổ chức. Tôi không chần chừ và nhận lời ngay. Đã từ lâu tôi rất muốn được làm một điều gì đó cho đồng bào Việt Nam của tôi, nhất là những người kém may mắn và cần sự giúp đỡ.
Ý tưởng giúp đỡ đồng bào trong nước của tôi lúc bấy giờ chưa được cụ thể hóa bằng hành động vì tôi chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Vì vậy tôi thấy không có gì thiết thực hơn là giúp đỡ chính những người đang sống chung quanh mình.
Suốt bốn năm dài miệt mài với từng buổi học, từng bài giảng phát âm và văn phạm, và từng gương mặt những học trò của tôi (có người đáng tuổi cha chú) trở thành một phần đời sống của tôi.
Suốt bốn năm, số học trò của tôi không hề thay đổi vì dù hoàn cảnh thay đổi hay bận rộn cách mấy, họ cũng không bỏ lớp. Cho nên thầy trò càng gắn bó nhiều hơn. Đó là quãng thời gian khó quên và niềm vui lớn lao trong đời tôi vì tôi biết mình đã làm được chút gì để giúp họ vượt qua những khó khăn trong đời sống hội nhập.
Song song với việc dạy ESL vào buổi tối, tôi cũng tìm đến những sinh hoạt tuổi trẻ và thiện nguyện khác trong cộng đồng từ cuối năm 1998. Tôi còn nhớ lần đầu tiên là trong một buổi sinh hoạt Hội Quán Giao Điểm do Hội Chuyên Gia Việt Nam (HCGVN) tại Houston tổ chức. Hội Quán Giao Điểm là một sinh hoạt thường xuyên (mỗi tháng một lần) của HCGVN với mục đích tạo môi trường cho người Việt thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, hoàn cảnh, và ngành nghề trao đổi suy nghĩ, quan niệm, kinh nghiệm, cũng như kiến thức chuyên môn về nhiều đề tài khác nhau, như ‘‘Generation Gap: Sự Khác Biệt Giữa Hai Thế Hệ’’, ‘‘Quan Hệ Hôn Nhân Với Người Không Cùng Màu Da và Tôn Giáo’’, ‘‘Phương Pháp Đầu Tư’’, ‘‘Thế Nào Là Tình Bạn Thật Sự"’’, v.v..
Sau buổi hội thảo đầu tiên ấy, tôi thật sự bị cuốn hút bởi tinh thần hoạt động hăng say, thái độ cởi mở, thân thiện, và tấm lòng nhân ái của các anh chị trong hội. Thế là tôi trở thành hội viên dự bị trẻ nhất (và sau đó là thủ quỹ cho Hội Chuyên Gia Việt Nam và Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam tại Houston).
Những năm kế tiếp trôi qua thật nhanh nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm vui buồn khó quên và rất nhiều sinh hoạt đầy ý nghĩa. Tôi hăng say lao mình vào tất cả những sinh hoạt không chỉ do HCGVN đề xướng mà rất nhiều sinh hoạt khác trong cộng đồng, như ngày kỷ niệm Quốc Hận 30 tháng 4 mỗi năm, Tết Trung Thu, Món Quà Mùa Giáng Sinh, Ngày Quê Hương và Tuổi Trẻ, Hội Chợ Tết, các buổi xuống đường xin chữ ký hỗ trợ những nhà đấu tranh bị giam cầm trong nước, gây quỹ giúp đồng bào bị bão lụt, các kỳ Đại Hội Chuyên Gia Bắc Mỹ và Thế Giới, v.v.. Qua đó, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu và bài học giá trị. Trong bài viết này, tôi chỉ xin được nêu lên vài điểm mà tôi cho là quan trọng và tiêu biểu nhất.
Điểm thứ nhất là tinh thần thiện nguyện chân chính thật sự đòi hỏi rất nhiều. Khác với suy nghĩ của nhiều người, những người dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng không phải đều ‘có tiền‘‘ quá rảnh rỗi’’, và ‘‘chẳng vướng bận gì’’. Ngược lại tôi thấy hầu hết những người có lòng và sinh hoạt tích cực nhất lại là những người thuộc tầng lớp lao động chân tay bình thường. Họ có rất nhiều bổn phận và trách nhiệm với con cái và gia đình. Nhưng chính vì vậy sự hy sinh của họ để cùng góp tay với tập thể càng lớn lao và đáng trân quý hơn.
Một người quen của tôi có lần đã hỏi: ‘‘Tôi thấy sinh hoạt là tốt, nhưng ai cũng có hoàn cảnh riêng. Sao họp hành gì mà tuần nào cũng có vậy"’’
Đây là câu trả lời của tôi: Sinh hoạt thiện nguyện thật ra không khác gì công việc làm của chúng ta, nếu không muốn nói là nó đòi hỏi ở chúng ta một thái độ và kỷ luật càng nghiêm túc và khắt khe hơn. Người có tinh thần thiện nguyện chân chính hiểu rằng nếu ai cũng ‘‘thích thì đi sinh hoạt không thích thì thôi’’ thì công việc chung của tập thể không thể nào hoàn thành một cách tốt đẹp, hay nếu có thì nó đòi hỏi sự hy sinh càng lớn hơn từ một số ít những người có trách nhiệm, khả năng, và tinh thần sinh hoạt nghiêm túc. Sức mạnh thật sự của một tập thể hay hội đoàn không thể chỉ nằm trên vai của một vài cá nhân mà là trách nhiệm chung của mọi người trong tập thể đó.
Có đôi lúc tôi nhìn những bạn trẻ cùng trang lứa chung quanh mình và không thể không thắc mắc là có bao giờ họ e ngại rằng những gì chúng tôi biết về lịch sử đất nước, về cuộc chiến tranh Việt Nam, về phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, v.v. thật sự quá ít ỏi hay không"
Chúng ta dường như không quan tâm mấy đến việc yêu cầu những người thuộc thế hệ trước chia xẻ với chúng ta những kinh nghiệm và kiến thức quý giá của họ. Tôi biết chắc một điều là đôi lúc sự thờ ơ của chúng ta làm họ lo lắng và đau lòng.
Điểm thứ hai tôi muốn nói đến ở đây là, ngoại trừ những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại (cũng như trong nước) chưa thật sự có ý muốn dấn thân vào sinh hoạt thiện nguyện cũng như chính trị. Khi được hỏi tại sao, những người trẻ đưa ra nhiều lý do khác nhau. Theo suy nghĩ riêng của tôi, nhìn chung lý do lớn nhất vẫn là giới trẻ chưa ý thức được công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ cho đất nước trong tương lai là trách nhiệm của họ. Trong một tương lai gần, các bậc cha chú chúng ta là những người đang gồng gánh trọng trách này sẽ không thể tiếp tục vì lý do tuổi tác và sức khỏe. Thế hệ nối tiếp không ai khác hơn là chính chúng ta. Nếu chúng ta ngoảnh mặt đi cũng tức là chúng ta quay lưng lại và thờ ơ với vận mạng của dân tộc.
Điểm sau cùng và quan trọng nhất chính là thái độ đấu tranh của người Việt ở hải ngoại. Nếu chúng ta đã biết rõ ràng tập đoàn cộng sản là một khối người gian trá mưu mô thì chúng ta dứt khoát không thể để mình trở thành nạn nhân của họ. Nếu những bất đồng và đánh phá lẫn nhau giữa các cá nhân hay hội đoàn là vì lợi ích riêng tư thì chúng ta đã phung phí quá nhiều thời gian và nhân lực. Đồng thời chúng ta cũng tạo cơ hội cho tai mắt cộng sản ở hải ngoại phân tán sức mạnh đoàn kết tập thể của chúng ta. Nhưng nếu những đánh phá và thù nghịch giữa các hội đoàn là một trong những cách đối phó có tổ chức dưới sự điều khiển của tập đoàn cộng sản trước tình hình đấu tranh mạnh mẽ của người Việt ở khắp nơi trên thế giới thì hơn bao giờ hết chúng ta cần phải bình tĩnh và sáng suốt.
Tất cả những chương trình ‘‘giao lưu văn hóa’’, ‘‘tiếp đón kiều bào về ăn Tết’’, ‘‘mở cửa cho Việt Kiều về nước làm ăn’’, ‘‘trại hè giao lưu giữa thanh niên Việt Kiều và thanh niên trong nước’’, v.v., trước là để chiêu dụ Việt Kiều đổ thêm ngoại tệ vào Việt Nam, hay nói đúng hơn là vào túi riêng của các cấp lãnh đạo nhà nước, sau hết đó chỉ là những chính sách lọc lừa của cộng sản nhằm xoa dịu sự thù hận cũng như để gây cảm tình với cộng đồng người Việt tị nạn. Lẽ nào chúng ta lại quên 30 năm trước họ cũng đã từng lợi dụng sự mềm yếu trong tình cảm của chúng ta để chúng ta mở cửa cho cọp vào nhà" Đáng tiếc rằng hiện nay vẫn còn một số cá nhân và cơ sở thương mại ở hải ngoại chỉ vì lợi ích tầm thường và nhỏ nhoi trước mắt lại tiếp tay cho cộng sản Việt Nam và tai mắt bè lũ của chúng.
Chặng đường đấu tranh cho tự do dân chủ là một chặng đường dài và đầy khó khăn. Hơn bao giờ hết, chúng ta dứt khoát phải giữ vững lập trường và ý chí đấu tranh mạnh mẽ. Chúng ta phải thật sự đoàn kết trong tinh thần lẫn hành động. Và theo quan điểm của tôi, điều quan trọng nhất là chúng ta phải thật sự sáng suốt và nhạy bén, và luôn ở vị trí tấn công để dồn chính quyền cộng sản Việt Nam vào nhiều thế yếu và khó xoay sở (như trường hợp chính quyền Việt Nam bị áp lực phải thả một số tù nhân lương tâm vừa qua).
Đẹp biết bao hình ảnh một thân cây nhỏ bé sau trận bão tuyết dập vùi vẫn cố vươn mình tìm sự sống. Khâm phục biết bao câu chuyện về một phụ nữ Việt Nam suốt 33 năm nằm dài khổ cực nằm đan thúng nuôi con khôn lớn dù cơ thể bệnh hoạn tật nguyền. Trong bất cứ hoàn cảnh nào hay dù ở tận cùng của sự đau thương, bi quan, và tuyệt vọng, mỗi người chúng ta nên nhớ niềm tin và hy vọng mạnh mẽ sẽ thắng. Chặng đường đấu tranh lật đổ chế độ độc tài cộng sản Việt Nam ngắn hay dài là tùy thuộc vào chúng ta. Nhìn lại chặng đường 30 năm đã qua và hướng về tương lai phía trước, xin được trích dẫn câu nói của Edmund Burke để chúng ta cùng suy ngẫm:
‘‘The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.’’
(Tạm dịch: Điều duy nhất cần thiết cho sự chiến thắng của kẻ xấu là khi người tốt chẳng làm gì.’’)
Trong suốt thời gian còn đi sinh hoạt, tôi may mắn được sự yêu thương, hướng dẫn, và dìu dắt của bố mẹ và các cô chú bác và anh chị đi trước. Từ ngày đầu tiên tham gia sinh hoạt, tất cả những gì tôi học hỏi được về thảm trạng của đất nước và đồng bào Việt Nam trong suốt thời gian dài chiến tranh và kéo dài đến 30 năm sau khiến tôi càng muốn tìm hiểu nhiều hơn.
Mười lăm năm qua, trong lòng tôi lúc nào cũng âm ỉ ngọn lửa yêu thương đất nước và đồng bào của tôi, dù đôi lúc tôi không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi và chán chường với những gì tôi chứng kiến xảy ra trong cộng đồng và giữa những người tự xưng là hy sinh vì lợi ích chung. Tôi biết chắc rằng ngọn lửa đó chưa và sẽ không bao giờ tắt trong tôi. Cho nên giờ đây, tuy hoàn cảnh hiện tại không cho phép tôi đóng góp sức mọn vào việc chung của cộng đồng, tôi đã, đang, và sẽ tiếp tục dùng hết khả năng của mình để giúp một tập thể nhỏ, một gia đình, hay một cá nhân nào đó ở quê nhà.
Trước đây, sự giúp đỡ với tư cách cá nhân của tôi tới những gia đình nghèo trong nước có phần giới hạn về tài chánh. Trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, tôi đã vận động từ gia đình, người quen, bạn bè, và bạn chung sở được một số tiền khá lớn để giúp đỡ hai gia đình rất khó khăn và đáng thương mà tôi tìm được qua hệ thống báo chí trên mạng (gia đình chị Mai ở tỉnh Quảng Bình, người phụ nữ đã hy sinh tính mạng để cứu người sắp chết đuối và để lại người chồng bịnh tật và bảy đứa con thơ, và bà Thanh 60 tuổi và đàn cháu nội ngoại nheo nhóc ở Sài Gòn). Tôi hy vọng và tự hứa sẽ tiếp tục việc làm có ý nghĩa này ít nhất là mỗi năm một lần.
Nếu có ai hỏi tôi em muốn biết hay có ao ước gì cho đất nước, lịch sử, xã hội, và con người Việt Nam, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng ao ước lớn nhất của tôi là được tiếp tục sinh hoạt đấu tranh cho đến một ngày được tận mắt nhìn thấy đồng bào tôi ở quê nhà thật sự có những quyền lợi cơ bản của một con người và đời sống sinh hoạt của phần đông dân chúng được thoải mái ổn định như ở một số quốc gia hùng mạnh trên thế giới như Ức, Hoa Kỳ, v.v..
Nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm 1975-2005, xin được một lần nữa cùng với hàng triệu đồng bào Việt Nam ở khắp mọi nơi và tất cả những ai còn quan tâm đến Việt Nam thắp lên ngọn lửa đấu tranh và ngọn lửa của yêu thương và hòa bình.
Hãy đánh thức trái tim chúng ta.
Hãy cùng cầu nguyện cho đất nước và toàn dân Việt Nam sớm có ngày sống trong tự do, thanh bình, và ấm no hạnh phúc.

ĐỖ THỊ VÂN ANH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,692,029
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến