Hôm nay,  

Tóc Bím Ngày Xưa…

16/08/200500:00:00(Xem: 124651)
Người viết: PHỤNG LINH
Bài số 806-1395-232-vb4081705

Phụng Linh, dân Saigon cũ, tới Mỹ du học bằng... visa du lịch. Trước 1975, cô học Gia Long, rồi trường luật Saigon, ban công pháp quốc tế. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Du Học Tuổi 55” kể chuyện cô một mình ø tìm tới với thế giới khác thường của một đại học cộng đồng tại Hoa Kỳ. Và lần này là một truyện tình.
*

Chiếc xe chất đầy hành lý “uốn éo” một hồi mới “tiếp cận” hàng song sắt cổng ngoài phi trường Los Angeles. Một cô gái tóc tém có dáng cao cao, khuôn mặt tròn khá đầy đặn, bước đến chặn ngang…Tôi vừa kịp kêu lên: “Á, Phan Linh. Em đợi lâu không"” Cô gái cười hền hệt, vuốt nhẹ vào vai tôi: “Chà, mệt hôn cha nội"” “Đoàn” chúng tôi từ VN sang Mỹ chỉ có ba người: mẹ, Út Tiên và tôi, được anh chị Hai và Phan Linh đón tại hàng rào song sắt…
“Cú” nhìn đầu tiên hướng về người con gái mười mấy năm xa cách đã làm tôi bần thần…Tóc Bím của tôi bây giờ lạ quá. Tôi ôn lại ngày xưa còn bé. Tóc Bím – Phan Linh có biệt danh này vì cô thường thắt bím hai bên để dài xuống vai từ lúc lên năm. Cũng đôi mắt to tròn và cái miệng chúm chím, hay cười mà không chịu hở môi. Tôi nghe mẹ kể hồi hai đứa mới lên ba tuổi ngồi dọc nước ở bãi biển Vũng Tàu, tôi rất thích nắm hai bím tóc của Phan Linh giựt mạnh; vốc nước biển đầy cả hai lòng bàn tay nhỏ xíu hất vô mặt cô bé…Phan Linh hét bài hãi rồi vùng chạy, tôi rượt theo cười rú lên một cách vui sướng…Hai đứa vào trung học, tôi thường ngắm nét mặt nghiêm trang, ngoan hiền của Phan Linh lúc cô chăm chú nghe thầy giảng. Cô nổi tiếng khó tính: ít nói, ít cười nhưng rất chăm chỉ học hành. Hầu như suốt bảy năm ở trường trung học, Phan Linh không có bạn trai nào khác ngoài tôi – cậu hàng xóm cũng được khen là …siêng năng, hiền hậu (chứ có bao giờ tôi lại tự khen mình"!) Tôi còn nhớ một ngày trời mưa tầm tã, Tóc Bím từ đường lớn chạy vội vào hẻm nhà, mình mẫy ướt mem. Tôi hốt hoảng chạy ào ra đưa hai bàn tay lên che đầu cho nàng, vô tình chạm nhẹ vào đôi vai mềm thon thả. Phan Linh vừa giận, vừa mắc cỡ xô tôi thật mạnh, rồi chạy thẳng vào nhà cô ở cách đó vài căn. Suýt nữa thì tôi bị mẹ nhéo tai vì cái tội “dê” sống sượng người con gái xinh nhất trong xóm.
Vài tháng sau, Phan Linh và gia đình “đột ngột biến mất khỏi khu xóm”, tôi buồn rầu hối tiếc vì chưa kịp nói tiếng yêu. Tôi không có ai khác ngoài Tóc Bím bước vào trái tim mình. Học xong đại học, tôi trở thành thầy giáo và im lìm chờ đợi ngày đoàn tụ với gia đình anh chị ruột ở Mỹ. Cho đến một ngày mùa hè, mẹ của Phan Linh bỗng dưng xuất hiện. Bà từ Mỹ về thăm xóm cũ, trông thật trẻ, cùng mẹ tôi tay bắt mặt mừng. Bà cho địa chỉ và chúng tôi bắt đầu gặp nhau mỗi ngày qua chat, nhanh chóng nối lại tình bạn ngày xưa. Tóc Bím – tôi thích gọi cái tên quen thuộc này hơn là tên Mỹ của cô: Linda Phan. Ngôn từ của Phan Linh có vẻ cộc lốc nhưng tôi lập tức bào chữa cho nàng: “Chắc bây giờ người ta làm ăn giỏi, lương cao nên cái giọng nói lúc nào…cao cao, thế thôi! Dễ hiểu mà!”
Mẹ và Út Tiên ngồi xe van của anh chị Hai. Tóc Bím lái xe chở tôi chạy theo sau. Xe phóng vun vút qua những con đường mới lạ, tôi mãi ngắm những tàng cây cọ dừa cao vút; những khu nhà ngói đỏ, ngói nâu ẩn hiện sau những bồn cỏ xanh thẫm. Phải mất mười mấy năm, ba người chúng tôi mới được anh Hai bảo lãnh qua Mỹ. Căn nhà của anh chị Hai sơn màu xanh và xám nhạt mà tôi rất thích có một phòng riêng cho tôi. Mẹ và Út Tiên tạm thời ở chung một phòng. Anh Hai phác thảo kế hoạch tương lai của tôi và Út Tiên: cùng đi học lại tiếng Anh trước khi vào đại học. Nếu cần tiền, chúng tôi sẽ vay của nhà trường. Ừ, anh Hai lo được như vậy là tốt quá rồi. Tôi tự nhủ sẽ rán tiện tặn với những đồng tiền của anh Hai cho và cố gắng học giỏi, kiếm job “thơm”, lương cao để trả ơn mẹ và anh chị Hai. Tối nào tôi cũng hôn lên tóc mẹ một cái để “nghe” lòng hả hê vì còn có mẹ chiều chuộng, chăm sóc.
Mẹ không cho tôi gọi Tóc Bím vì nó nghe xưa quá và “ngây ngô” quá. Chiều mẹ, tôi cố quên cái tên mộc mạc đến dễ thương ấy. Phan Linh và tôi tiếp tục gặp nhau qua chat, trong khi hai bà mẹ thỉnh thoảng gọi phone nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ. Vào dịp cuối tuần, Phan Linh thường lái xe đến đón chúng tôi đi chơi biển, khi thì Redondo, khi thì Huntington beach, khi là San Petro… Linda Phan, tôi phải gọi lại tên nàng cho đúng, lúc nào cũng liến thoắng và tỏ ra mau mắn. Nàng chủ động làm hết mọi thứ, kéo ghế ngồi – một cách tự nhiên, gọi thức ăn và ăn trước mọi người. Nàng nói một cách hồn nhiên, như không cần suy nghĩ. Tôi ngồi phía đối diện, trố mắt nhìn Linda vừa ăn vừa cười, vừa nói cùng mấy người bạn trai, thỉnh thoảng lại vỗ mạnh vào đùi anh chàng ngồi cạnh… Nàng chọc ghẹo cả anh Hai: “Bữa nào đi Las Vegas, hai anh em mình thức đánh bài suốt đêm nhen”…
*
Chỉ một tuần lễ sau ngày đến Mỹ, tôi bắt đầu cảm thấy dễ chịu, thanh thản và thích cái không gian yên tĩnh, trong lành. Nhưng Út Tiên thì hầu như đêm nào cũng khóc, khóc khi vừa nằm xuống giường. May là cô ngủ chung phòng với mẹ. Tôi cười chọc “quê” cô bé, nhưng mẹ lại tỏ ra ái ngại. Út Tiên than buồn nhớ nhà (còn nhà đâu mà nhớ kia chứ"), nhớ người yêu…À, về điểm này thì có thể chấp nhận được. Tôi lựa lời an ủi, Út Tiên lập tức nguýt dài, tỏ ra không cần ai thông cảm. Cô nói: “Anh có người yêu ở đây, còn em thì …không!” Và Út Tiên khóc hù hụ ngon lành.
Thật sự thì cũng có lúc tôi thấy buồn đến thắt ruột. Nơi chốn này hoàn toàn xa lạ với tôi. Hình như có một cái gì đó quen thuộc của cuộc sống tôi đã bị lấy mất. Nơi chôn nhau cắt rún ai mà lại không đau xót khi phải rời bỏ" Mọi thứ trong cái căn nhà nhỏ của chúng tôi, từ gốc mận mà chúng tôi thường hay chơi năm mười, đến cầu thang gỗ Út Tiên thường rượt đuổi theo tôi để …xin ăn, đâu đâu cũng đầy ắp kỷ niệm. Màu sáng xanh của ánh đèn neon những đêm chúng tôi theo dõi các trận cầu quốc tế trong tiếng reo hò ầm ĩ của… cả xóm. Cái bàn học chi chit những chữ quằn quện của Út Tiên và tôi “đấu khẩu” nhau. Út Tiên vừa “phang” một câu lên mặt bàn: “Anh Ba là con bò. Học ngu mà tối ngày ham ngủ và ham…đá banh”, lập tức tôi trả đũa bằng một hàng chữ bằng mực đen to đùng: “Út Tiên hay khóc nhè như bún thiu. Nhỏ mà không học, lớn đi… xách bô cho anh Ba”. Không ai nói với ai nhưng cả hai chúng tôi đều nặng quằn một nỗi nhớ mỗi lần tưởng tượng về căn nhà nhỏ ấm cúng của mình ở trong xóm nghèo…


Tôi biết mẹ cũng lo buồn, nhưng mẹ cố giấu kín. Sự bộc lộ của mẹ có thể làm Út Tiên không đứng lên được. Út có bạn trai và muốn ngất xỉu trong buổi tối chia tay ở Tân Sơn Nhất. Tôi bỗng trách số phận. Không ai bắt mình phải như thế này. Tôi chợt nghĩ, mình đã chọn sự đổi thay thì tại sao mình lại không thay đổi được" Tôi bật cười cho cái “lý sự cùn” của mình. Đôi khi “lý sự cùn” ấy cũng giúp mình vượt qua số phận hẫm hiu. Và tôi biết ba cái “lý sự cùn” ấy – đôi khi tôi bộc lộ cũng nhằm để giải tỏa nỗi băn khoăn, đã làm Linda bực mình. Trong chat, nàng cáu lên:
- Em không có thời giờ để nghe anh than thở. Lý sự nhiều quá sẽ không làm được gì!
- Ồ không, anh chỉ muốn nói để em hiểu.
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
Và tôi im lặng.
Mắt cay xè nhưng vẫn không sao ngủ được, tôi lồm cồm ngồi dậy, dán mắt qua cửa sổ kính nhìn ra những ngọn đèn vàng nhảy múa ở ngoài sân. Yên tĩnh. Thinh lặng. Hai hàng xe hơi bóng loáng dưới ánh đèn nằm im thích, sau một ngày miệt mài lăn bánh.
Tôi ngồi vào máy tính, lướt qua những cái tên bè bạn trong Yahoo! Messenger. Trường cũ của tôi ở VN đang có nhiều mối lo: kiến thức của học sinh ngày một lùi; đồng lương của giáo viên ngày càng vơi so với vật giá…Tôi “bắt gặp” chị Thu – bà chị họ đang ở Westminter đã sang Mỹ được hai năm, đang lướt trên web trong khi anh Thu đã ngủ say. Tôi trêu chị:
- Chị không ngủ được à" Đang nhớ ai"
- Nhớ bà già tao chứ nhớ ai. Thằng quỷ nói bậy nói bạ không hà.
- rời ơi, chị đã ở đây hai năm rồi mà vẫn còn nhớ VN sao"
- Làm sao không buồn được hả em" Anh Thu đi làm từ sáng đến chiều mới về, bỏ chị ở nhà ngồi chong ngóc giống như ở tù vậy. Chị chưa điên là may.
- Ừ, thôi thì rán đi chị ơi.
- Còn mầy chừng nào lấy vợ" Mầy với Linda sao rồi" Chị thấy đám trẻ tụi bây sao hư quá. Con riêng của anh Thu, - vợ chồng thằng Quang đã ly dị rồi. Anh Thu buồn rầu, chị phải an ủi ảnh hoài.
- Ủa, sao vậy chị" Thằng con 5 tuổi làm sao"
- Mẹ nó đang giữ con. Thằng Quang về VN kiếm bạn gái rồi. Thiệt khổ ghê.
-…
Tôi chạnh lòng nhớ đến Tóc Bím – à không, Linda của tôi bây giờ. Hai bà mẹ đang “thả nổi” cho chúng tôi tìm hiểu lại nhau sau mười mấy năm xa cách. Hơn nữa, khi tôi định nói yêu Linda là lúc cả hai còn quá trẻ. Có gì tồn tại được với thời gian kia chứ" Sự thật là tôi vẫn xúc động mãnh liệt khi gặp lại Tóc Bím ngày xưa. Tôi muốn hôn lên đôi môi chúm chím dễ thương đó… Nhưng hình như khi ở bên cạnh nàng, có một cái gì đó đã làm sự hưng phấn trong tôi chùn xuống, chỉ còn lại một cảm giác lạnh lẽo đến vô cùng… Vì không còn tóc bím ngang vai hay vì Linda thiếu đi tính nết đằm thắm, dịu dàng ngày xưa" Hay vì nàng không còn trinh trắng" Linda đã từng nói thẳng điều đó với tôi, khiến tôi luôn luôn ngờ ngợ tình cảm của nàng đối với mình. Tôi không quá phong kiến để không thể yêu được một người đàn bà.
Đêm đó, tôi thức trắng. Sáng hôm sau, tôi gọi phone nói chuyện khá lâu với Quang. Anh chàng tâm sự đủ điều, như thể muốn truyền cho tôi “kinh nghiệm tình trường”. Quang lên án đàn bà - con gái Việt ở xứ Mỹ không biết phục tòng chồng, thiếu mềm mỏng, thậm chí là chuộng lối sống “tự nhiên chủ nghĩa”. Ngọc - vợ của Quang đi làm về chẳng hề đếm xỉa gì đến Quang. Nhiều buổi, cô đi shopping, để anh chờ cơm hàng giờ…Lý lẽ của Quang làm tôi giật mình. Ngọc xử sự như Tây. Có nhiều chuyến đi du lịch, mạnh chồng – chồng đi, mạnh vợ - vợ đi vì không mua vé được cùng hãng máy bay, hoặc cùng một giờ bay. Đến nơi hai người mới “ráp” lại. Đôi khi Ngọc đi xem phim với bạn và rồi sau đó “cho phép” Quang được đi với người khác để gọi là cho “sòng phẳng” và “công bằng”.
Cuối tuần, gặp anh Thu - cha ruột của Quang, tôi tò mò hỏi nguyên nhân làm cho đôi trẻ chia tay. Anh đưa ra lời kết luận lạnh lùng: “Chúng nó không hợp tính nhau. Thằng Quang sống ở VN lâu, thiên về tình cảm. Vợ của nó sang Mỹ lúc còn bé, làm gì, nghĩ gì cũng…thẳng tuột. Quang nghĩ rằng vợ nó quá lạnh nhạt và không yêu nó. Thật ra tụi nó đâu có lăng nhăng, bồ bịch gì. Tại đứa nghĩ vầy, người nghĩ khác nên không chịu nhau”. “Á à”, tôi kêu lên trong cổ họng. Chuyện tình của Quang và Ngọc làm tôi tê tái. Một người thích được nuông chiều như tôi có thể sẽ bị sốc nặng như Quang nữa đây.
Liên tiếp trong nhiều cuộc ăn uống vui chơi trong gia đình, tôi đem chuyện của Quang ra làm đầu đề bàn bạc. Chị Kiều, bạn của chị Hai tỏ ra bất bình về nhận định của Quang. Chị cũng đã ly dị gần mười năm nay và sống vậy nuôi đứa con gái độc nhất đã xấp xỉ hai mươi. “Đừng cho rằng sống kiểu Mỹ là dở. Sự thật thì người Mỹ họ tình cảm lắm. Vợ chồng họ đối xử với nhau rất tình nghĩa. Vợ chồng dễ ly dị chẳng qua là làm việc cực khổ quá, không dễ dàng tha thứ cho nhau khi có một bên va vấp chuyện gì đó trong cuộc sống chung”.
“À á”, tôi lại kêu lên. Chị Kiều nói cũng đúng chứ. Tôi nhớ lại câu chuyện của cô Ba Céline và ông chồng Mỹ của cô. Đôi uyên ương này đã gần 70 – 80 tuổi mà vẫn khắng khít như thuở đôi mươi. Mỗi sáng trước khi đi làm, dượng Ba hôn cô Ba một cái và đến giữa trưa thì phone về nhà để nói với vợ: “Anh yêu em. Anh nhớ em”…Cô vừa đưa dượng về thăm Việt Nam. Nhìn cô nhún nhẩy, quơ hai tay qua lại theo điệu nhạc trên xe và nhìn dượng mặc áo phao, nhảy xuống biển Nha Trang vui đùa, không ai nghĩ rằng họ là những người già cỗi.
Sáng nay mẹ lại hỏi: “Chuyện hai đứa đã đến đâu rồi"”. Tôi cười buồn, cắn môi mà không biết trả lời sao.
Linda đang chờ tôi ngỏ lời, còn tôi thì chờ cái đằm thắm của nàng bật đèn xanh cho tim tôi nhảy xổ đến! Cuộc sống chung trở thành chuyện quan trọng chứ không còn đơn giản như tôi nghĩ. “Không thể nào hai người cảm thấy sao sao đó, và nói được với nhau mấy tiếng I love you là có thể thành vợ thành chồng được rồi, phải không mẹ"”, tôi hỏi lại mẹ.
Mẹ bật cười, chừng như đọc được suy nghĩ của tôi:
“Đây là đất Mỹ chứ không phải xứ sở VN con à!”
Nhưng thưa mẹ, đâu phải người Mỹ nào cũng sống lạnh lùng" Tôi muốn nói nhiều song ngại “lý sự cùn” không phải đạo của mình. Mẹ ơi, con tim có lý lẽ của nó và con vẫn chưa quên được Tóc Bím ngày xưa. Con đang chờ trái tim lên tiếng. Xin mẹ hãy tiếp tục chờ con!

PHỤNG LINH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến