Hôm nay,  

Như Hòn Sỏi Lăn (1)

17/07/200500:00:00(Xem: 141846)
Người viết: CẨM VÂN
Bài số 786-1365-211-vb7071605

Tác giả tên thật là Trần Thị Cẩm Vân, sinh năm 1954, hiện cư trú tại Pháp. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là một truyện tình thơ mộng mà éo le, nhân vật là người Việt ở Mỹ, cảnh ngộ Việt, tâm tình Việt nhưng diễn ra tại vùng biển du lịch nổi tiếng của nước Ý.

I. Loan đừng lại trên đường dốc dọc sườn núi, vươn mình kéo thẳng lại dây xách đeo vai trong có khăn tắm, quyển truyện và những món đồ lặt vặt, linh tinh , mắt nhìn trời biển mông lung xa xa.
Bên lề dốc, những cây xương rồng xanh như ngọc, cành lá bầu bầu, dẹp dẹp với từng chùm kim gai nhọn như tơ óng ả dưới ánh nắng mọc phủ đầy hai bên triền núi mà đây là lần đầu tiên trong đời Loan mới nhìn thấy. Có cành còn mang hoa với những cánh nhọn dài vàng mướt trông như hoa Thanh Long. Có cành mang trái non xanh mướt. Có cành mang trái chín đỏ nhạt hình bầu dục, cúi xuống thật gần mới thấy rõ từng nhúm gai ngắn bọc đầy quanh trái. Một loại cạm bẩy bất ngờ cho ai bất cẩn hái trái bằng tay trần một cách thờ ơ, vô ý tứ. Thật là ngộ nghĩnh và nguy tai, khác hẳn với trái Thanh Long đỏ tươi mang râu xanh xanh mường tượng như râu rồng, xinh đẹp, hiền hòa biết mấy.
Núi đá dài xoãi vòng tay ôm dấu kín Sperlonga, một bãi cát vàng trải dài, gần như là bãi riêng của khách sạn vì xa đường quốc lộ, cách xa thành phố lớn, lại khuất mình sau dãy núi nên rất ít người ngoài biết mà tìm đến tắm.
Một đầu bãi có vách núi ra tới biển với khoảng trống bên dưới trông như cổng thiên nhiên của căn nhà lộ thiên, không cửa đóng, vĩ đại như dành riêng cho người khổng lồ qua lại. Nơi đó là lối dẩn từ đường lớn vào, có tráng xi măng dẫn tới bãi đậu xe xây bên triền vách đá, cạnh căn nhà hàng bằng gỗ thô của khách sạn .
Cuối bên kia bãi, núi cũng nhô ra sát tận bờ nước, sóng đánh rạt rào lên tường đá khi nước biển dâng lên cao che khuất lối. Khi nước triều xuống để lộ lối đi nhỏ vừa đủ một người len sang bãi khác nhỏ hẹp và kín đáo hơn.
Nhỏ hẹp và kín đáo! Loan hài lòng với hai từ ngữ về bãi biển ở đây. Không như bãi biển ở Cali. Dài minh mông nối tiếp nhau. Rộng mở phơi bày không chút dấu diếm riêng tư. Đến độ xa lộ cũng men dọc biển.
Hôm nay trời cao vời vợi, màu xanh dương bát ngát điểm vài đám mây trắng như những gối bông lơ lửng làm lòng Loan nhẹ lâng lâng.
Tưởng như màu xanh nhẹ tâng cuốn Loan bay bay vào vùng trời thơ và mộng.
Tưởng như gót chân Loan không còn chấm đất.
Tưởng như Loan không còn ở thế giới con người.
Loan mĩm cười, trong lòng thơ thới hân hoan, thủng thẳng nhẹ bước xuống từng bậc thang làm bằng từng thân gỗ thô đóng men vách đá.
Bây giờ hãy còn sớm, chưa hết giờ điểm tâm, khách có lẽ còn trong khách sạn chưa ra nên còn vắng bóng người trên những ghế dài trãi xếp hàng ngang dọc thứ tự trên bãi cát. Riêng Loan, mặc dù theo chồng sang Mỹ đã sáu tháng nay nhưng ngày nào cũng dậy từ tờ mờ sáng như khi còn ở Việt Nam. Bây giờ dù đi nghỉ hè nhưng Loan chưa quen cung cách thức khuya dậy trễ như dân du lịch chính cống nên hầu như chưa gặp gỡ ai trên con đường men dốc núi đó khi xuống biển.
Tới bãi, Loan chọn cho mình một ghế dài, thả áo ngoài xuống, thoa kem chống nắng lên người rồi mở sách ra, nằm đọc truyện cho qua giờ.
Từ hôm đoàn du lịch tới đây, đều đặn ngày nào như ngày nấy, Loan xuống bãi nằm phơi cho đến lúc nắng nóng bỏng da thì dậy đi dạo dọc bờ nước biển. Để sóng nhẹ vuốt chảy xuôi theo bàn chân cho đến lúc cát cuốn đi để hai chân như lọt vào hố làm mất thăng bằng. Hay lội bì bõm trong làn nước mặn cho làn nước vỗ mạnh vào hai đùi rồi cuốn đi, ve vuốt làn da trần. Tuy Loan biết lội nhờ thuở nhỏ tập bơi với bập dừa trong sông rạch gần nhà, nhưng ở đây một mình Loan chưa đủ tự tin để liều lĩnh xuống lội một mình.
Loan nhớ đến bãi biển Venice ở Cali có lần Lân đưa đi chơi cuối tuần. Chỉ đi dạo vòng quanh đường dành bộ hành xây dọc bờ biển. Ngắm người tập tạ luyện cơ bắp cho vai u, thịt nần như những bức tượng đồng, căng bóng dưới ánh nắng. Ngắm cửa tiệm buôn bán nhộn nhịp. Hàng quán bán cà phê, kem đông người ăn uống. Chỉ toàn đi bộ hàng cây số chưa được nhúng chân xuống biển, nói chi đến tắm. Mặc dù nước biển gần gũi mà lại xa vời.
Thuở ở nhà làm xưỡng may, cực nhọc từ sáng đến chiều không đủ giúp nuôi gia đình, Loan cứ ước mơ có dư tiền, được một ngày rãnh rỗi đi chơi Vũng Tàu chẳng hạn cho biết biển ra sao. Nghe bạn bè ca tụng biển là minh mông, gió cả trắng bạc đầu con sóng, cành phi lao rì rào, nhìn không gian bao la vô định, Loan mơ biển đẹp như trái hạnh phúc không bao giờ với tới.
Ước mơ thay đổi không khí khi ngày ngày hít thở bụi bặm, cái nóng hầm hập, ngộp thở trong căn xưỡng lợp tôn, mồ hôi âm ỉ đượm mái tóc, ướt đẫm áo quần.
Ước mơ thay đổi không khí khi ngày ngày ngồi còng lưng, ê ẩm từng khớp xương trước bàn máy may đóng khung làm bầu trời riêng biệt suốt mười giờ đồng hồ. Khung trời thân quen mà Loan đã chia sớt với hàng trăm chị em đồng nghiệp suốt ba năm giờ này đã thuộc vào một dĩ vãng nào quá xa lạ, như một vùng ảo ảnh xa xăm, không còn chút liên hệ nào với Loan nữa.
Bây giờ nhờ chồng giúp đỡ đủ tiền để cha mẹ được bình tâm chăm lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn như mong ước, nàng lại có cơ hội theo chồng đi du lịch đây đó, cuộc đời cứ ngỡ là giấc mơ ban ngày. An bình. Thoải mái. Vô tư.
Không ngờ chỉ hai ngày đi tắm biển, lang thang ngoài bãi một mình là Loan đã cảm thấy buồn buồn, nhơ nhớ những người bạn cùng xưởng may, cùng chia sẻphòng trọ, cùng cơ cảnh nghèo hèn.
Tuy lúc đó làm việc cực nhọc, đồng lương chật vật, phải nhín nhút, xoay sở nuôi gia đình nơi quê, nhưng dù sao ngày ngày cũng có người đồng hoàn cảnh, đồng tâm sự nên dễ nói chuyện, dễ hiểu nhau.Như người nói cùng một ngôn ngữ, rõ ràng, không gút mắc.
Đàng này thì đi chơi thăm cảnh đẹp, chút gì cũng là mới lạ, Loan chỉ mong có ai đó để chia xẽ một chút gì vui, buồn, hay có suy tư, thắc mắc cũng có ai đó góp ý cùng. Người bản xứ dễ thương, mỗi lần họ líu la líu lo, múa tay, múa chân dông dài là Loan phát hoảng. Vừa lo sợ họ nổi giận, vừa buồn cười cảnh khôi hài, ông nói gà, bà nói vịt. Thật không cùng ngôn ngữ, tập quán, không biết dùng cách nào cho không hiểu lầm, làm phật lòng nhau .
Chồng thì hơn cả tuổi ba má Loan, Loan kính nể hơn yêu thương. Mặc dù hai người có cùng một thứ tiếng nhưng không cùng thế hệ nên Loan cũng không biết mở ngỏ thế nào để cho chồng hiểu được. Khi nhìn nét đăm chiêu, suy tư của chồng mà có hỏi han để xin chia sẽ mối lo âu của chồng rồi chỉ nhận được cái lắc đầu: "Em không hiểu đâu" là lòng Loan tê tái. Chỉ muốn khép cửa lòng năm bảy lượt. Vo tròn nỗi đau dấu kín thật xa, thật sâu để đừng cho giòng át xít tủi hờn, chua chát, nhỏ giọt ăn ruỗng đầu óc, hao mòn tâm tư, buốt xót ruột gan.
Sống như người vô giác, không nhìn, không cảm, không nghe, không thấy để tê dại niềm vui, chai đá đi nỗi buồn, khô héo cả mộng mơ. Sống như con số không không tròn vòng lăn mỏi trên con đường mòn cuộc đời. Sống thật đơn giản. Sống thật vô tư. Sống để mà sống thôi!
Suốt ngày hè đẹp đẽ Loan không biết làm gì, cũng không biết đi đâu. Lạ nước, lạ cái. Lạ người, lạ phố, lạ chợ. Cho nên Loan cứ loanh quanh trên bãi cát và khoãnh biển mới đó mà như của riêng mình. Mắt quen tìm từng đàn cá ánh bạc uốn lượn quanh quẩn giữa nhưng hòn đá đen thẫm quấn quít sợi rong dập dờn trong làn nước trong veo. Bước chân như quen từng hạt cát, từng viên sỏi lăn dưới chân nước triều.
Nhìn bàn chân trắng lạnh trong làn nước trong khuấy động lớp cát vàng mà lòng Loan dày vò những thắc mắc.
Không biết tại sao Lân lại tốn tiền, cất công đi máy bay cả nửa vòng trái đất đến bãi biển xa lạ nhỏ nhoi này" Từ LAX đến phi trường Chicago. Rồi đổi máy bay đến Rome. Rồi xe đò của hãng du lịch. Một ngày bó chân giữa hai hàng ghế chật hẹp. Tuy bãi biển ở đây đẹp, yên tịnh, tắm không nguy hiểm, nhưng ở Cali cũng có thiếu gì nơi mà Loan chưa được tới. Tại sao phải nhiêu khê như vậy"
Còn nếu sang Âu Châu sao không đi viếng Paris, hay Rome" Hay những nơi có di tích lịch sử như Lân hay nhắc tới! Và hứa hẹn sẽ đưa Loan đi thăm viếng một ngày nào!
Nếu có lý do gì đặc biệt, bí mật khiến Lân chọn nơi này để đến thì tại sao bây giờ Lân lại không làm gì khác hơn là chỉ nằm ngủ dã dượi cả ngày để Loan một mình chơ vơ"
Những câu hỏi như đèn kéo quân xoay vòng trong trí Loan. Nhưng bẩm tính kín đáo nên Loan chỉ giữ riêng cho mình những thắc mắc. Biết tỏ nỗi lòng cùng ai" Nào có ai quen biết quanh đây! Giá có má thì hy vọng Loan tâm tình cởi mở được! Mà xét lại thì cũng chưa chắc! Vì có thể má sẽ dạy: Con gái có chồng thì phải phục tùng chồng, có đâu đặt vấn đề rắc rối bận tâm chồng.
Loan lắc đầu.
Loan lại đâm ra mong mỏi, hy vọng hôm nay Lân sẽ khỏe hơn, chịu khó dậy sớm hơn để Loan có dịp chỉ cho chồng xem đàn cá lội. Nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất làm vui chồng. Để tỏ lòng biết ơn của Loan, đền đáp lại sự chăm sóc của chồng. Để tỏ niềm vui!
Ước vọng bâng quơ như thông lệ chứ rồi Loan biết chốc nữa cũng sẽ thui thủi khăn gói đi trở lên khách sạn trong đơn côi...
- Chào bà. Bà mạnh khỏe chứ"
Loan giật mình mở mắt, lúng túng ngồi thẳng dậy, nhìn bóng người in nổi trên nền trời xanh lơ, đáp lời không kịp suy nghĩ:
- Dạ chào ông. Tôi vẫn khỏe!
Loan trả lời máy móc trước khi nhìn rõ ngươì đàn ông trước mặt và nhận thức là hai người vừa cùng nói tiếng Việt. Người đàn ông mặc bộ đồ tây màu sẫm, sơ mi trắng trông lạ lẫm so với những người du khách. Thông thường thì du khách như những người trong nhóm mặc đồ thun, quần ngắn, màu lợt trông thoãi mái hơn. Có lẽ vì nghề nghiệp khiến Loan để ý ngay đến cách ăn mặc của người đối diện trước khi nhìn kỹ diện mạo.
Trông ông có lẽ độ ba mươi hơn. Nhìn gương mặt hao hao người Ý. Mũi cao. Tóc nâu. Mắt nâu. Chỉ khác dân bản xứ ở điểm mày thưa, râu nhẵn nên trông có nét gì đó như người Á châu mà Loan đã để ý ngay ngày đầu tiên đặt chân đến đây.
Nhưng nhận xét này cũng không giúp Loan hiểu được vì sao ông nói được tiếng Việt thành thạo mặc dù với âm điệu hơi cưng cứng, không hoàn toàn lưu loát như người có giọng việt từ thuở mẹ sinh.
Như hiểu ý Loan đang nghĩ gì vì có lẽ không phải là lần đầu tiên người ta có phản ứng như thế, ông tự giới thiệu:
- Tôi sinh ra ở đây, học tiếng Việt ở trường đại học về ngôn ngữ rồi sang VN thực tập. Nghĩa là vai ba lô, cơm đường, bia chợ, xe ôm... Tôi xin phép được tự giới thiệu tôi là Arno Franceschi, làm quản trị cho khách sạn Hoa Biển. Bà gọi tôi là Arno cho dễ dàng.
Loan hơi ngỡ ngàng:
-- Hoa Biển" Ở đây có khách sạn Việt hay sao" Biết vậy tới ở với bà con cho vui!
Arno cúi đầu:
-- Tôi mạn phép dịch ra tiếng Việt vì nghe hay hơn chứ đó là khách sạn Schiuma di Mare nơi bà tạm ngụ đó.
Loan gật đầu cám ơn sự tinh tế của người mới đến, rồi chợt nhớ đã thoáng gặp khi có người tiếp chào đám đông lúc mới tới khách sạn:
- Cám ơn ông. Tôi nhớ đã gặp ông với những người cùng nhóm du lịch ngày đầu tiên mới tới. Tôi tên Loan.
Loan mỉm cười khi nghe người lạ lập lại Lo An, Lo An trước khi nối được hai chữ thành Loan.
Như người lang thang lạc bước trong sa mạc bao lâu mới tìm gặp được ốc đảo, Loan hân hoan soi mình, ngụp lặn trong giòng nước mát cảm thông. Chút tình thân quen mới tạo như cơn mưa rào tưới mát khoảng đất khô cằn héo hắt mong đợi mưa móc từ bao tháng nay.
Loan như tươi, như vui, như đắm đuối, như bao năm vắng mặt mới gặp lại bạn hiền.
Loan huyên thuyên tâm sự, kể hết chuyện to sang chuyện nhỏ không dứt nguồn. Arno cũng là người bạn khéo gợi lòng tin, ân cần khéo léo hỏi han, nên chẳng bao lâu cuộc đời nhỏ nhoi của Loan đã không có gì là xa lạ nữa với chàng. Vết thẹo lúc trồng trái thuở nhỏ trên vai, vết phỏng trên cổ tay vì ủi gấp gáp cái áo cưới nên bất cẩn chạm vào da phồng nước đến độ phải quấn băng ngày cưới cũng được Loan hãnh diện mang ra làm chứng cớ.
Buổi sáng rón rén, nhẹ nhàng qua đi lúc nào Loan không để ý. Đến khi Arno như nhớ lại chuyện gì, đưa mắt nhìn quanh có ý dò hỏi xem chồng Loan có ở đâu đây, Loan choàng tỉnh giấc mơ, nhớ đến hoàn cảnh hiện tại của mình mà cúi đầu thoáng nét buồn trên mắt:
- Ông ấy có lẽ hãy còn ngủ trong phòng chưa thấy xuống đây.
Arno như nhận thấy mình bất cẩn gợi buồn cho nàng nên nói lãng sang chuyện khác:
- Từ ngày đến đây Loan đã đi viếng cảnh quanh vùng này chưa: núi lửa Vesuvio, Pompei, suối nước nóng"
Loan lắc đầu:
- Từ ngày đến đây ông ấy mệt, cả ngày chỉ ăn và ngủ thôi, chưa có cơ hội đi đâu cả. Nghe nói khách sạn có tổ chức những buổi du ngoạn chung với nhóm du khách mà vợ chồng Loan không có ghi tên. Cũng tiếc thật, nhưng nơi mới lạ, lại không biết tiếng ngoại quốc nhiều Loan không dám đi đâu xa một mình. Rốt cuộc quanh quẩn ở đây cả ngày.
- Nếu Loan muốn đi chơi thăm viếng cảnh chung quanh thì ngày mai tôi xin làm thổ công đưa đi chơi cho biết. Ở miền nam Ý, núi, đồi, biển, không thiếu gì cả. Nhiều chổ có cảnh đẹp lạ. Nhiều nơi còn có nhiều di tích lịch sử. Nếu không tìm đến nơi thăm viếng cảnh cho biết thì uổng lắm. Chưa chắc ngày nào đó Loan còn có dịp ghé lại lần nữa để mà ngắm đó.
Loan ngẫm nghĩ thấy lý do Arno đưa ra thật chính đáng nhưng nàng còn ngần ngại, cân nhắc chưa biết trả lời sao cho thoả đáng.
Khi nghĩ đến ngày mai cũng lại đứng ngồi một mình chơ vơ trên bãi không người quen thuộc.
Khi hình dung chiếc khăn quàng phất phới trong làn gió ban mai.
Khi nghĩ tới viễn ảnh có người chia xẽ nụ cười, câu chuyện.
Khi nhìn nét mặt người mời mọc ân cần.
Loan nhắm mắt, gật đầu ưng thuận. Đã đâm lao thì cứ theo lao. Vui trước đã, hạ hồi phân giải.
Vả lại anh chàng bề nào cũng là ông giám đốc, quyền cao chức trọng, quản thủ bao nhiêu người, nắm trong tay bao nhiêu vấn đề, ắt phải đáng tin cẩn có chi mà lo sợ xa xôi.
Nét mặt Arno bình thản, không tỏ lộ ra vẻ vui cười, đắc chí. Y như việc Loan đồng ý là chuyện hiển nhiên. Anh chỉ tay về hướng bãi đậu xe sát cái cổng thiên nhiên dặn dò Loan:
- Sáng mai sáu giờ hẹn nhau ở đó nhé. Đi sáng sớm cho mát và đỡ kẹt xe. Mình đi xe gắn máy vậy Loan nhớ mặc quần chứ đừng mặc áo đầm nhé. Nhớ đem kính mát cho đỡ nắng và bụi. Đừng quên khăn quàng quấn cổ cho đỡ bị gió.
Arno đưa bàn tay cứng cỏi, ấm áp siết tay chào Loan rồi xoay lưng đi ngược lên triền dốc. Loan ngồi yên, mắt nhìn đăm đăm ra biển, lòng có tiếng reo vui như gặp lại người bạn thuở nào.
Như mình gặp lại mình.
Ngỡ như đang ở đâu xa mà không ngờ lại là vùng đất gần gủi quen thuộc vừa khám phá lại.
Ban sáng thật êm đềm, dễ thương như xoa dịu những băn khoăn, se thắt, giá buốt của tâm hồn trong những ngày thẩn thờ quanh quẩn tới lui, ngẩn ngơ không biết mình là ai, sống để làm gì trong cô đơn của sa mạc cuộc đời.
*

II. Loan mở mắt nhìn đồng hồ trên bàn ngủ trong ánh mờ tối lọc qua tấm rèm cửa sổ dầy nặng: đã bốn giờ sáng rồi!
Nàng nằm im mơ màng nghe tiếng ngáy đứt đoạn, mệt mề, cực nhọc như người đang leo dốc của chồng bên cạnh. Cũng may giường khách sạn rộng như bãi đá banh nên đê m đêm Loan rút lui ra xa được để tránh hơi thở phì phào, nặng nề kia.
Nhưng cũng có lúc mặc dù đã lặn lội lăn ra tới bờ giường mà chồng còn cố bơi theo để ôm ghì vào vòng tay như người sắp chết đắm thì Loan cũng phải chịu thua.
Đành nằm yên đến chết tê, chết cứng.Không dám nhúc nhích cựa mình.
Đành nằm yên dưới cánh tay, vòng chân đè nặng cả đời nàng.
Đành nằm yên mong chờ cho chồng mỏi lưng, trở mình mới dám xoay lưng nơi khác.
Loan nghĩ mông lung đến cuộc đời nàng.
Tuy cuộc đời mới chớm, đoạn đường trải qua chưa dài như Má, nhưng rồi có lẽ cũng gắn liền với chữ CHẤP NHẬN, CHỊU ĐỰNG, CHỜ ĐỢI như nàng Tô Thị trong Chinh Phụ.
Ngẫm lại thì số phần của Loan cũng như Má, như bao phụ nữ có cầm tinh là chữ nghèo khác, phải học chịu đựng thử thách, chấp nhận số phần.
Cũng vì thuở nhỏ thấy ba má cực khổ đầu tắt mặt tối chạy lo không đủ gạo ăn,cho nên bao ý tưởng, nghị lực, tâm sức của Loan đều dồn vào sự cố gắng giúp ba má thoát ra cảnh khó nghèo.
Khi còn nhỏ xíu Loan đã phải ở mướn cho nhà bà Tám Điền. Cực nhọc nhất là những lúc phải oằn lưng nấu cơm rồi khiêng gánh ra cho mấy chục người công cấy vào mùa cấy hay gặt.
Rồi lúc lớn hơn, cô Ba Bích thợ may thương mến Loan có bàn tay khéo léo nên đưa về cho phụ việc nhà bù vào việc học may không tốn tiền. Đến khi Loan có tay nghề thành thạo và may mắn tìm được việc làm trong xưỡng may đồ xuất ngoại thì gia đình mới gọi là đủ ăn hàng ngày. Tuy nhiên cái cảnh ăn bữa nay lo bữa mai vẫn chưa hết đe dọa gia đình.
Rồi nhân một ngày đến viếng xưỡng may, xem xét điều kiện sản xuất, Lân để ý tới Loan giữa hàng trăm chị em bạn đồng nghiệp. Sau đó Lân mời đi chơi dể làm quen và rồi nhanh chóng đề nghị cưới hỏi Loan đàng hoàng.
Cung cách nói chuyện lịch sự của Lân kèm lời hẹn giúp món tiền làm vốn cho ba má mở cửa tiệm ăn nho nhỏ đủ làm cơ sở nuôi lũ em ăn học khiến Loan gật đầu ngay. Đón nhận cơ may do thời vận đưa đẩy, không cần cân nhắc đắn đo lâu dài.
Cái mục đích xa vời, khó khăn, vô vọng Loan canh cánh đeo đẳng bao năm bất chợt như trái chín bổng hạ ngang tầm tay với.
Rồi tưởng như ba chữ tâm niệm kia sẽ chấm dứt với chữ nghèo khó, khổ nhọc. Nào ngờ đâu bây giờ lại còn gắn chặt hơn vào tâm thức và đời sống thường nhật của Loan. Điều khác biệt là ngày đó Loan biết mình chờ đợi gì nhưng không nhiều hy vọng đạt được nên bình tâm sinh sống không cần phải băn khoăn vấn dạ đi tìm xa xôi.
Còn hôm nay" Loan không hiểu mình đang mong mỏi gì mà sao ăn ngủ không yên. Lòng dạ thắt thỏm, xốn xang, trăn trở đi tìm những sương khói mong manh đâu đâu để bắt lại vào vòng ngón tay đan đợi chờ vận mệnh.
Loan nóng nảy lăn xích sát lại mí nệm rồi nhẹ giở tấm chăn mỏng lên, len ra khỏi giường. Nhón chân bước khẽ vào phòng tắm như thông lệ mặc dù phòng trải thảm, gót chân trần không vang tiếng bước đi ngang dọc.
Trong phòng tắm, Loan mở vòi, xã nước cho vừa ấm rồi để đầu óc thoát trần, nhắm mắt mơ màng, khoan khoái chờ giòng nước ngoằn ngoèo vuốt ve, cuốn trôi mang bao nhớp nháp của ban đêm. Khi thân thể như được gôm xoá nhẹ ưu phiền, Loan khóa nước lại, lau khô người, mặc bộ đồ đã chuẩn bị từ đêm qua, xoa tí kem cho mịn da rồi âm thầm ra khỏi phòng.
Chưa tới sáu giờ, nhưng trên cao ngày đã sáng dìu dịu, mờ mờ, long lanh điểm vài đốm sao.
Loan đi xuống con đường dốc núi quen chân từ mấy hôm nay. Trên đỉnh, mặt trời chưa thấy bóng. Cụm mây vừa thoáng hồng trên nền xanh dương chói. Ngoài biển xa xa, trời và nước hòa lẫn nhau một mầu xanh thăm thẳm như rong rêu trỗi dậy trong dêm nhớ nhung níu lấy chân trời thân quen.
Loan đi dọc sát chân dốc đá, men qua trước nhà hàng. Đến bãi đậu xe trống vắng, đã thấy bóng người tựa chiếc xe gắn máy cô đơn như người cao bồi và con ngựa sắt trên sa mạc đen. Sau khi chào hỏi, Arno đưa cho Loan bộ quần áo da:
-- Loan chịu khó mặc đồ này, đội mũ bảo vệ rồi mình đi. Chờ đến giữa đường sẽ dừng lại quán cà phê ăn sáng nhé.
Loan hồi hộp lên xe ngồi sau lưng Arno, tay ôm ngang hông người đàn ông trẻ với bờ vai che chở, vững chãi như dãy Hoành Sơn.
Tiếng máy xe vang đều đều như lời ru êm. Gió ù ù, thổi khăn quàng phần phật phía sau lưng. Mùi xăng hòa mùi nước hoa đàn ông làm Loan ngây ngây trong bóng lung linh nữa sáng, nữa mờ ảo.
Con đường liên tỉnh buổi ban mai mờ tối ngoài chiếc xe gắn máy hầu như không bóng xe cộ di chuyển. Vầng sáng trước xe như chiếc đèn lồng kéo dài lan đi như chiếc khiên bảo vệ hai người tiến nhanh, tiến xa đi tìm chân trời nào xa lạ, hoang vắng, không có loài người.
Loan nhìn ngoái lại sau lưng, rồi chung quanh, không biết nên vui cười hay sợ hãi với cảm tưởng như sống trong phim huyền hoặc kinh dị. Hình như loài người đã đi đâu hết không còn ai nữa trên cõi đời này, chỉ còn có hai người. Như mất hồn, hổn hển, hồi hộp chạy trốn cái gì nguy hiểm đầy đe dọa, không tên phía sau lưng. Như ngơ ngác, ngù ngờ, ngẩn ngơ, lấn quấn chạy tìm cái gì đó không tên, dài xa phía trước mặt, không biết ở đâu đâu.
Tìm mãi không xong!
Đi hoài không tới!
Sau hơn một giờ lắc lư với tiếng máy xe đều đều ru mơ, không gian như được dội rửa lần nước mát trong sáng hơn. Bầu trời đã phủi sạch màu tối đen của đêm, kiêu kỳ khoác lên áo choàng xanh điểm lân tinh lóng lánh. Loan đoán là đã vào gần thành phố. Hai bên đường có mái nhà nhọn nhấp nhô sau hàng cây, có nhà thắp ánh đèn hiu hắt trong bóng mờ.
Vào góc công trường nhỏ, Arno dừng xe lại cho Loan xuống rồi kéo chân xe dựng dưới gốc cây có mang trái tròn tròn nho nhỏ đu đưa dưới làn gió nhẹ ban mai. Loan tò mò đưa tay lên cấu chiếc lá, vò vò đưa lên ngửi: mùi hăng hăng như cam hay chanh, nàng kéo tay Arno thì thầm:


-- Cây gì mà thơm quá vậy"
Arno cười:
-- Cam đấy. Suốt con đường này cũng như hầu hết các con đường khác trong vùng đều có trồng cam hay chanh làm cảnh vì dể trồng. Mùa hoa nở trắng xóa thơm phức suốt con đường. Còn từ tháng mười trở đi cam chín đỏ trĩu cành đẹp lắm. Hồi nhỏ anh với tụi bạn chuyên môn đi ăn trộm cam ban đêm. Rồi chạy đua trốn lúc cảnh sát rượt ầm ầm. Vang rộn các phố. Vui lắm.
Loan mơ màng nhớ đến ngày nào không bao xa mới được ăn quả cam đầu tiên do Lân mang đến làm quà cho nhà. Tưởng tượng bao nhiêu cây cam ngoài đường không ai canh chừng mà thấy mê hồn. Loan tự nhủ sẽ chụp hình và viết thư kể chuyện cho má nghe. Nghĩ đến đó mà lòng Loan nôn nao, ước mong có má gần đây để nhìn ánh mắt má như vui sáng trong khuôn mặt ngăm đen khắc khổ đền bù lại bao âu lo quá khứ.
Arno cầm tay Loan nói nhỏ như chưa muốn đánh thức vội giấc mơ:
-- Vào đây nghỉ lưng cho đỡ mỏi. Uống cà phê. Kiếm tí bánh ăn sáng dằn chắc bụng lấy sức rồi sau đó mình đi coi núi lửa. Phải leo dốc núi cũng phải mất nhiều thì giờ nên phải lo ăn chắc mặc bền, không thôi thì xỉu à. Đừng có ham giữ eo nha!
Hai người đi vào căn quán nhỏ hẹp đang mở rộng cửa.
Suốt dọc tường trái là quầy bày máy cà phê ép cao độ espresso vây quanh là ghế cao. Vài người lác đác đang đứng ăn uống vội vừa nói chuyện với người bồi. Tận trong cùng quán để vài bàn nhỏ không người ngồi.
Hai người vào sâu bên trong, lựa bàn sát tường, gọi cà phê sữa và bánh. Loan vừa ăn vừa lơ đãng nhìn quanh nghe Arno kể chuyện những ngày xưa tuổi nhỏ vô tư, học ít mà đánh nhau, nghịch phá làng xóm thì nhiều.
Nàng buồn buồn nhớ đến gia cảnh. Mặc dù nàng cố gắng làm việc để giúp ba má, nhưng lũ em sau giờ học vẫn phải lo chăm gà, bằm chuối nuôi heo. Sáng thức sớm để phụ má nấu xôi để bán chợ sớm. Tối nào cũng mệt đừ chen nhau lăn ra góc chiếu ngủ, dâu có thì giờ nghịch phá. Mỗi thời, mỗi cảnh, mỗi người một số phận.
Nhưng Loan cũng tự an ủi mình may mắn, có cơ hội lo lắng được phần nào cho tương lai các em. Làm bổn phận của con chim đầu đàn. Dắt dìu, hướng dẫn lũ em thơ.
Trả tiền cho người bồi bàn xong, hai người lại lên xe.
Bây giờ trời đã sáng hẳn nhưng khu công trường nhỏ hãy còn yên tĩnh, chỉ có vài người đi lể sớm ở nhà thờ góc phố. Tới dường lớn thì thật trái ngược với vẽ êm đềm trong làng nhỏ lúc nãy. Xe chạy tấp nập, còi bấm inh ỏi như sắp tông nhau. Loan buồn cười. Sao ở đây giống y ở Việt Nam. Trông thật nhộn nhịp, náo nhiệt.
Tiếng Arno văng vẳng trong tiếng gió:
--- Loan, nhìn bên tay trái, núi Vesuve đó. Bây giờ còn mùa hè nên đỉnh núi còn màu nâu xám. Vào mùa đông thì trên đỉnh có cả tuyết trắng, ngoằn ngoèo, lằn sợi như tóc ông già, đẹp hơn.
Ngọn núi trông không cao, không nhọn đỉnh, không kéo dài thành dẫy như Loan tưởng tượng. Núi có hai đỉnh song song, cạnh nhau. Mủi không nhọn trông giống như có bàn tay khổng lồ xoa mòn, như mũi viết chì đã tà đầu. Dọc sườn mang sọc xanh, sọc nâu chằn chịt như những lằn mèo quào trên tấm màn cửa.
Mười lăm phút sau đến bãi đậu xe còn vắng bóng du khách, Arno tìm được chỗ dựng xe trong nơi có bóng mát mặc dù mặt trời chỉ vừa sáng, chưa thật là nắng. Loan làm theo lời nhắc nhở của Arno, cởi bộ đồ da ra, cất vào xách đeo vai, chuẩn bị theo chân Arno leo núi.
Arno đưa tay cho Loan bám giữ thăng bằng, đi lên theo con đường nhỏ có đóng lan can gỗ , vừa kể chuyện:
--- Ngày xưa vùng núi này rất phì nhiêu, cây cỏ mọc tốt tươi nên người ta sinh sống quanh quẫn nơi chân núi đây với nghề trồng cây ăn trái, trồng nho làm rượu. Thỉnh thoảng núi phun tí khói, tí bụi, người ta quen mắt, quen mũi nên không ai lo sợ. Đến năm 79, ngày 24 tháng 8, khói rồi bụi tro và dá phun ra ngày càng nhiều, cho đến lúc bắn tung như đại bác, nhiều và đột ngột đến độ chôn vùi nhiều thành phố thời đó dưới mấy thước luôn. Rồi dung nham trào ra từ núi lửa chảy ngập những thành phố gần đó như Herculanum, Stabies.
--- Trời ơi, ghê quá, rồi người dân tại chổ ra sao" Họ có chạy trốn được không"
--- Lúc đó khói bụi ngập tràn, trời tối om om. Chỉ có cách trốn chạy bằng đường biển. Những ngày cuối thì những người bị kẹt lại vì không còn tàu thuyền gì nữa. Cuối cùng có hơn hai ngàn người chết chôn vùi dưới tro bụi thành tượng đá luôn.
Loan lắc đầu kinh ngạc:
-- Rồi sau đó có ai thoát được không" Làm sao người ta biết được chuyện này"
-- Thành phố không xa biển có người thoát nạn bằng tàu chứng kiến tất cả kể lại. Mà người kể chuyện đó nổi tiếng lắm, tên ông là Pline Trẻ, cháu của ông Pline Cố, ông ấy viết thư kể lại đầu đuôi câu chuyện cái chết của người chú cho bạn bằng tiếng La Tinh nên ai có học tiếng đó là hầu như có đọc qua.
Arno lắc đầu:
-- Đọc chuyện thấy sợ lắm. Chỉ vì ông Pline Cụ Cố là đô đốc của đội tàu thủy kiêm khoa học gia có danh thời đó. Khi được thư của người bạn van cầu đem tàu đến cứu giúp, lại thêm muốn nghiên cứu hiện tượng núi phun lửa cho nên ông ghé tàu cặp bến. Thật là can đảm! Ông dấn thân vào hiểm địa trong lúc người khác chỉ muốn chạy cho thoát. Đến phút cuối ông sinh mệt, đứng tim chết vì tuổi già sức yếu. Thế là chôn thân dưới tro bụi của núi lửa. Thôi để lát kể tiếp, ghé lại đây uống ly rượu Lacrima Christo để lấy hên.
Arno kéo Loan vào quán nhỏ của người địa phương để du khách nếm rượu tại chổ. Và nghỉ chân trên nữa đường lên dốc. Thật là một cách quảng cáo đặc biệt. Hầu như ai cũng muốn nếm vài giọt cho dù không thích rượu. Có ai muốn chối từ duyên may" Mặc dù đâu có gì bảo đảm chuyện lành!
Cầm ly rượu vàng óng dưới tia nắng ban mai uống từng hớp mà Loan thầm nghĩ: Cái vị cay cay, chua chua làm sao người ta say mê, trầm trồ, nếm mà khen lấy khen để là ngon quý như nước cam lồ thì cũng hay thật.
Arno uống xong ly rượu trả tiền rồi hỏi lại:
-- Sao thấy ngon không" Rượu này làm từ những cây nho trồng ở triền núi em thấy đó, tên nó là Giọt Lệ của Chúa, em cầu mong điều gì khi uống thì sẽ linh ứng đó.
Loan gật đầu, nhủ thầm: cầu mong... cầu mong...Rồi nhéo vào cổ tay Arno:
-- Nói trể quá nên chắc không linh nghiệm rồi!
Hai người lại tiếp tục theo con đường dốc nhỏ lên cao nữa.
Men rượu làm gương mặt Loan nóng bừng. Tự dưng thấy vui lạ thường, bổng dưng muốn cười hát nghêu ngao vô cớ. Đôi chân lại rời rã như muốn đi riêng một mình, không còn biết chủ là ai nữa. Mặc dù mấy hôm nay đã quen đi lên, đi xuống sườn núi ở Sperlonga ngày mấy lượt nhưng đây đúng là leo núi cao thật sự nên hơn một giờ đo gót chân cùng đá đỏ có hơi vượt sức chịu đựng của Loan.
Đến tận cùng lối nhỏ là nơi cao nhất trên đỉnh núi, nhìn sang bên kia là đỉnh Somma, cách ngăn bởi vùng lũng sâu. Loan thấy ngất ngây, choáng váng như người say sóng khi trông dưới chân là miệng núi lửa khổng lồ, sâu hoắm, đen đủi, có thoảng vài làn khói mỏng uốn éo bốc nhẹ lên đầy đe dọa như muốn nuốt chửng lấy mình.
Như cảm thấy nét mặt Loan có điều bất ổn, Arno quàng tay siết chặt giữ bờ vai gầy của Loan như e nàng chắp cánh bay xuống hố thẳm rồi xoay vòng lại chỉ cho xem quang cảnh chung quanh:
-- Đây đỉnh Somma là chổ miệng núi lửa phun hồi năm 79. Phía dưới này là Herculanum. Ngày xưa đó là thành phố lớn, vùng dân phú quý có nhà nghỉ mát. Xa hơn là Pompéi. Thành phố này lớn hơn nữa, thời đó mà đã có tới mười lăm ngàn dân cư ngụ. Mấy chổ này bị chôn vùi dưới tro bụi đó, người ta mới tìm lại dấu vết hồi thế kỷ 19. Bây giờ một phần nhỏ được khai quật rồi trùng tu lại nên trông không khác xưa bao nhiêu. Chút xíu nữa mình ráng ghé lại đó xem cho biết ngày xưa người ta sống ra sao.

III.

Phía xa xa màu trời xanh dương hòa màu xanh lấp lánh óng biếc của biển gợn màu sóng trắng, điểm chi chít những chiếc tàu đủ loại lớn nhỏ, Loan ngây thơ hỏi:
-- Dưới biển có mấy hòn đảo trông đẹp và thơ mộng quá! Mà trông nhỏ hơn đảo Catalina bên Cali há"
-- Gần đây có đảo to nhất, xanh mượt cây cối là Ischia. Đảo nầy có nơi để tắm suối nước nóng, chữa bệnh, chăm sức, tẩm quất cho khỏe, sát bên và nhỏ tí là Procida. Xa và nhỏ hơn Ischia là Capri, trắng như hòn sỏi lăn trong nước biển xanh biếc. Em có biết bài hát của Hervé Villard không" Capri, c'est fini.Et dire que c'était la ville de mon premier amour.. Capri, đến rồi đi.
Arno cúi xuống nhìn vào mắt Loan:
-- Thôi, bây giờ xuống núi nha, mệt nhiều không" Ráng chịu khó rồi sẽ được thưởng một bữa ăn đặc biệt địa phương, ngon vô số kể. Nhất là món bạch tuột luộc nhừ ngâm dấm hành, thơm phức. Chưa ăn chưa biết mùi hương. Ăn xong mới biết thiên đường là đây!.
Lòng thầm nhủ mình không ráng đi nổi thì chắc cũng không ổn, Loan gật đầu cười yếu ớt:
-- Nghe hấp dẩn thật! Chắc có chết Loan cũng phải lết vào tiệm há. Ca dao, tục ngữ mình nói là " Có thực mới vực được đạo " chứ.
Vừa dìu Loan từ từ xuống con đường dốc nhỏ hẹp, vừa khéo léo lèo lái tránh những những hòn đá nhỏ trơn như những hòn bi, Arno nói thao thao, đào sâu về cái nguy tai của hòn núi:
-- Theo các chuyên gia thì những vùng chung quanh núi Vesuve đều rất nguy hiểm, ngay cả thành phố lớn tới cả triệu cư dân như Napoli nhưng cách núi không xa cũng bị đe dọa vì ngọn núi như con rồng khổng lồ đang mơ ngủ dưới lớp đất mỏng. Khi nào hung thần cựa mình vùng dậy thì sức tàn phá sẽ rất khủng khiếp, nào động đất, tro bụi, đá lửa, lửa phun ra nóng cả ngàn độ, thiêu đốt vạn vật như đã bao nhiêu lần xẫy ra trong quá khứ.
Loan trố mắt ngạc nhiên:
-- Biết núi chứa mầm nguy hiểm như vậy mà người ta vẫn ở quanh quẩn gần đây" Sao không chịu đi ở xa xa hơn, bộ không sợ sao"
-- Có lẽ ở riết rồi quen mắt, không còn e dè, sợ hãi nữa. Thật y như bao ông bà tổ tiên thời trước. Mà bây giờ chung quanh núi, các thành phố đông dân hơn ngày xưa nhiều. Nếu núi lửa có động tịnh ho hen thì khó mà di tản cả bảy, tám trăm ngàn người trong thời gian ngắn nên chắc số nạn nhân sẽ cao hơn thuở xưa. Ôi, người ở đây cũng tin vào số mệnh, trời kêu ai nấy dạ thôi.
Loan gật đầu đồng ý:
-- Ừ nói như vậy thì dễ hiểu. Giống như người mình, bất đắc dĩ mới đi tha phương chứ ai muốn xa rời nơi chôn nhau cắt rún đâu.
Bất chợt Loan để ý thấy đã nhiều lần dùng chữ mình để gồm chỉ cả Arno trong dân Việt. Người Việt. Người mình. Mặt dù nét mặt Arno có hao hao nét Á đông, nhưng không lý do gì chính đáng để Loan nhanh nhẩu thu gộp vơ vào như vậy. Có lẽ vì Arno nói tiếng Việt một cách linh động khiến Loan có cảm tưởng như nói chuyện với người đồng chủng. Loan tự nhủ sẽ cố giữ mồm miệng, nói năng cẩn thận, ý tứ hơn. Không thôi có người lại cười thấy sang bắt quàng làm họ.
Xuống gần đến bãi đậu đầy xe đò ngang dọc, du khách bắt đầu đông đảo hơn, Loan chỉ cho Arno ông cụ đang phát gậy một cách tự nhiên thoải mái cho đoàn người tấp nập đi lên núi, rồi hỏi:
-- Sao ông này tử tế quá vậy" Không thấy thâu tiền" Không biết cho mướn hay bán nữa" Chắc ông phát gậy giúp người để phước đức cho con cháu há"
Arno cười dòn dã:
-- Ổng không nói ngay bây giờ, lúc phát gậy. Chờ chừng người ta đi xuống, ổng thâu gậy lại mới đòi tiền đó. Có một đường lên thôi, chạy đâu cho thoát. Một ngày có biết bao nhiêu du khách chi tiền rộng rãi nên ổng cũng đủ sống. Lẽ dĩ nhiên là sau đó phải nạp thuế cho đầu nậu Mafia nữa mới tiếp tục làm như vậy được. Bây giờ mình lấy xe tới Pompei ngày xưa coi di tích để lại.
Loan thắc mắc hỏi lại:
-- Pompei ngày xưa" Nghĩa là có Pompei ngày nay hay sao"
Vừa giúp Loan mặc lại bộ đồ da, cột giây mũ, Arno vừa giải thích:
-- Pompei ngày xưa bị mấy thước tro đá phủ lấp lên rồi dần dà thêm hai thước đất phủ lên nữa nên thành đất ruộng. Còn thành phố Pompei hiện đại cách đó không xa lắm, ngộ cái là dân số cũng suýt soát bằng cỡ Pompei thời xưa. Dân cư có lợi hoạch để sống cũng là nhờ tiền nhân Pompei cũ phò trợ đó. Cũng nhờ du khách đến mà có dịch vụ.
Đường đi không xa như Arno đã nói, nhưng quanh co nên khi đến bãi đậu xe, xe dừng lại Loan ngạc nhiên nhìn vùng đất rộng, xa xa có dạng tường cao, bồn hoa, cỏ cây xanh mướt mà đâm ra tò mò:
-- Đây là chổ thành phố cổ bị chôn vùi đó hả" Sao trông cây cối xanh tươi đẹp đẽ, đâu có vẽ gì hoang tàn đâu"
Sau khi mua vé vào cửa, Arno nắm tay Loan đi trên con đường lát đá hình nhiều cạnh vừa chỉ quanh:
-- Ở đây là phần được tô son dồi phấn, trang sức xong rồi nên đẹp đẽ chải chuốt, có trồng cây cỏ mát mắt. Trong kia có phần đã được trùng tu, có nhiều nơi còn nguyên đất đá, chưa kịp động tới nữa. Phải tốn nhiều tiền và nhiều công phu lắm.
Arno dừng lại, moi trong xách tay chai nước rót ra ly mời uống rồi tiếp:
-- Người ta tìm ra được nơi này vì tình cờ vào năm 1738, vua Charles thứ ba muốn xây lâu đài nên cho đào móng mới lộ ra chứ ai đọc chuyện của ông Pline kể lại thì biết đại khái sự kiện chứ không biết chính xác Pompei ở đâu. Tới thế kỷ 19 người ta mới nghĩ cách nạo đi từng lớp, từng lớp đất nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Tuy mất nhiều thì giờ nhưng rất đáng công vì còn giữ nguyên di tích nhà cửa, tranh vẽ chạm trổ, không bị hư hao. Chưa kể làm khuôn, lấy dấu được từng món đồ nên bây giờ biết được thời xưa ăn uống như thế nào, sinh hoạt ra sao. Nơi nào tắm rửa, tập thể thao. Nơi nào tụ họp giải trí, chợ búa, ăn uống. Ngay cả tắm ở đâu người ta cũng biết được.
Vào trong Loan mới thấy thành phố ngày xưa xây cất đẹp đẽ, khang trang và rất quy mô, trật tự.
Những con đường xẻ theo hướng Đông Tây hay Nam Bắc thẳng góc nhau, tạo thành khu phố vuông vức, có lát gạch, có lề đường cho người đi bộ, có cả ống thoát nước đào thải như một thành phố hiện đại.
Loan học lõm bỏm được vài tiếng Ý như tên những nơi công cộng: Basilica là tòa án, Foro để hội họp, Forno nơi sản xuất bánh mì, Palestra để luyện thể thao rồi ngay bên cạnh là hồ tắm.
Tất cả hầu như điêu tàn đổ nát, không còn hình dạng mái nhà, tường nóc. Chỉ còn lại những gốc cột vĩ đại bằng cẩm thạch đánh dấu nền cũ xưa.
Chỉ riêng những Nhà Hát Lớn, Nhà Hát Nhỏ xây bằng đá trải dài trên mặt đất có hình nữa vòng cung là hầu như còn nguyên nét. Loan nhớ đến câu thơ " Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt". Đúng thật.
Hay nhất là Amphiteatro chứa đến năm ngàn người mà Arno giải thích là thời xưa dùng làm đấu trường giống như trong phim Người Giác Đấu mà Loan được coi trên đài truyền hình. Nơi này vẫn còn nguyên cả dấu vết nơi để cắm cọc dựng sườn, căng mái bằng vải che chở mưa nắng cho khán giả thuở xưa.
Đến góc sân trống, một người đàn ông tóc dài mang bao tay bằng da bọc lưới đan bằng sợi kim loại, mắt đăm đắm ngước nhìn trời cao làm Loan chú ý, khều tay chỉ Arno.
Arno vui vẻ kéo tay Loan đi gặp người lạ rồi vừa giới thiệu, nói chuyện vừa dịch lại:
-- Đây là Nino, bạn học thời nhỏ. Nino thời xưa thích chim chóc lắm. Ngày xưa chuyên trèo cây tìm tổ chim mang về nuôi. Bây giờ thì sống bằng nghề nuôi chim ưng. Ở đây họ mướn thả chim ưng để đuổi bồ câu, không cho làm tổ trong vòng thành. Nếu không thì phân chim sẽ làm hoen ố, hư hết những tranh vẽ, những hình điêu khắc trong này.
Nino tiếp lời với hàng tràng câu nói làm Loan thắc mắc khi thấy Arno lắc đầu trả lời có vẻ không thoải mái lắm. Arno nhanh chóng chấm dứt câu chuyện, cùng Loan bắt tay chào Nino rồi đi sang khu nhà khác.
Tuy trong lòng vấn vương bao câu hỏi, nhưng Loan ngại ngùng không dám tò mò hỏi han Arno tại sao. Có lẽ câu chuyện khó giải thích ổn thỏa nên Arno lặng im mặc dù Loan nghĩ đầu đề có lẽ xoay quanh sự hiện diện của Loan bên cạnh Arno. Loan thầm nghĩ: Cho dù có năn nỉ, ép uổng Arno để để thỏa được tính tò mò cũng không khó khăn gì. Nhưng có chắc là mang lợi lộc, bổ ích gì cho ai" Hay lại còn có thể gây thêm hiểu lầm, phiền phức cho hai bên"
Dù sao Loan cũng quen cất giữ những ý nghĩ của mình vào ngăn kéo riêng rồi. Thêm hay bớt một vấn đề cũng không làm vướng trí Loan. Thế nên Loan âm thầm, lẽo đẽo theo Arno tiếp tục đi vào khu phố khác.
Chân nặng bước, lòng nặng ưu tư, Loan bùi ngùi ngắm những dinh thự bề thế, sang cả, rộng minh mông như công thự với vườn cây xanh lá trước khi vào cổng theo kiểu cách La Mã thuở xưa. Những con bồ câu tất tả tha cỏ rơm về làm tổ ở những ngăn hóc trên kẽ cao đầu tường mang lại chút sống động cho khu nhà đẹp đẽ nhưng hoang vắng, hiu quạnh không người sinh sống.
Bên sau cổng vào là những dẫy nhà ngang dọc vây quanh sân giữa có gạch lót chan hòa ánh sáng. Có nhà còn nguyên những cột tròn bề thế chống đỡ vòm mái cao che chở phòng khách trang hoàng bằng tranh chạm trổ hình cuộc sống hàng ngày cùng thần rượu hay thần thiên nhiên. Nơi này tiếp khách. Nơi kia là phòng ăn. Nơi cả nhà tụ họp, duỗi mình trên ghế trường kỷ chờ người nô lệ mang mâm thức ăn ra trình.
Tất cả còn nguyên vẹn như đang chờ đợi người chủ sang giầu, quyền thế sắp đọn đồ đạc về ở. Thật không ngờ số phận những người chủ lại có kết cuộc như vậy" Loan thấy lòng mình cũng phủ đá tro buồn như thành phố xưa, tự hỏi không biết có ông thầy bói nào đã xủ trúng quẻ bói giúp người dân nơi này đi trốn kịp đại nạn hay không"
Đi một vòng thăm cảnh Pompei xong, ra đến xe, Arno vui vẻ bàn cùng Loan:
-- Bây giờ ghé tiệm ăn nhé. Rồi sau đó mình đi tiếp xem thành phố Herculanum nha!
Niềm vui sáng này lúc mới ra đi như đã mọc cánh bay đi nơi nào. Từ khi đi dạo quanh quẩn trong những vòng tường buồn lạnh hiu hắt hoang vắng. Mặc dù ánh nắng rực rỡ mà sao tim Loan như có bàn tay nào giá lạnh bóp xiết. Còn lòng dạ nào mà nghĩ đến ăn uống.
Mồ hôi nhỏ giọt dưới chân tóc, lòng dạ chỉ muốn trở về với bóng mát của phòng khách sạn, Loan lắc đầu hiu quạnh:
-- Xin lỗi anh, Loan không thấy đói nên ăn không vô đâu. Xin anh rủ lòng thương đưa Loan về dùm khách sạn.
Giờ ăn trưa đã đến lại leo trèo đi bộ từ sáng sớm đến giờ, ngay cả sức lực trai tráng như Arno cũng còn thấy mệt, bụng cồn cào kêu gọi quyền sống hà huống gì người mảnh mai, ẻo lả nhành liễu như Loan. Arno nhìn Loan ngỡ ngàng muốn nói thêm vài lời khuyên nhủ, mời gọi.
Loan giơ tay chặn lại:
-- Loan năn nỉ nhờ anh đưa về dùm. Loan rất cám ơn anh đã cho hưởng một ngày rất đẹp mà dù trong mơ Loan cũng chưa bao giờ dám ước ao có được như vậy. Bây giờ Loan muốn mang lấy những hình ảnh đẹp ấy về phòng suy nghĩ, ấp ủ riêng cho mình. Xin anh hiểu cho.
Mặc dù không hiểu cách suy nghĩ và phản ứng bất ngờ của phái nữ, nhưng không biết phải nói gì thêm để lay chuyển ý định của Loan, Arno gật đầu tôn trọng ý kiến của nàng:
-- Anh hứa sẽ đưa về ngay. Nhưng đi đến đây rồi chờ tí xíu, anh vào tiệm này rồi mình ra về ngay sau đó.
Ánh nắng rực rỡ, gay gắt trên đầu, nhưng không đủ hơ ấm lòng người đang lạnh lẽo, tái tê. Niềm vui đã bất chợt im lặng vỗ cánh bay đi tự lúc nào không lời nhắn nhũ.
Hai người lên xe quay về đường cũ. Ngồi sát nhau như trước đó không bao lâu. Đã tưởng gần nhau gang tấc mà rồi bỗng không khoảng cách như xa hơn vạn dặm.
Có cuộn tơ nào ai vò rối mà không ai biết cách tháo gỡ, chỉ mong phó thác cho thời gian nhiệm màu!
Về đến khách sạn, Arno cho xe vào bãi đậu dưới hầm, đưa Loan vào thang máy dặn dò:
-- Anh đưa Loan vào đây chứ không xuống bãi xe dưới biển sợ Loan phải leo dốc mệt. Ngày mai anh mắc bận, nhưng mốt thì rảnh, mình đi viếng thành phố Napoli nhé" Người ta đồn thành phố bất ổn, bẩn thỉu, chỉ có những khu lao động giăng quần áo phơi đầy đường trông mất thẩm mỹ, không đáng cho dân du lịch ghé mắt. Thật ra Napoli là thủ phủ của nhiều đời vua nên có nhiều di tích lịch sử đáng coi lắm.
Nhìn nét mặt bình thản, thái độ ân cần, sự chu đáo của Arno như không có chút gì thay đổi so với ban sáng, Loan thở nhẹ. Nếu như trong nhà với sư. đổi ý đột ngột của Loan như vừa rồi thì chắc Loan cũng phải chịu đựng vài phản ứng sôi động, vang dội. Mạnh mẽ là vài cái bộp tay. Nhẹ nhàng thì cũng có vài lời cằn nhằn đay nghiến đủ để Loan hiểu thân phận nhỏ nhoi của mình mà đừng có bày đặt trèo đèo.
Tuy nhiên Loan cũng cảm thấy lòng dạhơi áy náy, lương tâm không an ổn. Loan gượng cười làm duyên để xoá cảm tưởng chua chát của sự thất thố của mình vừa qua:
-- Cám ơn anh vẫn một lòng đưa Loan đi viếng cảnh. Loan sẽ cố gắng để khỏi phụ lòng anh.
Arno đưa cho Loan gói giấy nhỏ mà Loan đã thấy lúc đứng chờ Arno mang trong tiệm ra:
-- Cũng hẹn sáu giờ sáng như hôm nay dưới bãi biển nhé. Đây là những trái đào của vùng đất quanh Vesuve, Loan ăn rồi sẽ hiểu tại sao dân ở đó không lià bỏ được mặc dù bao nguy hiểm đe dọa.
Arno vẫy tay chào trước khi cửa thang máy đóng lại, đưa Loan lên cao. Loan lấy trái đào trong gói giấy ra mơn man lên má. Trái đào to như trái cam sành, nửa vàng tươi, nửa ướp màu đỏ, căng mọng nước. Làn da đào tơ óng, mịn màng, mượt mà, tỏa hương thơm ngọt ngào quyến rủ như nụ hôn hứa hẹn.
Có phải là đào Thiên Thai, ăn vào quên lối trần gian"
*
Kỳ tới: Giông bão và bi kịch 30 năm.
CẨM VÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến