Hôm nay,  

Má Tôi Năm Nay 80 Tuổi

13/04/200500:00:00(Xem: 20313)

Người viết: TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN
Bài số 724-1303-72-vb2-041105

Một số bài Viết Về Nước Mỹ năm 2005 đã được dành đăng vào báo xuân Việt Báo năm Ất Dậu, nay được đăng lại theo yêu cầu. Sau đây là bài của tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân, giải thưởng chung kết Viết Về Nước Mỹ năm đầu tiên 2000-2001.
*

Mưa. Mưa tầm tã. Mưa ào ào. Mưa tuốt hết lá cây, cành gẫy rớt rào rạo trên mái nhà. Mưa làm sạch từng nhánh lá trên cành mấy cây ăn trái ngoài sân sau. Mưa làm gãy nụ hoa làm tả tơi bông mới nở. Nằm nghe mưa, lòng tôi chùng lại. Tôi nhớ đoạn đường dài sống trên đất Mỹ, hỉ nộ ái ố có đủ. Tôi nghĩ tới má tôi. Lúc gần đây Má hay than "sao má hay bị mệt..."
Má tôi. Năm nay tám mươi tuổi.
...
Từ năm Mậu Thân sau khi ba tôi bị Việt Cộng bắn chết, má buôn bán quần áo con nít, để nuôi đám con bảy đứa, đứa nhỏ nhứt chưa tới ba tuổi. Thấy lũ con không ai bảo vệ, đêm đêm đi ngủ má tôi thủ sẵn con dao, dằn dưới gối.
Năm 1969 tôi có chồng Mỹ, má đi cầu hồn ba tôi hỏi ý kiến trước khi tôi theo chồng đi Mỹ cuối năm 1970.
Cuối tháng Tư 1975, sống tại Mỹ, ngày ngày coi tin tức trên TiVi nhìn thấy làn sơn màu đỏ tượng trưng cho chế độ cộng sản chảy dài từ vĩ tuyến 17 chảy xuống, tôi khóc hết nước mắt.
Cho tới khi thình lình nhận điện thoại thằng em. Thì ra, ngày 25 tháng Tư năm 1975, má tôi cùng với mấy đứa em được máy bay C-130 bốc ra khỏi địa ngục trước khi Sài Gòn lọt vô tay cộng sản.
Ngồi trên máy bay rồi mà lòng chưa yên, chưa tin chưa mừng. Tánh má tôi hay lo. Lo đủ thứ, lo chuyện đã qua và lo chuyện chưa tới. Má nói với nhỏ em tôi:
- Thấy chưa, nhờ Ba tụi bây độ mình mới thoát đó, thấy chưa"
Chẳng là vầy, H. V. Ngà, lính không quân, bạn của em tôi, thúc giục -gia đình bác có rể người Mỹ, phải tìm cách đi khỏi Sài Gòn - mấy mẹ con lấn đại vô Tòa Đại Sứ Mỹ ở đường Hồng Thập Tự chen lên xe buýt. Hai đứa con lên lọt, má với một đứa bị lấn văng xuống đất, lạc nhau. Vậy mà bị tách ra làm hai tốp, hai má con quá giang xe người hàng xóm là tài xế làm việc cho hãng Mỹ, vô cửa hông, gặp lại mấy đứa con ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Nằm lì trên sàn gạch trên ghế gãy ngoài sân, ngay trước cửa DAO, chờ máy bay, hai ngày hai đêm.
Má nói mấy mẹ con nhứt định phải ra khỏi Sài Gòn. Má nằm chiêm bao cứ thấy ba bây về biểu má ráng đem tụi bây đi khỏi xứ nầy. Đi đại con.
Bữa tối trước ngày 27 nằm rút chân rút cẳng trên cái băng cây, má mệt mỏi quá làm như thiếp đi nghe văng vẳng bên tai tiếng Ba tôi thúc - đi đi đi đi ... họ kêu đi ghi danh lên máy bay kìa, chuyến chót 10 giờ kìa, đi đi...

Má giựt mình tỉnh lại thấy mấy đứa con nằm la liệt dưới đất. Má kêu hai đứa con gái chạy đi ghi danh. Chạy tới nơi cửa phòng đã đóng. Hai đứa ngồi bẹp xuống đất đợi. Không nhớ bao lâu, tới khi có người lính Mỹ mở cửa, hai đứa năn nỉ cho vô ghi danh, y nói đủ danh sách đi chuyến cuối rồi, nhưng có lẽ thấy hai đứa con gái nhỏ xíu mặt mày hớt hải nhợt nhạt sợ thất sắc của tụi nó hay sao mà y xiêu lòng mở hé cửa cho hai đứa vô ghi danh ép thêm chuyến bay cuối cùng.
Má nói Ba bây độ! Rõ ràng ổng kêu má thức dậy đặng kêu tụi bây, hông thôi đâu được đi kịp chuyến nầy. Khuya đêm đó phi trường Tân Sơn Nhứt bắt đầu bị giội bom ầm ầm, người chết la liệt!
Chiếc C-130 ngừng ở phi trường Hạ Uy Di, người thông ngôn nói ai có thân nhân ở ngoại quốc được quyền gọi điện thoại báo tin.
Sau khi dò biết tin nhóm tị nạn này được đưa từ đảo Wake qua trại Pentleton, vợ chồng tôi đã tới trại đón má với bốn em ra khỏi trại.
. . .
Tội nghiệp mấy đứa em, gặp con chị ngu như tôi, đã mất đi dịp học hỏi về đời sống ở đây, về cái bộ xã hội, về vụ "ăn weofair" để đi học.
Vì sự thiển cận của tôi mà tụi nó đã phải vô hãng may làm phụ giúp gia đình. Má tôi cũng vô hãng may. Báo chí địa phương tới phỏng vấn, đài truyền hình Eyes Witness của thành phố Reno thuộc tiểu bang Nevada lúc đó có vô hãng Western Curtain chuyên may màn, tấm trải giường, đồ dùng trong bếp... gia đình đang làm việc, quay phim thời sự, quay ngay Má, hình ảnh một bà mẹ Việt Nam tị nạn đầu tiên đang ngồi may với nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi biết má đã mừng, đã nói với hương hồn ba - Nè, cả đám con mình, tui đem được qua Mỹ rồi.
May "ăn miếng" nghĩa là may càng nhiều càng được thêm tiền, má ăn đứt mấy bà Mỹ, nội trong hãng chỉ thua có... hai đứa con mình. Hai đứa em gái tôi, Ngọc Anh với Kim Loan may giỏi nhứt hãng, giỏi tới nỗi bị chúng ghét!
Những cái màn cửa loại drapes, những tấm trải giường King size, Queen size nặng vừa gì, khi may má phải vác lên vai. Vậy mà má vẫn cười tươi tắn. Má ngồi may như vậy cho tới năm 1978 rồi ở nhà giữ mấy đứa cháu cho chị em tôi đi làm.
Má để dành tiền hay lắm. Mua chiếc Omega màu xanh cho hai đứa con gái. Mua được cho thằng em một chiếc xe hiệu Honda mới tinh. Má cứ khuyên nó trở vô trường học lại. Nó không chịu, nói Má đi làm thì nó cũng đi làm.
Năm 1968 khi ba chết má mới 42 tuổi, còn trẻ lắm. Dì Tư tôi có lần tính làm mai má cho một người đàng hoàng. Ông này có tới nhà một lần, người vui vẻ trẻ trung. Má chỉ tiếp ông một lần đó rồi nhắn nhủ gì với dì mà tôi hổng thấy ổng tới nữa.
Còn người khác, một người là người thương hồi má mới 16 tuổi có nhắn lời xin phép cho y tới thăm để chia buồn, má đã nhắn lời nói "buồn nầy đâu ai chia được" và từ chối không gặp mặt.
Qua Mỹ lúc ngồi may cũng có một ông thợ sửa máy may cứ xách thùng đồ nghề lẩn quẩn muốn sửa máy của má hoài lúc chưa có hư gì hết, Má tôi cũng dửng dưng.
Má xúi mua nhà. Nhà có miếng đất phía sau, trồng một cây bôm và bông hồng đủ màu.
Má nói phải kiếm rau thơm, ăn canh chua ăn chả giò hổng có rau vô vị làm sao á.
Hồi đó, năm 1975 ở thành phố Reno thuộc tiểu bang Nevada chỉ có một tiệm Tàu. Đồ ăn ít ỏi, người Tàu chánh gốc ở Mỹ đâu biết ăn rau sống rau thơm.
Tình cờ một bữa nọ đi dọc lề đường má bắt gặp một nhánh rau húng cá mọc hoang, má xề xuống mắt sáng rỡ miệng cười hớn hở bươi lên đem về mừng lắm, cắm xuống đất ngoài sân sau. Vậy mà chỉ một cọng cứ lần lần đâm chồi lan ra, ăn đã đời còn chia cho mấy gia đình tị nạn Việt mới được mấy hội nhà thờ bảo trợ qua.
Về sau những người vượt biên qua có vài người giỏi làm sao! Họ chia cho mấy hột giống bí bầu rau cải đem đi được. Má dựng liền giàn bầu giàn bí.
Má trồng một vườn rau thơm: húng cây, giấp cá, kinh giới, bạc hà, tía tô...
Má trồng một cây trúc xanh.
Má tôi, đem quê hương thứ nhứt trồng vô lòng quê hương thứ hai.
Trong nhóm thanh niên bạn thằng em trai có mấy cậu cứ tới lui đánh bóng bàn với nó hoài. Tui thấy họ cứ liếc ba đứa em gái 20, 17, 14 của tui. Má dặn chừng: Mấy đứa nầy bỏ vợ bỏ con ở lại Việt Nam, tụi bây coi chừng. Đừng làm khổ vợ con người ta.
Rồi má bắt tôi phải nói thẳng ra cho mấy cậu đã có vợ rồi làm ơn đừng thân mật với mấy đứa nhỏ. Giữ tình bạn tình anh em là tốt lắm rồi. Lần lần mấy người đã có gia đình xa lánh gia đình tôi.
Tôi nghĩ có lẽ má cũng đã cầu hồn ba tôi giúp ý kiến như hồi trước khi tôi theo chồng về Mỹ má cũng đã đi cầu hồn ba tôi vậy.
Mấy năm đầu, món ăn nào má cũng tự tay chế biến ở nhà cho đám con ăn.
Làm bánh ướt thì lấy cái nồi đổ đầy nước mấp mé, bịt kín bằng tấm vải mùng cột dây lại. Đợi hơi nóng bốc lên mới cầm giá múc nước gạo ngâm xay nát quậy với chút muối tráng một lớp mỏng lên miếng vải căng thẳng như mặt trống. Chừng lớp bột tạo thành lớp bánh, cầm chiếc đũa lăn đều lấy gọn lên, thành cái bánh cuốn.
Má mua đậu về nấu gì đó hổng biết rồi ngâm cả bình tương hột. Món tương hột xào mỡ hành, châm chút đường chút ớt, khi ăn chấm dưa leo ngon khỏi chê.
Nói đúng ra từ hồi ba chết tới giờ, má nấu ăn bớt ngon rồi. Có lẽ má mất đi hết nửa thân người, nửa thân đó chết theo ba. Nửa thân còn lại hết ngân ư ử trong miệng những bài ầu ơ ru con...
...
Năm 1978 má gởi đại về Việt Nam một lá thơ cho dì Năm. Gởi là gởi cầu may thôi, vậy mà thơ được hồi âm. Mừng hết lớn. Chuyền tay nhau đọc, được biết dì sẽ cho đứa con trai “đi thăm quê”, ý nói là vượt biên bằng đường biển.
Đứa con trai qua tới đảo Puala Bidong bình yên. Dì gởi thơ cho biết tới phiên dì cùng vợ chồng đứa con gái út và một đứa cháu ngoại đang trên đường về quê thăm ba tui. Tức là cũng vượt biên.
Những gói quà hai cân được má lựa mua từ món gởi về Việt Nam cho dì cho cháu.
Bên này, má sửa soạn để đón rước, trước đó là chuẩn bị đặng bảo lãnh dì. Má có khi bịnh cũng ráng đi làm vì có việc làm mới có thể bảo lãnh thân nhân qua.
Vậy mà trời đất nổi cơn bão biển, đánh chìm chiếc ghe của dì Năm, cả gia đình mất tích.
Má buồn vô kể, nói thôi từ nay về sau hổng có xúi ai vượt biên hết á, ai muốn đi thì tự ý, như vậy lỡ có chuyện gì mình hổng ân hận.
Má làm giấy bảo lãnh gia đình dì Tư và dì Bảy. Dì Bảy có người con ở tù cải tạo nên khó mà qua, còn dì Tư thì chỉ có hai vợ chồng già với đứa con gái nên má hy vọng lắm. Tụi tôi cũng ước gì má có một hai chị em ở đây cho má đỡ cô độc.
Năm 1979 má theo mấy đưa em ghi danh học tiếng Anh. Thời đó đâu có được như bây giờ. Trường trung học mở lớp dạy tiếng Anh cho một nhúm người Việt tị nạn, học trò phải hùn tiền vô để trả tiền xăng cho bà giáo sư dạy tình nguyện. Má học tiếng Anh giỏi lắm, được cấp cho chứng chỉ tốt nghiệp, mặc dầu nhiều khi má lộn "tôi bỏ cái bóp của tôi vô đôi giày!"
Má muốn học lái xe mà trong nhà chẳng mạng nào có can đảm dạy.
Tụi tôi bàn đi đâu cũng có người chở đi, má học lái làm chi cho nguy hiểm.
Bên Việt Nam má biết lái xe Vespa.
Má than: "Phải chi ba tụi bây còn sống, ổng có xe hơi chở má đi chơi. Ba bây thích đi du lịch lắm" nói rồi thở dài...


Số má cực trần ai. Cực từ nhỏ cho tới già. Hồi nhỏ ở với cậu mợ. Lấy chồng có con thì chồng bị Tây bắn chết. Lúc đó má mới có có mười chín hai mươi gì đó. Sau gặp Ba tôi. Theo Ba từ Cần Thơ lên Sài Gòn từ khi tôi được bốn năm tuổi.
Có với Ba tôi được thêm sáu đứa con thì chồng thiệt mạng dưới viên đạn tàn nhẫn vô nghĩa lý của bộ đội cộng sản.
...
Năm 1982 em tôi có bầu đứa thứ nhì. Nó ở nhà coi con và đám cháu, má tôi vô hãng may làm lần thứ nhì.
Lần nầy má đã gần sáu mươi, xương cốt bắt đầu nhức mỏi.
Có đêm đi làm về, má phải tự tay thoa dầu nóng rồi tự tay thoa bóp bắp tay bắp chưn.
Năm nay tuy tôi chưa tới tuổi sáu mươi mà tay chân cũng đã nhiều khi "dỡ hổng lên..." tôi mới hiểu sức chịu đựng, một mình, của má!!!
Khi thằng em trai cưới vợ, vợ nó là người Cuba vì ở North Carolina kiếm người Việt ở đâu ra" Tuy cũng có mấy gia đình nguời Việt được hội nhà thờ bảo lãnh qua, ở một lúc rồi họ cũng dọn đi tiểu bang khác.
Má cảm thấy buồn. Thấy mình bị bỏ rơi, ra rìa. Đi đâu thì bước vô xe vợ nó ngồi đàng trước má ra băng sau.
Tôi nhớ cuốn truyện Người Mẹ của bà Pearl Buck viết về một bà mẹ người Tàu, cũng có tình cảm từa tựa như má, thấy thấm thía quá. Bạn nào chưa đọc hãy tìm đọc đi, hay lắm bạn ơi.
Năm 1984, má có tất cả chín đứa cháu ngoại chưa có cháu nội nào. Năm đó má tạm ở nhà một thời gian để coi chừng đám cháu năm đứa cho tụi tui đi làm.
Tội nghiệp Má. Chồng chết sớm. Má dứt tất cả. Dứt đường tình đường nương tựa đường tâm tư... Tất cả vì con, bây giờ vì cháu.
Mấy bà cháu ở nhà suốt ngày đâu có hàng xóm gì đâu có ai nói chuyện" Cũng nhờ vậy mà đám cháu đứa nào cũng biết nói tiếng Việt. Má cứ tiếc hoài vì hồi nhỏ má đã không nói tiếng Tàu với tụi tui mà tụi tui mất luôn cái gốc Tàu Triều Châu của ông cha.
Năm 1984 cả đại gia đình dời đô, trở về California.
Về đây, mấy chị em mở một hãng may nhỏ, má cũng vô hãng may ngồi may như hồi mới qua Mỹ. Làm ăn lỗ lã cực khổ quá, tụi tôi đóng cửa hãng.
Khi vợ chồng tôi mở một hãng in vải nhỏ má cũng vô chạy máy in.
Má có chịu ở không bao giờ đâu"
Năm 1992 má nói má muốn có cái nhà riêng, mấy chị em tôi hùn nhau cộng với tiền bịnh của má đủ trả tiền nhà, mua một căn mới tinh ở Fontana.
Cái nhà má nói thiệt là đúng ý. Nhà sơn màu xanh lợt (y như cái nhà màu xanh hồi ba còn sống, ở Thị Nghè), có ba phòng ngủ và có cả lò sưởi củi.
Nhà nầy thằng em trai nó xây đường đi ngoài vườn sau như trong công viên, có những ô vuông ô tròn ô chữ nhựt, mặc sức má trồng đủ thứ. Sân trước trồng nhiều loại bông, nghĩa là có bao nhiêu tiền má mua phân mua đất đổ vô không tiếc. Nhịn ăn nhịn mặc để trả tiền nước tưới cây. Đất Fontana là đá trộn sỏi. Tự tay má lượm từ hòn sỏi từ cục đá, xới từ tấc đất và tạo nên một khu vườn sau sân trước, đẹp rực rỡ đẹp. Tới đỗi có một tòa báo trong vùng xin cho tới chụp hình đăng báo quảng cáo địa phương. Má hổng cho. Má sợ quân gian để ý!
Có một cái ao thả bông lục bình. Mùa hè nở bông tím ngát, rực rỡ như một góc sông Hậu Giang. Má đem Cần Thơ, Châu Đốc với làng Mỹ Đức qua Mỹ! Hột gì cây gì vô tay Má là sống là trổ bông là ra trái.
Ở nhà đó má nuôi bốn đứa cháu cho hai em tôi đi làm. Chúng tôi mỗi tuần tụ lại nấu nướng ăn uống.
Má nuôi một bầy gà mà hổng dám ăn con nào. Để đẻ trứng cho đám cháu chơi gà con.
Tới năm 1995 em tôi vô ngành y tá dọn đi học ở Florida. Chúng tôi làm ăn thất bại, đứa nào cũng sất bất xang bang hồi California bị kinh tế khủng hoảng, hổng đứa nào phụ giúp gì má được. Vả lại Fontana xa quá, tụi tôi bàn với má bán nhà đó đi. Bán hổng ai mua, người ta bỏ nhà rần rần dọn đi tiểu bang khác.
Má đành đứt ruột phải bỏ cái nhà, ngôi nhà nhỏ màu xanh.
Dọn về ở chung với đứa con trai má cứ muốn kiếm việc đặng đi làm hoài mà bây giờ đâu có việc gì nữa, đành ở nhà.
Ở không sanh bịnh. Cảm cúm nhẹ nhẹ và sau cùng năm 1999 má bịnh nặng, gan nhiễm trùng nằm nhà thương cả tháng.
Bác sĩ cho biết má có cục bướu trong bao tử. Họ moi mỗi lần một chút để thử cho biết không phải mụn ung thư. Nếu muốn mổ cũng được hổng mổ cũng hổng sao. Tụi tôi nói thôi nó không phá mình thì mình đừng phá nó.
Cho tới cuối năm 2002 má lên cân qua.ù Đi chụp hình thì bác sĩ nói cục bướu lớn quá phải mổ liền vì nó nằm ngay cuống bao tử, sợ sau nầy lớn nửa sẽ chận đồ ăn xuống bao tử nguy hiểm tới tánh mạng.
Thế là tháng Ba năm 2003 má vô nhà thương nhứt định mổ, hổng sợ gì hết, dù cho từ trước tới nay má lúc nào cũng dặn thân thể phải giữ cho toàn vẹn. Hồi nhỏ, tôi nhớ mỗi lần chải đầu thấy rụng vài sợi tóc má cũng quấn vô đầu ngón tay gom lại để dành. Theo người xưa nói thì khi chết những món đó, răng rụng tóc rụng đều phải chôn chung với mình để khi đi đầu thai sẽ có nguyên vẹn hình hài. Thời thế thay đổi, bây giờ má chỉ còn có nửa cái bao tử, má có sợ gì đâu"
Năm nay tôi đã 55 tuổi. Vậy mà, mỗi lần đưa cho tôi cái gì má tôi cũng dặn vói theo:
- Cầm chắc chắc một chút coi chừng rớt !
Má ở chung với thằng em trai. Mỗi ngày nấu món gì cũng biểu nó ăn, mà phải ăn cho hết! Trong ngày gặp nó lần nào má cũng biểu nó ăn đi ăn đi. Tụi tôi chọc nó:
- Nè Long, mầy phải biết ý má. Đừng có bực bội. Mỗi lần thấy má là miệng mầy phải nhai nhai, như vậy má tưởng mầy đang ăn món gì đó má khỏi kêu mầy ăn nữa.
Má quên thằng con trai duy nhứt của má đã trên bốn chục, đã có một đứa cháu ngoại ba tuổi rồi, khi nào có món gì ngon cũng "để dành cho thằng Long ăn", như hồi còn ở Việt Nam, hồi Ba còn sống, nhà chỉ có một đứa con trai cưng như cục "dàng". Má nhịn cũng như hồi xưa, húp nước để cái cho chồng con ăn.
Qua Mỹ bao nhiêu năm rồi mà mỗi lần có món ngon vật lạ đem tới cho má, má cũng để dành.
Má thích đọc báo. Nhớ hồi mới lên Sài Gòn tui hay chạy đi mua cho má tờ báo Thần Chung in là có tiểu thuyết đăng mỗi ngày một chút, chuyện gì mà tôi nhớ có nhân vật tên là Lệ Thủy và Trần Minh" Má thích đọc sách nghe nhạc, thích nhứt Thái Thanh, nhì Thanh Thúy. Mấy năm gần đây má mê băng nhạc Thúy Nga và coi cải lương. Má theo dõi tin tức quốc nội quốc ngoại, tin gì má cũng hay trước tụi tôi.
Mấy năm trước, một bữa nọ, má lính quính kêu hết đám con (ngày thướng dễ gì má xài điện thoại, bữa đó má xài thả cửa), má kêu đứa nào kiếm cho má lá cờ Việt Nam rồi chở má xuống Santa Ana. Tụi tôi ngạc nhiên hỏi má đi đâu dưới đó mà còn đòi có lá cờ nữa. Má nói đặng má cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ mà quất vô mặt thằng Việt Cộng nằm vùng cho nó nhớ. Trời Phật ơi, qua tới bên này mà nó còn dám đem theo tấm hình với lá cờ chó đó mà chưng mà thượng lên trong tiệm nó đặng chọc tức người ta à. Cái chế độ ăn cướp làm tan nhà hại cửa tự nhiên bắt giam người ta cả chục năm làm người ta khóc tới già, làm bao nhiêu mạng người vượt biên chết mất xác tụi bây phải xúm lại đi biểu tình tẩy chay thằng ngu đó. Tụi cộng sản qua đây nằm vùng phá hoại thì đập chết cha tụi nó (ý dạ! Ngán má chưa!)
Tụi tôi làm bộ hăm má, má ơi ở đây mà đánh người là bị cảnh sát bắt bỏ tù liền, má nói ở tù thì ở sợ gì, mà người Mỹ nó cũng phải hiểu tại sao bao nhiêu người mình thù cộng sản chớ, bắt cũng phải có lý do chánh đáng chớ.
Hỏi ra mới biết đó là vụ tên Trần Trường!
Thì ra, lòng căm hận một chế độ khốn nạn đã làm tan nát bao gia đình, tưởng má đã quên đi, có ngờ đâu chỉ một chút gì đó khựi lên, tức thì làm sống lại lòng căm phẫn của một bà lão gần tám mươi, dầu chồng đã chết trên ba mươi sáu năm rồi.
Má đã ở vậy, đem hết đoạn đời còn lại, thay thế ba, truyền dạy con cháu phải tranh đấu, sức chịu đựng phi thường và lúc nào cũng phải cứng rắn để đương đầu với mọi hoàn cảnh.

Trời mưa. Có ai nhớ rằng, giọt nước mình uống bây giờ, theo sự tuần hoàn của vũ trụ, nước bốc hơi lên trời trời làm mưa đổ xuống từ biển nước chảy vô sông trở về nguồn và lại bốc hơi lại mưa xuống lại theo sự tuần hoàn của vũ trụ cũng như hiện tại mình đang uống giọt nước từ triệu triệu năm trước thưỏ sinh thiên lập địa. Và rồi triệu triệu năm sau con cháu, chắt của mình cũng vẫn uống lại giọt nước tuần hoàn nầy.
Tình mẹ. Người mẹ tượng trưng cho sự bao la vĩnh cửu của thiên nhiên. Như dòng nước từ nguồn đổ ra. "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...." Tôi nghĩ, năm cái biển lớn cộng chín con sông dài nhứt thế giới cũng chưa bằng lòng mẹ thương con.
Có lần má tôi dặn:
"Lúc nầy sao Má cứ mệt mệt hoài. Rủi má có gì thì nhớ kêu thầy tới tụng kinh rồi đốt thây đem đổ xuống biển."
Tôi hiểu. Tôi hiểu ý má. Má muốn đi tìm ba tôi.
Má tôi thương ba tôi, má lo trước cho giờ phút cuối. Má muốn khi chết đi hồn má sẽ đi tìm Ba dưới đáy biển Đông vì năm 1979 dì Năm tôi đã ôm bình cốt của ba tôi vượt biên và chìm tàu chết cả gia đình.
Và tôi tin, dĩ nhiên, tấm lòng chung thủy của má sẽ gặp linh hồn tự do của ba tôi dưới đáy biển Đông.
Tuổi thanh xuân của Má có qua mau nhưng má làm tròn bổn phận của một ngưòi vợ, người mẹ đúng nghĩa câu "Xuất giá tùng phu. Phu tử tùng tử".
Qua Mỹ năm 1975, má mới có bốn chín tuổi. Năm tới má sống ở Mỹ đúng ba chục năm. Ba chục năm, lúc nào má cũng nhắc nhở chị em tôi: đừng quên nước Mỹ đã cưu mang mình, trường hợp đâu khác gì cha mẹ nuôi không sanh nhưng có công dưỡng. Đời ba má cực khổ, đời tụi con khổ cực, tương lai cháu mình xán lạn sống trong một nước tự do dân chủ là hạng nhứt rồi.
Dầu đã vô dân Mỹ, má cũng không nói được gì ngoài Helo, How are you, Thank you.
Má nói má sanh ra là ngưòi Việt, khi nhắm mắt, má cũng là người Việt.
Chồng tôi thường nói với những người quen: má vợ tôi là một người đàn bà Việt Nam rất dũng cảm.
Má tôi năm nay tám mươi tuổi...

TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Nhạc sĩ Cung Tiến