Hôm nay,  

Giấc Cô Miên

15/03/200500:00:00(Xem: 194993)
Người viết: KAREN N. NGUYEN
Bài số 703-1282-53-vb3-031505

Tác giả Karen N. Nguyen, trưởng nữ một gia đình H.O., hiện là pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Với hai bài đặc biệt “Chuyện Cấm Đàn Ông” và “Viết Cho Em Trai Tôi” cô là tác giả được trao tặng một trong 4 giải thưởng chính Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba, 2003. Bài viết mới của cô lần này không phải là chuyện ở nước Mỹ, mà là câu hỏi “Nên đi Mỹ hay không” của một người bạn cũ đang còn ở Việt Nam.
*
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thơ Phạm Thiên Thư
*
Saigon, ngày....tháng....năm
V thân mến,
Trăn trở bao nhiêu năm rồi, bây giờ tôi quyết định thú thật với V. Tôi thành thật xin lỗi V về một việc mà tôi đã nói dối V. Mười mấy năm trước và tôi đã không nguôi áy náy về điều đó. Hẳn V còn nhớ trong đám tang nội của V, V có nhờ tôi đến giúp" Tôi đã thoái thác với lý do hôm sau phải thi. Thực ra không có thi mà chính là vì tới lúc đó số ngày nghỉ học chỉ để....ngủ của tôi đã vọt lên rất cao, đến nỗi nghỉ nữa thì sẽ bị nhà trường cấm thi. Nhưng tôi không đủ sức thức đêm mà hôm sau không ngủ. Tôi ân hận đến giờ này vì đã không giúp được V và đã nói dối để từ chối việc V nhờ, một việc mà lẽ ra với tôi, một thanh niên không thể từ khước. Việc thoái thác đó cứ làm tôi ray rứt, tôi mặc cảm với V từ lúc ấy. Nhiệm vụ của một người bạn với một người bạn, tôi đã không thể làm tròn. Tôi thấy mình hết sức yếu ớt, bé nhỏ và vô dụng.
Lúc ấy, những suy nghĩ như vậy đã chưa tạo nên bão táp khủng hoảng như hôm nay. Bây giờ tôi đã hình dung được tầm mức nghiêm trọng của vấn đề. Con quỷ ngủ đã khống chế hoàn toàn con người tôi, nó đã không cho tôi làm người bình thường, nó biến tôi thành nô lệ của nó. Nó tước đoạt hết của tôi từ tương lai, sự nghiệp, tiền của cho đến khả năng thực hiện một việc mà không thể nào tôi lại từ chối. Vậy mà tôi đã phải từ chối với một lời nói dối, hèn quá phải không V"
V hãy tha lỗi cho tôi. Giấc ngủ đã như một định mệnh trói lấy tôi từ lúc nhỏ. Bây giờ nghĩ lại quả đáng sợ. Hôm nay tôi đã ngủ đến 12- 14 giờ/ngày. Tôi cũng không hiểu sao mình đã học hết nỗi chừng ấy năm phổ thông và đại học. Nhưng rồi cũng lý giải được thôi. Tôi đã học vì nếu không tôi sẽ phải đi nghĩa vụ, điều đó con quỷ ngủ không chấp nhận. Cho nên nó khiến tôi phải học và chỉ cho tôi học như vậy, dở các môn khoa học tự nhiên và học tàm tạm các môn khoa học xã hội. Nó tước đoạt hết nghị lực và sáng suốt của tôi, để tôi không thể học giỏi Toán, Lý, Hóa. Đến khi giấc ngủ thấy buôn bán hàng điện tử vừa cho tôi ngủ được đủ giấc toàn bộ các ngày trong tuần, vừa đem lại chút ít lợi nhuận khỏi đi làm, nó đã đưa đẩy tôi vào đó.
Để hôm nay, tôi là một anh chủ không ra chủ, bởi nó bắt tôi ngủ hết phân nữa thời giờ làm việc. Nay kiểm lại nó đã không cho tôi cái gì cả. Danh vọng không, sự nghiệp không, chút đỉnh vốn liếng có được trong mấy năm buôn bán giờ quá bé nhỏ so với một Saigon giàu lên nhanh chóng. Hầu như đa số bạn bè tôi đi xe vượt trội hơn tôi, và chắc chắn họ đã có một số của cải nhiều hơn tôi với quãng cách ngày càng bỏ xa. Tương lai tôi mù mịt, u ám. Ngủ thì làm sao quản lý được nhân công, cạnh tranh trong buôn bán. Đối thủ thì đứng chợ từ sáng tới chiều, còn mình thì đến 2, 3 giờ chiều mới thức dậy, uể oải và chán nản vì....chưa ngủ đủ. Vậy mà đủ ăn là may phước lắm, sợ còn không đủ để ăn nữa là.
Phải sợ chứ, khi mình như một người tàn phế, khi nửa thời gian lao động bị què quặt trong giấc ngủ bệnh tật. Những ngày cuối năm cũ và Tết năm mới, tôi bi quan cùng cực. Một mặt tôi thấy mình bị trói chặt với nghèo khó, mất mát do giấc ngủ. Mặt khác tôi sợ mất nó khi là một kẻ nghèo. Tôi khủng hoảng ở mức chưa từng thấy. Ngủ gắn với tôi như một người ghiền xì ke gắn với thuốc. Biết rõ mình là nạn nhân của nó, nhưng như thuốc phiện, giấc ngủ trở thành chứ không thể thiếu được với thằng ghiền này. Tôi chỉ mới hơn 30 tuổi còn mấy chục năm đường đời nữa. Trời ơi phải làm sao bây giờ!
Tôi không có nhiều tiền để ăn rồi ngủ tới già trong cảnh eo hẹp. Nhưng giấc ngủ lại ngăn tôi kiếm ra tiền, làm tôi chán nản và sợ hãi trước lao động. Vấn đề quả hết sức phức tạp và bế tắc. Một anh bạn sau khi nghe tôi than vãn đã bảo tôi hãy đi Mỹ theo hồ sơ người thân bảo lãnh đi nếu còn kịp. Tôi nào có quyết định được gì, con quỷ ngủ định đoạt tất cả. Nó thấy là ở lại Việt Nam với một tương lai hôn ám như thế, có thể mất đi một phần giấc ngủ 12 giờ/ ngày (và có thể tăng nữa) nó bảo tôi phải nghĩ đến việc đi. Nhưng nó sợ qua Mỹ còn mất mát giấc ngủ trầm trọng hơn một khi phải đi làm những công việc nặng nhọc vì vốn tiếng Anh của tôi chẳng bao nhiêu hết. Và con quỷ ngủ dìm tôi trong hoang mang đến cực độ.
Tôi như một người ngồi trên một chiếc xuồng rách nát, sắp chết đuối bốn bề là nước và nước, không thấy bến bờ. Chiếc xuồng sắp chìm và sẽ kéo theo tôi nhưng tôi phải bám víu vào nó. Tôi đã chìm đến mức thấy rằng mình không thể có hạnh phúc tối thiểu như mọi người là có gia đình. Con quỷ ngủ không thể có hạnh phúc tối thiểu như mọi người là có gia đình. Con quỷ ngủ không cho vì nó bảo cho tôi biết rằng có gia đình thì phải bớt ngủ. Không một người chồng người cha nào chỉ lo cho vợ con với vài tiếng đồng hồ bởi ngủ hết 12 giờ/ ngày rồi còn lo này khác trong 12 giờ ngắn ngủi còn lại nữa. Lo mình ngủ không xong thì lo ai, hạnh phúc của tôi chỉ còn là giấc ngủ, thế thôi.
Tôi đã là nô lệ của giấc ngủ, nô lệ tuyệt đối và vĩnh viễn. Tôi đã nhiều lần tìm cách giải thoát nhưng vô vọng. Tôi đã tìm đến những bác sĩ tâm thần giỏi nhất Saigon, đã uống nhiều thứ thuốc trong nhiều tháng nhưng không có kết quả. Bác sĩ nào cũng động viên tôi chấp nhận thực tế bi đát này. Thuốc không thể cai được, giờ chỉ còn con đường lo làm sao có thuốc để sống, để khỏi bị cơn ghiền hành hạ. Trước thời điểm này tôi vẫn tưởng mình là một ông chủ nhỏ với mấy chục công nhân. Giờ tỉnh ra mới biết mình chỉ là một gã nghiện ngập, bệnh hoạn.
Tôi không nghĩ đến chuyện lập gia đình cũng chỉ vì thích sống nhàn V đừng cười tôi nhé. Tôi không thích giàu, chỉ thích nhàn và sống với tiện nghi đầy đủ (nhưng không cần cái gì cũng the best). Và số một là "NGỦ".
Hồi đi học, tôi luôn luôn khói chịu vì thiếu ngủ. Lúc nào cũng mong hết để về ngủ. Giờ nhớ lại những ngày tháng đó, vẫn còn sợ sợ. Con người tôi vụng về làm gì cũng không được. Sửa điện cũng không biết, đóng cái đinh cũng không xong. Nấu nồi cơm cũng không được. Dỡ không chỗ chê, lại lười biếng nhác việc nữa. Chỉ có chút khiếu văn chương, nhưng cũng không bằng ai, cũng không giúp được gì nhiều cho đời mình. Tiếc là giờ đây, sau những năm bán buôn, cái năng khiếu khiêm tốn đó cũng đã lụt đi gần hết. Do đó, gặp ít chông gai trên đường kiếm sống, tôi bị sốc mạnh.
"Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày"
Tôi không ngủ tới trưa, mà ngủ đến chiều tối. Bây giờ số giờ tôi cần ngủ đã lên tới số 14. Hai, ba giờ sáng tôi mới ngủ được và ngủ đến ba, bốn giờ chiều. Đúng là như tật nguyền, ngủ không đủ, tôi như trong địa ngục. Gặp một vài Việt kiều tôi có hỏi về trợ cấp xã hội, họ bảo nếu tàn tật hay bị điên thiệt thì dễ xin, còn nếu hơi "loạn ngủ" như tôi thì e là không ai cho. Nếu mất ngủ triền miên, người lúc nào cũng phờ phạc, ít ra còn hy vọng. Tôi nặng gần 80 ký, chắc không ai nghĩ là tôi mất ngủ cả. Đầu năm nay tôi đã xác định mình là người nghèo trong xã hội hiện tại và sống sao cho phù hợp với vị trí của mình, kẻo vỡ nợ. Sợ lao động, chán nản với lao động, nghèo là đương nhiên thôi, phải không V"
Bây giờ người ta đi tu khá nhiều, đường Saigon-Vũng Tàu đầy cả chùa dọc hai bên đường. Tháng rồi tôi có dịp lên núi Thị Vãi chơi, sâu trong núi có nhiều chùa, biệt lập với xã hội bên ngoài, thấy phục lắm, tôi vẫn còn 5% chán đời, muốn tu lắm, nhưng không biết làm sao có người cúng để khỏi chết đói. Tôi rất thích đi tu, nhưng chỉ muốn làm trụ trì để nhàn, không bị câu thúc bởi kỷ luật nhà chùa, nên chưa tu được. Mà tự mình lập chùa thì không có khả năng. Đành lận đận với cái nghề buôn bán đồ điện tử, chìm nỗi này vậy.


Không lâu trước đây, tôi vẫn tự mãn vì mình là chủ một doanh nghiệp nhỏ, không có cấp trên, không có đồng nghiệp "đồng cơ quan" luôn gây khó chịu phiền phức. Thế nhưng bây giờ tôi mới biết mình sai lầm vô cùng. Làm ăn thì có khách hàng đủ loại, có thứ không ra gì mà mình cứ phải chịu, phải chịu ép trước nó, nhiều lần bị nó chửi mắng láo xược. Còn gặp đủ loại đối thủ nữa chứ. Tôi nhớ hồi chưa làm ăn, tết đến vui vô cùng. Bây giờ Tết đến cực vô cùng, lo thu gom tiền, thanh toán cuối năm, thu tiền của mình mà nhiều lúc y như đi xin tiền của thiên hạ vậy. Phải đi nài nỉ người ta trả nợ để mình có tiền trả cho người ta. Tiền làm cả năm không thấy đâu hết.
Tôi nghĩ đến tương lai mà khủng hoảng, không biết mình sẽ sống ra sao. Đi làm lại thì làm sao ngủ. Làm nghề tự do thì cũng phải có sức khỏe. Làm sao ngủ nhiều khi phải kiếm sống cực khổ" Cực khổ thì tôi không chịu nổi. Nghĩ quẩn quanh chỉ được một cái sáng kiến cho mướn nhà mà thôi, và một lối thoát: xuất cảnh.
Bố mẹ tôi và tôi vừa nói chuyện này. Ông bà bảo là tôi sai lầm khi tìm lối thoát ở xuất cảnh. Ở đây có nhà cửa, có chút đỉnh vốn dù thế nào cũng chưa đến nỗi. Còn đi là trắng tay, và không có ở xứ nào có thể ngủ mà có tiền. Bố mẹ tôi già lắm rồi, nhưng ông bà bảo tôi quyết thì ông bà cũng đi với tôi. Ông bà già rồi cũng có chút đỉnh trợ cấp. Nhưng lỡ ông bà mất đi thì tôi sẽ bi đát, sẽ bơ vơ túng quẫn vì không còn trợ cấp và không làm được gì hết. Tôi đang mệt nhoài sau một ngày thu tiền cực nhọc, khủng hoảng vì không ăn uống được gì, nghe những lời đó càng hoang mang. "Thấy ai qua Mỹ cũng phải đi làm" bố mẹ tôi khẳng định như vậy, còn tôi thì làm gì cũng không được. Ngủ, chỉ biết ngủ. Tôi vậy đó, tôi bế tắc, nhiều lúc chỉ muốn "ngủ luôn" cho khỏe.
Làm người mà mang chứng bệnh này cực quá xá. Ngủ mà có tiền để sống nghèo cũng được. Đàng này, ngủ là đói là kém cả ăn xin, vì ăn xin còn thức để kiếm ra tiền. Chỉ an ủi là ngủ thì bớt xài tiền, nhưng thức dậy cũng phải ăn, cứ lẩn quẩn mãi. V thấy tôi sắp điên chưa" Trước, theo ý kiến nhiều người tôi nghĩ là ở Việt Nam sẽ hơn. Nhưng giờ làm ăn bế tắc, khó khăn xuất cảnh phải chăng là chiếc phao lý tưởng. Tôi biết có người ở Mỹ phải đi làm cực nhọc đến khuya nhưng cũng có người sống như tiên, ngày ngày trồng lan rồi dạo chơi, tất cả nhà nước đều lo cả, từ nhà ở đến chi phí bệnh viện. Họ còn có tiền để du lịch và gởi về Việt Nam nữa chứ. Tất nhiên là người già, và đó là tương lai. Một tương lai mơ ước của một người như tôi. Sau vài mươi năm nữa nếu ở Việt Nam tôi rơi vào hoàn cảnh nghèo khổ, thì quả là ân hận khủng khiếp. Đừng cười nhe bạn, tôi coi an nhàn là trên hết, ngủ là trên hết mà.
Thôi, trở lại vấn đề chính. Giờ, nếu bố mẹ tôi và tôi đi Mỹ, bố mẹ tôi đã già tôi không kiếm được việc làm, thì trước tiên vấn đề nhà cửa sẽ ra sao" Nếu tôi không cần xe hơi, không cần nhà đẹp chỉ thích nhàn đọc sách cả ngày, thì có thể không đi làm mà sống dựa vào tiền trợ cấp của nhà nước hay không" khi bệnh tật sẽ ra sao" Người chung quanh sẽ có thái độ ra sao" Nghe mấy Việt kiều nói là trợ cấp thất nghiệp chỉ lĩnh được vài tháng sau khi bị cho nghỉ việc, không phải lãnh thường xuyên. Tiếng Anh tôi đã quên gần hết và do đó tôi vẫn chần chừ không dám đi V thân mến, tôi không mơ ước tương lai cao xa ở Mỹ, một khi mắc phải chứng ngủ ngày. Chỉ mong một cuộc sống an toàn, không chết đói, có TV coi, có sách để đọc, có video để giải buồn.
Việt kiều về, kẻ bảo nên đi, người bảo không nên đi, tôi không biết tin ai. Phần đông họ đều thống nhất ở các ý lớn, qua Mỹ phải đi làm, không có sức khỏe sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng. Đó cũng là điều tôi rút ra được. Tôi chỉ mong qua Mỹ có cơm đủ ăn, có nhà để ở, khi bệnh tật thì có nơi chạy chữa không tốn vượt khả năng của mình, không phải lao động cực nhọc, có thời giờ để ngủ đủ. Vậy thôi, ước nguyện trông có vẻ bé nhỏ nhưng đó lại là vấn đề lớn. Tôi nghĩ giữa một xã hội làm việc quay cuồng, mình muốn nhàn muốn ngủ thì làm sao được. Đến lúc cuộc sống công nghiệp giật tôi dậy, lôi ra khỏi giường thì hối hận không kịp nữa, muốn về Việt Nam thì nhà cửa không còn, cơ nghiệp không còn quả là bế tắc. Có thể như vậy không"
Đến nhà một anh bạn tôi được nghe kể một câu chuyện thương tâm. Một ngày nọ, anh bạn tôi thấy bà hàng xóm cũ của mình nay là Việt kiều trở về thăm quê, đứng vịn cột sắt biệt thự cũ của bà bán từ hồi xuất cảnh, khóc ròng. Anh bèn mời bà vào nhà, hỏi chuyện. Bà nói trong nước mắt là khi ra đi bà bán ngôi biệt thự với giá 150 cây vàng người mua đã sang lại với giá $400 cây và sau một lần tu sửa ngôi biệt thự đã bán lại với giá 600 cây, được biết giờ đang được cho thuê giá 600- 700 đô một tháng, bà được con bảo lãnh sang Mỹ có một người con còn độc thân sống với bà đi cùng. Sang Mỹ chỉ sống vui vẻ vài tuần lễ, sau đó cô con dâu tỏ ý khó chịu rồi đến anh con trai ruột. Bà giận nói lẫy là sẽ đi chỗ khác thì anh con trai từng thuyết phục bảo lãnh bà sang vô cùng hớn hở, ngỏ ý giúp bà mẹ đi càng nhanh càng tốt. Bà sống trong túng quẫn với người con từ Việt Nam sang. Con bà vừa đi học vừa đi làm mới đủ tiền trang trải chi phí nhà cửa, điện nước. Tôi lặng người khi bạn tôi kể xong câu chuyện, bàng hoàng lo âu. Anh chàng trai trẻ trong chuyện khỏe mạnh là thế mà khi qua Mỹ bước đầu phải vất vả trăm chiều, còn tôi không có sức khỏe, khả năng tài chánh không dồi dào, qua Mỹ rồi mà không chịu cực, chỉ mong ngủ thoải mái thì làm sao mà sống"
Năm nay đón giao thừa xong, tôi đi chùa. Người đi chùa từng đoàn rất đông, cứ lũ lượt không dứt. Đường phố hầu như không có xe đạp, chỉ toàn xe gắn máy và xe hơi. Có chăng từng đám thanh thiếu niên đạp xe hàng đoàn, lạng lách đùa giỡn trên đường. Người ra mặc đẹp hơn. Rất nhiều người thát cà vạt, tôi lười mang giày, khi ra đường một đổi mới thấy kỳ, phải quay vào nhà bỏ dép mang giày vào. Trời khá lạnh nên càng thích đi dạo trong đêm xuân. Thấy người ta vui mình cũng bớt buồn bớt lo. Nhưng lại chạnh nghĩ đến một năm bắt đầu với đầu óc chán nản làm ăn, với chứng ngủ ngày ngày càng nặng, chắc chắn mình sẽ tụt hậu trong năm nay. Rồi lại thấy mình không bằng ai giữa phố phường tấp nập, làm cực quá nhưng tờ 5000, 10000 vẫn chưa xem nhỏ được, vẫn phải chơi phim quá date, xài đ second hand. Năm mới bắt đầu bằng tư tưởng chờ nghèo, chấp nhận nghèo để ngủ! Chán hết biết.
Giao thừa, nhiều hàng quán vẫn bán, nhiều ngã tư vẫn còn người cặm cụi vá xe.... Thấy mà buồn cho kiếp người, cứ mở mắt dậy là chạy theo miếng cơm manh áo, quần quật, không biết ngày đêm tết nhất là gì. Rồi lại buồn cho mình. Sống giữa xã hội lao động như khổ sai vậy mà cứ lo ngủ đủ giấc, cứ muốn nằm dài đọc sách xem video, làm sao sống nổi. Nghèo tất nhiên khổ, không được ngủ đủ, thiếu ngủ, làm việc cực còn khổ hơn. Thật bi kịch, định chụp vài bức hình chợ hoa ngày Tết gởi V xem cho vui nhưng nào có thì giờ để chụp, đành thất hứa. Hẹn năm sau, nếu mình vẫn còn ở đây. Nhưng một khi đã dẹp bớt chuyện làm ăn thì giờ dư dả rồi, e lại không có tiền để mua phim rọi ảnh. Nghèo ở Mỹ có lẽ cũng dư tiền để chơi máy ảnh còn nghèo ở Việt Nam thì đừng hòng. Mì gói còn không có mà ăn, nữa là chơi ảnh màu.
Tôi đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch để đi hoặc ở. Nếu đi tôi sẽ gom sách và băng video kỷ niệm gởi bạn tôi để nó gởi qua dần cho tôi. Nếu ở lại tôi sẽ chuẩn bị một cuộc sống thắt lưng buộc bụng. Có thể phải đến mức cho thuê nhà để có tiền mà ngủ, khỏi làm việc, nhưng phải vậy thôi. Nếu V khuyên tôi nên đi Mỹ, xin gởi thư về gấp cho, viết thật dài, thật thuyết phục để tôi có thì giờ xúc tiến việc ra đi và để tôi dứt khoát dễ dàng. Nếu bi khuyên tôi ở lại cũng gấp gấp cho tôi biết, để tôi gom tiền mua một căn nhà nhỏ làm của để sau này cho thuê mà sống. Ở Việt Nam hiện nay giữ vàng là thua vì nhà đất thấy ở Việt Nam làm lao động chân tay thì đi xe đạp, không hình dung được mấy điều Việt kiều về tả, ai qua Mỹ rồi về sau cũng có xe hơi.
Nếu có thể, tôi sẽ lập "đạo ngủ". Nói chơi nhưng thật đấy, ngủ thân không làm việc ác, khẩu không nói điều ác, ý không nghĩ việc ác. Thân, khẩu, ý, ba nghiệp đều thanh và tịnh. Chỉ có một sự dễ chịu, êm ái kéo dài. Ngủ được, trong người "sởn sang" (chữ trong một bài phù cổ có tên "Ái Miên" tạm dịch là yêu giấc ngủ) tỉnh táo, thoải mái, vui vẻ. Ngủ không lo toan không căm ghét sầu hận, ngủ không thấy giàu nghèo, sang hèn, vinh nhục. Đó là một thứ niết bàn, cực lạc tại thế đấy.
Đùa cho vui, hết giấy rồi.
Tạm biệt, chúc V luôn vui khỏe.
Thân ái,

KAREN N. NGUYỄN
Viết theo chuyện của một người bạn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,189,404
Nhạc sĩ Cung Tiến