Hôm nay,  

Giấc Mơ, Phản Ánh Của Ẩn Ức?

03/03/200500:00:00(Xem: 19775)
Người viết: CHU TẤT TIẾN
Bài số 693-1270-41-vb2-010305

Tác giả từng là một nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và từ lâu đã là một nhà báo quen thuộc với độc giả Việt ngữ tại hải ngoại. Lâu lâu, ông vẫn dành cho giải thưởng viết về nước Mỹ những bài viết đặc biệt, về nhiều loại đề tài khác nhau. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*

Bản thân người viết, từ hơn hai mươi năm nay, đã luôn được giấc mơ thông báo một số chuyện quan trọng sắp xẩy ra trong vòng một, hai ngày. Nếu mơ thấy cái gì dơ bẩn nhất như "chất thải của người" thì sắp có tiền. Thấy bẩn ít, tiền ít; bẩn nhiều, tiền nhiều! (Có lẽ giấc mơ muốn cho mình hiểu rằng Tiền Bạc là cái gì xấu xa nhất do con người tạo ra") Mơ thấy con gián (hoặc gián bay thật sự trong nhà) cũng có tiền. (Một buổi tối cách đây chừng gần 20 năm, khi còn ở Việt Nam, trong nhà bỗng có loạn gián! Gián tự nhiên bay đầy phòng, hàng trăm con to nhỏ. Cả nhà hoảng sợ, lấy chổi, lấy phất trần, xịt thuốc lia lịa làm gián chết đầy nhà. Từ đó, tự nhiên tiền bạc cứ từ từ ra đi cho dù mơ thấy gián hoặc phân cũng không thấy "tiền bạc" đến nữa!) Ngoài ra, nếu mơ thấy lửa cháy, thì sẽ có chuyện vui. Ngày trước khi được đi H.O, bỗng mơ thấy có tiếng nổ lớn, rồi lửa cháy tùm lum, sợ toát mồ hôi. Sáng dậy, lên Nguyễn Trãi vớ được tờ thông hành đã bị cán bộ cố tình giấu đi để làm tiền! Ngược lại, từ khi sang Mỹ, hễ mơ thấy côn trùng (kiến, mọt, giòi, bọ..) thì sẽ gặp chuyện xui xẻo. Nếu mơ thấy rắn cắn, trùng cắn, thì nạn to! Con vật càng to, thì nỗi xui càng lớn! Làm việc ở Mỹ trên 14 năm, đổi "dóp" hơn chục lần, lần nào cũng đuợc báo trước bằng giấc mơ thấy giòi, bọ, hoặc côn trùng. Đêm trước mơ thấy rắn hổ mang cắn, ngày hôm sau thì đụng với ông "xếp"õ hay bà "xếp", bực mình bỏ Sở về, mất dóp ngay! Lần đổi "dóp" gần nhất là mơ thấy một bầy giòi tự dưng bò lúc nhúc ra khỏi cổ tay phải, tỉnh dậy vẫn còn bàng hoàng. Đi làm, cố gắng nhịn công việc, nhưng bất ngờ, ông "xếùp" lớn gọi vô, càm ràm về một lỗi của người khác. Ỗng không thèm nghe giải thích, cứ nói lớn một câu "listen to me!" hoài làm cơn bực tăng dần. Lần "listen to me" thứ ba, tự dưng cơn "mát" nổi lên, liền chỉ tay vào mặt "xếp", nói lớn: "Ông phải lắng nghe tôi nói chứ! Tại sao tôi nói ông không nghe mà cứ bắt tôi phải nghe ông"", thế là nhận ngay giấy "release", về nhà liền! Ngoài ra, những lần thua "stock", hoặc vất vả vì tiền, vì công việc, thường mơ thấy vật lộn tơi tả, như bị mất xe gắn máy, phải lội bộ gần đứt hơi, hoặc mơ thấy trèo núi tuột lên tuột xuống, hay mơ thấy bị lún xình, bị lạc nhà, nhà mình mà chạy lanh quanh mãi cũng không tìm thấy, thấy mất áo... Ngày hôm sau, dù cố gắng bình tĩnh thế nào cũng gặp chuyện bực bội vô cùng. Số đã định mà!
Với những giấc mơ mang điềm báo trước như thế, thì không dùng phương pháp khoa học hoặc triết học mà lý giải được. Chỉ có thể dùng niềm tin vào Thượng Đế tối cao, vào Thiên Chúa, để giải thích rằng đó là một loại "giác quan thứ sáu" mà mình may mắn được sở hữu. Dĩ nhiên, tin hay không là tùy quan niệm của mỗi người.
Với những người không có niềm tin, thì tất cả chuyện kể trên đều là hoang tưởng, có thể cho rằng người viết đã có một "tần số bệnh hoạn" nào đó. Tuy nhiên, chắc chúng ta đều đồng ý những điều này: không một cặp mắt nào nhìn thấy không khí, nhưng không có nghĩa là không có không khí. Không cặp tai nào nghe được tiếng phát sóng "radar", nhưng tần số của Radar là sự kiện khoa học có thật. Không có bàn tay nào sờ được làn sóng phát thanh, nhưng phát thanh qua hàng trăm cây số là chuyện quá thường ở thế kỷ 20 rồi. Không ai dùng computer ghi được hiện tượng "thần giao cách cảm" nhưng thực tế có hàng trăm, ngàn trường hợp xa nhau ngàn trùng mà tưởng như đồng hành với nhau, nhất là những anh chị em sinh đôi, người này bị thương thì người kia, dù ở xa trăm dặm, cũng lập tức đau đớn theo.
*
Từ vài ngàn năm trước, đa số nhân loại đã coi một số giấc mơ như những phương tiện mà Thần Thánh muốn thông tin đến con người. ( Nói "đa số" vì không ai tìm thấy những lý giải khác trong văn hóa sử của nhân loại, trong khi phần lớn các dân tộc không có chữ viết.)
Trong Cựu Ước, ông Joseph, người Do Thái, đã giải được một số mộng mà Thiên Chúa muốn báo động cho đất Ai Cập biết trước vận nước trong tương lai: 7 năm no đủ, rồi 7 năm đói kém. Nhờ đó, mà ông Joseph đã cứu được hàng vạn người, trong đó có cả gia đình Do Thái của ông. Trong một số chuyện cổ Hy Lạp, Trung Hoa, hay La Mã, người ta vẫn thấy Thần Thánh xuất hiện trong giấc mơ để trò chuyện, dậy bảo con người, hoặc bắt con người phục vụ Thần Thánh trong một cách nào đó, tốt đẹp hay xấu xa với con người thì tùy theo từng loại thần. Vài vị thần bắt phải giết người để làm thần vui lòng. Một số Thần khác chỉ đích danh một người nào mà Thần muốn giết. Lại có một vị Thần nữ thích sắc dục, hiện đến trong giấc mơ của vua để bắt xây một đền thờ Thần, rồi ra lệnh cho mọi người làm tình với nhau để Thần ngắm. Ngược lại, cũng có Thần dễ thương, giúp người ta yêu nhau, đánh thức một chàng trai dậy để gặp người yêu của mình đang đi tới... Như vậy, giấc mơ, vào thời cổ đại, hoàn toàn lệ thuộc Thần Thánh một cách mê muội. Người ta không giải đáp được câu hỏi tại sao lại có giấc mơ, mà chỉ nêu lên những lời kể lại theo giấc mơ của một người có quyền uy nào đó.
Cho đến vài thế kỷ trước Tây Lịch, nhiều nhà nghiên cứu mới bắt đầu cho "giấc mơ" vào dạng cần nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn mơ hồ. Như Sir John Lubbock (Lord Avebury), Hebert Spencer, E. B.Tylor... cho rằng "giấc mơ liên hệ đến một thế giới siêu nhiên, và đã được gợi hứng từ Thần Thánh và ma quỷ. Giấc mơ được thành lập để phục vụ một số mục đích của Thần Thánh hay Ma quỷ, và để tiên đoán tương lai." Trong khi đó, chỉ có Aristotle (384-322 trước Tây Lịch) cho rằng "giấc mơ kiến tạo bởi một vấn đề tâm lý", hay "một hoạt động tâm lý trong khi ngủ". Oâng cho rằng "giấc mơ biến đổi những cảm giác nhẹ nhàng thành những cảm giác cô đọng, như khi mơ thấy đi trên lửa là vì lúc đó thân thể đang quá ấm.." Sau ông, nhiều người hợp theo quan niệm này và kết luận rằng những trẻ em hoặc thanh thiếu niên tiểu ra quần là vì đã mơ thấy mình đang làm công việc đó một cách thoải mái.
Cùng suy luận theo chiều hướng này, một triết gia khác, Gruppe, lại phân loại hai hình thức mơ. Một loại bị ảnh hường bởi hiện tại hay quá khứ, và không quan trọng đến tương lai; chẳng hạn như những thèm khát dục vọng và những mơ tưởng đến những điều đẹp đẽ. Loại giấc mơ kia liên hệ đến những điềm báo trước về tương lai. Lý thuyết này đã tồn tại nhiều thế kỷ. Sau đó, những triết gia khác như M. Foster, Gotthard của Aâu Châu; và Amoli, Amram, Lowinger của Do Thái; Miura và Iwaya của Nhật.. cũng lần lượt đưa ra những nhận định về giấc mơ, nhưng tựu trung vẫn chưa hình thành được một hệ thống nào ngoài việc cho rằng giấc mơ là hình ảnh của Quá Khứ, Hiện Tại, và một phần Tương Lai. Triết gia Weygandt biện luận "giấc mơ dẫn chúng ta trở lại hiện thực, chứ không rời xa nó." Nói chung, giấc mơ là những điều mà chúng ta đã thấy, đã nói, đã mong muốn, hoặc đã làm.
Cũng có nhiều triết gia tin rằng giấc mơ báo trước những gì sẽ xẩy ra trong tương lai, như Delboeuf, ông đã mơ thấy một vườn hoa, trong đó có một loại cây thảo tên là "Asplenium ruta muralis". Tỉnh dậy, ông đã viết chữ này xuống và sưu tầm tài liệu, thì quả nhiên, có một loại cây tên là "Asplenium ruat muralis!" Mười sáu năm sau, trong một cơ hội ngẫu nhiên, ông đã đã đến nhà một người bạn và khám phá thấy những hình ảnh thảo mộc trong giấc mơ của ông chính là hình ảnh của những cây trong vườn bạn của mình.


Triết gia Maury lại thấy ngược lại. Một số lần ban ngày, ông đã nghe thấy tiếng "Mussidan" nhưng không biết đó là gì. Trong giấc mơ, ông thấy một người bạn đến nói với ông rằng: "Mussidan là một thành phố của Pháp, trong quận Dordogne". Khi tỉnh dậy, ông tra cứu tự điển và thấy đúng là thành phố Mussidan ở chỗ mà người trong giấc mơ chỉ cho ông.
Đôi khi, giấc mơ là những mách bảo hoặc phàn nàn. Nhà nghiên cứu Sacliger, viết một bài thơ về những người danh tiếng ở Verona. Trong một cơn mơ, ông thấy một người tên Brugnolus đến phàn nàn với ông rằng ông đã thiếu sót tên của người này. Sáng dậy, ông sai con trai ông đi truy lục, và quả có một nhà phê bình tên là Brugnolus trong thành phố Verona.
Những yếu tố huyền bí của giấc mơ như thế, rất tiếc, lại không đưa ra được những giải thích khoa học. Mãi đến Hildebrantdt, ông cho rằng: "giấc mơ đôi khi mang trở lại trong trí óc, những sức mạnh của sự tái chế, xa cách, và ngay cả những kinh nghiệm mà người ta có từ những thời trước của một con người." Nhưng, tất cả những nghiên cứu về giấc mơ của các triết gia đó, vẫn chỉ là những nghiên cứu rời rạc, chưa hình thành một hệ thống, theo Sigmund Freud, một triết gia về cuối thế kỷ 19 sang giữa thế kỷ 20 ( 1856-1939). Freud đã phân tích rất tỉ mỉ về những sinh hoạt tâm lý của con người và cho rằng, sinh hoạt tâm lý của con người gồm có 3 giai đoạn: id hay bản năng từ thuở bé, ego hay bản ngã được hình thành khi đã lớn khôn, và super ego là phần chứa đựng lương tâm. Ông lại chia ra ba cấp độ hoạt động của trí tuệ con người: Vô thức, Tiềm thức, và Ý thức. Với ông, giấc mơ chỉ là những sinh hoạt thuộc về phương diện "vô thức" là những sinh hoạt tâm lý không do trí thức, hay sự mong muốn của con người tạo ra. Trong sinh hoạt "vô thức" này, những ẩn ức của đời sống hàng ngày, những đòi hỏi được thỏa mãn về tính dục, về đồ ăn, về hoàn cảnh.. lởn vởn xuất hiện, lúc nhiều, lúc ít, khi có, khi không. Ngược lại, "ý thức" là những sinh hoạt có tính toán, điều khiển bởi trí tuệ, được cấu tạo từ ngay khi còn thơ, qua giáo dục và qua kinh nghiệm. Đến khi lớn lên, nhận thức nhiều hơn, con người sẽ tạo thành một bản ngã vững vàng, và trong bản ngã đó, giấc mơ lâu lâu lại gợi nhớ lại những thèm khát của mình mà trong đời sống hàng ngày con người không thực hiện được.
Tất cả những biện luận, dẫn chứng, hệ luận, lý giải trên; thật ra, vẫn chưa hình thành được một hệ thống nghiên cứu vững vàng , và không thể bắt người ta tin theo một cách tuyệt đối, vì vẫn còn nhiều sơ hở và thiếu sót về khoa học lý luận hay khoa học thực nghiệm. Riêng với người viết, không phải là một nhà lý luận, chỉ với kinh nghiệm thô thiển bản thân hơn hai mươi năm ghi nhớ lại những giấc mơ mình đã trải qua, đồng thời phân tích những lời kể của người khác, nhận định rằng: Giấc mơ là tổng hợp tất cả những gì mà các triết gia từ xưa đến nay đã phân tích. Giấc mơ là phản ánh của ẩn ức và dục vọng, là một sinh hoạt vô thức, là sự tái chế lại những khoảng đời quá khứ, là hoạt động tâm lý trong khi ngủ, là điềm báo trước tương lai gần, và cũng là lời nhắn của Thượng Đế.
1-Phản ánh của ẩn ức và dục vọng: Trong đời người thanh niên và đàn ông, không thiếu những lần mơ thấy những người đàn bà đẹp, hấp dẫn, quyến rũ.. tới để ân ái với mình. Nhất là những người nam không được đàn bà để ý mà lại ham xem sách hình khêu gợi, những người thích nói chuyện bậy bạ, tục tĩu, và những người ham tìm của lạ. Những người này thường mơ thấy đàn bà, có thể là một người đàn bà xấu, nhưng lại đến với họ để giao hoan một cách nhanh chóng. Ngoài ra, có những người vì muốn hãm mình, hay vì một hoàn cảnh nào đó, không có cơ hội gần đàn bà, thì khi cơn khao khát đã tới cực điểm thì liền mơ thấy ái ân. Với phụ nữ cũng thế, nhiều người quen sắc dục, đến khi phải kiềm hãm vì lý do nào đó, cũng mơ thấy người nam đến để yêu đương mình. Trường hợp xẩy ra nhiều nhất là mơ thấy người mình yêu trộm, nhớ thầm. Đôi khi cũng mơ thấy ân ái với vợ hay chồng, nếu đã lâu mà không gần nhau. Cũng có trường hợp mơ thấy ân ái với người thiếu nữ nào trong số bạn bè quen biết, họ hàng; và nhiều lần khác thì không rõ hình tượng con người nào cả, chỉ là một hành vi tính dục mà thôi.

Những người thèm ăn một món ngon nào đó, có thể mơ thấy chính món ăn đó. Người bị lạc, đói khát, mơ thấy được nuôi ăn. Nếu yêu mẹ thật nhiều hay ghét mẹ kinh khủng, cũng mơ thấy mẹ đến bên. Thường thì ít nghe nói đến việc mơ thấy cha mình, có lẽ sự hiện diện của cha quá mỏng.
2- Sinh hoạt vô thức: Hầu như 90% những giấc mơ là những hình ảnh loạn xạ, chả có ý nghĩa gì. Nhưng cũng có giấc mơ nhắc lại những công việc làm thường nhật một cách máy móc như gài nút áo, kéo "zipper" mà không biết là mình đang làm việc đó. Đưa tay gãi đầu, rờ cằm, rung chân mà không để ý đến tay mình đang thực hành một động tác cần thiết. Nhiều giấc mơ cho ta thấy ta đang làm một công việc linh tinh, không rõ ràng, lộn xộn.
3-Tái chế lại những khoảng đời quá khứ: Chúng ta nhiều khi được giấc mơ nhắc lại những kỷ niệm khó quên, những khoảng thời gian hạnh phúc nhất hay bất hạnh nhất. Người viết thường hay mơ tới bị tù đầy, quản thúc, bị giam giữ bởi cán binh Việt cộng. Hoặc mặc áo quần lính đàng hoàng, hoặc mặc rách rưới, nhưng muốn ra ngoài hàng rào thì bị cản lại. Đó là thời gian kinh hoàng nhất. Lại có nhiều lần mơ tới mặc quân phục Thủ Đức, mặc đồng phục tốt nghiệp, đội mũ Sĩ quan.. vì giai đoạn trong quân ngũ là giai đoạn hạnh phúc nhất. Có khi giấc mơ lại cho thấy những người bạn cũ mà cả chục năm không hề nhắc tới.
4-Họat động tâm lý trong khi ngủ: Biết rằng không thể tiểu ra quần, người mắc tiểu ban đêm, thường mơ thấy đi tiểu ở nhiều chỗ nhưng cứ đến khi gần xả ra được, lại có lý do nào đó làm phải nín lại cho đến khi tỉnh giấc thì thôi. Nhiều khi trong giấc mơ, thấy mình tính toán rất chi li những công việc phải làm trong một tương lai gần. Như xây nhà, sửa phòng tắm, mua xe.. Người có nhu cầu cần thiết, ban ngày không nghĩ ra được, thì giấc mơ sẽ làm giùm. Riêng người viết, đã nhiều lần, mơ thấy mình sáng tác những bài thơ lạ. Tỉnh dậy, vẫn còn nhớ rõ ràng, vội bật đèn, lấy bút viết lại ngay, kẻo một chút nữa thì quên hết. Có lần, người viết mơ thấy nguyên một câu chuyện cao bồi xẩy ra rất mạch lạc từ đầu đến kết cuộc, không có một khoảng lộn xộn nào. Khi giật mình thức dậy, chép lại ngay, nhưng chỉ nhớ được vài phần đầu vì chép được một lúc thì quên hết đoạn cuối. Sau đó, phải "nặn" ra cho tới phần kết cuộc.
5-Điềm báo trước tương lai gần: Để mở đầu đoạn này, người viết xin phép đặt hai giả thuyết: Thứ nhất, bên cạnh cuộc sống hữu hình của con người thật, việc thật, còn một cuộc sống vô hình, cuộc sống tâm linh, cuộc sống gồm những "tần số" tạo ra từ những hoạt động, những suy tưởng của trí óc mà mắt thường không nhìn thấu. Mỗi khi chúng ta suy nghĩ, trí óc phóng ra những tần số dài, ngắn, mạnh, hay yếu tùy theo cấu tạo của cơ thể và tuy theo khả năng tâm linh của mỗi con người. Những "sinh hoạt vô hình" đó vẫn chằng chịt chung quanh chúng ta như những tần số của Radar hay của Sonar, không mắt thường nào nhìn thấy, nhưng chỉ người nào may mắn, có bộ óc tạo ra những "tần số suy tưởng" có một tốc độ thích hợp nào đó, thì tần số ấy sẽ vượt lên trước thời gian, "chạm" đến những hiện tượng tương lai, rồi dội trở lại, thông báo cho người chủ biết chuyện sắp đến. Giả thuyết thứ hai, Thượng Đế hay Thiên Chúa tặng cho một đặc ân là cho "giác quan thứ sáu" biết trước chuyện sắp xẩy ra để chuẩn bị hoặc đề phòng xui xẻo.
Như vậy, có thể kết luận rằng, nếu đôi khi, chúng ta không thể nhìn thấy được, không thể nghe thấy được, không thể nắm bắt được một sự kiện gì đó, cũng không có nghĩa là sự kiện đó không có thật. Giấc mơ là tất cả những gì mà con người từ trước tới nay vẫn lý giải.

Chu Tất Tiến

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến