Hôm nay,  

Nhật Ký 29 Ngày Vượt Biển

06/02/200500:00:00(Xem: 149619)

Người viết: LÊ MINH
Bài số 679-1253-24-vb6-040205

Tác giả Lê Minh sinh năm 1960, là giáo viên cấp 1 khi còn ở VN. Sau cuộc vượt biên bằng đường biển với 29 ngày lênh đênh trên biển cả, không thực phẩm, nước uống. Được Cao Uỷ Tỵ Nạn vớt vào đất liền vào cuối năm 1980. Hiện định cư tại Garden Grove; Nghề nghiệp: Engineer. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ hai của ông, những trang nhật ký đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 30 năm 1975-2005.
*

Gia đình tôi đông anh em và nghèo lắm! Muốn gom đủ 3 lượng vàng để lo cho một người vượt biển không phải là dễ. May sao nhờ nhà ở mé sông, nên có người tổ chức vượt biên họ cho tôi đi không với điều kiện ba mẹ tôi phải chứa chấp 8 người mà họ dắt mối từ Sài Gòn về chờ ngày ra tàu.
Công việc nầy cũng rất nguy hiểm, lỡ mà công an biết được là đi tù cải tạo.
Nhà nội tôi kế bên nhà tôi nên ba má tôi gởi bên nội 6 người còn nhà tôi chỉ chứa 2 người. Người tổ chức sắp xếp là đến ngày đi họ sẽ có thuyền nhỏ đậu dưới bến sông nhà nội tôi để đưa người ra tàu lớn đã đậu sẵn ngoài khơi.
Vào một đêm 30 tối đen như đêm cả miền Nam lọt vào tay Cộng sản, một chiếc thuyền đánh cá nhỏ trên thuyền phủ đầy lưới tấp vào bờ sau hè nhà nội tôi, họ nói phải chuyển người thật nhanh, "cá lớn" - có nghĩa là tầu lớn- đang đợi.
Tiếng xì xào to nhỏ làm nội tôi tuy đã già, 2 mắt đã mờ cũng giật mình thức giấc, ông hỏi:
-Thằng Minh đâu rồi"
- Dạ con ne,ø nội!
Trong bóng đêm, ông mò mẫm lấy tay rờ đầu tôi rồi nói nhỏ:
- Con ra đi lần nầy là chắc ông cháu mình sẽ không còn có dịp gặp nhau nữa đâu! Nơi đất khách quê người con ráng lo học hành và tự lo cho bản thân mình.
Ông nhét vào tay tôi 2 miếng gì hơi mỏng và cứng, rồi như không nén nổi sự xúc động, ông bỏ đi vào trong phòng. Sau đó tôi mới biết là ông đã gói ghém cho tôi 2 chỉ vàng, là gia tài dành dưỡng già của ông để tôi phòng thân.
Khi tôi ngồi viết bài nầy nhớ đến nội đã ra đi vĩnh viễn mà không có dịp nhìn mặt ông lần cuối cùng mà nước mắt tôi tuôn tràn.

Ngày Đầu Tiên: qua trạm biên phòng

Sau khi 9 người chúng tôi đều xuống khoang thuyền, người đưa khách lấy lưới phủ lên trên người chúng tôi để ngụy trang như là một ngư phủ sửa soạn ra khơi đánh cá.
Nằm dưới đống lưới cá còn ướt đẫm mùi tanh của cá, mùi nước biển, hơi thở khó khăn làm tôi muốn ói nhiều lần.
Gần tới trạm công an biên phòng, người đưa khách nói:
- Các anh chị ráng giữ bình tĩnh, đừng nhúc nhích và nói gì hết! Qua khỏi trạm nầy là kể như đã đi được nửa đường.
Chiếc huyền bớt máy, chậm lại rồi ngừng hẳn. Tôi nghe có người nói:
- Giờ nầy còn đi đâu đó"
- Đi làm mẻ lưới sáng chớ anh! Nước triều đang lớn hy vọng sẽ trúng mánh.
- Có chở gì khác không"
- Trời! Anh biết tôi ngày nào cũng ra khơi đánh cá mà, đâu có chở gì! Anh muốn xuống coi không" Thôi lấy vài tờ uống cà phê nghe! bữa nay trúng lưới, mai về bọn mình nhậu cho đã.
- Thôi, đi di!
Tiếng máy nổ và thuyền lại rời bến. Người đưa khách cất tiếng:
- Chúc mừng các anh chị đã qua khỏi cửa biên phòng. Bây giờ có thể bỏ lưới qua một bên cho dễ thở.
Tôi tung lưới ra, ngước mặt nhìn về những dãy dừa xanh, những cây mắm mọc sát bờ biển và xa xa những mái nhà nhỏ của xóm ngư phủ... Đó là hình ảnh que để hình dung mảnh đất quê hương lần cuối cùng trước khi đi không hẹn ngày trở về.

Ngày Thứ 2: đem trứng cho ác

Chiếc thuyền nhỏ ra khơi trong cơn mưa phùn đầu tháng Mười. Quần áo ướt át, thêm gió biển rồi từng đợt sóng biển đánh vào khoang thuyền làm tôi lạnh run người.
Thuyền chạy gần 1 tiếng thì tôi nhìn thấy xa xa có một chiếc tàu khá lớn đang đậu gần một hòn đảo nhỏ, hình như là Hòn Tre thì phải.
Người đưa khách cho thuyền cặp vào chiếc tàu nầy rồi ra lệnh:
- Các anh chị leo lên tàu nầy. Lẹ lên!
Chiếc tàu cao quá so với thuyền nhỏ và những đợt sống làm lắc lư con tàu, khiến tôi nhảy mấy lần mà cũng chưa lên được. Cả hai chân bị rớm máu vì bị cắt bởi những con hà đóng quanh thành tàu.
Rốt cuộc thì tất cả đều lên được tàu. Người đưa khách vẫy tay chào chúng tôi rồi quay thuyền chạy thẳng về đất liền.
Trên tàu đã có một số người đến trước. Họ nói phải chờ cho đủ số người và tài công ra rồi mới bắt đầu cuộc hành trình. Vậy là tiếp tục chờ đợi, căng thẳng. Thuyền nhỏ cứ lâu lâu lại chở thêm 9- 10 người lên tàu. Gần chật cả khoang dưới lẫn trên boong tàu mà sao vẫn chưa thấy người chủ tàu, tài công hoặc người tổ chức"
Trời gần sáng thì có một chiếc thuyền nhỏ chở chủ tàu, tài công và người tổ chức. Họ lên tàu, tiền trao cháo múc, thanh toán tiền mua tàu còn lại bằng những thỏi vàng óng ánh, nói vài lời chúc may mắn đến chúng tôi rồi trở về thuyền đi về, chỉ để lại người tài công.
Chiếc tàu với sức chứa 70 người giờ đây đã có tất cả là 139 người. Coi lại lương thực thì trời ơi! Chỉ có một khạp nước với một khạp gạo. Làm sao có thể đỡ cảnh đói khát cho suốt cuộc hành trình vượt biển"
Trên tầu có nhiều người chửi rủa là "đem trứng cho ác, lấy vàng của người ta rồi tổ chức như vậy đó!" Nhưng chửi rủa gì cũng đã muộn rồi, chỉ còn quyết định là có nên tiếp tục đi hay là quay trở lại để chịu cảnh tù đày!
Cuối cùng tất cả đành quyết định ra đi, hy vọng khi ra được hải phận quốc tế sẽ có tàu buôn hoặc chiến hạm của Mỹ cứu vớt.

Ngày Thứ 3: tài công không biết lái tàu

Người tài công nổ máy tàu và lây quây với chiếc hải bàn. Ông tự giới thiệu là đại úy Hải Quân VNCH, cùng đi với người bạn gái. Thấy ông lây quây mãi với cái hải bàn, có người hỏi:
- Sao không bắt đầu chạy đi mà ở đó coi cái gì vậy"
- Nói thiệt nghe! Tôi đi hải quân nhưng hồi đó đâu có lái tàu, làm sao biết đường nào đến Thailand!
- Trời đất! Dzậy sao ông nhận làm tài công cho tàu"
- Thì phải nói là tài công họ mới cho đi không lấy tiền! Bây giờ tôi cũng không biết tọa độ nào để lái tàu đến bờ biển Thailand!
Cả tàu xôn xao. Thiệt là đem con bỏ chợ mà! Tính sao bây giờ"
- Để tôi lái cho!
Từ phía sau mũi tàu có anh thanh niên vóc dáng vạm vỡ, nước da ngâm đen lên tiếng và đi lại buồng lái.
- Có gì khó đâu! Tôi nghe người ta nói cứ giữ hải bàn ở tọa độ 260 là sẽ đến hải phận quốc tế và đến Thailand.
Cả tàu thở ra. Anh thanh niên cho máy nổ rồi cầm tay lái cứ hướng 260 độ mà cho tàu chạy!
Con tàu băng băng. Mặt trời đã lên cao rọi những tia màu đỏ nhạt trên mặt nước biển.

Ngày Thứ 4: máy chết, tàu lủng

Con tàu chật ních người vẫn lướt trên biển cả mà chưa thấy bờ bến. Cơn nóng biển VN hòa lẫn với hơi người ngột ngạt. Bắt đầu đói khát lả người. Người ta nấu một nồi cơm lớn rồi chia phần cho mỗi người một muỗng cơm trắng với chút nước lã đo lường bằng cái nắp can để cầm cự, hy vọng sớm ra được hải phận quốc tế.
Trời về chiều, ở cuối chân trời hiện lên một vầng mây đen như báo trước bão tố sẽ chụp lấy con tàu nhỏ bé. Biển mênh mông không bờ bến, biết đâu là hải phận quốc tế, đâu là bờ biển Việt Nam"
Mọi người chợt hướng mắt nhìn về phía trước, một chiếc tàu buôn ngoại quốc đang chạy song song cách thuyền rất xa. Gương mặt mọi người đều hiện lên vẻ mừng! Chỉ trong hải phận quốc tế mới có tàu buôn ngoại quốc thôi!
Nhiều người cởi áo trắng ra vẫy vẫy làm dấu SOS với hy vọng chiếc tàu kia sẽ thấy mà quay lại cứu giúp. Tất cả dán mắt theo dõi nhưng cái tàu buôn vẫn làm ngơ.
Có người đề nghị đục tàu cho chìm để họ thấy emergency thì bắt buộc phải vớt.
Một số người đồng ý, phần còn lại thì không. Rủi họ không thấy thiệt thì chết cả đám. Thôi thì hy vọng có chiến hạm Mỹ hay gặp dàn khoan dầu là hay nhất!
Trời đã về đêm, gió bắt đầu đẩy những ngọn sóng bạc đầu thật lớn đánh vào thành tàu. Cơn mưa lớn chợt nổi lên. Con tàu của chúng tôi như nhào lộn trong lòng biển, lúc thì sóng đưa lên thật cao, lúc thì như chìm vào biển cả.
Cạch... cạch... cạch...Tiếng máy tàu nổ thêm 3 tiếng rồi tắt hẳn!
- Chết rồi! Tàu phá nước ngập cả máy rồi, bà con ơi xúm lại tát nước!
- Trời ơi! Vậy là chắc chết hết!
Tôi nghe tiếng khóc la hòa lẫn tiếng cầu kinh, niệm Phật cộng với tiếng gió rú mưa rơi giữa biển khơi mịt mù đen tối!
Đời người chỉ chết một lần! Tôi nhủ mình hãy cố bình thản trước cái chết gần kề. Đọc xong kinh ăn năn tội thấy mình không sợ cái chết nữa, dù thấy nó sẽ xảy đến trong giây lát. Trong số 139 người trên tàu, có những cụ già từng trải, những thanh thiếu nữ tương lai đầy hứa hẹn và những mái đầu xanh vô tội chưa từng nếm mùi đời. Tất cả đã đem sinh mạng mình ra để đánh đổi 2 chữ "Tự Do".

Ngày thứ 5: kề cái chết, thấy lòng người

Đêm giông bão tưởng như dài vô tận. Quá nửa khuya, đã sang ngày Thứ 5 nhưng trời vẫn chưa rạng. Con tàu nhỏ bé bắt đầu từ từ chìm xuống lòng đại dương.
- Trời ơi! Tàu sắp chìm rồi, thẩy bớt đồ trên tàu cho nhẹ bớt đi! Ai biết bơi lội thì nhảy xuống biển giùm!
Chúng tôi thẩy bỏ tất cả những gì có thể thẩy. Mấy cái can chứa đầy dầu, máy tàu không còn chạy nữa thì để nó làm gì! Chúng tôi đổ bỏ hết dầu rồi cắt thùng ra làm đôi để làm thùng tát nước.
Nhiều người nhảy xuống biển, nhưng đêm tối mịt mù, không thấy bờ bến biết bơi về đâu! Đành vịn vào thành tàu cho khỏi chết chìm.
- Kiếm được chỗ bể rồi bà con ơi! Cởi áo ra! Cởi áo ra để tôi nhét chỗ bể lại.
May mắn làm sao có một anh nhảy xuống biển, tay vịn vào thành tàu, cái chân chòi chòi lại thọt ngay chỗ bể mới la lên!
Mọi người giành nhau cởi áo đưa cho anh ta rồi xúm lại tát nước với hy vọng nhỏ bé là tàu đừng có chìm. Có anh chàng thanh niên quá hăng say tát nước, anh tát quá nhanh, hết sức mình đến nỗi ngã xỉu bên thành tàu mà 2 tay vẫn còn đưa ra như muốn tát thêm một thùng nữa.
Có những cụ già, em bé lấy hai tay bụm từng bụm nước cố đem ra khỏi tàu nhưng khi đem ra khỏi tàu thì không còn được bao nhiêu!
Chúng tôi tát nước suốt đêm hôm đó dưới cơn mưa gió bão bùng. Tay chân bị vọp bẻ vì lạnh cóng nhưng vẫn cố gắng hết mình.
Có cận kề cái chết mới thấy được lòng người! Chúng tôi là dân tứ xứ không hề quen biết nhau, giờ đây cùng chung chiếc thuyền định mệnh. Tất cả đều coi như anh em ruột thịt trong nhà, tất cả đều tận lực không phân bì ai làm nhiều làm ít!
Sau cơn mưa trời bắt đầu rạng dần! Ở cuối chân trời vầng hồng thái dương chiếu sáng, biển lặng như tờ. Chúng tôi vẫn tát nước, con tàu càng lúc càng nổi lên và trôi theo dòng nước biển.
Trôi về đâu... đành phó mặc cho số trời!

Ngày Thứ 6: hải tặc đợt một

Con tàu nhỏ cứ trôi lững lờ trên biển vắng. Trời đã vào trưa. Cơn nóng biển, sự mệt nhọc tát nước suốt đêm và cơn đói khát hoành hành làm cho mọi người rã rời!
Trên tàu có khoảng 60 người là thanh niên trai tráng, phần còn lại là phụ nữ, trẻ em và người già. Chúng tôi bàn nhau chia những thanh niên thành 20 tổ, mỗi tổ 3 người để thay phiên nhau tát nước 24/24 hầu những người khác có thì giờ nghỉ ngơi.
Nguyên cả ngày không thấy bóng một chiếc tàu lạ nào và cũng không biết tàu của mình đã trôi về đâu!
Trời đã gần chiều, hoàng hôn từ từ lặn ở phía chân trời xa!
Một chấm đen hiện trên biển xa càng lúc càng lớn dần, mọi người đều mừng rỡ:
- Có tàu đến gần, được cứu rồi!
Một chiếc tàu đánh cá Thailand cặp vào tàu tôi. Hai ngư phủ Thailand nhảy qua dùng dây cột tàu chúng tôi tôi vào tàu họ rồi kéo đi!
Đâu có ai biết nói tiếng Thái. Chúng tôi chỉ xí xô, xí xào... Thailand, Thailand rồi ra tay làm dấu ý nói là muốn đi Thailand.
Hai người ngư phủ Thái không nói một lời nào. Chúng tôi bàn với nhau ai có tiền bạc, vàng vòng gì thì bỏ ra chút ít để gom góp lại đưa cho họ nhờ họ kéo đi Thailand.
Chết đi sống lại thì ai đâu còn để ý chút ít tiền bạc làm gì! Chúng tôi gom góp được khá nhiều đồng hồ, vàng bạc để vào cái nón rồi đưa cho 2 ngư phủ Thái.
Họ cầm lấy rồi nói tiếng Thái với mấy người của họ còn ở trên tàu.
Tàu của họ kéo tàu của chúng tôi được đâu hơn 2 tiếng thì dừng hẳn, cặp sát vào tàu của chúng tôi, họ lấy dây cột tàu lại rồi nhảy qua thêm 5 người nữa. Trên tay có 2 người có súng, họ lụt xét từng người để tìm vàng bạc, nữ trang.
Trời ơi! Chúng tôi gặp hải tặc mà ngỡ là người ơn!
Sau khi lục xét và gom thêm được chút vàng bạc, họ nhảy qua tàu của họ và thẩy sang mấy gói mì khô rồi chặt dây chạy mất tiêu.
Trước khi đi chúng tôi có nghe là có thể gặp hải tặc, nhưng đâu có ngờ họ là dân đánh cá chuyên nghiệp và cũng là hải tặc!
Thôi cũng là một kinh nghiệm cho những ngày kế tiếp...

Ngày Thứ 7: tang lễ giữõa biển

Đêm mùng 7 tháng 9 âm lịch, biển lặng như tờ! Bầu trời đầy sao, xa xa ánh trăng lưỡi liềm chiếu ánh sáng mờ ảo xuống khoang tàu.
Mọi người đang nằm sắp lớp, thiêm thiếp trong cơn nóng và đói khát cả ngày trời. Cảnh vật im lìm chỉ còn nghe tiếng xào xạc tát nước của 3 người thanh niên đến phiên trực.
Giờ nầy chắc ba mẹ tôi lo lắng lắm rồi! Người ta đi chỉ có 4- 5 ngày là có điện tín báo tin, còn tôi đã 7 ngày rồi mà vẫn nằm đây, trên chiếc tàu định mệnh không biết sống chết lúc nào! Mệt mỏi vì đói khát tôi gần thiếp đi trong giấc ngủ thì bổng nghe tiếng la thất thanh:
- Trời ơi! Con gái tôi chết rồi! Con ơi sao nở bỏ mẹ mà ra đi!
Mọi người đều giật mình mắt hướng về tiếng la. Một người đàn bà đang ôm đứa con gái 8 tuổi mà nước mắt lưng tròng.
Chúng tôi xúm lại xem coi còn có thể cứu chữa em bé không!
Hai môi em bé đã nứt nẻ chảy máu và đã chết cứng tự lúc nào! Mọi người dùng lời an ủi người mẹ và đề nghị: Con tàu không biết đến bao giờ cặp bến, chắc là không thể đem được em lên bờ để mà chôn cất. Thôi thì lấy đại dương làm nơi em yên nghỉ cuối cùng.
Tang lễ cho em bé diễn ra theo nghi thức của 2 tôn giáo. Không nhang, không đèn. Giữa biển khơi mịt mù tăm tối tiếng tụng kinh bằng Phạn ngữ của một vị sư đi cùng tàu sao thấy quá xót xa! Rồi bài kinh Vực Sâu thánh thót vang lên giữa tiếng khóc nức nở "Từ vực sâu u tối con cầu xin chúa, chúa ơi!....".
Một người thanh niên cởi chiếc áo khoác cuối cùng quấn vào thi thể em bé như muốn cho em thêm chút hơi ấm dưới lòng đại dương.
Chúng tôi thả thi hài em xuống biển, em nổi lên trôi lẩn quẩn bên thành tàu mấy phút như còn luyến tiếc những mối tình thâm, rồi chìm sâu vào lòng biển cả.
Em bé ơi! Nếu linh hồn em có linh thiêng xin hãy theo che chở cho chúng tôi, những người còn lại trên con tàu khốn khổ....

Ngày Thứ 8: cầu mưa

Tàu vẫn trôi bềnh bồng trên sóng biển. Đã mấy ngày không có giọt nước thấm giọng. Ở cuối chân trời vầng mây đen càng lúc càng lan rộng, cơn sóng biển càng lúc càng to báo hiệu thêm một cơn mưa. Nghĩ càng đau lòng. Người ta đi biển chỉ cầu mong biển lặng sóng yên. Còn chúng tôi trên tàu thì đang cầu có mưa. Mưa bão có thể làm chìm con tàu nhỏ bé, nhưng trước hết, có mưa mọi người thấy mình đỡ chết khát.
Mây đen phủ kín trời, con tàu nhấp nhô trên những đợt sóng bạc đầu khổng lồ. Rồi những giọt mưa nặng trĩu trút xuống khoang tàu. Tất cả há miệng ra để hứng từng giọt nước trời cho. Có người còn lo xa hơn, lấy những cái can đựng dầu mà chúng tôi cắt ra để hứng nước mưa phòng bị cho những ngày sắp tới.
Cơn lo chết khát đã qua đi! Cơn lạnh của đám mưa ướt đẫm cả người làm cho cơn đói càng thêm dữ dội hơn!
Tôi thấy có người cạo rong xanh đóng vào thành tàu đưa vào miệng để ăn.
- Cái nầy có bổ dưỡng gì đâu mà ăn!
- Nó không bổ dưỡng nhưng để cho bao tử mình có cái gì làm việc. Đến khi được cứu, ăn đồ ăn vào sẽ không bị đứt ruột mà chết!
Nghe cũng có lý! Mọi người xúm lại cạo những vệt rong biển để ăn lót dạ. Chiếc tàu đóng đầy rêu xanh chỉ lát sau đã được mọi người cạo sạch như lau. Cơn đói cơn khát lại tiếp tục dầy vò, không biết đến bao giờ...

Ngày thứ 9-11: Ba ngày đêm bị hải tặc

Đây là ba ngày đen tối nhất trong hành trình vượt biển của chúng tôi!
Ngày thứ 9: Thêm một tàu hải tặïc xuất hiện.
Hải tặc thay phiên nhau cướp bóc, hãm hiếp. Tôi không biết lấy lời gì để kể!
Sang ngày thứ 10. Cùng vậy!
Đoàn người trên tàu hoàn toàn kiệt lực rồi!
Hải tặc muốn làm gì thì làm!
Thêm ngày Thứ 11: Tôi chịu hết nổi!


Nhìn những em gái 14 - 15 tuổi quằn quại dưới bàn tay đen đúa của đám hải tặc Thailand. Những người vợ trẻ cặp mắt đau đớn nhìn chồng, và những người chồng ngoảnh mặt nhìn nơi khác mà đôi mắt lưng tròng!
Tôi muốn lén đục bể chiếc tàu để cho mọi người cùng chìm sâu dưới lòng biển, để khỏi nhìn cảnh xót xa nầy! Nhưng mạng sống của hơn một trăm người còn lại, không cho phép tôi làm chuyện nầy!
Trời ơi! Chết không ra chết! Sống không ra sống!
Biết bao lâu nữa chúng tôi mới tìm được bến bờ"
Ngày Thứ 12: Con rắn biển
Biển sao yên lặng quá! Không một bóng tàu. Lòng người thật mâu thuẫn. Cơn hãi hùng vì hải tặc cướp bóc, hãm hiếp mới đó, vậy mà bây giờ lại trông cho có bóng tàu.
Thấy tàu Thailand thì chúng tôi sợ, không thấy gì hết thì chúng tôi lo. Lo là không biết con tàu đã trôi vạt về đâu! Lỡ mà trôi ngược về hải phận VN thì thôi thà chịu cảnh cướp bóc, hãm hiếp trên biển Thái còn đỡ khổ và có chút hy vọng về tương lai hơn.
Mấy giọt nước mưa hứng từ cơn mưa bão mấy hôm trước giờ cũng đã cạn khô. Chúng tôi đã ăn tất cả những gì có thể ăn được, những rong rêu trôi lềnh bềnh cạnh tàu, mấy con sứa biển sống mặn đắng hôi tanh.
Có con rắn biển bằng ngón chân cái lội ngoằn nguèo cạnh thành tàu. Một anh thanh niên nhảy ùm xuống biển, nắm đuôi đập đầu rắn vào thành tàu rồi ngắt bỏ đầu ăn sống không chừa một giọt máu.
Trời đất! Nó là con đèn cườm rất độc, nó mà cắn thì cho dù có ở trên đất liền cũng chưa chắc gì có thuốc chữa huống chi trên chiếc tàu lênh đênh trôi vạt như vầy!
Tôi nghe kể là trước đây có chuyến tàu lạc trên biển lâu ngày, quá đói khát, có người đã ăn thịt người chết để mà cầm hơi.
Lạy trời! Đừng để con tàu của chúng con lâm vào cảnh nầy.
Có con cá nút nhớt to hơn bắp chuối chân đang lội quanh quẩn chiếc tàu để nút chất dơ. Kiếm được một lưỡi câu sét và sợi dây gân ở dưới hầm tàu, tôi tớm lưỡi câu rồi lấy cái đầu rắn biển của anh thanh niên bỏ móc vào hy vọng sẽ câu được con cá.
Cá ơi! Làm ơn cắn mồi. Cắn mồi mầy sẽ chết, nhưng chúng tôi sẽ có thêm chút sự sống để chờ đợi phép la!
Con cá nhào lại táp mồi, dính câu! Mọi người la lên:
- Hay quá!
- Để em làm cá rồi lượt lên chia cho mọi người nghe!
Trời ơi! Con cá có bao lớn làm sao chia đủ cho 138 người"
Tôi nghĩ không còn bao lâu nữa mọi người sẽ ngã gục vì đói khát trên con tàu vô phước nầy rồi!

Ngày Thứ 13:Lại tàu Thái nữa

Nhiều người đã lả vì đói nằm sắp lớp trên khoang tàu!
Đêm về, gió mát và sương đêm làm cho mọi người cảm thấy đỡ hơn lúc ban ngày.
Từ đàng xa một chiếc tàu đánh cá Thái đèn đuốc sáng trưng cặp vào. Trên tàu đầy tôm cá còn nhảy tung tăng vì mới đổ một mẻ lưới cào. Hai người ngư phủ nhảy sang tàu và cột tàu của chúng tôi vào tàu họ!
Thôi rồi! Lại bị cướp bóc hãm hiếp nữa! Nhiều người đói quá nhẩy sang tàu Thailand quơ những con tôm, con mực còn sống mà ăn. Đói quá rồi! Ăn trước cái đã rồi muốn sao thì sao.
Đùng! Đùng! Đùng!
Ba tiếng súng nổ vang trời. Một anh thanh niên vừa đứng lên định nhẩy lên tàu Thái chợt ngã sấp xuống vĩnh biệt cõi đời!
Trời! Ăn có mấy con tôm cá sống mà nỡ bắn chết người sao"
Mọi người chết lặng không dám nhút nhích.
Người thuyền trưởng một tay cầm cây súng shot gun bắn chỉ thiên, một tay ra dấu đừng có ăn mấy thứ đó và dùng tiếng Phổ Thông nói với mọi người hãy trở về tàu mình, ông đã kêu ngư phủ nấu cơm, chiên cá chút nữa sẽ phân phát cho tất cả mọi người!
Chúng tôi thiệt là hồ đồ: Kẻ cướp trước đây thì ngỡ là người ơn, kẻ làm ơn thì chút nữa đã đổ oan cho họ là kẻ cướp.
Chúng tôi trở về tàu của mình. Anh thanh niên chắc vì quá đói khát, sức lực chỉ còn đủ để đứng lên rồi ngã quỵ hoặc là quá sợ hãi vì tiếng súng rồi đứng tim mà chết!
Lại phải cử hành lễ an táng cho anh ta dưới lòng đại dương, nhưng lần nầy anh có được chút may mắn hơn em gái nhỏ đã ra đi là vì có người thuyền trưởng Thái tốt bụng thắp cho ba nén hương tàn!

Ngày thứ 14: Vị thuyền trưởng Thái

Bất cứ dân tộc nào cũng vậy! Có người tốt, người xấu, kẻ dữ, người hiền. Vị thuyền trưởng người Thái gốc Hoa sau khi kêu đám ngư phủ phân phát cơm nước cho chúng tôi ông ngồi nói chuyện, kể lại là trước đây có lần ông đi đánh cá tàu bị hỏng trôi dạt vào hải phận Việt Nam, được những người lính Hải Quân VNCH giúp đỡ kéo tàu về đảo Phú Quốc để sửa dùm máy móc sau đó mới chỉ hướng cho ông ta lái tàu về hải phận Thailand. Ông ta nói từ đó lòng ông rất cảm động và biết ơn.
Sau khi nghe tin miền Nam VN thất thủ và có nhiều thuyền nhân vượt biển tìm tự do, tàu của ông thường luôn chuẩn bị thêm gạo, nước để có dịp gặp thuyền nhân là ông tiếp tế!
Ông không thể nào vớt người vượt biển được vì chính phủ Thailand có lệnh cấm nếu ông làm trái lệnh sẽ bị đi tù, nhưng ông có thể đợi đến gần sáng sẽ kéo tàu của chúng tôi vào vùng biển có nhiều tàu đánh cá qua lại hơn, hy vọng sẽ có những người ngư dân tốt bụng khác giúp đỡ hoặc là gặp tàu buôn, chiến hạm cứu giúp!
Nghe ông nói trong lòng chúng tôi gợi lên chút ánh sáng hy vọng...
Người ngư phủ lấy giây cột mũi tàu của chúng tôi vào sau lái tàu đánh cá của họ. Vị thuyền trưởng mở máy chạy rồi kéo đi từ từ, ông không dám chạy nhanh vì thấy chiếc tàu của chúng tôi đã quá cũ kĩ và đang rỉ nước. Kéo nhanh lỡ nó chịu không nổi, phá nước thì nguy!
Đúng 10 ngày con tàu của tôi mới được rẽ sóng biển mà lướt đi mặc dù nó phải nhờ chiếc tàu khác kéo giúp!
Nhìn con tàu rẽ sóng lướt đi mà lòng tôi chợt nao nao! Không biết lần nầy nó có rẽ đúng hướng để đi về một nơi có chút niềm hy vọng hay là lại đưa chúng tôi vào cảnh khốn cùng như những ngày đã qua!
Kéo cả ngày trời, đến khi trời sắp tối vị thuyền trưởng mới ngừng lại tại một vùng biển mà ông cho là sẽ có nhiều tàu đánh cá hơn. Ông kêu 2 ngư phủ đem qua tàu của chúng tôi một thau lớn cơm nếp, cá muối chiên, một cái phi bằng plastic đổ nước đầy, một bao gạo 50 lbs.
Có người quá cảm động với tấm lòng tốt của ông, moi móc trong cái nón nỉ tờ $100.00 USD, số tiền mà cho dù đám cướp biển ghìm dao, chĩa súng trước đây ông cũng không chịu đem ra mà đưa cho vị thuyền trưởng để tỏ lòng cám ơn. Ông không chịu lấy và nói là "ráng cất giữ nó đi, nếu may mắn được đến bến bờ của trại tỵ nạn thì số tiền đó cũng rất cần cho đời sống của người tha hương "!
Trước khi từ giã, ông còn không quên đưa cho mấy cái diêm quẹt, nói lời chúc may mắn rồi mới tháo dây tiếp tục cho chuyến đánh lưới tôm cá ngoài biển khơi.
Bên cạnh những hải tặc Thailand độc ác không có tánh người cũng còn có những người ngư phủ, hiền hòa chất phác thi ân không cần đền đáp.
Đêm hôm đó chúng tôi ngủ rất ngon với niềm hy vọng là mình sẽ gặp được nhiều ngư phủ giống như vị thuyền trưởng mới quen và chắc cũng không bao giờ có dịp gặp lại lần thứ 2!

Ngày Thứ 15-23: bềnh bồng không người lái

Xin rút ngắn chuyện trong những ngày nầy vì bài đã quá dài! Dài như cuộc hành trình gian khổ của những người mất nước đi tìm tự do.
Con tàu không người lái chở sinh mạng của 137 người còn lại vẫn trôi bềnh bồng trên sống biển. Mặc dù chúng tôi có thêm được chút nước và gạo nhưng cũng không dám ăn uống nhiều vì không biết đến bao giờ mới được cứu giúp.
Thỉnh thoảng cũng thấy có một hai chiếc tàu đánh cá ghé ngang đưa mắt nhìn, có tàu đưa qua một thau cơm, mấy gói mì khô, một can nước rồi bỏ đi!
Có thêm chút thức ăn nước uống thì chúng tôi lại phải vất vả làm việc hơn! Chỗ bể của con tàu giờ đây rỉ nước nhiều hơn, phải 6 người thay phiên nhau tát nước suốt ngày đêm để cho mực nước trong tàu đừng dâng cao.
Sự sống của chúng tôi sao chẳng khác gì những con kiến bám vào cành cây trên dòng nước lũ, không biết sẽ bị dòng nước cuốn đi lúc nào"

Ngày Thứ 24: kéo tàu đi núp bão

Vùng biển thỉnh thoảng có tàu đánh cá Thái hôm nay sao vắng lặng như tờ" Ở cuối chân trời mây đen che kín một vùng, lâu lâu một tia sét chớp sáng hiện lên như báo trước một cơn bão khủng khiếp sắp xảy ra.
Các tàu đánh cá chắc đã nghe tin tức khí tượng báo bão nên đã trở về đất liền hoặc là kiếm nơi ẩn núp. Chỉ còn con tàu vô định của chúng tôi giữa đại dương mênh mông. Chúng tôi thừa biết là con tàu chắc chắn sẽ chìm đắm trong cơn bão sắp tới nầy!
Từ đàng xa một chiếc tàu đánh cá Thái chạy thật nhanh đến bên tàu của chúng tôi. Trên tàu chỉ có 2 người, một tài công và một ngư phủ. Người ngư phủ nhảy sang tàu của chúng tôi, lấy 2 sợi dây thừng thật to cột chặt vào mũi tàu rồi nói xì xào gấp rút với chúng tôi bằng tiếng Thái. Cảm thấy chúng tôi không hiểu gì, anh móc trong túi áo ra miếng giấy và vẽ vào đó một hòn đảo nhỏ nằm chơi vơi giữa biển khơi rồi ra dấu là họ sẽ kéo dùm tàu của chúng tôi vào đó!
Anh nhảy sang tàu đánh cá, người tài công mở máy thật lớn kéo con tàu của chúng tôi đi! Hai sợi dây thừng căng thẳng, chiếc tàu kêu lên răng rắc, chỗ bể lòng tàu bị sức ép càng tràn nước vào nhiều hơn!
Chúng tôi xúm lại tát nước! Cơn mưa đã bắt đầu rơi hạt, gió thổi mạnh, những đợt sóng biển càng lúc càng to làm lắc lư cả hai con tàu. Mạng sống của 137 người như chỉ mành treo chuông. Chắc chắn con tàu sắp bể tan từng mảnh.
Trong mưa bão, bỗng thấy hiện lên một khối to đen. Hòn đảo nho đây rồiû. Trong tàu chúng tôi nước càng dâng cao, sức người tát nước ta không kịp.
Người tài công cho máy nổ thật lớn lấy trớn đưa con tàu chúng tôi đến gần đảo hơn, rồi chặt dây thừng quây tàu mình chạy ngược về đất liền.
Con tàu lảo đảo, nước tràn vào gần đầy, mọi người nhảy xuống biển. May quá bờ biển chỉ sâu ngập chưa tới đầu người. Chúng tôi dìu dắt, ôm nhau lội vào bờ. Con tàu vài phút sau đó thì an phận chôn sâu dưới lòng biển.
Người ngư phủ Thái vô danh ơi! Anh đã làm một việc thiện để rất nhiều ơn đức cho con cháu sau nầy! Anh đã cứu một lần 137 mạng người trong cơn thập tử nhứt sanh!
Chúng tôi ùa vào đảo tìm những hang đá, bụi cây để tránh cơn mưa như thác lũ.
Gió rít nghe rợn người, ngoài khơi tiếng sóng vang rền.
Không biết ngày mai sẽ ra sao trên hòn đảo hoang không một bóng người này. Cũng chưa ai trong chúng tôi biết đây chính là đảo Kra, một hòn đảo hoang cách tỉnh Songkhla khoảng một ngày tàu. Hải tặc Thailand thường dùng nơi nầy để tránh những cơn bão và lên đảo kiếm thuyền nhân lạc vào để cướp bóc và thỏa mãn thú vui xác thịt, từ đó nó có thêm cái nichname là Đảo Hải Tặc.
Do sự kể lại của các thuyền nhân đã đến nơi nầy trước đây nên Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ thường cho máy bay ra đảo nầy để tìm kiếm người vượt biển.
Con tàu của chúng tôi tới đảo vào những ngày mưa bão, sẽ phải gánh chịu bao cảnh hãi hùng nữa rồi! Đâu có máy bay nào dám bay trong thời tiết mưa bão cấp 5!

Ngày thứ 25: Đảo Hải Tặc

Sau một đêm chui rúc trong những hang đá, bụi cây mình mẩy ướt như chuột lột, sáng hôm sau, dù cơn mưa vẫn như trút nước, chúng tôi vẫn đi ra khỏi hang đá, bụi cây coi trên đảo có những thứ gì.
Ngay khi vừa nhìn ra biển thì trời ơi! 15 chiếc tàu hải tặc đang bỏ neo song song với nhau! Hơn 30 chục tên hải tặc trên mình chỉ có chiếc quần lót giắt dao găm, mã tấu lội vào bờ. Bộ muốn giết chết hết chúng tôi hay sao" Sau 24 ngày đói khát chúng tôi chỉ còn da bọc xương, sức lực yếu sùi chỉ cần xô nhẹ cũng đủ ngã rồi, đâu cần phải dùng dao búa!
Trong cơn mưa bão, bọn hải tặc tràn vào, bắt người đem đi chỗ khác cướp bóc hãm hiếp.
Cho phép tôi đừng kể những cảnh hãi hùng nầy!

Đảo Hải Tặc, Ngày Thứ 2:

Cơn mưa bão quả nhiên dữ dội và kéo dài! Đã qua đến ngày thứ 2 rồi mà mưa vẫn to, sóng vẫn lớn.
Đám hải tặc vẫn thay phiên nhau lội vào bờ bắt người đi vào những bụi cây cướp bóc hãm hiếp!
Trốn trong hang đá bên cạnh tôi có đứa em gái chưa đầy 14 tuổi, thân hình ốm nhom chỉ còn da bọc xương, vậy mà hải tặc cũng xóc nách lên đòi đem đi. Tôi đưa tay cản lại, không phải là tôi muốn làm anh hùng rơm mà ý của tôi là em còn nhỏ quá, ốm yếu đâu có sức lực gì, thôi tha cho em bé đi!
Tên hải tặc tưởng tôi có ý chống đối, rút trên lưng quần lót ra chiếc mã tấu, nhá nhá vào tôi làm tôi cũng hết hồn. Thôi thì... Tên hải tặc xóc nách em bé, em giẫy giụa, la khóc! Rồi không hiểu sao hắn bỏ em xuống đi tìm người khác!
Em bé trong hang đá xưa bây giờ chắc đã thành một người vợ, người mẹ. Bao năm qua, tôi vẫn nhớ sự bất lực của mình và hằng cầu mong cho em được hạnh phúc.
Đảo Hải Tặc, ngày Thứ 3: thêm 2 cô gái trẻ.
Những chiếc tàu hải tặc vẫn còn bỏ neo trên bờ biển! Cơn mưa bão vẫn tiếp tục nên chúng nó không cần phải sợ là có máy bay LHQ bắt gặp nên càng ra sức lộng hành!
Từ ngoài khơi một chiếc tàu hải tặc khác chạy vào thả neo rồi bỏ 2 cô gái trẻ ôm phao lội vào bờ.
Hai cô nầy đã bị chiếc tàu hải tặc bắt đi cả tuần rồi! Bây giờ cũng không biết chiếc tàu và những người trên tàu của hai cô ra sao"
Đâu phải chỉ có riêng con tàu vượt biển của chúng tôi là gặp cảnh khốn đốn! Biết bao nhiêu ngàn người đã bỏ thây nơi biển cả mà không một ai biết tới.
Vậy là chuyến tàu của tôi trở thành con tàu không số KG139 (137 người còn sống sót trên tàu và 2 người bị hải tặc bắt đi rồi thả vào đảo)!
Đảo Hải Tặc, ngày Thứ 4: máy bay!
Cơn giông bão đã qua. Mặt trời đã ló dạng ở chân trời. Ngoài bờ biển không còn một bóng tàu hải tặc nào. Chắc họ biết là cơn bão đã qua sợ máy bay LHQ nhìn thấy rồi chụp hình nên bỏ đi hết.
Chúng tôi kéo ra ngoài bờ biển để hít thở không khí trong lành của biển sau bao ngày trốn chui, trốn nhủi trong hang đá!
Có người đói bụng quá thấy mấy cây đậu ma bẻ hạt ra ăn, trúng thực ói ra mật xanh, không chết là may!
Đến trưa thì chúng tôi nghe có tiếng máy bay vòng quanh hòn đảo nhỏ. Mọi người mừng rỡ chạy ra bờ biển, cởi áo ra quơ lên trên cốt ý cho viên phi công thấy.
Chiếc máy bay đảo lại nhiều vòng rồi bay thật thấp như có ý nói là họ đã thấy chúng tôi, rồi cất cánh bay cao về đất liền.
Mọi người hân hoan tay bắt mặt mừng. Cái giá quá đắt của 2 chữ Tự Do của chúng tôi sắp sửa được đền bù!

Ngày Cuối Cùng: Chết sau khi có ăn.

Trời hừng sáng là chúng tôi đã thấy một chiến hạm thật lớn của hải quân Thailand do Cao Ủy Tỵ Nạn mướn đậu ở ngoài khơi!
Họ thả hai chiếc ca nô xuống rồi chạy vào đảo nhỏ. Từng người dìu nhau ra ca nô mỗi lần 10 người, phụ nữ, trẻ em đi trước, sau đó thì mới tới đàn ông, thanh niên.
Trên tàu họ đã nấu cháo thật nhừ với cá muối chiên phân phát cho mỗi người chúng tôi. Họ biết chúng tôi đói khát lắm rồi nên không dám cho ăn nhiều chỉ phát cho mỗi người một chén cháo lỏng và nửa ly nước cam, bảo là nên ăn từ từ cho bao tử quen với cơn đói nhiều ngày.
Thật không may mắn cho một anh thanh niên, ăn uống xong anh ta ngã ra nằm thở hổn hển mặt mày nổi đen rồi trút hơi thở sau cùng!
Anh bạn ơi! 29 ngày gian nan, đói khát trên biển cả anh vẫn chịu đựng nổi, sao chỉ còn vài giờ để nhìn thấy bến bờ tự do thì anh lại vội bỏ ra đi!
Người thủy thủ lấy tấm vải trắng che thân thể anh ta mà nước mắt lưng tròng!
Xa xa những hàng dừa xanh, những căn nhà hiện lên lờ mờ của bến cảng tỉnh Songkhla!
Từ đây, chúng tôi biết mình đã sống lại, như sang một kiếp khác.
*
Nhiều năm đã qua.
Những người sống sót trên con tàu mỏng manh năm xưa không biết nay ra sao.
Tại vùng Little Saigon, có lần trong một trong ngôi chợ VN rồi sau đó trong Home Depot , tôi được thấy lại một bóng hồng quen, đó là cô bạn gái của chàng Trung Uý Hải Quân đóng vai tài công trong chuyến tầu năm xưa. Nhớ lại 29 ngày đêm cùng chung một con tàu đầy sóng gió, khi gặp lại cô tôi có mở lời chào nhưng rồi cả hai lần đều cảm thấy cô nhìn đi chỗ khác, không còn nhớ hoặc không còn muốn nhớ.
Biết bao khổ nhục. Quên đi là phải. Gợi lại làm gì. Tôi biết vậy mà vẫn viết lại những trang nhật ký này để tưởng nhớ đến 138 người bạn đã cùng tôi 29 ngày đêm lênh đênh trên biển cả, những người bạn đã may mắn đến được bến bờ tự do, và những người bạn đã gởi nắm xương tàn dưới lòng đại dương.

LÊ MINH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,186,430
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, là bài mới của tác giả nhân mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Tựa đề bài viết được đặt lại theo nội dung.
Đón Lễ Tạ Ơn, mời đọc chuyện về gia đình một thuyền nhân Việt từ Paradise, thị trấn vừa bị thiêu rụi vì nạn cháy rừng. Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thứ Năm 22-11 sắp tới là Ngày Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài viết của Chu Kim Longh. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết mới nhất của ông viết về tình nghĩa gia tộc, họ hàng nam bắc thời hậu chiến sau 1975, và trong ngoài nước hiện nay.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến