Hôm nay,  

Chuyến Vượt Biên Đẫm Máu

26/01/200500:00:00(Xem: 113735)

Người viết: MAI PHÚC
Bài số 673-1247-17-vb2-240105

Tác giả tên thật là Mai Phuc, tuổi 50. Trước 1975, công chức VNCH và là sinh viên Đại Học Văn Khoa Saigon. Hiện là cư dân Stanton, Nam California; Công việc đang làm: Thợ Điện (Electrical Technician)
Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
*

Nói về cuộc sống ở Mỹ của những người Việt Tỵ Nạn mà không nhắc đến những cuộc hành trình gian nguy của họ để rời nơi cố hương thì quả là một thiếu sót! Riêng với tôi, chuyến vượt biên đẫm máu tôi đã từng trải qua sẽ còn mãi ám ảnh tôi cho đến hết những ngày tháng còn lại của mình.
Đó là lần đầu tiên tôi được đặt chân xuống tàu để mong rời khỏi quê hương đầy hận thù! Đó là những ngày cuối năm, sau khi được người thân ở Mỹ gửi về cho ít tiền viện trợ, má tôi đã lo cho tôi đi vượt biên… Người ta dặn má tôi về nói tôi hãy chờ, khi họ cho người xuống kêu là đi ngay. Ngày ngày, tôi vẫn đi rừng đốn cây như thường lệ trong khi chờ đợi những thay đổi quan trọng sắp đến cho mình.
Đúng như tôi đã lường trước, khi đứa em trai út vào rừng báo cho tôi biết chuyến đi lúc trời đã tối hẳn rồi, đám thợ rừng chúng tôi vừa dựng được cái sàn gỗ mới cưa xong để chuẩn bị làm chỗ ngủ. Tôi vội vàng vừa đi vừa chạy về nhà với đủ thứ âu lo hồi hộp. Sáng sớm hôm sau, tôi đón chuyến xe đò đầu tiên chạy về Sài Gòn, để rồi từ đó đón xe đi Bà Rịa.
Nhớ lời dặn, để tránh sự theo dõi của du kích và công an, tôi đã thận trọng xuống xe ở cách địa điểm “tập kết” của chuyến đi chừng một cây số để đi bộ đến đó. Đêm đầu tiên tôi ngủ trong nhà bà chị cùng đi trong chuyến vượt biên đó, rồi đêm sau tôi được chuyển tới địa điểm ẩn náu khác mà dân ở đó gọi là “nơi nhốt gà”. Phía trước nơi này cũng chỉ là một mái nhà tranh bình thường như mọi ngôi nhà khác, nhưng phía sau có một gian nhà tranh khác được dựng tường kín đáo hơn.
Đi theo người dẫn đường vào bên trong, tôi thấy đã có hơn 50 người khác đang chờ đợi chuyến đi như tôi. Đến đây, tôi bắt đầu sống giữa những tiếng thì thầm, những lời bàn luận; cùng những hy vọng và âu lo do từ những bàn luận của họ. Ngày hôm sau, tôi có dịp làm quen và chia sẻ những quá khứ điêu linh cùng những kinh nghiệm vượt biên và tù đày của họ.
Chúng tôi được chủ nhà cho ăn trưa và ăn tối tại chỗ. Ngay sau bữa tối, họ dắt từng tốp đi ra ngõ sau vườn rồi băng qua những đám ruộng hoang cỏ mọc lộn xôn để đến “bãi”! Trời tối đen như mực nên chúng tôi phải đi sát vào nhau cho khỏi bị lạc và để cho đỡ sợ. Không phải chúng tôi sợ bóng tối mà là sợ những bất trắc bị VC phát giác trên đường đi ra bãi.
Vì là dân rừng, tôi đã giúp nhiều người vượt qua các khe suối, những vũng lầy; và dần dần tôi vượt qua hầu hết đoàn người để nhập vào toán dẫn đầu. Khi người ta đi chậm dần và đứng lại, tôi nhìn thấy đám người vượt biên đến “tập kết” ở bãi đông như cái sân nhà thờ vào ngày lễ chủ nhật, lúc đó tôi có thể thấy lập lờ chiếc tàu vượt biên của chúng tôi đang chập chờn dưới bóng đêm ở ngay con lạch trước mặt.
Thành tàu khá cao nên nhiều người không tự leo lên nổi; tuy nhiên khi tới phiên tôi, chỉ cần vươn hai tay đu lên thành tàu và búng mạnh hai chân một cái là cả thân hình tôi đã hoàn toàn ở trên boong tàu rồi. Vừa lên tới đó, tôi đã bị người ta lùa ngay xuống hầm tàu.
Cửa hầm tàu là một lỗ vuông tối om nằm ở phía gần mũi tàu, chỉ vừa một người chui xuống. Đúng ra đó chỉ là cái hầm đựng cá. Bên ngoài dù trời tối nhưng tôi còn có thể nhìn thấy những người gần mình; trái lại sau khi bị dồn xuống hầm cá, hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa, ngoại trừ cái ô vuông ở miệng hầm. Tôi không thể biết cái hình dáng hay kích thước phía trong của nó như thế nào, mà chỉ cảm giác được chỗ ngồi bằng 2 tay của mình thôi! Họ lùa người xuống sau dồn người xuống trước tiến sâu hơn nữa vào phía cuối hầm tàu, vừa đi vừa mò mẫm. Tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ, lỡ tàu chìm thì làm sao mình thoát ra ngoài được đây" Vì thế tôi chùn bước không dám tiến sâu vào hướng tối đó, mà nép người sang một bên ở gần ô vuông cửa hầm, nhường chỗ cho những người xuống sau theo nhau mà bước sâu vào phía trong. Không nhìn thấy gì nữa; nhưng qua cảm giác với những tiếng nói và tiếng động sột soạt, tôi biết là người ta đang lũ lượt nhảy xuống!
Những âm thanh đó kéo dài chừng gần một tiếng, có lẽ mọi người đã được dồn hết vào “chiếc quan tài” trôi nổi đó rồi thì có giọng ra lệnh cho tàu nổ máy chạy. Khi tàu vừa chạy, lại có giọng nói lớn “bây giờ anh em nào công giáo, mình đọc kinh đi”; và tàu vẫn cứ đều đều chạy.
Tiếng kinh râm ran hòa nhịp với tiếng máy tàu làm tâm hồn tôi cảm thấy yên ổn hơn một chút. Nhưng chợt có giọng nói khác trên tàu ra lệnh “Tất cả im lặng. Gần đến trạm công an!” Tiếng máy lúc đó cũng trở lên nhẹ nhàng hơn, làm như nó đang thận trọng trước những hiểm nguy đang rình chờ…
Có tiếng trẻ thơ khóc trong tàu làm mọi người lo lắng; một vài tiếng người thì thầm phản đối. Có tiếng nói “bóp mũi nó lại, không cho nó khóc nữa!” Rồi bỗng có tiếng ra lệnh “cho máy dzọt lẹ lên, chạy hết ga đi!”
Trong khoảnh khắc sau đó, tôi nghe tiếng súng nổ; thế là rồi! Tôi phải ngồi nghiến răng, ghì mạnh hai tay vào ván tàu để nghe tiếng súng! Tàu đang chạy hết tốc lực, có lúc tiếng súng xa dần để nhường chỗ cho những hy vọng trở lại… Tiếng súng nghe xa, nhưng vẫn tiếp tục nổ. Căng thẳng! Chúng tôi đặt hy vọng vào người tài công đang điều khiển chiếc tàu, và dồn những hy vọng khác vào động cơ tàu để mong đẩy chiếc tàu vọt nhanh hơn cho mau thoát khỏi chốn nguy nan!
Những giây phút căng thẳng này là những khoảnh khắc tranh chấp giữa sống và chết, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa may mắn và ngục tù; giữa đấu tranh chịu đựng và những chọn lựa! Đây chính là giai đoạn khó nhất mà chúng tôi phải trải qua để tìm được tự do. Hàng trăm người trên tàu, nhưng không ai dám nói chuyện và cựa quạy; mọi người đều tập trung một ý nghĩ mong sao chiếc tàu lướt nhanh hơn và êm hơn để thắng lướt những giờ phút nguy kịch đó!
Đột nhiên, có những tiếng súng nổ chát chúa gần bên tàu. Tôi cảm thấy chiếc tàu bẻ cua sang tay trái và chạy sượt vào mé bờ. Có nhiều tiếng kêu trời ơi cứu tôi! Chiếc tàu chỉ lệch sang một bên nhưng chưa chìm, nó gượng lại thăng bằng và tiếp tục chạy giữa tiếng súng nổ liên hồi. Trong bóng tối, tôi nghiến răng ghì mạnh tay vào ván tàu để nỗi lo sợ của mình không buột ra khỏi miệng, như một số người khác. Có tiếng nói trong tàu bảo tài công ngừng lại, nhưng có tiếng nói khác ra lệnh cứ tiếp tục chạy.
Đạn đã bắn xuyên nhiều vào trong tàu, nhiều tiếng rên la bên trong nhưng lúc đó tôi chỉ chú ý lắng nghe tiếng đạn bay xeo xéo sựơt vào thành tàu! Rồi tôi nghe tiếng chiếc tàu khác gạt vào mũi tàu tôi làm nó bị lệch hướng đâm xập vào bờ! Con tàu chênh vênh một lần nữa tưởng như muốn bị lật úp; Nhiều người giành nhau chui ra cái lỗ ô vuông cửa hầm tàu ngay phía gần đầu tôi. Có khi hai ba người giành nhau chui ra một lúc làm cho những người muốn thoát ra mất thì giờ hơn. Nhìn qua ô vuông đó, tôi thấy những ánh đèn pha sáng chói bên ngoài.
Tôi không giành chui ra với họ là vì còn nuối tiếc chiếc tàu. Đến khi trống trải không còn ai dám chui ra nữa thì tôi lại lo sợ, tại sao mình lại ngồi trong đó để cho tàu chìm mà chờ chết; và tôi liền quyết định chui lên!


Vừa chui lên, tôi đã bị chói mắt bởi ánh đèn pha từ phía chiếc tàu VC; Sau này vào tù thì tôi mới biết được rằng đó chính là chiếc tàu của những người tù chung với tôi, họ bị bắt trong chuyến vượt biên trước chúng tôi. Công an VC đứng dàn hàng ngang trên boong tàu đó, họ đang nhắm bắn từng người đang bơi dưới con lạch nhỏ như những thợ săn nhắm bắn những chiếc gáo dừa đang trôi lềnh bềnh dưới nước!
Vừa chui từ dưới hầm cá lên khỏi cái lỗ ô vuông, tôi giơ hai tay lên đầu hàng. Một tên công an nó hỏi tôi hai, ba câu; sau đó chúng chú ý nhắm bắn những “chiếc gáo dừa” kia, nên đột nhiên tôi quyêt định nhảy trở lại xuống hầm tàu! Sáng hôm sau, ngay chỗ cửa hầm tàu là xác chết của một đứa cháu họ của tôi, nó bị bắn bể thái dương và rớt trở lại xuống dưới!
Sau khi hoàn toàn làm chủ tình hình, không còn ai dám nhảy xuống nước bỏ trốn nữa, công an VC vẫn để những đèn pha chỉa vào chung quanh chiếc tàu và cho phép một số chúng tôi leo lên boong nằm đợi lệnh. Nằm trên boong và dưới ánh đèn pha, tôi nhìn thấy xác chết của người thợ máy chiếc tàu chúng tôi nổi lềnh bềnh cạnh đó. Suốt đêm, lẫn trong tiếng vi vu của gió biển là những tiếng rên la não nề của những người bị thương nằm dứơi hầm tàu.
Đến sáng thì những người bà con của tôi đi kiểm điểm người thân trên tàu, thấy mất một số, có thể họ đã nhảy xuống nước bơi và trốn được rồi. Nhưng lại có người không biết bơi mà tìm mãi vẫn không thấy họ; Có người cho biết ở cái sàn phía sau máy tàu có ba, bốn người bị bắn chết nằm chồng lên nhau. Tôi vội vã ra đó kiểm chứng kỹ xem có người thân nào của tôi không.
Lần này tôi mới chú ý nhìn mặt những xác chết, ….đúng rồi, nó chết rồi! Nó bị bắn vỡ một góc đầu ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, dựa lên xác của một thanh niên khác cũng bị trúng đạn ngay tai. Còn một xác chết nữa ngay cạnh đó bị bắn trong tư thế quỳ chổng mông lên trời trông như một trái núi, đầu cúi khom xuống sát sàn gỗ, có lẽ để núp đạn; nhưng tôi cũng thấy một đường máu khô trên sàn tàu chảy ra từ phía đầu của nạn nhân. Cả ba xác đó đều mở trợn trừng mắt... nhìn tôi! Thế là đã có hai ngườI thân của tôi chết trong chuyến đi này! Còn hai xác khác bên trong tàu là một ông già bị đạn bắn nát ngực, và xác đứa bé khóc lúc tàu chạy gần trạm công an. Không biết nó bị người ta xô lấn hay bị bóp mũi cho chết lúc nó đang khóc!
Mãi tới chừng 10 giờ sáng hôm sau, công an mới đem một chiếc tàu khác đến chở những người bị thương đi. Có người trong tàu đứng ra quyên tiền và vàng để đút cho công an. Sau khi mang số vàng bạc sang nộp cho công an, mọi người đều hy vọng chờ đợi; nhưng chờ hoài cũng chẳng có gì.
Mãi tới lúc chiều tối, có chiếc tàu công an khác chạy tới, bọn chúng lùa tất cả mọi người lên tàu này chở vào nhà tù. Một số người là thân nhân của những nạn nhân bị chết, bọn công an “cho” ở lại để dọn xác những người chết xuống bãi, người ta hy vọng sẽ được thả. Tôi ở trong nhóm khoảng 10 thanh niên đuơc ở lại đó, đến chiều gần tối mới có một tên công an cấp lớn hơn đến giải quyết với chúng tôi. Đầu tiên hắn hăm dọa chúng tôi, dí họng súng K54 vào đầu từng người để khám xét. Ông chú họ của tôi bị hắn hăm dọa dữ quá đã phải chắp tay lạy hắn! Sau đó hắn ra lệnh chúng tôi phải khiêng các xác người chết trên tàu xuống.
Hắn ra lệnh và bắt chúng tôi phải làm thật nhanh. Tôi rất sợ xác chết và sợ máu nên đi sau cùng và phải đứng dưới nước để đỡ những xác chết được chuyền xuống. Lúc này chiếc tàu không còn người nữa nên nó nổi rất cao, tôi phải giơ thẳng hai tay lên mới đỡ tới những xác chết chuyền trên boong xuống. Thấy tôi nhút nhát, tên công an VC để ngón tay trỏ vào cò súng và dí mạnh họng súng K54 vào gáy tôi bắt phải làm việc cho nhanh.
Khi những xác chết được lần lượt chuyền xuống, máu và óc của những nạn nhân đó đã chảy đầy xuống đầu, mặt và toàn thân tôi. Lúc đó tôi quên cả cảm giác với máu và óc vì cái cảm giác lạnh và cứng của họng súng K54 sau gáy nó chi phối hết nỗi sợ hãi của mình, không may tên VC đó lỡ tay thì trong khoảnh khắc cái mạng của tôi cũng sẽ tương tự như các nạn nhân kia thôi!
Sau khi làm xong việc chuyển xác, tên công an bắt chúng tôi rửa sạch những vết máu trên tàu. Rồi hắn đưa chúng tôi lên tàu nhỏ của hắn cho đồng bọn chở vể bãi Lam Sơn ở gần Bà Rịa. Vì tên công an VC này sợ chúng tôi chạy trốn nên đã bắt chúng tôi di chuyển bằng cách bò từ đó qua xóm nhà dân, qua chợ Lam Sơn ra tới đường lộ. Hắn dồn chúng tôi lên một xe lam chở về nhập chung với nhóm người bị giải đi trước tại trạm Gò Dầu. Từ đây, sau khi VC lột hết vàng bạc của mọi người, chúng dùng xe công an chở thẳng chúng tôi vào trại giam B5 ở Biên Hòa. Giữa đêm hàng trăm người chúng tôi đã bị nhét chung vào một chiếc phòng chỉ bằng phòng ngủ master room của một gia đình ở Mỹ. Tôi đã phải ngồi khít giữa khối người chen chúc và ngủ thiếp đi vì mệt mỏi và tuyệt vọng.
Sáng hôm sau tới giờ làm việc, bọn công an VC lại bắt đầu một màn điều tra, khám xét nữa. Chúng hỏi cung, làm hồ sơ lý lịch, rồi từng người chúng tôi phải cởi hết quần áo đưa cho chúng khám xét. Rồi lần lượt mỗi người phải đi ngang chiếc bàn và há miệng ra cho tên công an VC kiểm kê mấy chiếc răng vàng hoặc “khâu” vàng nào giấu trong miệng" Phòng bên cạnh là một công an khác chuyên “điều trị” lỗ đít. Từng người phải đến đó, chổng đít lên gần mặt nó và banh lớn lỗ đít ra cho nó kiếm vàng bên trong chỗ đó!
Sau đủ thứ thủ tục kỳ dị ấy, mọi đồ đạc đều bị cướp hết. Mọi người được đưa vào một khu vực có tường dầy cao và hàng rào kẽm gai phía trên, cùng những chòi canh trên cao ở bốn góc. Vào trong khu này tôi nghe thấy tiếng rì rào như những đàn ong đang bay. Đến khi được đưa lại gần các căn phòng phát ra những âm thanh đó thì mới biết đó là nơi cư trú mới của tôi. Từng phòng nhìn vào tối om, có cánh cửa sắt và hàng chấn song sắt lớn. Nhìn mãi tôi mới nhận ra một số người ở trần, mặc xà lỏn và đầu trọc lóc đang đứng gần song sắt nhìn chúng tôi, trông họ ốm nhom như lũ khỉ.
Khoảng 5 phút sau, tên quản giáo đến mở khóa đưa chúng tôi vào nơi cư trú mới, nhập bọn với “lũ khỉ” bên trong! Vì quá tối, nên phải đứng chớp mắt một lúc tôi mới nhìn rõ hết được căn phòng. Cả một xã hội mới, chẳng bao lâu chính tôi cũng trở nên y hệt “lũ khỉ” đó; nhưng sau một thời gian tôi cảm thấy cái xã hội trong đó còn có tình nghĩa hơn xã hội bên ngoài mà tôi đã sống!
. . .
Nhiều năm đã qua. Sau cùng, tôi cũng đã tới được xừ sở tự do, nhưng mãi mãi, chuyến vượt biên đẫm máu ấy còn ám ảnh tôi.
Như đã nói, nhiều vị có nói là phải quên quá khứ. Riêng tôi, quá khứ của tôi tuy không đẹp nhưng tôi không có gì mặc cảm với những gì tôi đã kinh qua. Nó là những bài học quý giá cho chính tôi về con người và nhất là về xã hội nơi cố hương tôi đã từng sống.
Quá khứ đó cũng là những kinh nghiệm xương máu, mồ hôi và nước mắt; và bằng chính mạng sống của những nạn nhân đã cùng cảnh ngộ như chúng tôi khi còn ở đó.
Những hy sinh của họ đã xúc động lương tâm thế giới để chúng ta được cơ hội đến đây tỵ nạn và xây dựng cuộc sống mới hôm nay... Cuộc sống của chúng ta hôm nay, há chẳng phải được xây dựng trên nền tảng qúa khứ thương đau đó sao"
Mai Phuc

Ý kiến bạn đọc
13/04/201101:42:22
Khách
Cam on tac gia da viet bai nay. Bai viet rat xuc dong, toi da khoc khi doc bai nay. Nho doc bai nay ma toi moi hieu duoc nhieu dieu qua dau buon, qua mat mat ma nguoi Viet phai trai qua, cung nhu hieu duoc su doc ac, tham lam va ghe tom cua bon cong an VC. Toi uoc gi nhung bai nhu the nay duoc dich sang tieng Anh de co nhieu nguoi tren the gioi hieu duoc.
Nam 75 toi con qua nho va gia dinh toi cung la gia dinh lao dong binh thuong, khong co tien de tham gia vuot bien vi the toi va moi nguoi than trong gia dinh toi deu khong biet gi ve nhung dieu nhu the nay. Xin loi vi computer cua toi khong go duoc tieng Viet co dau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,711
Tác giả lần đầu góp bài. Qua bài viết đầu tiên, đã thấy cách ông viết rất tinh tế, chu đáo, nhiều chi tiết sống động. Mong ông tiếp tục viết về nước Mỹ và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.
Tiếp theo chuyện “Saigon 68” đây là một hồi ức Mậu Thân về khu Thành Nội Huế. Định cư tại vùng Bắc Cali từ 20 năm trước, Deborath Tường Vân là nhân viên Sở Xã Hội San Jose và từng chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời. Cô đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Hồi ức Mậu Thân của Tường Vân là chuyện kể về khu Tây Lộc trong thành nội, nơi phải gánh chịu nhiều tang tóc nhất trong địa ngục Huế Tết Mậu Thân.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến