Hôm nay,  

American Hearts

27/12/200400:00:00(Xem: 233604)
Người viết: DƯƠNG MINH THẢO
Bài số 683-1225-vb5231204

Tác giả tên thật Dương Minh Thảo, 37 tuổi, cư dân Memphis, TN, công việc đang làm: thương mại. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một tự sự độc đáo: “lấy vợ Việt kiều”.
*

Trong khi nhiều quý ông từ Mỹ về Việt Nam tìm người tình trăm năm, có anh Trương Chi ở tại quê nhà may mắn cưới được một nàng Việt Kiều Mỹ trẻ đẹp.

Nàng tự hào kể cho tôi nghe có rất nhiều chàng trai đeo đuổi nàng bên Mỹ. Theo lời nàng, tôi hình dung ra nàng là hoa hậu của thành phố A, tiểu bang B. Chính nàng là Mỵ Nương của tôi từ kiếp trước. Để nàng không phải ê chề với quý chàng bên kia xứ sở giàu có, tôi đã từ giã nghề chèo đò và cây sáo thân thương, cố công đèn sách, chí thú làm ăn. Rồi mảnh bằng bác sĩ y khoa và một công ty nhập khẩu đồ y tế đã làm rạng rỡ mối tình si năm nào. Bà nhạc thì luôn nhắc nhở tôi: không phải chỉ mình anh là bác sĩ đâu, bên Mỹ còn nhiều sĩ khác đang chờ.
Vợ tôi theo chồng về dinh, rồi hai cô công chúa lần lượt ra đời trên đất Việt. Chuyện làm ăn của tôi hơn mười năm tại Việt Nam đang hồi phát đạt. Nghe lời nàng, tôi gởi tất cả tiền dành dụm cho ông bà nhạc và các anh em của nàng đem qua Mỹ để lo tương lai các con tôi sau này. Còn tôi và nàng, ông bà nhạc luôn vỗ về, đừng lo: Chồng đâu - Vợ đó, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối.
Mùa xuân 2003, chúng tôi chuyển đến sống tại Mỹ.Vợ tôi trở lại trường học.Tôi ở nhà loay hoay chăm sóc con, giúp bà nhạc rửa chén quét nhà, đúng là cuộc sống mới. Mấy tháng đầu, con gái nhỏ của chúng tôi vốn rất khó khăn trong việc ăn uống, nay lại thường quấy khóc đêm. Vợ tôi cáu gắt, nàng bảo để nó lại Việt Nam cho bà mợ nuôi vài năm mà tôi không nghe. Tôi cứ nghĩ nàng nói đùa. Còn nhiều điều tôi phải học hỏi. Một lần đi shopping, tôi dắt con, nàng đẩy một xe đầy đồ. Nàng bực mình, mới thấy người đàn ông duy nhất ở Mỹ để cho vợ đẩy xe. Tôi chưa biết ở Mỹ này đàn ông phải dắt con hay đẩy xe. Khi bước vào cửa tiệm hay ra parking, tôi cũng tà tà như ở Việt Nam, nàng chau mày, sao không đi trước mở cửa" Oh, ở Việt Nam các tiệm không có máy lạnh, lúc nào cửa cũng mở. Xe thì hai bánh, không có cửa.
Đến khi chúng tôi tìm nhà ở riêng, tôi bắt đầu cảm nhận được sự thật của mối tình lãng mạn. Vợ tôi xông xáo đi trước với bà realtor người Mỹ. Bà này hỏi, ai phía sau vậy. Nàng nhún vai, chồng tao, ở Việt Nam là Doctor, còn ở đây là Nothing. Nàng tiếp tục thao thao, bà realtor ngoảnh lại nhìn tôi vẻ ái ngại.
Mùa thu 2003, trường C ở tiểu bang D cách nơi chúng tôi ở khoảng 15 giờ lái xe, nhận vợ tôi vào học dược sĩ. Tôi khuyên, em nên tạm hoãn việc học, năm sau thi tại trường ở thành phố A này, hai con còn quá nhỏ. Mình còn tiền để dành, nhà đã trả hết, không thiếu nợ. Ở đây anh không còn là bác sĩ, nhưng vẫn làm business được, đủ tiền sống. Nàng vừa kẽ lại hàng chân mày, vừa trả lời, Mỹ mà , anh có làm được 100 ngàn một năm không. Bà nhạc răn tôi, anh phải bắt chước người ta, đây là nước Mỹ. Còn tôi, vẫn không quên lời của ông bà nhạc: Chồng đó - Vợ đâu" Hay là ở Mỹ này không có ai ăn mắm, ăn muối.
Nàng hăng hái hành lý ra đi, ngay khi căn nhà mới mua vừa được sửa sang xong. Tôi dọn vào cùng với hai con gái nhỏ, 3 tuổi rưỡi và 15 tháng. Tuần lễ đầu tiên, hai con tôi lúc thay nhau khóc, lúc cùng nhau khóc. Có buổi tối trời mưa tầm tã, nhà thờ kế bên hụ còi báo động, các con tôi giựt mình thức giấc kêu ba, ba. Con gái lớn hỏi, có ai vô nhà mình được không ba. Đừng lo, mình đã khóa cửa rồi. Nó vẫn sợ có người mở cửa được.
Vừa mới thi đậu bằng lái, tôi chở hai đứa nhỏ trên xe, xông vào Kroger, Walmart, đi chợ, nấu nướng. Làm nội trợ ở Mỹ khá dễ dàng. Shopping thật tiện nghi, thoải mái. Các loại thịt được làm sẵn sạch sẽ, chỉ cần đập vài tép tỏi, thêm ít gia vị, trộn lên trộn xuống, ướp một hồi là xong. Súp, cháo, canh rau, thật là đơn giản.Tắm rửa, thay tã và chùi đít cho con, chuyện nhỏ. Đưa con đi học, họp hành cho con, OK. Dẫn con đi chơi, thật là thích thú, Zoo, Children Museum, Library, birthday parties, và nhiều công viên đẹp có playground, chỗ nào ba đứa tôi cũng tới.
Thỉnh thoảng tôi ngồi nói chuyện với mấy bà Mỹ là mẹ của những đứa trẻ chung lớp Preschool với con tôi. Cứ tưởng việc người phụ nữ xa chồng con để đi học đi làm dài hạn là lối sống Mỹ, tôi cho họ biết ở Việt Nam không bao giờ xảy ra chuyện này. Nhưng họ rất kinh ngạc, gia đình Mỹ cũng hiếm khi có.
Trời chuyển sang đông, nhiều hôm u ám. Vợ tôi về nghĩ đông sau 4 tháng xa nhà. Tôi muốn cùng hai con dọn lên chỗ nàng học, và cương quyết lập lại với nàng 2 lần. Sau một buổi thì thầm với bà nhạc, nàng không đồng ý, Mỹ mà, đàn ông ở nhà nội trợ là chuyện bình thường. Nàng lại ra đi, vội vã good bye hai con. Con gái lớn của tôi lại khóc. Nó mới 4 tuổi. Nó chưa biết rằng có chuyện không bình thường đang xảy ra. Năm nay, má mi đã quên cả ngày sinh nhật của nó.
Tôi cố gắng vừa giữ con vừa làm business lại. Khi hai con đang an giấc, tôi liên lạc trao đổi với các đồng sự và khách hàng ở Việt Nam. Mấy tháng sau, vợ tôi về nghỉ hè. Tôi phải đi Việt Nam họp bàn công việc. Lúc đó, trong tài khoản của tôi ở Mỹ có một số tiền lớn từ Việt Nam mới chuyển qua để thanh toán cho khách hàng. Hai tuần sau, ngân hàng báo rằng vợ tôi đưa đơn ly dị, đòi tòa Mỹ phong tỏa tài khoản này lại, nói rằng đó là tiền hôn nhân của chúng tôi. Nàng không hề cho tôi biết gì về quyết định ly dị. Vợ tôi và bà nhạc luôn nghĩ rằng tôi vẫn còn cất giấu một số tiền dành dụm lớn khác, giờ đã đến lúc họ chờ đợi từ lâu. Sau này khi hỏi luật sư, tôi mới biết: nàng tận dụng thời cơ, nắm ưu thế đưa đơn ra tòa khi tôi đang vắng mặt.
Tôi lập tức quay về Mỹ, nàng đã dẫn hai con sang ở bên nhà ngoại. Tôi muốn nói chuyện với nàng cho ra lẽ. Bà nhạc từ nhà sau chạy ra xua tôi: anh về nhà bên kia đi. Quay sang vợ tôi, bà nói: cơ hội đó. Nếu không quyết định thì cứ việc theo chồng luôn đi. Nàng vội vàng đứng lên mở cửa, anh không ra khỏi đây ngay là tôi gọi police. Rồi police tới thật, tôi lủi thủi quay về nhà một mình. Tôi vẫn chưa tin rằng chuyện này xảy đến với mình chỉ mới sau một năm đổi đời. Cả đêm tôi không ngủ, Mỹ là vậy sao" Tôi liên tục gọi vào cell phone của nàng, chỉ có voicemail. Tôi gào lên: em, dẫn con về với anh. Đến khi voice mail hết memory thì trời cũng vừa sáng.
Tôi quay lại và muốn gặp hai con. Police đến, cảnh cáo rằng anh không được làm phiền nhà người ta một lần nữa. Nhìn tôi có vẻ cảm thông, tay police Mỹ khuyên, anh phải kiếm luật sư đi. Tôi phóng như bay ra tiệm ông nhạc. Ông ngoảnh mặt đi. Mỹ mà, ly dị là chuyện thường. Trời đất chợt tối lại nhanh như trở bàn tay. Chạy ra chùa Việt Nam gần đó, tôi không kiềm chế được nữa và sụp xuống chân sư cô trụ trì. Một bà đến đỡ tôi dậy, cậu, không thể quỵ xuống dễ dàng như vậy. Cậu phải mạnh mẽ làm lại từ đầu, Mỹ mà, còn nhiều cơ hội lắm.
Rồi tôi tình cờ gặp một ông mục sư người Mỹ. Ông cảm thấy có trách nhiệm trong việc này, vì tôi như nạn nhân của một lối sống vật chất vội vã mà nhiều người di cư đến Mỹ, và cả thế giới nữa, bị ảnh hưởng và cho đó là lối sống Mỹ. Nhưng ông cho rằng đó chỉ là một vấn đề của nước Mỹ. Ông giới thiệu cho tôi một luật sư Mỹ ở gần down town, còn bảo cứ gọi ông khi nào cần.
Nghe tôi kể về một số bất hòa trong gia đình, ông luật sư cười thoải mái, chuyện thường thôi. Tôi cho ông biết là vợ tôi và bà nhạc đã thêu dệt nên câu chuyện tôi về Việt Nam hú hí với ai đó, để làm lý do ly dị. Tôi hỏi nàng ai đó là ai, sự thật ra sao. Nàng không thể trả lời. Ông luật sư lại cười, ồ, phụ nữ rất giàu trí tưởng tượng. Ông gởi cho nàng và ông luật sư của nàng một yêu cầu cho tôi được gặp các con tôi. Cô tôi từ Canada bay qua, đến nhà ông bà nhạc xin cho tôi gặp các con. Vợ tôi, bà nhạc lúc nào cũng ngồi sát bên, dứt khoát rằng tôi hãy đồng ý ký đơn ly dị, rồi sẽ gặp con, có sao đâu. Bà nhạc thản nhiên thêm, con nít mà, cần gì cha mẹ, ở đâu vui là chúng nó thích rồi, cứ ly dị đi, không cần quan tâm đến hai đứa nhỏ.


Một tháng trôi qua, ông liên tục gọi cho ông luật sư của vợ tôi, để lại tin nhắn, nhưng không có hồi âm. Ông không cười nữa mà bắt tay vào soạn hồ sơ trả lời đơn ly dị, đề nghị tòa xem xét việc vợ tôi đã bỏ con nhỏ đi xa - vì lý do gì cũng khó chấp nhận. Ông lưu ý thêm, bà ngọai của hai con tôi và mẹ chúng nó đang dùng hai đứa nhỏ để làm áp lực với tôi, họ đã lạnh lùng ngăn cách cha con tôi gặp nhau. Ông nghiêm giọng, cha mẹ có quyền và trách nhiệm chăm sóc yêu thương con trẻ. Ai ngăn cản tình cảm này bằng bất cứ hình thức nào cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nước Mỹ không có chỗ cho những hành động đó. Ông bảo tôi kiếm vài nhân chứng biết rõ việc tôi đã chăm sóc con trong thời gian mẹ chúng bỏ đi xa. Tôi chạy đến trường con tôi, gặp cô giáo và các bà phụ huynh Mỹ. Họ sẵn sàng ra tòa, và hứa sẽ cầu nguyện cho tôi. Họ muốn trẻ con phải được cha mẹ chăm sóc và thương yêu. Không biết phải cám ơn họ thế nào. Ở Việt Nam không ai muốn dính vào những chuyện như vậy.
Business của tôi bị ngưng lại, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn, các tài khoản bị tòa phong tỏa. Một mình trong căn nhà vắng, đồ chơi của các con khắp nơi, các sticker chúng dán đầy tường, 2 cái mền nhỏ, một cái có hình Bob The Builder, một cái có hình Blue Clue's Sweet Dream, giấc mơ ngọt ngào của các con tôi.Tinh thần tôi suy sụp. Hai mươi ngày nữa tòa mới nghe hai bên trình bày.
Ông luật sư kiên trì động viên tôi phải thích nghi với cuộc sống mới, rằng mẹ hai đứa trẻ thơ kia đi xa, chúng cần có cha bên cạnh, ông bà ngọai có thể lo cho chúng, nhưng cha mẹ mới là người sinh thành và dưỡng dục. Người Mỹ này thật là ấn tượng. Người Á Đông vẫn thường tự hào về truyền thống gia đình và đạo đức hơn là giá trị vật chất, nhưng tôi đang thấy một thực tế ngược lại ngay chính trên đất Mỹ. Tôi thắc mắc, nếu vợ tôi không đi nữa thì tòa xử như thế nào. Ông quả quyết, nàng sẽ lại ra đi thôi. Sao ông biết. Kinh nghiệm ba mươi năm hành nghề. Tôi hỏi, tôi nợ ông bao nhiêu rồi. Ông cười, đừng lo, anh là bạn tôi. Nhiều người Việt ở Mỹ lâu năm khuyên, nên tránh xa mấy ông luật sư. Tôi thì thấy ông thật hiền và tốt bụng. Nhưng đôi khi, tôi cũng chợt thấy một ánh mắt sâu hút thật dữ dội đầy vẻ dò xét.
Tôi gặp một ông mục sư Mỹ khác. Ông thường xuyên đến thăm và cầu nguyện cho tôi. Hội thánh tin lành người Việt cũng đến chia sẻ với tôi. Tôi đi nhà thờ, nhưng hơn 30 năm thắp nhang cúng kiếng ở Việt Nam vẫn còn in đậm. Gia đình vợ tôi lại rất siêng đi chùa, ông bà nhạc lúc nào cũng chắp tay lạy Phật, miệng Nam Mô.
Phiên tòa đầu tiên đã giải tỏa các tài khoản cho tôi, và tuyên bố rằng tòa không hề cho vợ tôi quyền ngăn cấm tôi gặp con. Tạm thời ly thân, chưa xét ly dị. Tòa giao cho tôi và vợ thay nhau giữ con, mỗi bên nửa tuần lễ. Ông luật sư của vợ tôi cố sức yêu cầu tòa giữ lại các khoản tiền của tôi. Ông luật sư của tôi làm dấu thánh giá, chắc là ông đang cám ơn Chúa. Còn tôi đang thầm cám ơn ông.
Hơn hai tháng cha con không gặp nhau, đứa lớn nhảy lên ôm cổ tôi hét, ba, ba. Đứa nhỏ sau giây phút chần chờ ngần ngại , nó vùng ra khỏi tay bà ngọai lao vào lòng tôi. Hơi ấm của chúng tràn ngập. Đứa ngồi trên vai, đứa đu trên tay, tôi công kênh chúng đi khắp nhà. Đứa lớn nhìn quanh các góc phòng, nhớ như in đồ chơi nào ở đâu. Đứa nhỏ chỉ tay ngọng ngịu, cu cù ( Blue Clue's) này của em.
Vài hôm sau bà nhạc mời cô tôi và tôi sang nhà bà nói chuyện. Bà ngọt ngào khuyên hãy ly dị đi, hai đứa nhỏ bà sẽ giữ giùm cho. Nếu không thì sau này chúng nó khóc la hay bệnh hoạn, hoặc tôi có bận rộn công việc gì cũng đừng có nhờ tới bà. Tôi ở Mỹ này chỉ một mình, nhưng tôi nghĩ, con cái rất cần bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Bà nhạc lớn tiếng, cô cháu mày về đi, nói cả buổi không được gì, nhức đầu quá. Ông nhạc đưa chúng tôi ra cửa, bà trừng mắt nhìn ông.
Vợ tôi đang sốt ruột chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, nàng gởi cho tôi một bản đề nghị về Parenting Plan và Marital Dissolution, tiếp tục yêu cầu tôi ký ly dị, giao con, nhà, và nửa tiền hiện có trong tài khoản của tôi cho nàng. Nàng không quên đòi tiền Child support, tiền học của các con đến 18 tuổi, và các khoản khác. Nhưng nàng đã quên khoản tiền lớn dành dụm tôi đưa ông bà nhạc, một phần nàng lấy đầu tư vào bất động sản bên Cali cùng với người chị, phần nàng cầm theo khi đi học, phần mua và sửa căn nhà của chúng tôi. Tôi đã không yêu cầu gia đình bên nàng đưa receipt khi nhận tiền, tôi tin tưởng họ.
Tuần đầu tiên tôi đưa đứa lớn nhập học trở lại, nó cứ vùng chạy theo ôm tôi và khóc lớn, ba ơi, đừng đi. Nó hiểu ra rằng có chuyện giữa ba và má mi. Rồi các con của tôi sẽ không hề biết đến một mái ấm gia đình có cả ba và má mi, tâm trí lẫn thể xác của chúng vẫn còn quá non nớt. Tôi mặc cảm tội lỗi vô cùng với chúng nó. Tôi không muốn chúng trải qua thời thơ ấu thật buồn như tôi: cha mẹ tôi không ở với nhau từ lúc tôi chín tuổi. Ông luật sư khuyên tôi gặp counselor. Bà này góp nhiều lời khuyên và hướng dẫn tôi tham gia lớp Divorce recovery do một nhà thờ tin lành tổ chức, mười tuần, mỗi tuần một buổi.
Lớp học gần 60 người, toàn là người Mỹ trắng, chỉ mình tôi là Asian. Hơn nữa lớp trên 50 tuổi. Các bài giảng tập trung nói về " let go" , "forgiveness" , " starting a new life".Tôi thắc mắc sao không nghe nói đến reconciliation. Ở Việt Nam, chính quyền yêu cầu vợ chồng phải hòa giải ở tổ dân phố 3 lần trước khi ra tòa. Lớp học trả lời, việc hàn gắn do hai người tự nguyện, nước Mỹ rất tôn trọng quyền tự do cá nhân. Một ông facilitator tình nguyện trong nhóm thảo luận tâm sự, mười năm trước, vợ ông đang học đại học, một đêm về thu xếp đồ đạc và tuyên bố ly dị. Sau đó cô ta lấy một anh bạn cùng lớp thành đạt, trẻ trung và sung sức hơn ông. Ông trải qua những năm dài đơn độc nuôi đứa con gái duy nhất. Hiện giờ ông vẫn sống như vậy, và hay giúp đỡ người khác. Lời bà counselor vẳng bên tai tôi, nỗi đau bị người hôn phối từ bỏ có khi còn hơn cả sự chết chóc. Vì đó là cái chết nửa chừng, người kia vẫn còn lởn vởn xung quanh cả cuộc đời còn lại. Nên phải cần recovery.
Tôi đến một khóa khác, có cấp chứng chỉ theo yêu cầu của tòa án cho những người ly dị. Lần này gặp toàn người trẻ khoảng 35 tuổi trở xuống. Dường như giới trẻ Mỹ không cần recovery, mà chỉ cần chứng chỉ. Trong khóa này, tôi nghe nhấn mạnh đến một khái niệm rất quan trọng, rất mới đối với tôi. Đó là các đứa trẻ trong một gia đình ly dị có thể có "two happy homes"! Dù cha mẹ không còn ở chung, mỗi người vẫn phải tiếp tục gần gũi và chăm sóc con, tạo cho chúng một mái ấm với cha, một mái ấm với mẹ! Nếu mỗi người lại đi bước nữa, phải thật cẩn thận và khéo léo, nếu không sẽ biến chúng thành nạn nhân của hai mái lạnh. Tôi tiếp tục đăng ký lớp dành cho "single parent" là khóa tiếp theo. Người Mỹ có cách giải quyết vấn đề của họ rất lạc quan, khá sâu sắc và khoa học. Có thể chính cách nhìn lạc quan này về cuộc sống sau khi ly dị lại làm ly dị ở Mỹ ngày càng tăng"
Ngoài trời gió thu hiu lạnh, các con tôi đang ngồi nhìn ra cửa, trông về một hơi ấm dịu dàng tự nhiên. Tôi cố gắng bù đắp cho chúng bằng sự chăm sóc mềm mại và kiên nhẫn. Một lần đi chơi, đứa lớn nói, ba, không sao đâu, cô giáo nói với con là Everything will be OK. Tôi chợt nhấp miệng hát, Èverything wíll be òkày. Nó cười phá lên, ba hát silly quá. Cô út cười theo, silly quá. Thượng đế, xin Ngài che chở cho hai thiên thần bé nhỏ của con.
Và tôi cầu nguyện với Chúa hàng đêm. Cho con tôi, cho tất cả người thân. Cho vợ tôi. Xin Cha đem lại tình yêu thương trong trái tim nàng. Tôi thầm hát bài thánh ca "Cầu xin Cha đổi lòng". Chưa biết ông luật sư sẽ tính bao nhiêu tiền, vụ ly dị này chưa kết thúc, tôi cũng thành tâm cầu nguyện cho ông, và nhiều người khác đã an ủi tôi. Sao tôi chỉ gặp toàn người tốt kể từ ngày qua Mỹ. Các bạn tôi lắc đầu, chưa đâu, mới hơn một năm, rồi sẽ gặp nhiều người xấu lắm, rất xấu, Mỹ mà. Nhưng tôi vẫn bắt đầu thấy yêu nước Mỹ. God Bless American Hearts.

Dương Minh Thảo

Ý kiến bạn đọc
06/07/201819:25:37
Khách
tui cũng nguyện cầu cho tác giả được bình an và mọi chuyện sẽ tốt đẹp , quan trọng là 2 con rất thương cha ...... nếu kg còn tình nghĩa và hết duyên nợ vợ chồng .... đừng níu kéo , cánh cữa này đóng sẽ có cánh cữa khác mở ra ......
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Nhạc sĩ Cung Tiến