Hôm nay,  

Khiêu Vũ, Bộ Môn Nghệ Thuật Và Thể Dục

27/12/200400:00:00(Xem: 230815)
Người viết: NGUYỄN LÊ
Bài số 682-1224-vb4221204

Tác giả Nguyễn Lê cư trú tại Philadelphia, PA. Một số bài viết về nước Mỹ của ông đề cập tới nhiều đề tài khác nhau đã được phổ biến, từ kinh nghiệm mở nhà hàng ăn Việt Nam tớiø thú đi ăn nhà hàng tại Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết vui vẻ của ông nhân mùa lễ.
*

Trong dịp Lễ Tạ Ơn vừa qua, tôi được mời tới tham dự một đêm họp mặt các bạn cũ quen thuộc. Đây là một truyền thống được tổ chức hàng năm cứ vào dịp Lễ Tạ Ơn của các gia đình Việt Nam cư ngụ tại vùng Princeton New Jersey. Để cho việc tổ chức đỡ tốn kém, tiết kiệm thời giờ và đỡ vất vả trong việc bếp núc, tham dự viên mỗi gia đình tự động đem một món ăn hoặc bánh ngọt hoặc trái cây tùy tiện.
Một đêm lễ ăn uống linh đình, bia, rượu, champagne đủ cả. Rượu vào lời ra, hàn huyên ấm lạnh, tham dự viên trút bầu tâm sự thoải mái. Tới màn Karaoke cây nhà lá vườn chen vai thích cánh với các màn khiêu vũ.
Các cặp trai thanh gái lịch đua nhau lã lướt trong điệu nhạc Rumba trữ tình qua tiếng hát của nữ danh ca khuất núi Ngọc Lan. Rồi các vũ điệu vui tươi Pasodoble "Dừng bước giang hồ"; cha cha cha với bản "Nắng Chiều". Các vũ công ngang dọc tới lui đụng nhau chan chát. Có cặp biểu diễn các "Chiêu hẩu lốn" bất kể tới nhịp phách của điệu nhạc.
Bạn tôi anh Phát và bà xã sau 20 năm cầy trong các hãng Mỹ, 2 đứa con đã vào Đại học nên anh chị mới nghĩ tới lúc nghỉ xả hơi sau những giờ làm việc. Anh chị ghi tên học một lớp khiêu vũ Mỹ. Họ không hướng dẫn vũ điệu "Bebop" là điệu nhạc thời trang, giới trẻ rất ưa thích.
Tôi bước vào bộ môn khiêu vũ phải đi từ giai đoạn dễ đến khó, căn bản tới nghệ thuật. Ngoài ra phải biết nghe để ý đến dáng điệu của bước Nam và Nữ.
Muốn bước vào một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi nhiều thứ tiền bạc, thời giờ và tập luyện.
Tôi chợt nhớ có đọc một tập tài liệu về môn khiêu vũ do một người bạn thân tặng. Tôi photocopy tập tài liệu và biếu anh chị bạn hy vọng anh chị đọc và ham thích bộ môn khiêu vũ...
Bộ môn khiêu vũ
Hồi còn đi học, tôi không biết bộ môn khiêu vũ là gì. Cắp sách đến trường, chỉ vùi đầu vào sách vở. Các cháu tôi học trường Pháp, cuối tuần hẹn nhau đi "bum". Thấy chúng nhảy nhót mình phục lăn.
Khi đi dạy học, ngoài giờ dậy, tôi tìm đến các lớp khiêu vũ với những buổi dạy nhảy tập thể cho vũ sinh có dịp thực tập. Ban đầu nghe nhạc trữ tình đưa hồn mình tới những cuộc tình lãng mạn, lắng nghe những lời ca lả lướt nhưng không biết được nhạc chơi điệu gì. Hỏi bạn bè họ chỉ nói bản này là Rumba, có người gọi là Boléro. Muốn hiểu nhạc, nghe được tiếng trống của bản nhạc, hãy về mở điã nhạc "Nửa đêm ngoài phố" hoặc nhạc ngoại quốc "Besame Mucho" thì biết được thế nào là điệu Rumba.
Tôi thực hiện theo lời chỉ dẫn thì nghe được rõ ràng 6 tiếng nhạc, tiếng trống nhẹ và mạnh liên tiếp 3 lần rồi nghỉ 1 chút và lại tiếp tục nghe 6 tiếng sau 1 nhẹ, 1 mạnh cho đến cuối bản hát. Để ý thêm tôi thường thấy lời ca hết ý nghĩa chấm dứt cùng với tiếng trống...
Sau vài tuần nghe đi nghe lại các bản nhạc đánh theo điệu Rumba, tôi đã phân biệt và hiểu được bài hát có nhịp điệu Rumba. Đa số các bản nhạc ca ngợi về tình yêu lứa đôi, thất tình, tình dang dở, đời lính đều sáng tác và đánh nhạc đệm theo điệu Rumba.
Nhạc điệu Tango khi đánh lên cũng làm tôi say mê và sau này khi biết nhảy tôi càng thích thể điệu này hơn nữa. Tiếng trống trong bản nhạc Tango khó phân biệt và nhận dạng hơn trong vũ điệu Rumba. Để ý nhiều hơn thì thấy có 2 tiếng trống một mạnh, một nhẹ đi suốt từ đầu bản nhạc tới cuối và kèm theo 1 nhịp điệu rất lả lướt, ru hồn người vào trong bản nhạc. Nhịp điệu của Tango nhanh hơn điệu Rumba một chút. Muốn nhận định được thể điệu Tango ta hãy mở bản nhạc Pháp L'amour c'est pour rien. Nhạc sĩ Phạm Duy phóng tác ra tiếng Việt và đặt tên bản nhạc là "Tình cho không biếu không"
Bản Tango với tiếng trống đệm rõ rệt và làm ta say mê là bản "Kiếp Nghèo" và La Paloma. Nhiều bản nhạc Việt Nam đánh theo thể điệu Tango cũng rất hay.
Nghệ thuật khiêu vũ hấp dẫn từ già tới trẻ. Đa số ban đầu các người gọi là biết khiêu vũ chỉ bắt chước bạn bè rồi ra sàn nhảy trong những buổi tiệc tùng những buổi nhạc tổ chức tại tư gia. Ít người chịu đến lớp học nên không biết đến cách khiêu vũ đúng cách đúng điệu. Một số người biết khiêu vũ lấy lệ để xã giao khi có tiệc tùng. Nếu tìm hiểu bộ môn này, ta sẽ thích khiêu vũ hơn, hoà mình vào điệu nhạc trong bước nhảy, ta nhảy hay hơn, tai nghe những lời ca êm ái, hấp dẫn đưa ta vào khung cảnh trữ tình. Ở những buổi dạ hội khiêu vũ ta có nhiều dịp làm quen nhiều bản mới, môi trường dễ dàng để gợi chuyện.


Khi ra sàn nhảy ta phải để ý đến dáng nhảy. Vị trí tay đặt cho đúng, thân người không được lắc lư, bước nhảy nhẹ nhàng như lướt đi trên sàn nhảy. Bước chân nhảy phải rơi đúng vào tiếng trống nhạc, nhịp mạnh của tiếng trống. Lúc nhảy không được nhìn xuống chân, mặt ngó về phía trước, mắt nhìn hướng đi và đưa người bạn gái nhẹ nhàng, tay không được nắm quá chặt. Ta đưa người bạn nhảy về những chỗ trống trên sàn nhảy và nhớ tránh không được đụng tới người đang nhảy trên sàn nhảy cùng với mình.
Nghe và phân biệt được nhạc điệu, ta có thể ra sàn nhảy với những bước căn bản. Thông thường với điệu nhạc Rumba, ta bước 3 bước nhịp nhàng theo tiếng trống. Như ta đã biết nhịp điệu Rumba có 6 tiếng trống trước nhẹ, sau nặng, 3 lần liên tiếp theo nhau rồi nghỉ, chút và lại bắt đầu với những tiếng trống sau cho tới cuối bản nhạc.
Phái nam bao giờ cũng bắt đầu bằng bước chân trái. Bước chân đầu tiên phải rơi trúng vào tiếng trống mạnh mà dân nhảy thường goị là nhịp mạnh (temps firt). Muốn cho dễ bước và không phải lùi 3 bước rồi nghỉ một chút tương xứng với 3 tiếng trống mạnh. Không nên bước tới bước lui một chỗ nhất định vì dễ nhàm chán. Mỗi lần lui lại chúng ta đổi hướng nhiều lần, ta nhìn được hết cả vũ trường và luôn cả khán giả.
Về nhịp điệu Tango muốn dễ nhảy ta đếm 1 nghỉ 2 nghỉ, 3, 4 đếm liền nhau rồi lại 1 nghỉ trở lại. Phái nam chân trái rơi vào tiếng trống mạnh thứ nhất, chân phải rơi vào tiếng trống mạnh thứ 2, chân trái và chân phải bước liền 2 bước rồi chân trái lại rơi vào tiếng trống mạnh và cứ thế tiếp tục cho tới bản cuối bản hát.
Tại các vũ trường họ thiết trí đèn màu. Trong những lúc nhạc điệu của bản nhạc với nhịp nhanh, vui tươi, họ để đèn hơi sáng. Ngược lại những bản nhạc nhịp điệu êm dịu, nhịp điệu chậm, trữ tình ướt át, tất cả vũ trường chìm dưới ánh đèn mờ ảo làm khung cảnh thêm thơ mộng.
Trong những vũ trường chuyên nghiệp ban nhạc thường chơi nhạc "Tour" nghĩa là cứ 1 bản nhanh, 1 bản chậm và ánh đèn cũng lúc sáng, lúc mờ ảo theo điệu nhạc.
Mở đầu buổi khiêu vũ ta thường được nghe một bản vui tươi, thường thường là nhạc điệu Pasodoble mà dân nhảy gọi là điệu "đấu bò rừng" hoặc bản "đi chợ"
Tiếp theo ban nhạc hay bắt đầu bằng điệu "Slow" hay Slow Rock, rồi đến bản nhạc điệu nhan là Bebop hay Rock and Roll hay A go go. Buổi nào có nhiều bạn trẻ, họ yêu cầu ban nhạc 2, 3 bản Rock liền. Dân nhảy chuyên nghiệp có dịp xả hơi hay trò chuyện đợi cho qua bản nhạc trẻ. Rồiban nhạc đánh tiếp theo nhịp điệu Rumba, Cha cha cha, Boston, Valse, Tango, và trở lại Pasododoble hay Samba v.v....
Tiện đây ta bàn thêm về nhịp điệu Boston và Valse. Điệu Boston một số người gọi lạ Valse Lente nghĩa là bản nhạc Valse đánh chậm. Nghe điệu nhạc này ta như thể bước vào một thế giới âm thanh êm ái, huyền ảo, ta mường tưởng tới những bước đi nhẹ nhàng như trên mây. Tiếng trống trong bản nhạc cũng dễ phân biệt. Để ý ta thấy có ba tiếng trống chậm rãi. đều đặn, kéo dài thời gian bằng nhau, 1 tiếng trống mạnh, 2 tiếng trống nhẹ trải dài từ đầu cho tới cuối bản nhạc. Bước nhảy dài rơi vào tiếng trống mạnh và 2 bước ngắn, nhiều khi chỉ đổi chỗ bước chân cho rơi vào 2 tiếng nhạc nhẹ. Ta phải lắng nghe tiếng trống và để bước nhảy rơi đúng vào tiếng trống. Nhiều khi nghe tiếng trống nhạc không rõ, ta đưa bước chân nhanh trước tiếng nhạc làm cho bước nhảy của ta kém phần thướt tha, lả lướt.
Điệu Valse là điệu nhạc của các nhà quý tộc. Trong các buổi tiếp tân sang trọng quý phái ta thường được nghe bản nhạc này. Cũng cùng 1 tiếng trống mạnh theo sau bằng 2 tiếng trống nhẹ như trong thể điệu Boston nhưng nhịp điệu nhan hơn, hào hứng vui tươi hơn, nghệ thuật và khó nhảy hơn.
Các buổi khiêu vũ thông thường, ban nhạc ít đánh thể điệu valse vì số người ra nhảy thưa thớt, có khi đánh hết bản nhạc, không có ai ra nhảy.
Bước nhảy cũng gồm 3 bước và cặp khiêu vũ thường hay nhảy 2 kiểu căn bản là kiểu Hong Khong và kiểu quay tròn. Hướng đi của cặp nhảy là hướng ngược chiều kim đồng hồ trên sàn nhảy. Muốn nghe và thưởng thức nhịp điệu Valse, ta mở bản "Le beau Danube Bleu" hay bản Thu Vàng của nhạc sĩ Cung Tiến.
Khiêu vũ là một bộ môn giải trí thanh tao. Nhiều người Mỹ thích bộ môn này và dùng môn khiêu vũ như 1 phương pháp luyện tập thâ thể cho khỏe mạnh yêu đời.
Người tập khiêu vũ dáng đi nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, thân hình cân xứng, dáng dập trẻ trung, khuôn mặt yêu đời.
Đối với bộ môn khiêu vũ, nhiều người có khiếu học mau biết, thực tập nhẹ nhàng, uyển chuyển. Phái nữ dễ học hơn, họ chỉ cần bước theo bước nhảy của phái nam và phái nam biết cách đưa dẫn họ.
Phái nam có nhiều khó khăn lúc ban đầu khi học khiêu vũ. Trước tiên họ phải phân biệt được các nhịp điệu của bản nhạc, học những bước đi của từng nhịp điệu và khi đã nắm được nhạc và bước đi rồi đến cái khó thứ ba là hướng dẫn và đưa người nữ trên sàn nhảy cho 2 cặp chân đồng điệu với tiếng trống, tiếng nhạc.
Các cụ xưa thường nói: "Nghề chơi cũng lắm công phu"

Nguyễn Lê

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến