Người viết:
NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG
Bài số 678-1220-vb7111204
Bài viết của tác giả, một truyện ngắn cho mùa giáng sinh, được một thân hữu chuyển tới. Mong Nguyễn Thị Thanh Dương sẽ tiếp tục viết và bổ túc sơ lược về tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
*
Đã tới giờ đi ngủ, tôi dắt cu Bí lên giường. Tôi nằm cạnh nó, vỗ nhẹ vào lưngvà kể một câu chuyện thần tiên giản dị, nhưng mãi nó vẫn chưa ngủ, còn quay ra hỏi tôi:
- Bố sắp về chưa mẹ"
- Lúc chiều bố đã nói chuyện phone với con là một tuần nữa bố sẽ về rồi mà.
Trong ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ, cu Bí giơ cả hai bàn tay lên, xòe đủ muời ngón nhỏ xíu ra truớc mặt tôi rồi hỏi:
- Một tuần nữa là mấy ngày" Mẹ đếm đi
Tôi đếm từng ngón tay của Bí:
- Đây này, 1,2,3,4,5,6,7. Tới ngày này bố sẽ về.
Cu Bí reo lên:
- Con thích qúa, Bố về với mẹ, vói con để đi mua Christmas tree nhé"
- Đúng vậy, mùa lễ Gíang Sinh này chúng ta sẽ có một cây Christmas tree đẹp ơi là đẹp như những năm truớc.Bây gìơ con hãy ngủ đi nhé
Thằng bé sung suớng mỉm cuời và khép mắt lại. Tôi tin rằng một giấc mơ đẹp đang đến với nó. Nhưng ngay trong giây phút này một giấc mơ buồn của tuổi thơ tôi hiện ra, khi vừa rồi tôi nhìn thấy con tôi xòe những ngón tay để đếm từng ngày đợi mong bố về sau một chuyến công tác xa nhà…
*
Tôi chỉ còn nhớ những hình ảnh mơ hồ, không theo thứ tự, kể từ khi tôi lên 4 tuổi, tôi thấy bố mẹ tôi thường xuyên cãi nhau và có khi đánh nhau, mẹ ném một cái gì đó vào bố và bố cũng ném lại vào mẹ . Những lúc đó tôi sợ hãi khóc ré lên, nhưng mặc cho tôi gào khóc bố mẹ vẫn tiếp tục cãi nhau. Một lần, khi thấy tôi khóc mẹ đã tức giận tát túi bụi vào mặt tôi, làm tôi sợ hãi thêm và nín khóc ngay, từ đó trở đi tôi không dám khóc nữa, mỗi lần bố mẹ bắt đầu to tiếng thì tôi len lén chui vào closet, đóng cửa lại, tôi tìm thấy nơi đó một sự trú ẩn bình an. Có hôm tôi ngủ quên trong đó, có hôm tôi chờ đợi sự im ắng thì chui ra, hoặc bố hoặc mẹ đã ra khỏi nhà. Tôi đã biết tự lo cho chính mình, mở tủ lạnh tìm đồ ăn, là một vài miếng cheese khô hay cái hotdog đã mở bọc nằm lăn lóc trong góc tủ. Vì sau trận cãi nhau chẳng ai ngó ngàng đến tôi, tôi cũng biết thân phận chẳng dám kêu réo hay đòi hỏi gì.
Rồi một ngày tôi thức dậy thì biết mình mất mẹ, bố tôi ngồi thừ người ở ghế. Mẹ tôi đã ra đi và bỏ tôi ở lại như một trong các món đồ cũ mẹ không cần dùng. Bố tôi nói dửng dưng như thông báo một chuyện vừa xảy ra ở nhà hàng xóm:
- Mẹ đi rồi, từ nay con ở với bố.
Tôi oà lên khóc, có lẽ vì sợ hãi cô đơn hơn là thương nhớ mẹ, tôi rất it khi nhận được sự chiều chuộng âu yếm nơi mẹ, thì giờ chính của mẹ ở nhà là uống bia, uống rượu như bố, rồi mẹ ngủ vùi. Những bữa ăn của tôi thường là những lát bánh mì, gà chiên sẵn mua ở tiệm hay hotdog. Đôi khi bố mẹ vui vẻ tôi được dẫn đi ăn nhà hang, đó là những ngày hạnh phúc nhất đời tôi, vì được thấy bố mẹ thân thiện và được ăn đồ nóng sốt ngon lành. Tôi từng cầu mong những giây phút hạnh phúc đó kéo dài vô tận, nhưng thực tế thì quá ngắn ngủi, tôi không hiểu sao mới hôm qua họ còn cười nói, ôm hôn nhau, hôm sau họ đã cãi nhau, chửi nhau đầy vẻ hận thù . Tôi đã mong tôi lớn mau để hỏi bố hỏi mẹ điều này.
Bố để mặc tôi khóc một lúc rồi gắt:
- Thôi nín đi, đừng làm bố sốt ruột lên đây.
- Tại sao mẹ bỏ đi" rồi mẹ ở nhà ai"
- Bố không biết! bố tôi trả lời cụt ngủn và lạnh lùng.
Tôi tưởng mẹ đi mấy ngày rồi trở về như vài lần trước, nhưng bố đã nói:
- Mẹ không bao giờ trở về đâu, bố sẽ gởi con cho baby sit để bố còn đi làm.
Từ ngày mẹ đi, không còn ai để cãi nhau nên thì giờ của bố chỉ để uống rượu bia, hết uống với bạn bè ngoài đường về đến nhà lại uống. Tôi không chui vào closet để trốn nữa mà chỉ ngồi ru rú trong phòng coi ti vi một mình.
Bố gởi tôi cho một gia đình Việt nam, sáng trước khi đi làm bố mang tôi đến, chiều về làm ghé vào đón tôi. Bác Kha trai làm việc cùng hãng với bố, bác Kha gái ở nhà trông con, họ có một đứa con gái bằng tuổi tôi tên Linh. Chính ở nơi đây tôi được ăn những bữa cơm ngon lành, được hưởng lây không khí gia đình ấm cúng, hai vợ chồng bác Kha không cãi nhau như bố mẹ tôi nên cái Linh ngạc nhiên khi nghe tôi kể phải trốn vào closet.
Vài tháng trôi qua, tôi thực sự yêu thích ngôi nhà êm ấm của bác Kha, nhưng một đôi lần bố không đón tôi đúng hẹn, bác Kha trai đã về đến nhà ăn xong bữa cơm chiều mà bố vẫn chưa đến, tôi đã thấy khi bác Kha trai về, nhà vui vẻ, rộn ràng hẳn lên, khi ấy Linh quên tôi, nó nhảy nhót lên lòng bố, kể chuỵện nọ kia, bác Kha gái vừa dọn cơm vừa nói chuyện vói chồng. Tôi như người thừa, bị bỏ rơi, cảm thấy tủi thân và ganh tị với Linh, chỉ mong mau chóng rời khỏi đây, dù chỉ là về nhà với bố ăn một cái bánh mì nguội kẹp hotdog và uống một ly sữa là xong bữa ăn chiều thường lệ.
Bố thường xuyên đón tôi trễ, tôi càng ngày càng mặc cảm, tủi thân với gia đình bác Kha, mỗi buổi chiều tôi đều ngó ra cửa sổ mong đợi bóng dáng bố đang từ ngoài sân bước vào, tôi vui khi thấy bố, tôi thất vọng khi bóng chiều ngả màu tối mà bố chưa đến. Thế là tôi lỉnh vào phòng trong vờ coi tivi để khỏi trông thấy cảnh Linh đang hưởng hạnh phúc bên bố mẹ nó.
Bác Kha gái hay nói với tôi:
- Bố cháu có bồ rồi, bố quên đón cháu rồi.
Tôi đã nhìn bác Kha với vẻ tức giận, bố có bồ chỉ là một ý nghĩ bố đang gần gũi một người nào đó, chứ tôi chẳng hiểu “bồ” là gì cả. Tôi không muốn tin điều bác Kha nói là sự thật.
Tôi hay khóc thút thít mỗi khi bố đón tôi trễ, đó là một sự phản đối, sự trách móc duy nhất tôi có thể làm, vì nếu tôi nói lên một điều gì đó sẽ bị cắt ngang ngay bằng lời gắt gỏng của bố, cho đến khi ăn xong bữa tối với bố ai về phòng nấy tôi lại khóc tiếp trong đống chăn gối quấn quanh tôi và ngủ thiếp đi.
Dù nhà bác Kha vẫn có những bữa cơm trưa ngon lành, vẫn là cảnh gia đình ấm cúng, nhưng tôi biết những cảnh đó không thuộc về tôi, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ đứng bên ngoài, tôi càng ngày càng ganh ghét với Linh, tôi không thích đến nhà bác Kha nữa, dù ở nhà tôi cũng có gì vui đâu!
Một chiều đi làm về, bố sửa soạn quần áo của bố và tôi vào hai cái valy. Tôi lẩn quẩn bên chân bố và luôn miệng hỏi:
- Chúng ta sẽ đi xa hở bố"
- Ừ, chúng ta sẽ về Texas thăm bà nội và cô Nga.
Tôi ngạc nhiên lẫn tò mò:
- Con không biết là mình có bà nội và cô Nga, con tưởng rằng trên cõi đời này nhà mình chỉ có bố, mẹ và con.
Bố tôi cười buồn:
- Ai cũng có họ hàng gần xa chứ, con có cả ông bà ngoại, nhưng họ đã từ bỏ mẹ con, nên họ chẳng bao giờ biết đến con đâu, còn bên nội con có bà nội và cô Nga, nhưng bố ít khi về thăm họ. Thôi, mai bố sẽ đưa con về.
Đêm ấy tôi đã ngủ vói một giấc mơ thật đẹp, hai bố con tôi về một vùng đất xa xôi nào đó bên Texas, tôi sẽ có bà nội có cô Nga, mọi người sẽ sống gần nhau chắc là vui lắm. Dù tôi đã mơ thế, nhưng lần đầu gặp bà nội và cô Nga tôi vẫn rụt rè xa lạ.Tôi luôn nắm lấy áo bố hay bàn tay bố trong khi bà và cô quấn quýt hỏi han bố đủ thứ, rồi bà và cô đều khóc, không biết họ hờn trách hay sung sướng khi gặp bố" Xong bà nội ôm tôi vào lòng, bà ngắm nghía, vuốt ve từng lọn tóc, từng bàn tay tôi, bà bảo tôi con gái mà giống cha cao ráo. Bà hôn lên má tôi, tôi cảm nhận được tình thương bà dành cho tôi, cả cô Nga cũng thế, cô trìu mến chăm sóc tôi, nên tôi bớt thấy xa lạ và quen dần với họ.
Hai ngày sau, tôi thấy bố sắp quần áo vào valy, tôi lo âu hỏi:
- Chúng ta lại về chốn cũ hở bố"
- Chỉ mình bố về thôi, con ở lại đây.
Tôi càng lo sợ hơn, tôi nói mà sắp khóc:
- Bố đừng đi, con muốn ở với bố.
- Bà nội và cô Nga thương con, con đừng sợ. Bố khuyên tôi thế.
- Nhưng con không muốn xa bố. Tại sao chúng ta không sống như thế này mãi"
- Bố phải về đi làm để có tiền nuôi con chứ.
Bà nội tôi nước mắt ràn rụa cầm lấy tay bố tôi:
- Con cuả con mới 6 tuổi còn bé bỏng, nó đã không có mẹ chỉ còn cha thôi, hãy vì nó mà ở lại, công việc lao động của con ở đâu mà chẳng có, mấy năm nay mẹ cũng không được gần con, đừng đi đâu nữa.
Tôi quả là một đứa trẻ bất hạnh khi có cả cha lẫn mẹ đều hư hỏng, nhưng tôi may mắn có bà nội và vợ chồng cô Nga. Tôi đã xé nát mảnh giấy năm xưa có ghi số điện thoại của bố, mảnh giấy tôi đã giữ kỹ suốt 4 năm trời. Đó chỉ là một sự lừa dối khủng khiếp , những con số đó không có thật , do bố bịa đặt ra , những lời hứa hẹn ngon ngọt chỉ để làm xiêu lòng một đứa trẻ lên 6 , để bố được thoải mái ra đi, sống theo con đường của mình.
Theo lời chỉ dạy của bà nội, của vợ chồng cô Nga, tôi đã chăm chỉ học hành. Tôi nhận thấy đây là mái ấm gia đình của tôi, vợ chồng cô Nga đã liên tiếp có 2 đứa con, dù chúng cách tuổi tôi khá xa, nhưng chúng tôi vẫn thương yêu gắn bó nhau như chị em ruột . Mỗi khi rảnh tôi hay ôm bà nội, thủ thỉ :
- Bà ơi, sau này cháu sẽ đi làm nuôi bà, cháu sẽ làm ra nhiều tiền để cho bà sung sướng.
Bà nội vuốt đầu tôi, âu yếm:
- Bà chỉ mong mỗi một điều được thấy cháu ăn học nên người, không hư hỏng như bố cháu, thì chết bà cũng vui.
Bà đã đạt được ước nguyện đó và còn chứng kiến ngày tôi lên xe hoa với một người chồng hiền lành tử tế, anh đến với tôi bằng tình yêu và được cả gia đình tôi hài lòng tin tưởng, Bà nội tôi từ trần khi con tôi vừa một tuổi, trên gương mặt bà giây phút cuối còn hiện lên vẻ thanh thản mãn nguyện.
*
Cây thông tươi xanh được trang hoàng thật đẹp, những đèn đủ màu sắc, những sợi dây kim tuyến lấp lánh, và những tấm thiệp hớn hở treo đầy cành. Vợ chồng tôi đều thích chưng cây thông tươi vào mỗi mùa lễ Giáng Sinh, như mang cả thiên nhiên vào căn nhà ấm cúng khi ngoài trời gió lạnh đầy. Có lẽ đây là cây Christmas mà thuở lên 6 tôi đã mong mỏi đợi chờ nơi bố, thì bây giờ tôi mang niềm vui và hạnh phúc đó cho con tôi, những gì mà khi xưa tôi không có, tôi đều bù đắp cho con nhiều lên, con tôi đâu hiểu rằng nó đang sống giùm tôi một quãng đời tuổi thơ mơ ước khát khao.
Đêm Chúa Giáng Sinh, hai vợ chồng và con tôi quây quần bên gốc cây thông để mở những gói quà xinh đẹp, Tôi đọc thấy trong mắt con tôi cả một khoảng trời xanh ngây thơ và hạnh phúc, lòng tôi rạt rào niềm vui, niềm hãnh diện, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên quá khứ của tôi, không phải để oán trách bố mẹ, mà để thương cho những cảnh ngộ trẻ thơ như tôi. Có biết bao đứa trẻ đã bị ghẻ lạnh, bị bỏ rơi trong những ngày lễ tết cuối năm đầy màu sắc tươi vui và nhộn nhịp này!!
Khi treo những cánh thiệp mang đầy lời cầu chúc, lời ước nguyện tốt lành trên cành cây Christmas, tôi đã nghĩ đến chúng.
Nguyễn Thị Thanh Dương