Hôm nay,  

Good Morning, Minie!

28/10/200400:00:00(Xem: 119082)

Người viết: LÊ KHÁNH THỌ
Bài số 639-1179-vb8241004

Tác giả Lê Khánh Thọ là một hoạ sĩ định cư tại Pháp từ 1978 và từng được giải thưởng hội hoạ Pháp năm 2000. Hiện nay, bà sống tại Châteauroux, France.Công việc: Dạy Pháp ngữ cho đồng bào tị nạn Việt nam và Á Rập---Animatrice viện dưỡng lão Pháp--- và làm thông dịch cho cộng đồng Việt nam tại Châteauroux- France. Bà cho biết thường du lịch Mỹ thăm thân phụ và 4 anh em. Cùng với hai bài viết mới, là 3 hoạ phẩm của bà: Le Monde de Minie; Hội An, và Maree de Chapeaux.
*

Thi hấp háy mắt nhìn qua cửa sổ, 7 giờ sáng nhưng ngoài trời vẫn còn tối đen. Mặc dù thèm nằm ráng nhưng nàng phải dậy vì con chó Minie cào cẳng đòi ra đường. Sáng nào Thi cũng vui vẻ nói câu đầu tiên trong ngày “Good morning Minie!”. Ngoài trời lạnh dưới 0 độ, Thi âu yếm mặc cho Minie chiếc áo len màu đỏ. Nàng nhìn con vật xinh xắn bốn chân, lòng dạt dào một tình thương kỳ lạ…
Thi nuôi con Minie từ hơn 10 năm nay. Cũng vì hồi đó con gái nàng đang ở trong tuổi dậy thì, buồn nhiều hơn vui, thường hay khóc nhè vô cớ. Thi đi làm cả ngày, không có thì giờ gần gũi với con nhiều, người đàn bà không chồng nuôi con cảm thấy vai trò làm mẹ của mình sao quá nặng nề ! Tình cờ xem chương trình truyền hình bàn về những đứa trẻ hư hỏng, Thi chú ý theo dõi một vài nguyên nhân chính yếu :
- Cha mẹ ly dị (Thi hơi nhột vì Thi cũng ly dị ).
- Cha mẹ không có thì giờ gần gũi với con cái (Thi điếng người vì Thi ít khi ở nhà).
- Cha mẹ cho tiền con cái xài phung phí (may quá còn có điều này không quan hệ đến Thi !).
Chương trình trình bày những tệ nạn xã hội. Trên màn hình những đứa trẻ tuổi choai choai nằm ngã nghiêng dưới sàn nhà, dáng vẻ lừ đừ bởi tác dụng ma túy. Khuôn mặt ngây thơ của con bé 12 tuổi bồng trong tay đứa con mới ra đời giống như đang chơi trò búp bê… Thi kinh hãi tưởng tượng một ngày nào đó con gái cưng của nàng trở thành du đãng. Viễn ảnh nhỏ Linda bỏ học phì phèo điếu thuốc lá trên môi, tóc nhuộm đỏ chải xờm lên như bờm ngựa, ôm eo ếch thằng Mỹ phóng mô tô trên highway làm Thi lạnh toát cả người.
Nhà tâm lý học râu quai nón xứ cờ hoa nghiêm trang đề nghị một vài phương pháp cứu vãn, trong đó có mục cho phép đứa bé được sống chung với thú vật. Màn ảnh chiếu qua phần giải đáp thắc mắc. Một bà Mỹ đặt câu hỏi :
- Thưa ông, nhà tui có nuôi 3 con cá nhỏ, 1 con rùa và 1 con thỏ mà sao con gái tui nó buồn hoài. Nó khóc nhiều khi vô lý lắm ! Tui hỏi nó thì nó cũng không hiểu tại sao nó khóc .
Nhà tâm lý trả lời :
- Những đứa trẻ đang trong tuổi dậy thì thường có mặc cảm vì không đạt tiêu chuẩn trong học đường.
Nhà tâm lý tế nhị có lẻ không muốn người mẹ tủi thân nên tránh dùng những chữ hạ thấp giá trị con người như « ngu, dốt, kém, đần độn… ».
Bà mẹ Mỹ giọng hãnh diện:
- Về điểm này thì tui không đồng ý với ông à nha. Con gái tui luôn luôn được xếp hạng A.
Nhà tâm lý điềm đạm giải thích :
- Có những đứa trẻ cần thể hiện và thu nhận tình thương hơn những đứa trẻ khác, mà chỉ có giống chó hay mèo mới thực hiện được điều đó. Nhất là loài chó khôn ngoan biết phát biểu tình cảm âu yếm, vui mừng. Có con thông minh hiểu được tới 50 chữ ! Khi đứa trẻ được cơ hội vuốt ve và chăm sóc con vật thì nó (đứa trẻ chớ không phải con vật) sẽ nẩy sinh tình thương và lòng trách nhiệm. Nó (đứa trẻ) sẽ giảm bớt cô đơn, bù trừ cho sự vắng mặt thường xuyên của cha mẹ. Nhờ vậy đứa trẻ có nhiều hy vọng giữ được thăng bằng nội tâm.
Đúng là nhỏ Linda, con gái độc nhất của Thi từ lâu ao ước được nuôi một con chó. Linda gợi ý nhiều lần nhưng Thi ngần ngại phải dẫn chú khuyển ra đường vào lúc trời mưa gió. Nhiều lần nhỏ Linda mở tờ báo biếu dò tìm mục bán chó và xin phép mẹ cho con gọi hỏi thăm tin tức mấy con chó mới ra đời. Linda tự quay số phône, tự đóng kịch giới thiệu là mommy đồng ý mua cho nó một con chó con, rằng nó cần biết một vài điều trước khi mommy quyết định chi tiền. Bà Mỹ bán chó tưởng trúng mối nên hồ hởi trả lời ngọt lịm tất cả câu hỏi của con nhỏ 11 tuổi. Lần nào cũng chỉ chừng đó câu: - Loại chó gì " - Sinh ra được mấy ngày rồi "- Lông màu gì " - Chích thuốc ngừa bịnh chưa "- Giá bán bao nhiêu "- Cho ăn ngày mấy bữa "- Chó đang ăn đồ hiệu gì "- Dạy dỗ bao lâu thì hết tè ẩu trong nhà ".
Linda say mê trong thế giới loài khuyển. Nó sưu tầm hình ảnh, tính nết và thuộc vanh vách tên các loài chó trên thế giới. Hai đứa bạn thân của Linda đứa nào cũng sở hữu một con. Cuối tuần con bạn Mỹ mượn chó bà hàng xóm để nhỏ Linda cầm dây xích cổ kéo đi chơi chung. Hai Mỹ, một Việt dắt ba con chó, vô cùng hãnh diện đi dạo quanh hồ vùng Colorado Springs. Phút giây bịn rịn nhất khi trả chó lại cho bà Mỹ già, Linda không quên ôm hôn nó(con chó chớ không phải bà già)vô cùng thắm thiết.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, phấn đấu với hình ảnh những người lom khom che dù dưới mưa bão kiên nhẫn chờ chú khuyển thân yêu « xả bầu tâm sự», đôi khi gặp trận gió dữ dội thổi gãy mấy cọng dù yếu ớt làm người đợi đứng run lật bật ướt như chuột lột . Thi thường thương hại cho là họ khùng và bây giờ chính Thi quyết định đi vào con đường khùng như họ.


Hai mẹ con vào tiệm bán thú vật. Thi ký tờ chi phiếu $744,99 ngay sau khi con gái nàng bỏ nhỏ vào tai mẹ rằng « về nhà con sẽ cho mẹ xem quyển sách có ghi loại chó mình mua giá 1300 dollars ». Thường khi phải chi món tiền quá lớn lòng nàng nặng trĩu nao nao buồn, nhưng lần này lại khoan khoái nhẹ nhàng vì có cảm tưởng mình lời được $555,01.
Hai mẹ con hí hửng bồng con chó con ra khỏi tiệm, thảnh thơi ngồi trên băng ghế công viên say sưa bàn thảo chọn cho nó một cái tên. Từ nay nó được gọi là Minie. Hôm đó trời vào hạ nóng nực, Linda mặc áo thun cánh tay và quần short hở cặp giò. Con Minie được nằm trên đùi của Linda. Nhỏ Linda âu yếm gọi Minie ngọt xớt là « con gái cưng của mẹ ». Vậy là từ nay Thi được lên chức bà ngoại của con chó Minie. Hai mẹ con Thi không để ý thời gian và không gian, thay phiên nhau vuốt ve con vật… Một bà Mỹ dẫn thằng nhỏ tóc vàng hoe trong lứa tuổi mẫu giáo đi ngang, nó dương cặp mắt xanh biếc ngây thơ nhìn con Minie say đắm. Thi dễ dãi nhích qua một bên nhường chỗ cho thằng Mỹ con. Bà Mỹ âu yếm khuyến khích thằng con trai nhút nhát:
“Vuốt cẳng nó đi con!”. Thằng Mỹ con hiểu lầm ý mẹ, rụt rè đưa tay vuốt ve cặp đùi của nhỏ Linda. Thi cố nín cười. Linda không để ý, nổi vui mừng vĩ đại làm đầu óc « người mẹ chó » tê liệt.
Bà Mỹ bán chó giao cho Linda một quyển sổ ghi loại Lhassa Apso, nơi và ngày sinh, màu lông, số đăng ký, hình thức tương tự như sổ thông hành của người. Sổ có đóng dấu đỏ chót làm nhỏ Linda phục lăn, mở ra mở vào xem hoài không chán mắt.
Tình cờ đọc cuốn sách viết về giống chó Lhassa Apso, Thi bỗng nhiên có lối nhìn mới đối với Minie, vừa thương hại nó vừa pha lẫn niềm kính trọng. Minie là loại chó gốc từ xứ Phật giáo Tibet. Theo truyền thuyết báo mộng của các vị thầy tu đạo hạnh cho biết một số thầy tu phạm trọng tội bị đầu thai thành kiếp chó Lhassa Apso. Giống chó này đặc biệt chỉ để giữ chùa, chúng được người Tibet tôn trọng, ai bạc đãi hay giết nó sẽ bị chính quyền Tibet xử án rất nặng. Bánh xe lịch sử đưa đẩy tụi ác ôn Trung Quốc xâm lăng xứ Tibet, ngài Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong tới Ấn Độ, không quên dẫn theo bầy Lhassa Apso tiếp tục công việc giữ chùa. Từ đó loại chó này không còn độc quyền ở xứ Tibet mà bị đem qua các nước khác gây giống, chúng tới Âu Châu vào năm 1960, sau đó được đưa qua Mỹ.
Thi cảm thấy mình may mắn được chung sống với Minie, tin rằng hai mẹ con nàng hữu duyên mới được gần gũi với vị thầy tu, cho dù đây là thày tu phạm trọng tội. Ở đời ai mà chẳng có khi lầm lỡ ! Điều đặc biệt làm Thi ngạc nhiên hài lòng là cứ mỗi sáng nghe Thi gõ ba tiếng chuông ngân nga, Minie đủng đỉnh đi vào phòng thờ Phật nằm yên chờ cho đến hết lễ.
Từ ngày con gái đi học tỉnh xa, Minie chiếm một địa vị quan trọng trong đời sống Thi. Nàng phải dậy sớm “good morning Minie” trước khi dẫn chó ra hồ, tiện thể tập thể dục, nhờ đó được an tâm và có chút hãnh diện khi mặc bộ áo tắm hai mảnh. Minie còn giúp Thi tìm lại quân bình cho tâm hồn. Tiếng nó ngáy đều đều vang lên trong đêm vắng trong căn phòng chung cư đem lại cho nàng cảm tưởng như mình không lẻ loi nơi đất lạ quê người. Thành tích vẻ vang nhất của Minie là giúp con gái Thi vượt qua cơn khủng hoảng của tuổi dậy thì và tốt nghiệp đại học.

11 năm trôi qua…
Ông bác sĩ thú y tính ra tuổi người thì hiện nay Minie độ 60 cái xuân xanh. Số tuổi mà loài người bước vào hưu trí. Số tuổi đã từng ly dị một lần hay ít ra cũng có dăm ba mối tình đổ vỡ nhưng Miss Minie vẫn là Trinh nữ! Không phải vì nó ế muộn, chẳng qua Thi lo xa, nghĩ không ra cách giải quyết bầy con tương lai của nó. Minie có đặc điểm mỗi khi gặp chó cái thì nó sủa vang rân, gầm gừ muốn gây lộn. Trái lại gặp chó đực nó lại nhảy cẩng lên ngoắc đuôi lia lịa mừng rỡ hơi quá đáng. Cũng may loài người không có đuôi, nếu có thì không chừng Thi vẫy đuôi nhiều nhất!
Vẫn giữ chiều cao 30cm, dài 60 cm với bộ lông vàng óng ả màu gà con, bà già Minie không có vết nhăn nào. Nó vẫn mang bộ mặt ngây thơ giống như đồ chơi con nít nhồi bông ai thấy cũng thương. Nếu mấy bà cở tuổi Thi có làn da không bị thoái hóa như loài chó thì đỡ tốn tiền mỹ phẩm biết mấy !
Nhờ mỗi sáng dẫn Minie ra hồ, Thi làm quen thêm một số bạn mới. Họ cũng dẫn chó đi dạo rồi lân la trò chuyện. Bảng tổng kết :
- 10 ông Mỹ sồn sồn giò cẳng coi được nhưng có vợ rồi nên không mánh mung chi!
- 3 ông Mỹ độc thân bụng bự như đàn bà chửa sắp lâm bồn thấy phát ớn!
- 1 ông Mỹ mới bị vợ bỏ nhưng thuộc loại hoài cổ, chỉ thích kể lể kỷ niệm về bà vợ cũ.
- 1 ông Việt nam cở tuổi sồn sồn cân xứng với Thi, độc thân vui tính nhưng… thất nghiệp kinh niên!
- 1 ông Mỹ trẻ cao ráo, mặt mũi từa tựa Richard Gere vô cùng hấp dẫn nhưng… gay!
Ngoài ra Thi còn quen được một tá cụ Mỹ già khú đế, lụm khụm chống gậy dẫn chó quanh hồ. Đám đàn bà Mỹ nhiều lắm đếm không hết nhưng thôi cần gì kể ra đây.
Thiệt lạ! người Mỹ thương quí chó đến nổi nhiều buổi sáng Thi ra hồ gặp Mỹ quen, họ không chào mình trước mà rất vui vẻ tự nhiên: “Good morning Minie!”.

LÊ KHÁNH THỌ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến