Hôm nay,  

Hồi Tưởng

21/10/200400:00:00(Xem: 113120)

Người viết: Phạm Đỗ Minh Quốc
Bài số 635-1175-vb4201004

Tác giả Phạm Đỗ Minh Quốc vượt biên từ Nha Trang năm 1988, định cư tại Mỹ từ 1989, hiện cư trú và làm việc tại Orange County, California.
Bài viết đầu tiên, ông Quốc ghi là “riêng tặng các bạn đã học chung với tôi ở trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền tại Đà Nẵng, cũng như các bạn đã học chung với tôi ở trường Phan Châu Trinh, và trường Hoàng văn Thụ (Phan Thanh Gian cũ)”
*

Tôi sinh ra ở Nha Trang, nhưng lại lớn lên ở Đà Nẵng. Trong trái tim tôi lúc nào cũng có một ngăn thầm kín dành cho Đà Nẵng. Trong đó có những ngôi trường cũ mà tôi đã theo học. Như trường Phan Châu Trinh, trường Phan Thanh Giản và trường Nguyễn Hiền mà tên gọi đầy đủ là trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền.
Trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền là ngôi trường đầu tiên tôi đi học, và cũng là ngôi trường tôi theo học nhiều năm nhất. Từ mẫu giáo cho đến lớp năm. Tôi còn nhớ mang máng hình như cổng chính của trường Nguyễn Hiền nằm trên đường Độc Lập. Nếu đứng từ đường Độc Lập nhìn vào trường Nguyễn Hiền thì hông bên trái của trường là đường Quang Trung. Hình như phía sau lưng của trường là trường Lycée Blaise Pascal. Tôi còn nhớ, nếu đi từ cổng ở hông bên phải vào thì sẽ gặp sân đá banh và trường Pascal và quẹo trái sẽ vào trường Nguyễn Hiền.
Trường Nguyễn Hiền lúc đầu giáo viên toàn là người Pháp, chúng tôi học bằng tiếng Pháp. Sau đó, tôi không nhớ vào khoảng lớp mấy thì đổi sang chương trình Việt. Giáo viên là người Việt. Dạy bằng tiếng Việt. Giáo viên người Phapù, chỉ dạy tiếng Pháp. Các lớp học nằm song song với đường Độc Lập, và nhìn ra hướng đường Độc Lập. Phía bên phải của các lớp học, tức là gần phía bên đường Quang Trung, có sân vũ cầu, bàn bóng bàn, và sân bóng rỗ. Bàn bóng bàn nằm giữa sân bóng rỗ và sân vũ cầu. Tôi rất thích thể thao nên nơi đây là nơi tôi lê la nhiều nhất. Giờ ra chơi, tôi thường hay đến đây đánh bóng bàn với Hà văn Tấn và Vũ anh, Vũ em.
Tôi còn nhớ được tên của một số bạn hồi đó học chung với tôi ở trường Nguyễn Hiền.
Niên khóa 1972-1973, năm lớp 6, tôi đổi sang học ở trường Phan Châu Trinh và học ở đó cho đến năm lớp 8. Cùng sang trường Phan Châu Trinh với tôi có Đinh Anh Tuệ, Trương Đình Nhân. Năm 1975, tôi đang học lớp 8/1 ở trường Phan Châu Trinh thì một biến cố lớn xảy ra. Trường Phan Châu Trinh sau đó được dành cho cấp 3 mà thôi.
Niên khóa 1975-1976, tôi bị đẩy sang học lớp 9 ở Hoàng văn Thụ tức Phan Thanh Giản cũ, học chung với Nguyễn Thanh Đức, Phạm Thị Quỳnh Anh, Lê thị Ái Nhơn. Những người bạn mới của tôi năm lớp 9 là Hứa Dân Cường, Ngô viết Hiến, Nguyễn thị Thanh Vân và Nguyễn thị Hạnh (Hạnh bún bà Đào). Năm đó tôi đang mê bóng rổ và có quay trở lại trường Nguyễn Hiền để coi các bạn mình đấu bóng rổ. Năm 1976, là một năm đầy biến cố đau thương cho tôi. Cha tôi mất trong "trại cải tạo". Tôi thi rớt kỳ thi chuyển cấp. Tôi phải đau đớn, xót xa, rời bỏ thành phố Đà Nẵng, nơi tôi đã có thật nhiều kỹ niệm.
Tôi còn nhớ đêm cuối cùng trước khi rời Đà Nẵng, có một số bạn đến chia tay với tôi. Tôi đã cố tình níu kéo và tận hưởng những giây phút cuối cùng trước khi rời Đà Nẵng thân yêu. Tôi đã lang thang rong chơi với bạn bè và là người sau cùng xuất hiện lúc xe chuẩn bị lăn bánh. Sau khi lãnh một cái tát từ mẹ tôi vì tội ham chơi, ngồi trên xe, tôi đã khóc rấm rứt không phải vì cái tát của mẹ. Tôi khóc, vì tôi phải xa Đà Nẵng, thành phố nơi tôi đã lớn lên và có qúa nhiều kỷ niệm. Không biết bao giờ tôi có thể quay trở lại. Tôi khóc, vì tôi phải xa bạn bè, xa trường lớp. Tôi khóc, vì tôi không biết ngày mai rồi sẽ ra sao " Nơi tôi sắp đến như thế nào "
Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, đã không làm tôi quên được Đà Nẵng. Năm đầu tiên ở Sài Gòn, tôi như người thất tình. Nhớ da diết. Nhớ quay quắt. Đầu óc lúc nào cũng nghĩ về Đà Nẵng. Không tiền bạc. Không bạn bè. Không trường lớp. Không nghề ngỗng. Không cha. Không quen biết ai. Thành phố thì xa lạ. Không biết đường xá. Không biết đi đâu. Không biết làm gì. Tinh thần tôi sa sút vô cùng. Cho đến một hôm, tôi gặp lại được một người bạn cũ, học chung lớp 8/1 với tôi ở trường Phan Châu Trinh, tên Nguyễn ngọc Hùng. Tôi mừng quá thế là cứ bám riết anh ta.
Nhà Hùng ở gần nhà tôi. Quận 3. Gần chợ Tân Định. Thế là ngày nào tôi cũng có mặt ở nhà Hùng. Hình như Hùng lúc đó cũng chẳng có việc gì làm và cũng chẳng đi học. Và cũng mồ côi cha giống tôi. Thế cho nên hai đứa gặp nhau mỗi ngày. Tôi thích chơi bóng rổ mà không biết chơi ở đâu. Hùng chở tôi lên sân Phan Đình Phùng đánh bóng rổ. Hùng chở tôi lên hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi bắt đầu làm quen với Sài Gòn. Hùng chở tôi đi lang thang khắp nơi, khắp Sài Gòn, trên chiếc xe đạp cọc cạch. Chúng tôi thay phiên đèo nhau. Những lúc lên dốc thì tôi ngồi phía sau, choàng hai tay ra đàng trước, phụ với Hùng, bằng cách đè hai tay của mình xuống đùi Hùng để thêm sức. Chúng tôi cứ lang thang như thế cho đến một ngày cả hai thi đậu vào trường công nhân kỹ thuật Thủ Đức. Cuối cùng, chúng tôi cũng chấm dứt cuộc sống vô vị.
Chúng tôi học nội trú ở Thủ Đức hai năm. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là vào khoảng năm 1977,1978. Thời gian này tôi lại biết thêm môn thể thao mới. Đá banh. Năm 1979, tôi ra trường. Nói ra trường cho oai. Muốn vào trường này chỉ cần học hết lớp 9 và phải qua khỏi kỳ thi tuyển sinh. Tôi học về gạch ngói. Năm 1979, tôi làm ở xí nghiêp gạch ngói Đức Tân ở Bình Lợi. Về phần Hùng, tôi không nhớ học về ngành gì và làm ở đâu.


Làm được khoảng một năm, thì chiến trường sôi động. Đảng cần bộ đội để gởi sang Cam Bốt. Tôi nghe phong phanh mình có tên trong danh sách sẽ lên đường đi Cam Bốt. Tôi bỏ việc. Biến mất. Tất nhiên, tôi không thể về nhà. Vì về nhà là bị "chộp." Một lần nữa tôi quay trở lại cuộc sống vô định. Rày đây, mai đó. Một con số không to tướng. Một lần nữa tôi lại lang thang khắp nẻo đường Sài Gòn. Một mình! Lần này không có Hùng. Trong những ngày tháng lang thang đó, tôi có đi tìm Hùng và được biết Hùng đã nhập ngũ và đang ở Cam Bốt. Năm đó tôi vừa tròn 18 tuổi.
Những năm kế tiếp sau đó là những năm khốn khổ và chịu đựng. Tôi đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân. Làm phu khuân vác. Đạp ba gác. Đi dạy kèm toán tại tư gia cho các học sinh cấp 2. Đúng. Tôi chỉ mới học hết lớp 9. Túng thì phải làm liều. Dạy lớp 8 hoặc lớp 7 thì dễ. Còn lớp 9 thì hơi hóc búa. Tôi phải mua sách ôn lại. Ôn tới đâu. Dạy tới đó. Nghề sau cùng của tôi trước khi tôi rời Sài Gòn là làm thợ chụp hình ở sở thú. Trong những năm tháng lang thang vô định đó, tôi cũng biết thêm về các "trại cải tạo". Tôi đã "viếng thăm" trại Cây Gừa, trại Vũng Tàu. Tôi cũng nhiều lần cố tìm đường thoát ra khỏi cõi ngục tù, thoát ra khỏi kiếp nô lệ, thoát ra khỏi cái "thiên đường" quái gở, nhưng không thành công.
Đầu năm 1988, tôi quay trở về Nha Trang, tìm đường vượt biên sau nhiều lần thất bại ở những nơi khác. Vào khoảng tháng ba hoặc tháng tư năm 1988, tôi khăn gói quả mướp lên tàu tại Nha Trang. Lần chia tay này, tôi không cảm thấy thương tâm hay đau đớn như lần tôi phải chia tay với Đà Nẵng. Ngược lại, tôi còn cảm thấy nhẹ nhỏm, như mình vừa dứt bỏ được một cái gì xấu xa ghê gớm mà mình phải chịu đựng bấy lâu nay. Chỉ cho đến khi mà con tàu đã rời thật xa, đất liền chỉ còn thấymờ mờ, và tôi biết chắc rằng tôi sẽ không bị bắt lại, tôi mới cảm thấy bổi hổi bồi hồi. Một cảm giác buồn ngập tràn tâm hồn tôi.
Sau bảy ngày đêm lênh đênh trên biển cả, tàu đến đảo Talampulan của Phi Luật Tân. Tôi còn nhớ group của tôi được gọi là group 153 Talampulan. Có nghĩa là tàu của tôi gồm có 153 người và đã đến đảo Talampulan. Thật sự tàu của tôi gồm có 154 người. Một người đã chết. Xác đã quăng xuống biển. Sau một năm chờ ở "quán trọ trước cổng thiên đường", tôi lên đường đi Mỹ.
Tháng 5 năm 1989 tôi đặt chân lên đất Mỹ. Năm đó tôi 28 tuổi. Bắt đầu một cuộc sống mới ở Mỹ với một mớ kiến thức ngổn ngang, với một trình độ học vấn lớp 9. Tất nhiên là có khó khăn. Nhưng không đáng kể so với những gì tôi đã trải qua. Công việc đầu tiên kiếm ra tiền của tôi là nghề bồi bàn. Nhiều người nhìn tôi ái ngại. Nhưng không sao. Mình làm ăn lương thiện mà.
Làm bồi bàn được vài tháng thì tôi quyết định đi học lại. Tôi ghi danh học tại Santa Ana college vào tháng 9 năm 1989, bốn tháng sau khi tôi đến Mỹ. Tôi đã dồn hết tâm sức vào công việc học hành.
Sau nhiều năm mài quần ở trường Santa Ana college tôi được nhận vào học ở UCI (University of California, Irvine). Mùa hè năm 1992, tức vài tháng trước khi nhập học UCI tôi lập gia đình. Đám cưới tôi, chỉ có hai người bạn xưa cũ ở Đà Nẵng là Ngô viết Hiến và Nguyễn văn Dũng. Ngô viết Hiến học chung với tôi năm lớp 9 ở trường Phan Thanh Giản. Nguyễn văn Dũng không có học chung với tôi nhưng ở gần nhà tôi. Tất cả còn lại là bạn học mà tôi quen khi học ở Santa Ana college.
Sau một tuần trăng mật tại Hawaii tôi lại đi học tiếp ở UCI. Mùa hè năm 1995, tôi học xong chương trình đại học. Cũng trong năm này. Tháng 8, 1995, con trai đầu lòng của tôi ra đời. Tôi đã đặt tên cho con tôi là Phạm Minh Quân. Sau đó thì tôi vác cuốc đi cày như mọi người.
Năm 2001, đứa con thứ hai, Phạm Minh Mẫn, ra đời. Cũng trong năm 2001, tôi đã gặp lại Nguyễn thanh Đức, tức Đức ruồi. Rồi cũng từ Nguyễn Thanh Đức, tôi bắt được liên lạc với những người bạn cũ của tôi hồi còn học Nguyễn Hiền. Rồi email. Rồi gọi phone. Rồi nhắc nhớ kỷ niệm xưa, thầy bạn cũ. Làm tôi cứ bổi hổi bồi hồi đứng ngồi không yên. Bạn tôi nay ở phương nào " Đinh Anh Tuệ ở Texas. Trương Đình Nhân ở Oklahoma. Hà văn Tấn ở Canada. Tôn Nữ Thanh Thiên ở Washington. Lê Thị Ái Nhơn và Huỳnh Thái Hòa, nghe nói vẫn còn ở Đà Nẵng, Việt Nam. Còn Trần Thọ Thành ở đâu" Không ai biết"
Sau năm 1975, chúng tôi như bầy chim vỡ tổ. Kẻ ở Canada. Người ở Mỹ. Trước đây, tôi luôn có thắc mắc, tại sao đi đâu cũng gặp người Tàu. Người Tàu hầu như có mặt khắp mọi nơi trên thế giới. Lúc trước, tôi cứ cho rằng vì dân số Tàu đông. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu. Bây giờ, người Việt Nam cũng như người Tàu, có mặt khắp mọi nơi trên thế giới.
Trở lại chuyện những người bạn của tôi. Tất cả gặp nhau ở trường Nguyễn Hiền. Sau đó mỗi người mỗi ngả. Kẻ Đông. Người Tây. Kẻ ở Canada. Người ở Mỹ. Chúng tôi ví như những chiếc lá trôi trên một dòng sông. Có chiếc thì tấp vào chỗ này. Có chiếc thì tấp vào chỗ kia. Có chiếc gặp đúng giòng nước, thuận buồm xuôi gió trôi thẳng một lèo ra biển cả bao la. Có chiếc thì trôi lòng vòng, lẩn quẩn, cuối cùng rồi cũng trôi ra biển cả, gặp những chiếc lá kia. Cũng có chiếc bị bảo tố phong ba vùi dập, chìm xuống đáy, chẳng bao giờ tìm thấy nữa. Những chiếc lá trôi được ra biển cả, tiếp tục trôi lềnh bềnh trên biển cả bao la. Cuối cùng, những chiếc lá đó sẽ trôi về đâu.
"Cõi trần kẻ trước người sau.
Cuối cùng cũng đến cái cầu xuôi tay."
Hơn ba mươi năm sau. Gặp lại những người bạn cùng trường, cùng lớp, khi còn học tiểu học. Lúc đó trong đám học trò còn quá con nít đó. Có ai biết ngày sau mình sẽ làm gì và ở đâu không" Gặp lại bạn xưa. Vui, buồn lẫn lộn. Ngồi suy tư. Nghĩ về trường xưa. Nhớ về bạn cũ. Viết lách lăng nhăng. Nhìn lại, tất cả đã ngoài bốn mươi, chao ôi!
"Time goes, you say" Ah no!
Alas, Time stays, we go."

Phạm Đỗ Minh Quốc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,263,648
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Hai bà má của tôi -má ruột và má chồng- bây giờ ''ngon lành'' hết biết. Cả hai cụ đã là công dân Mỹ, công dân của một nước ''ngon lành'' nhất thế giới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến