Hôm nay,  

Ma Với Quỉ

16/10/200400:00:00(Xem: 147938)

Người viết: TÂN NGỐ
Bài số 631-1171-vb5141004

Tân Ngố, tên thật Nguyễn Viết Tân, là một trong những tác giả góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ được bạn đọc quí mếnvới bài viết được giải thưởng năm thứ nhất “Bên Bờ Free Way”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông nhân mùa lễ ma quỉ Haloween sắp tới.
*

Nhiều người ở vùng Little Sài Gòn thường tò mò tại sao miếng đất ngay góc một con đường chính khu Sài Gòn Nhỏ, trông ngon lành là thế mà vẫn bỏ hoang"
Trước đây khoảng hơn 20 năm thì đây là một căn nhà hai tầng khá lớn, làm bằng gỗ, nằm trên một lô đất rộng đến nỗi có thể xây được bốn căn nhà. Thảng hoặc thấy có người ở, rồi lại dọn đi. Lần cuối thì thấy chủ nhà sơn lại màu trắng, thay cửa sổ trông rất sạch sẽ, thế mà chỉ ít lâu sau đã thấy họ lấy ván ép đóng bịt kín các cửa ra vào lẫn cửa sổ, vườn cây trở nên hoang tàn và cỏ mọc thì le hoe vàng úa.
Cư dân VN quanh đó thì mỗi người kể một chuyện khác nhau: Có người nói là ba mẹ con một người đàn bà Mễ khi băng ngang đường từ phía vườn dâu đối diện bị xe tông chết; Kẻ lại cho rằng đó là một thanh niên bị băng đảng bắn, lết tới trước cửa căn nhà rồi gục ở đó mà chết; Một người làm chung với tôi lại nói hồn ma trong nhà đó là một cô gái Mễ, nếu người mướn nhà là đàn ông con trai thì đêm đêm thường bị cô ta hi...ếp ...thê thảm.
Không biết tin nào là đúng, nhưng bất cứ ai dọn vào nhà này, cho dù VN hay Mễ hoặc Mỹ là đêm đêm đều bị dựng cổ, dựng giường dậy hoặc phải xanh mặt xanh mày, phát khiếp lên vì những tiếng gió rít, tiếng động lạ kẽo kẹt như tiếng nghiến răng.
Tiệm bán hàng grocery bên kia đường to lớn và đông khách là thế mà cũng bị ma phá tơi bời, đến nỗi phải đóng cửa cho đến bây giờ vẫn bị bỏ hoang.
Sao thời buổi này mà lại còn có sự ma quỉ phá phách như thế! Tôi nảy ra ý định rủ mấy người bạn mua lại căn này, sửa sang lại rồi đăng báo cho thuê từng đêm, có khối người đã từng huyên hoang không tin chuyện ma quỉ, sẵn lòng bỏ ra một vài trăm đô la đến ngủ thử và sẽ được tận mắt nhìn thấy ma, và nếu may mắn lại còn được cô ma Mễ hi .. ếp nữa.
Dự tính "nảy ra vô số tiền" đó chưa xong, thì có người đã mua mất rồi và ủi bình địa luôn căn nhà thành một miếng đất trông phát thèm, vì nhà cửa đất đai vùng chung quanh Bolsa bỗng lên giá vùn vụt gấp bốn năm lần.
Ấy thế mà miếng đất kia cả chục năm vẫn để trống mới lạ cho chứ! Cách đây hơn một năm, thấy xe đào đất Back-hoe tới ủi lên một đống khá to, ai cũng tưởng người ta sắp xây nhà đến nơi, vậy mà đống đất lại được bang xuống ... rồi mãi cho đến bây giờ lại thấy rục rịch giăng dây đào móng!!
Lại có người nói ngày trước khu này là bãi rác, nên bây giờ không cho xây nhà vì khí mê tan bốc lên, nguy hiểm cho sức khoẻ. Nói vô lý, bởi vì bãi rác đâu có nhỏ như thế, mà nếu bãi đó lớn thì sao những nhà chung quanh căn nhà này lại được phép xây"
Bạn bè làm nghề xây dựng thì lại nói khi đào đất lên họ thấy có xương cốt, chắc đó là mồ mả người Da Đỏ, mà nếu đụng tới vấn đề nghĩa trang của người bản xứ, của các bộ lạc thì rất phiền phức, nó không còn có thể điều đình ở cấp thành phố nữa mà phải lên tới Tiểu bang và Liên bang.
Như vậy chẳng có một kết luận gì về căn nhà kia cả mà chỉ là toàn là những tin đồn.
*

Trước đây tôi thường phản đối việc di dời mồ mả, vì tâm niệm rằng thân thể từ tro bụi rồi sẽ trở về với bụi tro, khi chết rồi thì cái xác phàm hay bộ xương khô chôn đâu cũng được, nhất là người sống đây còn lo không nổi miếng ăn. Nhưng người nhà bên VN thường yêu cầu thân nhân gửi tiền về xây lăng mộ cho cha mẹ, ông bà tổ tiên để trước là nở mày nở mặt với xóm làng, sau là để trâu bò không giày xéo trên phần mộ thì các ngài sẽ phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, ăn nên làm ra.
Phù hộ đâu chưa thấy, mà chỉ vì số tiền gửi về đó mà họ hàng anh em xào xáo, đánh chửi nhau vì cho rằng người nọ người kia ăn bớt ăn xén.
Theo như kinh nghiệm bản thân và bạn bè tôi kể lại thì trong 10 gia đình gửi tiền về xây mồ mả, có tới chín là gây ra sự xích mích trong anh em. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta để cho mồ mả cha ông xiêu lạc không còn vết tích, tôi chỉ xin góp ý quí vị nên tự tay về lo liệu việc đó, hoặc vì không đủ thời giờ thì chỉ giao tiền cho một người tương đối tín cẩn, mà không cho bất cứ ai hay biết ông đó nhận được tiền, hãy giả vờ như là chính ông ta bỏ tiền ra xây vậy.
Dĩ nhiên không có ai kiểm soát thì có thể ông ta bớt xén chút đỉnh nhưng vẫn còn hay hơn họp cả họ lại, rồi cạnh nanh, chửi bới, bươi móc nhau về số tiền mà họ không hề đóng góp đồng nào.
Có người xây phần mộ cho cha mẹ mình to lớn quá, lấn sang phía mộ bên cạnh, nên bị con cháu người ta ban đêm ra đập phá gẫy đổ tùm lum, có khi trét cả phân bò lên mộ bia, hình ảnh người nằm dưới mộ.
*

Mùa hè năm 2000, gia đình tôi ghé Hà Tiên thăm một người anh tinh thần là một Linh mục ở nhà thờ Hòn Chông, khi đi ngang một đập ngăn nước mặn đang xây dở dang, ông tài xế kể lại chuyện sau:


-Ở đây hồi trước có một gia đình kia có hai anh em, người anh đi vượt biên qua tới Mỹ làm ăn rất thành công. Cha mẹ già yếu rồi chết cả và được chôn ngay gần chân một ngọn núi đẹp đẽ cây cối bốn mùa xanh tốt. Người em được anh gửi tiền cho nhiều nên về SG mua nhà buôn bán sanh sống và cũng để khi gia đình anh về, có nơi ở cho tiện khỏi phải ở trọ khách sạn. Nhưng mỗi lần về VN thì cả hai gia đình lại phải về thăm mồ mả xa xôi diệu vợi quá, nên họ quyết định cải táng đem về gần thành phố mà để. Họ đến một ông thầy xin coi dùm ngày giờ bốc mộ, ông thầy cho biết ngày và thêm rằng: "Muốn cho con cháu khoẻ mạnh và làm ăn tấn phát thì giờ giở nắp áo quan phải là sau 12g đêm mới tốt".
Hai anh em về Hà Tiên ở trọ khách sạn, mướn hai xe ôm chở hai cái tiểu sành, còn họ thì chở nhau trên một xe Honda mới thuê ngay gần đó để đi bốc mộ.
Qua môi giới của anh xe ôm, họ cũng mướn được cả chục người phụ giúp đào mồ. Mặt trời chưa lặn thì họ đã đào tới nắp ván thiên, nhưng vì chưa đến giờ tốt nên cả nhóm đốt lên một đống lửa thiệt to, nướng khô mực nhậu với rượu đế và dức lác om xòm cả khu rừng. Đến lúc vừa qua khỏi giờ Tý là họ hè nhau làm cho xong việc: Hai nắp hòm được cạy lên, xương cốt được rửa bằng rượu và xếp thứ tự vào tiểu sành .
Hai anh xe ôm chạy về trước còn anh em sự chủ thì lo thanh toán tiền công và nói lời cám ơn với mấy người giúp đỡ.
Lúc đó rượu bắt đầu ngấm và thấy mất hút ánh đèn xe trước nên họ phóng hết ga.
Hai ông xe ôm về đến phòng ở khách sạn, họ bê hai cái tiểu đã được bọc kín để không ai để ý đó là xương người lên phòng, nhưng rồi đợi hoài cũng không thấy ông Việt Kiều về trả tiền công, nên tuy trời chưa sáng, một ông cũng chạy ngược lại xem hai anh em họ có ngủ lại nhà dân nào gần đó không. Ai ngờ đâu mới tới con đập đang xây cất dở dang kia, thì thấy dân chúng đang xúm xít trên bờ nhìn công an đang gỡ xác hai người bị treo ngất nghểu trên đầu những cọc sắt tua tủa đâm lên từ khối bê tông. Thì ra thay vì phải quẹo xuống ruộng để tránh công trình xây dựng, họ lại phóng xuyên qua rào cản mà rớt cả xe lẫn người xuống cả mấy chục thước chết thê thảm như vậy.
Giá mà đừng nghe lời ông thầy cải táng vào lúc nửa đêm thì đâu có "Ăn nên làm ra" kiểu đó!!!
Cách đây hơn 10 năm, chính quyền thành phố Huế ra lệnh cho dân chúng phải bốc mộ ở Cồn Mồ, Bãi Dâu đi hết để làm một xa lộ vòng cho xe cộ Bắc Nam khỏi đi xuyên qua thành phố. Chúng tôi trở về và dời mồ mả ông cha lên phía núi Ngự Bình. Vì ông nhạc tôi và những họ hàng mới chết có xây mộ xi măng nên việc lấy cốt không có gì đáng nói, chỉ có mả ông nội, ông cố bà sơ là không biết chỗ nào mà đào vì không còn dấu tích gì.
Họ hàng bên vợ tôi phần đông theo đạo Thờ Ông Bà nên họ vẫn tin tưởng vào chuyện cầu cơ hoặc lên đồng để chỉ chỗ nào là mộ. Sau khi cúng vái và viết lên tờ sớ tên tuổi của các vị, thì người ta mới chỉ chỗ cho mà đào.
Tôi ngẫm nghĩ trong bụng: Cả cái nghĩa địa này đã hàng mấy trăm năm, người ta chôn ngổn ngang không theo hàng lối thứ tự gì, rồi hồi Mậu Thân xác người vô thừa nhận chôn dấp chôn dúi, làm sao mình biết được đó chính là xương cốt người nhà"
Ấy thế mà đã tốn tiền lại còn công cốc nữa chứ, họ chỉ rất nhiều địa điểm mà đào lên chỉ toàn có sỏi đá và đất trắng phau.
Từ đó tôi không còn tin tưởng mấy người cầu hồn chỉ mộ nữa, cho đến mới đây, khi về VN thì tôi mới thay đổi ý kiến .... Vừa tin, vừa sợ.
*
Lần này về Rạch Giá tôi chỉ ở có ba ngày, mà hết hai ngày phải đi ăn đám cưới. Buổi tối chị tôi không dám tắt đèn, nói nho nhỏ:
-Ghê quá cho mấy đứa con gái nhà này, tụi nó cầm hai cái kẹp ba lá lên xăm soi mà không biết sợ!
Tôi ngạc nhiên:
-Có gì mà sợ, mà bây giờ có còn ai xài kẹp ba lá nữa"
-Cậu không biết đâu, kẹp này là ở dưới mộ đào lên.
Chị tôi kể tiếp:
- Khi bố con cô Khâm từ Mỹ trở về, nhờ được một ông thầy chỉ chỗ, nên tìm được di cốt người chú đi lính chết đâu tận ngoài miền Trung, mà còn nguyên cả thẻ bài thì ông thầy kia lại càng nổi danh. Một người nhà ở gần đây bèn nhờ ông chỉ mộ đứa con gái chôn ở đầu Kinh Tư, nhưng khi đến xin đào mộ thì chủ nhà quát lên: "Mấy người đừng nói xàm, trong nhà trong sân của tui mà nói có mồ mả gì". Thế nhưng khi ông kia nói rằng hồi 1956 dân Bắc di cư mới về vùng này, ông có được phép chủ đất cho chôn một đứa con ở vườn này, vì đồng ruộng lúc đó hoang vu bị ngập nước trắng xoá. Chủ nhà nói: "Cái này phải hỏi lại tía tui, vì hồi đó tui chưa sanh. Ông già tui hiện bây giờ ở dưới Rạch Sỏi, mấy người mướn xe đi để mời ổng lên đây coi thế nào".
Ông già lụ khụ lên xe về Kinh Tư và chỉ ngay boong địa điểm gần gốc xoài cổ thụ mà ông thầy đã chỉ. Tuy gần nửa thế kỷ mà bộ xương và mái tóc dài của cô gái còn y nguyên và hai cái kẹp ba lá trên mái tóc còn sáng dới, mà họ bỏ vô cái dĩa, để trên bàn lúc đọc kinh cầu hồn. Cậu biết không, tôi kêu tụi nó đi rửa tay mà tụi nó nói có vi trùng hay ma quái gì đâu mà Má sợ.

Tân Ngố

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,605,046
Nhạc sĩ Cung Tiến