Hôm nay,  

San Jose Có Gì Lạ Không Anh?

16/10/200400:00:00(Xem: 159276)

Người viết: Ô HÁT GIA
Bài số 631-1170-vb3121004

Tác giả Ô Hát Gia lần đầu góp bài viết về nước Mỹ: một du ký đi thăm bạn tù cũ ở San Jose. Ông chưa cho biết tên thật, nhưng theo nội dung bài viết, tác giả có sinh hoạt với nhiều văn thi sĩ và có tác phẩm đã xuất bản. Mong sẽ nhận thêm bài viết mới và mong ông bổ túc dùm tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
*

Tưởng nhớ Võ Bình

Tin thời sự cho biết tình trạng an ninh ở các phi trường trong dịp lễ Độc Lập 4 tháng 7 rất căng thẳng. Hành khách phải đến sớm để đủ thời gian qua các trạm kiểm soát hành lý và an ninh. HH và tôi từ lâu không đi đâu xa nên có chút e ngại nhưng mọi chuyện cũng “nhẹ nhàng”, chỉ lúc kiểm soát lần cuối trước khi lên máy bay thì một số người phải cởi giày, nịt, bóp, áo ngoài, đứng dang tay dang chân theo lệnh của kiểm soát viên trông thật buồn cười.
Quyền tự do cá nhân của người Mỹ đã bị mất khá nhiều từ sau vụ đại khủng bố ngày 11 tháng 9. Cái giá phải trả để bảo vệ tự do và an ninh cho người dân Mỹ là một điều không thể tránh khỏi. Và đây cũng là dịp những thế hệ trẻ ở Mỹ thấy được phải có cái giá cho tự do. Tự do không phải tự nhiên mà có! Tự do phải đi kèm với hy sinh mà ông bà họ đã dày công xây dựng và đó là niềm hãnh diện của đất nước, người dân Hoa Kỳ hiện tại.
Đến San Francisco, theo dòng người vừa ra khỏi khu vực an ninh thì có cháu tôi cầm một tấm bảng kẻ tên tôi, đứng đón. Tôi biết về cháu khá rõ qua những câu chuyện giữa ba cháu và tôi khi còn ở trong tù nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
Thấy tấm bảng lòng tôi se lại. Hậu quả của cuộc chiến Bắc Nam lại phảng phất hiện về. Chỉ có cuộc chiến dai dẳng huynh đệ do Cộng Sản Việt Nam gây ra mới làm cho tình cảm thân thuộc không có cơ hội phát triễn. Cháu đã hơn 33 tuổi mà cháu và tôi mới gặp nhau lần đầu!
Gặp nhau nơi đất khách dù mừng vui nhưng trên từng khuôn mặt vẫn còn có nét nào đó của cuộc chiến đã qua, của ngục tù, đọa đày. Hình ảnh cháu khi tôi gặp, khác khá xa với những gì tôi nghĩ. Dù hơn mười năm ở Mỹ, đời sống đã ổn định, nhưng dấu ấn nghiệt ngã trên tuổi thơ của cháu, đợi chờ cha trong tù ngục, vẫn còn đây đó trên cử chỉ, cách nói chuyện và cả nụ cười!
Đến nhà, cô cháu gái một mình đang loay hoay nấu mì Quảng đãi khách. Tôi lại ngỡ ngàng. Cô cháu đã xong việc học, lập gia đình, đời sống tốt đẹp, lại còn có nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam, cái mà có khá nhiều bạn trẻ đánh mất rất nhanh trong tiến trình hội nhập vào xã hội mới. Một xã hội sắp xếp theo thứ tự mà người đàn ông bao giờ cũng đứng đàng sau rốt! Có phải cháu đã quen nấu cơm nước thay cho mẹ, vì mẹ phải buôn bán ngược xuôi, tần tảo, lo nuôi chồng trong lao tù nên có thêm cái khôn ngoan, chín chắn, quán xuyến việc gia đình, cái khó bó cái khôn!"
Cái bếp của gia đình người Mỹ thường rất lạnh điều mà các nhà tâm lý cho rằng đó là lý do người Mỹ gặp rất nhiều khó khăn, đổ vỡ trong gia đình. Cái bếp là điểm hội tụ, là điểm nóng, nên khi cái bếp lạnh vì không nấu nướng thì không còn điểm ấm để quây quần cha mẹ và con cái. Người mẹ, người vợ, là chủ của cái bếp nên cái bếp là trung tâm điểm của gia đình. Gia đình anh chị Đỗ Nguyên dù mọi người tất bật công việc sinh sống khác nhau nhưng bao giờ cũng giữ được buổi tối hạnh phúc nhất trong tuần,ø tối thứ sáu, là buổi tối dành riêng cho cả gia đình quây quần ăn uống, sum họp. Quý thay!
Câu chuyện với hai cháu chưa dứt thì anh chị Đỗ Nguyên đi làm về. Khoảng cuối năm 1984 sau khi ra tù anh chị vào Sài Gòn tôi gặp được một lần. Lần đó HH và tôi đang sống lêu bêu, vất vả dù đang ở nhà cha mẹ nhưng lại không có hộ khẩu vì HH bị đánh lừa phải đi kinh tế mới để cho chồng sớm được trở về sum họp nên hộ khẩu ở Sài Gòn bị cắt. Đến khi tôi được ra tù thì HH bỏ kinh tế mới trở lại Sài Gòn. Hộ khẩu là sợi dây thòng lọng tròng vào tận cổ HH và tôi nhưng nghèo quá không có tiền để lo lót. Quyền tìm sống là quyền của con người nhưng đối với tù cải tạo về chúng tôi không có cái quyền nầy mà thân phận chúng tôi lại nằm trong quyền sinh sát của ông Công An khu vực! Hoàn cảnh lúc đó như thế nên gặp được nhau làm sao vui mừng trọn vẹn.
Bây giờ gặp lại, anh chị có khá nhiều đổi thay nhưng tình cảm lại nồng ấm hơn xưa, cái mà có khá nhiều người khi gặp lại thường bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối làm cho phai nhạt hoặc rườm rà kiểu phú quý sinh lễ nghĩa. Chị nói cười luôn miệng, còn anh vẫn trầm tĩnh, gần như nhát gừng, nhưng sâu lắng, tế nhị. Chuyện anh và anh Dương Văn Tươi thay nhau ẳm bồng tôi ra vô, vô ra cầu tiêu suốt đêm trong nhà tù Thanh Cẩm sống lại. Lần đó tôi bị bạo bệnh kiệt sức.
Gần hai mươi năm đã trôi qua, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu. Tóc anh và tôi nay đã bạc. Ôm nhau. Thật mừng. Anh vẫn còn phong độ, chắc và vững, chưa biến thành ông cụ dù đã lên chức ông Nội được tròn một năm. Anh có chút ái ngại vì vừa đi làm về nên quần áo đang ướp đủ loại gia vị thực phẩm nhưng có mùi nào đắng cay, chua mặn, bằng mùi tù mà chúng tôi đã trải qua!
Buổi tối được gặp lại quý anh Nguyễn Tôn Tính, Nguyễn Đức Mai, Hồ Văn Danh, Võ Bình, Mai Văn An còn quý phu nhân của quý anh thì lần đầu tiên gặp mặt.
Thấy anh Nguyễn Tôn Tính tóc bạc trắng, rất tiên phong đạo cốt, thay vì gọi bằng cụ, tôi gọi bằng Bác nhưng quý anh cũng phản đối nên đổi lại bằng anh! Khi mọi người bắt đầu sợ hãi ông tiên thời gian, thì trong chuyến xe dạo chơi trên cõi đời nầy, họ đang ngồi quay lưng lại phía trước và chỉ nhìn đàng sau! Lớp bụi mù dĩ vãng biết có tan nhanh như một chiều nắng vội"
Căn nhà khá rộng của anh chị Đỗ Nguyên chật hẳn lại. Đầy ắp tiếng cười, tiếng nói. Đông vui nhưng hao! Loại ngôn ngữ hàm súc, cô đọng của anh Nguyên! Đông người thì vui nhưng đông người hôm nay không lo hao tốn thực phẩm mà hao hơi tốn nước bọt, vì ai cũng đua nhau nói. Qúy anh chị ở đây đã gặp nhau nhiều lần nhưng cũng đua nhau lên tiếng chỉ có HH và tôi từ xa đến, lẽ ra phải nói nhiều, nhưng lại yên lặng lắng nghe! Có nghe được đủ loại chuyện các anh chị trao đổi mới thấy được cái gần gũi thân tình, trong những gia đình cựu tù ở đây. Cái hụi không tiền lời quý anh chị đã thực hiện để giúp đỡ chút tài chánh cho số anh em mới đến sau, có lẽ là do những lần gặp mặt như đêm nay. Cái hụi tự nó đã chết đi, vì mọi người đã ổn định không cần đến nữa nhưng cái hụi vẫn còn lại trong kỹ niệm.
Câu chuyện anh Nguyễn Đức Mai kể về một người bạn đã hớt tóc cho anh trong tù, khi anh ấy sang đến đây, vẫn mang theo được bộ đồ nghề cũ, tìm gặp nhau trong kỷ niệm và lại bày đồ nghề ra ở garage hớt tóc cho anh một lần nữa, rồi sau đó phiêu bạt mất liên lạc cho đến bây giờ, thật cảm động. Tôi nghĩ đây là một truyện ngắn khá hay nếu anh Mai viết lại.
Đêm mì Quảng đãi khách do cháu gái tôi nấu thật ngon. Buổi gặp mặt trở nên dễ thương hơn khi có thêm chút nhạc sống với tiếng đàn guitar của anh Mai và vài giọng hát Đỗ Nguyên, Võ Bình. Không đến nỗi là những cụ đầu râu, tóc bạc, đang lụm cụm với nhau, nhưng người đàn, người hát đều đã và đang đi vào tuổi 60, cái tuổi sửa soạn bước vào ngưỡng cửa cõi vô cùng, hỏi có xúc động không"!
Sáng hôm sau anh Nguyễn Khoa Phiên và cả gia đình anh chị Đỗ Nguyên giới thiệu HH và tôi món Dim Sum đặt biệt. Gặp anh Phiên tôi nhớ lại câu chuyện anh kể lúc còn ở trại Khe Tối về tấm ảnh của Thủ Tướng Churchill với điếu xì gà đang ngậm trên môi trong cơn giận dữ, đã lột được chân dung Con Hùm Xám Âu Châu.
Buổi trưa HH và tôi ghé thăm nhà mới của Thi sĩ Song Nhị. Gặp chị và may mắn gặp thêm Thi sĩ Diên Nghị. Quý anh chị là những người đang chăm sóc trang Văn Học Nghệ Thuật cuối tuần của tờ Thời Báo tại San Jose và đã hết mình để cho tập truyện “Những Chuyện Chưa Quên” của tôi ra đời đúng lễ Giáng Sinh năm 2001. Tuy lần đầu tiên được gặp qúy anh nhưng câu chuyện cũng không tẻ nhạt. Chỉ tiếc vì chúng tôi đến bất ngờ trong lúc hai anh đang bận rộn sắp xếp việc tổ chức tưởng niệm cố Thi sĩ Duy Năng vừa mới qua đời, chương trình sẽ diễn ra vào ngày Chúa nhật, mà HH và tôi sẽ trở về vào sáng sớm cùng ngày nên không tham dự được. Dịp nầy Thi sĩ Song Nhị trao tôi tập thơ Giấc Ng Chân Đèo, tác phẩm đầu tay và đắc ý của cố Thi sĩ Duy Năng sau 38 năm thất lạc, nhờ chị Kiều Mỹ Duyên vừa tìm lại được tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ và gia đình cố Thi sĩ tái bản để kỹ niệm.
Rời nhà anh chị Song Nhị chúng tôi đến thăm gia đình người bạn thân của HH và cũng đã chia tay nhau từ 75 đến nay. Ngày trước học chung trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt các cô còn ở tuổi ô mai, hôm nay gặp lại, may mắn thay cả hai chưa lên chức Bà! Ngày đó vì hoàn cảnh, chuyện tình của HH và tôi tưởng tan vỡ nên tôi đã tìm đến nhờ cô bạn thân nầy, nhờ chăm sóc HH, trước khi chúng tôi chia tay. Thời gian mấy mươi năm chợt dừng lại nhưng tuổi xuân đã vỗ cánh. Khoảng cách mấy mươi năm thật yên lặng. Khoảng cách mấy mươi năm như ngỡ ngàng. Nhìn nhau. Rồi líu lo òa vỡ! Ông xã của Sâm, bạn HH, bắt tay tôi. Chúng tôi thực sự xa lạ nhưng giống nhau ở điểm lao tù. HH bị giữ lại vì còn một số bạn học cũ, vừa nghe tin, sẽ kéo đến thăm. Trước khi ra khỏi nhà, muốn gợi lại chút kỹ niệm xưa, tôi lặp lại gần giống câu nói ngày trước:
- Lần nầy tôi cũng gữi HH lại nhờ chị chăm sóc giùm!
Thời gian trong đời người quả thật rất ngắn nên có những giây phút đã xãy ra mấy mươi năm rồi mà vẫn cứ nhớ rõ ràng như trước mặt.
Trên đường về lại nhà, anh Đỗ Nguyên nhận được điện thoại của anh chị Mai văn An mời đến ăn tối. Thế là bữa ăn đã nấu sẵn chờ chúng tôi tại nhà riêng của vợ chồng con gái anh, lỡ dịp.

Chúng tôi đến hơi muộn. Tiệc đang nửa chừng. Gặp thêm được một số người. Anh chị Mai Ngọc Y từ Texas qua quận Cam nhưng nghe trên nầy cũng đông vui nên kéo dài thêm lộ trình. Quý anh chị Nguyễn Quang Thùy, Nguyên Thanh và anh Vũ Văn Vang.
HH và tôi ở xa đây ngàn dặm, số bạn tù không nhiều và quả thật chúng tôi cũng ít khi nào kể chuyện lao tù, vì mỗi lần ôn lại, là mỗi lần mang cảm giác buồn. Sự gian khổ riêng đã qua, đã vào quá khứ. Có chăng là cùng chia xẻ nhau về nỗi đau với đồng bào ở quê nhà đang bị nhốt trong một nhà tù khổng lồ của Đảng Cộng Sản Việt Nam không biết bao giờ mới thấy được tự do!
Anh chị Mai Văn An đang làm nhà mới. Vật liệu ngỗn ngang nhưng quý mến bạn bè, cũng tổ chức gặp mặt anh em cho bằng được.


Ở phía sau căn nhà cũ, mấy cái bàn được nối lại thành một dãy và đủ loại ghế gom lại cho đủ chỗ ngồi. Mọi người quây quần ăn uống, trò chuyện nhưng mấy bà bao giờ cũng lu bu nhận phần khó trong việc nấu nướng, sắp xếp. Còn mấy ông vớ được cái ghế và nước uống là chuyện nổ như bắp rang! Không ai câu nệ đến hình thức. Đến với nhau chẳng vì màu sắc bên ngoài nhưng là nơi gặp gỡ của những tấm lòng! Đặt vấn đề với nhau thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều phức tạp khác xãy ra, nhưng cảm thông nhau trong sự bao dung, san sẻ, thì khi tàn tiệc, tiễn nhau là lời hẹn sẽ gặp lại.
Tiệc chưa xong anh Vũ Vang mời mọi người sáng hôm sau đến tiệm phở. Người có gia đình, mời đến nhà đã đành, còn độc thân như anh Vang lại nhờ quán phở bên đường làm điểm hẹn!
Về đến nhà gần 12 giờ đêm, hai cô bạn và HH đang ngồi đợi trong xe vì HH không có chìa khóa vô nhà.
Sáng hôm sau anh chị Đỗ Nguyên nhất định tranh thủ để đưa HH và tôi đi xem cầu Golden Gate, một kỳ quan của thế giới! Gần đến nơi, chị Đỗ Nguyên được điện thoại nhắc nhở, mọi người đang hẹn gặp tại tiệm phở dưới San Jose! Thế là lỗi hẹn.
Khi còn ở trong tù không ai trong chúng tôi có thể nghĩ được một ngày nào đó lại có dịp đứng với nhau trước công trình vĩ đại nầy của nhân loại. Kỷ Sư Joseph Strauss đã thai nghén cầu Golden Gate từ năm 1920 và xây cất từ 1933-1937, cao 220 feet cách mặt nước, dài 1.7 miles, bắt ngang qua 2 đỉnh núi! Hơn 70 năm trước người Mỹ đã có kỹ thuật xây dựng được cây cầu lịch sử nầy nhưng 70 năm sau đất nước Việt Nam vẫn lạc hậu, còn đắm chìm trong nghèo đói, ngửa tay ăn xin khắp thế giới. Đây là một tội ác mà không thể nhân danh bất cứ lý do gì để bào chữa của người đương cầm quyền tại Việt Nam!
Người độc thân thường thích không khí của gia đình và người có gia đình lại thích có chút tự do riêng tư, không có gì lạ, nhưng HH và tôi đang có một gia đình hạnh phúc cũng thích không khí của gia đình. Đi đâu xa thì nhớ nhà, nhất là HH. Bữa cơm tối trong gia đình cháu gái tôi ấm cúng lạ lùng! Những câu chuyện tản mạn, nhưng niềm hạnh phúc không ở trong câu chuyện, mà ở trong cái không khí rất dễ thương. Bao nhiêu con cái chúng ta qua những biến đổi kinh hoàng sau 75, bị bứng gốc qua đây, và bắt rễ được vào xã hội mới nầy mà không bị mất gốc, còn gìn giữ được bản sắc dân tộc" Chắc chắn phải có thêm kinh nghiệm và góp sức của cha mẹ. Dù kiến thức đã lỗi thời, dù tuổi đời làm chúng ta không còn có thể vươn tới nhưng cái còn lại là truyền thống dân tộc và đạo đức bản thân, cái đó phải chắc lọc, phải vun xới, kẻo không, thế hệ tiếp nối chúng ta lại một lần nữa thất vọng!
Một xã hội kỹ thuật, tiến nhanh như một cơn sóng lớn chóang ngợp, nếu không có nền móng vững chãi, e rằng tất cả sẽ bị sóng cuốn xa bờ!
HH và tôi qua San Jose không có một chương trình riêng nào, đi đâu cũng được, làm gì cũng được. Chúng tôi muốn bắt gặp những cái tình cờ hơn là gò bó trong những dự định. Đất nước của kỹ thuật làm thời gian trói buộc mỗi chúng ta quá nhiều cho nên thoát ra khỏi được, dù một lần, tôi nghĩ cũng đã đạt được mục đích rồi. Công việc sinh sống hàng ngày của anh chị Đỗ Nguyên thật vất vả nên chúng tôi không muốn mấy ngày nghỉ của anh chị lại vất vã hơn khi đón chúng tôi nhưng anh chị thì muốn chúng tôi biết được nhiều và gặp được nhiều bè bạn.
Chiều thứ bảy, mới khoảng 4 giờ anh chị Đỗ Nguyên đưa HH và tôi đến nhà anh chị Võ Bình. Anh chị muốn đến sớm để phụ giúp một tay nhưng cũng muộn hơn nhiều anh chị em khác. Drive way và khoảng đường trước sân nhà vẫn để trống dành chỗ cho người đến muộn. Một biểu hiện đặc biệt của một nơi chật hẹp và đông đúc.
Một dãy bàn nối liền từ cửa thông ra garage kéo dài đến cửa ra sau vườn đang được mọi người bày chén đĩa. Khu nhà bếp thật nhộn nhịp. Không biết bao nhiêu ngươì sẽ đến trong buổi họp mặt bất ngờ như thế nầy nên việc chuẩn bị thực phẩm rất khó khăn cho quý chị . Chị Võ Bình cho tôi biết “tổ chức quen rồi nên cũng dễ thôi” nhưng HH và tôi thì phục lắm.
Những người đã gặp nhau trong mấy ngày qua đều có mặt và đến sớm. Gặp gỡ thêm quí vị tại địa phương: anh Nguyễn Trọng Ngạn, chị Nguyễn Thị Nụ, gia đình anh chị Lại Công Ân và 3 cháu. Người từ xa mới đến: anh chị Nguyễn Tiến Đạt và 2 cháu từ San Bernardino Nam Cali, anh chị Nguyễn Công Danh. Người đến trễ nhất và xa nhất là anh Trác Ngọc Anh với người bạn gái từ Boston MA, đến Nam Cali, và từ Nam Cali lái xe lên đây.
Biệt danh “Đạt Đui” khi trong tù còn rất trẻ bây giờ đã là một trung niên, tóc hoa râm, vạm vỡ. “Danh Sún” đã có răng mới nhưng lại hói cái đầu! Còn Lại Công Ân thì có một chuyện tình đẹp! Anh chị mới quen và yêu nhau trước khi anh đi tù, năm 75. Chị Lại Công Ân là ái nữ của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã gặp lại Lại Công Ân qua những lần thăm viếng Bố trong tù. Gặp lại anh tù lờ vờ Lại Công Ân chị quên mất lời dạy của Bác và Đảng nào chuyên chính với kẻ thù, ngụy quyền, ngụy quân, tay sai đế quốc.. Chị vẫn kiên trì chờ đợi, không e ngại thời gian làm thay đổi tuổi trẻ và sắc đẹp của mình, cho anh tù đang bị đày đọa, không có chút tương lai. Bây giờ con trai lớn của anh chị đã cao hơn cả Bố!
Tiệc đang vui tôi nhận được điện thoại của Đinh Văn Trang, lần đầu tiên từ khi ra tù. Cả hai không còn nhận ra giọng nói của nhau! Qua đến Hoa Kỳ, anh đã bỏ ra 5 năm học về conductor và thêm 3 năm về dạy âm nhạc. “Võ nghệ” đã cùng mình nhưng chưa xuất hiện giang hồ vì còn bận sinh kế cho gia đình. Mong một ngày nào đó những nhạc bản tù “nơi em đứng đón anh ra, bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng” của anh sẽ ra mắt anh em.
Dãy bàn dài, quý bà chiếm hẵn một khu vực. Câu chuyện của quý ông và quý bà quả thực có khác nhau nên phe nào gom tụ lại phe đó. Ngồi bên phe quý ông tôi không nghe một ai nói về chuyện tương lai. Dĩ vãng vẫn là chất keo đã gắn họ lại với nhau. Những bức tường tù vô hình vẫn còn đó. Cao nghễu nghện. Tuổi trẻ đã mất, đã đau đớn, bị thiêu đốt trong đó. Thế hệ trẻ đầu tiên trưởng thành trong chế độ tự do, có kiến thức, trọng trách nhiệm, nhưng còn quá trẻ nên chưa với tới quyền lực, thì miền Nam đã bị sụp đổ bỡi nhiều lý do, trong đó có một lý do không thể chối cãi, là thành phần lãnh đạo lúc bấy giờ đa số bất tài, không có đạo đức và vô trách nhiệm.
Khoảng 9 giờ gia đình anh chị Nguyễn Tiến Đạt phải quay lại Nam Cali nên từ giã anh em. Bàn tiệc vắng dần. Một số còn đấu láo, một số di chuyển qua căn phòng khách chật hẹp bên cạnh. Ở đó tiếng đàn, tiếng hát đang réo gọi anh em.
Đỗ Nguyên và Nguyễn Đức Mai khá ăn ý cùng diễn ngâm Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. Chí ta ta biết, lòng ta ta hay. Trai trẻ bao năm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà huy. Bắt gặp một Nguyễn Đức Mai nghệ sĩ, dặt dìu tiếng đàn đệm, ngâm tiếp những chỗ Đỗ Nguyên quên. Thiếu tiếng sáo cho tiết mục ngâm thơ nhưng tiếng thập lục keyboard vẫn réo rắc. Những chất chứa, tiềm ẩn bên trong được giải bày thay lời tâm sự với anh em.
Võ Bình, ta không quên đâu người bạn tù ơi, nhớ hôm nao nhìn đôi tay xiềng xích. (thơ Minh Đức Hoài Trinh, phổ nhạc). Tôi đã nghe KL hát bài nầy. Cái điệu nghệ và tính chuyên nghiệp của KL làm mất sự xúc động trong tôi. Còn Võ Bình, khật khừng đôi lúc, lạc điệu đôi lúc, sai giọng đôi lúc, nhưng xúc động vô cùng! Chỉ có chiến hữu cùng nhau bị xiềng xích mới diễn tả hết được ta không quên đâu!
Nhiều tình ca tôi không nhớ hết, những bài hát du mọi người nổi trôi về kỷ niệm. Lắng nghe! Không, không chịu được! Tự hát, không hát được, thì hát theo. Không có tiếng nhịp vỗ tay như sinh hoạt tập thể, chỉ có tiếng hát tận đáy lòng. Ta không theo dòng nhạc nhưng tiếng nhạc đưa ta vào một nơi hoang vắng nhất, sâu thẳm nhất: nhớ về một quê hương đang ngàn trùng xa cách!
Bên nữ chỉ có một giọng hát. Chị Xuân với Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn. Phải chăng đây là cái nắng chiều cùng Đỗ Nguyên lang thang trên những con đường từ Vĩnh Điện đến Duy Xuyên 35 năm về trước!"
Một Trác ngọc Anh ngồi đó. Khuỳnh cánh tay vượn ra gỏ gỏ lấy nhịp. Hắn cao hứng, không cần biết là gỏ vào đâu, miễn là gỏ để giữ nhịp. Hắn gỏ và hát rồi huơ huơ hai bàn tay lên không... như những bóng ma trơi! Chúa Nhật của người tù Chúa sao không đến thăm" Người tù ngồi đập đá dưới cơn rét căm căm. Chúa nhật của người tù, có khi nào được yên, ngày làm không kịp thở trước họng súng vây quanh. Chúa nhật của người tù Chúa sao không đến chơi" Áo quần tơi tả bước như những bóng ma trơi. Chúa nhật của người tù có khi nào được nghe hồi chuông nhà thờ đổ thay tiếng quát liên hồi! Chúa nhật mùa xuân, thay trâu kéo cày, Chúa nhật mùa hạ, vào rừng lấy mây, Chúa nhật mùa thu, lên núi kéo gỗ, Chúa nhật mùa đông, lên cơn rét rừng. Chúa nhật của người tù Chúa sao không đến chơi, người tù ôm bụng đói như những bóng ma trơi. Chúa nhật của người tù, muốn đêm về thật mau, nằm lịm trong mộng cũ mơ những Chúa nhật nào!... Giọng khàn khàn vịt đực. Hắn hát cho chính hắn bản Chúa Nhật Của Người Tù! Có phải 6 tiếng rưởi lái xe từ quận Cam lên đây không nghỉ xả hơi nên thấm mệt, hay mất sức vì mấy ngày liên tiếp đi với người đẹp, cúp máy không ai tìm được tăm hơi" Nhưng vào rừng lấy mây, lên núi kéo gỗ, thay trâu kéo cày... thì sức đâu còn mà không khàn đặc!"
Nghe Trác Ngọc Anh hát, HH khều tôi nói nhỏ:
- Trác Ngọc Anh như còn lướng vướng cái gì đó... chưa thoát hết ra được!
Gặp nhau, hát cho nhau nghe, như một hoài niệm. Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia! Một Bà Huyện Thanh Quan hoài Lê, chỉ một triều đại (!) nhưng anh em nơi đất khách đang hoài niệm một quê hương.
Đêm hội ngộ không có lời mở đầu và cũng không có lời kết thúc, dù 1à của gia chủ, anh chị Võ Bình. Đêm hội ngộ là sự tập họp của những cánh bèo tan hợp. Một dòng nước nào đó đưa đẫy đến đây, gặp nhau, rồi cũng dòng nước sẽ cuốn mang đi. Không có ai là cây đinh của đêm họp mặt. Tất cả cùng đến và sẽ cùng đi. Mỗi người quậy một cách khác nhau. Kết hợp những cái quậy không giống ai lại là cái giống nhau: tình chiến hữu trong tù!
Sáng Chúa nhật HH và tôi trở về nơi cư ngụ, bềnh bồng trong nỗi nhớ!
Ai đó hỏi tôi:
- San Jose có gì lạ không anh"
Tôi trả lời rất trớt huớt và lạc đề:
- Có. San Jose có một nhóm gia đình anh chị em cựu tù!

Ô Hát Gia

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,327,777
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo