Hôm nay,  

Nắng Chiều Đã Tắt

09/10/200400:00:00(Xem: 167626)
Người viết: HẢI TRIỀU
Bài số 626-1165-vb4061004

Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú tại tiểu bang Vermont là một tác giả đã góp số lượng bài lớn nhất cho Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới của ông, một truyện ngắn đầy tinh thần lạc quan.
*
Ngày Ngọc Thanh đến nhận việc tại thành phố này cô không được vui cho lắm. Vẫn biết trong giai đoạn kinh tế suy thoái kiếm được job đã là may, đàng này Ngọc Thanh còn kiếm được job đúng với ngành học của mình thì còn gì hạnh phúc bằng. Nhưng cũng khó trách Ngọc Thanh. Làm sao cô không buồn cho được khi lần đầu tiên cô phải từ giã mái ấm gia đình để đến sống một thân một mình tại thành phố hoàn toàn xa lạ này.
Ngọc Thanh ra trường ngay sau biến cố 911 là lúc nền kinh tế Mỹ bắt đầu xuống dốc và mỗi lúc một thê thảm hơn. Các hãng xưởng thi nhau đóng cửa hoặc sa thải bớt nhân công. Sinh viên mới ra trường đổ xô đi tìm việc khắp nơi. Có người không tìm được việc quay trở lại trường học tiếp nhưng rồi bằng cấp càng cao lại càng khó kiếm việc hơn. Có những người tốt nghiệp đại học xong không kiếm được việc đành phải xin một chân lắp ráp hay chấp nhận làm những công việc lặt vặt tại các công ty nhỏ.
Ngọc Thanh sống tại một tiểu bang nhỏ, hãng xưởng không có nhiều và trong một tình hình như vậy thì dễ gì tìm được một công việc ngay tại nơi cô đang sinh sống. Cũng như những sinh viên mới ra trường khác, Ngọc Thanh nộp đơn xin việc ở khắp nơi chỉ mong được một nơi chấp nhận và cô đã được toại nguyện. Ngọc Thanh được gọi phỏng vấn rồi được nhận vào làm việc cho một hãng điện tử ở một thành phố của tiểu bang bên cạnh, cách nơi gia đình cô đang sinh sống khoảng 4 giờ lái xe.
Thật ra sống trên một đất nước bao la như nước Mỹ mà chỉ ở cách gia đình có 4 giờ lái xe cũng không lấy gì làm xa cho lắm. Nhiều người sống ở miền Nam phải đi làm tận các tiểu bang ở miền Bắc, sống ở miền Đông mà phải đi làm tại các thành phố thuộc các tiểu bang ở miền Tây hoặc ngược lại ... Mỗi lần muốn về thăm gia đình, họ phải đi máy bay. Ngọc Thanh may mắn hơn họ nhiều. Chiều thứ Sáu mãn giờ làm việc cô chỉ việc nhảy phóc lên chiếc Toyota Camry mới keng của cô là cô có thể yên tâm sẽ có mặt ở nhà trước 9 giờ tối. Ngọc Thanh sẽ được hưởng không khí đoàn tụ với gia đình buổi tối hôm đó, nguyên một ngày thứ Bảy hôm sau và một phần của ngày Chúa nhật trước khi cô phải lên đừơng trở lại nơi làm việc.
Một tuần lễ làm việc 5 ngày để được đền bù bằng 2 ngày sống với người thân kể cũng được lắm chứ. Chỉ có điều là mỗi chiều thứ Sáu khi bắt đầu lái xe về với gia đình Ngọc Thanh hăng hái bao nhiêu thì đến trưa Chúa nhật khi phải lên đường trở lại căn phòng buồn tẻ của cô để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tuần dài lê thê vào sáng hôm sau thì cô cảm thấy chán nản bấy nhiêu.
Thời gian Ngọc Thanh nhận việc là vào mùa hè, cô có thể về nhà hàng tuần nhưng ít tháng sau thì những lần về thăm nhà thưa dần. Chẳng phải vì sau một thời gian sống xa nhà tình cảm của Ngọc Thanh đối với người thân đã vơi cạn nhưng mà là mùa đông đã ngăn cản cô. Lái xe về mùa đông rất nguy hiểm. Có một lần Ngọc Thanh về thăm gia đình vào một ngày bão tuyết, mấy người trong công ty đã cản cô nhưng Ngọc Thanh nghĩ tuyết sẽ bớt dần, chắc không sao. Khi đi được nửa đường Ngọc Thanh mới hối hận, tuyết chẳng những đã không giảm mà càng lúc càng rơi nhiều hơn. Tuyết rơi dầy đặc, hai chiếc quạt gạt nước trên kính xe gạt tới tấp cũng không đủ sức lùa những lớp tuyết dày đặc phủ trên kính xe khiến cô tối mặt tối mày, không còn nhìn thấy đường xá đâu nữa. Đã vậy trên đường đi thỉnh thoảng Ngọc Thanh lại thấy có những chiếc xe trật khỏi xa lộ lăn xuống hố chúi đầu vào những gốc cây hoặc nằm chỏng chơ ngay bên vệ đường đưa 4 bánh lên trời. Lần đó Ngọc Thanh về đến nhà đã quá nửa đêm làm cho mọi người phải lo lắng. Từ sau lần đó Ngọc Thanh không còn dám lái xe đường xa trong những ngày có tuyết nữa.
Những khúc đường cong cong, lên xuống, lượn khúc bên những dòng suối trông rất thơ mộng về mùa hè thì về mùa đông đã trở thành những đoạn đừơng tử thần, đáng sợ, chỉ cần sơ ý một tý là có thể mất mạng.Trong suốt mùa đông Ngọc Thanh chỉ về thăm nhà vài ba lần nhưng đến ngày dự định về mà gặp thời tiết xấu Ngọc Thanh cũng đành phải hủy bỏ chuyến đi chứ không dám liều lĩnh.
Những ngày cuối tuần không về nhà được, Ngọc Thanh buồn thúi ruột. Cô không biết phải làm gì cho hết cái khoảng thời gian buồn nản này. Ngày thứ Bảy trong lúc người ta quây quần bên nhau để hưởng không khí ấm cúng của gia đình thì Ngọc Thanh chỉ biết lủi thủi một mình trong căn phòng vắng vẻ. Ngày Chúa nhật Ngọc Thanh đi dự lễ ở nhà thờ có đông người thấy cũng đỡ buồn nhưng rồi sau khi tan lễ ai về nhà nấy cô lại phải một mình nếm trải thêm một ngày vô vị.
Một lần đi lễ ngày Chúa nhật, Ngọc Thanh quen được chị Loan rồi do lời mời của chị, Ngọc Thanh theo chị về nhà chơi. Chị Loan tính tình vui vẻ cởi mở khiến Ngọc Thanh dễ gần gũi với chị. Chị Loan hơn Ngọc Thanh khoảng 5, 6 tuổi, chị đã có gia đình và được hai đứa con. Chị và chồng chị đều ở trong một nhóm giáo dân rất nhiệt thành. Họ là những người sống đạo giữa đời. Họ vừa làm tròn trách nhiệm nơi sở làm, sống tròn bổn phận ở gia đình trong vai trò làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ; đồng thời họ cũng tham gia vào sinh hoạt của giáo xứ, chu toàn bổn phận của người giáo hữu trong việc học hỏi và thực hành giáo lý ngay trong đời sống hàng ngày.
Dù rất bận rộn họ cũng dành thời gian làm việc bác ái như đi thăm hỏi người bệnh tật, già yếu, cô đơn và giúp đỡ người nghèo khổ. Đi theo chị Loan, Ngọc Thanh cũng tham dự vào những công việc này. Một lần cùng chị Loan đi thăm một viện dưỡng lão trong thành phố, Ngọc Thanh mới biết ở trong đó cũng có những cụ già người Việt. Nghe các cụ nói chuyện với chị Loan, Ngọc Thanh nhận ra rằng phần đông các cụ đều cảm thấy cô đơn, thương nhớ con cháu, luyến nhớ quê hương, nhất là thèm được nghe và nói tiếng Việt.
Gần gũi với chị Loan, dần dần Ngọc Thanh biết thêm những anh chị khác ở trong nhóm. Ngọc Thanh nhận thấy họ đều có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau; con cái của họ đều ngoan ngoãn, dễ thương. Lòng ngưỡng mộ đối với các anh chị ở trong nhóm đã đưa Ngọc Thanh đến với nhóm và cô đã trở thành một thành viên tích cực của nhóm. Ngọc Thanh quen dần với sinh hoạt của nhóm và rồi cô cũng một mình lui tới các viện dưỡng lão mỗi khi có thì giờ rảnh rỗi.
Từ ngày có dịp lui tới các viện dưỡng lão Ngọc Thanh thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và cô cũng thật ngạc nhiên khi nhận ra rằng cô đãø có thể mang niềm vui đến cho các cụ già chỉ bằng việc lui tới thăm hỏi và chia sẻ buồn vui với họ. Từ đó Ngọc Thanh nhận ra rằng trong cuộc sống không phải chỉ nghĩ đến bản thân mình mà còn phải biết chia sẻ với người khác nữa. Cô cũng hiểu được tại sao các nữ tu phục vụ người bệnh tật tại các bệnh viện mà khuôn mặt của họ lúc nào trông cũng thật rạng rỡ. Bây giờ Ngọc Thanh không còn có những khoảng thời gian buồn tẻ, không còn cái cảm giác sống vô vị nữa mà dường như cô còn cảm thấy không có đủ thì giờ để đến với những cụ già tội nghiệp.
Trong một lần đến viện dưỡng lão Ngọc Thanh có dịp thăm một cụ già hơn 70 tuổi. Gặp Ngọc Thanh cụ thật mừng rỡ, nói cười vui vẻ và cứ muốn giữ Ngọc Thanh ở lại bên cạnhï. Cụ nói cụ coi Ngọc Thanh như người thân và luôn miệng năn nỉ Ngọc Thanh ở lại nói chuyện với cụ lâu lâu một tý cho cụ đỡ buồn tẻ.


Thấy cụ cô đơn, NgọcThanh định hỏi con cháu của cụ đâu nhưng sợ cụ buồn cho nên thay vì hỏi câu hỏi đó Ngọc Thanh hỏi cụ có thích ăn phở hay bún bò không" Nghe Ngọc Thanh hỏi, đang nói cười vui vẻ bỗng cụ im bặt, vẻ mặt cụ trông thật buồn, đôi mắt cụ trở nên đăm chiêu như đang mơ về một vùng không gian hay một quãng thời gian nào đó trong quá khứ rồi cụ buột miệng "Những thứ đó quý lắm". Nói rồi cụ òa lên khóc khiến Ngọc Thanh không cầm được nước mắt cũng khóc theo cụ. Phải chăng trước đây cụ đã từng có cuộc sống khá giả, chẳng thiếu gì món ngon vật lạ nhưng nay vào lúc cuối đời thì một món ăn bình thường cũng vượt khỏi tầm tay cho nên cụ cảm thấy tủi thân" Hay là cụ có tâm sự gì lâu nay chất chứa ở trong lòng nay mới có cơ hội bộc lộ đã khiến cụ không cầm được thổn thức"
Ngọc Thanh được biết tình cảnh của nhiều cụ già Việt Nam ở trong các viện dưỡng lão rất đáng thương. Có một câu chuyện kể lại một bà cụ bị con cháu đánh lừa đưa vào viện dưỡng lão đúng vào ngày sinh nhật của cụ. Con cháu của cụ nói nhân ngày sinh nhật của cụ họ tổ chức một cuộc đi chơi xa cho cụ đổi gió. Thế rồi trên đường đi họ đã bỏ cụ trong viện dưỡng lão rồi chẳng có ai ngó ngàng đến cụ. Khi biết bị con cháu đánh lừa bỏ vào viện dưỡng lão bà cụ chỉ còn biết khóc cho số phận kém may mắn của mình và âm thầm gặm nhấm những chuỗi ngày của quãng đời còn lại trong buồn tủi. Một cụ khác nghe nói ở trong viện dưỡng lão đã hơn 10 năm mà không được con cháu đến thăm một lần mặc dầu con cháu của cụ sống cách đó không xa. Hơn 10 năm không có thân nhân đến thăm có thể nào người thân của cụ quá bận rộn đến không còn một chút thì giờ dành cho cụ hay là vì họ đã nhẫn tâm dứt tình cốt nhục" Không lẽ họ không bao giờ hiểu được nỗi khổ của các cụ do ngôn ngữ bất đồng nhiều khi muốn nói không nói được nghe người ta nói mà không hiểu gì cho nên mới trông ngóng được gặp con gặp cháu. Nhưng con cháu thì bặt tăm.
Có người bảo ở Mỹ thì phải sống theo lối Mỹ, người già thì phải vào viện dưỡng lão để được chăm sóc chu đáo chứ con cháu ai cũng có công có việc cả thì sự chăm sóc làm sao bằng những nơi chuyên môn chăm sóc người già được. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng vấn đề là khi đưa người già vào viện dưỡng lão, con cháu có thật sự nghĩ cho các cụ hay là chỉ muốn "đem người già bỏ chợ" cho được rảnh tay" Chăm sóc sức khỏe cho người già là điều cần thiết nhưng người già cũng cần được quan tâm đến cuộc sống tinh thần. Các cụ cần được thăm hỏi để không cảm thấy cô đơn. "Trẻ cậy cha già cậy con". Con cái khi còn nhỏ phải nương tựa vào cha mẹ đến khi cha mẹ về già lại bỏ rơi thì thật là nhẫn tâm quá.
Hình ảnh của cụ già mà Ngọc Thanh đã gặp khiến Ngọc Thanh nhớ tới ông nội của cô đang sống ở Việt Nam; nhưng nếu so sánh hoàn cảnh của cụ già với hoàn cảnh của ông nội cô thì cụ thật là tội nghiệp. Trên đường về nhà, Ngọc Thanh cứ suy nghĩ mãi về câu nói của cụ . Phở và bún bò chứ đâu phải là sơn hào hải vị gì mà cụ bảo là quý lắm. Chắc lâu lắm rồi cụ không có người thân đến thăm cho nên một món ăn mà người Việt Nam nào cũng có thể ăn được đã trở thành một món ăn mà cụ cho là quý hiếm. Ngọc Thanh tự hỏi không biết con cái của cụ đâu sao họ không chăm sóc cho cụ. Ngọc Thanh tự hứa lần tới khi trở lại thăm cụ cô sẽ nấu một trong hai món ăn đó đem đến cho cụ.
Hai tuần lễ sau Ngọc Thanh mới sắp xếp được thì giờ, cô định trở lại thăm cụ vào ngày thứ Bảy. Cô cũng quyết định sẽ nấu phở đem đến cho cụ như cô đã tự hứa. Chiều thứ Sáu đi làm về, Ngọc Thanh phải ghé nhà chị Loan mượn nồi vì trong nhà cô chỉ có mấy cái nồi nhỏ xíu không thể dùng để hầm xương được.
Sáng thứ Bảy Ngọc Thanh dậy sớm hơn những ngày cuối tuần khác. Cô đến chợ vào đúng lúc chợ vừa mở cửa. Ngọc Thanh mua xương bò, thịt bò, rau quế, giá sống và những thứ khác cần thiết cho nồi phở của cô. Đi chợ về, Ngọc Thanh lo hầm xương ngay để có đủ thời gian cho xương tiết ra nước ngọt. Cô rửa xương bỏ vào nồi, đổ nước cho ngập xương, vặn lửa to cho đến khi nước xủi bọt cũng là lúc chất dơ trong xương kết tụ lại thì Ngọc Thanh đổ xương ra rửa một lần nữa. Xong cô bỏ xương vào nồi cùng với cây xả, gừng nướng, hành tây nướng, hồi, đường phèn và muối rồi vặn lửa lớn đun cho sôi. Ngọc thanh vớt hết bọt sau đó đậy nắp vung, vặn lửa nhỏ để xương ra nước ngọt; thỉnh thoảng cô lại mở vung vớt bọt cho đến khi nước phở thật trong mới thôi. Trong thời gian hầm xương, Ngọc Thanh làm những công việc khác như thái thịt bò, lặt và rửa rau quế, giá v.v.
Nhìn nồi xương đã được hầm đủ thời gian để xương ra nước ngọt và mọi thứ đã được chuẩn bị xong, Ngọc Thanh tỏ ra đắc ý với nồi phở của cô. Ngọc Thanh rời bếp đến ngả lưng trên chiếc sô-pha vừa như để tưởng thưởng cho công việc cô vừa hoàn thành vừa nghỉ ngơi đôi chút trước khi lên đường đến viện dưỡng lão như cô đã định. Nhưng sau khi nghỉ ngơi khỏang nửa giờ và nghĩ tới đoạn đường đến viện dưỡng lão bỗng Ngọc Thanh thấy ngần ngại, không muốn đi nữa. Bao nhiêu cái hăng hái lúc đầu giờ đây dường như đã tiêu tan hết. Nhưng không lẽ công việc đã đến nước này rồi mà lại bỏ cuộc" Ngọc Thanh phải đương đầu với một cuộc giằng co giữa việc đi thăm cụ già và việc bỏ ý định đến viện dưỡng lão.
Lý lẽ tiêu cực nói với Ngọc Thanh rằng không đi hôm nay thì ngày khác đi cũng được được, công việc mà Ngọc Thanh làm là công việc tự nguyện chứ có ai bắt buộc đâu. Nhưng rồi Ngọc Thanh nhớ lại khi còn đi học cô thèm ăn đồ Việt Nam đến nỗi đã lén mua nồi điện đem vào nấu cơm ở trong dome. Ngọc Thanh nghĩ cô thèm ăn đồ Việt Nam thì cô có thể lén lút nhà trường chứ cụ già thì không thể làm được. Hơn nữa Ngọc Thanh bị thôi thúc phải lên đường vì "việc hôm nay chớ để ngày mai". Cô cũng chưa bao giờ thất hứa với ai cho dù cô chỉ hứa ở trong lòng chứ không nói ra. Nghĩ đến hoàn cảnh của cụ già Ngọc Thanh như có thêm sức mạnh, cô chỗi dậy và quyết định lên đường đi thăm cụ và đem phở đến cho cụ.
Trên đường đi, vừa lái xe Ngọc Thanh vừa tưởng tượng ra cụ sẽ vui như thế nào khi Ngọc Thanh đến thăm và chắc cụ sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy Ngọc Thanh còn đem phở đến cho cụ. Ngọc Thanh cũng tưởng tượng lúc đó cô sẽ vô cùng thích thú ngồi nhìn cụ ăn phở.
Mải suy nghĩ Ngọc Thanh đã đến viện dưỡng lão lúc nào không hay. Đậu xe vào bãi xong, Ngọc Thanh bước nhanh về phía cửa chính. Cô đi thẳng đến phòng của cụ già nhưng lạ thay, Ngọc Thanh không thấy cụ đâu cả, người đang ở trước mặt cô là một cụ già người Mỹ. Hỏi ra Ngọc Thanh mới biết cụ đã chết cách đây một tuần lễ rồi!
Nghe tin sét đánh Ngọc Thanh lặng người đi, cô không thể ngờ cụ đã ra đi mau như vậy. Đời người đúng là như gió thổi, như chiêm bao. Ranh giới giữa sự sống và sự chết chỉ là gang tấc. Mới hai tuần trước đây cụ còn ngồi nói chuyện với Ngọc Thanh trong căn phòng này vậy mà bây giờ căn phòng vẫn còn đây nhưng con người bằng xương bằng thịt ấy chỉ còn là bóng hình! Ngọc Thanh cảm thương cho số phần của cụ nhưng nghĩ cho cùng thì cụ đã đi xong con đường mà ai cũng phải đi để đến một thế giới khác. Trong thế giới đó cụ chẳng còn thấy cô đơn, chẳng còn luyến nhớ, chẳng còn phải buồn phải tủi nữa. "Sống gửi thác về". Cuộc sống ở thế giới đó mới là cuộc sống đích thực vàvĩnh cửu.
Sau những giây phút bàng hoàng, Ngọc Thanh trở về với thực tế, cô chào từ giã cụ già người Mỹ rồi lui ra khỏi phòng. Ngọc Thanh rời khỏi khu vực nhà dưỡng lão lòng buồn rười rượi. Nắng chiều đã tắt. Toàn khu vực viện chìm đắm trong một khung cảnh thật ảm đạm, cái ảm đạm có pha màu tang tóc. Trên đường ra bãi đậu xe, Ngọc Thanh bước những bước đi không vững. Bên tai Ngọc Thanh còn nghe vẳng vẳng câu nói "Những thứ đó quý lắm."

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,316,177
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.